Phục Nan Đà tiếp tục:
- Thân thể của chúng ta không ngừng biến hóa, từ thơ ấu đến thành niên rồi già lão, song “bản ngã” lại không hề biến đổi. Chính vì Linh thần vốn nằm trên Vật chất, siêu việt hơn phạm trù Cảm quan về vật chất của chúng ta, siêu việt hơn cực hạn mà Trí tính chúng ta có thể hiểu được, không thể cầm nắm được, không thể đo lường được. Sinh tử chỉ là một loại di chuyển, sự tử vong khiến ai cũng sợ đó chỉ là một cánh cửa dẫn đến một đoạn sinh mệnh khác, một tầng không gian khác, một trời đất khác. Đó không phải là kết cục mà là một cơ hội. Vấn đề nằm ở chỗ chúng ta có nắm được đạo “Phạm Ngã như nhất” cũng là đạo sinh tử hay không.
Khấu Trọng ngạc nhiên nói:
- Nghe Quốc sư thuyết pháp quả thật rất hứng thú, lại càng khiến người phải suy tư. Ta từ khi hiểu việc đến nay chưa từng nghĩ qua vấn đề này. Vì ta thấy nghĩ nhiều cũng vô ích, giống như người nước Kỷ lo trời sập. Cái “Phạm Ngã như nhất” gì đó nghe ra rất giống một loại võ công tâm pháp cực kỳ lợi hại. Không biết công phu mà Quốc sư luyện có danh tự là gì?
Chúng nhân đều không biết nên cười hay nên khóc. Ai mà biết được gã tâng bốc một thôi một hồi đột nhiên lại chuyển sang dò thám võ công của Phục Nan Đà.
Từ Tử Lăng trong lòng thầm kính phục, biết rằng Khấu Trọng không tìm được yếu điểm trong những lời thuyết pháp của Phục Nan Đà, bèn cố tình dùng chiêu “Kích kỳ” trong ngôn ngữ, nửa đùa nửa thật, dò thám phản ứng của Phục Nan Đà.
Bỏ qua quan hệ thù địch thì những lời thuyết pháp của Phục Nan Đà quả là ánh đèn soi sáng trên mặt biển mênh mông đen tối của sinh mệnh, chỉ cho những người vốn u mê nhìn thấy một đất trời mới mà trước đây họ có mắt như mù, nhìn mà không thấy.
Phục Nan Đà bật cười:
- Võ công tâm pháp của ta thực không đáng nói tới. “Phạm Ngã như nhất” đối với võ công không có quan hệ gì, lại có điểm giống với thuyết “Thiên Nhân hợp nhất” mà nhà hiền triết Đổng Trọng Thư của quý quốc đã từng nói, chỉ là lý giải đối với chữ “Thiên” có chút bất đồng. Phạm chính là Phạm Thiên, là chư thần sáng tạo và lực lượng Thiên Địa Không tam giới. Thần không phải là người mà là một dạng siêu nhiên xuất phát từ vật chất nhưng lại có lực lượng thao túng vật chất bao gồm các đấng Sáng Tạo, Bảo Tồn và Hủy Diệt. Tư tưởng này vốn lấy từ Vệ Đà kinh của bản quốc, truyền đến Ba Tư phát triển thành Đại Minh tôn giáo. Liệt công tử là người đứng đầu Ngũ Minh tử của Đại Minh tôn giáo ở Hồi Hột, đối với đoạn lịch sử này chắc còn hiểu rõ hơn bổn nhân.
Thượng Tú Phương lần đầu tiên nghe thấy thân phận Minh Tử của Liệt Hà, ngạc nhiên quay sang nhìn hắn.
Song mục Liệt Hà lộ ra duệ quang, nghênh tiếp nhãn thần của Phục Nan Đà, mỉm cười đáp lời:
- Những lời này của quốc sư sai rồi, Đại Minh tôn giáo bọn ta xuất xứ từ “Nhị Tông Tam Tế luận” của Ba Tư do Tổ Tôn Ma Ni sáng lập. Giảng giải ra là cách sử dụng hai lực lượng Sáng và Tối, phương pháp tu tập chính là thông qua hai lực lượng đối địch này, từ Sáng chuyển thành Tối, từ Tối trở lại Sáng. Chỉ có thông qua sự đấu tranh giữa Sáng và Tối mới có thể quay về nguyên trạng sơ khai của trời đất, đó là lúc hai thế lực Tối và Sáng tồn tại độc lập cân bằng với nhau. Đạo lý này với “Phạm Thiên luận” của Quốc sư không hề có điểm tương đồng nào.
Khấu Trọng và Từ Tử Lăng trao đổi bằng ánh mắt, bắt đầu hiểu rõ những điều mà Phục Nan Đà và Liệt Hà nói đến chính là sự đấu tranh về tư tưởng tôn giáo. Hai gã qua đó lại càng thêm nghi hoặc, không hiểu vì sao lang tặc của Đại Minh tôn giáo lại biến thành thủ hạ của Bái Tử Đình.
Phục Nan Đà không hề tức giận mà chỉ mỉm cười, hiển lộ trí tuệ cực kỳ cao thâm, điềm nhiên như không nói:
- Nước mưa vốn trong sạch, rơi xuống những nơi khác nhau sẽ biến thành những thứ khác nhau, nhưng vẫn không ảnh hưởng tới nguyên bản của nước mưa. “Phạm Ngã như nhất” chỉ ra rằng yếu tố bên ngoài là Phạm Thiên - tối cao của vũ trụ, cùng với yếu tố bên trong là Bản chất hoặc Linh thần của con người thực ra là cùng một bản tính. Vì vậy, chỉ có thông qua việc chế ngự Vật chất, Tâm ý, Cảm quan, Trí tính chúng ta mới có cơ hội hướng đến “Chân Như”, thông qua Linh thần mà kết hợp với Phạm Thiên. Phương pháp chế ngự năm nhân tố đó chính là tu hành theo lối Du Già, ngoài ra không còn biện pháp nào khác.
Khấu Trọng và Từ Tử Lăng tuy không động thanh sắc nhưng thực ra cả hai đều cảm thấy Phục Nan Đà thuyết pháp rất hấp dẫn. Nguyên nhân là vì quá trình luyện Trường Sinh Quyết của hai gã tuy đi khác đường nhưng lại có cùng một mục đích như thuyết “Phạm Ngã như nhất” của Phục Nan Đà. Chỉ là không thể giống như lão nói ra một cách có hệ thống phân minh như vậy. Ngoài ra, hai gã còn hiểu được Hoán Nhật đại pháp chính là một phương thức tu hành theo kiểu Du Già. Từ đó cho thấy Phục Nan Đà rất có khả năng là một cao thủ tầm cỡ ngang với Thạch Chi Hiên.
Liệt Hà đang muốn đáp lại thì tiếng bước chân chợt vang lên.
Mọi người đều nhìn về phía cửa lớn thì thấy Khả Đạt Chí đã bỏ đi giờ quay lại, thần tình nghiêm túc ngang nhiên bước vào, trên tay cầm một quyển trục vừa tròn vừa dài bằng gỗ.
Chỉ nhìn thần tình của y đã biết chuyện không phải tầm thường, ánh mắt mọi người đều đổ dồn vào quyển trục trên tay y.
Khả Đạt Chí bước thẳng đến chỗ Bái Tử Đình, dâng lên quyển trục gỗ nói:
- Mạt tướng vừa tiếp được quốc thư của Đại Hãn và Đột Lợi Khả Hãn, y lệnh lập tức trình lên cho Đại Vương quá mục.
Ai nấy đồng thời động dung, thầm kêu bất diệu.
Sắc mặt Bái Tử Đình trở nên thâm trầm ngưng trọng. Hắn đưa hai tay nhận lấy ống quyển, vươn người đứng lên, trầm giọng:
- Xin hỏi Khả tướng quân, phải chăng thánh giá của Đại Hãn đã đến Long Tuyền?
Khả Đạt Chí nhìn thẳng Bái Tử Đình, chậm rãi đáp:
- Bức quốc thư này do Quốc sư tệ quốc Ngôn Soái đích thân đưa đến. Sau khi đưa thư người lập tức rời đi, không tiết lộ gì thêm. Mong Đại Vương minh giám.
Bái Tử Đình trước mặt mọi người từ từ mở quyển lấy bức thư ra.
Song mục Phục Nan Đà tinh mang cực thịnh, thể hiện một lòng tin vô cùng lớn.
Bái Tử Đình thoáng lộ nét cười, mở bức thư bằng da dê ra xem.
Cả sảnh đường im phăng phắc đến độ một chiếc kim rơi cũng nghe được. Người người đều nín thở nhìn xem, hy vọng có thể từ biểu hiện của Bái Tử Đình khi đọc thư mà đoán ra nội dung nó.
Trong không khí ngột ngạt đến kinh người, Bái Tử Đình rốt cuộc cũng đọc xong bức thư bằng da dê mà mười phần hết chín là chiến thư đó. Lão chầm chậm cuộn quyển thư lại, đột nhiên nhìn sang Khấu Trọng nói:
- Phong thư này do Đại Hãn và Đột Lợi Khả Hãn cùng áp dấu ký tên, lệnh cho Bái Tử Đình ta ngày kia trước khi mặt trời mọc phải đích thân giao Ngũ Thải thạch đến bình nguyên Kính Bạc cách thành Nam 20 dặm. Bằng không liên quân của Đại Hãn và Khả Hãn sẽ biến Long Tuyền thành bình địa.
Thượng Tú Phương “A!” lên một tiếng thất thanh.
Khấu Trọng và Từ Tử Lăng nghe mà rởn cả tóc gáy.
Ngũ Thải thạch chính là biểu tượng lập quốc của Bái Tử Đình. Lúc mặt trời mọc ngày kia chính là thời khắc Bái Tử Đình cử hành đại điển lập quốc của Bột Hải. Nhưng bức quốc thư này chính là thông điệp tối hậu với Bái Tử Đình, buộc hắn phải bỏ việc kiến lập Bột Hải, một quốc gia có thể thống nhất cả Mạt Hạt tộc.
Việc lập quốc như tên nằm trên cung, nhất định phải bắn đi. Nếu như Bái Tử Đình khuất phục Đột Quyết, sau này sẽ khó mà ngẩng đầu làm người, nói gì đến xưng vương xưng bá.
Càng nghiêm trọng hơn là Ngũ Thải thạch lại không nằm trong tay hắn.
Khấu Trọng và Từ Tử Lăng vô tình cùng nhìn về phía Phục Nan Đà. Khấu Trọng nói:
- Đại Vương không cần nhìn ta. Sáng nay Mỹ Diễm phu nhân đã lấy lại Ngũ Thải thạch từ tay bọn ta rồi.
Song mục Bái Tử Đình chợt ánh lên một cái, nhìn về phía Phục Nan Đà. Bọn Phó Quân Tường và Liệt Hà những người biết rõ nội tình đều hướng mục quang vào vị Thiên Trúc ma tăng có tài hùng biện hơn người này, xem lão ta có phản ứng thế nào.
----------------------------------
Tạm chú thích:
Phạm Thiên: là một bậc tu đã sạch hết tình dục, siêu thăng cõi sắc- Từ điển Thiều Chửu.
Phạm Thiên (梵天), còn đọc là Phạn Thiên = Brahmadeva, xem thêm ở đây:
Theo bác yeshe: Phạm Thiên là tên một vị trời trong Ấn Độ giáo và Phật giáo. "Phạm Ngã như nhất" cũng giống như "Thiên Nhân hợp nhất", nên để chú thích.
Theo rollingstone: Sáng Tạo là Brahma (the Creator), Bảo Tồn là Vishnu (the Preserver) và Hủy Diệt là Shiva (the Destroyer), là 3 quá trình tất yếu của mọi sự vật hiện tượng, sinh ra, phát triển và mất đi.
(
------------------------------------------------------------------
mpi
Phục Nan Đà thần thái vẫn ung dung bất biến, mỉm cười nói:
- Hai vị Khả Hãn không phải muốn nhắm vào Ngũ Thải thạch, mà là nhắm vào Đại Vương.
Đoạn lão quay sang Khả Đạt Chí hỏi:
- Đúng không?
Từ Tử Lăng và Khấu Trọng nhìn nhau một cái, đều thấy trong nội tâm đối phương sự bất mãn với Đột Lợi.
Mọi người vốn là huynh đệ, vậy mà khi hắn ra những quyết định có quan hệ liên quan trọng đại thế này lại chẳng nói với hai gã một câu. Trước đây là việc hòa hảo với Hiệt Lợi, giờ là việc muốn xua quân tiêu diệt một nước sắp lập quốc là Bột Hải. Như vậy đã khiến cho hai gã bị kẹt ở giữa, vừa không nhẫn tâm nhìn thấy Long Tuyền thành lâm vào cảnh sinh linh đồ thán, lại có thể bị Bái Tử Đình gia hại bất cứ lúc nào.
Bái Tử Đình đứng thẳng người lên, lộ xuất thần thái bá chủ một phương, ngửa đầu cười dài một tràng. Cuối cùng hắn nói:
- Nếu là như vậy, xin Khả tướng quân về nói với Đại Hãn, Ngũ Thải thạch không ở trong tay Bái Tử Đình ta, e là không thể tuân theo sở nguyện của Đại Hãn.
Khả Đạt Chí lớn tiếng đáp:
- Được! Mạt tướng nhất định đem lời của Đại Vương thuật lại cho Đại Hãn không sót một chữ.
Sau chuyển hướng sang Thượng Tú Phương thi lễ nói:
- Xin Tú Phương tiểu thư thu thập hành trang, chúng ta nên lập tức rời đi.
Khấu Trọng và Từ Tử Lăng trong lòng lập tức kêu thầm “Hỏng rồi!”. Với tính tình căm ghét bạo lực chiến tranh của Thượng Tú Phương, sao nàng lại chịu tiếp nhận đề nghị của Khả Đạt Chí chứ.
Quả nhiên Thượng Tú Phương u ám thở dài, rồi cất tiếng:
- Lần này đến Long Tuyền chính là vì Bột Hải Quốc mới thành lập mà hiến nghệ, chưa hát được khúc ca mừng đó, Tú Phương tuyệt không ly khai. Khả tướng quân xin cứ tự tiện.
Khả Đạt Chí lộ vẻ ngạc nhiên, hiển nhiên hắn không hiểu rõ Thượng Tú Phương bằng Khấu Trọng và Từ Tử Lăng. Hắn chợt nhìn về phía Liệt Hà đang ung dung đắc chí ngồi cạnh Thượng Tú Phương, muốn nói lại thôi, sau cùng thi lễ nói:
- Mạt tướng cần lập tức đem lời của Đại Vương hồi báo Đại Hãn, xong việc sẽ đến nghe Tú Phương tiểu thư sai khiến.
Bái Tử Đình tựa hồ không để tâm đến việc đại quân Đột Quyết đang tiến đánh chút nào, nói nhẹ nhàng như không:
- Khả tướng quân nếu muốn quay lại tìm Tú Phương tiểu thư tốt nhất nên đến vào ban ngày, vì bắt đầu từ tối nay Long Tuyền sẽ ban hành lệnh giới nghiêm, lập tức có hiệu lực.
Tông Tương Hoa yêu kiều ứng tiếng:
- Lĩnh chỉ!
Đoạn quay người bỏ đi. Bắt đầu từ lúc này Long Tuyền sẽ ở trong trạng thái tác chiến.
Khấu Trọng và Từ Tử Lăng trong lòng chấn động. Vì sao Bái Tử Đình đột nhiên không sợ cánh quân tung hoành vô địch trên đại thảo nguyên của Đột Quyết chứ?
Khả Đạt Chí cũng lộ ra thần sắc nghi hoặc. Hành vi hiện tại của Bái Tử Đình chẳng khác nào công nhiên tuyên chiến với liên quân của Hiệt Lợi và Đột Lợi. Hắn dựa vào cái gì chứ? Y chăm chú nhìn Bái Tử Đình, gật đầu nói:
- Cho dù tương lai phải cùng với Đại Vương đối trận sa trường, mạt tướng vẫn hết lòng khâm phục dũng khí của Đại Vương.
Hắn đưa mắt nhìn lướt qua Khấu Trọng và Từ Tử Lăng, lui ra đến đại môn thi lễ rồi ngang nhiên bỏ đi.
Khấu Trọng cảm thấy hồ đồ, mọi người không phải đã nói rõ sẽ cùng đối phó Thâm Mạt Hoàn sao? Nhưng hiện tại xem bộ dạng của Khả Đạt Chí rõ ràng là phụng chỉ của Hiệt Lợi lập tức rời thành. Chuyện này thật ra là sao đây?
Từ Tử Lăng vì không biết được quan hệ mới đây giữa hai bên nên không hề có sự nghi hoặc như Khấu Trọng, chỉ đặc biệt lưu tâm phản ứng của những người khác.
Phục Nan Đà vẫn giữ thần thái thâm trầm tự nhiên, thần bí khó dò. Ba người bên Phó Quân Tường lại có biểu tình khác nhau. Đôi mắt đẹp của vị tiểu sư di này sáng lấp lánh như thể khi nghe quân Đột Quyết sắp đánh đến thì tâm tình hưng phấn. Kim Chính Tông thì mày kiếm chau lại, thần sắc ngưng trọng. Hàn Triều An lại ẩn nét cười lạnh lùng trên khóe môi, để lộ ra cảm giác thập phần tự tin của hắn.
Kỳ lạ nhất chính là Liệt Hà, sắc mặt lúc sáng lúc tối, tinh mang trong mắt không ngừng chuyển động. Xem ra hắn còn quan tâm đến sự tồn vong của Bột Hải quốc hơn bất kỳ ai khác.
Thượng Tú Phương khẽ cúi đầu, hiển thị trái tim yêu hòa bình của nàng đang cảm thấy đau khổ trước sự thực chiến tranh tàn khốc do nam nhân gây ra.
Khấu Trọng và Từ Tử Lăng cũng đang tràn đầy tâm sự thì Thượng Tú Phương đột nhiên đứng lên, những người khác đang ngồi bao gồm cả Phục Nan Đà cũng nhao nhao đứng lên theo. Chứng tỏ vị mỹ nữ tài sắc song toàn này có địa vị rất tôn quý trong lòng mọi người.
Bái Tử Đình thu hồi mục quang vốn đang dõi ra ngoài cửa, nhìn về phía Thượng Tú Phương, ngạc nhiên nói:
- Đời người “hôm nay có rượu hôm nay say, ngày mai có sầu ngày mai tính”. Dù trời có sập xuống thì cùng lắm lấy đầu ra đỡ. Chúng ta đêm nay sao không túy lúy một trận, không say không về?
Thượng Tú Phương lắc đầu:
- Tú Phương đột nhiên cảm thấy hơi mệt, muốn về phòng nghỉ ngơi.
Đoạn quay sang Phục Nan Đà nói:
- Quốc sư vừa nói chiến trường là nơi thích hợp nhất để thể nghiệm đạo Sinh Tử, hiện tại Tú Phương cuối cùng cũng thể hội được sự kỳ diệu trong đó rồi, xin lĩnh giáo!
Dứt lời chầm chậm rời ghế, Liệt Hà liền vội kéo ghế cho nàng, nhẹ giọng:
- Để kẻ ngu muội này tiễn Tú Phương tiểu thư vài bước!
Mục quang Thượng Tú Phương liếc về phía Khấu Trọng, nhãn thần chứa đựng thần sắc vô cùng phức tạp, lắc đầu cự tuyệt hảo ý của Liệt Hà, lạnh nhạt đáp:
- Tú Phương muốn tự mình yên tĩnh ra về.
Dưới ánh mắt của mọi người, nàng nhẹ nhàng dời gót ngọc, bước đến gần cửa bỗng nhiên quay đầu nhìn lại, trên mặt lộ ra thần sắc thương cảm khiến người nhìn vào cũng phải đau lòng, ngữ khí lại vô cùng bình tĩnh hướng đến Khấu Trọng:
- Nếu ngày mai Thiếu Soái rảnh, không biết có thể nhập cung gặp mặt Tú Phương không?
Khấu Trọng lập tức đáp ứng, trong lòng tự nhủ, chỉ cần còn sống sót, sáng mai gã nhất định sẽ đến gặp nàng.
Thượng Tú Phương thi lễ bước đi, thị vệ tỳ nữ tiền hô hậu ủng đi theo.
Yến đã không thành yến.
Khấu Trọng và Từ Tử Lăng cũng thừa cơ cáo từ.
Khi hai người cự tuyệt xa mã thị vệ do Bái Tử Đình phái đi hộ tống, lão bèn nói:
- Vậy hãy để Bái Tử Đình ta tiễn hai vị một đoạn!
Hai người cảm thấy ngạc nhiên, lời cự tuyệt cũng nói không ra được nữa.
Bái Tử Đình hướng đến bọn người Phó Quân Tường giao đãi vài câu, nhờ Phục Nan Đà thay mặt tiếp bọn Phó Quân Tường, Liệt Hà. Sau đó lão cho bọn thị vệ lui ra, tự mình cùng hai gã chầm chậm đi về phía cửa cung.
---oOo---
Điện đài lầu các ở đây đều mô phỏng theo Thái Cực cung ở Trường An, vô cùng ưu nhã hoa mỹ, song tâm tình của Khấu Trọng và Từ Tử Lăng lại hoàn toàn khác, chỉ nhìn thấy được nguy cơ đang tới. Đó là mỹ cảnh trước mắt này sẽ bị những cuồng phong bạo vũ do con người làm ra phá hủy.
Bái Tử Đình bước đi cạnh Khấu Trọng trầm mặc một hồi, đột nhiên cất tiếng:
- Nếu như hai vị rơi vào xử cảnh của Bái Tử Đình ta, hai vị sẽ làm thế nào?
Khấu Trọng than:
- Đối với việc này, đáp án của ta và Tử Lăng khẳng định sẽ không giống nhau, Đại Vương muốn nghe ý kiến của ai?
Bái Tử Đình bật cười:
- Hai ý kiến ta đều muốn nghe. Xin mời Thiếu soái nói trước!
Tiếng vó ngựa từ hướng Cung thành chợt vang lên, thì ra là do nữ tướng Tông Tương Hoa đang điều binh khiển tướng, thực hiện ý chỉ giới nghiêm và tăng cường phòng thủ thành nội. Từ đó có thể thấy nhân tâm trong thành hoảng hốt thế nào.
Ngày mai khai thành, chỉ cần Bái Tử Đình chịu mở cổng, những người có thể ly khai sẽ rời đi để tránh họa. Những người ở lại chính là hết lòng ủng hộ Bái Tử Đình.
Khấu Trọng điềm đạm nói:
- Đại Vương lần này chuẩn bị lập quốc, trên chiến trường quan trọng nhất là quân tình. Nếu ta là Đại Vương, đến lúc này vẫn chưa biết được vị trí và quân lực của liên quân Đột Quyết thì sẽ bỏ thành mà chạy. Chỉ cần giữ được rừng xanh, sợ gì không có củi đun chứ.
Bái Tử Đình dừng chân, thâm thúy nhìn Khấu Trọng một cái đáp:
- Ba ngày trước đại quân bọn chúng vẫn đóng ở nơi cách khoảng ba mươi dặm về phía tây Hoa Lâm. Binh lực có khoảng năm vạn, chủ yếu là Hắc Lang Quân. Dù ta hiện tại không biết bọn chúng đóng quân ở đâu, nhưng chỉ cần địch quân tiến vào phòng tuyến cảnh giới của Bột Hải, bảo đảm sẽ không qua được tai mắt của ta.
Khấu Trọng nói:
- Cũng may đây là một thành trì chứ không phải là bình nguyên, nếu không đại quân của họ có thể nhanh hơn cả thám tử hồi báo của Đại Vương đấy. Bọn ta ở Thống Vạn thành từng lĩnh giáo chiến thuật của người Đột Quyết, lúc đến tuyệt không có gì báo trước, đến khi biết được thì chỉ còn có hơn nửa khắc thời gian để đối phó. Quả là xứng với lời tán thưởng “tật như phong, kính như hỏa“ (nhanh như gió, mạnh như lửa).
Từ Tử Lăng nói:
- Giả như quân Đột Quyết khi công thành lại dùng toàn lực phong tỏa mọi đường dẫn đến Long Tuyền, cắt đứt giao thông thủy lục, trùng trùng vây khốn, biến Long Tuyền thành một tòa cô thành. Đại Vương tính có thể duy trì được bao lâu?
Khóe miệng Bái Tử Đình xuất hiện nét cười đầy tự tin đáp:
- Hai vị đối với Long Tuyền nhận thức chưa được sâu, tất nhiên không biết bọn ta có thể tự cấp tự túc nên không sợ vây thành. Điều ta lo lắng chính là những năm gần đây Đột Lợi và Hiệt Lợi vì tiến công Trung Thổ của các ngươi đã tốn rất nhiều công phu nghiên cứu chiến thuật công thành. Triệu Đức Ngôn lại là nhà binh pháp công thành trứ danh. Có hắn chủ trì đại cục quả là rất khó chống cự.
Khấu Trọng hỏi:
- Đại Vương có từng nghĩ qua sẽ dời lại việc lập quốc, cầu hòa với Đột Quyết không?
Bái Tử Đình cương quyết lắc đầu:
- Đây là việc không thể xảy ra. Không có chuyện gì có thể thay đổi quyết định lập quốc vào ngày kia của ta cả.
Nói xong tiếp tục cất bước, hai tay chắp sau lưng, mỗi bước đều hết sức ổn định có lực.
Bái Tử Đình lại cười ha hả nói:
- Cả đời ta thích nhất là nghiên cứu các chiến dịch cổ kim, vô luận đại chiến tiểu chiến, nổi danh hoặc không nổi danh ta đều xem qua cả. Từ đó đã nhìn ra một đạo lý là không có trận nào là tất thắng. Trên chiến trường có rất nhiều biến cố. Chẳng hạn như ta chọn tháng tư để lập quốc bởi vì tháng tư là tháng có nhiều mưa nhất, lợi thủ không lợi công.
Khấu Trọng và Từ Tử Lăng đều có cảm giác là phải đánh giá lại thật kỹ con người này. Hai gã trong lòng thầm nghĩ nếu ngày mai trời đổ mưa thật lớn thì khẳng định sẽ ngăn cản được sự tiến công của liên quân Đột Quyết.
Khấu Trọng nói:
- Thế nhưng Đại Vương vẫn không nghĩ là Hiệt Lợi và Đột Lợi lại hòa hảo với nhau, cùng liên thủ tấn công Long Tuyền chứ?
Ba người ra khỏi cổng cung, bước vào khu vực Hoàng thành, chỉ thấy một đội kỵ binh phóng ngựa dọc theo ngự đạo rộng rãi nối liền cửa cung và Chu Tước môn của Hoàng thành.
Mặc dù tiếng vó ngựa vang lên chấn động cả đất trời nhưng không khí vô cùng bình tĩnh, chứng tỏ binh sĩ thủ hạ của Bái Tử Đình đều kinh qua huấn luyện kỹ lưỡng, đội hình hoàn chỉnh, không hề vì người Đột Quyết sắp đánh vào mà náo động bất an hay tỏ vẻ khẩn trương.
Bái Tử Đình lại dừng bước nói:
- Không phải là chưa từng nghĩ qua. Bất kỳ khả năng nào cũng được chúng ta suy đi nghĩ lại nhiều lần. Chỉ là không nghĩ đến hai vị lại đến đây. Ta muốn nhờ hai vị một việc, hy vọng sẽ không bị cự tuyệt.
Khấu Trọng và Từ Tử Lăng thầm kêu “Tới rồi!”. Khấu Trọng nói:
- Bọn ta đang rửa tai lắng nghe.
Đột nhiên có mười mấy kỵ mã phóng tới, dẫn đầu chính là Tông Tương Hoa, Cung Kỳ cũng ở trong nhóm đó. Tất cả đều là tướng lĩnh toàn thân giáp trụ, đội hình chỉnh tề, phi thẳng đến cách ba người khoảng một trượng thì bất thần thu cương, các chiến mã đều đứng thẳng trên hai chân sau, ngẩng đầu lên hý dài. Bọn Tông Tương Hoa đồng thời bạt xuất yêu đao, huơ xéo lên trời hướng về phía mặt trăng, cùng nhau hô lớn, động tác vô cùng đẹp mắt.
Khấu Trọng và Từ Tử Lăng tuy không hiểu tiếng Mạt Hạt của bọn họ, nhưng cũng đoán được đó là lời thề chết trung thành với Bái Tử Đình.
Không khí cuồng nhiệt, sĩ khí bốc cao.
Bái Tử Đình lớn tiếng đáp lại.
Chiến mã đứng lại ổn định. Chúng tướng đồng loạt hạ mã, không hề nhìn đến Khấu Trọng và Từ Tử Lăng, nối nhau tiến vào đại môn của Cung thành. Chiến mã liền được các thị vệ dẫn đi, hiển nhiên bọn họ đến là để dự hội nghị quân sự cùng Bái Tử Đình.
Khấu Trọng vốn chỉ muốn nhìn Tông Tương Hoa, nhưng lúc đó cũng không thể không chuyển hướng chú ý sang Cung Kỳ, chỉ thấy hắn song mục xạ xuất quang mang cuồng nhiệt. Gã đồng thời cũng nghĩ nếu chút nữa bị tập kích ngoài Chu Tước đại môn thì tính ra không có quan hệ gì đến Cung Kỳ vì hắn phải dự hội nghị, không thể phân thân.
Từ Tử Lăng nghĩ nếu quân dân Long Tuyền thành đều biến thành tín đồ của Phục Nan Đà, xem tử vong là một dạng thăng tiến không phải kết thúc, vậy người người đều biến thành dũng sĩ không sợ chết, chắc chắn không phải chuyện chơi.
Thanh âm Bái Tử Đình truyền vào tai hai người:
- Hiệt Lợi và Đột Lợi không thể thua trận này, nếu không thì lịch sử của đại thảo nguyên phải viết lại rồi.
Khấu Trọng chưa từng nghĩ rằng Lang quân hoành hành thảo nguyên của Đột Quyết lại có thể bại trong tay Bái Tử Đình. Song lúc này khi chính mắt nhìn thấy tinh binh Mạt Hạt khí thế như cầu vồng, sĩ khí dâng cao cùng với sự tinh minh lợi hại, nhìn xa trông rộng của Bái Tử Đình, lần đầu tiên gã tính đến sự tồn tại của khả năng này.
Bái Tử Đình chợt chuyển sang đề tài khác:
- Ngày đó Thiếu Soái dùng tàn binh của Độc Bá sơn trang, chỉ nhờ vào tường thành của Cảnh Lăng, kiên cường chống đỡ hùng sư Giang Hoài của Đỗ Phục Uy. Trận này đã khiến cho Thiếu Soái bộc lộ tài ba, cũng khiến cho lão Đỗ hiểu được một cách sâu sắc câu “sóng sau dồn sóng trước“, dẫn đến kết quả lão thần phục Lý Thế Dân sau này.
Khấu Trọng ngạc nhiên hỏi:
- Sao Đại Vương lại hiểu rõ tình hình Trung Thổ như chính mắt chứng kiến vậy?
Bái Tử Đình dẫn hai người xuyên qua Hoàng thành, tránh đường ngự đạo đang có nhiều kỵ binh qua lại, đi vào một lang đạo phía đông của Hoàng thành, hướng về phía Chu Tước môn, vừa đi vừa nói:
- Vào ngày mùng một và mười lăm mỗi tháng ta đều nhận được báo cáo về tình hình mới nhất ở Trung Thổ. Cũng như Thiếu Soái nói, quân tình là quan trọng nhất mà, đúng không?
Khấu Trọng và Từ Tử Lăng đưa mắt nhìn nhau, trong lòng đều nghĩ Bái Tử Đình cũng là một bậc kiêu hùng có dã tâm với Trung Thổ như Hiệt Lợi. Nếu để hắn xưng bá thảo nguyên, đó sẽ trở thành một mối lo ngại càng lớn hơn của Trung Thổ! Bởi vì trên đại thảo nguyên không ai am tường chính trị văn hóa của Trung Thổ hơn hắn.
Từ Tử Lăng nói:
- Không phải Đại Vương vừa rồi có lời muốn nói sao?
Chu Tước đại môn hiện ra trước mắt.
Hai mươi tên ngự vệ nghiêm túc đứng chào, đồng thời hô lên bằng tiếng Mạt Hạt, đoán ra thì chắc là mấy câu đại loại “Đại Vương vạn tuế!” hay “Đại Vương tất thắng!” gì đó.
Hai người đang nhức đầu về tám vạn tấm da dê và hàng hóa của Bình Diêu thương. Trong tình hình đại chiến sắp nổ ra, muốn bắt một người ngay cả liên quân Đột Quyết cũng không sợ nhả số đồ đó ra e chỉ là người si nằm mộng.
Bái Tử Đình dừng bước, dụng thần nhìn hai gã mỉm cười:
- Ngày mai sau khi Thiếu Soái đi gặp Tú Phương tiểu thư, xin hãy lập tức rời khỏi Long Tuyền, bổn nhân cảm kích bất tận.
Hắn tuy thốt lời khách khí nhưng thực ra là hạ lệnh đuổi khách. Lại ám thị rằng nếu không vì nể mặt Thượng Tú Phương thì đã lập tức buộc hai người rời khỏi. Thế nhưng Khấu, Từ lại khó mà trách hắn được. Bọn gã chính là huynh đệ của Đột Lợi, lại thuộc loại nhân vật như thiên binh thần tướng, chiến tích lẫy lừng. Không đem bọn họ giết ngay tại chỗ đã là nhân chí nghĩa tận rồi.
Khấu Trọng cười khổ:
- Nếu ngày mai bọn ta vẫn còn sống, tất nhiên sẽ tuân theo phân phó của Đại Vương. Chỉ là Tú Phương tiểu thư nàng…
Bái Tử Đình ngửa mặt lên trời cười dài, hào tình dâng cao, sau đó tiếng cười chợt tắt, sắc diện biến thành vô cùng lãnh khốc, từng chữ từng chữ nói:
- Tú Phương tiểu thư chính là nữ tử mà bổn nhân quan tâm nhất. Cho dù Long Tuyền có bị san thành bình địa ta cũng có thể bảo đảm không ai đụng đến một cọng tóc của nàng. Dù là hung tàn như Hiệt Lợi, Đột Lợi đối với nàng cũng chỉ có lễ kính mà thôi. Thiếu Soái có thể yên tâm. Mời!
---oOo---
Bước ra khỏi ngoại môn Chu Tước của Hoàng thành, cả con đường Chu Tước đại nhai yên tĩnh như quỷ vực. Chỉ có một đội kỵ binh đang chạy gấp từ phía sau hai người bọn họ hướng ra phía trước, sau đó bóng lưng khuất dần nhưng tiếng vó ngựa vẫn còn vọng lại. So với tình cảnh nhiệt náo ngựa xe tấp nập lúc trước thì giống như một thế giới khác, hoàn toàn không có liên hệ gì.
Khấu Trọng than:
- Kế phản thích khách của ta khẳng định là hỏng rồi. Lão tử ta từ nay sẽ bị người ta gọi là Trọng Khấu. Trong tình huống thế này thích sát chỉ là nói đùa thôi.
Từ Tử Lăng gật đầu đồng ý. Tình huống trước mắt thích khách không có gì để yểm hộ, làm sao tiến hành thích sát? Chỉ tổ dụ tuần binh đến can thiệp mà thôi.
Lại có một đội kỵ binh phi ra từ Chu Tước môn, chạy vào con đường lớn bên tay trái, họ còn kịp hướng về phía hai người kính lễ.
Ai có thể dự đoán được tình cảnh lúc rời cung lại là thế này chứ.
Từ Tử Lăng thở dài một hơi nói:
- Bái Tử Đình sẽ tuyệt không để chúng ta sống mà rời khỏi Long Tuyền đâu.
Khấu Trọng giật mình:
- Không nghiêm trọng vậy chứ!
Từ Tử Lăng nói:
- Sáng nay khi Bái Tử Đình đến Tứ Hợp viện tìm chúng ta lòng đã có sát cơ rồi. Hiện tại lại càng không thể thả hổ về rừng, vì nói không chừng chúng ta sẽ giúp Đột Lợi công đả Long Tuyền. Trong chiến tranh không nói đến nhân nghĩa đạo đức, mà chỉ có bất chấp thủ đoạn. Hắn muốn giết chúng ta, đêm nay là cơ hội tốt nhất.
Khấu Trọng không hiểu hỏi:
- Nếu là như vậy, vừa nãy tại cung nội sao hắn không động thủ?
Từ Tử Lăng đáp:
- Chính vì hắn chưa nắm chắc sẽ thu thập được Đột Lợi nên mới không muốn gánh tội danh giết chết chúng ta. Chỉ cần chúng ta không chết trong cung, hắn có thể phủi sạch mọi trách nhiệm, tất cả sẽ do bọn Thâm Mạt Hoàn gánh lấy.
Khấu Trọng hít một hơi khí lạnh nói:
- Tên tiểu tử Khả Đạt Chí đi rồi, Sư tiên tử lại ra ngoại thành tìm Chúc Ngọc Nghiên. Tứ Hợp viện rất có thể có một đám đông cao thủ đang đợi chúng ta tự sa vào lưới. Cổng thành tường thành đều có thủ vệ thâm nghiêm. Bọn ta giống như là bị giam trong một nhà tù lớn vậy, có chỗ nào là an toàn không?
Mục quang Từ Tử Lăng quét qua mái ngói các căn nhà hai bên đường, nhà nhà hộ hộ đều đóng cửa tắt đèn, thầm thấy kỳ lạ, nói:
- Sao không thấy Âm Hiển Hạc?
Khấu Trọng cảm thấy rợn tóc gáy nói:
- Ta lần đầu tiên cảm thấy sinh tử không nằm trong tay mình mà do kẻ khác thao túng. Hiện tại chỉ cần địch nhân ở bất cứ phía nào toàn lực đến đánh thì bọn ta không chống đỡ được bao lâu.
Lại nói:
- Hai ta có nên lập tức trốn ra ngoài thành, chạy được đến đâu thì chạy không?
Từ Tử Lăng cương quyết lắc đầu:
- Đêm nay chúng ta không những phải giữ mạng mà còn phải giết Thâm Mạt Hoàn và Thạch Chi Hiên. Bị thương thì có cách đánh theo kiểu bị thương, đây không phải là hào ngôn tráng ngữ của Thiếu Soái nhà ngươi sao?
Khấu Trọng hít sâu vào một hơi, song mục xạ ra thần sắc bất khuất đáp:
- Nói đúng lắm. Tham sinh úy tử tuyệt không phải là đạo đối phó địch nhân. Chi bằng bọn ta trước hết đi tìm Việt Khắc Bồng. Y có lẽ là người duy nhất có thể giúp chúng ta lúc này.
Từ Tử Lăng gật đầu đồng ý. Hai người bước nhanh về phía trước, đầu tiên men theo đường lớn, sau đó rẽ sang một hẻm nhỏ, chớp mắt đã biến mất trong bóng tối của Long Tuyền thành.
-------------------------------
Tứ Diện Sở Ca
四面楚歌
“Tứ Diện Sở Ca” có nghĩa là bốn mặt thọ địch, thế bị cô lập không có tiếp viện, rơi vào tuyệt cảnh không còn chỗ nào nương tựa. “Sở Ca” là giọng ca của người nước Sở, tiếng ca của người nước Sở từ bốn phương tám hướng truyền đến.
Câu này bắt nguồn từ “Sử Ký – Hạng Vũ Bản Kỷ”: quân Hạng Vương dồn tại Cai Hạ … trong đêm bỗng nghe Sở ca từ bốn phía quân Hán, Hạng Vương giật mình kinh sợ …
Năm 206 trước công nguyên, giữa Sở Bá Vương Hạng Vũ và Hán Vương Lưu Bang bắt đầu cuộc Hán Sở Tương Tranh kéo dài năm năm. Lúc đầu cả hai bên đều có thắng có bại, sau đó Lưu Bang liên hợp thế lực chống Hạng Vũ khắp các nơi để chiến đấu với Hạng Vũ. Năm 202 trước công nguyên, liên quân do Lưu Bang thống suất bao vây quân Sở. Đến cuối năm, Hạng Vũ bại binh rút về Cai Hạ, bị quân Hán vây khốn.
Lúc này, binh lực của Hạng Vũ đã bị tiêu diệt gần hết, lương thực cũng đã cạn, còn quân đội của Lưu Bang thì binh cường mã tráng, lương thực đầy đủ, vây quân Sở đến mấy lớp, Hạng Vũ không thể nào đột phá trùng vây.
Để làm giảm sút đấu chí của quân Sở, Lưu Bang vận dụng tâm lý chiến, cho quân Hán hát các khúc ca của đất Sở, khiến cho quân Sở nghĩ rằng quân Hán đã chiếm hết đất Sở. Bước cờ này đặc biệt thành công.
lang đạo: lang ở đây chỉ một chức quan, lang đạo có lẽ là đường dành cho quan quân đi, trái với ngự đạo.
(