Các thành viên trong đội tuyển Hàn Quốc đang tự hò reo phải chiến thắng, vậy mà một khắc khi nhìn thấy dàn tuyển thủ đội tuyển Trung Quốc chậm rãi bước vào hội trường thì bọn họ tức khắc trợn mắt há hốc mồm, ai nấy đều há miệng ngơ ngác không nói được lời nào.
Ngay cả Clarence, người tự nhận sẽ hạ gục Hề Hề từ trận chiến đầu tiên cũng sững sờ, thiếu chút nữa ngã từ trên ghế xuống đất.
Đội chủ nhà Nhật Bản vừa nhìn thấy một thân lễ phục và tư thái ung dung, cùng lễ nghi chuẩn mực của Hề Hề thì nghẹn lời, người cố vấn chuyên môn của họ đã suýt nữa lệ tuôn rơi đầy mặt.
Đây chính là những lễ nghi cổ xưa dường như đã thất truyền từ lâu!
Vậy mà hôm nay lại có thể lần nữa được xuất hiện tại đất nước xứ Phù Tang này, trời xanh quả thật là có mắt!
Hề Hề dẫn đầu đội tuyển Trung Quốc đi đến khu vực được chỉ định sẵn, để hai tay nhẹ nhàng đặt lên nhau và chắp lại tay áo, hơi hơi gật đầu hành lễ với mọi người, đôi mắt rũ nhẹ, thanh âm uyển chuyển mà rõ ràng cứng cáp: “Chư vị, hữu lễ!”
Vị cố vấn cao cấp của đội tuyển Nhật Bản ngồi bên kia lại sốt ruột vò đầu bứt tai, chỉ hận không thể lập tức xông qua hỏi cho rõ ràng người phụ nữ Trung Quốc này, rốt cuộc thì cô đã học được những lễ nghi cổ xưa này ở đâu?
Phải biết một điều rằng, từ thời Thịnh Đường trong khoảng những năm 713- 765 cho đến thời đại của triều Tống, văn minh của Trung Nguyên đại lục phát triển cực kỳ hưng thịnh. Một kết quả tất yếu là hai quốc gia láng giềng Nhật Bản và Hàn Quốc thậm chí đã kính ngưỡng ái mộ đến mức tranh nhau bắt chước những nét nghệ thuật nổi trội nhất lúc bấy giờ, dẫn đến tồn tại một nền văn hoá mô phỏng.
Trà đạo vốn dĩ bắt nguồn từ Trung Quốc, sau đó được truyền bá dần dần đến các quốc gia khác.
Bởi vậy nên trà đạo cổ xưa chân chính vốn là những lễ nghi điển phạm (*), ưu nhã và tôn quý nhất. Chỉ đáng tiếc, sau khi Tống triều bị quân Nguyên xâm lược thì những lễ nghi này cùng với phần lớn tinh hoa nghệ thuật của một thời cực thịnh đã dần dần bị mai một theo chiều dài lịch sử.
(*) Điển phạm: xuất phát từ tiếng Hy Lạp cổ (kanōn) với nghĩa là cái nhánh cây được dùng làm thước đo, sau đó dần dần có nghĩa là tiêu chuẩn và mẫu mực. Về phương diện nghệ thuật và mỹ học, điển phạm phải có tính độc sáng, từ đó, trở thành một dấu mốc của nền văn học một nước hoặc một khu vực, có thể được dùng như một chuẩn mực để đánh giá các hiện tượng văn học khác xuất hiện trước hoặc sau nó.
Thế nên đến hiện tại, hầu như mọi người trên toàn thế giới chỉ biết và trà đạo của Nhật Bản, lại vô tình xem nhẹ cội nguồn chân chính của trà đạo Trung Quốc, trong khi đây mới chính là trà nghệ bác đại tinh thâm.
Mà hôm nay Hề Hề một thân trang phục nữ quan sứ giả trà nghệ đã tái hiện nguyên gốc một cách chân thật nhất những lễ nghi trà đạo của thời Thịnh Đường. Từng hành động, từng nụ cười, từng cử chỉ của cô đều tựa như từ một khuôn những gì được miêu tả trong các thư tịch điển phạm chuẩn mực nhất, khiến người yêu thích trà nghệ ở đây sao có thể không trở nên điên cuồng?
Kho tàng điển tịch, sách cổ mà Vân gia giữ gìn qua ngàn năm truyền thừa vẫn lưu giữ những kiến thức tinh thâm về các lễ nghi cung đình cổ xưa một cách vô cùng chi tiết đầy đủ. Nếu Vân lão phu nhân đã dụng tâm để Hề Hề đại diện Vân gia tham dự cuộc thi này, hiển nhiên đã chuẩn bị cho cô một cách kỹ lưỡng nhất.
Vân gia đây là muốn dùng cuộc thi đấu trà này để chứng minh cho toàn thế giới thấy rõ, như thế nào mới là bậc thầy của nghiên cứu văn học và văn hóa!
Ngồi trên hàng ghế ban giám khảo có tổng cộng năm người, bá tước Phillips đại diện cho Châu Âu, Doãn Tư Thần đại diện cho Châu Phi và vùng Trung Đông, nhà dân tộc học Matsumoto đại diện cho Nhật Bản, Hàn Quốc và các quốc gia Đông Nam Á, quý bà Elissa đại diện cho Châu Úc, và cuối cùng là nghiên cứu viên sử học Đông Phương Nhàn đại diện cho Trung Quốc.
À mà có người đang kháng nghị rằng một trong các vị ban giám khảo ở đây có giao tình cá nhân với tuyển thủ!?
Rất tiếc kháng nghị bị vô hiệu! Nếu có bản lĩnh hãy đào ra cả trăm triệu dollar để tài trợ đi?
Không làm được? Vậy thì hãy ngậm miệng lại!
Hề Hề vừa xuất hiện tiến vào hội trường thì nghiên cứu viên sử học Đông Phương Nhàn bỗng nhiên đứng bật dậy, trông bà rất kích động, toàn thân run rẩy, đôi môi cũng run run: “Đây… đây là…!” Đôi mắt của bà ngân ngấn nước mắt, lời định nói lại nghẹn ngào không thốt ra được.
Doãn Tư Thần hiểu vì sao bà ấy lại xúc động như vậy, liền thấp giọng giải thích: “Xin giáo sư Đông Phương Nhàn đừng gấp gáp khẩn trương, cô ấy không phải học trò Vân Nặc của giáo sư, mà là em gái song sinh của Vân Nặc, tên Vân Hề.”
Đông Phương Nhàn hít thật mạnh mấy hơi để tự trấn tĩnh cảm xúc, bà chậm rãi nhắm mắt lại để kiềm giữ nước mắt không trào ra, cuối cùng thở dài một hơi: “Đúng vậy, tôi biết cô học trò tôi yêu quý nhất đã qua đời năm năm rồi…! Chỉ là đột nhiên nhìn thấy cô gái này và con bé giống nhau như đúc, nhất thời tôi lại xúc động. Chẳng trách lần này ban tổ chức lại mời tôi đến làm giám khảo, Doãn chủ tịch thật là đầy thâm ý!”
Doãn Tư Thần chỉ cười mà không đáp. Trận chiến này, anh nhất định phải hỗ trợ Hề Hề giành được chiến thắng, cho dù dùng thủ đoạn gì cũng không quản ngại!
Đông Phương Nhàn là nhà nghiên cứu học nổi tiếng về lịch sử và văn hoá của Trung Quốc, đồng thời là giáo sư ở đại học M. Thời Vân Nặc là sinh viên ở trường này thì cô là học trò của bà.
Năm đó Vân Nặc là tài nữ của tỉnh Y vang danh khắp nơi, nét kinh tài tuyệt diễm của cô đã khiến Đông Phương Nhàn ngưỡng mộ và yêu quý, bà bất chấp tuổi tác chênh lệch thế hệ mà kết giao bạn bè với cô. Nếu không phải vì sức khoẻ Vân Nặc quá yếu ớt thì bà chỉ muốn xây hẳn một căn phòng nghiên cứu sử học trong căn hộ của bà, để hai người họ có thể cùng nhau đàm đạo thảo luận về học thuật.
Đông Phương Nhàn năm nay đã gần bảy mươi, sau khi về hưu thì được đại học M mời quay trở lại thỉnh giảng để giúp đỡ cho công tác đào tạo giảng dạy và truyền bá lịch sử văn hoá. Cả đời của bà không kết hôn, chỉ có một niềm đam mê duy nhất là nghiên cứu sử học.
Cô học trò Vân Nặc chính là niềm tự hào kiêu hãnh nhất cuộc đời bà, bà đã dành toàn bộ tâm huyết của mình để dạy dỗ bao nhiêu tri thức cho cô. Vốn tưởng rằng bà đã tìm được người kế thừa y bát (*), chẳng ngờ cô học trò của bà lại có số mệnh tuệ cực tất thương (*), sau hơn hai mươi năm mang theo cơ thể yếu ớt thì cuối cùng đã hương tiêu ngọc vẫn, rời khỏi trần thế khi chỉ mới hai mươi mốt tuổi.
(*) Y bát: áo cà sa và cái bát của thầy tu (vốn chỉ áo cà sa và cái bát mà những nhà sư đạo Phật truyền lại cho môn đồ, sau này chỉ chung tư tưởng, học thuật, kỹ năng … truyền lại cho đời sau).
(*) Tuệ cực tất thương: lấy ý từ câu “Tình thâm bất thọ, tuệ cực tất thương”, tạm dịch “Mối tình sâu đậm thường không kéo dài, người quá thông minh ắt sẽ bị tổn thương”.
Việc Vân Nặc ra đi là một đả kích rất lớn đối với Đông Phương Nhàn, từ đó bà đã từ bỏ việc giảng dạy ở đại học M, một lòng lao đầu vào sự nghiệp nghiên cứu văn hoá lịch sử. Ngày hôm nay ở tại Nhật Bản, bà lại có thể gặp được người em gái sinh đôi của cô học trò yêu quý, hốc mắt bà đã tràn ngập nước mắt rưng rưng.
Đông Phương Nhàn là một người giám khảo công bằng, nhưng một khắc khi bà nhìn thấy gương mặt thanh thuần của Hề Hề thì trong lòng lại khó tránh khỏi dao động.
Doãn Tư Thần quả là gian manh, giỏi tính kế!
Ban giám khảo gồm năm người thì đã có ba người có thiện cảm đối với Hề Hề, muốn không thắng cũng khó. Đương nhiên Doãn Tư Thần luôn có lòng tin đối với Hề Hề và gia tộc Vân gia, bất quá cẩn thận thì không bao giờ thừa, không phải sao?
Ngoại trừ Đông Phương Nhàn ra, còn một người nữa kích động không kém, đó là nhà dân tộc học của Nhật Bản, ngài Matsumoto. Khác với Đông Phương Nhàn, thì Matsumoto không bị bối rối bởi gương mặt của Hề Hề, mà là vì phong thái lễ nghi chuẩn mực cùng với trang phục thuần tuý của cô.
Matsumoto là người tinh thông về lịch sử văn hoá của cả hai nước Trung – Nhật, chỉ cần một cái liếc mắt thì ông đã nhận ra một thân phục trang này của Hề Hề sẽ đóng vai trò cực kỳ quan trọng trong việc khơi gợi cảm hứng cho sự nghiệp nghiên cứu văn hoá dân tộc của ông.
Đôi mắt màu hồng bảo thạch của bá tước Phillips loá lên sự kinh diễm, đây là một phong cách khác biệt nữa mà bá tước được chiêm ngưỡng từ Hề Hề.
Phong cách đầu tiên chính là âu phục dạ hội tại trang viên ở Anh quốc, tiếp theo là bộ sườn xám uyển chuyển đặc trưng của phụ nữ Trung Quốc tại đại thọ tám mươi của Doãn lão phu nhân. Vốn dĩ bá tước Phillips cho rằng Hề Hề chỉ là nhờ sự lộng lẫy của trang phục nên mới có vẻ đẹp mị hoặc như vậy, thì hôm nay đã lần nữa chấn động đến cực điểm!
Cùng là trang phục của Trung Quốc, nhưng phong cách này hoàn toàn khác biệt với bộ lễ phục sườn xám tại đại thọ của Doãn lão phu nhân. Từ đường nét trang điểm thanh nhã cổ điển, mái tóc dài được búi lên một cách cầu kỳ, trâm cài hoàng kim, đôi hài bằng vải, bước đi trầm ổn đoan trang cùng tà váy dài rũ trên mặt đất, nụ hoa đỏ thắm trên ấn đường của Hề Hề tựa như toả sáng rực rỡ, khiến cho một đại quý tộc như bá tước Phillips phải ngẩn ngơ nhìn không chớp mắt.
Lúc này dường như bá tước Phillips đã hiểu nguyên nhân vì sao Doãn Tư Thần và cả Mặc Tử Hân đều trầm mê chấp nhất đối với người phụ nữ này!
Nhìn bề ngoài chẳng qua cô chỉ là một tiểu gia Bích Ngọc (*) dịu dàng thanh tú, dung mạo chưa thể gọi là tuyệt sắc nghiêng nước nghiêng thành. Thế nhưng, cả trăm kiểu khí chất biến hóa của cô, quả thật giống như độc dược mê hoặc khiến cho người khác không thể cầm lòng mà trầm luân.
(*) Tiểu gia bích ngọc: chỉ những cô gái xinh đẹp ở gia đình bình thường, không nhất thiết phải đẹp lộng lẫy nhưng tính cách thân thiện khả ái. Phần điển cổ tiểu gia Bích Ngọc xem bên dưới.
Dĩ nhiên bá tước Phillips biết Vân gia có hai người con gái, Vân gia đại tiểu thư Vân Nặc thân là đệ nhất tài nữ tỉnh Y, tài hoa kinh người, khí chất cao quý. Trước đây bá tước Phillips còn cho rằng đó chỉ là lời thổi phồng thái quá, một người phụ nữ yếu đuối bệnh tật thì có gì thú vị hay ho? Nhất định những kẻ đồn thổi kia là vì muốn tâng bốc nịnh nọt Vân gia cùng Mặc gia!
Thế nhưng giờ phút này, dung mạo và khí chất của Hề Hề đã khiến bá tước Phillips nhận ra mình đã sai, sai cực kỳ thái quá!
Phúc hữu thi thư khí tự hoa!
(Trong lòng có sách vở tất mặt mày sáng sủa, ý chỉ vẻ đẹp tri thức)
Vân gia thật sự đã sinh ra hai người con gái hoàn mỹ hiếm có!
Cô con gái thứ của Vân gia đã có phong thái khí chất đến vậy, vậy thì không cần phải hỏi đến Vân gia đại tiểu thư Vân Nặc là tài hoa tuyệt diễm đến nhường nào!
Ý định ban đầu của bá tước Phillips đến đây chỉ là tham gia cho vui và hóng náo nhiệt, rốt cuộc lúc này cũng phải nghiêm túc tập trung.
Clarence nhận ra tầm mắt chăm chú của bá tước Phillips thì khóe miệng cô ta khinh thường nhếch lên nụ cười gian trá. Đây chính là mục đích của cô ta, chỉ cần bá tước Phillips yêu thích người phụ nữ Trung Quốc này, vậy thì cô ta sẽ nhiệt tình giúp tác hợp hai người họ, cuộc giao dịch hợp tác giữa cô ta và bá tước Phillips sẽ chính thức bắt đầu!
Có sự giúp đỡ của bá tước Phillips, cô ta tràn đầy tự tin sẽ tống cổ được người phụ nữ đáng ghét kia rời xa Doãn Tư Thần, để cô ta sẽ là người duy nhất được phép độc chiếm Doãn Tư Thần!
Bởi vì sự toả sáng kinh diễm của viên minh châu Vân gia nhị tiểu thư Vân Hề, cho nên khi các đội tuyển khác tiến vào hội trường thì không thể nào làm mọi người chú ý nữa.
Bất quá vẫn không thể khác được, thực lực chênh lệch quá lớn!
Tuyển thủ của đội tuyển Trung Quốc quá cường hãn mạnh mẽ rồi!
Sau khi các đội tuyển dự thi đến đông đủ, một lễ khai mạc đơn giản ngắn gọn đã được tiến hành nhanh chóng. Phía chính phủ Nhật Bản còn đặc biệt chuẩn bị thật nhiều tiết mục để giúp cho các tuyển thủ vơi bớt cảm xúc khẩn trương.
Sau lễ khai mạc là trận đấu chính thức.
Mọi người chia nhau bốc thăm để quyết định thứ tự biểu diễn, bởi vì cần tiến hành tổng cộng năm phiên thi đấu, cho nên nội dung và hạng mục biểu diễn sẽ do các đội tự quyết định.
Trà nghệ chân chính là bao la vạn tượng, chỉ dựa vào một trận đấu để thể hiện toàn bộ là điều không thể. Bởi vậy bắt buộc phải lựa chọn, mỗi đội tuyển đều chọn lọc những tinh hoa đặc sắc nhất của dân tộc đất nước mình để thể hiện nét đẹp thăng hoa của trà đạo.
Hề Hề bốc thăm trúng số bảy, có thể xem đây là một may mắn, thứ tự trình diễn không quá sớm, cũng không quá muộn. Cho nên cô đơn giản chỉ là kiên nhẫn an tĩnh ngồi tại vị trí của mình để xem người khác biểu diễn.
Gương mặt thanh thuần vô cùng bình tĩnh, luôn cúi đầu, dịu dàng ngồi quỳ trên tấm đệm. Tuy chưa bước lên thi đấu nhưng Hề Hề đã sớm nhập tâm, tựa như hoá thân thành nữ quan sứ giả trà nghệ của thời Thịnh Đường.
Phong thái này rất trái ngược với những người khác, các tuyển thủ kia trước khi thi đấu, trong lúc thi đấu và ngay sau đó là những biểu cảm hoàn toàn khác nhau.
Bá tước Phillips ngồi trên ghế ban giám khảo, đôi mắt màu hồng bảo thạch bất giác liếc nhìn Hề Hề rất nhiều lần.
Người phụ nữ này… thật đúng là đặc biệt…! Đây là tự tin? Hay là tự phụ?
Rốt cuộc đã đến phiên Hề Hề bước lên sân khấu.
Trong nháy mắt khi nhận ra đến lượt mình thì Hề Hề nhẹ nhàng ngẩng đầu lên, đôi mắt trong vắt loé lên thần sắc kiên định và kiêu ngạo. Đúng vậy, thân là nữ quan sứ giả trà nghệ của thời Thịnh Đường, đương nhiên cô có tự cách kiêu ngạo.
Bên cạnh có người bắt đầu dâng hương, có người khác nấu tan tuyết trên cây tùng ở núi Trường Bạch, lại có người không ngừng gảy đàn trường thiên tự sự thi “Trường hận ca” kể về mối tình giữa Đường Minh Hoàng và Dương Quý Phi, đây là bài thơ rất nổi tiếng của Bạch Cư Dị, nổi danh nhất thời kỳ Đại Đường, Hề Hề chậm rãi mở miệng cất tiếng hát:
“Hán hoàng trọng sắc tư khuynh quốc
Ngự vũ đa niên cầu bất đắc
Dương gia hữu nữ sơ trưởng thành
Dưỡng tại thâm khuê nhân vị thức
Thiên sinh lệ chất nan tự khí
Nhất triêu tuyển tại quân vương trắc
Hồi mâu nhất tiếu bách mị sinh
Lục cung phấn đại vô nhan sắc
…”
(tạm dịch:
Đường minh Hoàng, người say mê sắc đẹp
Đã bao năm ngự trị chốn đô thành mải kiếm tìm đành thất vọng
Nhà họ Dương có gái hiền lộng lẫy
Chốn khuê phòng chưa ai biết ai hay
Trời sinh ra nhan sắc đẹp thế này sao nỡ để rơi vào trong quên lãng!
Một buổi mai kia trời bừng xán lạn, nơi ngai vàng nàng được tuyển vào cung
Mỗi lần ngoảnh mặt, nhoẻn cười lộ ra trăm vẻ đáng yêu
Bao cung nữ sáu cung không còn ai đáng gọi là có nhan sắc nữa
…)
Hề Hề vừa pha trà hãm trà, thanh âm trong trẻo xướng lên thơ tự sự này.
Một bên của sâu khấu là đôi nam nữ đang cùng nhau nhảy múa uyển chuyển, người đàn ông hoá trang thành Đường Minh Hoàng, còn người phụ nữ là Dương Quý Phi, tình ý nhẹ nhàng mênh mang.
Trận đấu lần này là chú trọng đến việc mang lại một cảm nhận kích thích tất cả giác quan của trà nhân, một tách trà ngon phải được hoà quyện giữa các yếu tố bao gồm thính giác, thị giác, khứu giác và vị giác.
Mặc dù Hề Hề không phải người duy nhất biểu diễn, thế nhưng cô vẫn thu hút vô số ánh mắt, thật sự là vì giọng hát của cô quá mức ngọt ngào mê đắm.
Doãn Tư Thần ngồi yên lặng trên ghế ban giám khảo, khóe mắt liễm diễm nhu hoà hơi nhướng lên, phảng phất như anh đang nhớ đến một ký ức rất đẹp, sự dịu dàng si mê hoàn toàn không thể giấu diếm được.
Cô rất ít khi ca hát, nhưng mỗi khi cô cất tiếng hát lên đều làm động lòng người…
(*) Tiểu gia Bích Ngọc: Bích Ngọc là thiếp của Nhữ Nam vương Tư Mã Nghĩa triều Tấn. Tư Mã Nghĩa mời Tôn Xước làm hai thủ thơ, nên có “Bích Ngọc ca”. Bích Ngọc họ Lưu, nàng không phải rất xinh đẹp, nhưng từ việc Nhữ Nam vương đối với nàng một mực sủng ái thì có thể thấy được dung mạo của nàng rất đáng thưởng thức, tính cách lại ý nhị, hơn nữa ca hát cực kỳ hay. Gia cảnh Bích Ngọc xuất thân bình thường, nên tự xưng “Tiểu gia nữ”. “Tiểu gia Bích Ngọc” nghĩa gọn là chỉ những thiếu nữ xinh đẹp ở gia đình bình thường.
Edited by Tiểu Vũ
Beta by Airy