Buồm nhỏ ra sông lớn
Rượu gạo kính thần ngư
Tất cả thuyền nhỏ như thế này đều được làm từ gỗ, vì vậy thân thuyền khá nhẹ. Khi nó xuôi dòng Tiểu Thuận Hà tiến về phía trước, mỗi lần gặp sóng lớn đều mang đến cảm giác tròng trành lắc lư.
Nơi dao động nhiều nhất là phần mũi và đuôi thuyền. Mà Kế Duyên đang ở mũi thuyền lại rất hưởng thụ cảm giác này. Lâu lâu, hắn sẽ đặt sách xuống rồi ngắm nhìn phong cảnh trên sông và hai bên bờ hoặc nhìn những con thuyền khác đangngược xuôi theo con nước.
Sau khi rời bến một lúc, chiếc thuyền liền giương buồm. Nhờ xuôi theo chiều gió nên lão thuyền phu cũng không cần chèo, chỉ cần cầm tay lái điều khiển hướng đi là được. Bài ca của ngư dân cũng ngừng lại.
Hai thuyền phu này là hai cha con. Hơn nữa, nhà bọn họ ở trong thôn nhỏ bên cạnh núi Lão Hoa. Đa số người dân ở thôn này đều làm nghề chèo thuyền kiếm sống. Những lúc sinh ý không tốt, bọn họ sẽ đánh cá. Vì vậy, trên thuyền không thiếu ngư cụ. Kế Duyên còn muốn nhân cơ hội này tự mình câu cá.
Khoảng hai khắc sau, hắn đứng dậy đi vào trong khoang thuyền ngồi một chút.
Khoang thuyền khá rộng rãi. Phía sau còn có một gian nhỏ chưa đồ đạc lỉnh kỉnh của nhà thuyền. Hai hàng ghế dài ở giữa thân thuyền có đủ chỗ cho mười mấy người ngồi. Nhưng nhà thuyền tính tới việc có chỗ cho khách nghỉ lưng vào buổi tối, nên chỉ mười người đã coi như đủ khách.
Chỗ ngồi của sáu vị khách cũng phân biệt rõ ràng. Hai thư sinh kết bạn với nhau, thỉnh thoảng nhỏ giọng nói chuyện vài câu. Đứa nhỏ thiu thiu, dựa người vào ông nội.
Thật ra lúc ở bên ngoài, Kế Duyên đã cảm thấy bầu không khí này có chút vấn đề. Khi hắn đến gần mái che, cảm giác này liền rõ ràng hơn. Có lẽ toàn bộ nguyên do nằm ở vị đại hán râu quai nón đằng kia.
Mặc dù hai mắt của hắn tựa như bị một lớp màn dày cộm che khuất, nhưng vẫn có thể lờ mờ nhìn thấy hình dáng của một vài thứ. Khi người đàn ông này bước lên thuyền, hắn đã thấy bộ dáng người này rất cao lớn, không thua kém gì Ngụy Vô Úy.
Nhưng cảm giác đầu tiên khi gặp Ngụy Vô Úy là mập mạp, còn hán tử này là cường tráng. Hơn nữa, người này còn có mùi rượu. Kế Duyên không nhìn ra mặt gã có hung dữ hay không, nhưng mấy người còn lại đều cố gắng nói chuyện thật nhỏ.
Nếu hán tử kia không phải là người cuối cùng lên thuyền thì hắn cũng không biết có ai dám lên đây hay không?
Dù sao cũng đi cùng nhau ba ngày, bầu không khí này thực không ổn.
Lúc Kế Duyên tiến vào, mấy người kia đều theo bản năng nhìn về phía hắn. Có người còn nghĩ người đọc sách vẫn một mực ở mũi thuyền là họ hàng thân thích của nhà thuyền.
Nhìn dãy ghế trống xung quanh chỗ ngồi của tráng hán, Kế Duyên cũng tùy ý ngồi xuống gần đó.
“Vị huynh đài này vừa uống rượu sao?”
Tráng hán có chút kinh ngạc nhìn Kế Duyên, dường như muốn xác nhận xem có phải hắn nói chuyện với mình không. Gã thấy khuôn mặt hắn đang nhìn mình thì mới cất giọng thô kệch nói:
“Trước khi đi, trưởng bối đãi tiệc ở quán rượu gần bến đò, còn mang theo rượu ngon nhà nấu. Nên ta có uống mấy chén.”
“A, huynh đài là người ở huyện Cửu Đạo Khẩu sao? Ngươi khá cao to đấy, có từng tập võ không?”
Câu hỏi này của Kế Duyên dường như khơi dậy hứng thú của gã, nên ngữ khí nói chuyện rõ ràng hưng phấn hơn nhiều.
“Ta là Lý Đại Ngưu, người ở thôn Đông Uy. Hồi nhỏ ta đã có thân hình cường tráng. Mọi người đều nói ta khỏe như trâu cày. Từ khi còn nhỏ, ta đã khát khao được một đại hiệp võ nghệ cao cường nhận làm đệ tử, dạy võ công trừ bạo an dân, đáng tiếc, ta chưa từng gặp ai… Sau đó…”
Nói đến đây, tâm trạng của gã sa sút hẳn.
“Vài năm trước, ta vào thị trấn. Lão giáo đầu của võ đoàn trong huyện tiếc nuối nói là ta đã qua độ tuổi để bắt đầu luyện võ. Cả đời này cũng khó mà học võ công rồi…”
Ước mơ tan vỡ.
“À ha ha, huynh đài chớ thất vọng, trời không tuyệt đường người. Theo Kế mỗ biết, trên giang hồ vẫn có công pháp không yêu cầu nhiều về tuổi tác. Với tư chất của huynh đài thì lo gì tương lai không có thành tựu.”
“Khà khà, đại tiên sinh không cần an ủi đâu. Ta đã không nghĩ đến từ lâu rồi. Lần này ta đi Xuân Huệ Phủ là để lập nghiệp đấy. Cậu ta ở bên đó có một cửa hàng nhỏ, đang cần một người khỏe mạnh. Chờ kiếm đủ tiền, ta sẽ lấy vợ, sống yên ổn qua ngày!”
Bề ngoài của gã rất hung dữ. Tuy nói chuyện lớn tiếng nhưng lộ ra sự chất phác và thật thà. Đây chắc chắn không phải kẻ ác, mà là một người quê thật sự thuần phác, mang trong lòng khát khao và sự e dè khi đến Xuân Huệ Phủ.
“Hay, biết thỏa mãn là hạnh phúc rồi!”
Kế Duyên khẽ cười, sau đó chắp tay chào mấy vị khách ngồi dưới mái che một vòng.
“Kẻ hèn là Kế Duyên, đi du ngoạn ở Xuân Huệ Phủ. Ba ngày này được cùng hội cùng thuyền với các vị rồi!”
Những người còn lại thấy hắn vừa chân thành lại có khí độ, hơn nữa cảm giác e ngại với tráng hán cũng biến mất nên ai cũng rối rít tự giới thiệu. Mọi người bắt đầu trò chuyện với nhau. Không khí trên thuyền thân thiện hẳn lên.
Hai thư sinh hình như đi học xa nhà. Ông lão và đứa cháu có người thân ở Xuân Huệ Phủ vừa mất nên vội về chịu tang. Còn trung niên gầy gò kia chỉ nói là có việc ở Xuân Huệ Phủ.
Thỉnh thoảng, con trai của lão thuyền phu cũng góp vài câu, nghe ngóng vài chuyện vặt.
Tới lúc chạng vạng, thuyền đã gần tới ngã ba sông. Phía xa có thể nhìn thấy Xuân Mộc Giang rộng lớn.
“Tráng Tử, con chuẩn bị lưới đi!”
“Vâng ạ!”
Mọi người ngồi trong khoang có thể nghe được tiếng thét to của thuyền phu. Vài người cảm thấy hứng thú nên đi ra xem. Đúng lúc nhìn thấy thuyền phu trẻ tuổi đang ném phao xuống một bên mũi thuyền.
“Tới ngã ba sông này rất dễ bắt được cá lớn. Các vị chờ một chút. Đêm nay, sẽ có cá tươi đãi các vị!”
Ở phía sau, lão đang giữ cho thuyền được ổn định, vừa cười lớn vừa hô một tràng với mấy vị khách. Sau đó, lão thu buồm lại.
Thuyền phu trẻ tuổi tay nắm chắc một tấm lưới lớn, vặn người quăng mạnh về phía trước. Tấm lưới bay ra ngoài, trải thành một vòng tròn lớn rồi chụp xuống mặt sông.
“Rầm ào ào…”
Tiếng lưới đánh cá rơi vào mặt nước vô cùng êm tai. Chờ cho nó chìm xuống một lát, thuyền phu bắt đầu ra sức kéo sợi dây thừng cột trên tấm lưới lên.
“Tách Tách … Tách Tách Tách…”
Lưới mới kéo lên được một nửa, đã thấy cá bên trong quẫy bọt nước trắng xóa.
“Hà hà~~ Bữa nay may gớm, được mấy con cá lớn! Ai đến phụ một tay đi!”
Anh thuyền trẻ tuổi hào hứng kêu to với mấy vị khách trên thuyền. Kế Duyên vốn cảm thấy hứng thú nên đi tới. Tráng hán Lý Đại Ngưu cũng vội vàng chạy lại hỗ trợ.
“Rầm rầm..” “Lạch cạch lạch cạch…Lạch cạch lạch cạch…”
Sau khi thu lưới, những con cá nhảy lạch bạch trên thuyền nhìn đến vui mắt.
“Ha ha ha ha, trúng quả rồi!” “Các vị chờ một chút sẽ được nếm thử món canh đầu cá ăn với cá hấp rau khô, sở trường của cha ta đó!”
“A a a , tốt quá, tốt quá, thật là tốt, có cá ăn rồi, có cá ăn rồi…!”
Tiếng kinh hô và hoan hô của hài tử đan xen vào nhau.
Một con cá trắm đen hơn hai mươi cân, một con cá trắm cỏ khoảng mười cân, còn có hai con cá mè hoa và một ít tôm sông đang bật tanh tách, khiến cho tất cả mọi người đều phấn khởi. Nếu bọn họ ngồi thuyền lớn thì khó thấy được cảnh tượng như vậy.
Ở đuôi thuyền có đặt một bếp lò bằng đất sét để nấu cơm, canh và hấp cá. Không lâu sau, sắc trời đã tối. Lúc thuyền đi vào Xuân Mộc Giang, mặt sông yên ả, chiếc thuyền nhỏ thả neo chuẩn bị ăn cơm.
Mà lúc này, ở gần bờ sông cũng có một chiếc lâu thuyền đang thả neo. Trên thuyền, đèn đuốc sáng trưng, tiếng cười đùa ầm ĩ không ngừng. Tiếng nhạc réo rắt du dương, dường như trên lâu thuyền đang mở tiệc, có cả ca múa góp vui.
Thuyền Kế Duyên ngồi tuy nhỏ nhưng vẫn có khoang thuyền phía sau. Mái ô bồng ở phía sau khoang thuyền được buộc thêm một tấm vải che gió. Ánh sáng của lồng đèn trên thuyền chiếu rọi chập chờn trên dòng sông. Ban ngày, bọn họ còn là những người xa lạ. Nhưng bây giờ, cả đám đang ngồi quây quần bên bàn ăn, nhìn cực kỳ thân thiện.
Lão thuyền phu là tay dao thớt có nghề, tôm cá tươi đều trở thành món ngon, lại có thêm rượu gạo tự ủ. Đặc biệt là món cá hấp rau khô, không cần bỏ thêm gừng, hành tây, mà chỉ rắc mấy hạt muối, nhưng ăn ngon lại không tanh. Cả đám người tấm tắc khen ngon không dứt.
“Tõm~”
Bỗng một âm thanh mơ hồ từ trong nước truyền đến. Những người khác vẫn đang ăn, chỉ có Kế Duyên nghiêng mặt nhìn ra ngoài.
"Có người rơi xuống nước ~~~ Có người rơi xuống nước rồi ~~~~!"
Bên ngoài có tiếng thét chói tai vang lên. Mấy người trong thuyền cũng nghe thấy, nháo nhác đi ra ngoài nhìn.
“Hình như lâu thuyền bên kia có người rơi xuống nước?”
“Ừ, chắc là vậy.” “Ai da, không biết đã cứu được chưa?”
Lâu thuyền cách thuyền nhỏ này khoảng gần trăm trượng, rất xa nên nhìn không rõ. Bọn họ chỉ thấy phía đấy nhốn nháo. Kế Duyên càng không cần phải nói, xa như vậy nên thị lực của hắn coi như bỏ, chỉ nghe thấy tiếng la hét sợ hãi.
Nhưng hắn có thính lực hơn người, nên biết rõ người kia rơi xuống nước vẫn chưa được cứu lên. Dường như một gã công tử nhà nào đó uống say, hơn nữa còn không biết bơi.
"Tõm ~" "Tõm ~" "Tõm ~" . . .
Ở phía xa, trên lâu thuyền có mấy người cởi quần áo nhảy xuống sông cứu người. Chẳng qua, bọn họ mới bơi ra xa một chút thì đã thấy mặt nước xung quanh đen kịt tối om, không thấy gì cả. Ở trên cũng có người cầm đèn lồng chiếu sáng nhưng chẳng được bao xa.
“Ai da, lại có người nhảy xuống, xem ra chưa cứu được rồi!”
“Thật là…”
Kế Duyên lắc đầu. Tên kia say rượu rơi xuống nước, lại còn là vịt trên cạn. Vận khí tệ như thế này e rằng khó cứu. Đáng tiếc, hắn cũng không phải thần tiên pháp lực thông thiên, cho dù có thi triểu Tiểu Tị Thủy Thuật nhảy xuống tìm kiếm thì cũng không bằng mấy tay thuyền chài bơi lội như rái cá kia.
“Ồ!?”
Đột nhiên, ánh mắt hắn khẽ mở, nhìn chằm chằm vào mặt sông xa xa.
“Công tử ở đằng kia! Công tử ở đằng kia! Ở đằng kia, người đâu, nhanh ra cứu người! Ngu xuẩn, không nhìn thấy sao, ở kia kìa!”
Trên lâu thuyền có người kích động hét lên. Đám thuyền chài đang bơi trong nước đành phải vòng trở lại, rốt cuộc cũng nhìn thấy công tử áo trắng đang nổi trên mặt nước. Bọn họ mừng quýnh, vội vàng bơi đến, kéo gã về phía lâu thuyền.
Nghe phía thuyền lớn có tiếng hoan hô, đám người ở thuyền nhỏ cũng thở phào.
“May quá, may quá, cứu được người rồi!” “Lâu thêm chút nữa là chết đuối rồi!”
“Ổn rồi, ổn rồi!” “Ừ, chúng ta ăn tiếp nào.”
“Đúng, đúng, ăn thôi!”
Kế Duyên cũng quay trở lại khoang thuyền, nhưng hắn lấy cớ đi nhà xí rồi lại quay ra.
Trong khoang, lão thuyền phu nhấc hũ rượu lên định châm rượu thì phát hiện ra không còn giọt nào.
“Quái lạ, uống hết rồi sao?” “A? Sao lại hết, chưa uống mấy mà!”
“Không vội, không vội, ta vẫn còn, vào lấy thêm một hũ là được!”
…
Gió đêm thổi nhè nhẹ. Kế Duyên một mình đi tới mũi thuyền. Một đoàn rượu gạo được giấu trong tay áo. Tay phải vung lên, dòng rượu giống như một đầu Thủy Long nho nhỏ uốn lượn, im lặng rót xuống sông.
“Nửa hũ rượu gạo của ngư dân, kính mong ngài vui lòng nhận lấy!”
Nói xong, Kế Duyên liền quay trở về khoang thuyền. Hắn điềm nhiên như không có việc gì, cầm lấy bầu rượu mà lão thuyền phu mới mang tới. Dưới dòng sông, một con cá trắm đen thật lớn đang bơi lội tung tăng ở chỗ rượu được rót xuống.