Không ngờ anh lại sống trong ký túc xá của giảng viên Đại học A. Ký túc xá này nằm đối diện với cổng Tây của trường, trồng rất nhiều cây ngô đồng. Khi còn đi học, tôi chưa từng vào đây, chỉ biết rằng mấy năm trước nơi này có tu sửa lại, phá bỏ một số tầng cũ và xây lại thành hai tòa chung cư có thang máy.
Mộ Thừa Hòa không sống trong khu chung cư mới đó mà ở trong tòa nhà cũ phía sau.
Căn hộ rất rộng, đặc biệt là phòng khách. Chỗ trống sau bộ sofa vẫn còn đủ để kê cả một cái bàn làm việc vừa to vừa dài, trên bàn có hai máy vi tính xách tay, bên cạnh là một chồng sách và một xấp giấy, trên xấp giấy là một cái hộp đựng kính.
Chắc chắn là chiếc hộp không, bởi vì cặp kính gọng đen ấy đang ở trên sống mũi của Mộ Thừa Hòa.
“Trước đây có người nói với em, ba tầng nhà này là để dành cho giáo sư cao cấp cỡ “báu vật quốc gia” ở và làm việc, vậy mà thầy lại có thể sống ở đây.” Có thể thấy, con người này cũng là một báu vật quốc gia rồi.
“Đây là nhà của bố tôi, ông đã được phân khi còn dạy học.”
“Hả?” Giờ đến lượt tôi tò mò. “Vậy sao trước đây thầy còn đến ở chung với thầy Trần?”
Mộ Thừa Hòa nhìn tôi một cái, sau đó nói với tôi với vẻ mặt rất nghiêm túc: “Vì nhà này có ma, một mình tôi không dám ở.”
Hai mắt tôi trợn trừng, hồi lâu không thốt nên lời.
Sau đó anh dùng mắt ra hiệu cho tôi nhìn về phía sau: “Nghe nói từng có người treo cổ chết trên khung cửa ở sau lưng em.” Mộ Thừa Hòa vừa dứt lời, tôi cuống cuồng nhảy chồm về phía anh, túm lấy tay áo anh, mắt thì vẫn dán chặt vào khung cửa đó, tự nhiên cảm thấy có một luồng gió lành lạnh từ đâu thổi tới.
Nhưng không ngờ, anh lại bật cười.
“Dọa em đấy.” Anh nói. “Chẳng phải lúc nãy em giỏi lắm sao? Còn nói ma quỷ nào nhìn thấy em cũng phải đi đường vòng. Tôi chỉ nói bừa vài câu thôi mà đã dọa được em rồi?” Trên gương mặt ấy lộ rõ vẻ tươi cười hóm hỉnh.
Tôi buông tay áo Mộ Thừa Hòa ra: “Đêm hôm khuya khoắt, đột nhiên thầy lại nói như vậy, là người, đương nhiên sẽ sợ rồi.” Huống chi tôi đâu có ngờ, tâm trạng của anh tự nhiên lại vui như vậy, còn nói đùa với tôi nữa.
Phòng ngủ của tôi ở cạnh phòng ngủ của anh. Giường không lớn, nghe Mộ Thừa Hòa nói thì đây là chỗ ngủ lúc nhỏ của anh, do đó chỉ có nệm.
Chúng tôi trải giường và dọn dẹp phòng xong thì cũng đã gần ba giờ sáng.
Chính bản thân tôi cũng không xác định được lúc anh nói: “Vậy đến chỗ tôi”, tôi đã trả lời như thế nào. Có thể lúc đó trái tim của tôi đã vô cùng bấn loạn, đầu óc rối như một mớ bòng bong, nhìn thấy anh cũng giống như nhìn thấy đống rơm cứu mạng. Hoặc có thể vì trước đây tôi chưa từng từ chối lời đề nghị nào của anh. Hoặc có thể... trong lòng tôi thực ra đã trông mong như thế.
Trong lòng tuy vẫn còn có chút nghĩ suy vẩn vơ, nhưng quả thực tôi đã ngủ một giấc rất ngon, khi mặt trời lên cao bằng ba con sào, tôi mới choàng tỉnh giấc.
Tôi với tay cầm điện thoại lên xem giờ, vừa nhìn vào màn hình, tôi nhất thời muốn khóc thét lên. Vội vã ngồi bật dậy, đi đánh răng rửa mặt.
“Vội vậy sao?” Mộ Thừa Hòa đặt tờ báo xuống và hỏi.
“Dạ.” Tôi bỏ đồ vào túi xách. “Người ta hẹn em phỏng vấn lúc mười giờ. Sắp muộn rồi.”
“Tôi lấy sữa cho em uống.”
“Không cần đâu, không cần đâu.”
“Có cần tôi chở em đi không?”
“Em đi tàu điện ngầm là đến chỗ đó ngay.” Nói xong, tôi liền lao vút ra ngoài như một làn gió.
Tôi vừa chạy tới khúc quanh của cầu thang thì Mộ Thừa Hòa đã mở cửa, gọi tôi lại: “Tiết Đồng!”
Tôi ngước lên, nhìn anh đứng cách tôi mười một bậc cầu thang, ánh mắt có chút lưỡng lự.
Anh lắc lư một thứ trên tay: “Cái này cho em.” Sau đó, nhẹ nhàng tung nó về phía tôi vô cùng chuẩn xác. Đó là một chiếc chìa khóa. Phải chăng vì không muốn để nó quá cô đơn nên Mộ Thừa Hòa đã móc thêm vào đó một con Doreamon. Tôi nắm chặt nó trong tay, nhìn anh, nhoẻn miệng cười.
Công ty tôi đến ứng tuyển lần này là một công ty địa ốc, nhỏ hơn công ty lần trước đã loại tôi ra. Có hai người, một nam và một nữ đang ngồi trong phòng hội nghị, người phụ nữ lớn tuổi hơn. Hôm qua, Bạch Lâm nói với tôi, công ty này là loại doanh nghiệp gia đình, thông thường thì tổng giám đốc, giám đốc, kế toán đều là người một nhà.
Sau vài câu hỏi thông lệ, vị giám đốc trẻ tuổi ấy đọc qua lý lịch của tôi một lần nữa rồi hỏi: “Biết tiếng Nga sao?”
“Tiếng Nga là ngoại ngữ thứ hai của tôi.”
“Thành thạo không?”
“Cũng được.” Tôi lấy hết can đảm nói.
“Vậy hãy tự giới thiệu về mình bằng tiếng Nga.”
Nghe xong câu này, tôi ngớ người. Giảng viên hướng nghiệp dạy chúng tôi rằng, khi viết hồ sơ, hãy viết tất cả những đặc điểm kỹ năng của mình thật nổi bật. Tôi chỉ mới cho nó nổi một chút thôi mà, tại sao lại nhanh chóng bị hiện nguyên hình như thế này?
Bài tự giới thiệu được viết bằng tiếng Nga là do Mộ Thừa Hòa viết thay tôi hồi năm ngoái. Tôi cũng không có ý học thuộc lòng nó.
“Được chứ?” Người đó lại hỏi.
Đã leo lên lưng cọp rồi, tôi đành nghĩ đối sách thôi.
“Да.” Tôi chợt nghĩ ra một cách, bèn đọc một từ đơn.
“Gì?” Người đó hỏi lại, hiển nhiên là không hiểu gì.
“Có thể bắt đầu chưa ạ?” Tôi lập tức cười cười.
Đối phương gật đầu.
Sau đó tôi bắt đầu đọc thuộc lòng một bài văn rất sâu sắc mà Mộ Thừa Hòa từng dạy. Trí nhớ của tôi rất tốt, anh giảng bài đó xong, tôi đọc thêm vài lần là có thể nhớ được tám, chín phần.
Bài văn đó tựa là Quê hương của tôi - Bắc Kinh.
Để tăng thêm mức độ tin cậy, tôi đổi hết những chữ “Bắc Kinh” trong bài thành “thành phố A”.
“Мойроднойгород.Яродиласьивырославгороде...”
Về đến nhà, tôi ngồi trên sofa, kể lại toàn bộ câu chuyện sáng nay cho Mộ Thừa Hòa nghe.
“Rồi sau đó?” Anh rất hứng thú.
“Sau đó, khi em đọc xong, rồi người đó còn nói với em: “Tiếng Nga của cô lưu loát y như tiếng Anh vậy”, còn bảo em lần sau đến phỏng vấn đợt hai nữa.” Tôi cười ha hả.
Mộ Thừa Hòa cũng không nhịn được cười.
Tôi nghiêng đầu nhìn anh, phát hiện anh cứ nhìn tôi mãi, không nói tiếng nào.
Nhìn lâu như thế không khỏi làm tôi cảm thấy là lạ, bèn xoa xoa mặt mình: “Mặt em bị dính gì sao?”
“Không có.” Anh thu lại đôi mắt thất thần của mình, quay mặt sang hướng khác.
“Thầy không tin sao?” Tôi nói. “Nếu thầy không tin, em diễn lại lần nữa cho thầy xem.”
Thế là tôi khiêng một cái ghế đến ngồi ở trước mặt anh, diễn lại toàn cảnh sáng nay. “Мой родной город.Я родилась и выросла в городе А , в котором я провела свое золотое детство. это город...”
Khóe môi anh khẽ cong lên, rồi bắt đầu đọc cùng tôi. Sau khi cùng nhau đọc xong câu cuối cùng “Там все мне дорого”, hai chúng tôi nhìn nhau cười.
Thực ra tôi vốn rất lo lắng, khi hai chúng tôi sống chung với nhau dưới một mái nhà, không biết có vụng về, gượng gạo lắm không? Nhưng từ khi đọc xong bài văn đó, không khí lại đột nhiên trở nên hài hòa, êm dịu lạ thường. Ban đêm, tôi nằm trên giường, nhớ lại cảnh tượng ấy, trong lòng mơ hồ cảm thấy như mình muốn nắm lấy một điều gì đó nhưng lại không rõ đó là gì.
Mộ Thừa Hòa không hề nhắc đến Lưu Khải, thậm chí trong ngày bảo tôi đến đây ở, anh cũng không hề hỏi, cho đến một bữa trưa, anh chợt nói: “Chẳng phải con gái đều thích đi dạo phố sao? Rất ít khi thấy em ra ngoài.”
“Bên ngoài nóng quá.” Tôi nói.
“Cũng không ra ngoài với Lưu Khải à?” Anh gắp thức ăn, hỏi một cách tự nhiên.
“Ờ...” Tôi hơi khựng lại, sau đó cúi đầu nói nhỏ: “Anh ấy bị điều xuống huyện rồi.” Nhưng tôi tuyệt nhiên không nói với anh ấy tôi và Lưu Khải đã chia tay.
“Sao không nói với thầy?” Bạch Lâm hỏi tôi.
“Mình cảm thấy... hình như chỉ có thế này, mới có thể cảm nhận được sự bình đẳng giữa mình và anh ấy.” Tôi nói.
“Vậy việc tìm việc thế nào rồi?”
“Khó quá! Chỗ mình thấy được thì người ta không thấy mình được. Người ta thấy mình được thì mình lại chê người ta.”
“Từ từ thôi, đừng nóng vội. Có một câu danh ngôn thích hợp với cậu lắm.”
“Câu gì?”
“Thành gia trước, lập nghiệp sau.”
“... Cậu nói nhảm rồi đấy.”
“Không thích à?” Bạch Lâm hỏi. “Vậy đổi câu khác hay hơn: Làm giỏi không bằng khéo cưới.”
“...”
“Còn một việc phải nói với cậu.”
“Gì?”
“Sư huynh nói, hôm qua anh ấy gặp Lưu Khải ở ngoài đường.”
“Ồ!”
“Anh ấy thấy Lưu Khải đi cùng một cô gái.” Cô ấy nhìn nhìn tôi.
“Ừm.”
“Trông khá thân mật.” Cô ấy sợ tôi không hiểu, lại nói thêm.
“Ừm. Tốt lắm.” Tôi nói tiếp.
“Chia tay thật sao?” Bạch Lâm hỏi.
“Thật.”
“Chẳng phải lần trước cậu nói cậu ta xin cậu suy nghĩ một tháng sao? Còn chưa đến một tháng mà.”
“Như vậy càng tốt, mình khỏi phải áy náy.” Tôi lẩm bẩm.
Sau khi chính thức sống cùng một nhà với Mộ Thừa Hòa, tôi mới phát hiện ra anh có rất nhiều thói quen mà tôi không biết.
Ví dụ như khi làm việc, anh rất chăm chú, có lúc tôi ngồi ở bên cạnh nói chuyện luyên thuyên cả buổi, mới phát hiện ra anh chỉ tập trung vào công việc, không để ý đến tôi. Đó là một trải nghiệm thất bại, nhưng lại thường xuyên xảy ra.
Ví dụ như anh rất kén ăn nhưng những món nào có vị ngọt ngọt, anh đều thích.
Anh thường xuyên làm việc đến đêm khuya.
Thỉnh thoảng còn ngồi một mình trong bóng tối rất lâu, không nói tiếng nào.
Trong lúc mơ mơ hồ hồ tỉnh dậy đi vệ sinh ban đêm, tôi đã nhìn thấy vài lần.
Lần đầu tiên khi nhìn thấy một bóng đen trên sofa, tôi đã bật đèn lên để nhìn cho kỹ. Khi ánh sáng rọi lên gương mặt, tôi chợt cảm thấy gương mặt ấy cô đơn và lạc lõng đến thế, nó hoàn toàn khác với một gương mặt của Mộ Thừa Hòa tươi cười hằng ngày, giống như một con thú nhỏ bị làm cho hoảng hồn, thần sắc trong chớp mắt hiện lên một chút hoảng loạn, nhưng thoáng chốc lại trở về trạng thái bình thường.
Từ sau lần đó, tôi không còn dám bật đèn một cách đường đột nữa.
Sau này, chúng tôi ngồi ở nhà, cùng nhau xem phim truyền hình, trong lúc xem phim tôi chỉ vào Johnny Depp đang cười toe toét, nói: “Tại sao có những người nhìn bề ngoài và con người thật của chính mình lại khác nhau thế nhỉ?”
Mắt anh vẫn dán chặt vào màn hình, không hề lên tiếng.
Cảnh trong phim, đang từ mặt biển bao la vô tận chuyển thành bầu trời xanh trong như ngọc bích.
“Tiết Đồng, em có thích biển không?” Anh hỏi.
“Thích ạ!”
“Em nhìn xem, biển cả cho dù sâu bao nhiêu đi chăng nữa, bề mặt của nó vẫn luôn luôn tĩnh lặng.” Mộ Thừa Hòa nói. “Trên đời này thứ sâu hơn biển chính là lòng người. Có lúc mỉm cười đấy nhưng không có nghĩa là không đau khổ, không sợ hãi, không tuyệt vọng.”
Tôi ám chỉ anh.
Và anh cũng ám chỉ tôi.
Đột nhiên, tôi hiểu ra có lẽ tôi và Mộ Thừa Hòa cùng một kiểu người, cho nên anh mới thu hút tôi đến vậy.
6
Hôm sau trời lất phất mưa, tôi vội vàng chạy về nhà, cởi giày, bỏ túi xách xuống thật nhanh, chuẩn bị đến ban công phòng khách để che bạt. Đi được nửa đường thì phát hiện Mộ Thừa Hòa cũng ở nhà, lúc này anh đang đứng ngoài ban công, bên cạnh là một chậu lan.
Vì trời đang mưa nên không khí bên ngoài vô cùng mát mẻ.
Trong khu ký túc xá này có một cây dạ hợp, cao đến mười mấy mét, cành lá um tùm, giữa một rừng ngô đồng thấp bé, trông nó thật nổi bật. Nó được trồng cách tòa nhà mà Mộ Thừa Hòa đang ở không xa lắm. Gần đây còn có một số nhánh cây vươn dài đến tận ban công nhà Mộ Thừa Hòa. Trên bề mặt của một chiếc lá đầu cành đọng lại vài giọt nước mưa. Tôi thấy Mộ Thừa Hòa đưa tay ra hứng giọt nước mưa ấy rơi xuống đầu ngón tay, trên mặt lộ rõ vẻ vui cười tinh nghịch. Tay còn lại thì buông thõng, ngón trỏ và ngón giữa đang kẹp một điếu thuốc lá.
Mộ Thừa Hòa mải mê chơi đùa với những giọt nước mưa rớt trên tán lá, khi anh đưa tay lên hút một hơi thuốc dài thì mới nhìn thấy tôi.
Anh sững người.
Tôi cũng chợt cảm thấy ngượng ngùng vì hành động nhìn lén của mình, vội vàng nói: “Thầy... cứ tiếp tục.”
Anh mỉm cười tự nhiên: “Hôm nay thế nào?”
“Xui xẻo lắm!” Tôi bất giác liếc nhìn điếu thuốc trên tay anh.
Mộ Thừa Hòa lập tức hiểu ý, quay về phòng khách, dập tắt điếu thuốc. Trước đây, tôi cứ tưởng gạt tàn thuốc này chỉ để trưng bày.
“Em cứ tưởng thầy không hút thuốc.” Tôi chưa từng nhìn thấy, cũng chưa từng ngửi thấy mùi thuốc lá trên người anh.
“Thỉnh thoảng tôi cũng hút một, hai điếu. Còn lúc đi dạy thì không hút.” Anh ngại ngùng, cười nói: “Hút thuốc lá có hại cho sức khỏe.”
Buổi tối trong nhà chẳng còn gì ăn, chúng tôi cùng nhau ra ngoài ăn cơm, trên đường đi tình cờ bắt gặp Lưu Khải. Anh ấy đang đi xuống từ chiếc thang cuốn ở phía đối diện, còn tôi và Mộ Thừa Hòa thì đi lên ở phía bên này. Một cô gái dáng người mảnh mai đứng bên cạnh anh ấy, đang thỏ thẻ gì đó.
Đúng lúc tôi nhìn thấy Lưu Khải, anh ấy cũng nhìn thấy tôi.
Tôi cười với anh ấy, nhưng anh ấy lại áy náy không yên, dường như muốn gọi tôi, song lại như có chút băn khoăn, e dè. Cuối cùng chúng tôi không ai gọi ai cả.
Buổi tối, Lưu Khải gọi điện, tôi đi ra ban công nghe máy.
“Tiểu Đồng, anh...” Lưu Khải ấp úng.
“Em hiểu.”
“Em hiểu chuyện gì?”
“Chúng ta không hợp nhau, hơn nữa chúng ta đã chia tay từ tháng trước rồi.”
Anh ấy thở dài: “Em biết hiện giờ anh bị điều đi chỗ khác, còn không biết có được quay về đây hay không, cục trưởng thường ngày cũng quan tâm đến anh, con gái của ông ấy là nữ sinh khóa sau của trường chúng ta, con người cũng tốt, anh...”
“Lưu Khải, em không giận gì đâu, thật đấy.” Tôi nói.
“Tiểu Đồng... Chúng ta chia tay là vì người đó sao?” Lưu Khải hỏi.
Tôi im lặng.
“Xem ra anh vẫn là người phản ứng chậm chạp, đáng lẽ phải hiểu ra sớm hơn. Anh cứ tưởng rằng chỉ vì anh chưa đủ cố gắng, do đó mới chờ đợi đến khi em thật sự chú ý đến anh, nhưng... quá khó rồi.” Lưu Khải nói.
“Xin lỗi.” Tôi cắn môi nói.
“Anh không có nghị lực chờ đợi mãi mãi, cho nên...”
Vừa cúp máy, Tống Kỳ Kỳ đã gọi điện thoại đường dài đến.
“Nghe nói cậu và thầy Mộ sống chung với nhau rồi.” Tống Kỳ Kỳ cười gian xảo.
“Bạch Lâm đúng là giỏi buôn chuyện, cậu ở xa vậy mà cũng nhận được tin tình báo rồi sao?” Tôi nói.
“Hôm nay mình đã đi xem mắt.”
“Thật tốt, cảm giác thế nào?”
“Điều kiện không tệ.” Tống Kỳ Kỳ nói. “Nhưng không hợp với mình.”
“Cậu...” Tôi muốn nói nhưng lại thôi.
“Không phải vì chuyện trước đây. Mình chỉ đơn giản là cảm thấy tính cách của người đó và mình không hợp nhau thôi.” Tống Kỳ Kỳ nói. “Thật ra hiện giờ mình nghĩ thông suốt lắm rồi, trước đây cứ tưởng rằng mình mãi mãi cũng không quên được anh ấy, cả đời này không thể yêu người khác. Nhưng chỉ chưa đến một năm thôi, mình đã phát hiện ra hiện thực không như mình tưởng.”
Nói với Tống Kỳ Kỳ thêm dăm câu ba điều, tôi cúp máy, quay vào phòng khách. Mộ Thừa Hòa đang ngồi trước bàn làm việc. Trong phòng yên tĩnh đến mức có thể nghe thấy tiếng lạo xạo của ngòi bút trên mặt giấy. Tôi ngồi xuống sofa, cố nhớ lại nét mặt của Lưu Khải lúc ở thư viện đã nói với tôi rằng: “Vì cậu thật đáng yêu”, nhưng không thể nhớ ra được.
Nếu để Bạch Lâm biết được, cô ấy chắc chắn sẽ mắng Lưu Khải vô tình vô nghĩa. Nhưng tôi biết là lỗi của tôi trước, là tôi đã lợi dụng anh ấy trước.
Lại nhớ đến Tống Kỳ Kỳ và Tiêu Chính, nhớ lại Tống Kỳ Kỳ lúc ở giảng đường số bốn vừa khóc vừa ôm lấy chúng tôi mà nói: “Từ năm mười bảy tuổi mình đã yêu anh ấy, cho đến tận bây giờ, từ đầu đến cuối anh ấy chưa hề lừa dối mình.” Lúc đó sao mà đau đớn tâm can đến vậy, giờ đây, cô ấy lại nói trong lòng cô ấy đã thay đổi rồi.
Có lẽ trong lúc tôi đang nghĩ đến những điều này, nét mặt trông đần thộn ra hay sao mà Mộ Thừa Hòa liếc nhìn tôi một cái rồi đứng dậy bật ti vi, nói: “Em có thể xem ti vi.” Nói xong, anh lại trở về bàn, tiếp tục làm việc.
“Có ảnh hưởng đến thầy không?”
“Không.” Anh trả lời mà không cần ngẩng lên, chỉ lo làm việc của mình.
Mộ Thừa Hòa ngồi chếch với ti vi, dù tôi có chuyển qua chương trình nào, anh cũng chẳng thèm liếc mắt một cái. Khi làm việc, thỉnh thoảng chân mày của anh nhíu lại, đeo kính, vừa xem xét hình ảnh 3D trong máy tính vừa chuyên tâm chỉnh sửa các số liệu.
“Em không xem ti vi đi, nhìn tôi làm gì?” Anh chợt hỏi.
“Ừm...” Tôi ngượng ngùng, vén tóc ra sau tai. “Chẳng thấy chương trình nào hay ho cả.”
“Hay là lên mạng?”
“Lên mạng cũng chẳng hứng thú. Em xem ti vi tiếp vậy.” Nói xong, tôi nằm xuống sofa, tiếp tục cầm điều khiển từ xa, bấm liên tục.
Đợi đến khi tôi chuyển bảy mươi mấy kênh truyền hình ấy đến lần thứ năm thì cuối cùng anh cũng không nhịn được nữa, nói: “Ngày mai em có bận việc gì không?”
“Không ạ! Có việc gì sao thầy?”
Anh bỏ kính xuống, xoa xoa sống mũi: “Ngày mai tôi nghỉ, dẫn em ra ngoài chơi.”
Sáng hôm sau, anh dặn tôi mang theo kem chống nắng, lúc này tôi mới biết hóa ra anh định dạy tôi lặn thật. Chúng tôi lái xe hơn ba mươi kilômét, đến một eo biển cạn ở ngoại ô thành phố A.
Mấy hôm trước trời còn mưa mãi, mà hôm nay thoáng chốc đã xanh trong và quang đãng, mặt biển xanh mênh mông vô tận, phóng tầm mắt nhìn ra xa tít tắp.
Tôi không thể chờ đợi thêm phút giây nào nữa, lập tức cởi giày, chạy ra bãi biển hét lên: “The Big Blue!”, sau đó quay lại nói với Mộ Thừa Hòa: “Thầy đã xem phim này chưa?”
“Đại dương xanh thẳm?”
“Chính xác! Mỗi lần nhìn thấy màu xanh thăm thẳm của biển, em đều nhớ đến những chữ này và cảnh tượng trong phim.”
“Nếu biết em vui như vậy thì tôi đã dẫn em đến đây sớm hơn rồi.” Mộ Thừa Hòa đi theo sau tôi, thoáng mỉm cười.
“Nhưng em rất sợ nước nên không biết bơi. Mỗi lần ra biển cũng chỉ đạp nước vài cái rồi về thôi.”
“Lần này chúng ta sẽ thay đổi.”
Có rất nhiều xe trước cửa câu lạc bộ lặn, hình như mọi người đều khá thân thiết với Mộ Thừa Hòa.
“Tại sao mọi người ai cũng đen, chỉ một mình thầy trắng vậy?” Tôi hỏi.
“Chứng tỏ tôi không siêng như họ.”
“Không ngờ bên trong con người thầy cũng nổi loạn như vậy.”
“Tại sao?” Anh đi lấy bình dưỡng khí và quần áo lặn quay trở lại, hỏi.
“Bác sĩ bảo thầy đừng lặn, vậy mà thầy lại đi lặn, như vậy không phải là nổi loạn sao?”
“Ai nói thế, từ nhỏ tôi đã là một cậu bé biết nghe lời.”
“Kiểu như chưa từng đi muộn, không nói chuyện, không lười biếng, làm xong bài tập mỗi ngày, thi đạt điểm cao nhất?”
“Cũng... không hoàn toàn như vậy.” Anh nói.
Tôi nhìn anh bằng ánh mắt: “Vậy tức là phải rồi”, sau đó nhận lấy đồ lặn từ tay anh rồi vào phòng thay đồ.
Trước khi xuống nước, anh nhắc đi nhắc lại với tôi: “Khi đeo kính lặn, mũi sẽ bị kẹp lại, em phải dùng miệng để thở.”
“Lát nữa, sau khi xuống nước chúng ta sẽ không nói chuyện, chỉ dùng tay ra dấu.” Anh nắm bốn ngón tay lại, ngón cái chỉ lên. “Nếu em cảm thấy khó chịu thì làm như vậy, chúng ta sẽ lên. Ngón cái hướng xuống có nghĩa là có thể xuống tiếp nữa. Tôi luôn ở bên cạnh, em không cần phải sợ, lặn và bơi không liên quan gì đến nhau, em có bình dưỡng khí rồi.”
Tôi đã thuộc lòng những điều anh nói, thế mà khi xuống nước vẫn vô cùng căng thẳng.
“Lỡ như em không nổi lên được thì phải làm sao?” Tôi hỏi.
“...”
Nước vừa ngập qua đầu, tim tôi đã đập nhanh hơn, huyết mạch cũng lưu thông nhanh hơn, vì vậy nên tôi cần gấp oxy. Theo thói quen, tôi dùng mũi để hít vào, nhưng mũi đã bị kẹp lại không hít được gì cả, lập tức tay chân tôi hoảng loạn, bắt đầu giãy giụa.
Mộ Thừa Hòa liền kéo tôi lên.
Tôi bất lực bám lấy anh, nhả ống thở trong miệng ra, ngoác to miệng không ngừng hít hà không khí trên mặt nước, nhụt chí nói: “Em không chơi nữa.”
Anh cười: “Quan trọng là đừng căng thẳng, nhớ dùng miệng để thở.”
Đợi tôi bình tĩnh trở lại rồi luyện tập thêm vài lần phương pháp hít thở, cả hai chúng tôi lại tiếp tục xuống nước.
Lần này đã thành công!
Ở dưới nước, anh luôn nắm tay tôi.
Thỉnh thoảng tôi còn nhìn thấy những chú cá nhỏ bơi thảnh thơi qua người mình. Tôi cảm tưởng như mình cũng đã biến thành một con cá. Con cá này tuy rất ngốc, không biết bơi, nhưng nó lại có thể hít thở tự do dưới nước, còn có thể nhìn thấy rõ ràng cảnh vật dưới đáy biển.
Lúc ngoi lên khỏi mặt nước, tôi vô cùng phấn khích, không ngừng nói với Mộ Thừa Hòa, tôi đã nhìn thấy gì, đã sờ được gì, mắt có cảm giác gì, tai có cảm giác gì.
Mộ Thừa Hòa im lặng, mỉm cười nghe tôi nói.
Một anh A trên thuyền nói: “Cô bé, em sẽ thích cảm giác này.”
Sau đó, chúng tôi lại ngồi thuyền đi ra vùng biển xa hơn một chút.
“Cảm giác sẽ khác hơn sao?” Tôi tò mò hỏi.
“Ừm. Nước trong hơn, cá nhiều hơn và lạnh hơn khi nãy cho nên mới bắt em mặc đồ lặn.”
“Em có thể xuống đến đáy biển không?”
“Tốt nhất là nên từ từ thôi, nếu cơ thể em không chịu nổi, nhất định phải ra dấu ngay, đừng cố gắng làm người dũng cảm.”
“Chỗ này sâu bao nhiêu?”
“Mười mấy mét.”
“Lúc nãy em xuống được bao nhiêu mét?”
“Ba, bốn mét.”
“...”
“Thầy lặn được sâu nhất là bao nhiêu mét?”
“Thông thường khoảng hai mươi mét, sâu nhất thì chưa từng thử, để lần sau thử xem.”
“Thầy... tốt nhất đừng thử.”
“Em sợ tôi xuống đó rồi không bò lên được sao?” Anh cười.
“Hơi hơi.” Tôi thành thật nói.
Nước biển rất xanh, ngoài những gợn sóng ra, nó vô cùng yên ả. Đất liền ở cách chúng tôi không xa, dưới chân là nước biển sâu thẳm, phóng mắt nhìn xa, có thể thấy rất nhiều thuyền đánh cá.
Chúng tôi xuống nước trước, sau đó họ mới thả bình dưỡng khí xuống.
Mộ Thừa Hòa nắm tay tôi, khóe môi cong lên, nói: “Tiểu cô nương, hoan nghênh em đến tham quan lòng biển cả.”