Tác giả: Hà Phong Xuy
Người dịch: Trần Thị Minh Đức & Trần Thu Trang
Soái Ninh cũng rất khinh thường Từ Càn, châm chọc không thèm giữ ý: “Lão này vô học nhưng giỏi luồn cúi, tầm nhìn lại rõ ngắn. Sức sống của một doanh nghiệp gắn liền với thương hiệu. Thương hiệu tốt thể hiện văn hóa doanh nghiệp, sức cạnh tranh và trọng lượng tiếng nói. Doanh nhân khôn khéo thà mất tiền chứ không làm tổn hại thương hiệu. Cái kiểu tham bát bỏ mâm này có thể làm cạn kiệt giá trị thương hiệu nhanh chóng, bởi vì họ chỉ nghĩ đến việc vợt tiền, căn bản không nghĩ đến việc để lại cơ nghiệp đời đời. Đây là lý do tại sao hiện giờ trong nước rất khó xuất hiện những sản phẩm tự hào vì thương hiệu lâu đời bền vững.”
“Điểm này Quan Vũ chúng ta cũng không tồi đâu ạ.”
Thôi Minh Trí nhanh nhảu đỡ lời, không phải là nịnh bợ gì cả, tập đoàn Quan Vũ từ trước đến nay luôn nhấn mạnh mô hình kinh doanh hiệu quả, coi trọng về chất. “Doanh nghiệp có ích cho xã hội mới có giá trị tồn tại, doanh nghiệp coi trọng lợi ích người tiêu dùng, bản thân chắc chắn sẽ hưởng lợi theo.” Những lời này Soái Quan Vũ thường xuyên nhắc đi nhắc lại với nhân viên.
Tập đoàn phất lên từ ngành bất động sản, hơn 20 năm qua chưa xuất hiện sự cố nghiêm trọng quy mô lớn nào về chất lượng an toàn. Tỷ lệ khách hàng khiếu nại là thấp nhất trong ngành, trái lại mức độ khen ngợi còn cao nhất.
Danh tiếng tốt đã khiến công chúng quen với việc coi “Quan Vũ” là từ đồng nghĩa với bất động sản cao cấp, dù có đắt hơn so với các sản phẩm cùng loại cũng vẫn tự nguyện chọn, cho nó lành.
Soái Ninh cười cười nói: “Ba tôi cũng chẳng học hành gì, nhưng hành xử tương đối phúc hậu, làm ăn trọng thành tín (chân thành, tín nhiệm). Hồi đầu không thạo nghề bị người ta cho hớ hai ba vố, nhà xây lên chất lượng không đạt yêu cầu, ổng tình nguyện đổ tiền xây lại chứ không làm chắp vá cốt bán cho xong. Cuối cùng tuy rằng kiếm ít tiền đi chút nhưng giữ gìn được danh tiếng, xét về lâu dài vẫn thật là cực kỳ đáng giá.”
Nhân viên kỳ cựu của Quan Vũ đều đã từng nghe sự tích cay đắng này, lúc này cô nhắc tới, bỗng nhiên lại ngoắc nối với một thắc mắc vẫn treo trong lòng Thôi Minh Trí, hắn hỏi cô: “Ninh tổng, có phải vì chủ tịch năm ấy bị bên thi công qua mặt nên chị mới đi học kiến trúc phải không ạ?”
Ngành kiến trúc này tính chuyên nghiệp rất nặng, không nắm vững lý thuyết cơ sở cộng thêm mấy năm lăn lộn, lội vào nghề rất dễ bị bịp.
Ví dụ như chủ đầu tư cũ của Kim Huy Thế Gia, mù tịt đến nỗi bị cấp dưới trắng trợn xào nấu kết quả khảo sát địa chất mà không biết. Lại ví dụ như Soái Ninh, nếu không nắm rõ tri thức liên quan thì sẽ không xử lý được quy hoạch về chiếu sáng tự nhiên của Tây Thành Lãnh Địa, đã chìm nghỉm ngay từ lúc xin giấy phép dự án rồi.
Soái Ninh ném cho hắn một cái liếc lạnh te, tay trợ lý còm hiểu ngay là sếp không muốn trả lời vấn đề này, ngoan ngoãn ngậm miệng.
Kỳ thật im lặng đã chứng tỏ cam chịu, cô chỉ là không muốn nói ra cho mất mặt.
Khi cha bị lừa, cô còn nhỏ, nhìn ông suốt ngày ngược xuôi vất vả nhọc lòng mệt người vì công trình, hết sức lo lắng khổ sở. Nghe ông oán giận rằng “Cũng tại không hiểu kiến thức chuyên môn nên mới lãnh đủ”, cô bèn lập chí hướng về sau sẽ làm kiến trúc sư, để ông bớt được nỗi lo âu này.
Sau này lớn lên cô càng hiểu rằng những máy móc thiết bị và nhân tài chuyên môn thuộc về năng lực cứng ấy đều có thể bỏ tiền ra mua, riêng năng lực mềm là tri thức kỹ thuật thì chỉ có thể dựa vào việc học tập của bản thân. Các anh coi kế thừa cơ nghiệp là mục tiêu, chú trọng vào các lý luận quản trị và kinh doanh. Cô lại cho rằng “nhờ người không bằng nhờ mình”, chính mình biết nướng bánh mới không bị người bán bánh lừa. Còn chuyện làm thế nào để thao túng quyền lực, quản trị nhân lực, những kỹ năng ấy có thể để dành đến lúc kinh doanh thực tiễn thì từ từ rèn luyện.
Ý tưởng dào dạt từng một lần mắc kẹt trong hiện thực cằn cỗi, bởi vì cha coi thường, học thuyết kỹ thuật cô nhọc lòng nghiên cứu không có đất dụng võ, cho nên cô thẹn quá hóa giận, làm ngược hẳn lại, cố tình xây dựng hình tượng bất tài vô dụng trả thù ông. Ở đại học, cô cố ý trốn học, không tích đủ tín chỉ nên không thể tốt nghiệp, sau lại chuyển sang Úc thi bừa một trường hạng bét, tiếp tục làm chuyên gia trốn học, mãi đến 25 tuổi mới miễn cưỡng lấy được bằng.
Cha muốn đắp nặn cô theo hình mẫu mà ông hài lòng, thành đứa con gái ngoan khiến ông tự hào, dùng để thỏa mãn hư vinh phù phiếm và trao đổi lợi ích. Cô càng không để ông toại nguyện, phũ phàng đả kích thể diện của ông để bù đắp cho niềm kiêu hãnh của chính mình. Ai ngờ sau này hai ông anh vắn số lại nhường chỗ cho cô, cô xoa tay nhăm nhe vào vị trí nhưng bị “điểm ấn tượng” của cha kéo lùi. Nếu sớm biết có ngày này, cô thật không nên tự sa ngã. Giờ đây nhắc tới chuyện đã qua, cô vẫn hơi bị hối hận.
Thôi Minh Trí không nhìn được những hồi tưởng chớp nhoáng trong lòng cô, sợ vừa rồi hỏi vụng chọc cô không vui, vội vàng chuyển đề tài: “Lão Từ nâng hạn mức cao nhất lên đến 4,8 tỷ, đấy là giá trên trời rồi, chị bảo đến lúc ấy liệu Viễn Hằng có rụt lại không ạ?”
Quảng Hạ làm ăn ở Đông Hưng nhiều năm, nơi đó là đại bản doanh thứ hai của họ sau đất gốc Trùng Khánh, các cấp độ nguồn lực đều vượt xa Viễn Hằng mới đến.
Từ Càn lắm mánh mung thủ đoạn, giá đất 4,8 tỷ người khác không cân được, ông ta có thể vẫn dư sức. Nếu đến buổi đấu giá mà hai công ty găng lên đấu, người của Viễn Hằng nhiều khả năng sẽ khiếp hãi lùi bước.
Soái Ninh không hé răng, tính toán làm sao để “thuốc” thêm Phương Triết, trận địa Bảo Tháp Loan không thể mất, lần này chủ soái là anh ta cần thiết phải tự mình ra trận.
Thôi Minh Trí thấy cô móc thuốc lá ra kẹp ở tay, cũng lấy bật lửa chờ đợi, lúc này điện thoại sếp lại vang lên, là Mễ Tiểu Lâm gọi.
“Ninh tổng, quân trưởng Võ sắp đánh nhau với nhân viên quán rồi, chị mau tới đây xem thế nào đi ạ!”
Quán ăn của Bì Phi Dược tên là Diệu Hương Cư, mở trên một phố nhỏ trung tâm khu phố Liên Hoa. Quán mới đầu là sản nghiệp gia truyền của một hộ dân trong khu phố, họ làm ăn mười mấy năm thì thua lỗ.
Năm ngoái Bất động sản Quan Vũ đến làm dự án, kéo theo làn sóng khách du lịch đổ về xã Liên Hoa. Những người có đầu óc có vốn liếng đều bắt đầu kinh doanh quán ăn nhà trọ, bám vào đám đông du khách vợt tiền. Nhà họ Bì là tiên phong trong số đó.
Bì Phi Dược ỷ thế chú là Bì Phát Đạt, thuê lại quán ăn thua lỗ này với giá thấp như biến tướng chiếm đoạt, sau khi sửa sang sơ sài thì mở quán cơm quê. Hiệu quả giống hệt quán hắc ám của Tôn Nhị Nương[1], chặt chém người ta không ghê tay.
Thực khách đến quán tuy không đến nỗi mất mạng nhưng sẽ bị viêm màng túi nặng. Nếu họ muốn cãi lý, sẽ có rất nhiều trẻ trâu xông ra, dùng cách đe dọa uy hiếp thúc đẩy tiêu hóa miễn phí cho khách khứa.
Báo công an? Cảnh sát địa phương không rảnh. Khiếu nại? Hiệp hội người tiêu dùng không có ai ở đây. Muốn đi theo lối tư pháp (kiện ra toà) chỉ có thể tự mình điều tra thu thập bằng chứng, quãng đường một hai trăm cây số, ai rảnh mà chạy đi chạy lại?
Người tiêu dùng bị chặt chém về cơ bản là chịu trận, đưa thông tin ra bên ngoài cũng không có khả năng đăng ở khắp nơi, bởi vậy những lời mắng mỏ kìn kìn trên mạng cũng chẳng ngăn được Bì Phi Dược kiếm tiền.
Khi dẫn theo cấp dưới chạy đến, Soái Ninh thật rối rắm về tốc độ di chuyển, vừa sợ chậm vừa sợ nhanh, như thể việc hầm chân giò, chưa đủ thời gian thì thịt dai khó nhai, để quá thì lại sợ nhừ tơi tả.
Đến cửa Diệu Hương Cư, dân tình ngoài đường đã bu lại thành hàng rào, một tràng tiếng chửi bới giống như ngọn lửa sáng quắc phụt ra làm tấm mành nhựa nhích mở. Lọt vào tai đầu tiên chính là tiếng gầm giận dữ của Võ Thiếu Hùng.
“Chỗ này của chúng mày còn có phép vua hay không?”
(Hết phần 114, xin mời đón đọc phần 115. Nếu muốn đọc các phần trước, xin mời click vào dòng chữ Album Tiểu thuyết “Người nối nghiệp chân chính” phía trên!)
Người dịch: Trần Thị Minh Đức & Trần Thu Trang (FB/VerandadeJulia)
- -----
Chú thích:
1. Nhân vật nữ trong Thủy Hử, mở quán trọ chuyên đánh thuốc mê khách để cướp tài sản rồi xẻ thịt nhồi bánh bao