Hoa tuyết bay đầy trời, phủ đầy mặt đất lầy lội.Ninh Nghị quay về phòng, xoa xoa tay, Quyên Nhi bưng chén thuốc tới cho hắn.
Thuốc đắng chát, Ninh Nghị nhăn mặt nhăn mày mà uống, Quyên Nhi liền lấy trong áo ra một bọc vải nhỏ.
- Cô gia, thiếp có kẹo quế hoa.
- Không cần đâu.
Ninh Nghị khoát tay:
- Ở đâu ra vậy?
- Lúc nãy thiếp ra ngoài, chưởng quỹ cho. Cô gia phải uống thuốc đắng, thiếp nghĩ cô gia nên ăn một chút.
- Ồ?
Ninh Nghị nhíu mày:
- Chưởng quỹ nào?
- Khang chưởng quỹ của chi nhánh số bảy, hiện giờ ở tiểu đội số năm.
Quyên Nhi nghiêm trang:
- Cô gia không ăn thật sao?
- Thế cuộc gian nan, thuốc đắng một chút có hề gì. Khang Trúc Minh à? Hắn cũng không tệ, có ý với nàng sao?
- Cô gia!
Quyên Nhi chớp chớp mắt, như một con mèo hờn dỗi:
- Cô gia nói như vậy, thiếp liền trả lại cho hắn ta đây.
- Đừng đừng, cho ta đi.
Ninh Nghị cười xòa, cầm bọc nhỏ trên tay Quyên Nhi:
- Thuốc rất đắng, để ta mang cho các huynh đệ bị thương. Ngày thường họ cũng không mấy khi được ăn kẹo.
Ninh Nghị đã qua năm sáu năm rồi, Quyên Nhi ở Tô gia, đã từ một thiếu nữ, trở thành một đại cô nương. Ngoài hai mươi, nàng vẫn chưa thành thần, trong mắt của người khác, như thế là đã lớn tuổi rồi, nhưng đối với Ninh Nghị, cô vẫn đang ở trong độ tuổi thanh xuân tươi đẹp nhất. Loại thông phòng nha hoàn như nàng, luôn đi theo bên người tiểu thư, không ít người biến thành gái lỡ thì, nếu có kết hôn thì cũng do gia chủ đồng ý và lo liệu.
Cách đây hai năm, Đàn Nhi tỏ ra rất rộng lượng, ngay cả Quyên Nhi, nàng cũng muốn gả cho Ninh Nghị, nhưng rốt cuộc Ninh Nghị lại không đụng chạm vào người Quyên Nhi, hai năm nay nàng cũng không nhắc tới chuyện đó nữa, chỉ thỉnh thoảng nghĩ đến việc tác hợp hôn nhân cho nàng, nhưng có thể vì phải phụ trách nhiều việc, cũng có thể bởi sự hun đúc của Ninh Nghị, tầm mắt của Quyên Nhi trở nên cao hơn và tính cách càng độc lập, đàn ông có thể được nàng xem trọng cũng không nhiều.
Trong ba người bọn Thiên Nhi, Hạnh Nhi có tính cách thẳng thắn và hướng ngoại, nói muốn làm "bà cô", tính cách của Quyên Nhi lại khá trầm tĩnh và tự chủ, nàng có vẻ đẹp thanh tú nhưng hơi lạnh lùng. Trong công việc, hiển nhiên Ninh Nghị giỏi suy đoán lòng người, nhưng đối với bằng hữu và người nhà, hắn lại không giỏi như vậy, cũng biết là không thể nói nhiều về vấn đề này.
Suy cho cùng, nếu như hắn dứt khoát đứng ra lo việc hôn nhân cho Quyên Nhi và Hạnh Nhi, đương nhiên hai người cũng chỉ có thể chấp nhận, nhưng hôn nhân mà miễn cưỡng thì không tốt, khó tránh khỏi "trống đánh xuôi, kèn thổi ngược", sau này cả đời không hạnh phúc. Tô Đàn Nhi đương nhiên cũng mong muốn các nàng gặp được người tốt, nhưng nếu như không thành, các nàng trở thành gái lỡ thì, sống bên cạnh nàng, thì nàng thấy cũng không sao cả.
Đã theo hầu Tô Đàn Nhi nhiều năm như vậy, cách xử lý công việc của Thiền Nhi, Quyên Nhi và Hạnh Nhi đều đâu ra đó. Thiền Nhi đã là thiếp của Ninh Nghị, đối với việc sắp xếp trong sinh hoạt, cho đến quản lý sổ sách đều rất chuẩn mực, Hạnh Nhi tính cách mạnh mẽ, thường là người phát ngôn cho Đàn Nhi ở bên ngoài, còn Quyên Nhi, tâm tư rất kín đáo, vui buồn không hiện ra mặt, bố trí công việc đều rất ổn thỏa và thiết thực.
Lúc Quyên Nhi tìm tới, bên cạnh Ninh Nghị không có ai, nếu là ở đời sau, nàng hắn phải là thành phần trí thức, làm quản lý cao cấp nhiều năm rồi. Giờ đây, nàng lại phải đảm đương công việc của một nha hoàn, từ chăm sóc bệnh nhân, giặt rửa quần áo và đồ dùng hàng ngày, cho đến quét tước làm cơm. Căn lều chia làm hai phần, Ninh Nghị ở phòng trong, Quyên Nhi ở phòng ngoài, một khi có việc có thể gọi và đến ngay. Càng về sau này, nàng còn giúp Ninh Nghị xử lý mọi việc trong ngoài nơi đóng quân, cho nên đôi khi Ninh Nghị chợt nghĩ mình đem gáo vàng mà múc giếng bùn, phí phạm một nhân tài, một cô gái xứng chức thư ký mà lại cho làm nha hoàn.
Ngay cả lúc ở giai đoạn đỉnh cao nhất trong cuộc đời kiếp trước, Ninh Nghị đều phân biệt rất rõ ràng giữa công và tư, đối với nhân tài làm việc bên người, hắn tuyệt đối không sử dụng tùy tiện, không dùng việc tư quấy rầy công tác của họ. Câu "Có việc thì thư ký làm, không có việc thì làm thư ký", nghe có vẻ hay ho thật, nhưng thực tế là rất ngu xuẩn. Có "nhu cầu" thì đi mà ăn bánh trả tiền, còn người ta giúp ngươi xử lý công việc, sơ suất một tí là toi chục triệu đến trăm triệu, chỉ có ngu xuẩn mới để công tư lẫn lộn.
Tuy nhiên ở thời đại này, đối với Quyên Nhi, làm nha hoàn lại là công tác trọng tâm của nàng, còn những chuyện khác chỉ là thứ yếu, cho nên Ninh Nghị cũng đành chịu thua.
Buổi chiều hắn mang túi kẹo quế hoa của Quyên Nhi phân phát cho các thương binh. Thời đại này, tuy Võ triều giàu có và đông đúc, nhưng đối với nhiều người, kẹo vẫn là một món quà xa xỉ. Nhưng đương nhiên là Ninh Nghị cũng không mong đợi mấy viên kẹo này có thể lấy lòng được người nào. Lúc này một số người bị thương ở nơi đóng quân, đã mất đi sức chiến đấu, đang liên hệ để chuyển tới nơi cách đó mấy trăm dặm, nhưng thường thì người bị thương đã hồi phục và có thể chiến đấu, mới có thể trở thành lực lượng trung kiên.
Chẳng hạn nhóm người theo hắn đốt kho lương ngày hai mươi lăm tháng chín, trong đó có Trần Đà Tử trọng thương may mắn không chết, lúc bình phục, võ nghệ còn tinh tiến hơn trước. Trên thực tế, mọi người cũng có thể mơ hồ đoán được nguyên nhân, Trần Đà Tử này là nhân vật tà đạo, từng gây ra nhiều chuyện xấu, về sau gia nhập Trúc Ký, thật sự làm được điều tốt. Sáng sớm ngày hai mươi lăm đó, y bị trọng thương, tìm được đường sống trong cái chết, chẳng khác nào hoàn toàn từ giã quá khứ, nói một cách thông tục là "đầu sáng ra", bước vào một "trình độ" khác, trong cõi luân hồi này, có thể nói là lần thứ hai tìm thấy con đường để đi lên.
Về phần Tề Tân Nghĩa trong ba anh em nhà họ Tề, lại không may mắn như thế, y bị chém đứt cánh tay trái, vết thương đến giờ này vẫn chưa bình phục. Ninh Nghị đến thăm y nhiều lần, còn đem chuyện Bá Đạo Đỗ Sát ra động viên y: Trong khi tìm cách cứu viện Phương Thất Phật, Đỗ Sát cũng bị cụt một tay, nhưng tính cách người này mạnh mẽ cương quyết, sau đó không hề bị quan, vẫn một tay luyện đạo. Gần đây từ Nam Cương truyền tới tin tức, nghe nói Đỗ Sát cụt một tay luyện đạo, tài nghệ thậm chí còn hơn xa trước đây, đánh một trận với Phong Hổ Vương Nan, mặc dù hơi thất thế một chút, nhưng vẫn bình an thoát ra.
Tề gia có thù với Bá Đao, nhưng dù Ninh Nghị nói đến chuyện này, cũng không thể khiến Tề Tân Nghĩa phấn chấn. Đao pháp thì có thể dùng một tay, nhưng thương pháp thì phải dùng hai tay, mặc dù Tác Hồn Thương của Tề gia có thủ pháp phóng thương, nhưng sau khi mất một tay, chẳng khác nào thương pháp mất đi một nửa, mà giờ đây bỏ thường dùng vũ khí khác, đâu phải chuyện dễ. Ngược lại, mấy ngày nay Tề Tân Hàn người ít tuổi nhất trong ba anh em, khổ luyện không ngừng, hình như đã có dấu hiệu tiến bộ một bước.
Trong số người của Trúc Ký, người được tán thưởng nhất là Vũ Văn Phi Độ bị trọng thương trong trận chiến đó, bị ngựa đá trúng chân, gãy xương mấy chỗ, chân còn lại cũng chấn thương phải đi khập khiễng. Trước kia thiếu niên này tính tình đường hoàng khoáng đạt, dáng vẻ anh tuấn. Các sư phụ dạy võ cho gã đều lo lắng gã không gượng dậy nổi, nhưng chỉ sau vài ngày chán nản, vết thương còn chưa khỏi hẳn, gã đã bắt đầu rèn đúc rèn luyện công phu cho đôi tay, luyện dùng ám khí, bắn cung...Khi người khác hỏi, gã nói:
- Đêm đó chiến đấu với lũ chó Kim, có ai không bị thương, Ngũ sư phụ, Thất sư phụ của ta đều hy sinh, mà hai người chưa từng oán trách, ta chỉ bị thương một chút, có ăn thua gì.
Trước đây gã bái nhiều sư phụ, sở học pha tạp, về cung tiễn, ám khí đều có căn bản, mấy ngày qua chuyên tâm tập bắn tên, ngoài trăm bước cũng bắn trúng đích, tuy còn chưa tới mức "bách bộ xuyên dương" (trăm bước bắn trúng lá dương liễu), nhưng gã đã rất đắc ý. Gã quyết định sắp tới đánh nhau trên chiến trường, sẽ đoạt một cây cung tốt, từ đó về sau sẽ tự xưng là Thần Cung Vũ Văn Phi Độ, vốn gã muốn xưng là Thần Tiễn Vũ Văn Vi Độ, nhưng lại cho rằng nghe không hay nên thôi. Gần đây trong lúc chuyện gẫu, đều nhấn mạnh, gã bảo mọi người gọi mình là Thần Cung, đừng gọi là Thần Tiễn, mọi người không nên gọi sai, hễ ai gọi sai, gã sẽ trở mặt, đừng bảo sao không nói trước.
Khi tuyết rơi, sơn cốc với hơn vạn người tập trung có vẻ chật chội. Phần lớn mọi người có mặt, đều đã trải qua cuộc chiến đấu vô cùng ác liệt. Trong số họ có người chạy trốn, có người chiến đấu hăng hái, cuối cùng tận mắt nhìn thấy đồng bạn tử vong, thất bại vô cùng thê thảm và uất nghẹn, nhưng trong phạm vi hẹp, sự anh dũng của nhiều người, cũng rất đáng khen ngợi.
Trong tình trạng bị thương, đám Ninh Nghị vẫn lên tới huyện Kỷ đốt lương thảo, những người trực tiếp tham gia hành động đêm đó, đều cảm thấy tự hào. Không ít người cũng từng hăng say chiến đấu trong trận đại chiến đó, chẳng hạn như Tần Thiệu Khiêm, dẫn binh tướng một hơi chém giết, sau khi thương vong nặng nề, mới đưa một số binh sĩ chạy khỏi chiến trường, mà bản thân y, bây giờ còn mang vết thương trên người chưa khỏi hẳn. Sau cuộc đại chiến, cả đội ngũ lại tiếp tục tổ chức vườn không nhà trống, hết việc này đến việc khác, phải cắn chặt răng mà làm, thậm chí sau đó, vẫn còn xảy ra tình trạng người của Trúc Ký gặp phải thám báo Nữ Chân, vì lo bảo vệ quần chúng mà hy sinh tính mạng. Ngày trước quân đội có thể hoàn toàn không coi trọng việc tuyên truyền, nhưng giờ đây ở đội quân này, tin tức truyền đi khá nhanh.
Sau trận chiến đó, trong lúc kiểm thảo về cuộc chiến, Trúc Ký đã tiến hành thu thập dư luận ở tầng thấp nhất của binh sĩ, cho thấy cũng không phải mọi người không liều mình chiến đấu, mà là do cấp trên sai lầm, Tây quân Diêu Bình Trọng gian nịnh tiểu nhân, quá hám lập đại công, lỗ mãng xuất kích, tướng lĩnh thượng tầng thiếu kiên định, tham sống sợ chết, không tin tưởng lẫn nhau, thế cho nên các binh sĩ ở tầng dưới chết cũng không cách nào chống lại, giá như mọi người đều kiên định, có thể cuộc chiến đó đã có kết quả khác hẳn. Trên thực tế, đương nhiên những lời đó đều thừa thãi, tuy nhiên Ninh Nghị ngầm dẫn dắt ám chỉ, bên phía chúng ta, Tần tướng quân không giống như những tướng lĩnh khác.
Mà những lời bàn luận đẩy hết trách nhiệm lên người đám Diêu Bình Trọng, cũng đã đủ rồi, cứ tiếp tục như thế, có thể sẽ đụng chạm tới cái gốc "binh chẳng biết tướng, tướng chẳng biết binh" của quân đội Võ triều. Trừ phi Ninh Nghị muốn giương cờ tạo phản, bằng không nhằm vào quy chế mà phê phán, thì sẽ không nói đến mức thấu triệt được.
Cùng lúc đó, hắn cho người tuyên truyền về thảm trạng của người Hán thời "Ngũ Hồ Loạn Hoa" (1), giải thích lại lịch của cái gọi là "Đổi con mà ăn", "Lưỡng cước dương" (2). Cho đến thời này, trong dân chúng bình thường, thậm chí là trong tâm lý binh sĩ Hán bình thường, khái niệm "quốc gia", thậm chí khái niệm "vong quốc", thực sự không sâu sắc, cho dù dưới thành Biện Lương đã có mười mấy vạn quân bị đánh bại, mọi người có nghĩ tới, thì cũng đành bất lực, cùng lắm là tìm một nơi sinh sống, di cư về phía nam...Mỗi cá nhân có thể làm gì, sắp tới sẽ gặp phải điều gì, mọi người không nghĩ ra, cũng không muốn nghĩ đến.
Nhưng Ninh Nghị lại muốn kích động suy nghĩ của họ.
Thời Ngũ Hồ loạn Hoa gần như là thời kỳ đen tối nhất trong lịch sử của người Hán, liên tục mấy năm chiến tranh loạn lạc, mất mùa khiến cả vùng Trung Nguyên hầu như không gì để ăn, ăn thịt người là biện pháp giúp người ta sống sót. Người Hán bị coi là chủng tộc thấp kém nhất trong các chủng tộc, phụ nữ, trẻ em người Hán bị người Hồ nấu lên mà ăn, gọi là "Lưỡng cước dương". Lúc này, Võ triều giàu có và đông đúc, có thể còn chưa xảy ra chuyện đó, nhưng nếu thành Biện Lương thật sự bị phá, người Nữ Chân lại liên tiếp nam hạ, không ai địch lại, vợ con của mọi người sẽ bị chúng làm nhục, giết chết, thậm chí ăn thịt, không phải là điều gì khó tưởng tượng...
Quân nhân thời này cũng không được giáo dục nhiều lắm, nhưng những điều cơ bản đương nhiên họ có thể hiểu được, huống chi vừa trải qua một trận giết chóc trên chiến trường. Trong một quần thể như thế này, nghe những chuyện xưa giản dị, giải thích rõ ràng, lại có một số người hành động để làm gương, việc hình thành một quần thể cuồng nhiệt trong thời gian ngắn, cũng không khó lắm, bởi vậy trong khoảng thời gian này, cả đoàn quân chen nhau trong thung lũng, việc huấn luyện hết sức thuận lợi.
Đương nhiên, tẩy não và kích động cũng không phải là liều thuốc vạn năng, cho dù lấy phương thức bán hàng đa cấp ra mà triển khai hoạt động, thử thách thật sự vẫn là lúc ở trên chiến trường. Cũng may là trong thời gian gần đây, sau khi dằn mặt vài tên tướng lĩnh cao cấp, sức khống chế của Tần Thiệu Khiêm đối với đội quân này đã tăng lên rất nhiều, đội quân pháp đã triển khai hoạt động, để kích động máu lạnh của tướng sĩ, dùng lính giám sát lính, tướng giám sát tướng, ai lùi bước là bị chém, hắn là có thể kích thích tăng thêm một phần sức chiến đấu. Mà trong quá khứ, trong Võ Thụy doanh cũng có đủ loại bè phái, hắn muốn thực thi quân pháp giết người, hầu như không thể.
Bởi vì làm việc này, vừa rời khỏi doanh trại thương binh, liền thấy các thương binh luyện tập đao thương với những động tác đơn giản, tiếng thét đồng loạt loạt vang lên chấn động cả sơn cốc. Đội tuần tra, đội kỵ mã xong việc quay lại, đội thu thập củi gỗ trên núi, dựng nhà cửa xung quanh đó, đội làm công sự...đang miệt mài làm việc trên khắp núi đồi. Vũ Văn Phi Độ đang bắn cung ở cách đó không xa, trong hoa tuyết, những mũi tên xẹt qua bầu trời.
Sau khi một viên quan quân nhu đến báo cáo về khả năng thiếu vật liệu sưởi ấm, Quyên Nhi cũng từ cách đó không xa chạy tới, trên tay là một phong thư:
- Người của chúng ta gặp một đội kỵ mã của Lữ Lương Sơn.
- Đội kỵ mã?
Ninh Nghị hơi ngẩn người, cầm lá thư lên, mở ra xem qua, lập tức nở nụ cười:
- Lập tức phái người, dẫn họ tới.
- Dạ.
Quyên Nhi gật đầu, lập tức chạy đi.
Tin tức này khiến tâm trạng Ninh Nghị hơi phấn chấn, lúc chạng vạng ngồi ăn cơm, có cảm giác ngồi không yên, đôi lúc nhớ tới nội dung trong thư, miệng lại hơi mỉm cười. Xưa nay Quyên Nhi biết tính tình vị cô gia này rất điềm tĩnh, mỗi lần gặp chuyện đại sự, cũng đều trầm tĩnh, thường thường không có biểu nhiên như thế này. Nàng vừa ăn, vừa dè dặt hỏi:
- Cô gia, Lữ Lương Sơn tới, là vị Lục cô nương kia sao?
Ninh Nghị không giấu diếm, mỉm cười gật đầu:
- Còn mang đến không ít thứ tốt.
Khi màn đêm buông xuống, tuyết càng lúc càng rơi nhiều, gió thổi hoa tuyết bay loạn, lửa trại thắp lên sáng khắp núi đồi. Ninh Nghị và Tần Thiệu Khiêm, cùng với mấy nhân vật quan trọng phụ trách quản lý trong doanh trại, ra cửa cùng đợi. Tần Thiệu Khiêm từng nghe danh Lục Hồng Đề, cười trộm hỏi Ninh Nghị:
- Vị Lục cô nương Lữ Lương kia, là người tình của ngươi sao?
Ninh Nghị gật đầu:
- Ừ, đó là nữ nhân của ta.
- Ngươi rất có phong độ, giống ta!
Tần Thiệu Khiêm cũng là người phong lưu, nữ nhân bên người cũng nhiều, tuy nhiên phương châm của hắn là "Huynh đệ như tay chân, nữ nhân như y phục", lúc này có phần tán thưởng Ninh Nghị. Không lâu sau, đường nét lờ mờ của đoàn kỵ mã phía trước xuất hiện trong bóng đêm, rồi từ từ hiện rõ.
Tần Thiệu Khiêm vẫn chưa hoàn toàn bình phục, đứng ở đây chờ người, cũng phải dựa vào cây cột bên cạnh, đợi đến lúc nhìn thấy rõ đoàn kỵ mã, vẻ mặt y trở nên nghiêm túc, vững vàng đứng thẳng người lên. Mà trên đoàn kỵ mã phía trước, một bóng người khoác áo choàng đen cũng toát ra một hơi thở của thép và máu, ngồi vững vàng trên ngựa, các binh sĩ phía sau như bị khí thế của người này tác động, cũng lộ ra một khí thế kiên định.
Ninh Nghị mỉm cười nghênh đón, đi tới trước chiến mã của Hồng Đề, giơ tay ra, Hồng Đề nhìn hắn, tay đặt trên tay của Ninh Nghị, xoay người xuống ngựa, phía sau nàng, lập tức hai ngàn người cũng đồng loạt xoay người xuống ngựa.
Lúc này quân đội của Võ triều, đương nhiên cũng có mong muốn đội hình trật tự chỉnh tề, nhưng e rằng không có đội quân nào đạt được yêu cầu của Ninh Nghị. Quân đội Lữ Lương Sơn chịu ảnh hưởng của Ninh Nghị, có lẽ cũng ngay ngắn chỉnh tề như giải phóng quân đời sau. Lúc này trong bóng đêm, cùng với sự xuất hiện của hai ngàn người, phía trước sơn cốc như vang lên tiếng sấm rền.
Khắp trời gió thổi tuyết bay.
Tần Thiệu Khiểm hơi há miệng, kinh ngạc mở to hai mắt, bước tới nghênh đón...
1. Ngũ Hồ loạn Hoa: "Ngũ Hồ" chỉ năm dân tộc bộ lạc du mục Hung Nô, Tiên Ti, Yết (tức người Hạt), Đê và Khương. Ngũ Hồ loạn Hoa là danh từ truyền thống lịch sử Trung Quốc, dùng để chỉ thời kỳ loạn bát vương ở Tây Tấn, đông đảo các dân tộc du mục nhân lúc Tây Tấn suy yếu mà đánh phá, lần lượt thành lập các quốc gia phi dân tộc Hán.
2. Lưỡng cước dương. Sách Kế Lặc Biên viết: Từ năm Bính Ngọ, Tĩnh Khang (1126), người Kim loạn Hoa, đất đai nghìn dặm hoang vắng, một đấu gạo lêntới mười ngàn, mà không có để mua. Thịt người rẻ hơn cả thịt heo và thịt chó, một người béo tốt giá không quá mười lăm ngàn, toàn bộ thân người được đem phơi khô. Thịt đàn ông gầy gò lớn tuổi gọi là "Nhiêu bá hỏa", thịt phụ nữ trẻ gọi là "Hạ canh dương", thịt trẻ con gọi là "Hòa cốt lạn", (thịt trẻ con) chọc thủng hai mắt, gọi là "Lưỡng cước dương (thịt dê, thịt đùi dê). Trong "Lý ngao đàm cổ đại cật nhân sử" lại viết hơi khác: thịt người các loại già trẻ đều gọi chung là "Lưỡng cước dương" (thịt đùi dê) giống như tác giả có giải thích ở đoạn sau.