Hầu Hi Bạch vui vẻ nói:
- Nếu như ta đoán không sai thì thành trì ở bờ bên kia là quận Ba Đông. Thành này nằm đúng vị trí giao nhau của các con sông nên chúng ta có thể mua một chiếc thuyền đi tới thay vì cuốc bộ. Như thế cũng để cho Tử Lăng tĩnh tâm dưỡng thương, không phải làm nhọc đôi chân nữa.
Từ Tử Lăng nói đầy cảm thán:
- Hy vọng ở đó không phải nhìn thấy cảnh chiến tranh, không nghe thấy một tin tức gì liên quan đến chiến tranh là tốt nhất.
Hầu Hi Bạch trầm mặc, giọng nói lộ vẻ buồn bã:
- Mặc dù ta không ngừng nhắc nhở chính mình là đừng nghĩ tới Khấu Trọng và Thiếu Soái quân của gã nữa, nhưng chẳng thể làm được. Ài! Nếu Khấu Trọng không trốn thoát khỏi sự truy sát của Lý Thế Dân thì chúng ta phải làm thế nào đây?
Từ Tử Lăng sắc mặt vẫn không thay đổi, chuyển chủ đề sang một hướng khác:
- Có một nơi mà ta và Khấu Trọng luôn luôn muốn trở về, cũng là nơi cảm thấy sợ hãi nhất khi trở về.
Hầu Hi Bạch giật mình hỏi:
- Có phải nơi mẹ các ngươi an nghỉ không?
Từ Tử Lăng gật đầu đáp:
- Chính là tiểu cốc mỹ lệ đó, nơi mà ta và Khấu Trọng sẽ không bao giờ quên được. Nếu Khấu Trọng bại trận mà chết, ta sẽ gặp Lý Thế Dân lấy lại hài cốt của gã đem đến tiểu cốc an táng, sau đó sẽ dựng lều sống ở đó, không để ý đến những chuyện bên ngoài nữa.
Hầu Hi Bạch nhíu mày nói:
- Nghe giọng điệu của Tử Lăng dường như cũng sẽ chẳng lý đến Thanh Tuyền nữa à?
Từ Tử Lăng cười nhăn nhó:
- Đó là một chuyện khác! Nếu nàng sẵn sàng hạ mình chấp nhận thì chắc ta sẽ cảm kích đến sụt sùi nước mắt. Nhưng thực tế cho đến lúc này, có lẽ Thanh Tuyền vẫn vượt qua được cửa ải của chính mình, ta đối với nàng không nắm chắc được chút gì nên cũng không dám hy vọng những chuyện xa vời.
Hầu Hi Bạch nói:
- Ta đứng bên ngoài nên sáng suốt hơn người trong cuộc. Theo ta thấy Thanh Tuyền đã không thể kiềm chế lòng mình với ngươi, tình cảm đã rất sâu sắc, chỉ là ngươi không tin tưởng vào bản thân mà thôi!
Đoạn hắn lại than thở:
- Nguyên lai ngươi hoàn toàn không lạc quan với Khấu Trọng.
Từ Tử Lăng toét miệng cười:
- Ngược lại mới đúng! Khấu Trọng tuyệt sẽ không dễ dàng bị đánh gục như vậy. Mặc dù chỉ là cảm giác, nhưng ta dám khẳng định rằng cho đến lúc này gã vẫn còn sống. Nếu Khấu Trọng đã chết thì việc đầu tiên gã làm là đến báo mộng cho ta.
Hầu Hi Bạch tỏ ra phấn chấn trở lại, hắn gật đầu nói:
- Có lý đấy! Thời điểm vượt sông đến rồi. Sáng mai chúng ta sẽ khoan khoan khoái khoái tỉnh dậy tại một gian phòng hảo hạng của khách sạn hào hoa nhất trong thành, trước khi leo lên giường sẽ được cảm nhận hương vị tắm táp sạch sẽ thơm tho, lúc tỉnh giấc sẽ nghiên cứu xem nên thưởng thức điểm tâm ở quán nào.
Từ Tử Lăng bật cười:
- Đi thôi! Ta chỉ có thể nghĩ đến việc sớm ngồi thuyền rời xa nơi nguy hiểm rất có khả năng do quân Đường chiếm cứ này.
Cả hai cùng phá lên cười rồi xuống núi, tiến về phía Hoài Thủy.
o0o
Khấu Trọng phát ra mệnh lệnh triệt thoái.
Đã ba ngày ba đêm gã chưa hề chợp mắt. Đại quân Lý Thế Dân vừa tới đã lập tức phái xuất thủ hạ đại tướng tấn công con đường hiểm yếu của Ẩn Đàm sơn. Mặt khác chúng lại dùng các cao thủ khinh công trèo vách vượt núi ở những nơi nằm ngoài tầm tên để đánh úp từ trên cao. Toán quân này nhân số không nhiều, nhưng tại lối vào của nơi núi non chênh vênh mà Thiếu Soái quân thiết lập trận địa phòng ngự lại có sức uy hiếp và phá hoại lớn nhất.
May là Phi Vân vệ do một tay Khấu Trọng lựa chọn, huấn luyện và kinh qua nhiều trận chiến ác liệt nên dưới tình huống gian khổ này liền phát huy được tác dụng cực đại. Nhân số bọn họ đến lúc này đã giảm xuống chỉ còn khoảng ba trăm hai mươi người, tất cả đều vô cùng mệt mỏi vì phải chống đỡ liên miên. Mặc dù vậy, với lợi thế từ trên cao cố thủ chống lại sự xâm nhập của địch, cộng thêm sự có mặt của cao thủ như Khấu Trọng, bọn họ vẫn có thể đập tan thế công ào ạt như sóng cồn mà Lý Thế Dân phát động.
Dưới sự chỉ huy của Ma Thường, hơn bảy trăm binh lính với nòng cốt là Dương gia quân vẫn kiên cường lăn gỗ đá và dùng cung cứng tên mạnh cố thủ ở các vị trí hiểm yếu để ứng phó đợt tấn công chính diện của đại quân Lý Thế Dân.
Giả thiết tình huống cứ tiếp diễn như thế, phe Khấu Trọng nhất định có thể thủ được vài ngày. Tuy nhiên Lý Thế Dân đã phái đi một vạn năm ngàn quân do La Sĩ Tín suất lĩnh, tiến vòng qua Ẩn Đàm sơn tấn công vào mặt phía Đông. Tiếp đó hắn lại điều một cánh quân khác phong tỏa đường thoát về phía Nam của Ẩn Đàm sơn, những muốn vây khốn đối phương trong núi giống như bắt ba ba trong rọ. Thế nên cho dù chẳng muốn rút lui sớm nhưng Khấu Trọng buộc phải thoát khỏi nơi này để đến mỏm Thiên Thành hội hợp với quân mình trước khi điều đó xảy ra.
Bọn họ vừa lùi vừa chặt cây phá rừng, tạo thành chướng ngại trùng trùng khiến địch nhân không có cách nào bám đuôi truy kích. Lý Thế Dân đã phải mất hơn hai ngày dọn dẹp đống đổ nát mới có thể vượt qua khu vực núi non này.
Có điều đại quân đuổi theo lên tới năm vạn, gấp mười lần binh lực bên Khấu Trọng. Cho dù gã trí dũng song toàn nhưng có thể trụ được trận công kích của Lý Thế Dân hay không vẫn cần phải chờ xem công sự phòng ngự của Trần Lão Mưu kiên cố ra sao.
Về phần mình, Vương Huyền Thứ đã kịp thời mang theo chiến mã đến vùng núi phía Nam nghênh đón đại giá Khấu Trọng. Thương vong của cuộc chiến tại lối vào Ẩn Đàm sơn không nghiêm trọng, tử trận khoảng một trăm người, thương binh độ hơn hai trăm người, đã được đưa trước một bước về doanh trại ở Thiên Thành Hiệp.
Gần một ngàn Thiếu Soái quân lập tức lên ngựa, vượt qua sơn trại, nhằm hướng Thiên Thành hiệp cách đó hơn ba mươi dặm phi tới. Nơi hoang dã này nằm giữa hai dãy núi cao trùng trùng điệp điệp được rừng rậm bao phủ. Thiên nhiên đẹp không sao tả xiết, mây vờn quanh những dãy núi san sát chạy dọc hướng Bắc Nam, lững lờ trôi như những dải lụa thướt tha lưng chừng núi, vài con suối nhỏ lúc ẩn lúc hiện lượn quanh những gốc cây cổ thụ sum suê cao ngút trời như linh sam, tùng, bách, long não… Cảnh mây núi mênh mang mờ ảo, thật đúng với sự ví von „tuy nhiên vô họa đô thị họa, bất dụng tả thi giai tự thi“ (dù không phải họa nhưng lại như họa, chưa kịp làm thơ mà đã nên thơ). Một khoảng thiên nhiên bình yên tĩnh lặng như không biết ngọn lửa chiến tranh khủng khiếp giữa Khấu Trọng và Lý Thế Dân đã lan tới thế giới thanh bình này.
Khấu Trọng lại nghĩ về một chuyện hoàn toàn khác, gã quay sang nói với Vương Huyền Thứ đang cưỡi ngựa ở bên cạnh:
- Lý Thế Dân muốn loại bỏ các chướng ngại trên sơn lộ phải mất khoảng hai ngày, sau đó lập lều dựng trại cũng mất bốn đến năm ngày, vả lại hắn cần phải chặt một lượng lớn cây cối để đề phòng chúng ta dùng hỏa công. Vậy là quân ta sẽ có gần mười ngày để chỉnh đốn trận cước, chỉ không biết tình hình phía Trần công như thế nào?
Vương Huyền Thứ hào hứng trả lời:
- Thiên Thành hiệp nằm ở khu đất cao, phía trên là núi non hiểm trở, địa thế vô cùng lý tưởng, giữ vị trí chiến lược để có thể dễ dàng chặn địch. Tuyệt diệu nhất là từ ngoài trận địa nhìn vào sẽ không thể phát hiện được đằng sau còn có một lối đi bí mật xuyên qua dãy núi.
Ma Thường đứng bên cạnh hỏi:
- Trong doanh trại có nguồn nước hay không?
Vương Huyền Thứ vui vẻ đáp:
- Phía sau không chỉ có nước và cây cỏ, mà còn có cả nhựa cây tùng làm nhiên liệu. Về lương thực, những ngày qua binh lính tỏa ra săn bắn nên thu hoạch rất dồi dào, đủ dùng cho mười ngày. Khi địch nhân đến tấn công, chúng ta vẫn có thể theo con đường đó săn bắn và cho ngựa ăn cỏ. Chỉ cần giữ vững được trận địa sẽ không ngại vấn đề thiếu hụt lương thực.
Ma Thường và Vương Huyền Thứ kẻ hỏi người đáp, đều đưa ra những vấn đề chính yếu liên quan đến sự tồn vong của Thiếu Soái quân. Từ lập trại cố thủ, lương thảo và nhiên liệu, cho đến điều quan trọng nhất là nước uống, cái gọi là “phạp thủy vô thảo, vị chi thiên táo” (nếu không có nước không có cỏ thì như là ở trong lò lửa vậy, là đại kỵ phải tránh trong binh pháp) chính là đường cùng của binh gia. Cũng may đây là giai đoạn chuyển mùa thu đông nên chưa có tuyết, nếu không về mặt thức ăn cho ngựa sẽ khó lòng giải quyết.
Khấu Trọng trầm ngâm nói:
- Chúng ta sẽ phải chế tạo các thùng gỗ để dự trữ một lượng lớn nước uống trong doanh trại, khi cần có thể dùng chống lại hỏa công của Lý Thế Dân.
Vương Huyền Thứ mỉm cười đáp:
- Toàn nhờ vào diệu pháp cách sơn dẫn nước của Trần công, nối nhiều ống tre lớn đã được thông hai đầu, sau đó trực tiếp dẫn nước từ các con suối trong khe núi đến thẳng doanh trại, chúng ta không lo thiếu nước dùng.
Khấu Trọng và Ma Thường đồng thanh kêu tuyệt, Trần Lão Mưu càng ngày càng giống một Lỗ Diệu Tử thứ hai.
Khấu Trọng ngửa mặt nhìn trời nói tiếp:
- Cần phải cố gắng dự trữ thật nhiều cỏ, nếu không một khi tuyết rơi ngựa sẽ không có gì bỏ bụng.
Những làn gió núi táp vào mặt gã đã mang theo hơi lạnh, báo trước một mùa đông buốt giá và khắc nghiệt.
Vương Huyền Thứ đáp:
- Việc này do Huyền Thứ phụ trách, Thiếu Soái cứ yên tâm.
Đoàn người vừa lên tới đỉnh một quả đồi. Do không bị rừng cây che mắt, tất cả lập tức nhìn thấy khu doanh trại dựng ở lưng chừng núi phía trước, mặt sau là vách núi thẳng tắp cao chót vót, phía Đông là một dãy núi Thiên Thành liên miên vô tận. Cây cối trong vòng nửa dặm xung quanh doanh trại đều được phát quang, đây đó chỉ thấy những gốc cây trơ trụi, quang cảnh thật quái đản.
Khấu Trọng thăm lại chốn xưa, so sánh tâm trạng của quá khứ và hiện tại chỉ thấy kinh lịch đã thay đổi ngàn vạn lần, trong lòng không khỏi dấy lên trăm nỗi cảm khái.
Mọi người ghìm cương dừng lại quan sát hình thế xung quanh. Nghĩ đến một vài ngày tới từ nơi này nhìn về doanh trại sẽ là Lý Thế Dân, ai nấy đều cảm thấy cơ hội lúc này thật là hiếm có.
Ma Thường tựa như không dám tin vào mắt mình khi trông thấy quy mô rộng lớn của trận địa trên đỉnh núi, hắn trầm trồ thốt lên:
- Hóa ra là một tòa thổ thạch trại! Nhưng vì lẽ gì mà hình dáng lại cổ quái như vậy?
Vương Huyền Thứ mỉm cười hỏi:
- Phải chăng Ma tướng quân nhận thấy hình dáng sơn trại chả theo quy tắc nào? Nguyên lai là Trần công lợi dụng những cây to chắc ở đỉnh núi, chặt hết cành lá, chỉ giữ lại phần gốc dài hai trượng. Hơn trăm gốc cây không cành lá xung quanh đỉnh núi trở thành hệ thống cột đỡ cho khu trại. Vì phần rễ cây vẫn còn nguyên nên kết cấu rất chắc chắn, có thể chống được chiến xa xung kích, vừa tiện lợi lại tiết kiệm công phu đào đất dựng gỗ làm hầm hào xung quanh. Nhưng chính vì muốn tận dụng những cây cối sẵn có nên hình dạng sơn trại không khỏi có điểm quái đản.
Ma Thường tấm tắc khen:
- Quả là một ý tưởng tuyệt diệu phi thường, ta chẳng thế nghĩ ra cái gì hay ho hơn thế. Lấy gỗ cứng cây chắc làm kết cấu, dùng đá tảng và đất khô biến cả doanh trại thành một tòa tiểu sơn thành cao hai trượng, sức phòng ngự được tăng lên rất nhiều. Trần công thật đáng khâm phục!
Thiếu Soái quân vẫn đang bận rộn đào hầm hào bên ngoài thổ mộc trại, đất bùn được vận chuyển đến đỉnh núi tạo thành một bức tường bao quanh.
Chỉ đám cây cối chi chít bên ngoài sơn trại chỉ còn là những gốc cây cao không đầy ba thước, Úc Nguyên Chân vui vẻ nói:
-Những phần cây còn chừa lại này càng khiến người ta tấm tắc khen tuyệt, chúng tạo thành những chướng ngại vật tự nhiên. Nếu Lý Thế Dân muốn thanh lý chúng, trước tiên phải hỏi qua cung thủ của chúng ta. Khi ta nghĩ đến lúc đối phương tấn công thì luôn phải vô cùng chú ý đến đám đầu cây thừa ra đó, không thể ngang nhiên tiến thẳng, nỗi uất ức mười mấy ngày nay đã lập tức tiêu hết.
Khấu Trọng cảm nhận được sự hân hoan phấn chấn của tướng sĩ quanh mình. Người người đều tán thưởng tòa sơn trại quy mô hoành tráng này, không những bởi đó sẽ là nơi an thân cố thủ của họ mà còn vì phía sau có đường rút bí mật, cung cấp cho họ sinh cơ vô hạn. Tất cả các vấn đề khó khăn như lương thảo, nước uống hay nhiên liệu đều được giải quyết dễ dàng. Toàn quân lại không bị hãm trong cục diện hoàn toàn bị động giơ mặt chịu đánh nữa, do đó sỹ khí dâng lên rất cao, càng thêm tin tưởng vào Khấu Trọng gã.
Vương Huyền Thứ nói:
- Nơi nghỉ ngơi được an bài trong hiệp đạo. Bởi vì doanh trướng đã bị mất khi đột vây, do đó Trần công mới dựng hơn trăm gian nhà tranh, so với lều trại lại có phần thoải mái và ấm áp hơn.
Khấu Trọng hét lớn:
- Tốt lắm! Chúng ta sẽ bằng vào sơn trại do Trần công nghĩ ra này chống lại đại quân đông gấp mười lần của Lý Thế Dân.
Mọi người ầm ầm hưởng ứng.
Đúng lúc đó một đội nhân mã do Bạt Dã Cương dẫn đầu từ cổng chính của sơn trại phi ra nghênh đón.
Khấu Trọng hú lên một tiếng quái dị, phát tiết hết nỗi ấm ức do phải nhẫn nhục chịu đựng sự chèn ép trong hơn mười ngày qua. Gã dẫn đầu đoàn người kéo lên trên núi, nhằm hướng sơn trại thẳng tiến.
o0o
Từ Tử Lăng tỉnh dậy sau giấc ngủ thật sâu, ôm đống chăn gối thơm tho mà nhớ lại cảnh chạy trốn gian khổ hơn mười ngày trước, mỗi khắc đều là trong nguy hiểm tìm thấy được sinh cơ, so với lúc này quả là hai thế giới hoàn toàn khác biệt.
Đêm qua, bọn họ là những người cuối cùng nhập thành trước khi Ba Đông quận đóng cửa, khi vào đến cửa thành mới biết đây là địa bàn của người cha nuôi Đỗ Phục Uy.
Thấy hai gã không có binh khí tùy thân, hơn nữa bộ dạng lại như văn nhân nhã sỹ con nhà có tiền của, mấy tên lính Giang Hoài gác cổng liền nghĩ bụng sẽ vặt sạch hai con mòng béo này. Thế nên ngoài thuế nhập thành chúng còn đòi thêm ngân lượng.
Từ Tử Lăng không thể ngờ được là Hầu Hi Bạch lại kỳ kèo mặc cả chứ không đưa luôn tiền cho chúng. Sau một hồi bớt một thêm hai hắn mới làm giá xong với đám lính Giang Hoài, hoàn thành giao dịch và tiến vào trong thành.
Sau đó Hầu Hi Bạch lên tiếng giải thích:
-Nếu ngươi chịu nộp tiền một cách dễ dàng, chúng sẽ nghĩ ngươi là một con mòng béo dễ làm thịt, hoặc là con nhà giàu sang không thèm để ý đến túi tiền của mình. Bất kể là thế nào thì những con quỷ hút máu đó cũng sẽ trăm phương ngàn kế để vặt sạch túi tiền của ngươi, thậm chí không từ thủ đoạn để giết người cướp của. Cho nên ta mới phải làm bộ cò kè mặc cả để khỏi chuốc lấy phiền não về sau, chứ chả phải bủn xỉn không muốn đưa ra ngân lượng.
Từ Tử Lăng hiện giờ đang nghỉ ở thượng phòng của Ba Giản lữ xá, khách sạn hào hoa nổi tiếng nhất trong thành. Hầu Hi Bạch không giống gã và Khấu Trọng, hắn rất chú trọng đến nơi ăn chốn ở. Từ Tử Lăng và Khấu Trọng lại càng không giống Hầu Hi Bạch ở chỗ hắn chỉ chịu ngủ ở những gian phòng tuyệt hảo nhất.
Tình hình hiện tại của Khấu Trọng như thế nào? Liệu bọn họ có còn gặp lại nhau hay không?
Đúng lúc này, Hầu Hi Bạch đẩy cửa tiến vào mỉm cười hỏi:
- Vừa mới dậy à? Đêm qua Tử Lăng ngủ ngon không? Ta thì trước cay đắng sau lại ngọt ngào. Đầu tiên là ác mộng rồi mới đến hảo mộng, gặp được Phi Huyên.
Từ Tử Lăng nhìn hắn vừa nói vừa ngồi xuống bên giường, đến khi nghe thấy hai tiếng “Phi Huyên” thì lòng đột nhiên rung động, đang chìm đắm trong suy tư và hồi ức lập tức bừng tỉnh, bộ dạng như muốn nói gì đó nhưng lại thôi.
Hầu Hi Bạch thắc mắc luôn:
- Sao Tử Lăng lại ngập ngừng?
Từ Tử Lăng chăm chú nhìn hắn hồi lâu, trong lòng dấy lên những cảm xúc khó tả, đoạn gã chậm rãi nói:
- Hi Bạch huynh từng nói với ta, rằng về sau sẽ chỉ dùng thái độ siêu nhiên để thưởng thức mỹ nhân trong thiên hạ. Đây là một sự thay đổi rất lớn, nhưng vì sao ngươi lại có sự thay đổi này? Ta vẫn luôn không hiểu, cho đến lúc này mới biết nguyên nhân trong đó thì ra là vì Phi Huyên, phải vậy không?
Hầu Hi Bạch ngạc nhiên đáp:
- Tử Lăng thật lợi hại, có thể nhìn thấu nội tâm của ta. Ài! Biết nói thế nào nhỉ? Lần đầu tiên gặp mặt Phi Huyên, tựa như ta thấy được bút tích thực sự của Triển Tử Kiền*, không thể tưởng được trên đời lại có người đẹp như vậy. Nàng khiến Hi Bạch này ngộ ra ý nghĩa thực sự của cái đẹp, đó là một cảnh giới tối cao vượt quá khả năng họa bút của ta. Kể từ khi nàng bước ra thế tục để bọn ta nhìn thấy, Hầu Hi Bạch đã không còn là Hầu Hi Bạch như trước nữa rồi.
Từ Tử Lăng kinh ngạc nhận xét:
- Mấy lời Hi Bạch huynh nói tựa hồ chứa đựng một loại tâm cảnh siêu nhiên chứ không dính dáng gì đến tình cảm nam nữ thế tục nữa.
Hai mắt Hầu Hi Bạch ngời lên những tia sáng kỳ dị, hắn chầm chậm nói:
- Trong thiên hạ e rằng chỉ có Tử Lăng mới hiểu lòng ta. Sở dĩ Hi Bạch này nguyện theo họa đạo chính là để theo đuổi cái chân thiện mỹ. Thế gian vốn không có gì hoàn hảo, thế nhưng ta vẫn muốn chớp được cái hồn của vạn vật để ghi lại những khoảnh khắc động lòng người nhất, cũng như số một huyền ảo mà ngươi và Khấu Trọng vẫn luôn tìm kiếm.
Hắn dừng lại một lát rồi nói tiếp:
- Đã bao giờ ngươi suy nghĩ sâu xa về bản chất của cái đẹp chưa? Cái đẹp khiến con người ta xúc động nhất và cũng là thứ thần bí nhất, ta gọi nó là họa thiền. Tử Lăng đã từng nghĩ xem như thế nào thì mới gọi là đẹp chưa? Vì sao chúng ta cho rằng thứ này đẹp còn thứ kia thì xấu? Cái đẹp vốn chẳng có chuẩn mực, ta và ngươi thấy bầu trời đầy sao đẹp đến mê người nhưng rất nhiều kẻ lại không nghĩ như vậy. Cái đẹp cũng có vô hình và hữu hình, vẻ đẹp nội tâm là điều chỉ có thể cảm nhận. Sư Phi Huyên đẹp cả hình thức lẫn tâm hồn, đây chính là đỉnh điểm của cái đẹp, là một giá trị có thể khiến bất kỳ ai cũng cảm thấy thua kém, một vẻ đẹp thần thánh bất khả xâm phạm.
Từ Tử Lăng mỉm cười nói:
- Ta chưa từng đào sâu suy nghĩ về bản chất không thể nắm bắt được của cái đẹp như ngươi. Có điều nghe ngươi phân tích như vậy, ta thực sự vui mừng vì đột nhiên được khai sáng. Tuy nhiên tiểu đệ chợt nghĩ đến mặt không công bằng của tạo hóa, vì sao lại có sự phân biệt đẹp xấu? Bất quá hiện thực này không ai có thể cải biến được.
Hầu Hi Bạch vẫn đắm chìm trong một cảm xúc nào đó, chỉ thấy hắn tiếp tục than thở:
- Đẹp và xấu căn bản là một loại vận mệnh không thể tránh khỏi. Từ lần đầu tiên gặp Phi Huyên, cuộc sống lông bông lang bang của ta trở nên phong phú hơn rất nhiều. Có cảm giác trời đất như đảo lộn, ta hoàn toàn thay đổi thái độ với nữ nhân, những đam mê phàm tục được siêu thoát biến thành truy cầu họa đạo thuần tịnh.
Từ Tử Lăng chợt hỏi:
- Trước khi gặp gỡ Phi Huyên, phải chăng Hi Bạch huynh cũng đã sớm mệt mỏi với những tháng ngày phong hoa tuyết nguyệt?
Hầu Hi Bạch gượng cười đáp:
- Tử Lăng quả là hiểu hết được lòng ta. Ngươi đã thấy cung cách sinh hoạt của ta ở Thành Đô rồi đấy. Ài! Tình cảm đương nhiên là một loại gánh nặng, nhưng lý do thực sự khiến ta không thể chịu nổi chính là khi phát giác ra điểm không hoàn mỹ của cái đẹp.
Hắn lại trầm ngâm rồi nói tiếp:
- Thanh Tuyền là một thiếu nữ không hề thua kém Phi Huyên, tuy nhiên hai nàng lại có sự khác biệt cơ bản. Cho dù xuất hiện lúc nào và ở nơi đâu, Phi Huyên đều khiến người ta nảy sinh một cảm giác thoát tục. Thanh Tuyền thì lại khác, bất kể là con người hay tiếng tiêu nổi tiếng thiên hạ của nàng đều như sẵn sàng hòa thành một thể với đất trời, không gì có thể phân tách. Bọn họ đều là đại biểu cho thiền cảnh chí mỹ vượt qua họa bút của ta. Lần đầu tiên nhìn thấy Thanh Tuyền, ta hận không mang theo giấy mực bên cạnh để có thể khắc họa nét sống động của nàng lên Mỹ Nhân phiến, thế nhưng khi ta nghe được tiếng tiêu của nàng thì lại không cách nào nắm được mặt động lòng người nhất của nàng nữa. Đó thực sự là thứ cảm xúc không bút mực nào có thể tả được.
Từ Tử Lăng nhớ tới những khoảnh khắc rung động lòng người trong mỗi lần gặp gỡ Thạch Thanh Tuyền, quả thực nàng và cảnh vật luôn như hòa làm một, gã than thở:
- Nói hay lắm, ngươi đã một lời diễn đạt hết cảm giác mà ta không sao gọi tên được.
Hầu Hi Bạch vui vẻ nói:
- Tạm thời không thảo luận về cái đẹp nữa. Tình hình nội thương của ngươi thế nào rồi?
Từ Tử Lăng nhăn nhó cười trả lời:
- Nhờ Thiên Ma chân khí của Loan Loan giải trừ tà độc, ta đã có chuyển biến lớn. Bất quá để hồi phục hoàn toàn thì vẫn mờ mịt lắm, cũng có thể ta sẽ vĩnh viễn mất đi cơ hội tiến sâu vào võ đạo.
Hầu Hi Bạch nhíu mày hỏi:
- Thực sự nghiêm trọng như vậy sao?
Từ Tử Lăng đáp:
- Ma công độc địa tà ác của Dương Hư Ngạn thâm nhập đến tận căn nguyên của ta. Nhưng thực ra điều đó cũng chẳng phải quá tồi tệ, vận mệnh như thế nào thì cứ mặc nó tiến triển như thế thôi! Chúng ra đến tửu lâu nào đó dùng điểm tâm chứ?
Hầu Hi Bạch nói:
- Nổi tiếng nhất Ba Đông thành là Vọng Hoài lâu. Nơi đó nằm ở phía Bắc của thành, từ tầng ba cao nhất có thể nhìn ngắm cảnh đẹp của dòng Hoài Thủy ngoài thành.
Từ Tử Lăng tung chăn nhảy xuống giường, mỉm cười hỏi:
- Có tin tức gì về Khấu Trọng không?
Hầu Hi Bạch lắc đầu đáp:
- Chưa có tin gì hết! Chỉ biết quân Đường ở Tương Dương và vài thành phụ cận được điều động không ngừng, liên tục có chiến thuyền của thủy sư Đường thất đi qua Hoài Thủy. Chẳng rõ có phải Lý Thế Dân định động binh với Chung Ly hay không, tình thế vô cùng cấp bách.
Từ Tử Lăng đột nhiên dừng việc mặc quần áo, nét mặt lộ ra thần sắc khác lạ, miệng quát khẽ:
- Ra đi! Ta biết là Dương Hư Ngạn ngươi, mau ra đây!
Trong lòng Hầu Hi Bạch chấn động mãnh liệt, chuyện hắn lo sợ nhất rốt cuộc đã đến.
(
Chú giải:
* Triển Tử Kiền là họa sỹ đời Tùy, 581- 618, người ở Bột Hải, nay là huyện Dương Tín tỉnh Sơn Đông. Các bức họa nổi tiếng như “Pháp Hoa kinh biến” hay “Trường An xa mã nhân vật đồ” đều bị thất truyền, chỉ còn lại bản sao chép của bức “Du xuân đồ”.