Tiêm cốt từ chiếc đuôi dài của Dơi Quỷ tựa cây trường tiên nhanh như thiểm điện đâm tới thân ảnh Đàm Phi, trong đó còn lấp lánh ẩn chứa chất kịch độc. Phiên Thiên Bạch Cốt Trảo kịp thời chộp lấy, làm giảm đi tốc độ của nó, cứu thoát Đàm một mạng. Tuy nhiên, đôi bàn tay xương xẩu cũng bị chiếc đuôi đầy giai đập cho tan biến thành những lọn hôi khí, hôi khí tụ lại tiếp tục kết thành cốt trảo huyền phù quanh người hộ chủ.
Vừa thoát khỏi cốt vĩ từ Quỷ Dơi, chiếc lưỡi dài đỏ hồng của Trường Thiệt lại bắn tới với tốc độ kinh người. Đàm đã tính đến những đòn công kích từ hai phía, vậy nên hai cột Ly Tử Thần Lôi được điều động bổ xuống cản chiếc lưỡi lại. Trường Thiệt bị tử lôi kích trúng lưỡi thì ré lên đau đớn, lôi điện đúng là có chút tác dụng với đám ma vật cấp ba ở trong này. Thế nhưng trảo thủ sắc bén của cả hai đầu ma vật lại đánh tới khiến gã không thể thở nổi, tàn đao và bạch cốt trảo đồng thời chặn trước người gã đón đỡ hai đòn tấn công lăng lệ ác liệt.
Bạch Cốt Trảo một lần nữa bị công kích cho tan rã, Liệt Không Đao bị trảo thủ đầy móng vuốt thô to đánh bay. Đao Liệt Không chẳng biết được chế tác từ thứ vật liệu gì mà cứng rắn đến vậy? Đổi lại là pháp khí khác, khẳng định đã vỡ nát chỉ sau một đòn của ma vật cấp ba rồi.
Thân hình Đàm trúng phải dư lực phản chấn bay như diều đứt dây về phía trước, miệng ói máu tươi. Gã gắng gượng dùng thần niệm điều động tàn đao quay về, đạp trên lưỡi đao tiếp tục bỏ chạy.
Hai đầu ma vật vài lần tóm hụt con mồi lại càng điên tiết, chúng gầm rú đuổi theo sinh vật nhỏ bé sát nút như hình với bóng. Tính mạng Đàm vẫn luôn trong tình trạng ngàn cân treo sợi tóc, có thể vẫn lạc bất cứ lúc nào. Đàm Phi vừa chạy vừa đưa ra mọi thủ đoạn, từ việc thi triển liên tục bảy mươi hai cái ma ảnh, gã còn liên tiếp thả ra Thần Lôi nhằm đánh lạc hướng hai con ma vật, chiến thuật này có vẻ rất hiệu quả trong công cuộc đào thoát khỏi miệng tử thần.
Ốc đảo chỉ còn cách chưa đầy trăm trượng, thế nhưng nhị quái ở phía sau độn tốc cực nhanh, khoảng cách bị rút ngắn xuống còn hai mươi trượng, Đàm còn thấy rõ sự phấn khích toát ra từ hai đôi mắt đỏ ngầu của ma vật.
Bỗng nhiên, từ trong vầng quang tráo bảy sắc phóng ra một tia sáng lớn như miệng bát kích đúng đỉnh đầu Đàm Phi. Gã cảm nhận được luồng linh khí ầm ầm chạy vào đan điền như sóng vỗ bờ, pháp lực bị phong ấn bấy lâu được giải khai triệt để. Phong Hỏa Dực bạo phát hồng quang mang cả thân hình gã bay vút đi, vẽ vào khoảng không hôn ám một vệt kinh hồng. Ma trảo của Dơi Quỷ chột hụt vào hư vô, hai đầu ma vật chưng hửng nhìn theo bóng dáng sinh vật nhỏ bé biến mất trong vầng hào quang bảy sắc. Chúng có vẻ rất kiêng kỵ nơi này, cả hai rít lên những tiếng lanh lảnh như thể không cam lòng, rốt cuộc chúng đành phải bỏ đi trong sự hụt hẫng không hề nhỏ.
…
Phong Vân Hỏa kịp thời cứu Đàm một mạng, thân ảnh gã vẽ lên bầu trời xám xịt một vệt kinh hồng tiến về vầng sáng khổng lồ. Mừng là hai đầu ma vật không có đuổi theo, hẳn là rất kiêng kị phạm vi được linh khí bao bọc này.
Vầng quang tráo bảy sắc thực ra là một khối linh khí cô đặc nằm giữa phiến không gian đầy ma khí. Đàm Phi cứ thế mà tiến vào bên trong ốc đảo, pháp lực đã khôi phục hoàn toàn, Liệt Không Đao cùng Lam Băng Hoa Ảnh huyền phù quanh người gã, ở nơi lạ lẫm này cũng cần phải có sự cảnh giác cao độ.
Hiện gã đang đứng trong một khoảng không hoàn toàn đối lập với bên ngoài, nơi đây có thể gọi là sơn thanh thủy tú, thế ngoại đào viên cũng không ngoa. Lơ lửng trên không trung là một tòa núi nhỏ, từng đám mộc đằng buông xuống đu đưa rất là sinh động. Trên núi còn có thác nước chảy xuống một thủy đầm trong xanh, việc ngọn núi kia trôi lơ lửng trên cao đương nhiên là do hiện tượng lực lượng nguyên từ đối lập làm ra, gã tu luyện Nguyên Từ Thần Công nên những chuyện như thế này tất nhiên chẳng lạ lẫm gì.
Ốc Đảo chỉ lớn bằng một tòa thành. Ngoài ngọn núi trên không trung cùng mặt hồ phẳng lặng là điểm nhấn. Phần còn lại là những thửa đất màu mỡ tỏa ra linh khí đậm đặc kinh người, một số chỗ còn phát ra bảo quang sáng lóa, linh thảo mọc lít nhít khắp nơi tựa như cỏ dại không ai chăm sóc, hầu như chủng loại nào cũng có. Vài gốc cổ thụ cành lá xum xuê, thân hình vặn vẹo rất là đẹp mắt.
Thảm thực vật đa dạng phong phú là vậy, thế nhưng không thấy có bóng dáng một loài sinh vật nào, kể cả côn trùng, kết giới này đúng là vô cùng kỳ dị. Đàm Phi vẫn cảnh giác phi hành chung quanh ốc đảo tìm hiểu, tuyệt nhiên không phát hiện ra luồng khí tức nào, loài sinh vật nào. Gã bắt đầu tiến sát bờ đầm, tôm cá hoặc các loài thủy sinh cũng không, mặt nước trong xanh nhìn rõ cả đáy, ấy vậy mà chẳng có chút sự sống. Xa xa một khối đá lớn nhô lên khỏi mặt hồ, có dấu hiệu bị tác động bởi bàn tay con người. Gã vội bay đến xem xét. Đây là lột tấm bia chạm khắc vài dòng văn tự Việt Cổ, Đàm đã nghiên cứu rất nhiều về cổ tự, vậy nên dòng chữ kia không thể làm khó được gã, miệng gã lẩm nhẩm:
- Nhất Dạ Trạch…!? Thì ra là Đầm Nhất Dạ.
Đàm Phi đảo qua mặt hồ một vòng, xác định không có thứ gì đáng lưu tâm ngoài lực lượng thủy linh khí đậm đặc, gã bèn ngự đao bay lên trên cao thám thính ngọn núi. Núi không lớn, cỏ cây tùng bách chen chúc rậm rì, chân núi mọc lên rất nhiều giống Mộc Đằng lạ, đám dây leo vấn vít bon chen cộng sinh với nhau, nhiều cành rủ xuống bên dưới, chúng kết hợp cùng thác nước trong lòng núi chảy xuống khiến khung cảnh cực kỳ hữu tình thơ mộng.
Ven sườn núi là những bậc đá quanh co, điểm xuyết vài tòa phong đình nhỏ tựa như dùng để thưởng trà hoặc đánh cờ. Đàm thu đao tản bộ trên những bậc thang đá quanh co, gã không dám khinh suất bay lượn trên không trung, chẳng phải lo sợ bị tập kích bất ngờ, đây là thái độ khiêm nhường khi đang ở trong địa bàn của người. Biết đâu trong này ẩn dật một vị đại năng nào đó, mọi hành động sử dụng đến pháp lực đều là khiếm nhã, cứ thành thành thục thục như một phàm nhân có lẽ là thái độ chuẩn mực nhất. Ngay bậc đá đầu tiên có một tấm thạch bi nhỏ, văn tự trên đó vẫn là dạng cổ tự Việt Quốc:
‘Quỳnh Viên Sơn’
Thì ra đây là núi Quỳnh Viên.
Đi qua ba tòa phong đình thì đến lưng chừng núi. Ở đây có một khoảng sân khá rộng được lát đá tinh cương trắng muốt. Trong sân là bảy chiếc bệ đá rêu phong được chạm khắc tạo hình giống hoa sen, tất cả xếp theo hình bán nguyệt hướng về vách núi. Tại vách núi cũng là một bệ đá hình bát giác đơn giản, vách núi phía sau nhẵn được cắt gọt nhẵn nhụi như gương. Bố cục này có thể hình dung được đây chính là nơi ai đó ngồi giảng đạo hoặc hội họp gì đó.
Đàm đi lại quan sát tỉ mỉ vài vòng, không thấy có điểm dị trạng nào, gã tiếp tục đi theo lối mòn nhỏ cạnh nơi giảng đạo, điểm cuối là một mỏm đá lớn giống như bàn tay nhô ra khỏi sườn núi. Tại trên bàn tay là một phong đình lớn với đầy đủ bàn đá, ghế đá. Đứng từ đây có thể quan sát toàn bộ phong cảnh đẹp như tranh của toàn bộ ốc đảo. Thế nhưng thứ ở tại trên bàn đá lại khiến gã không thể ngậm mồm lại được.
Thạch bàn hình tròn, chạm trổ lít nhít trận văn, mặt bàn tỏa ra một vầng quang tráo ngũ sắc trong trẻo. Bên trong có một nữ hài tầm năm, sáu tuổi vận áo yếm quần lụa hồng đang ngủ say, nhìn cái bụng nó nhấp nhô lên xuống và cái bổ thon trắng phập phồng là nhận ra ngay. Nữ hài tử môi đỏ như tô son, da trắng như nhồi phấn, đôi má hồng hây hây và cặp lông mi cong vút thập phần sinh động, hình dung chẳng khác gì ngọc nữ tiên đồng.
Nữ hài này rất có thể là chủ nhân nơi đây, khẳng định là một vị đại năng nào đó đang tu luyện. Đàm Phi không có dám kinh động, gã lặng lẽ cung kính đứng đó chờ đợi. Thế nhưng chờ đến nguyên một ngày mà nữ hài vẫn tuyệt nhiên không có làm ra động tĩnh gì, Đàm đánh bạo ho khan vài tiếng:
- Tiểu bối Đàm Phi Việt Quốc ra mắt tiền bối!
Không có hồi âm…
- Tiểu nhân Đàm Phi bái kiến tiền bối ngài!
Không có động tĩnh…
Chờ đợi thêm nửa ngày nữa, Đàm đành từ bỏ ý định vấn an bé gái kia, gã bắt đầu quan sát chung quanh. Tại một cột đình có khắc đôi câu thơ với nét chữ tùy tiện nhưng thập phần ngạo khí:
‘Minh nguyệt kỷ thời hữu
Bả tửu vấn thanh thiên
Bất tri thiên thượng cung khuyết
Kim tịch thị hà niên
Ngã dục thừa phong quy khứ
Hựu khủng quỳnh lâu ngọc vũ…’
(Dịch)
Trăng có tự bao giờ,
Nâng chén hỏi trời xanh,
Không biết ở trên cung Khuyết,
Đêm nay là năm nào,
Ta muốn cưỡi gió bay lên,
Lại ngại lầu quỳnh điện ngọc…
Băng ghế bên dưới còn nguyên một bình rượu bằng sứ, thân bình chạm nổi dòng chữ ‘Chử Xá Tửu’, cạnh đó là hai chén nhỏ như thể trước đây đã có hai người ngồi đối ẩm. Điều khiến gã hoảng hốt chính là một chén đã cạn, một chén vẫn còn nguyên, hơi rượu từ trong chén tỏa ra thơm nức, ba động linh khí dào dạt kinh người.
Là kẻ có ngộ tính cao, gã tự đặt ra câu hỏi, chén linh tửu còn lại kia liệu có phải là để dành cho gã? Bài thơ trên cột đình hẳn là tâm tư của chủ nhân viết ra nó, thế nhưng nó cũng phản ánh đúng tâm trạng của gã bấy lâu nay. Nếu đúng là chén rượu kia dành cho gã, vậy người trước đã để lại từ bao giờ? Tại sao lại muốn gã cùng uống? Quả thật vô vàn những thắc mắc quẩn quanh trong đầu gã nhưng không hề có câu trả lời.
Suy nghĩ mông lung mất nửa ngày, rốt cuộc gã làm liều nâng chén rượu lên, cử chỉ như để chúc tụng:
- Tiền bối à! Nếu như chén rượu này người để lại cho hậu nhân, vậy tiểu nhân sẽ cải lại ‘Bả Tửu Vấn Thanh Thiên’ thành câu ‘Bả Tửu Vấn Hồng Nguyệt’ rồi!
Nói xong gã hớp một hớp hết chén linh tửu.
Một luồng nhiệt lưu nóng cháy cổ trôi xuống đan điền, rượu Chử Xá quả là thứ linh tửu thần thánh, cơ thể gã bắt đầu nóng ran, pháp lực trong thể nội chạy rầm rập như sóng ba đào. Đàm vội vã ngồi xếp bằng luyện hóa dược lực, từng lóng xương, từng thớ cơ nhục, từng bó gân, tất cả đều cảm nhận được một nguồn lực lượng tươi mới như thoát thai hoán cốt.
Giả đan thần thú Hỏa Kỳ Lân bỗng dưng xoay tít, có chiều hướng hấp thụ lực lượng lớn linh khí bốn chung quanh. Đàm phát hoảng, chẳng nhẽ lại Kết Đan vào thời khắc này?
- Hết Chương 129 -