Tôi lại chính thức bắt đầu đi khắp nơi nộp hồ sơ xin việc, có ngày nhận được mấy cuộc điện thoại của người phỏng vấn, nhưng lúc đi thì vẫn là câu từ chối khách sáo: “Xin hãy về chờ thông báo”.
Trong bụng chúng tôi đều hiểu rõ vĩnh viễn không có cái thông báo đó, nhưng vẫn bắt tay thân ái chào tạm biệt.
Có việc, tôi cũng đi, lương thử việc ít muốn chết, làm việc mệt không tính, còn phải nhìn sắc mặt người ta, bị người ta quát to gọi nhỏ, được vài ngày tôi cũng thôi, đương nhiên cuối cùng là làm không công.
Như Tiêu Tuyết nói thì, tôi bị người ta chiều sinh hư, ngay cả việc hầu hết sinh viên tốt nghiệp chịu được mà cũng không làm nổi.
Người ta Tiêu Tuyết nhắc tới là ai, tôi đương nhiên rõ, nhưng chỉ có thể im lặng. Mà càng nhiều thể nghiệm, tôi càng phát hiện, hóa ra mình như được một cái lồng thủy tinh bao bọc, cách xa những thứ gây thương tổn bên ngoài, vậy mà ngày nào tôi cũng oán trách sao lồng nhỏ quá, không khí không mới mẻ.
Nhìn công việc vẫn không có tiến triển gì, tôi càng lúc càng bốc hỏa, đêm ngủ không ngon giấc, miệng còn có vết loét nhỏ, đau tới muốn chết. Có lần ăn cơm, Tô Á Văn nửa thật nửa đùa nói: “Đừng tìm nữa, anh không nuôi nổi em sao, cần gì phải mệt thế?”.
Tôi lắc đầu: “Rơi xuống biển chờ anh tới cứu, chi bằng đăng ký một lớp học bơi còn an toàn hơn”.
Anh kinh ngạc: “Sao tự nhiên lại có chí khí thế này?”.
Tôi chỉ im lặng cười, đạo lý này là người đó nói cho tôi biết.
Hình như anh cảm nhận được điều gì, cũng im lặng, mãi lâu sau mới nói: “Em ngày nào cũng đi đi về về tìm việc phiền phức lắm, anh có nhà ở thành phố, hay là em dọn qua đó đi”.
Tim tôi rung lên, trước đây chúng tôi chưa từng xảy ra chuyện gì, sau khi làm lành, hai bên cũng không nhắc tới. Trước đây anh chưa từng nói, nhưng đây là lần đầu tiên, tôi có cảm giác mình không có quyền từ chối.
Nhưng trong lòng lại không muốn như thế, tôi không mở mắt, chậm rãi nói: “Nhưng ở trường còn Tiêu Tuyết, có một mình nó...”.
Lý do này, ngay cả tôi cũng thấy không chấp nhận nổi, hồi tôi tới ở nhà Tống Tử Ngôn, nó cũng ở một mình.
Cuối cùng hai bên lại im lặng.
Lâu sau, Tô Á Văn mới cười, còn trêu tôi: “Em đang nghĩ vớ vẩn gì thế? Muốn làm gì anh hả? Nói cho em biết, đó là căn nhà cũ chưa bán của gia đình anh, vẫn để không, giờ cho em tới ở. Em nghĩ trong sáng một chút đi, đừng nghĩ lung tung này nọ”.
Tôi nhìn anh giả bộ cười thoải mái, nhưng tiếng cười to cũng không che được nỗi đau khổ trong đáy mắt. Tôi cũng khẽ nhếch khóe miệng cười theo, không biết anh có nhìn ra điều gì từ ánh mắt của tôi không.
Thì dọn qua, phần lớn đồ đạc của tôi đều ở chỗ Tống Tử Ngôn, nhưng tôi không có đủ can đảm quay về lấy. Chỉ mang theo mấy bộ quần áo để thay, thêm mấy thứ đồ thường dùng. Lúc dọn tới, Tô Á Văn còn rất vui, vì tôi dọn qua, còn mua một nồi lẩu nhỏ, ít rau cải thịt dê, chúng tôi ngồi trong căn bếp nhỏ ăn lẩu.
Mở chai nước chanh, chúng tôi cụng chén, giữa không khí nóng bức, anh chúc mừng: “Chúc chúng ta năm nào cũng là ngày này, hôm nào cũng có lúc này”.
Tôi chọc anh không hiểu văn hóa: “Đấy là chúc thọ, thực sự năm nào cũng chuyển nhà một lần, thế không phải là mệt chết à?”.
Anh cũng không cự nự, chỉ cười: “Anh nói thế nào, em nhắc lại một lần nhé”. Tôi gắp một miếng đậu phụ vào miệng: “Ai hâm dở với anh chứ!”.
Bỗng nhiên anh kéo mạnh nồi lẩu: “Không nói thì không cho em ăn!”.
Tôi đùa: “Đừng có nhỏ nhen thế, cho dù thế nào em cũng không làm mấy chuyện vô văn hóa thế đâu!”
Anh vẫn quyết tâm, thừa lúc tôi không chú ý, giật lấy đũa của tôi, cắm một cái vào bát cơm của mình, rồi cẩn thận cắm thêm đôi đũa của mình. Trên bát cơm đó cắm tới ba cái đũa. Lại thêm khói từ nồi lẩu bốc lên, biến ngay thành lư hương.
Tôi dở khóc dở cười: “Cơm cũng là trẻ con đó, xin anh hãy tha cho nó”.
Anh kéo tôi đứng trước bàn, cung kính vái lạy bát cơm: “Con và Tần Khanh, năm nào cũng có ngày này”. Lại bấm tôi, tôi không chịu nổi, đành nói tiếp một câu: “Ngày nào cũng có buổi này”.
Anh nghiêng đầu nghe, con mắt đen láy hơi nheo lại, chính là nụ cười tươi tắn đã lâu chưa thấy trên môi anh.
Đêm khuya anh mới chịu về, tôi mệt cả ngày trời, vừa nằm lên giường được một lát đã ngủ.
Sáng sớm tỉnh giấc, ánh nắng len qua rèm cửa sổ vào phòng, có một ảo giác mơ hồ. Nơi tôi ở là nhà của Tô Á Văn, ở đây chỗ nào cũng có bóng dáng anh, từ cái máy tính kiểu cũ tới những bức ảnh cầu thủ bóng đá nổi tiếng một thời trên tường. Tôi nhìn một vòng, cuối cùng ánh mắt rơi trên một bức ảnh phóng to, trong đó là ba người, cô bé thanh mai dịu dàng ít nói, bên trái là anh đang cười tươi tắn, người còn lại nhìn thẳng vào ống kính là Tống Tử Ngôn.
Ảnh này chắc là từ bảy năm trước, tuy bọn họ hồi đấy có đôi chút ngây ngô, nhưng từ chân mày, khóe mắt đã có bóng dáng của ngày hôm nay.
Một người thanh nhã, một người rực rỡ, một người lạnh lùng.
Tôi với tay chạm từng chút, từng chút lên chân mày, đôi mắt, cái mũi, khóe miệng của người ấy… Ánh nắng rọi vào, rơi ngay trên bức ảnh. Ánh nắng, hắn, lúc tôi thức dậy đều ở cạnh tôi, như ngày xưa cũ. Nỗi nhớ tôi cho rằng không tồn tại, cuối cùng đã khiến khóe mắt tôi ươn ướt, phơi bày trước ánh nắng sớm.
Còn tôi, trong căn phòng dần ngập tràn ánh nắng và ảnh của hắn, nghẹn ngào đau khổ.
Tô Á Văn trong ảnh nheo mắt nhìn tôi, nụ cười dường như giống hệt hôm qua. Nhưng anh ở ngoài ảnh thì không biết, anh chúc tôi năm nào cũng có ngày này, ngày nào cũng có buổi này, nhưng tôi vì một người khác mà rơi lệ không nỡ rời xa.
Thực ra, tôi là đứa khốn nạn.
Tỉnh dậy xuống lầu mua bánh rán cuộn trái cây và sữa đậu nành, mang về ăn hết, hôm nay không phải đi phỏng vấn, tôi cảm thấy chẳng có chuyện gì hay ho để làm. Nhớ ra trước đây Tô Á Văn từng kể, anh lớn lên ở đây, mấy người có quan hệ tốt nhất đều là ở trong khu này, có anh cả, không ai chịu làm anh hai, còn có anh ba, anh ấy là anh tư, còn có một cô em gái đi theo nữa.
Ký ức và hiện thực cách nhau rất xa, tôi còn nhớ, anh nói nhà anh ba ở ngay trên nhà anh ấy.
Trong khu này chỉ còn ba, bốn nhà còn ở lại, những người khác đã sớm dọn đi, bố mẹ Tống Tử Ngôn đã không còn ở đây từ lâu lắm rồi, nhưng lúc tôi tới, cửa nhà khép hờ. Không dằn lòng nổi, tôi chậm rãi đẩy cửa vào, cũng là kiểu nhà hai phòng ngủ một phòng khách, trong phòng khách không có ai, tôi thuận đường đi về phía phòng ngủ. Còn chưa đẩy cửa, đã nghe một giọng nói quen thuộc vang lên: “Em ở đây làm gì?”.
Lưng cứng đờ, tôi gần như không dám quay đầu lại, cuối cùng xoay người lại từng chút một, nhìn vào đôi mắt lạnh lùng ấy. Tống Tử Ngôn đang nhìn tôi vẻ không thể tin nổi, hỏi lại lần nữa: “Em ở đây làm gì?”
Tôi lắp bắp: “Em… em ở tầng dưới”.
Hắn nhướn mày lên, ánh mắt lạnh đi, lại hỏi: “Vậy em tới đây làm gì?”.
Cái này không giải thích rõ ra được, tôi không thể nói em tới đây vì muốn thấy nhà anh, muốn thấy nơi anh đã từng sống, thử tưởng tượng quãng thời gian anh sống. Tôi không thể nói, không thì tôi là đứa khốn nạn.
Tôi cúi đầu không nói, hắn cười lạnh: “Lại quen tính chưa được người khác cho phép đã vào, tùy tiện thế à?”.
Tôi không hiểu từ “lại” trong câu nói của hắn, lúng túng: “Vậy… vậy em về là được”.
Lúc đi ngang qua hắn, lại bị hắn nắm lấy cánh tay: “Rốt cuộc em có biết cái gì là một vừa hai phải không?”.
Tôi nhìn ánh mắt lộ rõ vẻ tức giận của hắn, không biết trả lời ra sao. Nhưng tôi im lặng lại càng khiến hắn tức hơn, tay nắm càng lúc càng chặt, tới mức khiến tôi phát đau.
“Anh ba”. Tiếng Tô Á Văn vang lên từ cửa.
Chúng tôi cùng ngẩng đầu nhìn, thấy anh đứng ở cửa, mỉm cười nhìn bên này. Tống Tử Ngôn buông tay, giọng lạnh lùng: “Á Văn, cậu cũng nên quản nghiêm một chút”.
Trong phút chốc, trong lòng tôi dâng lên cảm giác nhục nhã và đau đớn, bản thân tôi cũng không phân định rõ ràng, chỉ chạy tới bên Tô Á Văn, nhưng một câu giải thích cũng không có. Tô Á Văn vẫn cười như thế: “Anh ba, là em nghe tầng trên có tiếng động mới bảo cô ấy lên xem sao. Nếu làm phiền tới anh thì trách em là được rồi”.
Ánh mắt Tống Tử Ngôn lướt qua tôi, rồi rơi trên người anh: “Là anh làm phiền hai người”.
Tô Á Văn vội vàng xua tay: “Anh ba đừng nói đùa, sao giờ này anh lại qua đây?”.
Tống Tử Ngôn nói: “Lấy hộ bà mấy thứ”.
Tô Á Văn lại hỏi: “Đã ăn chưa? Dưới lầu có đồ ăn sáng đó, chúng ta xuống ăn đi”.
Tống Tử Ngôn liếc nhìn tôi như có như không, cười: “Không cần đâu, lúc tới đây đã ăn rồi, hai người cứ từ từ ăn”.
Tô Á Văn cũng không khách khí: “Vậy bọn em về trước”.
Kéo tay tôi rất tự nhiên, đi về nhà.
Tôi chỉ cảm thấy sau lưng có ánh mắt cứ nhìn mãi vào mình, bước đi trở lên cứng ngắc.
Xuống tầng mới thấy có hai phần ăn sáng trên bàn, trừ việc tự coi thường mình, tôi im lặng không nói gì, chỉ cúi đầu ngồi xuống. Tô Á Văn làm như chưa có chuyện gì, kéo tôi qua ngồi cạnh mình. Tôi nhìn anh bình thản lấy từ trong túi ra một cái bánh mì, lọ mứt quả mâm xôi. Từng thứ từng thứ, anh làm rất cẩn thận tỉ mỉ, mũi tôi hơi cay cay, khẽ nói: “Thực ra hôm nay em…”.
Anh đưa lát bánh mì qua, ngắt lời tôi: “Ăn sáng trước đã, để bụng đói không tốt đâu”.
Anh cứ bình tĩnh như thế khiến tôi hoảng hốt, tôi để bánh mì xuống, chăm chú nhìn anh: “Em không biết anh ấy…”.
Câu chưa nói hết, đã bị anh kéo mạnh vào lòng, tiếng anh thì thầm bên tai tôi: “Xin em, đừng nói nữa”.
Giọng anh mang theo sự sợ hãi và cầu xin.
Thực ra tôi chỉ muốn giải thích, tôi không biết có người ấy ở đó, nhưng một từ cũng không thể nói ra.
Có thể chúng tôi hiểu rõ bụng dạ nhau, nhưng lại không thể nói thẳng ra, chỉ có thể đứng ngoài cửa sổ tìm hiểu ngọn nến trong phòng mà thôi.
Trái tim và ngọn nến đều lay động, nhưng cuối cùng cũng phải có một chỗ bám.
Tôi nghĩ có lẽ đó chỉ là thói quen, thói quen nhìn thấy người nào đó mỗi ngày, đột nhiên rời xa mới cảm thấy trống rỗng khó chịu. Nhưng tới khi thói quen nhạt đi là tốt thôi, tôi, vẫn còn Tô Á Văn, sẽ tốt thôi.
Đến cuối tuần, chúng tôi quyết định đi du lịch.
Vì đến lúc đi mới quyết định, cũng không lên kế hoạch đi theo đoàn, chỉ là hai đứa tự nhiên nổi hứng tới ga, ở trước cửa bán vé hỏi một lượt về những thắng cảnh, cuối cùng, trước sắc mặt càng ngày càng xấu của nhân viên bán vé và những đồng chí còn đợi đằng sau chúng tôi, quyết định đi nghỉ mát.
Thái Sơn, Sơn Đông.
Giây phút đặt chân lên vùng đất xa lạ, bỗng dưng có ảo giác mới lạ. Một cảm giác thay da đổi thịt sung sướng, làm một con người mới khi đã bóc hết lịch, đi ra khỏi cửa trại giam.
May đây không phải kỳ nghỉ lễ, không có nhiều đoàn du lịch lắm, nhưng gần tới ngày hè, cũng coi như đi ngắm cảnh tránh nóng, người đi “phượt” cũng chẳng ít. Từ lúc xuống tàu tới ra khỏi ga, đã bị nhét vào tay không dưới mười tấm danh thiếp, toàn là những đoàn du lịch trong thành phố từ sáng sớm tới tối, chúng tôi quyết định tìm chỗ nghỉ lại rồi chọn ra một đoàn để gọi điện thoại.
Không ngờ nhà nghỉ, khách sạn gì cũng hết chỗ, chúng tôi tới mấy nơi liền, cuối cùng cũng tìm được một khách sạn ba sao nho nhỏ. Tô Á Văn đi từ quầy tiếp tân ra, hỏi tôi: “Tìm hết quanh vùng này mà chỉ còn một chỗ này thôi, nhưng khách sạn cũng chỉ còn lại một phòng”.
Tôi ngồi trên sofa sảnh chính coi tạp chí, lơ đãng gật đầu: “Ừ”.
Anh nói tiếp: “Mấy nhà nghỉ gần đây không sạch sẽ mà cũng không an toàn, hay chúng ta ở lại đây đi”.
Tâm trí của tôi hãy còn bị đầu đề của vụ án Tiểu Tam giết vợ kinh điển hấp dẫn, gật đầu cái nữa.
Anh tò mò nhìn qua: “Coi cái gì đó? Ngồi đọc chăm chú thế, nãy giờ chẳng nói được chuyện gì với em cả!”.
Tôi rụt cằm, mắt vẫn nhìn vào trang tạp chí: “Anh quyết gì thì em theo đó, dù em không đồng ý thì anh cũng chẳng sửa lại đâu mà, cứ dẹp ý kiến của em qua một bên cho đỡ tốn công vô ích, em đỡ mất sức, cứ làm theo anh là tốt rồi”.
Anh cười: “Anh trở nên chuyên quyền từ lúc nào thế?”
Tôi ngẩng đầu: “Còn không chuyên quyền à, anh coi, giờ em vâng lời thành thói quen rồi, chuyện gì cũng không có ý kiến!”.
Lời nói ra khiến hai chúng tôi cứng đờ.
Tim tôi lạnh đi, bởi tôi biết, thói quen đó tại sao mà có.
Mấy tháng ngắn ngủi thôi mà đã thành thói quen, thói quen chuyện gì cũng không làm, không tính, tất cả để người khác quyết định; thói quen không làm gì, không nghĩ gì, chỉ tuân theo quyết định của người khác.
Mà người khác đó tuyệt đối không phải là Tô Á Văn hay dỗ dành nhường nhịn tôi.
Tôi nhìn ánh mắt anh đang sầm lại, tựa hồ như đang đau đớn lắm, tôi gượng cười, đứng lên nắm tay anh kéo đi như không có chuyện gì: “Mang hành lý vào phòng trước đi”.
Anh cũng cười, để mặc cho tôi kéo đi.
Thực ra việc hai chúng tôi đi du lịch cũng là do anh hứng lên quyết định, tôi chỉ việc đi theo, căn bản là chẳng mang theo thứ gì, vào thang máy rồi mới nhận ra hai tay mình trống trơn, lại cười lỏn lẻn chạy ra, quyết định ra ngoài mua sắm đã.
Đi du lịch, trên người lại mặc quần áo công sở đúng là không thể chấp nhận được, nên chúng tôi mua lấy cái áo pull vải thô ở hàng bán rong, bốn chữ “Lưu niệm Thái Sơn” đỏ chóe in đằng sau lưng; chúng tôi tính ở đây ba ngày, nên mua liền ba cái, còn mua thêm quần sooc bằng vải bông rộng thùng thình, dép nhựa đế bằng, bất chấp sự phản đối của anh, tôi mua thêm một cái mũ cao bồi.
Mặc cả bộ vào chỉ có bốn chữ mới hình dung được, vô cùng kinh dị.
Lại ăn cơm tối ở ngoài, trời tối, chúng tôi trở về khách sạn mới phát hiện ra có điều không ổn lắm.
Hai người một phòng, một giường.
Anh đi tắm trước, tôi ngồi trên giường bắt đầu suy nghĩ miên man. Thực ra trước đây chúng tôi cũng từng đi du lịch xa với nhau rồi, lúc đó hai đứa đều là sinh viên, tuy anh cũng chẳng phải là sinh viên nghèo, nhưng khi đi du lịch, anh cứ tiêu pha “tẹt ga”, cho nên tiền mang theo thường không đủ. Có khi hai đứa phải chung một phòng, tôi là người cổ hủ, cứ khăng khăng không có vé xe không lên xe(39), huống hồ cái cuống vé dự bị mà cũng không có. May là anh không đòi hỏi, hai chúng tôi rất trong sáng cùng đắp chung chăn nói chuyện linh tinh, nói ra thì chẳng có mấy người tin được.
(39) Trung Quốc có câu “lên xe mới mua vé”, nghĩa là “ăn cơm trước kẻng” (BTV).
Thực ra hồi đó có mấy lần tôi thầm mắng anh ngốc, người đâu mà rõ là thành thực, tuy em tỏ thái độ đó cho anh coi, nhưng anh cũng có thể linh động vận dụng sách lược phóng khoáng một chút, có lẽ em sẽ miễn cưỡng xuôi theo. Kết quả là Tô Á Văn cứ ngây thơ như thế, hai năm quen nhau không hề thay đổi, cứ ngố ngố ngốc ngốc, chả dám phạm vào điều cấm nào cả.
Nửa năm mới quen nhau, tôi đề phòng anh, rồi sau đó hầu như toàn là anh đề phòng tôi.
Nhưng lần này, tôi lại bắt đầu đề phòng anh.
Chuyện khó nhất lại là, lần này, ngay cả đề phòng, tôi cũng không thể thẳng thắn hùng hổ như xưa.
Đương lúc tôi còn suy nghĩ thì anh đã đi ra, mặc cái áo pull màu trắng, thêm quần sooc rộng thùng thình như anh bán dưa hấu rong. Nhưng nhìn gương mặt anh, tôi lại xuýt xoa, nếu anh bán dưa nào cũng được như thế thì chắc chắn là làm phúc cho toàn bộ phụ nữ trên cả thế giới này rồi.
Anh vừa lau tóc vừa đi tới, thấy tôi đờ ra thì bước lại bẹo má theo thói quen. Trai chưa vợ gái chưa chồng cùng chung một phòng, tôi vô ý, chỉ là vô ý thôi, nghiêng người né qua một bên.
Tay anh dừng giữa không trung, vẻ mặt rõ ràng là bị tổn thương.
Mãi một lát sau, anh mới chậm rãi thu tay lại, không nhìn tôi, chỉ nói một câu như không thể tin được: “Em tránh anh”.
Tôi rất muốn nói không có, nhưng hai chữ ấy cứ mắc lại trong miệng, làm thế nào cũng không nói ra nổi.
Anh cười khổ: “Sao em tránh anh chứ, sợ cái gì?”.
Tôi cúi đầu, chỉ có thể cúi đầu mà thôi.
Lát sau, nghe tiếng anh thở dài, còn có tiếng tủ mở ra đóng lại, cuối cùng tôi nghe thấy anh nói: “Anh ngủ trên đất là được rồi”.
Thời tiết tháng sáu, không mở điều hòa thì nóng, mở lại hơi lạnh.
Trên đất chắc chắn còn lạnh hơn.
Tôi nằm trên giường mở mắt nhìn ánh trăng tràn vào phòng, phủ lên đôi mắt suy tư của Tô Á Văn.
Tôi biết anh không ngủ được, nhất định anh cũng biết tôi không ngủ.
Nhưng hai chúng tôi chỉ có thể nằm ngay đơ như cương thi thế này, không dám trở mình, không dám nhúc nhích. Bỗng nhiên tôi nhớ tới lời Tiêu Tuyết: “Mày có vui không?”. Lúc gặp Tô Á Văn, những thứ đã qua thực sự khiến tôi vui, chỉ là niềm vui ấy qua quá nhanh, nhanh tới mức chưa kịp chuyển từ khóe môi vào trong tim, đã biến mất bất thình lình. Mà chúng tôi, đều lấy mảnh băng ký ức ngắn ngủi này, cẩn thận che lấy đôi mắt, giữ vẻ ngoài bình tĩnh, giữ sự cân bằng tinh tế, giữ hạnh phúc giả dối.
Tối hôm trước đã liên hệ được với một đoàn tham quan, cho nên hơn bốn giờ sáng hôm sau đã có xe tới đón chúng tôi, không biết do mắc bệnh đãng trí nặng, hay sự yên bình giả tạo này được che giấu quá hoàn hảo, mà cảm giác lúng túng khó xử tối qua đã hoàn toàn biến mất, khiến hôm nay như một ngày hoàn toàn khác biệt.
Xe nhẹ nhàng chạy về phía núi Thái Sơn, tối qua tôi không ngủ được, sáng nay lại phải dậy sớm, nên ngả đầu lên vai Tô Á Văn ngủ mê mệt chảy nước miếng tới tận chân núi Thái Sơn mới tỉnh. Người tới cũng đông, cứ ùn ùn kéo lên trên núi, dù phong cảnh có đẹp nhường nào mà dính cái sự đông đúc này cũng xấu đi bao nhiêu, tôi không nhịn được phải cảm thán thay cho vẻ đẹp nơi này, tiện thể rủa thầm mấy người ăn mặc ấm áp dưới chân núi gió lạnh thổi vù vù, da gà da vịt của tôi nổi lên ráo trọi.
Tô Á Văn nhìn xuống dưới, nói: “Em chờ ở đây, anh đi mua hai cái áo dài tay”.
Tôi nhìn lướt qua, ở dưới đúng là có cửa hàng nhỏ bán áo dài tay thật, vội vàng giục anh: “Anh đi nhanh lên!”.
Anh quay người đi mua áo, tôi ôm cánh tay đứng chờ. Bỗng nhiên, một bên vai trĩu xuống, tim tôi khẽ nhảy lên một cái, có người dám sàm sỡ mình sao? Quay người lại nhìn, cánh tay này toàn lông với lông, dài tới mức có thể dùng thay găng tay được. Vị du khách nước ngoài nhìn tôi rồi toét miệng cười, tôi cũng cười toe đáp lại, anh ta rút tay về rồi tuôn ra một tràng dài.
Có mấy từ nghe rất quen, nhưng tôi vẫn chẳng hiểu gì cả, chỉ có thể nhìn anh ta rồi nhe răng ra cười cười.
Có lẽ thấy tôi không hiểu, anh ta nhắc lại thêm một lần nữa, tôi vẫn cố giữ nụ cười toe toét.
Một đôi sinh viên đi tới, cô bé bắt chuyện với du khách kia rất tự nhiên, tuy rằng phát âm không được chuẩn, diễn đạt cũng có chỗ hơi gượng, nhưng cứ khoa chân múa tay một hồi, vị du khách nước ngoài kia cũng hài lòng bỏ đi.
Tôi tấm tắc khen đôi sinh viên kia: “Giỏi quá, đúng là giữ được thể diện cho người Trung Quốc chúng ta rồi!”.
Hai người họ cũng khiêm tốn: “Không có chuyện gì, bọn em cũng coi như luyện phát âm thôi”. Rồi nhìn lại tôi: “Nhìn hai anh chị chắc là sinh viên, chắc cũng nhân dịp chưa tới mùa du lịch trốn học đi chơi Thái Sơn như bọn em chứ gì”.
“Chúng tôi?”. Tôi quay đầu lại đã thấy Tô Á Văn cầm hai chiếc áo nhìn tôi cười, thấy tôi quay đầu lại thì từ từ đi tới.
Tôi bấu cánh tay anh: “Anh đứng đó nãy giờ rồi chứ gì, anh nói anh từ nước ngoài về hẳn hoi mà cứ đứng nhìn em mất mặt ở đây không biết xấu hổ hả?”.
Anh chỉ im lặng cười cười, đôi sinh viên kia vội vàng giải vây giúp anh: “Thực ra cũng có gì là mất mặt đâu ạ, bọn em học khoa Tiếng Anh năm thứ hai rồi nên mới có thể tạm nói chuyện với họ, chị nghe không hiểu cũng là chuyện bình thường thôi”.
Nghe bọn họ nói xong, tôi liếc qua gặp ngay lúc anh đang nhếch miệng cười…
Càng mất mặt nữa rồi!
Đôi sinh viên nhiệt tình từ trên trời rơi xuống cuối cùng cũng đi mất, tôi cầm lấy cái áo từ tay Tô Á Văn mặc vào, tuy đã lạnh tê cả người, nhưng vẫn thấy ấm áp hơn rất nhiều, hai chúng tôi bắt đầu leo lên núi.