Tôi quay lại nhìn anh. Anh gật đầu với tôi, như muốn nói: “Có anh ở đây, đừng sợ.”
Bà lao công vào thay túi rác, trông thấy nét mặt nghiêm trọng của chúng tôi, liền nói vài câu.
Bà ấy nói: “Tôi làm ở đây lâu năm, những trường hợp như gia đình đây tôi đã thấy nhiều rồi. Thực ra bác sĩ cũng không đành nói thẳng với các vị. Nhưng các vị để người già nằm như thế, viện phí rất cao, mà chính bản thân người bệnh cũng cảm thấy như phải chịu tội vậy, cuối cùng cũng chỉ chống cự được mấy ngày.”
Mấy lời của bà lao công như đã nói rõ hơn về sự việc này.
Bác gái liền nói: “Chị này nói rất có lý.”
Bà nội vừa kéo lại chăn cho ông, vừa hỏi: “Nếu chuyện này để mẹ quyết định, mọi người có đồng ý không?”
Bác gái nói: “Mẹ, mẹ nói sao, bọn con làm vậy.”
Bà nội im lặng một lúc rồi mới nói: “Ông ấy nằm ở đây đã bao nhiêu năm rồi, thật ra nhiều lúc mẹ cảm thấy chính mẹ đã ép ông ấy ở lại, bắt ông ấy nằm đây chịu tội. Trong lòng mẹ chỉ nghĩ thế này, thằng ba đã đi rồi, vậy mẹ phải giữ chặt ông ấy, chỉ mong một ngày ông ấy có thể tỉnh lại. Số tiền đó là mẹ đã buộc các con phải cáng đáng, mỗi ngày nằm viện, sức khỏe của mẹ lại yếu không chăm sóc được ông ấy cẩn thận, chúng ta buộc phải mời y tá. Những năm qua, các con bỏ ra bao nhiêu tiền, mẹ đều nhìn thấy cả. Tất cả chỉ vì suy nghĩ nhỏ nhen ấy của mẹ, mẹ sợ một khi mất đi nỗi nhớ này, mẹ cũng sẽ đi theo cha con ông ấy. Nhưng bây giờ, sự việc đã như thế này... Bây giờ đã thế này rồi, nếu phải lãng phí thêm vài ngày, chi bằng cho ông ấy đi đi.” Bà nội nói xong, thở dài.
Bác hai bảo: “Vậy con gọi bác sĩ đến.”
Những người khác đều đồng ý.
Tôi lặng lẽ đi đến bên giường, cúi nhìn ông.
Miệng ông giờ đã được cắm một ống thở rất to, được cố định bởi băng dính màu trắng, ống thở ấy buộc miệng ông phải mở ra. Da mặt vàng bủng, khuôn mặt gầy gò. Đã nhiều năm rồi tôi không ngồi ngắm nhìn ông kỹ như thế, ký ức chỉ còn lại một hình bóng mơ hồ.
Bà nội có dáng người nhỏ, gầy, mọi người đều bảo tôi hơi giống bà lúc trẻ, còn ông tôi thì di truyền vẻ thấp béo, da trắng, tóc xoăn cho bố tôi. Khi còn nhỏ, ông cưng chiều tôi còn hơn cả bố. Có lần, vì xuống quê chơi mà tôi bị lây chấy về nhà, bà nội vừa châm chọc ông bà ngoại tôi, còn cạo đầu tôi ngay trước mặt họ như để trút giận. Kết quả là, các bạn hàng xóm đều nói tôi là tiểu ni cô, không thèm chơi với tôi, ông nội phải làm rất nhiều đồ chơi để dụ họ đừng ăn hiếp và đừng cười tôi nữa.
Không bao lâu, bác sĩ và bác hai đi vào. Y tá đưa tờ giấy gì đó cho họ ký tên.
Bác gái hỏi: “Chỉ lấy hết máy móc đi là được sao?”
Y tá gật đầu.
Bà nội không nhẫn tâm ngồi nhìn nên mọi người dìu bà ra ngoài.
Tôi đứng đấy, đột nhiên nói một câu, giọng đều đều: “Con không đồng ý.”
Tiếng nói không lớn nhưng đủ để tất cả mọi người trong phòng đều nghe thấy.
Bác hai và bác sĩ cùng lúc ngước lên nhìn tôi.
“Con nói con không đồng ý.” Tôi lặp lại một lần nữa.
Bác gái cầm nước mắt, liếc nhìn tôi như nhìn quái vật vậy: “Tiết Đồng.”
Ở trong gia đình này, tôi chưa bao giờ làm phật ý bề trên, ở những nơi công cộng như thế này lại càng không.
Bác hai giải thích: “Tiểu Đồng à, đây là ý của bà nội con.”
Tôi nói: “Nhưng con không đồng ý. Bố con mất sớm, vì thế con nói thay lời bố. Nếu bây giờ bố còn ở đây, chắc chắn bố con cũng không đồng ý!”
Bác sĩ nhìn tôi, lại nhìn bác hai, nói bằng giọng không vui: “Người nhà thương lượng hết đi rồi hãy gọi tôi, tôi còn nhiều việc phải làm.” Nói xong, ông nhìn y tá, ra dấu hiệu gì đó rồi rời khỏi.
Bác gái tức thì nổi giận: “Một đứa con nít như con thì hiểu chuyện gì chứ? Con có biết kéo dài thêm một tiếng đồng hồ là bao nhiêu tiền không? Ông của con không có việc làm, không có trợ cấp, tất cả đều do chúng ta chi trả. Con có biết cảm thông cho người khác không? Bây giờ đâu phải là chúng ta không chịu chữa trị, mà là chỉ còn cách này, chính tai con cũng nghe bác sĩ nói vậy mà!”
Tôi cắn chặt môi, cũng nổi bướng: “Mọi người chỉ tiếc tiền thôi sao? Cùng lắm con đi sớm về muộn cố gắng kiếm tiền, dù phải bán máu cũng kiếm tiền về trả lại cho mọi người, con...”
Mộ Thừa Hòa ở sau lưng kéo kéo tay tôi, ra ý bảo tôi đừng nói nữa.
“Tiết Đồng!” Bác gái càng phẫn nộ. “Con đúng là càng ngày càng không ra gì!”
Những người thân đứng bên cạnh cũng không tiện nói gì, thế là không khí trở nên vô cùng căng thẳng.
Ngay trong lúc tình thế nặng nề như vậy, một giọng nói chợt vang lên.
Mộ Thừa Hòa đứng ra nói: “Bác trai, bác gái, cháu thay mặt Tiết Đồng xin lỗi mọi người, cô ấy còn nhỏ không hiểu chuyện, nhất thời nói lời trẻ con, hai bác cũng đừng để bụng. Tin tức này thật sự có hơi đột ngột, Tiết Đồng chỉ là nhất thời không tiếp nhận được, có lẽ cho cô ấy một ít thời gian sẽ đỡ hơn. Mẹ cô ấy không có ở đây, tuy nói là chồng đã qua đời nhiều năm, nhưng khi ông nội còn tỉnh táo, bác ấy vẫn còn là con dâu của ông. Hay là, chúng ta cố đợi thêm một lúc, đợi mẹ Tiết Đồng đến đây rồi hãy tính? Dẫu sao cũng đã chờ lâu vậy rồi, lúc này cũng không gấp gì. Đúng lúc có thể tranh thủ khoảng thời gian này sắp xếp vài thứ cho ông nội, như thế thì Tiết Đồng cũng có tâm lý chuẩn bị?”
Lúc đầu, tôi còn cứng đầu không thèm rơi lệ, dù cho khi nghe bác sĩ tuyên bố tin xấu tuyệt vọng ấy, tôi cũng không khóc, nhưng khi Mộ Thừa Hòa nói thay tôi vài lời khách sáo, tôi liền như tìm được một ngọn cỏ cứu mạng, nơi mềm yếu nhất trong lòng bỗng dưng tìm được một lối thoát, hai dòng lệ nóng hổi lập tức chảy xuống.
Tôi vội vàng quay mặt đi, nhìn qua vách tường trắng.
Mộ Thừa Hòa lại hỏi: “Các bác cảm thấy như vậy có được không ạ?”
Bác hai bảo: “Nói cũng phải, chúng tôi gấp quá cũng chưa lo thu xếp chu toàn. Cũng được, chúng tôi ra ngoài chuẩn bị hậu sự cho ông, để tránh tới lúc ấy rối rắm, chưa chuẩn bị được gì.”
Mọi người đều tán đồng, sau đó được bác hai phân công công việc, họ lần lượt rời khỏi phòng.
Bác gái nói: “Bà nội của con còn ngồi ở bên ngoài, bác đưa bà về nhà nghỉ ngơi trước.”
Cuối cùng, chỉ còn lại tôi và anh.
Tôi đứng bên giường, quay đầu nhìn ra góc tường, anh ở phía sau tôi, không cử động.
Nước mắt trên mặt tôi đã bị gió thổi khô, anh kéo ghế qua cho tôi, sau đó cũng ngồi xuống bên cạnh.
Chúng tôi im lặng rất lâu, cuối cùng anh nói: “Hay là... em nói chuyện riêng với ông nội đi.”
“Ông có thể nghe thấy không?”
“Có lẽ ông sẽ nghe thấy.” Anh đáp.
“Thật không?”
“Thường thì anh không nói dối.”
“Vậy khi nào anh mới nói dối?”
Anh hơi khựng lại một lúc: “Khi đó là lời nói dối thiện ý, khi anh cảm thấy khó khăn và xấu hổ.”
Tôi nhìn vào đôi mắt của Mộ Thừa Hòa, lờ mờ hiểu ra anh đang nói về điều gì.
Thật ra, tôi cũng đã từng nói dối anh, không phải sao?
Tôi né tránh ánh mắt của anh, nhìn sang phía giường bệnh: “Em nhớ ra điều muốn nói với ông rồi.”
“Có cần anh ra ngoài không?”
Tôi suy nghĩ một lúc, lắc đầu, rồi lại gật đầu.
Mộ Thừa Hòa đứng dậy, nói: “Vậy anh ra ngoài hút điếu thuốc.”
Tôi gục đầu lên chiếc gối của ông, đặt sát bên đầu ông, từ từ tìm về ký ức xa xăm...
“Lúc nhỏ, có một khoảng thời gian con đến ở với ông và bà. Mỗi khi phát bài kiểm tra, cô giáo lại bắt mang về cho phụ huynh ký tên, nhưng từ nhỏ con học môn Văn đã kém, mỗi lần bị điểm thấp con đều không dám cho ai xem. Cuối cùng, con đã giả chữ ký của ông.
Còn có lần, con nói chuyện trong giờ học, bị cô chủ nhiệm bắt được, phạt phải mời phụ huynh đến, nếu không sẽ không cho con vào lớp. Lúc ấy ở nhà chưa có điện thoại, con đã nói dối là ông bị bệnh nặng, bà đưa ông vào viện rồi, cô mới chịu tha cho con.
Ông thường để tiền trong túi áo trước ngực, lại không chịu đếm tổng cộng có bao nhiêu đã vắt áo lên đầu giường. Có lần con canh lúc ông không chú ý, lấy cắp mấy đồng mua kẹo ăn.
Chiếc vòng cẩm thạch mà chú sáu mang về cho bà nội từ Vân Nam, thật ra là do con làm vỡ. Nhưng lúc ấy con thật sự rất sợ nên đã để nó trở lại trong hộp, khi ông mang nó cho bà thì nó đã bị gãy làm đôi, con còn hại ông bị bà trách mắng.
Ông đi họp phụ huynh cho con, cô giáo nói thành tích học tập của con không tốt, ông về nhà nói lại y như vậy cho mẹ nghe. Khi ông đi rồi, mẹ đã đánh con một trận. Lúc ấy, con vừa khóc vừa thầm oán trách ông không phải là ông nội của con.
Ông từng nói với con, ông phải sống đến một trăm tuổi, để nhìn ba đứa cháu của mình lập gia đình rồi sinh con. Bây giờ, anh và chị đều đã kết hôn rồi, ông cũng nhìn thấy Mộ Thừa Hòa rồi đấy, anh ấy rất tốt, thật sự rất tốt.”
...
Không biết tôi đã nói như thế trong bao lâu, mãi đến khi hai cô y tá đẩy cửa vào ghi chép số liệu gì đó, cắt ngang lời tôi, tôi mới dừng lại. Sau đó, cô y tá lại tiếp tục truyền nước biển cho ông.
Tôi nhường chỗ lại cho họ, một mình đi ra ngoài.
Đã đến giờ ăn tối, những phòng bệnh khác đều thơm mùi thức ăn.
Đúng lúc vợ chồng anh họ tôi tới, trông thấy tôi, liền nói: “Em đi ăn cơm đi, anh sẽ trông ông, có chuyện gì sẽ gọi điện cho em.”
Chúng tôi đều hiểu, cái gọi là “có chuyện gì” là chuyện gì.
Mộ Thừa Hòa không có ngoài hành lang, tôi đi một vòng tìm khắp nơi, cuối cùng mới thấy anh bên cạnh cầu thang. Anh ngồi dưới đất, ngay khúc quanh của hai tầng, tay cầm điếu thuốc, đang ngơ ngác nhìn những hạt mưa thu bên ngoài.
Tôi bước tới đó, ngồi xuống cạnh anh, cùng một tư thế.
“Em thấy đói không?” Mộ Thừa Hòa dập tắt thuốc, hỏi tôi.
“Ừm. Đói.”
“Bên đó có người rồi à?”
“Ừm.”
“Vậy chúng ta đi ăn cơm trước đã, sau đó anh về nhà lấy áo cho em, ở đây ban đêm rất lạnh.”
3
Vừa bước xuống tầng dưới thì anh họ đã gọi điện, thế là chúng tôi lại chạy trở lên, trong phòng đầy những người khoác áo blouse trắng.
Anh họ trông thấy tôi vội giải thích: “Lúc nãy tim của ông bị suy kiệt đột xuất, bác sĩ đang cấp cứu.”
Lát sau, tôi thấy họ lắc đầu một cách bất lực. Bác sĩ bảo y tá xem đồng hồ, sau đó nói với cô ấy: “Thời gian tử vong, 19 giờ 31 phút ngày 1 tháng 10.”
Sau đó, mọi thiết bị đều được rút điện.
Tôi chen vào trong, nắm lấy tay ông, vẫn còn hơi ấm, vẫn còn mềm, mọi thứ đều như không thực.
Rốt cuộc thì sự cố chấp của tôi cũng đã không giữ được ông.
Bà nội đến bệnh viện, nhìn thấy thi thể của ông, cũng không cầm được nước mắt.
Cuối cùng, tôi dìu bà ra ngồi trên dãy ghế ngoài hành lang. Mộ Thừa Hòa cùng với mọi người thông báo cho người quen và thu xếp hậu sự cho ông. Bà nội khóc được một lúc thì không tiếp tục nữa, chỉ không ngừng kể đi kể lại với tôi những chuyện của bố và của ông.
Bà không ăn cơm, tôi sợ bà đói, bèn hỏi bà muốn ăn gì.
Bà nói: “Con gọt cho bà quả lê đi.”
Đợi tôi mua lê trở về, bà lại đòi ăn táo. Tôi lại chạy đi mua táo.
Đến khi đã cầm táo và lê trên tay, bà mới lẩm bẩm nói: “Ông à, chúng ta ăn quả không phân lê.”
“Ăn quả không phân lê.” Đây là câu nói địa phương mà trước đây ông thường nhắc đến, ý muốn nói táo và lê phải ăn chung với nhau, không được tách rời, như vậy thì cả nhà mới có thể mãi mãi đoàn viên.
Lòng tôi bất giác chùng xuống.
Tôi đi mượn dao gọt trái cây, rửa sạch táo, lê xong, tôi bắt đầu gọt. Gọt vỏ xong đưa cho bà, bà lại không ăn, chỉ cầm trên tay, ngồi nhìn lặng lẽ. Tôi tiếp tục gọt lê, được một nửa thì bà bất chợt bóp chặt tay tôi, nói một cách kích động: “Không được chia! Không được tách ra!”
Tôi bị trượt tay, con dao lập tức cắt vào tay tôi. Ban đầu chỉ hơi tê, một lúc sau mới chảy máu. Tôi vội trấn an bà, sau đó đặt giỏ trái cây xuống, chạy vào phòng vệ sinh.
Lưỡi dao rất sắc, tuy vết thương rất nhỏ, nhưng vết cắt rất sâu, máu không ngừng chảy ra cùng nước chảy từ vòi rửa, tôi rửa tay sạch sẽ, sau đó lấy khăn giấy quấn tạm lên rồi đi ra ngoài.
Sau khi trở về chỗ ngồi, tôi mới phát hiện quả lê ấy cũng bị dính máu, bèn vứt nó đi, lấy từ trong túi ra một quả khác, tiếp tục ngồi gọt. Trước đây, bà từng mắng trái tim tôi thật sắt đá, không chỉ lạnh, mà còn cứng. Tôi không khóc.
Vết cắt ngay lòng bàn tay, vì thế cứ cầm lấy vật gì, dù rất nhẹ cũng đủ làm nó nứt ra, và máu lại chảy. Tôi cũng không để tâm, thấm ướt giấy thì thay tờ giấy khác. Tôi thầm nghĩ, một người đối xử lạnh nhạt ngay cả với chính bản thân mình thì còn có thể nhiệt tình với ai?
Ban đêm, Mộ Thừa Hòa đưa tôi về nhà nghỉ ngơi.
Nhìn thấy tay tôi quấn khăn giấy, anh hỏi tôi bị làm sao, tôi không trả lời, chỉ tắt đèn rồi đi ngủ. Anh ngồi trong phòng mình, bật đèn ngủ, dựa vào gối để đọc sách. Chúng tôi đều không đóng cửa phòng, vì thế tôi có thể nhìn thấy ánh đèn màu vàng cam hắt ra từ phòng anh.
Không biết trải qua bao lâu, chợt vọng đến tiếng bước chân khẽ khàng của anh.
Rồi tiếng bước chân dừng lại trước cửa phòng tôi, dường như anh muốn xem tôi ngủ có yên giấc hay không.
Anh đứng lặng yên hồi lâu, rồi mới rời khỏi.
Lại qua một lúc lâu nữa, tôi lật người lại, bất cẩn hất tung chiếc điện thoại nằm bên cạnh bay xuống đất, phát ra một âm thanh “tạch”. Nghe thấy động tĩnh, anh lại xuất hiện trước cửa, đứng yên ngoài ấy, giữa bóng tối.
Nhưng lần này Mộ Thừa Hòa không dễ dàng quay về phòng, mà hỏi một câu: “Không ngủ được phải không?”
Tôi chần chừ một hồi, mới đáp lại một tiếng.
Anh thở dài, bật đèn rồi đi tới bên giường tôi.
Tôi quay mặt vào tường.
“Tiết Đồng...” Anh gọi. “Nếu như em không ngủ được, anh sẽ nói chuyện với em.”
“Rất nhiều thanh niên trong xã hội này luôn cảm thấy thứ khó chấp nhận nhất, thứ đau khổ nhất trên đời này chính là đánh mất tình yêu, để rồi xem thường mạng sống của mình. Thật ra, vì họ chưa trải qua nỗi đau mất người thân. Có lẽ trong tiềm thức của em đã mang ảo tưởng hy vọng bố mình sẽ sống lại đặt vào ông nội, vì vậy em mới đau khổ hơn những người khác.”
Nghe thấy câu nói này, tôi không kiềm chế được, nắm chặt bàn tay lại, móng tay đâm mạnh vào vết thương, máu lại chảy ra. Phải chăng, chỉ khi thân thể tôi đau đớn thì nỗi đau trong tim mới có thể hóa giải?
Nhưng đâu ngờ, tay đã đau, mà nỗi đau trong tim vẫn còn dai dẳng.
Tôi kéo chăn qua đầu, co người lại, sau đó nói: “Khi bố xảy ra chuyện, bà nội không cho em nói với ông, sợ bệnh tim của ông tái phát, nhưng em đã không nghe lời. Nếu như lúc đó em không kích động như vậy, không báo tin đó với ông, có lẽ ông sẽ không bị như hôm nay. Vì vậy bà nội hận em, mọi người đều hận em, đều tại em cả.”
Mộ Thừa Hòa im lặng một hồi rồi mới chầm chậm nói: “Tiết Đồng, câu chuyện mà anh kể cho em nghe về bố anh, thật ra phía sau còn một đoạn anh chưa nói hết.”
Ẩn dưới tấm chăn lớn, tôi chợt nín thở.
Anh nói: “Về sau, bố anh ốm suốt, thần chí không minh mẫn, năm cuối cùng ấy bố thậm chí không còn nhận ra anh, bố bị giam trong bệnh viện tâm thần. Nhưng có một hôm, đột nhiên bố nhận ra anh, bố còn nói: “Tiểu Hòa, bố hết bệnh rồi, bố muốn về nhà.” Anh liền ép mẹ làm thủ tục cho bố trở về. Khi ấy, bố mẹ anh đã ly hôn, không còn sống chung một nhà nữa, anh nói anh có thể chăm sóc cho bố. Những ngày đầu cũng rất tốt, bố có thể nói chuyện với anh, có thể ăn cơm do anh nấu, còn có thể ngồi đọc sách ở nhà một mình. Làm sao anh biết được bố lại đột nhiên tự tử? Bố treo cổ lúc nửa đêm, sáng sớm thức dậy anh mới phát hiện ra. Anh không biết phải làm thế nào, lúc ấy ở nhà không có điện thoại, và bố thì treo ngay trước cửa, anh không dám đi ra ngoài từ lối đó nên cứ ngồi trên sàn nhà nhìn bố. Mãi đến đêm khuya, mẹ mới tìm đến đây do nhận được điện thoại từ nhà trường vì anh không đi học.
Lúc ấy anh đã nghĩ, anh mới là hung thủ. Suy nghĩ này đã ám ảnh anh rất lâu, thậm chí chỉ cần nhìn thấy cánh cửa ấy là trong đầu anh lại xuất hiện một ảo giác, dường như bố vẫn còn treo ở đấy, đang nhìn anh, ánh mắt đầy oán trách. Về sau, khi sang Nga, người ta nói với anh hút ma túy có thể làm tê liệt thần kinh, đầu óc sẽ trở nên đần độn, rồi sẽ không nhớ gì nữa, kết quả là có một thời gian rất dài, anh đã điên cuồng hút những thứ ấy.
Sau khi mẹ biết được, bà đã nhốt anh lại, bắt anh cai nghiện, còn tìm rất nhiều bác sĩ tâm lý khám cho anh.
Nhưng dù cho bao nhiêu năm đã trôi qua, anh vẫn không dám sống một mình trong căn nhà này, dường như cứ đến đêm, bố lại trở về. Chỉ cần anh ngồi một mình trong bóng tối, nhìn vào nơi mà bố ra đi, anh sẽ có thể trò chuyện với bố hay là với thứ gì khác, có lúc sẽ nghe thấy tiếng người, có lúc sẽ có tạp âm. Sau này anh lại đến gặp bác sĩ, họ nói đó chỉ là ảo giác. Vì vậy anh nghĩ chẳng thà mình bị điếc, như thế anh sẽ không nghe thấy những âm thanh ấy nữa.”
Nghe đến đây, tôi lật chăn ra, ngồi dậy, nhìn thấy nỗi đau khổ trong mắt anh. Tôi những tưởng rằng cả đời anh sẽ không nói với tôi những điều này, cả đời anh cũng không muốn nghĩ về quá khứ ấy nữa. Tôi khẽ choàng tay qua cổ anh, giọng nói run run: “Anh không cần phải nói ra những chuyện này.”
“Không, anh nhất định phải nói với em. Nếu không trái tim của anh mãi mãi ở một nơi không gặp được ánh sáng, hễ nhìn thấy em anh lại thấy tự ti.” Anh nói. “Không hiểu tại sao, anh rất thích trẻ con, vì thế anh đã đi dạy học. Nhìn những thanh niên đầy sức sống ấy, anh chợt cảm thấy cuộc đời đầy hy vọng. Sau này, em đã đến. Tiết Đồng, em đã đến. Tối hôm đó, em đã ngồi tìm kính áp tròng cho anh giữa nền tuyết lạnh lẽo, lúc ấy tay của em đông cứng và sưng cả lên. Em giống như là một thiên thần vậy. Cảm xúc của em phong phú đến thế, em thích cười, lại thích chau mày, dễ đỏ mặt, lại dễ giận, ngay cả khi giận hay khi ngượng, nét mặt của em cũng dễ thương đến thế. Chính em đã khiến anh phát hiện ra anh không thể mãi mãi sống trong quá khứ. Huống chi, chỉ cần có em bên cạnh thì anh không còn gì phải sợ cả. Đêm Giao thừa năm đó, em đã cầu nguyện trước mặt anh, thật ra lúc ấy anh cũng đã lén cầu nguyện, anh hy vọng cô gái trước mặt mình mãi mãi vui vẻ và hạnh phúc. Vì vậy, em không cần phải tự trách mình. Tiết Đồng, em hiểu không? Chỉ cần em không vui, trái tim anh sẽ rất đau. Bất kể là ông nội hay là bố của em, tình yêu của họ và của anh cũng đều như nhau, cho nên họ nhất định không muốn thấy em tiếp tục tự trách mình như vậy.” Giọng anh đã hơi khàn lại.
Tôi sà vào lòng anh, nước mắt lặng lẽ tuôn rơi: “Em biết, Thừa Hòa. Em biết.”
“Vậy bây giờ hãy đưa tay ra cho anh xem được không?” Anh nói.
Tôi buông cổ anh ra, ngoan ngoãn giơ tay ra trước mặt.
Mộ Thừa Hòa cúi đầu nhìn, không nói lời nào, lập tức đi lấy hộp thuốc rồi trở về bên tôi.
Máu đã đông đặc nhưng vì chạm phải nước, vết cắt đã bắt đầu nổi màu trắng. Anh cẩn thận sát trùng cho tôi, một ít thịt đã bị lồi ra ngoài, gặp phải cồn cảm giác như bị lửa đốt vậy, tôi bất giác kêu “á” một tiếng.
Tay anh run run, nhưng vẫn không nhìn tôi.
Đèn trong phòng không quá sáng, tôi ôm chầm lấy anh ngay khi chui ra khỏi chăn, đến khi tôi buông tay ra thì anh đã quay người đi ra ngoài lấy thuốc, vì vậy tôi vẫn chưa nhìn thấy được gương mặt của anh. Mãi đến bây giờ, tôi mới phát hiện, mắt anh cũng đỏ hoe.
Không biết là vì những lời nói lúc nãy hay tại vết thương của tôi.
Tôi vội vàng hỏi: “Anh sao thế? Anh sao thế?”
“Không có gì.” Anh tránh ánh nhìn của tôi.
Tôi nào chịu nghe theo, không cho anh bôi thuốc nữa, dùng hai tay giữ chặt gương mặt anh, bắt anh nhìn thẳng vào tôi. Đôi mắt ươn ướt càng long lanh. Anh không phản kháng nữa, cũng không giằng co nữa, chỉ cúi xuống, không nói lời nào.
Từ trước đến nay, bất kể trong trường hợp nào, dù gặp phải chuyện gì thì thứ đầu tiên mà anh mang đến cho tôi là nụ cười.
Anh chưa bao giờ để lộ cảm xúc tiêu cực của mình trước mặt tôi, dẫu có đau lòng hay khó chịu, anh cũng cười. Và khi cười, đôi mắt ấy sẽ hơi híp lại, sau đó khóe môi cong lên, cánh cửa sổ tâm hồn ấy vô cùng trong sáng.
Không chỉ ôn hòa hay khiêm nhường, thỉnh thoảng sự giảo hoạt cũng sẽ xuất hiện trên gương mặt này.
Và ngay lúc này, Mộ Thừa Hòa mà tôi nhìn thấy là như thế.
Lòng tôi nóng như lửa đốt, vội vàng giải thích với anh: “Em không đau, em không đau chút nào, từ nhỏ em đã rất nghịch ngợm, dây thần kinh đau cũng phản ứng chậm chạp hơn người khác. Hơn nữa, anh thấy đó, lúc nãy em đã khóc ướt cả áo của anh rồi, chuyện đau lòng cũng nói với anh rồi. Em không tự trách mình nữa, sau này mỗi khi em đau lòng, em sẽ nghĩ có một người sẽ đau lòng hơn em, như vậy em sẽ không buồn nữa, có chuyện gì em cũng sẽ nói với anh đầu tiên...”
Nghe tôi nói năng lộn xộn như thế, anh trầm ngâm một hồi mới tiếp lời tôi: “Hôm ấy, ở trước mặt mọi người, anh không nên buông bàn tay này ra.”
Tôi ngẩn ra, sau đó mới hiểu anh đang nói tới chuyện lần đó.
Hôm ấy, bắt gặp xe của Đại học A, đứng trước mặt của giáo viên và lãnh đạo trường, anh đã buông tay tôi ra. Đó là lần đầu tiên chúng tôi nắm tay nhau, chúng tôi đi sát bên nhau trên đường núi. Đường núi rất hẹp, thỉnh thoảng có xe chạy qua, anh nhìn thấy xe chạy tới bèn kéo tay tôi lại, cho tôi đi vào bên trong, và rồi không buông ra nữa, cứ thế đi. Tay của tôi lại nhỏ, khi anh nắm lấy tay tôi thì cả bàn tay tôi sẽ nằm trọn trong lòng bàn tay anh, lúc ấy trong lòng tôi như đang có một con hỷ tước nhảy nhót vì sung sướng. Nhưng khi gặp phải những giáo viên khác, anh đã thả tay tôi ra vẻ ngại ngùng.
Cũng từ lần đó, chúng tôi không hề nhắc đến chuyện này nữa, cũng không chạm vào tay đối phương nữa, nó đã trở thành một khu vực cấm.
Anh tiếp tục sát trùng cho tôi, rồi bôi “Vân Nam bạch dược” lên, sau đó, dán băng dính chống chảy máu, vô cùng cẩn thận.
Tôi cũng không dám xuýt xoa nữa.
Xong hết mọi việc, anh đột nhiên nói một câu: “Sau này sẽ không bao giờ như vậy nữa.”