Tiền thân của Hoá học ngày nay. Ra đời từ rất lâu tại Cận Tây, xoay quanh những triết lý cơ bản của người Cận Tây về vạn vật.
Người Cận Tây phân tích ra 4 yếu tố cấu thành vạn vật, là khô, ẩm, nóng, lạnh.
Khô và nóng, tạo thành Lửa.
Khô và lạnh, tạo thành Đất.
Ẩm và nóng, tạo thành Khí.
Ẩm và lạnh, tạo thành Nước.
Đất, Nước, Khí, Lửa. Đây là 4 nguyên tố cơ bản cấu thành nên vạn vật.
Cùng thời gian đó, ở Viễn Đông, người ta lại cho rằng, vạn vật được tạo nên từ Ngũ Hành, đó là Kim, Mộc, Thuỷ, Hoả, Thổ.
Hai lý thuyết về vạn vật này, có rất nhiều điểm tương đồng.
Tại Cận Tây, từ 4 nguyên tố cơ bản, người ta mới nghĩ cách để rút bớt một yếu tố này, thêm vào một yếu tố khác, để biến chất này thành chất khác.
Vật chất không tự sinh ra, cũng không tự mất đi, chúng chỉ chuyển hoá từ dạng này sang dạng khác.
Rất nhiều những phương pháp thí nghiệm ra đời, như hơ lửa, chưng cất, hoà trộn..., nhằm thực hiện những quá trình chuyển hoá.
Người ta mong muốn, tìm kiếm ra phương pháp chuyển hoá kim loại thành vàng. Chính vì vậy môn học vấn này được gọi là Giả Kim Thuật, hay Luyện Kim Thuật.
Chỉ có điều, những quan niệm sai lầm và quá ngây thơ của người cổ đại, đã khiến những nỗ lực của Giả kim thuật dần đi tới thất bại, và phải nhường chỗ cho Hoá học hiện đại.
Chỉ tới khi, Vật lý nguyên tử ra đời, đưa ra những cách giải thích rất khác về vật chất, người ta mới nhận ra, Giả kim thuật đã sai ở đâu.
Đúng là vật chất có thể chuyển đổi từ dạng này sang dạng khác, nhưng nó cần năng lượng, rất nhiều năng lượng, hoặc sẽ giải phóng ra rất nhiều năng lượng.
Và trong vật chất, có một loại thành trì bền vững tới mức, nó cần quá nhiều năng lượng để công phá. Một ngọn lửa, dù có vài ngàn độ C, cũng chỉ như một kẻ yếu ớt dùng tay đấm vào tường thành hùng vĩ.
Thành trì ấy, mang tên Nguyên tử.
Mỗi nguyên tử có một hạt nhân. Mỗi hạt nhân có một số hạt proton nhất định. Chừng nào số hạt proton trong một hạt nhân không đổi, thì sắt vẫn là sắt, mà vàng vẫn là vàng. Sắt sẽ không thể nào biến thành vàng.
Muốn đẩy văng một hạt proton khỏi một nguyên tử, hoặc thêm vào một hạt proton, người ta cần những phản ứng với năng lượng khổng lồ.
Đó là phản ứng hạt nhân.
Phản ứng hạt nhân ra đời, đem đến cho loài người nỗi tuyệt vọng về một cuộc tận thế, nhưng lại khiến cho các nhà Giả Kim Thuật Sư phơi phới hi vọng.
Chỉ cần có thể thành công công phá bức tường nguyên tử, người ta sẽ có thể đạt tới cảnh giới Luyện Kim chân chính.
Học tập môn học vấn này, từ lúc bắt đầu, sẽ dựa trên cơ sở của Hoá học và Vật lý học, sử dụng thêm nhiều ngoại cụ để cung cấp năng lượng, qua đó bắt đầu chuyển hoá vật chất.
Đột phá tới Tiến sĩ, người ta mới chân chính trở thành một Giả Kim Thuật Sư, có thể dùng khí lực của bản thân để phá vỡ cấu trúc nguyên tử, tiến hành chuyển hoá.
Tuy nhiên, những người có học vấn sâu rộng, đều có thể dễ dàng liên hệ Giả Kim Thuật, vốn bắt nguồn từ Cận Tây, với một môn học vấn xuất xứ từ Viễn Đông.
Dịch học.
Dịch là chuyển dịch. Nghiên cứu mọi loại chuyển động của vật chất, của sự kiện, của mọi biến cố, của nhân sinh, chính là Dịch học.
Dịch học, dựa trên Số học, với nền tảng là Ngôn ngữ nhị phân.
Ngôn ngữ nhị phân, tức là chỉ có 2 con số, có thể miêu tả toàn bộ sự việc.
Hai con số ấy, là Âm và Dương.
Một nét liền là Dương.
Hai nét đứt là Âm.
Dịch học ra đời tại đâu đó giữa Vương triều Visshala và vùng lãnh thổ phía Nam Mẫu Hà, tức là Đại Nam ngày nay. Có lẽ vì sớm có thành tựu về Toán học và Dịch học, mà người Đại Nam rất giỏi về Khoa học tự nhiên.
Tổ hợp Âm và Dương lại, ta có 4 hình vẽ, mỗi hình gồm 2 nét, hoặc Âm hoặc Dương. Đó Thái Âm, Thái Dương, Thiếu Âm, Thiếu Dương. 4 hình vẽ này, được gọi là Tứ Tượng.
Từ Tứ Tượng, lại thêm vào một nét, tạo thành Bát Quái.
Đó là Càn, Khôn, Chấn, Tốn, Cấn, Đoài, Ly, Khảm.
Tương truyền, tiền nhân nhìn vào mai con rùa đá, để sáng tạo nên 8 đồ hình trên.
Cách các đồ hình chuyển biến, di dịch từ Càn tới Khôn, từ Ly tới Khảm, chính là cách tiền nhân suy ngẫm về những biến đổi ở đời.
Vạn vật xảy ra trên đời này, Hoạ hay Phúc, buồn hay vui, đều có quy luật của nó. Nắm được những quy luật ấy, mới thấu được Thiên Mệnh.
Thiên Mệnh là thứ ngẫu nhiên, nhưng cũng là thứ tất nhiên.
Khổng giáo ra đời và phổ biến khắp Bắc Hà, chính là dựa trên học thuyết Thuận theo Thiên Mệnh.
Mà Bắc Hoàng, chính là đại diện cho Thiên Mệnh, được gọi là Thiên Tử, là đấng tối cao để người dân phụng thờ.
Người Đại Nam cũng thuận theo Khổng giáo, cho tới năm Kỉ lịch 3000, khi Vương tộc bắt đầu mở ra một triều đại cai trị mới, lấy nghiên cứu Khoa học làm gốc rễ, dùng việc hiểu rõ tự nhiên mà thống trị tự nhiên. Nói theo cách của người Bắc Hà, là nghịch thiên mà tiến.
Dịch học, cũng vì vậy mà bị cho là thần bí, là mê tín, là lừa bịp, dần dần cũng trở nên ít phổ biến ở Đại Nam, chỉ còn là cái cần câu cơm của những thầy bói, thầy cúng.
Tuy nhiên, Vương tộc, những người ban hành sắc lệnh hạn chế Dịch học trong dân chúng, lại chính là những kẻ nghiên cứu Dịch học điên cuồng nhất.
Bởi vì, Âm Dương Long Khí Tiễn, và Âm Dương Quyền Pháp, đều dựa rất nhiều trên cơ sở Dịch học.
Dịch học, vẫn được Vương tộc coi là môn Cơ bản cấp độ 3, sau Cấp độ 1 là Toán, Văn, Thể dục và Cấp độ 2 là Triết học, Võ thuật.
Mối liên hệ giữa Dịch học và Giả kim thuật, cũng quá rõ ràng. Thậm chí, một môn học vấn nổi tiếng ở Bắc Hà, vốn dựa trên cơ sở của Dịch học, là Luyện Đan Thuật, được cho là Giả Kim Thuật của phương Đông.
Vương Vũ Hoành ngồi trong một gian phòng kín. Trước mắt hắn, là vô vàn những ảo ảnh.
Cách tu luyện Giả Kim Thuật của hắn, rất khác với người thường. Bởi như hắn đã nói, thứ cần luyện chế, không phải là kim loại, không phải là vũ khí, cũng không phải là vật chất.
Thứ cần luyện chế, là tư duy của chính bản thân mình.
Đến suy nghĩ trong đầu mình còn không thể thay đổi, ngươi còn có thể thay đổi điều gì?
================
Chương này ngắn thôi, vì nếu đến chương ngắn ngươi còn không viết được, làm sao ngươi viết được những chương dài?
Mà truyện đã đạt top15, dù ta chả biết là top của tiêu chí gì, nhưng xin cảm ơn mọi người. Xin đề cử, xin buff phiếu, xin đánh giá, xin like, xin share, xin tất cả những gì có thể:).
(Những dòng này, chính là để kéo cho chương dài hơn).