Ôn Sùng quay đầu lại, dập điếu thuốc xuống gạt tàn: "Chú Trọng." Gương mặt anh tuấn dưới ánh trăng trông có chút lạnh lẽo và bạc tình, đường nét ngũ quan rõ ràng và cương nghị, đây rõ ràng là một người trẻ tuổi vô cùng cường thế.
Người được gọi là chú Trọng trước mặt chính là hạ nhân của Ôn gia, là tâm phúc của cha Ôn, từ sau khi lập quốc, thân phận hạ nhân của chú Trọng bị hủy bỏ, ông được đặt tên là Ôn Trọng, trở thành con nuôi của Ôn gia. Cha Ôn tên đầy đủ là Ôn Bá, đặt cho vị này cái tên Ôn Trọng có thể thấy được tầm quan trọng của ông đối với Ôn gia.
Nhưng Ôn Trọng lại rất quật cường, ông vẫn giữ vững thân phận hạ nhân của mình, vẫn lén gọi cha Ôn là lão gia, gọi Ôn Sùng là đại thiếu gia.
Ôn Trọng hé cửa sổ ra để gió lùa vào, muốn làm tan bớt mùi thuốc trong phòng. Ông biết đại thiếu gia không nghiện thuốc lá, là do mấy năm nay anh chịu áp lực quá lớn, ngày này hai năm trước, đại tiểu thư và cô gia* xảy ra chuyện, Ôn Lễ bị lừa bán, kể từ lúc đó, anh không cho phép bản thân thả lỏng lấy một khắc.
*Cách hạ nhân gọi chồng của tiểu thư nhà mình.
Ôn Sùng: "Bên Ôn Hiền thế nào rồi?"
Ôn Trọng thở dài: "Vẫn luôn không có tin tức, lúc Ôn Lễ bị lừa bán mới ba tuổi, đứa bé nhỏ như vậy, cũng không biết..." Tám phần là lành ít dữ nhiều rồi, kể cả không phải vậy, bé trai xinh đẹp như thằng bé cũng nhất định đã bị bán tới nơi khác rồi, nhưng Ôn Trọng không dám nói ra những lời này. Ôn Lễ cũng coi như cháu ông, ông đã nhìn thằng bé lớn lên, nói thật lòng, ông lo lắng không kém gì Ôn Sùng. Ôn Hiền là con trai của Ôn Trọng, cũng là tâm phúc hiện tại của Ôn Sùng. Hai người cùng nhau lớn lên, tình cảm rất tốt. Vốn dĩ Ôn Hiền vẫn luôn ở bên làm việc cho Ôn Sùng, nhưng từ hai năm trước, Lâm Văn Huy và Ôn Hương xảy ra chuyện, Lâm Ôn Lễ bị lừa bán mất, Ôn Sùng vì muốn tìm cháu trai nên phái Ôn Hiền đi tìm kiếm trên khắp cả nước. Không phải anh không tin tưởng quốc gia, chỉ là Ôn Hiền quen thuộc với Ôn Lễ hơn những nhân viên quốc gia kia.
Ôn Hương là chị ruột của Ôn Sùng.
Trước khi lập quốc, ông bà Ôn đều được đi du học, vừa trở về là vào viện nghiên cứu của quốc gia, trận phong ba năm 66 cũng lan đến chỗ bọn họ, nhưng họ đều là nghiên cứu viên của quốc gia, hơn nữa lúc đó Ôn Sùng lập công lớn có người muốn động vào cha mẹ anh cũng phải nhìn chiến công của anh mà làm, Ôn Sùng là quân nhân, anh vừa mới lập công cha mẹ anh đã bị người ta động vào, chẳng phải sẽ khiến anh lạnh lòng sao?
Cũng bởi vậy, ông bà Ôn tuy không bị động tới nhưng vẫn phải rời khỏi viện nghiên cứu, bị điều đi khu vực xa xôi hẻo lánh. Nhưng dù vậy, cũng may vẫn không phải bị điều vê nông thôn, hết thảy đều không cần lo lắng, bên đó điều kiện kém hơn chút thôi. Đã có Ôn Sùng thường xuyên săn sóc nên cuộc sống của hai ông bà vẫn không có ưu phiền.
Vậy mà, chuyện này vừa qua, Lâm Văn Huy và Ôn Hương lại xảy ra chuyện.
Lâm gia là gia đình quân phiệt, vụ chấn động năm 66 ngoài ảnh hưởng đến các phần tử trí thức ra còn ảnh hưởng lớn đến những gia đình như bọn họ.
Ở cổ đại có một câu thế này: thời thế tạo anh hùng, mà trong làn sóng năm sáu sáu cũng có một số nhân vật kiệt xuất nổi lên, trong đó có một nhà họ Dương. Dương gia dựa vào mồm mép để lập nghiệp, chuyên môn tố cáo người khác với cấp trên, biến mấy chuyện từ không thành có, thời điểm ấy kéo không ít người ngã ngựa, đồng thời, cũng làm cho địa vị gia tộc lên như diều gặp gió.
Năm 67, con gái Dương gia nhìn trúng Lâm Văn Huy, con gái của gia tộc thiếu đạo đức như vậy đương nhiên Lâm Văn Huy thấy chướng mắt, nhưng Dương gia lại đi dựng chuyện về Lâm gia, lấy đống chứng cứ vô căn cứ uy hiếp Lâm Văn Huy, nếu không ly hôn với Ôn Hương họ sẽ hủy hoại Lâm gia.