Nhà cửa như rừng, mái hiên san sát. Trong bóng đêm, những ngọn đèn từ các căn nhà trong thành kéo thành một chuỗi đốm lửa, giăng ngang dọc quanh khắp thành Biện Kinh trong đêm tối cuối mùa hè đầu mùa thu này.
Thời gian ăn tối đã sớm qua đi, bóng sắc đêm càng lúc càng sâu, nhưng những tiếng ồn ào trong thành Biện Kinh vẫn không có dấu hiệu giảm bớt đi. Trải qua hơn hai trăm năm kế thừa đến nay, thành Biện Kinh hoàn toàn là trái tim xung yếu của Võ triều, tụ tập thương khách thiên hạ, thông suốt khắp nơi. Mỗi ngày số thương nhân lữ khách đi qua nơi này tới khắp Bắc Nam nhiều không kể xiết. Khoa cửa được tổ chức mỗi năm hoặc vài năm một lần tụ tập tài tử anh kiệt trong thiên hạ, ở nơi đây cũng tập trung các quan viên có quyền lực lớn nhất khắp thiên hạ này, vờn quanh ngự tọa của bậc đế vương, chúa tể sự vận động của thiên hạ.
Từ Tùy Đường tới nay, buôn bán dần phát đạt, lệnh cấm đi lại ban đêm cũng được hủy bỏ. Thành thị phải nói là vốn không có đêm, dù là thời điểm yên lặng nhất khi rạng sáng thì cũng có một mảng đèn đuốc lớn sáng lên ở trung tâm. Mà lúc này đang là cuối những tháng nóng nhất, thời tiết nóng bức khiến cho người trong thành thị lại càng không đi ngủ sớm. Bên đường, trong tiểu viện, thanh lâu, quán trà, mọi người hoặc yên lặng hoặc ầm ĩ điểm xuyết thêm, bên trong cái khô nóng lại là cảnh tượng phồn hoa mà yên bình.
Chiến sự ở phương Bắc cũng không ảnh hưởng tới nhịp bước của tòa thành thị này, triều đình hành động hoặc ít hoặc nhiều thì cũng chẳng tạo lên gợn sóng quá lớn ở trong thành thị. Điều động quân đội, vận chuyển vật tư, tất cả đều được lặng lẽ tiến hành trong một loại khí thế khổng lồ, dường như ai cũng có thể cảm giác được hoạt động đó, nhưng không có mấy người có thể chân chính hiểu rõ nội tình bên trong. Cùng lắm thì là một vài biết chuyện thì thêm thắt rất nhiều như thể mình được tận mắt chứng kiến, hay là đám thương gia tụ tập ở Biện Kinh thi thoảng lại thảo luận tiền cảnh thương hành tới phía Bắc kia, nhưng chẳng hề có chút khẩn trương hay lo âu nào cả. Kỹ viện nhà trọ, quán rượu quán trà vẫn náo nhiệt như xưa, thi từ tụ hội giữa tài tử văn nhân vẫn trào dâng, ánh mặt trời chiếu rọi kia cũng đã chứng minh điểm này.
Trong một vị trí ở trung tâm thành thị, nằm một bên Hoàng thành, bảng hiệu phủ Hữu tướng vừa được treo lên cách đây không lâu. Đây là một tòa nhà lớn đã có năm tháng, không hề trương dương nhưng lại có kết cấu trang nghiêm, nội uẩn rất sâu. Đây vốn là sản nghiệp của Tần gia, tám năm trước khi Tần Tự Nguyên từ chức, tòa nhà này được mua đi bán lại, trong tám năm này cũng đã qua tay hai lần, cũng là ở trong tay người có chút sâu xa với Tần Tự Nguyên năm xưa. Lần này Tần Tự Nguyên phục chức, thăng lên làm Hữu tướng, khi hồi kinh liền thuận tiện mua nó lại, thực tế thì kết cấu của tòa nhà này vẫn chưa hề thay đổi chút nào.
Lúc trước Tần gia làm quan ở kinh thành, kinh doanh đã hai đời. Tám năm trước Tần Tự Nguyên rời đi, phân phát hạ nhân trong phủ, lần này trở về thì hơn phân nửa hạ nhân đều được vời trở về, đủ để chứng minh chuyện lúc trước Tần Tự Nguyên tuy người đi nhưng trà vẫn chưa nguội. Các loại sách hồi đó được cất giữ trong phủ vẫn chưa bị di chuyển, lần này phục chức lại thêm một số nữa, nhưng Tần Tự Nguyên lại không phải người quan tâm mấy thứ này lắm. So với Tần phủ năm đó thì lúc này có vẻ vắng vẻ hơn một phần, ví dụ như vài thân nhân, gia nhân ở đây lúc trước. Dù sao chưa thể tới kịp, lúc này trong tòa nhà to lớn này chỉ có Tần Tự Nguyên cùng một thê một thiếp, còn lại thì dù đèn đuốc có sáng nhưng vẫn chỉ là hạ nhân.
Mấy ngày này, Tần Tự Nguyên bộn bề công vụ, không ngày nào là được rảnh rỗi. Lúc này hai người có địa vị tối cao trong triều đình, Tả tướng Lý Cương dẫn đầu, chủ đạo đại cuộc, Hữu tướng Tần Tự Nguyên lại càng có khuynh hướng về một số chuyện tình cụ thể.
Nhắc tới thì đã tám năm ông không bước vào Biện Kinh, cho dù vẫn có rất nhiều môn sinh hay cố hữu thì lực ảnh hưởng, lực khống chế ở bên này cũng đã giảm mạnh. Đặc biệt là với các loại chuyện có tính thiết thực kia, chỉ sợ khó có thể tiếp nhận được. Lý Cương và ông có quen biết với nhau, mặc dù rất ủng hộ ông nhập tướng nhưng lúc đầu cũng đã nói sẽ gánh vác phần lớn sự tình thay ông. Nhưng Tần Tự Nguyên lại chẳng giao gì nhiều cho đối phương, mà là từ lúc bắt đầu tiếp nhận là một mình gánh vác, trong vòng mấy ngày phải xử lý các loại sự tình, tổng thể quy hoạch rõ ràng.
Lý Cương kia vốn tính tình khảng khái, tương đối thẳng thắn nóng nảy, có tác phong nghiêm nghị. Mấy năm nay ông ta là kẻ thúc đẩy mạnh nhất làn sóng cầu chiến, nhưng tương đối mà nói thì người này lại tuân thủ nghiêm ngặt đạo Nho gia, cho dù ngôn từ có quyết liệt thì cách xử sự lại khá khiêm tốn. Đương nhiên điều này cũng không phải là nói ông là hủ nho cổ hủ gì, chỉ là tín niệm của ông quá chính trực, nếu không phải lúc này rất cần một người vô cùng kiên nghị tới chủ đạo chiến sự, sợ là ông cũng chẳng thể làm nổi Tả tướng.
Tần Tự Nguyên cũng là đại nho đương thời, văn của ông ta rất hay, mà với bên ngoài thì tính cách lại càng thêm chân thành và nho nhã, cũng không hề bảo thủ. Có đôi khi tranh luận với người ta, ông đường đường khẳng khái, nói năng đầy khí phách nhưng không kiểu phẫn nộ râu tóc dựng ngược như Lý Cương. Khi làm việc, thủ đoạn của ông cũng thường đoan chính ôn hòa, nếu nói đến kết quả thì ông thường quan trọng hiệu quả, dùng thế ép người, nước ấm nấu ếch, khi người ta phát hiện ra bên trong dấu giếm sát khí thì thường cục diện đã được định ra, không còn nước nào để đi nữa.
Khoàng thời gian lên kinh này, ông tiếp nhận các loại chính vụ, chủ yếu vẫn là dàn xếp quân nhu, dùng thủ đoạn cao siêu điều động các loại quân nhu vật tư chuẩn bị cho chiến tranh, lúc tập trung lại càng phải lặng lẽ tiến hành, vì thế mà đại đa số người trong kinh thành thậm chí còn chẳng cảm thấy cái không khí chiến tranh sắp đến kia. Lên kinh thành chưa tới hai tháng, ông đã bày ra sự quyết đoán và thủ đoạn mạnh mẽ của mình cùng với khí thế đã đè nén xuống trong tám năm ẩn cư kia, khiến cho không ai có thể khinh thường được.
Đương nhiên tất cả những gì có ở hiện tại đều được tạo dựng nên từ công tác với cường độ cao, để làm được những điều này, dù là ông thì cũng phải dốc hết toàn lực. Nay trời rất khuya rồi ông mới đi ra từ trong Hoàng thành, về nhà vừa mới ăn được hai miếng cơm thì có ba gã đệ tử năm xưa tới thăm, ông cũng vừa ăn cơm vừa tiếp đãi ba người này.
Trong ba người này, nhỏ tuổi nhất là ba mươi tám tuổi, người này tên làTrần Khai, tự Ngạn Đường, lúc này đang nhậm chức ở bộ Công, kiêm nhiệm quan đề hạt ở Văn Tư viện. Người lớn tuổi thứ hai thì đã bốn mươi hai tuổi, họ Triệu tên Đỉnh Thần, tự Thừa Chi, lúc này nhậm chức Thiếu Doãn phủ Khai Phong, quyền lực cũng khá lớn. Người thứ ba năm nay tuổi đã bốn mươi tám, tên là Phùng Viễn, tự Đạo Khai, nhậm chức ở Ngự Sử đài, y là đệ tử của Tần Tự Nguyên, mà Ngự sử Trung thừa Tần Cối lại từ bổn gia của Tần Tự Nguyên, bởi vậy ở trong Ngự Sử đài này y như cá gặp nước, khá được trọng dụng.
Mặc dù là tướng phủ nhưng lúc này Tần Tự Nguyên lại chỉ ăn một chén cá, một chén rau xanh đơn giản, nhưng lại sai hạ nhân dâng ba bát canh đậu xanh ướp lạnh, lại phát cho mỗi người một cây quạt, bốn người liền ngồi trong sảnh đường tùy ý nói chuyện. Là quan hệ thầy trò nên lúc trước ba người đã biết rõ tính tình của Tần Tự Nguyên, nên lúc này không khúm na khúm núm mà còn có vẻ tùy ý.
Tám năm không ở, lúc này còn có thể trở về thế này, người khác đều coi đây tất nhiên là chuyện may mắn với Tần Tự Nguyên. Nhưng tám năm không ở này kỳ thực có rất nhiều thứ phát triển, những thứ khiến ông ta cảm thấy tiếc nuối và không cách nào nắm bắt được.
Khi kí kết Hiệp ước Hắc Thủy thì Cảnh Hàn đế Chu Triết vừa mới kế vị không lâu, lúc ấy Tần Tự Nguyên có thể coi là nửa đế sư, mặc dù trong nhiều chuyện thì đúng là đế sư, nhưng cùng lắm chỉ có thể gọi là cánh tay đắc lực chứ không có cái danh đế sư. Khi đó Cảnh Hàn đế tuy do dự thiếu quyết đoán, nhưng cũng muốn khai thác phát triển, khi quân Liêu đánh tới thì dự định cầu hòa, lúc ấy Tần Tự Nguyên nản lòng thoái chí, không khỏi làm một chuyện điên cuồng. Ông xúi giục Cảnh Hàn đế âm thầm chuẩn bị, châm ngòi và nâng đỡ tất cả các thế lực chống Liêu, lại an ủi Chu Triết rằng lúc này chỉ là nhường nhịn nhất thời, chỉ cần chuẩn bị mấy năm nữa tất có thể có thời cơ lật ngược thế cờ. Chuyện này, tuy lúc ấy ông đã an bài rất nhiều sự tình và kế hoạch, nhưng lại chẳng hề tự tin, ai ngờ được lúc này lại sắp thành sự thật.
Nhưng chuyện này cũng khiến triều đình phải chi một lượng lớn tiền bạc, khi kế vị, Cảnh Hàn đế vốn nghe theo quan điểm của mọi người mà hủy bỏ những thứ linh tinh như đá hoa cương từ tiền triều, ai ngờ trôi qua một hai năm, triều đình chi tiêu quá nhiều nên chuyện này lại một lần nữa được bới lên.
- Những chuyện này, đám Thái úy Cao Cầu kia e là nhúng tay rất nhiều đấy nhỉ?
- Thưa thầy, những người liên lụy đến chuyện này đúng là rất nhiều. Lúc đầu chỉ là bệ hạ nói nghèo rồi, thế là có kẻ đưa ra các loại ý tưởng, đủ mọi cách. Cao thái úy đương nhiên là thứ nhất, lúc đó đám người Đường thị lang cũng đều ủng hộ. Lúc ấy đệ tử từng cứ lý lực tranh*, không thể tiếp tục khai thác đá hoa cương được nữa. Nhưng giờ nghĩ lại, lúc đó triều đình thiếu tiền, bệ hạ muốn kiếm một ít bù vào, ngay lúc đầu chỉ trong phạm vi nhỏ, nhưng mọi người nếm được ngon ngọt rồi là thuận thế buông ra. Cảnh Hàn năm bốn, số tiền xây lâm viên, sửa cung đình, thậm chí là một loạt về sau này đều đến từ chỗ đó...
(*: cứ nhè nhẽ phải mà ra sức tranh)
Phùng Viễn nhíu mày lại, trả lời. Vị Đường thị lang mà y nhắc tới khi đó là Thị lang Hộ bộ Đường Khác Đường Khâm Tẩu, lúc này đã thăng lên làm Thượng thư Hộ bộ. Trong thời gian này, Đường Khác thuộc phái chủ hòa, mà đám người Phùng Viễn đương nhiên là theo thầy chủ chiến, mà lúc này Tần Cối cũng là phái chủ chiến nên đương nhiên là không thuận mắt với Đường Khác.
Tần Tự Nguyên thì đang ăn cá:
- Các trò ở tại Biện Kinh, ta ở Giang Ninh, đều là nơi giàu có và đông đúc cả, chỉ là nghe thấy thì nhiều mà chính mắt thấy lại ít. Đá hoa cương kia sưu cao thuế nặng, chỉ khổ cho bách tính mà vỗ béo cho đám quan viên, thuộc hạ đi theo Cao Cầu... Đường Khâm Tẩu cũng chẳng phải hạng tham tài tham của gì, chỉ là sau lưng theo một đám há miệng chờ ăn thôi, nhưng mà Lý Bang Ngạn, Ngô Mẫn kia nhà cao thế lớn, kẻ làm quan... Ôi, nay ta nghĩ chắc là như thế này, nhúng chàm rồi là không dừng lại được... Nhưng lũ đạo sĩ kia thì là cái gì chứ? Bệ hạ lại bị mê hoặc, sáu bảy năm nay lại chẳng ai dám lên tham tấu? Ngoài một Đường Khắc Giản.
Mấy năm nay từ khi thờ phụng Đạo Huyền, Cảnh Hàn đế Chu Triết càng thêm vinh sủng đám đạo sĩ, thậm chí lan tới cả chuyện chính sự. Mấy năm nay không ai dám nói gì, ngoài Đường Khắc Giản mà Tần Tự Nguyên nhắc tới kia thì ngay cả Ngự sử Trung thừa Tần Cối cũng không dám mở miệng can gián. Đường Khắc Giản thì hai năm trước bị đày đi, chết ở trên đường. Tần Tự Nguyên nghĩ tới đó thì thở dài một tiếng, nhưng một lát sau cũng lắc lắc chiếc đũa.
- Thôi thôi, hôm nay không nói chuyện này nữa... Thừa Chi, tốp quân lương từ Cổn Châu kia đã tới chưa?
- Dù không tham dự nhưng đệ tử có nghe nói là chiều đã đến rồi.
- Vậy là tốt rồi...
Lúc này lại chỉ nói vài chuyện chính sự vụn vặt, bỗng nghĩ tới một vấn đề, Tần Tự Nguyên tùy ý hỏi:
- Hôm kia Tư Thiên giám đưa tin nói rằng Đông Nam xảy ra động đất, chuyện này hiện tại vẫn chưa có tin tức xác thực báo tới, các trò biết không?
Ba người kia cũng có nghe qua, Trần Ngạn Đường nay làm ở Công bộ nói:
- Tạm thời lúc này vẫn chưa có tin tức chính xác, chiếc máy đo địa chấn bên kia nhiều nhất chỉ xác định phương vị động đất, còn động đất xa gần thế nào hay là mạnh bao nhiêu thì không cách nào đo ra được. Dù sao máy đo địa chấn không biết đi, mà cách quá xa thì dù là động đất thì bên này đo đạc cũng kém đi. Nhưng Tư Thiên giám trước là Vu Kỳ An từng có một ý tưởng, có thương lượng với Công bộ của trò rằng là chế tạo ba máy đo địa chấn giống nhau, chia ra đặt ở ba nơi cách xa nhau khoảng trăm dặm hoặc là lớn hơn. Một khi động đất thì phương vị, khoảng cách, cường độ đã sớm được tính toán ra rồi. Nhưng máy đo địa chấn vốn là vật tinh vi, muốn làm ba cái giống nhau thì sao có thể được cơ chứ. Lúc ấy Vu đại nhân còn nói là có thể trang bị ba cái khác nhau cũng không sao, chỉ cần làm ra trị số, lại thu thập trị số địa chấn mấy năm hoặc hơn mười năm về đối chiếu thì từ đó về sau có động đất là có thể lấy nó ra mà tính toán. Nhưng chuyện này sau rồi lại không thành, dù sao máy đo địa chấn mà đặt nhiều năm thì cũng hao mòn đi...
Lúc này Trần Ngạn Đường đem chuyện máy đo địa chấn thành chuyện thú vị mà nói, nhưng thấy sắc mặt Tần Tự Nguyên ngưng trọng thì nhân tiện nói luôn:
- Thầy không cần quá lo về thứ này, đệ tử từng hỏi thăm, phía Đông Nam đó thường không có động đất, hẳn là chuyện này sẽ không quá mức nghiêm trọng. Lúc này thầy quan trọng nhất là chuẩn bị chiến tranh đại sự, không cần lo lắng nhiều về chuyện này.
Tần Tự Nguyên gật gật đầu:
- Ta cũng tự mình hỏi qua rồi, chỉ là động đất xảy ra thì e là lắm người trong triều đình sẽ mượn cơ hội làm văn. Hắc, đây đúng là cơ hội ngàn năm có một, những người này lại chỉ biết ích lợi của mình, muốn thảo phạt Phương Tịch, Vương Khánh, Điền Hổ, Tống Giang trước. Bọn họ cho là Kim và Liêu khai chiến thì chúng ta có thể thoải mái nhàn hạ mà giải quyết nội hoạn, đến khi ngoại xâm lưỡng bại câu thương rồi là có thể trai cò tranh nhau, ngư ông đắc lợi. Ôi, dùng quyền mưu trên triều đình quá nhiều, trên quốc sự, chiến sự lại chỉ cần quyền mưu xuất sắc là được...
Đi vào Biện Kinh, Tần Tự Nguyên gặp phải chuyện rắc rối nhất chính là chuyện này. Phần lớn người không phải là không ủng hộ đánh giặc - đương nhiên cũng có loại người chủ nghĩa hòa bình thuần túy cho rằng chiến tranh sẽ khiến dân chúng lầm than, nhưng chung quy cũng là thiểu số. Đại bộ phận người ủng hộ đánh giặc, nhưng lại nghi ngờ thời cơ đánh giặc.
Lúc thái bình, những người này vì đủ mọi lợi ích cho nhà mình mà mở lại đá hoa cương, sưu cao thuế nặng, cũng biến các loại lợi ích liên quan tới nhau trở nên to lớn không gì sánh được. Đến lúc này dân chúng nhiều nơi lầm than, các nơi khởi nghĩa thì bọn họ lại là kẻ đầu tiên yêu cầu triều đình tích tụ lực lượng bình ổn nội loạn, dù sao nội loạn mới là có thực, là đám lợi ích liên đới nhau ở phía dưới kia đang kêu gào than khóc. Mà chuyện thu phục Yến Vân gì đó, với những kẻ này thì nay Kim Liêu đánh nhau rồi, chuyện này đương nhiên là có thể làm bất cứ lúc nào, chờ bọn họ lưỡng bại câu thương là mình ở bên này lợi dụng hai phe... Những người này đùa giỡn quyền mưu trên triều đình đã tới mức xuất thần nhập hóa, thậm chí với quốc chiến cũng cảm thấy chỉ cần có quyền thuật là đủ rồi. Nhưng bọn họ lại không biết, nếu không thể triển lộ ra thực lực thì có dùng nhiều âm mưu đi chăng nữa thì cũng chỉ khiến người ta chán ghét mà thôi.
Nhưng hiện tại cũng chỉ có theo bọn chúng cân nhắc, gắng gượng tới lúc phát binh mới có thể chiến thắng, Tần Tự Nguyên mới có thể thả lỏng một hơi để đối phó với người mà ông ta muốn đối phó. Nghĩ tới những điều này, ông ta lại nhớ tới cuộc nói chuyện với Ninh Nghị trước khi rời khỏi Giang Ninh kia.
Lúc ấy Ninh Nghị đưa cho ông một quyển sách nhỏ lung tung lộn xộn, có ghi rất nhiều thứ, ông đọc mà chẳng hiểu lắm. Trong đó có mấy điều đại khái là phương hướng lấy quốc gia điều tiết khống chế các loại thương nghiệp, khiến cho phần lớn thương nghiệp, nông nghiệp và sản nghiệp chiến tranh móc nối với nhau, trọng điểm phát triển các loại lợi ích theo hướng chiến tranh, đến lúc đó đám người vì lợi ích gia tộc này sẽ bỏ qua lập trường ban đầu, gào khóc đòi quốc gia đánh giặc, bởi vì quốc gia một khi giao chiến thì bọn họ có thể bán lương thực, bán quân nhu. Nhưng Ninh Nghị lúc đó cũng chỉ thuận miệng nói qua.
- Chuyện này nếu thật sự làm thì cũng cần một đến hai năm, hơn nữa còn phải cân bằng mắt xích thương nghiệp, nói chung là rất phức tạp. Năm nay chắc là sẽ đánh, có lẽ không dùng được nữa...Lúc ấy hắn dùng kiểu nói giỡn nhắc đến chuyện này, người trẻ tuổi kia luôn có rất nhiều quan niệm mà khiến người ta phải tỉnh ngộ. Nhưng theo như lời hắn, biện pháp đó đúng là không dùng được ở lúc này. Nhưng trong tập này vẫn có vài thủ pháp nho nhỏ, ông ta vận dụng vào trong các loại quân nhu đã sinh ra hiệu quả.
Nghĩ tới Ninh Nghị, ông cụ vừa nói chuyện vừa so sánh người trẻ tuổi kia với vài tên đệ tử trước mặt này, nhất thời lại không đưa ra được kết luận. Đang trò chuyện thì một tên gia nhân chạy vào báo rằng Lý tướng gia đến. Tần Tự Nguyên còn chưa kịp trả lời thì đã thấy Lý Cương Lý Văn Kỷ chưa thông truyền mà đã trực tiếp tiến vào tiền viện, thoạt nhìn còn đang sửa sang lại y quan.
Lúc này Tả tướng Lý Cương tuổi đã bảy mươi mấy, dung mạo gầy gò, râu tóc bạc trắng, nhưng tinh thần quắc thước, thân thể cũng khỏe mạnh. Ánh mắt ông rất nghiêm túc, ông mím môi, vừa đi vừa chắp tay:
- Chưa thông báo đã xông vào thế này, mong Tự Nguyên thứ lỗi, nhưng thật sự là chuyện quá khẩn cấp, hãy đọc tờ công văn này đi...
Ông lấy ra một tờ công văn từ trong tay áo:
- Xong thì lập tức vào cung.
Mấy tên đệ tử cùng đứng dậy chào Lý Cương, Lý Cương chỉ phất phất tay. Tần Tự Nguyên đọc công văn kia mấy lần, sắc mặt đã thay đổi:
- Sao lại như này... công văn này đã có bao nhiêu người xem qua?
- Sợ là không ép được nữa, vó trước của con ngựa mà kỵ sĩ truyền tin cưỡi kia bị thương, e là phong công văn khẩn tám trăm dặm này đã có rất nhiều người biết rồi, lúc này có khi đã có người mang theo đám Tư Thiên giám Tào Lệnh Nhu vào cung rồi...
Nay chủ quan Tư Thiên giám Tào Lệnh Nhu chính là đệ tử của Ngô Mẫn, là một trong những nội phái không kiên định.
- Lấy y mạo cho ta.
Tần Tự Nguyên hướng ra ngoài mái hiên nói một câu, sau đó đã bước ra ngoài:
- Chúng ta mau đi thôi.
Lúc sẩm tối ngày lập thu, khu vực Tô Hàng rung chuyển, nhà cửa sập đổ vô số, tử thương khó mà tính toán được, công văn này phát tới từ bên Tô Châu kia, sợ là Đại Vận Hà cũng bị hư hại, ở vùng Giang Nam thì bên đó là giàu có và đông đúc nhất. Trong lúc xe ngựa lao nhanh tới hoàng cung, Tần Tự Nguyên nghĩ tới những điều này, sau lại nghĩ tới điều gì đó, lẩm bẩm:
- Hàng Châu, Hàng Châu...
Công văn chủ yếu là về Tô Châu, Hàng Châu tất nhiên cũng bị lan đến, nhưng không rõ là tình hình thế nào. Lý Cương nhíu mày hỏi: - Hàng Châu làm sao?
Tần Tự Nguyên thở dài:
- Ôi, đang nhớ tới một vị tiểu hữu, cậu ta chính là đang ở đó, nếu...
Ông nghĩ tới cuốn sách chẩn tai của Ninh Nghị kia, nếu Ninh Nghị có thể gánh trọng trách ở Giang Nam kia thì có khi sẽ giảm thiểu ảnh hưởng tới mức nhỏ nhất. Đương nhiên ý nghĩ này chỉ lóe lên trong đầu, Ninh Nghị không công danh không gia thế, chung quy là không thể nào nhúng tay vào được. Hơn nữa tập kia đã được phát đi, quan viên Tô Hàng cũng không phải hạng vô năng ăn hại, lúc này chỉ có thể trông chờ vào bọn họ, mà bên mình thì phải ngăn chặn áp lực rất lớn ở trên triều đình kia.
Sắp đến Hoàng thành, ông quăng đám giả thiết suy nghĩ kia sau đầu, bắt đầu dồn tâm trí vào tất cả những vấn đề cụ thể sắp gặp phải kia...