Mục lục
Một Vài Chuyện Nông Hộ - Lãng Lãng Minh Nhật
Thiết lập
Thiết lập
Kích cỡ :
A-
18px
A+
Màu nền :
  • Màu nền:
  • Font chữ:
  • Chiều cao dòng:
  • Kích Cỡ Chữ:

Tống Tiểu Bảo đếm vịt xong, Trần a thẩm thấy Triệu Ngôn Tu và Tống Thiêm Tài quay trở lại bèn bế cháu gái Tiểu Hoa đứng dậy cáo từ trở về. Tống Thiêm Tài ôm Tống Tiểu Bảo lên, xoa xoa mặt, cười hỏi: "Hôm nay chơi có vui không? Có bắt nạt Tiểu Hoa muội muội không đó?"

Tống Tiểu Bảo bày ra nụ cười tươi rói nói: "Không có, con với Tiểu Hoa muội muội cùng nhau mặc áo cho vịt. Bà nội và Trần nãi nãi may cho vịt rất nhiều quần áo. Con là ca ca, con nhất định phải làm một người anh tốt giống như Lương ca ca, sẽ không bắt nạt Tiểu Hoa muội muội."

Tống Thiêm Tài quả thực không ngờ Tống Tiểu Bảo bình thường nũng nịu như vậy mà lại có thể có tự giác của một người làm ca ca, sâu sắc cảm thấy hắn dạy dỗ quá xuất sắc. Vì vậy hắn không chỉ luôn miệng khen ngợi Tống Tiểu Bảo mà còn làm cho Tống Tiểu Bảo một món đồ chơi mới, khiến cho Tống Tiểu Bảo vui đến nỗi khuôn mặt nhỏ đỏ bừng nguyên cả đêm.

Buổi tối, Triệu Ngôn Tu lấy ra hai cái hộp Phó Văn Duệ cho, phát hiện bên trong hộp chứa khế đất của vài cái cửa hàng nằm trên mấy đoạn đường không tồi ở Tuyền Châu, còn có hai tòa nhà, một cái thôn trang cùng với năm vạn lượng bạc. Triệu Ngôn Tu nhíu mày, không hề nghĩ tới Phó Văn Duệ lại ra bút tích lớn đến như vậy.

Triệu Ngôn Tu ban đầu nhìn hai cái hộp chỉ tưởng Phó Văn Duệ đưa lễ vật cho y và Tống Thiêm Tài, tỏ vẻ không phản đối bọn họ nữa cho nên mới nhận lấy. Không ngờ trong này lại là nhiều sản nghiệp và tiền bạc như vậy, đối với Triệu Ngôn Tu mà nói, hai cái hộp đã trở thành củ khoai nóng phỏng tay.

Nghĩ đến chuyện xác suất trả đồ thành công là bao nhiêu, Triệu Ngôn Tu lắc đầu, trong lòng biết khả năng không lớn. Trừ khi y hoàn toàn xé rách mặt với Phó Văn Duệ, nhưng như vậy đối với y, đại ca và cả Tống gia đều cực kỳ bất lợi. Một mảnh hảo tâm của Phó Văn Duệ, y cầm rồi lại trả về thì cũng quá vả mặt.

Tống Thiêm Tài nhìn thấy mấy thứ này cũng lắp bắp kinh hãi, nhưng nghĩ đến Phó gia là hoàng thương cũng bèn bình thường trở lại. Đại thương hộ như Phó gia lấy ra mấy vật này quả thật tương đối thực dụng. Nếu như hắn tặng Triệu Ngôn Tu tác phẩm nghệ thuật hay bảo vật gì đó, ngay cả bảo quản thôi cũng trở thành vấn đề. Phó Văn Duệ e là cũng nghĩ tới mặt này nên mới đặt mua sản nghiệp cho Triệu Ngôn Tu, lại tính toán đến việc Triệu Ngôn Tu về sau sẽ đi võ cử nên mới nhét thêm nhiều ngân phiếu để lót đường cho Triệu Ngôn Tu sau này. Hắn làm vậy cũng là vì hiểu rõ tình tình của Triệu Ngôn Tu, bất kể thế nào y cũng sẽ không mở miệng đòi hỏi bọn họ cái gì, cho nên hắn mới chuẩn bị xong xuôi hết thảy rồi mới giao cho Triệu Ngôn Tu. Tống Thiêm Tài bỗng nhiên cảm thấy vị cữu cữu Phó Văn Duệ này kỳ thật nếu không phải không coi ai ra gì quá tự cho là đúng, dựa vào phần tâm này cũng có thể coi là một thân thích không tồi.

Nhìn vẻ mặt Triệu Ngôn Tu, Tống Thiêm Tài hiểu rõ Triệu Ngôn Tu đang băn khoăn cái gì, bèn nói: "Ngôn Tu, ngươi đừng lo lắng. Phó Văn Duệ đã cho thì ngươi cứ cầm đi. Bằng không còn không biết hắn sẽ nghĩ cái gì đâu."

Triệu Ngôn Tu nghe vậy liền cảm thấy không nên phiền lòng vì việc này nữa, ngược lại bắt đầu thương lượng với Tống Thiêm Tài xem nên xử lý mấy thứ này như thế nào. Hai người bàn bạc nửa ngày mới thống nhất xong xuôi. Đến lúc đi ngủ, trong đầu Triệu Ngôn Tu thoáng hiện lên lời nói hôm nay của Lâm Kiềm Tây. Nghĩ đến cha nương, lại nhớ lại nỗi tuyệt vọng và tự phẫn hận chính mình khi còn ở trong tù lúc trước, Triệu Ngôn Tu bỗng nhiên cảm thấy có thể gặp được đại ca Tống Thiêm Tài là y đã may mắn tới cỡ nào.

Hắn không chỉ cứu y, hơn hết còn giúp y một lần nữa tin vào chuyện thiện ân sẽ có báo đáp, xoa dịu hận thù trong lòng y. Cuộc sống ở Tống gia, sự tri kỷ của Tống Thiêm Tài cũng chậm rãi chữa khỏi nỗi đau xót trong lòng y, không thì hôm nay y tuyệt đối sẽ không thể nói ra những lời bình tĩnh như vậy. Quả thật như y từng nói, không để bụng cho nên sẽ không mất mát.

Rất nhanh đã tới tháng ba tháng bốn, cỏ mọc chim bay, hoa thắm liễu xanh, không có Phó Văn Duệ thường xuyên xoát cảm giác tồn tại, tâm tình Tống Thiêm Tài cực kì không tệ. Hắn bèn rủ mọi người trong Tống gia cùng nhau tới chùa Hộ Quốc, một ngôi chùa nổi danh ở Tuyền Châu đi du xuân. Vừa hay gặp được cha con Lương Hữu Vinh tới Tống gia làm khách, đoàn người bèn cùng nhau khởi hành.

Chùa Hộ Quốc cực kì nổi tiếng ở Tuyền Châu. Lương Hữu Vinh ở Tuyền Châu đã nhiều năm khá là quen thuộc chùa Hộ Quốc, cho nên bèn đứng ra làm hướng dẫn viên cho Tống gia, mọi người nghe xong cảm thấy vô cùng thú vị, hứng thú với chùa Hộ Quốc cũng tăng lên rất nhiều.

Tuyền Châu nơi đây phồn hoa tựa cẩm, tới mùa xuân, có không ít nhà giàu tới chùa Hộ Quốc du ngoạn. Nơi này hương khói lúc nào cũng nghi ngút, có không ít phụ nhân khuê tú tới chùa Hộ Quốc dâng hương. Nhóm người Tống Thiêm Tài trừ hai lão Tống gia và hai đứa nhỏ ra, những người khác đều có thể nói anh tuấn khôi ngô.

Đặc biệt là hai huynh đệ Lương Hữu Vinh và Triệu Ngôn Tu diện mạo vô cùng xuất chúng. Lương Hữu Vinh cho dù không ngạo mạn, nhưng tuổi còn trẻ đã thân ở địa vị cao, trên người tự nhiên mang theo một cỗ khí độ không giống người thường. Triệu Ngôn Tu khí chất nội liễm, nhưng cũng cực kì có nội tình. Còn Tống Thiêm Tài tuy rằng tướng mạo không xuất chúng như hai vị kia, nhưng trên mặt hắn lúc nào cũng treo ý cười, nhìn vào cảm thấy thân thiện dễ gần, được cộng không ít điểm.

Ba thanh niên nam tử như vậy đi ở trên đường khiến cho nhóm phụ nhân khuê tú sôi nổi ghé mắt. Tuyền Châu dân phong khai hoá, triều đại lại khá là thoáng, quản chế nữ tử cũng tương đối lỏng, có mấy phụ nhân làm bộ như thiếu nữ, oanh oanh yến yến ném túi thơm khăn lụa về phía ba người bọn họ.

Tống Thiêm Tài hoảng sợ, theo phản xạ nhìn sang Triệu Ngôn Tu, vốn còn lo Triệu Ngôn Tu không vui, không ngờ Triệu Ngôn Tu còn được ném nhiều hơn cả hắn. Tống Thiêm Tài lập tức đen mặt. Biết người trong lòng ưu tú, nhưng người trong lòng của hắn là hoa đã có chủ, rụt rè của mấy nữ tử này chạy đi đâu hết rồi?

Đáng nhẽ ra hắn không nên chọn ngày này để đi xem náo nhiệt mới phải. Nhìn một đám nữ tử trồng cây si ngắm Triệu Ngôn Tu, mặt Tống Thiêm Tài càng dài thuỗn, đẩy bước nhanh hơn đi lên núi, bỏ xa mấy nữ tử chướng mắt này.

Lương Hữu Vinh thấy bộ dạng của Tống Thiêm Tài trong lòng thầm buồn cười, nhưng hắn cũng khá vừa lòng vì Tống Thiêm Tài để ý Triệu Ngôn Tu như vậy. Đoàn người Tống gia đi vào chùa Hộ Quốc mới phát hiện hôm nay tới thật không phải lúc, ở đại điện người đông chật cứng, hoàn toàn không có chỗ để đặt chân.

Tống Thiêm Tài thật là hết chỗ nói, thắp cái nén hương thôi mà sao lại nhiều người như vậy? Chen chúc trong biển người, cuối cùng không chen nổi, hắn bèn dứt khoát kéo Triệu Ngôn Tu ra bên ngoài chờ. Hai lão Tống gia đều tín phật, mang theo Tống Tiểu Bảo tinh thần phấn chấn chen về phía tượng Phật, rất nhanh đã hoà vào trong biển người. Tuy rằng không thấy người đâu nữa, nhưng Tống Thiêm Tài và Triệu Ngôn Tu rời đi thì cũng không ổn nên đành ở bên ngoài chờ.

Cha con Lương Hữu Vinh vừa thấy đông người như vậy đã sớm thông minh không đi vào, mà dạo quanh chùa tìm hòa thượng chuẩn bị cơm trưa. Đồ chay ở Chùa Hộ Quốc rất nổi tiếng ở Tuyền Châu, Phó Văn Chiêu ăn chay niệm phật nhiều năm, Lương Hữu Vinh vì thế cũng quen biết mấy vị tăng nhân ở chùa Hộ Quốc, chuẩn bị một bàn thức ăn chay quả thật không khó.

Đứng trước cửa chờ, Tống Thiêm Tài quay sang nhìn sườn mặt của Triệu Ngôn Tu, lòng thầm thề với phật tổ đời này chắc chắn sẽ không cô phụ Triệu Ngôn Tu. Đồng thời, hắn cũng cảm tạ ông trời đã ban cho hắn một cơ hội làm lại từ đầu.

Không tới nửa canh giờ, hai lão Tống gia đã mang theo Tống Tiểu Bảo ra ngoài. Trần Quế Chi trên mặt tràn đầy vui mừng, Tống Đại Sơn nhìn cũng cực kì cao hứng, chỉ có Tống Tiểu Bảo, buổi sáng thức dậy sớm chưa kịp ăn cái gì, sau đó lại chỉ lo chơi với Lương Tề Trọng nên bây giờ đã cảm thấy hơi mệt. Thấy Tống Thiêm Tài, nó vươn tay mở miệng nói: "Cha, ta đói bụng, ăn rau."

Tống Tiểu Bảo đã được hai lão Tống gia dặn dò ở trước cửa Phật không thể ăn thịt. Cho nên Tống Tiểu Bảo bèn nói ăn rau để thay thế ăn thịt. Tống Thiêm Tài bế Tống Tiểu Bảo lên, cười hỏi Trần Quế Chi: "Nương, nương và cha vui tới mức này chẳng lẽ là nhặt được vàng sao?"

Trần Quế Chi vui tươi hớn hở nói: "Thiêm Tài à, đây quả thật đúng là chuyện tốt, ta xin quẻ bói cho Tiểu Bảo, được quẻ thượng thượng đại cát đại lợi, nói về sau Tiểu Bảo nhà chúng ta là một người có phúc khí, làm quan lớn cơ đấy. Ta và cha ngươi có thể không vui mừng sao?"

Còn có một chuyện Trần Quế Chi chưa nói, trước đó bà đi xem tướng, kết quả có một hòa thượng nói bà mang mệnh mất con trai ở tuổi trung niên, nhưng tuổi già có phúc, hưởng phúc của cháu nội. Bà bị lời này doạ chết khiếp, mới bảo Tống Tiểu Bảo đi xin sâm văn, giải ra thiêm văn đại cát đại lợi, lúc này mới hoà hoãn lại được tâm tình của Trần Quế Chi.

Bà còn nhờ một vị hòa thượng bói mệnh cho Tống Thiêm Tài, nói là Tống Thiêm Tài trước hai mươi tuổi có một đại kiếp nạn, có thể qua thì cả đời bình an, hạnh phúc tràn đầy. Bằng không chính là mệnh tuổi xuân chết sớm. Lại tính mệnh cách của Triệu Ngôn Tu, không ngờ cũng cực kỳ xứng đôi với Tống Thiêm Tài, ở bên nhau tắc cùng có lợi, rời xa nhau tắc cùng có hại.

Trần Quế Chi lại nhớ tới lúc trước Tống Thiêm Tài bệnh nặng không dậy nổi, bị Phùng Kim Hoa tính kế, trong lòng bị doạ không nhẹ, hô to vạn hạnh vạn hạnh. Lại nghĩ đến Tống Thiêm Tài đã vượt qua đại kiếp nạn, cuộc sống về sau sẽ rất thuận lợi, bà lập tức vui vẻ trở lại.

Tống Đại Sơn không suy nghĩ nhiều như Trần Quế Chi, chỉ cần biết cháu nội mình về sau là người có tiền đồ, trong lòng ông đã cảm thấy thỏa mãn. Đứa con trai Tống Thiêm Tài này so với kẻ làm cha như ông đã xuất sắc hơn rất nhiều, cháu nội Tống Tiểu Bảo về sau lại có tiền đồ, Tống Đại Sơn không còn gì phải phiền não nữa.

Giữa trưa cùng cha con Lương Hữu Vinh ở chùa Hộ Quốc dùng bữa, cuộc du xuân này cứ thế đầu voi đuôi chuột kết thúc.

Chỉ chớp mắt đã bước sang tháng bảy, tính thời gian, rất nhanh sẽ đến ngày giỗ ba năm của vợ chồng Triệu Tài Thanh. Tống Thiêm Tài dự định cùng Triệu Ngôn Tu về Vĩnh Nhạc trấn tế bái vợ chồng Triệu Tài Thanh. Mà lúc này, Phó Văn Duệ đã lâu không gặp lại tới Tống gia, tỏ vẻ muốn đi theo Triệu Ngôn Tu và Tống Thiêm Tài tới Vĩnh Nhạc trấn một chuyến, nói là để lo liệu pháp sự cho vợ chồng Triệu Tài Thanh, cảm tạ ơn dưỡng dục của vợ chồng Triệu Tài Thanh đối với Triệu Ngôn Tu.

Chuyện khác có lẽ Tống Thiêm Tài và Triệu Ngôn Tu sẽ không đồng ý, nhưng Phó Văn Duệ muốn đi tế bái vợ chồng Triệu Tài Thanh, hai người tất nhiên sẽ không ngăn cản. Hơn nữa có đoàn xe và thuyền của Phó Văn Duệ, đi đường cũng sẽ thuận tiện hơn rất nhiều, hai lão Tống gia cũng động tâm.

Gần một năm không về quê, hai lão Tống gia có chút nhớ bạn bè thân thích còn ở tại quê quán. Tiện có xe ngựa và thuyền của Phó Văn Duệ, bọn họ bèn mang theo Tống Tiểu Bảo trở về thăm người thân. Vốn dĩ bọn họ định về vào tết năm nay, nhưng nghĩ đến thời tiết lúc đó quá lạnh, tuổi tác của bọn họ cũng không nhỏ, còn mang theo cả Tống Tiểu Bảo, nếu như thụ hàn khiến đứa nhỏ phải chịu tội lây thì không ổn.

Vì thế bọn họ bèn thay đổi ý định, đi theo Phó Văn Duệ trở về. Phó Văn Duệ lần này tới Vĩnh Nhạc trấn kỳ thật còn có chuyện muốn làm. Tuy rằng Lương Hữu Vinh đã phái người sửa lại án của Triệu Ngôn Tu lúc trước, nhưng vẫn chưa động chạm gì đến những kẻ đã âm mưu hãm hại vợ chồng Triệu Tài Thanh, hại Triệu Ngôn Tu ngồi tù, chính là cả nhà Triệu Tài Hưng và Đường thị.

Phó Văn Duệ lần này định qua đây để đòi lại lẽ phải cho Triệu Ngôn Tu. Đặc biệt là sau khi biết được Triệu Ngôn Tu bị Lâm Kiềm Tây đặt ở trước cửa Triệu gia, Phó Văn Duệ đối với Triệu Ngôn Tu lại càng thêm áy náy và đau lòng. Còn đối với những kẻ bắt nạt oan uổng Triệu Ngôn Tu, hắn tất nhiên phải dạy dỗ cho một trận ra trò.

Tháng bảy thời tiết vẫn rất nóng, cơ mà đi theo thổ hào Phó Văn Duệ ra ngoài so với dĩ vãng còn tiện lợi thoải mái hơn gấp mấy lần. Trên xe ngựa không những có hoa quả mà còn có cả đá lạnh. Chờ tới cảng, Triệu Ngôn Tu và Tống Thiêm Tài ngay lập tức được kiến thức tài lực khổng lồ của Phó Văn Duệ.

Phó gia có đội tàu tư nhân, Phó Văn Duệ làm gia chủ nên thuyền sử dụng đương nhiên phải là chiếc tốt nhất lớn nhất xa hoa nhất. Trên thuyền có phòng riêng, bên trong bài trí gia cụ các loại đều đầy đủ hết, ngay cả cái chiếu cũng là loại mềm mại và mát mẻ nhất. Trên thuyền còn chuẩn bị băng lạnh, thức ăn còn ngon hơn so với ở nhà, có đầu bếp lành nghề nấu.

Hai lão Tống gia quả thật chưa từng ngồi trên chiếc thuyền nào xa hoa đến như vậy, mang theo Tống Tiểu Bảo ở rịt trong phòng hầu như không ra ngoài, vừa nhìn là biết bọn họ đang khẩn trương hồi hộp. Phó Văn Duệ còn đặc biết phái hạ nhân tới hầu hạ hai lão Tống gia, khiến cho hai lão Tống gia không được tự nhiên, chưa được nửa ngày đã tìm Tống Thiêm Tài tỏ vẻ bọn họ có tay có chân, thật sự không quen bị người khác coi như lão thái thái lão gia tử mà cung phụng. Tống Thiêm Tài tới nhắc nhở Phó Văn Duệ, Phó Văn Duệ lúc này mới phát hiện mình làm việc có chút không chu toàn, thu hồi lại hạ nhân về.

Tống gia lần này trở về vừa phải chuẩn bị cho ngày giỗ ba năm của vợ chồng Triệu Tài Thanh, vừa phải đi thăm bạn bè, đồ đạc mang theo vì thế cũng rất nhiều. Hai lão Tống gia không phải người keo kiệt, ở Tuyền Châu đã mua không ít quà cáp cho bạn bè thân thích. Cũng may là đi chung với Phó Văn Duệ, đồ đạc đều theo thương đội Phó gia vận chuyển qua đây trước, người thì đi theo ở phía sau.

Từ trên thuyền xuống dưới, Phó gia đã có người ở cảng đón tiếp bọn họ.

Tới Vĩnh Nhạc trấn, Phó Văn Duệ và nhóm người Tống gia mới đường ai nấy đi. Mấy người Tống Thiêm Tài trực tiếp trở về Tống gia thôn. Trước đó Tống Thiêm Tài đã viết thư cho nhà Trần Đại Thạch, báo với hai người là tháng tám năm nay bọn họ sẽ trở về. Cho nên khi xe ngựa vào đến Tống gia thôn, Trần Đại Thạch và Lâm Tiểu Mãn nhận được tin bèn lập tức vội vàng chạy đến cửa thôn đón tiếp bọn họ.

Hai lão Tống gia xốc mành xe ngựa lên, nhìn thôn xóm quen thuộc và các hương thân, đột nhiên cảm khái vạn phần. Cho dù mới tới Tuyền Châu chưa được một năm, nhưng cuộc sống ở Tống gia thôn giống như đã cách bọn họ rất xa. Thôn dân của Tống gia thôn vừa thấy hai lão Tống gia bèn lập tức kích động tiến lên chào hỏi.

Hai lão Tống gia không phải người tự cao tự đại, vội vàng xuống xe ngựa bắt đầu hàn huyên cùng các hương thân. Cuộc sống ở Tuyền Châu quá phong phú, Tống Đại Sơn và Trần Quế Chi ở đó sinh sống một năm, sắc mặt càng thêm hồng nhuận. Hơn nữa bọn họ lại mở nhà xay lương thực, thường xuyên cùng người khác trò chuyện mua bán, khí độ đương nhiên cũng không giống như trước. Trần Quế Chi vì lần trở về này còn đặc biệt may không ít xiêm y và trang sức hợp mốt ở Tuyền Châu, còn đặt mua cho cả những người khác trong Tống gia. Người dựa y trang, Phật dựa kim trang, hai lão Tống gia sửa sang như vậy xong nom có vẻ phú quý hẳn lên.

Vì thế không bao lâu sau, tin tức cả nhà Tống Thiêm Tài ở bên ngoài phát đại tài, áo gấm về làng tựa như mọc cánh bay đầy trời.

Danh Sách Chương:

Bạn đang đọc truyện trên website TruyenOnl.COM
BÌNH LUẬN THÀNH VIÊN
BÌNH LUẬN FACEBOOK