Thử một chút thì có vẻ khúc gỗ treo hơi cao, hạ xuống hơi nông.
Người thợ mộc lại cởi dây điều chỉnh lại.
Thử lại thì thuận lợi rồi.
Kiều Vi cầm cái chuôi nhỏ, dùng côn gỗ xoay vòng tròn trong chậu.
Nước chảy ào ào theo vòng tròn.
Giống với máy giặt quần áo, hơn nữa cũng không tốn sức, còn thuận tiện để hoạt động khớp vai và các đốt ngón tay.
Làm cái này chỉ giúp tiết kiệm công sức khi giặt quần áo, Kiều Vi không ngờ nó lại có tác dụng giải toả căng thẳng như vậy.
Bầu trời trong xanh, ánh mặt trời ấm áp, nước chảy ào ào xung quanh.
Ba vòng bên trái, ba vòng bên phải.
Tiếc là đang có người ở đây, không thể xoay mông hay vặn eo.
Nhưng cô rất vui, rất hạnh phúc.
Hai người thợ mộc ăn xong mấy chén chè đậu xanh ngọt bùi rồi đi tới, hơi bối rối nói: “Ờm… Tôi làm thử được không?”
“Tôi cũng thử!”
“Công nhận là cái này đỡ tốn sức hơn thật.” Thợ mộc đang nghịch vui vẻ nói.
Một người khác thì chắp tay sau lưng, cúi xuống quan sát: “Cái này có giặt sạch được không?”
“Khá sạch đấy.” Kiều Vi nói: “Tôi ngâm qua trước, dùng một mẩu xà phòng nhỏ, hòa tan với nước ấm rồi ngâm.”
Nhưng người dân trong thị trấn nhỏ cũng giống với người ở quê, đều không nỡ dùng xà phòng.
Kiều Vi nhìn thấy biểu cảm của hai thợ mộc thì sửa lời: “Để hôm nào tôi thử dùng bồ kết xem. Tôi nghĩ sẵn rồi, đầu tiên là giã bồ kết trong cối giã tỏi trước, lại hòa với nước ấm để ngâm quần áo, chắc là hiệu quả cũng không khác xà phòng là mấy. Vậy thì có thể tiết kiệm được xà phòng rồi.”
Thứ khó kiếm nhất trong thời đại này không phải lương thực mà là sản phẩm công nghiệp.
Rất nhiều người đều không nỡ dùng xà phòng. Nhưng vừa đổi thành bồ kết là mấy thợ mộc đã thấy dễ dàng hơn nhiều.
Thậm chí bọn họ còn đề xuất cho cô: “Dùng tro bếp ngâm quần áo cũng được.”
Nhiên liệu khi đun bếp đều là củi gỗ, cỏ khô, nên tro bếp cũng chính là phân tro, có khả năng làm sạch. Đây vốn là biện pháp mà các cụ đã truyền lại qua hàng nghìn năm.
“Đúng thế!” Kiều Vi nói: “Thật ra nguyên lý của cái này chính là đổi từ đập quần áo sang quay quần áo. Không phải đập quần áo cũng là vì để bồ kết dính đều vào quần áo hay sao? Nguyên lý giống nhau, chỉ là cách thức không giống nhau mà thôi.”
Cách dùng từ của cô nghe cứ như người làm công tác văn hoá.
Cách nói năng và phong thái của cô cũng rất khác, trông vô cùng thoải mái, thong dong, nhìn giống như người tới từ thành phố lớn.
Hai người thợ mộc đều phải nhìn Kiều Vi bằng ánh mắt khác, một người còn hỏi: “Bức tranh kia là do cô vẽ à?”
“Tranh là tôi vẽ, nhưng ý tưởng thì không phải của tôi.” Kiều Vi cười đáp: “Trước đây tôi từng nhìn thấy thứ này ở nơi khác, nên mới muốn học theo để tiết kiệm sức lực.”
Một thợ mộc giơ ngón cái lên.
Kiều Vi cười rất tươi.
Hai thợ mộc rời khỏi nhà họ Nghiêm, họ đẩy xe, vừa đi vừa nói chuyện.
“Nhà cán bộ này cũng không giàu có như tôi tưởng.” Một người nói: “Trông nghèo lắm, anh có nhìn thấy không, nhà họ còn treo giày rơm đấy.”
Một người khác nói: “Không biết cái trên giường trúc là gì? Gối dựa à? Tất cả đều được làm bằng vải thô, chỉ có một cái là được nhuộm màu.”
Ba cái gối dựa của Kiều Vi có hai cái màu gốc, một cái màu lam.
Vải thô vốn đã không đắt, thậm chí màu gốc còn rẻ hơn màu lam bởi vì nó không cần nhuộm màu.
Vợ của đoàn trưởng Nghiêm còn không nỡ tiêu tiền làm ba cái màu lam, cô chỉ làm một cái màu lam, hai cái khác thì giữ nguyên màu gốc.
Là vì không mua được vải à?
Trông có hơi… bủn xỉn.
“Sao có thể gọi là bủn xỉn được.” Một thợ mộc nói: “Anh nhìn xem chè đậu xanh của người ta có bao nhiêu đường, tặng thuốc lá cũng hào phóng. Người ta không phải, không phải cái gì…”
Một người khác cũng nói: “Đúng đúng đúng, không phải bủn xỉn, không phải bủn xỉn. Ờm… là… ờm…”
“Giản dị mộc mạc!”
“Đúng vậy, nói rất đúng, giản dị mộc mạc, không quên gốc rễ.”
Kiều Vi nào biết hai thợ mộc nói về phong cách dân dã của cô như vậy. Cô đang vui vẻ giặt sạch một chậu quần áo.
Đúng lúc Nghiêm Tương ngủ trưa dậy, Kiều Vi bèn gọi Nghiêm Tương đến giúp cô vắt quần áo, chủ yếu là do có cái quần dài nên không dễ vắt lắm.
Tuy sức của Nghiêm Tương nhỏ, nhưng cậu bé chỉ cần cầm chặt, không buông tay là được.
Hai người cùng làm thì dễ hơn nhiều.
Nghiêm Tương còn chơi “máy giặt” một lát, cậu bé chơi rất vui vẻ.
Thứ ba là ngày Nghiêm Lỗi đi họp.
Sau khi thảo luận xong mấy chuyện thông thường, Nghiêm Lỗi đệ trình “Đề xuất nuôi bò lấy sữa để bổ sung dinh dưỡng cho con cái và người nhà của quân nhân” cho lãnh đạo.
Con cái và người nhà của quân nhân là ai?
Chính là vợ con của cán bộ và lãnh đạo đang ngồi ở đây chứ ai.
Hơn nữa, Nghiêm Lỗi từng được Kiều Vi phổ cập khoa học về chuyện bổ sung canxi và phát triển chiều cao, nên anh lại giảng lại kiến thức này cho mọi người.
Lãnh đạo cảm thấy: “Cái này được. Làm đi, làm đi!”
Bộ đội vốn đã tự nuôi heo và nuôi dê, cũng nuôi cả bò nhưng đó là bò lấy thịt. Mỗi loại bò đều khác nhau rất nhiều.
Hơn nữa, nếu muốn bảo đảm lượng sữa bò cho tất cả, hoặc ít nhất là đa số gia đình cán bộ thì một, hai con bò cũng chẳng bõ bèn gì.
Việc này phải do bộ phận hậu cần thảo luận và lên kế hoạch để có thể đưa vào thực tế.
Với năng lực của quân đội thì có thể nhanh chóng thực hiện.
Buổi sáng Nghiêm Lỗi họp xong, đến chiều thì xin nghỉ với Chính ủy để rời đi trước.
Sau khi anh đi, Chính ủy còn cầm cốc tráng men, vừa uống trà vừa nói với người khác: “Sao hôm nay trông cậu ấy phấn khởi thế? Có chuyện gì vui à?”
Người khác: “Chắc là không…”
Lạ thật đấy.
Bởi vì các cán bộ đều cùng nhau ngồi xe jeep về nhà, nên thời gian về nhà của Nghiêm Lỗi đều rất ổn định. Kiều Vi sẽ căn chuẩn thời gian để nấu cơm tối.
Nhưng hôm nay đã tới giờ rồi mà Nghiêm Lỗi vẫn chưa về, cô đang khó hiểu thì Anh Tử nhà đoàn trưởng Triệu tới: “Dì ơi, bố cháu bảo cháu sang nói với dì là hôm nay chú Nghiêm có việc nên xin nghỉ để đi làm việc. Chú Nghiêm bảo là có lẽ sẽ về muộn, bảo dì phần cơm cho chú.”
“Ừ, dì biết rồi, cảm ơn cháu. Anh Tử đừng đi vội.”
Kiều Vi gọi Anh Tử lại, mở hộp lấy hai cái bánh quy ra cho Anh Tử: “Này.”
Anh Tử nhận bánh quy, vui vẻ đi về nhà.
Cô bé ăn một cái trên đường về, cái còn lại thì đem về nhà, bẻ thành hai nửa, một nửa cho Quân Tử, một nửa cho bé Năm.
Hai đứa bé lập tức nhét vào trong miệng, sợ chậm là sẽ bị các anh trai giành mất.
Gia đình đông con, mỗi lần ăn là một lần luyện tốc độ tay.
“Ở đâu ra thế?” Chị Dương nhìn thấy hỏi.
“Dì Kiều cho ạ.”
“Con bé này, đã bảo không được xin đồ ăn của người khác rồi mà!”
“Con không xin! Con đang định đi thì dì Kiều gọi con lại rồi cho con.” Anh Tử cãi: “Dì Kiều hào phóng lắm. Đó chính là bánh quy xịn, dì Kiều không những mua về mà còn mở ra ăn nữa.”
Chị Dương trợn mắt: “Làm gì có nhà ai bằng nhà đó được, chỉ có một đứa con. Nhà mình phải nuôi mấy cái mồm đấy.”
Anh Tử: “Xí. Thế thì mẹ đừng đẻ nhiều như vậy nữa.”
Nhìn thôi cũng biết Nghiêm Tương sống sung sướng và thoải mái hơn mấy anh chị em nhà cô bé nhiều. Mấy hôm trước bé Năm còn bảo là được ăn đào đóng hộp ở nhà họ Nghiêm, làm cô bé thèm chết đi được.
Cô bé bảo mẹ mình đi mua, lúc đến hợp tác xã cung tiêu hỏi thì chẳng còn, đã hết từ lâu rồi.
Chị Dương đánh cô bé một cái.
“Nhưng mà dì Kiều của con đúng là rất hào phóng. Cái này người khác không bằng được.” Chị Dương khen.
Nghiêm Lỗi về muộn hơn mọi khi một lúc, anh còn dẫn theo một người, đó là một người đồng hương.
“Đây đây đây, để ở đây đi.” Nghiêm Lỗi xách theo bao tải, dẫn đồng hương vào nhà.
Đồng hương khiêng một bó cỏ khô lớn trên vai.
Kiều Vi đi từ trong phòng ra, vừa nhìn đã hiểu: “Anh mua cỏ khô à?”
“Không phải là mua, không phải là mua.” Đồng hương vội xua tay: “Là tôi tặng cho anh ấy, tặng.”
Kiều Vi le lưỡi: “Đúng đúng đúng, tặng.”
Giữa các cá nhân không thể nói đến chuyện mua bán.
Nghiêm Lỗi chọc nhẹ cô một cái rồi đi vào nhà. Một lát sau, anh cầm theo tiền và phiếu lương thực ra ngoài để cho đồng hương.
Phiếu là đồ vật chỉ có ở thành phố, nông dân không có phiếu lương thực. Nhưng vì đủ loại lý do mà nông dân vẫn sẽ có nhu cầu muốn có phiếu lương thực.
Đêm hội mùa xuân ở thập niên chín mươi còn có tiểu phẩm, nói về nông dân đẩy xe đạp để “phiếu lương thực đổi gạo”, chính là dùng gạo để đổi lấy phiếu lương thực trong tay người thành phố.
Đồng hương cầm số tiền và phiếu lương thực mà họ đã thương lượng xong từ sớm, nhưng anh ấy không đi ngay mà muốn lấy bao tải về.
Mọi người ở thời đại này còn không nỡ vứt cả tờ giấy rách, thứ gì cũng phải dùng đi dùng lại đến lúc hỏng thì thôi.
Nghiêm Lỗi cũng không so đo chuyện này, anh đổ cỏ khô trong bao tải lên giường trúc, sau đó trả cái bao tải cũ cho đồng hương.
Anh hào phóng như vậy làm đồng hương rất vui, trước khi đi anh ấy còn dặn: “Có việc gì thì cứ tìm tôi nhé, tôi ở gần.”
Nghiêm Lỗi đóng kỹ cửa rồi quay người, Kiều Vi thì đang mân mê chỗ cỏ khô kia: “Sao lại vừa có rời, vừa có đệm cỏ thế?”
Hóa ra cỏ khô trong bao tải đều là cỏ rời, còn trong gói mà đồng hương khiêng vào kia chính là đệm cỏ đã được đan sẵn.
“Cái này để cho em nhét vào đệm.” Nghiêm Lỗi nói: “Cái này để trải giường chiếu.”
“Độ dày của cái này rất vừa vặn, sau này đầu gối em sẽ không đau nữa.” Anh chỉnh vành mũ, mắt sáng bừng.
Đồng chí, anh đừng nhắc đến chuyện đó khi đang mặc bộ quần áo này chứ.
Kiều Vi thấy rất áp lực, cô có cảm giác tội lỗi như đã dạy hư người đứng đắn, vội đẩy anh: “Anh đi thay quần áo đi rồi ăn cơm.”
Nghiêm Lỗi thuận tay ôm đệm cỏ vào nhà.
Nghiêm Lỗi lật chiếu trên giường lên, cuộn cái đệm lại rồi trải đệm cỏ giày lên trên cái giường đất ở dưới, sau đó là đến đệm và chiếu. Anh còn ấn thử, rất êm!
Anh thay bộ quần áo khác rồi đi vào sân, nhìn thấy cái máy giặt bằng sức người bên cạnh giếng nước: “Lắp xong rồi à? Thế nào? Dùng được không?”
“Dùng được. Em đã giặt xong một chậu quần áo rồi.” Kiều Vi nói: “Sau này cứ để em giặt quần áo, anh không cần phải làm, anh rửa bát thôi là được.”
Cô ngồi trên giường trúc, thử nhét cỏ khô vào trong gối dựa.
Lần đầu tiên thất bại, cô dứt khoát móc hết tất cả mảnh vải bên trong ra, trộn lẫn với cỏ khô rồi lại nhét vào, cuối cùng cũng thành công.
Sau khi nhét cỏ khô vào cả ba cái gối, Kiều Vi thử dựa vào nó rồi vui vẻ nói: “Thật sự không lún này.”
Cỏ khô trộn lẫn với mảnh vải là có thể làm cái gối căng ra, mang đến cảm giác đàn hồi không khác gì chỗ tựa lưng của sô pha.