- Trong hai mươi người này, có khả năng được chọn nhất là những ai?
Dương Yên phỏng đoán:
- Đứng đầu là hai đích tử và thứ tử Bùi gia ở Hoài Châu.
- Bùi gia?
Tang Vi Sương hơi mờ mịt.
- Phải, chính là cháu ruột bên mẹ của Tiểu Dung Dữ hầu Bạc Ngạn ngồi trên cao kia.
Vi Sương biết mẫu thân Bạc Ngạn chết sớm, cũng biết mẫu thân hắn còn có một muội muội, nghe nói gả đến thành Hoài Châu, có lẽ chính là Bùi gia này, tuy quan hệ quanh co vòng vèo nhưng dù sao vẫn là cháu. Những thân thích khác bên mẹ của Bạc Ngạn, nàng thật sự không biết.
- Hai người này có vào được vòng trong không?
Bạc Ngạn trong mắt nàng không phải là người tư lợi, hai đứa trẻ này chắc chắn có tài năng hơn người.
Dương Yên gật đầu:
- Bùi gia không chỉ như vậy, nghe đồn……..
Nói đến đây, giọng của Dương Yên nhỏ hơn:
- Trưởng tử Bùi gia có dị bẩm, lời đồn nói rằng cậu ta có năng lực dự đoán tương lai, đã được chọn từ lâu rồi.
Bạc Ngạn lớn như thế thì trưởng tử Bùi gia hẳn cũng không còn nhỏ.
Nhưng năng lực dự đoán tương lai này thật sự mơ hồ khó nắm bắt, Tang Vi Sương chỉ cười không nhận xét, không để bụng, nàng đoán đó chẳng qua là tin đồn thất thiệt mà thôi.
Nàng từ đầu đến cuối luôn không tin trong chuyện này có mưu kế của người kiangười thiếu niên bạch y trong trẻo thích cười ấy không nên bị quyền lợi làm nhơ bẩn, hắn không phải loại người vì đạt được mục đích mà hi sinh người thân của mình, hắn rất thiện lương.
Nàng vĩnh viễn nhớ được, hắn vì đưa chim con về tổ mà ngã từ trên cây xuống mẻ răng cửa, sau đó cũng vì một lý do nhỏ xíu mà bắt đầu luyện tập võ nghệ bất kể ngày đêm, hắn nói hắn muốn có bản lĩnh như thái phó, có thể đưa chim con về tổ dễ dàng, thế là sau đó họ trở thành học sinh của thái phó.
Bạc Ngạn ơi Bạc Ngạn, nàng thật muốn thấy khuôn mặt tươi cười của hắn, tiếc là trước kia nàng muốn kiếm tiền bất kể ngày đêm nên làm hư mắt, bây giờ nàng không nhìn rõ được dung mạo mà chỉ thấy đại khái một dáng hình còn đọng trong ký ức. Nhìn từ xa nàng biết đó là hắn, chỉ vậy thôi.
Về sau, chuyện năm ấy Văn Uyên các tuyển học sinh ở Hoài Châu được lưu truyền rộng rãi trong dân chúng.
Trong “Hoài thành di mộng” có ghi lại hết sức tỉ mỉ:
Thầy hỏi: Nếu người khác làm tổn thương mình, mình phải làm thế nào?
Mọi người nghe vậy đều sững sờ.
Bùi Hữu Minh cung kính tiến lên trả lời đầu tiên:
- Lấy đức báo oán.
Thầy gật đầu khen:
- Can đảm cẩn trọng.
Trả lời đầu tiên là can đảm, câu trả lời là lấy đức báo oán nếu không phải bản tính thiện lương sẽ không thể nói ra, cho nên là cẩn trọng.
Tang Cẩm Văn cũng tiến lên trước, thấm giọng rồi nói:
- Ta phải xem nó như một bài học, cổ ngữ có câu “Một lần ngã là một lần bớt dại”.
Giọng nói non nớt khiến mọi người cười vang, thầy khen:
- Thông minh cổ quái, khéo nói lanh lợi.
Có Cẩm Văn góp vào, mười tám người kia không còn ngại nữa, ai nấy đều trả lời xong, chỉ có Bùi Hữu Khanh vẫn im lặng.
Thầy hỏi:
- Trò thấy thế nào?
Hữu Khanh chỉnh sơ lại y phục, chắp tay cung kính trả lời:
- Nên dùng gậy ông đập lưng ông.
Mọi người kinh ngạc nhìn thầy. Thầy hơi giật mình, ánh mắt không còn mang ý cười nữa.
Lời của Hữu Khanh lấy từ “Quân tử trị người là dùng phương pháp của người để trị lại người” (trích “Trung dung tập chú” của Chu Hi). Đủ thấy năm đó Hữu Khanh mới mười một tuổi đã có quyết đoán và gan dạ kinh người.
Thầy viết cho Hoàng đế:
- Người này nếu có thể dùng sẽ là lương thần trụ cột, nếu không thể dùng thì xin giết.
Trong hai mươi người vào vòng trong, Văn Uyên các chỉ chọn tám người, danh sách được chọn sẽ treo bảng công bố vào ba ngày sau.
- Tỷ, tỷ nói xem mấy đề kia đệ trả lời thế nào? Lão sư có thích không?
Tang Cẩm Văn từ khi xuống Đài xem lễ, tìm thấy Tang Vi Sương liền phịch phịch chạy về phía nàng.
Tang Vi Sương đón lấy hắn, cười nói:
- Đúng là khiến ta cười đau bụng.
Tang Cẩm Văn nhíu mày:
- Tỷ, tỷ rốt cục có nghiêm túc xem hay không đấy, đệ buồn cười chỗ nào?
- Ta cười lúc đệ so tài bắn cung ấy………
Tang Vi Sương cười, Dương Yên bên cạnh cũng che miệng, Lâu Kiêm Gia càng cười không kiêng nể gì cả.
Cẩm Văn là người đứng đầu mục này.
- Thiếu gia đúng là lanh lợi, nô tỳ chưa từng thấy ai lưu manh vô lại như vậy.
Thục Điệp cười muốn rút gân đi tới, Vấn Ngọc và Niệp Hiệp cũng có mặt, mọi người lại tụ tập với nhau.
Vấn Ngọc cũng cười nói:
- Chúng tôi đều có xem, may mà tam thiếu gia bắn xuống đất, chứ nếu bắn lên trời thì chẳng phải là hết cách rồi sao?
Tang Cẩm Văn không phục:
- Đệ sao lại lưu manh vô lại chứ, hơn nữa thân thể đệ nhỏ thế này, đứng giữa bọn họ đệ lùn nhất, may mà lão sư nói để đệ bắn cuối cùng, đệ không giương cung nổi, dùng chân kéo cung ra thì sao nào? Lão sư nói rồi, trong hai mươi người chỉ có một mình đệ nghĩ đến việc đề này là kiểm tra tụi đệ biết mượn dùng ngoại lực………
Cũng đúng, cho dù Bùi Hữu Khanh lạnh như khối băng kia của Bùi gia có kỹ thuật bắn cung cực tốt thì đã sao? Người đứng đầu mục này là Tang Cẩm Văn, bởi vì chỉ có hắn “phá vỡ quy tắc thông thường”.
Thục Điệp lấy khăn che mặt, cười nói:
- Cẩm Văn tiểu công tử, cổ thư có viết: “Quân tử không tranh đua, nếu có thì ắt là tranh khi bắn cung chăng? Vái chào khi bước lên bắn, bước xuống uống rượu nâng chén mừng nhau, đó chính là lối tranh đua của quân tử.” (Trích “Luận ngữ” của Khổng Tử) Cho nên thuật bắn cung này người vẫn nên luyện tập thì hơn, không cầu tinh thông, chỉ cầu không mất mặt là được.
Tang Cẩm Văn đầu đầy vạch đen, thấp giọng nói:
- Đệ biết rồi……….
Hắn hơi kinh ngạc, không ngờ Thục Điệp bình thường hay cười đùa ầm ĩ lại hiểu những điều này.
Vi Sương cười sờ đầu nhỏ của hắn:
- Biết không thể xem thường người khác rồi chứ?
- Đệ đâu dám xem thường tỷ ấy.
Hắn chỉ cho rằng một nha hoàn sẽ không biết những điều này, bây giờ không khỏi cảm thán: “Thiên ngoại hữu thiên, nhân ngoại hữu nhân.” (ý nói luôn có người giỏi hơn mình, tương đương với câu “vỏ quýt dày có móng tay nhọn” của VN)
Trong thành Hoài Châu, ngay cả một tiểu nha hoàn của một nhà quý tộc cũng được lễ giáo hun đúc, các thiếu gia trong thành Hoài Châu lại càng tài hoa rõ rệt, tinh thông đánh cờ bắn cung, vậy thì ở Lạc đô càng xa xôi hơn, người nơi đó chẳng phải càng thông minh hơn hay sao? Đều có thất khiếu linh lung tâm (chỉ người tài ba có cả đức lẫn tài)? Hay đều có mắt âm dương nhìn thấu tâm hồn người khác?
Đằng sau họ chợt có một giọng nói vang lên:
- Tang Cẩm Văn, ta có thể mời đệ tham gia Lưu thương khúc thủy không?
Cẩm Văn hơi kinh ngạc, quay đầu nhìn thì thấy một thiếu niên y phục màu trắng ánh trăng, là Bùi Hữu Minh mới quen biết hôm nay.
- Ơ?
Cẩm Văn hơi giật mình, nhất thời không kịp phản ứng.
Tưởng Cẩm Văn không thể uống rượu, Bùi Hữu Minh vội giải thích:
- Nếu đệ không thể uống rượu thì có thể hai người cùng tham gia.
Nhóm Lưu thương khúc thủy này không có người lớn, đều là trẻ con, không phải vì thiếu người nên mới mời Cẩm Văn mà vì tính tình Bùi Hữu Minh giao tiếp rộng, lại rất thích Tang Cẩm Văn nên mới đích thân đến tìm hắn.
Tang Cẩm Văn cảm thấy trò này chơi rất vui, bèn nhìn Tang Vi Sương rồi kéo tay Lâu Kiêm Gia nói:
- Tang đương gia, cho đệ mượn Lâu Kiêm Gia.
Dương Yên tửu lượng không tốt, Vấn Ngọc, Thục Điệp và Niệp Hiệp là nữ tử, hắn không suy xét tới, chỉ còn lại Lâu Kiêm Gia! Chắc là huynh ấy uống rượu cũng vô tri vô giác như ăn uống vậy!
Tang Vi Sương chưa kịp phản ứng, Tang Cẩm Văn đã dắt Lâu Kiêm Gia đi theo Bùi Hữu Minh.
Lời tác giả: Câu trả lời của tiểu nam thần Bùi Hữu Khanh cực bá đạo, có phải không______“Hoài thành di mộng” là Đại Đam viết, sao thiếu được công tích vĩ đại của tiểu nam thần chứ_______
Editor: Câu "Một lần ngã là một lần bớt dại" là câu thơ của Tố Hữu chứ không phải cổ ngữ gì cả, câu gốc của Cẩm Văn là "ngã một lần khôn hơn một chút", mình thấy 2 câu này đồng nghĩa mà câu của Tố Hữu nghe hay hơn nên mới dùng.