Tác giả: Hà Phong Xuy
Người dịch: Trần Thị Minh Đức & Trần Thu Trang
Chương 77: Vụ bóc phốt lớn trên thương trường
Video đăng lên, dân tình bàn tán rầm rộ. Các nền tảng mạng lớn cũng lần lượt tung tin, miêu tả những mâu thuẫn nội bộ của Quan Vũ thành phim cung đấu thương trường hiện đại cua gắt gay cấn.
Trong lúc này, hai bên trắng trợn và ngấm ngầm tiến hành chiến tranh dư luận. Đầu tư Phú Khang tuyên bố đầu tư M&A (sáp nhập và mua lại) là hiện tượng thường gặp trên thị trường tư bản, hành vi của họ chính đáng hợp pháp. Cách nói “thông đồng với nội gián mưu đồ thâu tóm” như vậy có chứa tính chất xúc phạm mạnh mẽ, không phù hợp với luật chơi trên thương trường.
Vạn Hồng Ba tuy từ chối trả lời phỏng vấn của truyền thông nhưng thông báo qua người phát ngôn rằng “Nội bộ Quan Vũ không hề tồn tại xung đột mâu thuẫn. Đúng là có một dự án riêng lẻ bị thiếu sót trong khâu quản lý nhưng công ty đang tích cực sửa sai, tình hình đã được kiểm soát và cải thiện. Một số người mang động cơ không trong sáng khoét vào điểm này để gây nhiễu loạn chẳng qua chỉ là bo bo cho lợi ích riêng. Thời đại đang tiến bộ, tập đoàn cần phải phát triển trong khi biến chuyển. Điều chỉnh triết lý kinh doanh là việc tất yếu…”
Đối với việc Vạn Hồng Ba phát ngôn, Soái Ninh không trả lời tận nơi, chỉ liên tiếp tung ra những hình ảnh thi công kém chất lượng ở các công trình Bất động sản Quan Vũ đang xây dựng, bền bỉ dùng sự thật đập vào mặt.
Rất nhiều dân mạng chế nhạo rằng cô có giãy giụa lung tung chẳng thay đổi được vận mệnh thất thế. Số người ủng hộ cô cũng không ít.
“Nháo Nháo đúng là đã từng bày lắm chuyện rồ dại nhưng không thể phủ nhận Quan Vũ hồi trước quả thật là thương hiệu người dân tin dùng không chỉ trong ngành bất động sản mà cả trong các ngành khác. Giờ cũng ít thương hiệu nội có sức cạnh tranh, nên không hy vọng thương hiệu tốt này bị người ta hủy hoại.”
Sự việc kiểu này luôn có bóng dáng của đám seeder. Cả hai phe đều đang điên cuồng lèo lái xu hướng, giữ nhịp bình luận. Ở mảng này, Soái Ninh có thực lực hùng hậu, hệ thống khép kín có tổ chức đáp lại hiệu quả các luận điệu thù địch, hết lần này đến lần khác ngăn chặn các đợt phản công của đối thủ.
Khi sự việc mỗi lúc một hot, đủ loại lực lượng tham gia cuộc đấu võ mồm. Những người nổi tiếng, học giả, chuyên gia, nhà báo ngày nào cũng viết bài, bình luận, càng nâng tầm ván cờ tư bản được cả thế giới chú ý này và làm nảy sinh thêm càng nhiều suy tưởng, phản biện. Bất kể kết quả như thế nào, đây sẽ là một trường hợp kinh điển về cuộc ganh đua của thị trường tư bản Trung Quốc, sẽ được ghi vào sử sách mãi mãi.
Đầu tháng 6, hoạt động cầu viện vẫn không có tiến triển gì đột phá. Tuy nhiên, đến ngày mùng 8 hôm nay, Soái Ninh nghe cha nhắc tới một tin tốt làm người ta vững lòng: Một hiệp hội nông nghiệp ở Waikato, New Zealand sẵn sàng lấy 2.700 ha tài nguyên đồng cỏ góp cổ phần vào doanh nghiệp sữa Quan Vũ mới thành lập.
Quá nhiều vấn đề về chất lượng của sản phẩm sữa trong nước liên tiếp xảy ra, đặc biệt là sự cố Tam Lộc cách đây 10 năm khiến người dân hoang mang. Từ đó, người tiêu dùng chuyển mục tiêu sang các sản phẩm sữa ngoại, đặc biệt là sữa bột trẻ em, như thể thương hiệu nước ngoài đồng nghĩa với an toàn và chất lượng cao.
Lượng sữa bột ngoại được nhập về mỗi năm rất lớn. Năm 2017, Trung Quốc nhập khẩu 296.000 tấn sữa bột công thức cho trẻ em, tăng 33,7% so với năm trước, giá bình quân 13.449 USD/tấn. Ngoài ra còn có vô số loại sữa bột ngoại khác được nhập về thông qua các hình thức xách tay và đặt hàng hộ. Do thị trường tiêu thụ mạnh, giá cả tăng vọt hàng năm, một số bên đạt mức lãi ròng tới 400%.
Tuy nhiên, điều làm rất nhiều người tiêu dùng ngã ngửa chính là một số doanh nhân Trung Quốc khôn lỏi đã nhắm đến mảng béo bở này. Họ lợi dụng nguồn vốn mạnh thu mua công ty sữa nước ngoài, sau đó đưa sản phẩm về bán trong nước, thu lợi khủng. Chất lượng của những thứ được gọi là “sữa bột ngoại” ấy cũng không có gì nổi trội, còn giảm rõ rệt sau khi “đổi chủ” và thường xuyên báo lỗi ở công đoạn kiểm tra chất lượng.
Những người có chí hết sức bất bình vì chuyện này, họ khát khao vực dậy thương hiệu sữa nội. Khi đa số vẫn hô khẩu hiệu suông, Soái Quan Vũ đã âm thầm hành động, lên kế hoạch thành lập cơ sở sản xuất ở New Zealand, thu mua nguồn nguyên liệu sữa tốt từ các trang trại hữu cơ địa phương để chế biến thành sữa bột chất lượng cao và hiệu quả về chi phí, cùng lúc chăm sóc cả sức khỏe lẫn ví tiền của người tiêu dùng trong nước, sáng tạo sản phẩm sữa nội hàng hiệu.
Dự án đã rục rịch một, hai năm nay. Quan Vũ đã đàm phán với nhiều hiệp hội nông dân và chủ trang trại New Zealand nhưng đều thất bại, không đạt được tiến bộ nào, vì điều kiện của bên kia quá nghiêm khắc. Lần này người đứng đầu hiệp hội nông nghiệp đã chủ động tìm đến và chấp nhận điều kiện của Quan Vũ. Mới đầu công ty còn tưởng gặp phải bọn lừa đảo, phải bỏ ra hai tuần đi khảo sát thực tế mới tin tưởng thiện chí của đối phương, không khỏi mừng rỡ vì trời giúp đúng lúc.
Việc xong xuôi mới biết, không phải trời giúp họ mà là trụ trì chùa Kim Hoa ở Thượng Hải, hòa thượng Minh Tịnh.
“Ông Lee Smith đứng đầu hiệp hội nông nghiệp kia là tín đồ của thầy Minh Tịnh, nghe thầy giới thiệu mới bắt đầu cân nhắc việc hợp tác với chúng ta. Con nhờ thầy giúp à?”
Soái Ninh đã lâu không liên lạc với hòa thượng, cũng không biết gì mấy về tình hình bên New Zealand, nên còn ngỡ ngàng khó hiểu hơn cả cha. Hôm sau, cô dành thời gian lên chùa Kim Hoa thăm và thay mặt Soái Quan Vũ cảm ơn thầy.
Hòa thượng Minh Tịnh kể Smith lên làm chủ tịch hiệp hội năm ngoái, nhậm chức xong thì đại diện cho các thành viên trong hiệp hội đi tìm kiếm đối tác. Đầu năm, thầy đi hoằng pháp ở Hamilton, khi hai người gặp nhau có nhắc về chuyện này, thầy giới thiệu tập đoàn Quan Vũ với Smith. Ông ta vốn định từ chối, nói doanh nhân Trung Quốc thiếu tin cậy. Theo những gì ông ta biết, sản phẩm của một số nhà máy sữa do Trung Quốc đầu tư ở New Zealand bị phát hiện là không đạt tiêu chuẩn trên thị trường quốc tế. Những vụ bê bối này sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến uy tín của nơi cung cấp nguyên liệu sữa và làm tổn hại lợi ích của người chăn nuôi địa phương.
“Ông ấy nói nếu là doanh nhân Nhật Bản, ông ấy sẵn sàng cân nhắc, còn doanh nhân Trung Quốc lắm tiếng xấu thì không muốn hợp tác. Thầy nói Quan Vũ là doanh nghiệp chất lượng ưu tú nổi tiếng hơn 20 năm của Trung Quốc, có danh dự tốt đẹp ở trong và ngoài nước, bản chất khác hẳn những gian thương mà ông ấy biết. Ông ấy nghe thầy giới thiệu xong, dành vài tháng tự mình khảo sát tìm hiểu, cảm thấy Quan Vũ quả thật là đối tác đáng tin cậy, bấy giờ mới quyết định hợp tác cùng bên con.”
Những lời này chứa đựng tin tức sững người, giống như đòn cảnh tỉnh xua tan lớp sương mù bao phủ chân lý. Uy tín danh dự của một doanh nhân quả thật có thể tác động đến hình ảnh quốc gia. Đây là gánh nặng, cũng là vinh quang vô hạn.
Cụ hòa thượng lại nói: “Cha con là người tầm cỡ. Điều đó không nằm ở việc ông ấy kiếm được bao nhiêu tiền, nổi tiếng ngần nào, mà là ở chỗ ông ấy đã sáng lập ra một thương hiệu có thể khiến người dân bình thường yên tâm tin tưởng. Địa vị tiền bạc hôm nay ông ấy có đều là quả lành của nhân thiện mà ông ấy kiên quyết giữ gìn ngày trước. Con là một trong những quả đó.”
Soái Ninh nghi hoặc, không hiểu sao mình lại được khen ngợi.
Hòa thượng cười bảo: “Trước kia thầy nói con ‘thừa thông minh, thiếu trí tuệ’, nhưng cách đây không lâu nghe được một số tin tức về việc con giữ vững nguyên tắc kinh doanh của cha con thì mới biết cái nhìn của thầy về con chưa được công bằng. Con có thể nhận thức và đồng ý với quan niệm thành tín, cũng kiên quyết phản đối người ngoài phá hủy điều này, chứng tỏ trong tâm con có tuệ căn, tương lai không những có thể kế thừa tài sản của cha con mà còn truyền lại thiện niệm quý giá nhất của ông ấy. Nguyện cho ngọn đèn trong tâm con luôn tỏ, vĩnh viễn không lầm lạc.”
Nghe những lời đẹp đẽ, Soái Ninh một lần hiếm hoi cảm thấy hơi xấu hổ, nghĩ ngợi một lát rồi thú nhận: “Thưa thầy, con không tốt như thầy nghĩ đâu ạ. Con giữ gìn thương hiệu Quan Vũ này chỉ để bảo vệ lợi ích của bản thân, không có mục đích cao thượng nào khác.”
Hòa thượng cười không hé lời, yên lặng lắng nghe cô bày tỏ thêm cảm xúc.
Dưới sự dẫn dắt im lặng của thầy, Soái Ninh bộc bạch suy nghĩ: “Lần trước con nghe thầy nói xong cũng trăn trở nghiêm túc, tuy còn chưa lĩnh ngộ được trí tuệ chân chính nhưng con nhất định sẽ tiếp tục cố gắng. Mong thầy cầu phúc thêm cho con, phù hộ con sớm được chứng đạo (đạt được cái tâm an lạc, thanh thản).”
Đêm đó cô nhắc lại cho cha nghe, Soái Quan Vũ cũng rất cảm khái.
“Hội trưởng Smith biết chúng ta đang phải đối mặt nguy cơ bị thâu tóm, nói chỉ tin tưởng ban lãnh đạo ban đầu của Quan Vũ, chờ chúng ta ổn định tình hình rồi mới bàn bạc tiếp việc hợp tác. Chuyện này không giúp ích nhiều cho việc chống thâu tóm của chúng ta nhưng lại cho ba lòng tin mạnh mẽ. Để không phụ sự trông đợi của thế giới bên ngoài, quyết không cho phép Quan Vũ rơi vào tay những kẻ mưu đồ sai trái được.”
Tâm tư mẫn tuệ hẳn lên, phúc cũng tới. Ba ngày sau, hiệp sĩ áo trắng mà họ mong đợi xuất hiện.
(Hết phần 187, xin mời đón đọc phần 188. Nếu muốn đọc các phần trước, xin mời click vào dòng chữ Album Tiểu thuyết “Người nối nghiệp chân chính” phía trên!)
Người dịch: Trần Thị Minh Đức & Trần Thu Trang (FB/VerandadeJulia)