“Tiền này ngài giúp con… giao cho con của lão tộc trưởng.” Trong phòng, La Duy dúi mấy tấm ngân phiếu vào tay Vệ lão hán: “Là con và Lam hại… cha mẹ họ… con biết ngần này không đủ để bồi thường, nhưng vẫn… muốn làm một chút gì đó.”
“Phó ca nhi à…” Vệ lão hán cầm mấy tấm ngân phiếu chỉ thấy bỏng cả tay: “Mấy đứa con của họ… không biết đời này có còn trở về nữa hay không, tiền này ngươi giữ lại đi.”
“Cố thổ nan ly(*).” La Duy nắm lấy bàn tay định mở ra của Vệ lão hán: “Khi họ trở về… giúp con… xin lỗi họ.”
(*)Quê cũ khó rời
“Ngươi và Nam ca nhi thì sao?” Vệ lão hán hỏi: “Lúc nào thì lại trở về?”
La Duy cười khổ, “Khi có thể về… thì sẽ về thôi.”
“Đừng lâu quá đấy!” Vệ lão hán rơi lệ: “Mấy lão già này không còn sống được bao nhiêu năm nữa đâu.”
“Vâng.” La Duy đỡ Vệ lão hán đứng lên: “Con sẽ cố hết sức, đại gia… con đưa ngài ra ngoài.”
“Phó ca nhi, ngươi tên là gì?” Vệ lão hán đứng dậy, liền hỏi La Duy: “Ta không hỏi ngươi vì sao mấy người kia gọi ngươi là chủ tử, gọi ngươi là vương gia, ta chỉ hỏi tên ngươi có được không?”
“Ngài cứ nhớ con tên Phó ca nhi là được rồi.” La Duy tươi cười chua xót, nói với Vệ lão hán: “Tuyên Châu… xa rời thế sự, đại gia hãy ở đây an hưởng tuổi già, đừng hỏi… chuyện bên ngoài.”
“Phó ca nhi!”
“Nếu có thể… con nguyện làm Phó ca nhi cả đời.”
Vệ lão hán nhìn La Duy, không lên tiếng nữa, được La Duy đỡ cánh tay, hai người cùng nhau bước ra ngoài.
Ánh mặt trời giữa trưa thật chói mắt, La Duy nhìn thiên không, nói với Vệ lão hán: “Hôm nay trời đẹp quá.”
“Đúng vậy.” Vệ lão hán chạm vào mu bàn tay lạnh lẽo của La Duy: “Khi nào trời đẹp, ngươi hãy ra ngoài phơi nắng, làm vậy tốt cho sức khỏe.”
“Vâng.” La Duy cười: “Con nhớ rồi.”
Nhìn nụ cười trên mặt La Duy, Vệ lão hán chần chừ một chút, rồi lại hỏi y: “Phó ca nhi, ngươi… ngươi không hận ta sao?”
“Oan có đầu, nợ có chủ.” La Duy khẽ nói: “Chuyện này… không liên quan… đến đại gia.”
“Cho nên ngươi không trách ta?”
Đã từng trách chứ, La Duy thậm chí từng nghĩ muốn để già trẻ cả Tuyên Châu này phải chôn cùng y và Vệ Lam, nhưng sau khi tỉnh táo lại, chút hận ý này liền biến mất. Y và Vệ Lam chưa từng làm gì cho người Tuyên Châu, không thân cũng chẳng quen, người Tuyên Châu có lý do gì mà phải bồi thường tính mạng cho y và Vệ Lam chứ? Ngẫm lại, là y và Vệ Lam làm phiền mọi người. “Không trách ạ.” La Duy nhìn Vệ lão hán lắc đầu, nói: “Ngài… cũng đừng nghĩ nhiều… hãy bảo trọng.”
“Được rồi.” Nói chuyện với La Duy xong, Vệ lão hán không thoải mái hơn là bao, ông lão kéo tay La Duy nói: “Nếu ngươi và Nam ca nhi có thể trở về, thì nhớ phải quay về đấy, ta… chúng ta ở nơi này chờ các ngươi, căn nhà gỗ kia sẽ không có ai đến ở.”
La Duy gật đầu, lúc này lại nhớ đến mấy con gà mái mình nuoi ở sân sau, lại nói với Vệ lão hán: “Con còn nuôi gà trong sân.”
“Lát nữa ta sẽ đem chúng nó về thành.” Vệ lão hán vội nói: “Ta giúp ngươi nuôi.”
“Sau khi rời khỏi đây, đừng… đừng kể chuyện của con và Lam.” La Duy dặn dò Vệ lão hán một câu cuối cùng: “Cứ nói chúng con rất ổn là được.”
“Tiểu lão nhân nghe ngươi hết.” Vệ lão hán đáp ứng.
“Đưa lão nhân gia ra ngoài.” La Duy lúc này mới lệnh cho tiểu thái giám đứng gần đó.
Vệ lão hán quay đầu nhìn lướt qua Phúc Vận, mũi hừ một tiếng, trên mặt lộ ra thần tình phẫn hận.
“Có phải kẻ nô tài này vô lễ với đại gia?” La Duy thấy Vệ lão hán như vậy liền hỏi.
Vệ lão hán lắc đầu, ông không thích làm mấy chuyện tố cáo người khác, hơn nữa chủ tử kẻ này không phải Phó ca nhi, nói ra chỉ càng khiến Phó ca nhi khó xử mà thôi.
“Không sao.” La Duy tiễn Vệ lão hán ra cửa: “Lát nữa con… sẽ giáo huấn, đại gia… đừng giận.”
“Phó ca nhi, ngươi phải sống thật tốt đấy!” Vệ lão hán trước khi đi còn dặn dò La Duy phải tự chăm sóc bản thân.
La Duy đứng ở cửa, mỉm cười nhìn Vệ lão hán đi xa, đến tận khi Vệ lão hán cùng tiểu thái giám rẽ sang một con đường, không còn thấy bóng dáng nữa, y mới thu lại nụ cười. Nếu không phải còn có hy vọng nhìn thấy Vệ Lam, thì y cũng chẳng thèm để ý đến cái thân thể này.
Thái y đến bôi thuốc giúp La Duy, từ chỗ Long Huyền chạy lại, thấy La Duy đứng trước cửa, vội bước nhanh tới hành lễ với La Duy.
“Miễn lễ.” La Duy nói rồi xoay người vào sân.
Thái y vội đi theo sau La Duy, vừa đi vừa hỏi: “Vương gia, hôm nay vết thương có còn đau không?”
“Ổn rồi.” La Duy nói: “Chỉ cần không ăn gì… sẽ không đau.”
“Vương gia hãy chịu khó thêm một thời gian nữa.” Thái y vội nói: “Vết thương ở lưỡi thường khó lành, nếu mấy ngày tới vương gia có thể nói ít đi một chút, thì vết thương cũng sẽ khỏi nhanh hơn.”
La Duy biết thái y có ý tốt, vết thương khó lành, là bởi con người ta phải dùng nhiều đến lưỡi, nói chuyện, ăn cơm, uống nước, đều không thể không chạm đến nó, mà vết thương cứ bị chạm đến là lại toác ra. “Chỉ hôm nay… ta mới có khách.” Tuy rằng biết thái y có ý tốt, nhưng lời La Duy vẫn mang theo oán khí: “Ngươi nói với ngươi bệ hạ… giam ta lại… không gặp khách là được.”
“Hạ quan không dám.” Thái y muốn nói với La Duy rằng Long Huyền không hề cấm y nói chuyện, nhưng thái y hầu hạ La Duy đã nhiều ngày, đánh chết ông cũng không dám nói giúp Long Huyền trước mặt La Duy.
La Duy đi tới trước mặt Phúc Vận, ngừng lại.
Phúc Vận liền biết sắp có chuyện không hay rồi, cúi đầu chào La Duy: “Vương gia.”
“Vì sao Vệ đại gia lại mắng ngươi?” La Duy hỏi Phúc Vận.
Phúc Vận vội đáp: “Vương gia, Vệ đại gia không… không mắng nô tài mà.”
“Thế là tại ta nghe lầm?”
“Không, không phải.”
“Tức là mắng thật?”
Phúc Vận đành gật đầu.
“Cẩu nô tài!” La Duy quát.
“Là nô tài làm càn.” Phúc Vận không ngờ lại tự mình chuốc lấy khổ ở chỗ La Duy, vội vàng nhận tội: “Nô tài sẽ đến xin lỗi Vệ đại gia.”