Sau khi chiếm Nam Kinh, quân Nhật bắt đầu di chuyển về phía Tây, mỏ than nhà nước ở Hoài Nam đã nhận được chỉ thị từ trung ương xuống, tất cả bắt đầu cho phá đường nổ mỏ. Phó Ngọc Thanh chần chừ mất một thời gian dài, sau khi bàn bạc lên xuống với vị tiến sĩ đi du học thì cuối cùng vẫn quyết định cho nổ mỏ. Anh tập hợp các công nhân lại một chỗ, phát cho bọn họ đủ tháng lương trợ cấp thôi việc, ai nấy ở mỏ đều hoang mang, chẳng biết tương lai sẽ rồi sẽ đi đâu về đâu. Giờ đây các thiết bị của anh không thể chuyển ra ngoài nữa rồi, chỉ đành chôn chung trong nhà máy. Anh nghe bảo ở quanh Thượng Hải có đội du kích kháng Nhật, trong đầu luôn ngầm tìm cách liên lạc với bọn họ, song rốt cuộc vẫn thất bại.
Phó Ngọc Hoa và mọi người vẫn chưa ổn định xong, lúc đi đường viết thư nhà cho anh gửi đến Thượng Hải, có người nhận hộ rồi lại gửi đến cho anh đang ở Hoài Nam. Chỉ là anh đọc vào cũng thấy những lá thư này rất đứt quãng, giữa chừng xảy ra chuyện gì mình cũng chịu chẳng biết. Rất nhiều chuyện chỉ có đúng một câu qua loa trong thư, nhưng Phó Ngọc Thanh có thể thấy được những gian nan vất vả ẩn chứa đằng sau ấy.
Tàu bọn họ chở các trang thiết bị di dời vào đất liền cùng kỹ sư và kỹ thuật viên, thẳng tiến về Tây, lúc nào cũng phải đề phòng quân Nhật tập kích đường không, vừa đắt đỏ vừa tốn thời gian, tiền chảy tuồn tuột ra ngoài như nước đủ để khiến người ta phải sốt lên vì lo. Tàu bị nổ trúng một lần, mò vớt thiết bị rồi thì sửa chữa làm trễ nải mất bao nhiêu thời gian, thành ra đi rất chậm. Cứ đinh ninh dọc đường có thể dừng chân tạm ở Vũ Hán, nhưng quân Nhật đi từ Từ Châu xuôi Nam quá nhanh, đã bao vây luôn cả Vũ Hán. Bọn họ chỉ còn nước rút lui lần nữa, phải đến tận hè mới tới được Nghi Xương.
Phó Ngọc Hoa nhắc đến cả Chấn Ngọc trong thư, bảo là thằng bé bị say sóng rồi ốm mà vẫn ngoan lắm, nó có cái tính sĩ diện hệt như anh vậy. Anh còn kể về cả mọi người trong nhà, nhưng chẳng hiểu sao lại không đề cập gì đến Ngọc Đình.
Trong phong thư còn có một lá thư ngắn khác nói về chuyện của Chấn Ngọc, rằng: Anh biết việc này tất nhiên sẽ khiến em có hiểu lầm, nhưng em không thể vì thế mà trách cha được. Thực sự là vì thời cuộc thay đổi quá khôn lường mới đành bất đắc dĩ phải vậy. Ông chủ Mạnh có công dưỡng dục với Chấn Ngọc, đáng lý ra không nên bắt hai người phải xa nhau. Nhưng em với Thiếu Du lấy nhau rồi cũng chẳng có con, Chấn Ngọc là huyết mạch duy nhất của em, nhỡ ở lại Thượng Hải mà gặp chuyện gì thì hắn ta biết ăn nói thế nào với em đây? Ông chủ Mạnh là người nặng tình nghĩa, thế này là em đang hiểu lầm hắn vô tình. Việc hắn trả Chấn Ngọc lại cho nhà Phó là một nghĩa cử, cũng hoàn thành được tâm nguyện của cha, mai này hai cha con em đoàn tụ, em sẽ thông cảm được cho nỗi khổ tâm của cha.
Phó Ngọc Thanh đọc đi đọc lại mấy lần, anh muốn viết thư hỏi chuyện đó rốt cuộc là ý tưởng của ai, nhưng cuối cùng vẫn thôi. Chiến tranh loạn lạc, viết thư cũng bằng không, viết rồi thì gửi đi đâu kia chứ, huống chi chuyện đã đến nước này rồi, có đi truy cứu ai nghĩ ra thì cũng còn để làm gì đâu?
Sang thu, chiến sự ở Hoài Nam càng thêm căng thẳng, cuối cùng hết cách, anh vẫn phải xuôi Nam đến Hồng Kông. Dương Thu Tâm nghe thấy các thợ mỏ đồn rằng xung quanh có đội du kích kháng Nhật, cô bèn tự tay cầm kéo cắt phăng tóc rồi gói ghém quần áo, chỉ để lại cho anh đúng một lá thư ngắn gọn rồi lên đường rời nhà máy. Đến lúc phát hiện ra, Phó Ngọc Thanh tức tốc bảo người làm đi tìm, đồng thời nghĩ cách liên lạc với người trong đội du kích, nhưng tìm kiếm bao lâu mà vẫn công cốc. Chuyện này khiến anh tự trách móc bản thân mình rất nhiều, lúc ấy anh đã chẳng còn ôm hy vọng gì ở chiến đấu nữa, xong lại nghĩ đến mộ của Triệu Vĩnh Kinh vẫn đang nằm trong vùng bị chiếm đóng, nếu Dương Thu Tâm biệt tăm biệt tích thì anh biết ăn nói thế nào với bạn bè đây?
Hễ nghĩ đến mình với Mạnh Thanh là anh lại không khỏi sầu não. Anh không quyết tuyệt can đảm được như Dương Thu Tâm, sau chót vẫn bỏ Thượng Hải chạy đến Hoài Nam trốn. Giờ anh chẳng khác gì một con chó mất chủ, hoảng loạn chạy nạn khắp nơi.
Kể từ lúc rời Thượng Hải, Phó Ngọc Thanh chưa liên lạc với hắn lần nào, có khả năng Mạnh Thanh nghĩ anh đã ở Hồng Kông rồi. Cái ngày lên đường ở bến cảng anh cũng có nghĩ tới sau này, nhưng tương lai sao mà tăm tối mịt mờ quá đỗi, tưởng chừng như chẳng thấy nổi một tia sáng. Anh chẳng hơn gì chiếc lá khô giữa biển cả cuồn cuộn, chỉ biết cầu mong thân mình đừng tan nát giữa sóng gió, chứ còn có thể hy vọng điều gì xa vời hơn đâu?
Sau khi Thượng Hải thất thủ, chính phủ bù nhìn mới của Nhật đã được thành lập, nghe nói Trì Ly Sơn đảm nhiệm chức bộ trưởng bộ Tài chính, ngang ngược lộng hành không nể nang một ai. Anh còn thấy bảo hội Hoàng đạo[1] đang ám sát những nhân vật nổi tiếng có khuynh hướng kháng Nhật ở các nơi, trong đó có hiệu trưởng trường Đại học Thượng Hải[2] Lưu Trạm Ân[3], qua đó đủ thế thấy bọn chúng hoành hành đến mức nào.
1.
2.
3.
Phó Ngọc Thanh không biết Mạnh Thanh ở Thượng Hải làm gì, an nguy ra sao. Nhưng hắn đã đồng ý lời của Đỗ Nguyệt Sênh rồi thì phải biết đây ắt chẳng phải chuyện gì dễ dàng.
Hắn thừa hiểu mình có thể mất mạng bất cứ lúc nào, vậy mà hắn vẫn kiên quyết ở lại, Phó Ngọc Thanh biết mình nên kính trọng hắn, nhưng cho đến tận ngày hôm nay anh vẫn không kìm được căm hờn hắn.
Anh quá sợ, sợ rằng một ngày kia thức giấc sẽ hay tin Mạnh Thanh ra đi, bị đưa về Đông Đài an táng.
Lúc đó anh sẽ ra sao đây?
Anh không biết, anh thậm chí còn chẳng dám nghĩ tới chuyện ấy, chỉ vừa nghĩ tới là cả người anh đã lạnh toát.