• Màu nền:
  • Font chữ:
  • Chiều cao dòng:
  • Kích Cỡ Chữ:

"Những thứ đã quá hạn sử dụng, nên thay. Những đồ vật không hợp, nên chuyển. Những thứ tình cảm không kết quả, nên quên..."



Từ nhỏ đến lớn chỉ có gia đình chăm sóc tôi tối ngày, ai mà ngờ được lớn lên người bất đắc dĩ phải phục vụ lại là hắn.

Thấy tôi ngồi một chỗ lầm lì, hắn khều khều ngón tay, nói: "Không thể tỏ ra thư giãn một chút à?"



Tôi chán nản: "Ở bệnh viện thư giãn? Cậu cũng thật biết đùa".

Hắn vô tư ngả lưng ra phía sau, hai chân duỗi thẳng đặt hai tay lên bụng. Biểu cảm như đang tận hưởng để khẳng định lại lời tôi nói là "hắn không biết đùa".

Tôi ngồi xuống ghế cạnh cửa sổ bên ngoài đang nổi gió.



Lúc lâu sau, đột nhiên hắn hỏi: "Chăm sóc tôi không tình nguyện đến thế sao?"



Nhược điểm lớn nhất của tôi là dễ mềm lòng, hắn nhìn tôi chờ đợi câu trả lời. Tôi còn đang ngơ ngác không có chút chuẩn bị cho tình huống thế này. Vào những lúc do dự, cách tốt nhất đó là phủ nhận mọi vấn đề, tôi phủ nhận: "Không phải".



Ngoài cửa sổ gió thổi lớn hơn, hắn cười nửa miệng, tôi nhìn hắn bần thần. Rõ ràng hắn biết tôi không tự nguyện hoặc bản thân tôi cũng biết mình không tự nguyện. Nhưng hắn hỏi, tôi lại do dự điều gì?



Hắn cúi mặt suy tư, tôi cũng không muốn lên tiếng. Đột nhiên hắn thay đổi như gió bên ngoài cửa sổ, đến không báo trước mặc kệ thổi ào ào.

"Cậu không sao chứ?". Tôi không chịu được im lặng hỏi. Hắn lắc đầu.



Tôi đứng dậy đóng cửa sổ cận thận cài then rồi kéo dèm. Tiếng gió rít lên từng hồi, đâu đấy nghe thấy cả âm thanh va đập.



Trời về khuya tôi vẫn ngồi bên cửa sổ, không ngủ được hay không muốn ngủ tôi không rõ, chỉ là hai mắt cứ mở to.



Hắn nhắm mắt nhưng tôi biết hắn chưa ngủ, thi thoảng trở mình tôi nghe thấy hắn suýt xoa. Cả đêm hắn vẫn trằn trọc. Thi thoảng lại hỏi vu vơ mấy câu không đầu không cuối, tôi cứ như cô bảo mẫu kể chuyện dỗ hắn ngủ: "Ngày mai cậu sẽ lại đến chứ?"



Nghe giọng hắn chữ "không" nghẹn lại trong cổ họng: "Có thể không...nhưng cũng có thể sẽ đến"



Hắn nhoẻn miệng hai mắt vẫn nhắm nghiền. Tôi bỗng nhiên sợ, sợ bản thân ngày mai sẽ không đến! Sợ câu nói của mình trở thành một lời hẹn.



Hắn thở dài nói khẽ: "Bọn họ nói tôi là cục đá"

Tôi phì cười: "Cậu à..cục băng"

"Cậu sợ lạnh không?"

Ngừng lại mấy giây suy nghĩ, tôi phủ nhận: "Không.."

"Vậy tôi yên tâm rồi"



Tôi vẫn ngồi tay vân vê cái móc chìa khoá nhà, tư thế này làm tôi mỏi nhừ.

Hắn nói như thủ thỉ: "Sao còn chưa đi ngủ?"

Tôi vươn vai, hỏi ngược lại hắn: "Còn cậu?"

"Đau". Chữ đau phát ra từ miệng hắn nhỏ đến nỗi tôi nghe thấy như có như không.

Tôi kéo ghế đến gần giường bệnh: "Cũng biết đau rồi sao?"



Hắn chuyển mình nằm nghiêng, nửa mặt vùi xuống gối: "Sợ kêu đau rồi cũng không biết phải làm sao?"



"Vậy lỡ kêu rồi, cậu định làm thế nào?"

"Giờ có người lo lắng rồi"



Tôi ngẩn người: "Ai cơ?"

"Cậu". Hắn thì thầm như không muốn ai khác nghe thấy ngoài tôi và hắn. Tôi chợt nghĩ, có phải bản thân biểu hiện hơi thái quá, hắn mặc định là tôi đang lo cho hắn.



2h sáng, tiếng xe cấp cứu kêu inh ỏi tôi đang lim dim thì bị đánh thức. Đoàn người mới đến chạy qua cuống quýt, lớn tiếng bên ngoài. Điện phòng cấp cứu lại sáng, tôi thở dài.



"Cậu sợ không?". Hắn đột nhiên lên tiếng, tôi nghĩ hắn đã ngủ.

"Sợ". Tôi thừa nhận, tôi sợ máu, sợ tiếng ồn.



"Chuyện hôm đó còn sợ không?"

Hôm đó? Tôi nhớ lại tối hôm ở nhà kho, nhớ lại bộ dạng sõng xoài trên đất của hắn và cả đám người áo đen, nuốt nước bọt: "Sợ"



Hắn không đáp lại, tôi nghe thấy tiếng thở đều đều ngay cạnh mình. Đêm nay...có lẽ là một đêm dài...



Tôi nằm ở giường bệnh đối diện, hắn quay lưng về phía tôi. Vẫn tấm lưng to rộng nhưng lúc này tôi không cảm nhận được cảm giác vững chãi như lần hắn cõng tôi về nhà. Suốt đêm nghe hắn nói ngây ngốc nhiều lúc lại thấy đáng yêu, nhiều lúc thì thấy đáng thương. Có lẽ hắn thích có người cùng nói chuyện, vừa hay tôi cũng ghét phải im lặng.



"Kiến Văn, cậu ngủ rồi à?"



Hắn không đáp. Tiếng người bên ngoài nhỏ dần, điện ngoài hành lang tắt ngúm. Có lẽ đã xong ca cấp cứu.



Có lần Gia Luân ngồi học công dụng các loại thuốc, tôi tò mò: "Mùi thuốc anh không thấy đáng sợ à?"



Gia Luân gõ vào đầu tôi, cười: "Thuốc còn đáng sợ hơn cái mùi của nó"

Từ nhỏ tới lớn tôi hay bệnh tật, trời trở gió liền ốm, dính nước mưa là sốt. Mỗi lần uống thuốc chỉ cần bịt mũi, không ngửi thấy mùi 1 viên hay 10 viên tôi cũng không sợ.



Tôi lại hỏi anh: "Sao lại thích làm bác sĩ?"

"Sau này, bệnh gì đến tìm anh anh cũng ưu tiên cho mày"

Suy cho cùng, ước mơ của Gia Luân cũng lắm khắc nghiệt.



Tôi nhắm mắt mê man suy nghĩ luẩn quẩn. Tôi không biết hắn vẫn còn thức, cũng không biết ngay khi mình vừa khép mắt thì hắn đã quay đầu lại.



Ngoài trời "lại" bắt đầu nổi gió lớn. Mà có lẽ không chỉ ngoài trời...



Hôm sau trời tờ mờ sáng tôi đã mò về, khi tôi đi hắn còn chưa thức giấc. Hắn truyền nước một đêm có lẽ ngấm thuốc nên ngủ say như chết.



Vừa đặt chân đến cửa đã bị mẫu thân đại nhân đón đầu, tôi ngửi được mùi nguy hiểm liền kiếm cớ: "Mẹ, cả ngày rồi con còn chưa tắm rửa nữa. Chúng ta nói chuyện sau có được không?"

"Không được".



Câu chuyện sau đó không đơn giản chỉ là dài, còn phức tạp và câu hỏi thì nhiều vô số. Nghe tường thuật một hồi văn vẻ của Gia Luân tôi có lạ gì, mấy câu lươn lẹo kia rõ ràng là "tố giác" chứ không phải "bảo vệ". Uổng công tôi tin tưởng lão! Bị giữ lại hỏi cung đủ các câu trên đời, một đêm ở ngoài mẫu thân liền nghĩ ra vài tá lí do khác nhau. Tôi bất lực thừa nhận đêm qua ở bệnh viện chăm sóc hắn.



Thành thật được ân xá, tôi hùng hổ xông lên phòng Gia Luân báo "đại thù", ông anh này tính kế chu toàn nhất định không mở cửa còn ném cho tôi một câu xanh rờn: "Ai bảo mày nhờ anh giúp".



Đúng là tôi tự nguyện. Đúng là cái sai nằm ở chỗ đặt niềm tin lên "đạo đức" hành sự của ông anh già. Cái sai tiếp theo là bị Gia Luân chơi một vố.



Nằm dài nghĩ kế trả thù không ra tôi vừa mở cửa phòng lại đúng lúc bắt gặp Gia Luân đang lúi húi đeo giày, thời cơ đến không báo trước, tôi xắn tay áo nắm tai lão vặn ngược: "Tính kế hãm hại huynh đệ đồng môn, anh nói xem anh đáng tội gì?"



Gia Luân kêu oai oái, một chân còn chưa đeo giày: "Mày làm chuyện xấu còn đòi anh bao che. Anh phải làm người tốt".



Nghe cái lí do nghĩa hiệp của lão tôi càng bực bội kéo mạnh tay hơn, người tốt có rồi tôi chấp nhận vào vai người xấu cho lão mãn nguyện. Vật lộn một hồi nhìn lão te tua tơi tả tôi mới hả dạ, tình nghĩa anh em bị lão bán đứng coi như tôi nương tay không tính toán thêm.



Trời vào thu thời tiết mát mẻ, tâm trạng hậu "trả thù" tốt hơn hẳn. Vốn tìm nhỏ Ánh Dương hẹn hò quán xá thì "bà dì" không báo mà đến. Cáo biệt thời tiết tôi tiếc hùi hụi chạy lên phòng tìm một tư thế hợp lí trước khi cơn đau bụng tới.



Chuyện bảy ngày tháng nào cũng trải qua tôi vẫn không muốn làm quen, lần nào "bà dì" ghé lại đem cả cơn đau bụng long trời lở đất cho đám con gái chúng tôi như là "quà". Tôi cũng không ngoại lệ, lăn trái lăn phải, ngồi xuống đứng lên, đi tới đi lui cảm giác khó chịu không dứt. Vào mấy ngày kiểu này, thú thực tâm trạng tôi lên xuống thất thường hơn thời tiết. Thế mà có ông anh trời đánh không biết thời cơ còn hăm hở tìm tôi nói chuyện phiếm.



"Làm cái gì thế? Tập thể dục trong nhà đấy à?"

Tôi ngồi xuống giường, động tác nhẹ nhàng nhưng khẩu khí thì không: "Tránh xa em ra một chút, đồ phản bội!"

Lão cười như hả hê, không những không tránh đi mà còn mặt dày: "Ở bệnh viện một đêm liền thành bệnh rồi?"

Tôi lười trả lười lão, chùm chăn kín đầu.

"Vậy nói anh nghe em gái anh đêm qua chăm sóc ai trong bệnh viện?"



Em gái anh? Tôi nằm trong chăn da gà nổi rần rần, lão càng ôn nhu tôi càng thầy buồn nôn: "Có phải anh bị ám ảnh bệnh nghề nghiệp rồi không? Nói chuyện không bệnh nhân thì cũng là bệnh viện. Vô vị!"



"Vậy nói anh nghe cậu bạn có phúc phần ở cùng mày đêm qua tên gì thế?"

Giọng điệu Gia Luân y chang câu khi nãy, tôi cáu ném cái gối vào mặt lão: "Ở cùng em khi nào chứ?"

"Ô, mày ở cùng cậu ta hay hai người ở cùng nhau?"



Kiên nhẫn báo vạch đỏ, tôi hùng hổ đứng dậy kéo lão ra ngoài kèm theo cả chiếc ghế xoay lão đang yên vị. Đóng chặt cửa, nói như quát: "Gia Luân, đồ đáng ghét!"



Tôi không phải kiểu thù dai nhớ lâu, hơn nữa nói thù oán với người nhà thì đích thị là cách nói khoa trương. Tâm tính mấy ngày này hay cau có, Gia Luân lại đùa dai không biết chừng mực tôi vờ giận dỗi cho lão biết mặt.



Tới tối, tôi vẫn nằm lì trong phòng. Bụng dạ có chút không ổn nên chẳng thiết ăn uống, hơn nữa cái sự "ướt át" 24/24 này cản trở tôi đi lại.

"Ăn cơm, uống thuốc"

Coi như Gia Luân còn có lương tâm, tôi tự miễn cho lão tội cự tuyệt. Nói gì thì nói anh trai tôi cũng là bác sĩ tương lai, tính cách có hơi lệch chuẩn mực trái lại được cái biết quan tâm người khác.

"Em còn chưa hết giận đâu". Tôi phụng phịu, nhìn lão cười khổ trong lòng cũng còn mớ giận dỗi nào nữa. Thật ra đối với Gia Luân, tôi đơn giản chỉ là làm nũng!



Nhức mỏi đến nỗi ngủ không ngon giấc, lão phải ngồi với tôi đến khuya. Nói chuyện lảm nhảm chọc tôi cười. Lối mòn câu chuyện sau đó thế nào tôi không nhớ, chỉ biết tình nguyện khai sạch sẽ chuyện tôi với hắn từ đầu chí cuối. Kể rồi mới oán bản thân không biết bị con ma lắm mồm nào nhập.



"Vậy đó, mời bác sĩ tương lai cho lời khuyên"



Gia Luân hắng giọng ra vẻ trang trọng: "Anh...không có để nói hết!"

Đúng là gây hấn mà, tôi cau có: "Đây là lời khuyên bác sĩ nên nói với bệnh nhân sao? Anh trai, tiền đồ không phải chuyện đùa"



Nói đến hai chữ "tiền đồ", Gia Luân xem ra bị tôi đả kích nên sốt ruột: "Muội muội, anh hành y chứ không phải thần y. Làm gì có cái vết thương nào nói một lời là khỏi chứ"



Giảng đạo thêm 15 phút Gia Luân bất mãn mặt hằn hai chữ hối hận, chốt một câu xanh rờn: "Muốn cậu ta nhanh khỏi thì mày tránh xa một chút là được. Đồ ngang ngược". Tôi chỉ hỏi lão cái kiểu thương cũ chưa khỏi thêm thương mới làm thế nào mới bình phục triệt để, có chỗ nào không hợp đạo lí. Không trả lời cũng thôi đi còn bị lão mắng ngược.



Nói xong "ngang ngược" Gia Luân gõ trán tôi một cái đau điếng rồi chạy mất. Thành ra, nãy giờ ngược lại là tôi giúp lão ôn bài cũ.



Tôi không tới thăm hắn hai ngày. Cũng không nhắc đến hay để tâm quá nhiều cho đến buổi sáng hôm nay. Mở mắt thức dậy chưa đeo kính tôi đã nhận ra hơn 7h sáng, lúc ấy còn ngỡ mình đang mơ hoặc không bị cận. Lại chạy quãng dài ba chân bốn cẳng tới trường, tôi biết thế nào mình cũng muộn nhưng muộn ít còn hơn muộn nhiều, lấy thế làm động lực.



Cuộc đời chẳng mấy khi suôn sẻ, may mắn thì không có Lâm Hạ Ân tôi lâu ngày thành quen với lối sống không có giây phút nào không "xồn xồn" như này rồi.



Hoàng đạo không tới đại hung gõ cửa. Tôi tá hoả liếc thấy lão Thiết ngồi trên bục bô lô ba la mấy câu vật lý của lão. Chả trách hôm nay cái lớp nó yên ắng đến hiu quạnh lạ thường, nhìn cái thước gỗ lão cầm trên tay chân tay bỗng dưng run bần bật, to gan bằng trời mới dám trốn tiết của lão.



Khoảnh khắc huy hoàng có lần tôi được diện kiến chỉ là diện kiến không phải thử nghiệm. Trốn triệt để câu chuyện coi như kết thúc, ngược lại để lão phát hiện thanh xuân coi như đen tối một nửa. Gặp ngày trời quang mây tạnh nói vài câu lọt tai thì lão khoan hồng cho chạy "chục" vòng sân tập. Gặp ngày mưa dầm bão lũ đừng mong mở miệng, đến tiết của lão tự động cuốn gói ra ngoài ban công nghe giảng. Lạ kì hơn là cái ban công cách cửa lớp tôi cả km ánh sáng, nghe giảng được thì không gọi là "phạt".



Chỗ hắn trống, chỗ tôi trống còn Tuấn Phong ngồi lù lù. Cậu hôm nay bỏ quên tôi? Chuyện đi học muộn nghiêm túc mà nói tôi hổ thẹn với cái danh lớp phó học tập, một tháng không đi muộn tôi rõ ràng là có vấn đề.



Lâm Hạ Ân trước nay không quỳ gối khom lưng, nay tình thế cấp bách tự tôn hay tự trọng cũng không có nước ngẩng cao đầu.

Chuẩn bị tư thế hợp lí nhất tôi cúi gập người quyết định vào lớp bằng "hai đầu gối", mỗi lần co chân là một lần sợ sệt. Nói thẳng ra tư thế kiểu này có hơi mất mặt, nhưng tôi thà bẽ mặt với cái lớp này còn hơn không còn mặt mũi đối diện với ai trong trường.



Giá như thời điểm bất đắc dĩ kia tôi suôn sẻ một chút có thể không vướng bận đến cái tên Kiến Văn, nào ngờ trời không thuận lòng người đưa bước chân lão Thiết đến dưới hai mắt tôi. Quãng đường đến trường gian nan không nói làm gì, quãng đường từ cửa vào chỗ cũng thật nặng nề! Sát khí dày đặc trước mắt mấy nơron thần kinh giật liên tục là tôi biết số phận hẩm hiu.



Vốn nghĩ hết đường lui ai ngờ não phát sáng đúng lúc. Hắn không ra mặt cũng cứu tôi thoát tội theo cách này.

Giọng lão Thiết báo tai hoạ: "Em làm gì ở đây thế?"



"Em...đi học thưa thầy". Tôi cười hề hề phủi phủi quần áo theo phản ứng tự nhiên. Đám hóng hớt quay đầu, nhớn mắt nhìn tôi như sinh vật lạ.

Danh Sách Chương:

Bạn đang đọc truyện trên website TruyenOnl.COM
BÌNH LUẬN THÀNH VIÊN
BÌNH LUẬN FACEBOOK