"Có ai thừa nhận mình đã từng nồng nhiệt, vì tình cảm vốn là thứ mong manh..."
Tôi đỡ hắn lên sân thượng, có lẽ từ khi bị thương hắn chưa ra khỏi phòng nên mới có bộ dạng khoan khoái như vậy. Không khí ở đây thực sự tốt, thoáng đãng hơn nhiều cứ như tách biệt với cả cái hỗn tạp ngoài kia.
"Cậu...không nói chuyện này với người thân sao?"
Hắn lắc đầu không nói câu gì, hai mắt nhắm hờ đón gió trời. Tôi đứng ngay bên cạnh vẫn không thoát khỏi nhìn hắn say sưa: "Cậu làm gì với mấy người đó thế?"
Câu hỏi không chủ đích, không có hoàn cảnh cụ thể nhưng hắn hiểu ý tôi. Đặt tay lên vết thương bên hông trái, nói: "Cậu chứng kiến rồi đó thôi"
Càng lâu ngày tôi càng để ý thấy hắn quả thật thấu hiểu lòng người, chuyện nào cũng rõ như lòng bàn tay. Có thể tôi quá không đề phòng với hắn rồi!
Hắn bình thản cười mỉm: "Có chút hiểu lầm".
Trong thế giới của hắn hai chữ "có chút" thốt ra nhẹ nhàng nhưng hậu quả cũng lớn thật, hiểu lầm quy mô nguy hiểm lại cao khó tả. Giành được cái mạng từ tay thần chết nên hắn vẫn còn huênh hoang. Tôi không hỏi thêm, quan tâm ít một chút, biết ít một chút đỡ phiền phức. Thêm nữa bản chất hắn cứng nhắc, có là khuyên ngăn, an ủi hay vỗ về cũng vô dụng.
Hắn lại hỏi: "Cậu không sợ à?". Cũng cái giọng điệu như tôi hồi nãy.
Tôi thẳng thắn nói một tiếng: "Sợ"
"Vậy sao còn cứu tôi?"
Câu ấy thú thật bản thân tôi không có câu trả lời. Trời yên biển lặng sống qua ngay tôi không ham lại hiếu kì rước vào người thêm một món nợ. Tôi không ít lần nghĩ đến việc đám người kia phát hiện tôi đem món nợ của họ đi mất mà tìm tôi tính sổ thì gay go.
Nhưng cứu cũng cứu rồi, giúp cũng giúp rồi hắn với tôi quan hệ chẳng ra sao tình thế cấp bách lại bắt gặp cũng không uổng công tôi coi hắn là oan gia.
"Trùng hợp đi ngang qua".
Hắn cười đưa tay lên vuốt tóc: "Chúng ta có nhiều trùng hợp nhỉ?"
Quả thật nhiều, hơn nữa còn dày đặc. Tôi tìm đại một cái lí: "Coi như trả cho cậu những lần giúp tôi trước đây".
Hắn cười, cách cười đúng nghĩa sau mấy lần quen biết: "Trước đây? Tôi quên rồi".
Không có gì lạ, nhân vật nhỏ bé như tôi ngang qua câu chuyện cuộc đời nhiều sự tình của hắn không để tâm tôi không có quyền trách.
"Cậu...chuyển trường rồi?"
Hắn quay sang, hai mắt có vài phần kinh ngạc: "Không nhìn thấy tôi không yên tâm phải không?"
Ánh mắt có sức sát thương đáng kể, hắn lại nhìn thấu tôi lần nữa. Vế trước tôi không nhìn thấy hắn là đúng, nhưng vế còn lại nói tôi không yên tâm thì vô căn cứ. Trên phương diện người lướt qua người thì người này bận tâm người kia sâu sắc cũng quá hoang đường rồi. Đang loay hoay tìm kiếm câu từ, hắn lại nhanh hơn một bước: "Nhớ tôi?"
Tự hỏi liệu có phải hắn bị đánh đến đầu có vấn đề luôn rồi hay không? Con người này kiêu ngạo ngông cuồng còn mắc hội chứng tự luyến. Muốn nói chuyện đoàng hoàng hắn không chịu hợp tác: "Cậu có bệnh đấy cậu biết không?"
Hắn chớp chớp hàng lông mi dày, giơ cho tôi xem mấy chỗ băng bó: "Tôi quả thật đang thân mang trọng bệnh".
Đến đó thôi là tôi cứng miệng rồi!
Gần khuya, hắn tiễn tôi ra cổng. Đột nhiên lại nói: "Khi đó là tôi xuất hiện sau cùng nên không muốn lung lay ý chí của cậu".
Tôi đờ ra không hiểu hắn bị làm sao, hắn nói tiếp: "Nhưng lần này cậu bị tôi làm cho lung lay rồi"
Nói xong hắn đóng cổng tiện thể khuyến mãi cho tôi nụ cười tươi rói rồi đi vào nhà, mặc tôi đứng chơ vơ chưa nghe ra ngô ra khoai. Cái gì mà xuất hiện sau cùng, cái gì mà tôi bị hắn lung lay ý chí? Hắn rốt cuộc đang muốn tôi hiểu hay không muốn tôi hiểu? Cốt chuyện hai câu không đầu không đuôi, không có mở càng chưa có kết quá đáng hơn nữa là tôi không có câu thoại nào cả!
Đống tro tàn lâu ngày bỗng dưng được châm ngòi quả nhiên vẫn cháy mạnh mẽ. Dường như tôi với hắn cùng lúc đụng chạm vào mảng xúc cảm nào đó của đối phương, thứ xúc cảm lâu ngày chưa tàn mà cũng chưa kịp cháy!
Tháng sau sinh nhật Tuấn Phong. Tôi cười tủm tỉm khoanh mực đỏ vào ngày 23 sinh nhật cậu trên tấm lịch để bàn. Tôi thích cậu, thích thầm, một năm. Chẳng dám thổ lộ hay biểu hiện ra mặt, cũng không rõ cậu thích thứ gì, thích ăn gì hay có sở thích gì? Khái niệm thích thật ra rất đơn giản, không phải kiểu cuồng si đến u mê hay phải dính lấy không rời. Tôi thích nhìn cậu, thích bên cạnh cậu, thích cái cách cậu xuất hiện trong tầm mắt mỗi ngày, chỉ thế! Cái ngày sắp đến này liệu tôi có nên coi là cơ hội?
Trên đời không có cô gái nào muốn trôn giấu tình cảm, tôi do dự không ít lần cũng vì sợ lỡ nói ra đoạn tình cảm này kết quả không viên mãn đến tình bạn với cậu cũng không thể tiếp tục nữa. Tôi không tin thế giới này tàn nhẫn nhưng càng không có lí do để tin thế giới này luôn đối với tôi 100% tốt đẹp. Không có mảnh kinh nghiệm yêu đương thế nên thích thì có thích nhưng khoảng thời gian vừa qua qua tôi vẫn luôn đặt tình cảm tồn tại phía "hậu viện".
Thuận mắt nhìn ra cửa sổ lại phát hiện tấm thẻ học sinh trên bàn. Ý nghĩ về hắn cứ luẩn quẩn trong óc, tôi phiền muộn không rõ lí do, chỉ mong mấy vết thương không lầm lì như cái tính cách của hắn. Ngay lúc ấy tôi cũng vừa phát hiện, tôi nghĩ về cậu và đồng thời một vài khi để tâm đến hắn?
Hôm nay là chủ nhật không phải đến trường tôi tranh thủ giúp mẹ dọn cửa hàng. Gia Luân lười biếng còn ngủ nướng trên kia, mấy ngày nay thấy lão khổ tâm thi đi thi lại qua môn tôi giúp lão làm phúc một ngày. Mẫu thân đại nhân giận dỗi vô cớ, mặt mày ủ rũ không muốn dãn ra. Tôi đoán bố lại đi công tác dài ngày. Khoảng cách giữa những người yêu thương nhau hoá ra ở độ tuổi nào cũng lớn. Ngoan ngoãn hoàn thành công việc trong yên lặng, không có Gia Luân làm "khiên" thịnh nộ bất chợt của mẫu thân đại nhân tôi gánh không nổi.
"Gia Luân đâu?"
Câu hỏi cụt ngủn tôi cụt hứng, vâng dạ đáp lại: "Anh ấy..còn ngủ trên phòng".
Mẹ tôi liếc hai mắt đằng đằng sát khí lên gác trên: "Cả hai đứa, không đứa nào có lối sống lành mạnh. Đã là giờ rồi mà còn muốn ngủ..."
Đến đây thật ra là chưa đủ, lần này là bố tôi giúp Gia Luân thoát kiếp. Điện thoại reo một hồi chuông mẫu thân đại nhân đã bắt máy chạy ra hành lang tìm riêng tư.
Sáng thứ hai, lăn lóc một hồi luyến tiếc chiếc giường thân yêu tôi miễn cưỡng ra khỏi phòng. Mới sáng bảnh mắt đã thấy Gia Luân lúi húi trong bếp kể cũng lạ, con người coi ngủ nướng là thú vui cuộc sống hôm nay lại trở trời. Tôi ngáp ngủ: "Anh bị lối sống lành mạnh của mẹ ảnh hưởng hay là bị cải lương phiên bản cuộc sống của mẹ thức tỉnh?".
Lão đang lau bát đũa ngẩng lên: "Đều không phải".
Tôi gật gật đầu hiểu ý: "Vậy là..."
"Hết đồ ăn rồi, trong tủ chỉ còn lại một quả trứng". Gia Luân cầm chiếc bánh mì, tươi cười: "Còn anh thì có một cái bánh mì".
Tôi đang ngáp lập tức ngậm mồm như cái máy, lão kẹp xong bánh mì hí hửng chạy ra ngoài. Vốn dĩ tôi tưởng trở trời lão thuận ý trời lên cơn dở hơi, hoá ra tích cực dậy sớm lại là giành đồ ăn với tôi. Nói rõ ra là tranh giành một quả trứng.
Tình cảm anh em gắn bó sâu sắc tôi với lão đề cập đến thì đều không tự nguyện. Nhưng vài giây phút "lắng đọng" mùi mẫn cũng không phải hoàn toàn không có. Tôi đứng tưới cây trong sân thấy Gia Luân tay sách nách mang đồ đạc gì đó lỉnh kỉnh về nhà vội chạy ra đỡ giúp.
"Kí túc xá cũng không chứa nổi anh sao anh trai?".
Lão thở hổn hển ngồi xuống trước cổng: "Nếu còn lương tâm thì mau cho anh ly nước". Ngày thường cũng thôi đi, bộ dạng mệt như chuẩn bị "đi" của lão làm tôi mủi lòng chạy vào nhà lấy giúp lão chai nước lạnh. Ngồi, than, thở, uống hết chai nước lúc lâu sau lão mới kể lể: "Đúng là dọn nhà nhưng không phải dọn về mà là anh đây chuẩn bị dọn đi".
Tôi xem xét đống thùng xốp dưới đất, tò mò: "Cái thứ gì vậy?"
Lão đánh vào tay tôi: "Đồ thí nghiệm chuẩn bị đi thực tập đó, mày đừng đụng vào". Quan tâm còn bị giận lẫy, tôi vùng vằng đi vào mặc kệ Gia Luân vẫn ngồi trệt dưới đất. Lão còn mặt dày í ới gọi tôi quay lại vận chuyển đống đồ "tôi không nên đụng vào", tôi mặc lão!
Mẫu thân đại nhân vắng nhà, tôi chuẩn bị đồ ăn trong bếp, Gia Luân te tởn đi vào ôm bụng kêu đói, kêu khát. Tôi còn thù hằn nhưng không nỡ đày đoạ anh trai đến kiệt sức lại thương tâm kẹp cho lão miếng sandwick.
"Đồ cũng mang về nhà rồi, sao còn chưa đi?". Tôi có hơi cục súc, hỏi trống không.
Gia Luân vừa ăn nhồm nhoàm vừa nói: "Đâu phải nói là đi ngay. Sao? Nhớ anh à?"
Sinh viên năm cuối, chuyện Gia Luân đi thực tập dày đặc như cơm bữa. Tôi thì chưa đủ lớn để hiểu cảm giác phải một mình xoay sở ở chốn xa lạ khó khăn đến nhường nào. Chỉ đủ nhận ra thiếu đi một người thân thuộc bên cạnh trống trải và cô độc hơn bao nhiêu. Thú thật, lão vắng nhà có cảm giác nhơ nhớ. Không có người đấu khẩu vài câu lại thấy khó chịu trong người.
"Ai mà thèm nhớ anh, nằm mơ". Thuận miệng chối bỏ, tôi là kiểu người "khẩu xà tâm phật", không biết bày tỏ chân tình ngoài miệng. Cũng tốt, lão cùng kiểu người với tôi. Cảm nhận là đủ, Gia Luân hiểu tôi!
Có một người anh trai giống như sở hữu trọn vẹn một may mắn. Cảm giác giống như lúc nào cũng có một ngọn núi lớn bên cạnh che chở một quả đồi nhỏ.
Gia Luân cười cười ăn nốt miếng sandwick, phủi tay: "Có lẽ là tuần sau, nhớ dậy sớm giúp anh làm đồ ăn sáng".
Lòng dạ sắt đá không ai muốn sắt đá với người thân, tôi gật đầu: "Tháng này anh đi bao lâu?"
"Một tuần hay nửa tháng gì đó, không rõ nữa"
"Núi cao? Biển sâu? Hay núi rừng nào đây?". Tôi nghiêng đầu hỏi lão, giọng điệu trêu đùa không giận nổi nữa.
Tháng trước Gia Luân được cử đi thực tập trên vùng cao, bên cạnh nhiệm vụ còn được coi là thiện nguyện giúp đỡ bọn trẻ người dân tộc. Lúc nghe tin tôi hả hê, khoái chí khi thấy lão được dịp chịu khổ. Đi rồi lại thấy thương, không có điện, thức ăn dinh dưỡng cũng không có, đi lại ăn ở càng không thể so bì với ở nhà. Muốn gọi điện hỏi han vài câu càng khó khăn, trên cái vùng sâu sa ấy "chưa kịp" có sóng.
"Yên tâm, lần này nhà cao cửa rộng"
Gia Luân cười, tôi biết lão nói thế để tôi "bình tâm" đợi lão về. Cây cao đi rồi chồi non nào chẳng lo sợ, huống hồ từ nhỏ tới lớn tôi dính lão không rời. Hồi nhỏ lão bảo tôi muốn làm bác sĩ vì không yên tâm nhìn em gái ốm bệnh không người chăm sóc chu đáo. Lớn hơn một chút, lão lấy cớ kinh tế gia đình nói làm bác sĩ mới kiếm được nhiều tiền để làm trụ cột tài chính cho ba mẹ. Cái cớ nào với tôi cũng không quan trọng bằng ước mơ anh chọn!
Xem thêm...