Buổi tối, tôi ngồi trên sofa nghe anh kể rất nhiều chuyện, thậm chí cả chuyện của bố mẹ mình, anh cũng kể cho tôi nghe. Khi ấy, bố của Mộ Thừa Hòa du học ở Mỹ về, vào dạy học ở Đại học A và đã gặp mẹ anh.
“Họ quen nhau như thế nào?” Tôi hỏi.
Anh dường như hối hận vì đề cập đến đề tài này, nhưng không chống lại được sự tò mò của tôi, đành từ từ nói: “Lúc ấy mẹ là sinh viên của bố.”
Lập tức tôi ngớ người.
Anh lại nói: “Nghe nói, lúc còn trẻ, mẹ anh rất gan dạ và đáo để, còn bố tuy là du học sinh nhưng cũng khá bảo thủ, do đó phải nhiều năm sau họ mới kết hôn.”
Mộ Thừa Hòa chỉ dùng hai câu đơn giản dẫn dắt qua câu chuyện này, còn cụ thể bà Mộ gan dạ thế nào, ông Mộ truyền thống ra sao, hai người kết duyên bằng cách nào, anh không hề nhắc đến.
“Vậy sau đó?”
“Sau đó, họ ly hôn.” Anh bình tĩnh nói.
Tôi nghe xong, không nói được lời nào. Tôi những tưởng vì bố mình qua đời nên Mộ Thừa Hòa mới phải trưởng thành trong gia đình chỉ có mẹ, chứ tôi không thể ngờ rằng cuộc tình ấy lại có kết cục như vậy.
“Sau khi kết hôn, mẹ bắt đầu tham gia nhiều hoạt động, bố thì tiếp tục làm công việc nghiên cứu của mình, cơ bản là hoàn toàn tách rời với thế giới bên ngoài. Khi mới bắt đầu, họ cãi nhau, sau đó ly thân, cuối cùng là ly hôn.”
“Tại sao?”
“Tôi nghĩ có rất nhiều lý do, quan hệ xã hội, tính cách cá nhân, mục tiêu cuộc sống, bối cảnh gia đình đều không giống nhau, tất cả những điều ấy kết hợp lại nên dẫn đến kết quả đó.”
Một lát sau, anh lại nói: “Còn nữa, có lẽ cũng là vì tôi.” Trong câu nói hàm chứa cả việc tự trách mình.
“Thầy thì có liên quan gì?” Tôi sốt ruột hỏi.
“Từ lúc lên năm, tôi đã mắc bệnh đó, mọi người trong nhà đều dẫn tôi đi khắp nơi tìm phương pháp chữa trị. Thường thì rất hiếm khi trẻ em bị mắc bệnh này, bác sĩ nói có lẽ là di truyền cách thế hệ. Vì ông nội tôi cũng bị điếc khi còn mạnh khỏe, do đó mẹ đã oán trách ông nội di truyền bệnh này cho tôi. Lúc ấy bố rất giận, ông cho rằng lâu nay bên nhà ngoại đều xem thường mình, con trai đã theo họ mẹ rồi, bây giờ mắc bệnh cũng đổ lỗi cho bố. Cũng vì việc này mà họ ly thân, mẹ thì bận suốt ngày nên tôi sống với bố. Có một lần, tôi đi chơi bên hồ nước cạnh thư viện, nhất thời phát bệnh bị ngã xuống hồ, suýt nữa đã chết đuối. Không bao lâu sau thì họ ly hôn.”
Ngữ khí của anh rất lạnh, thoáng nghe qua còn tưởng là đang kể chuyện của người khác.
“Lúc ấy thầy bao nhiêu tuổi?” Tôi hỏi.
“Mười tuổi.”
Trong bóng đêm, tôi nhìn thấy Mộ Thừa Hòa không biết vô tình hay hữu ý đã nhìn về phía cửa lớn, trên khuôn mặt phủ lên một màn đau thương, rất mỏng, rất nhạt, tựa như trong suốt. Lúc ấy, tôi không hề biết phía sau câu chuyện này còn có một ký ức mà cả đời Mộ Thừa Hòa cũng không dám nhớ tới.
Dù trong lòng có nhiều nghi hoặc nhưng tôi cũng không dám hỏi thêm nữa. Tôi không thể ngờ rằng đã gần ba mươi tuổi mà những chuyện xưa ấy vẫn còn vướng bận trong lòng anh như vậy.
Vậy hiện giờ anh đang đứng trên lập trường nào? Sống trong ngôi nhà của bố, giữ khoảng cách với mẹ, dù cho ở bất kỳ nơi đâu nhắc đến anh cũng đều chỉ là Mộ Thừa Hòa, chứ không phải con trai của mẹ?
Trước khi đi ngủ, cuối cùng cũng đã có điện. Ánh sáng đột nhiên bừng lên, thoáng chốc đã kéo chúng tôi trở về thế giới hiện thực. Hai mắt tôi hơi khó chịu nên nheo nheo lại.
Trước khi trở về phòng, Mộ Thừa Hòa đột nhiên nói: “Tiết Đồng, tôi đã từng nói với em, thực ra tôi còn một người em gái chưa nhỉ?”
Tôi đứng yên như trời trồng: “... Chưa nói.”
“Về sau mẹ tôi đã tái hôn, em ấy là con của dượng, bằng tuổi em.”
Sáng sớm hôm sau, sau cơn mưa, trời quang mây tạnh.
Hôm nay là ngày cuối cùng hẹn với Mộ Thừa Hòa, đi hay không đi?
“Cậu vốn đã rất kiên quyết rồi mà, sao tự nhiên hôm nay lại giữa đường chùn bước vậy? Không phải là tối qua... hai người đã gì gì rồi chứ?” Bạch Lâm hỏi mập mờ.
“Cậu đúng là đồ háo sắc!” Tôi nói.
“Mình háo sắc hồi nào, hai người đã hôn rồi, phát triển thêm chút gì đó cũng là chuyện bình thường thôi. Trai đơn gái chiếc mà. Có không? Khai thật đi! Có không?”
“Không có!” Tôi biện bạch.
“Haizz!” Bạch Lâm thở dài thất vọng. “Hôm qua thầy có bảo cậu đừng đi không?”
“... Không có.”
“Vậy cậu còn do dự gì nữa, đi nhanh cho rồi. Nếu thầy không thích cậu thì sau này có gặp lại nhau cũng còn nói chuyện được. Nếu như thầy thích cậu...” Bạch Lâm chợt cười gian ác. “Thì cậu cứ cố tình đi đi, cho thầy tức chết luôn!”
Tôi đắn đo, mặc dù Bạch Lâm cũng thuộc loại người chẳng đâu vào đâu như tôi, nhưng cô ấy nói cũng đúng lắm. Sớm tìm cho mình một đường lui vậy.
Nghĩ thế, tôi đi lòng vòng trong nhà, nhân tiện dọn dẹp phòng khách cho anh.
Mấy hôm trước, anh mang từ đâu về một chai rượu đỏ, khi ấy chỉ tiện tay đặt trên giá đựng giày cạnh cửa ra vào. Tôi không biết nhiều về rượu, không biết phải để như thế nào, chỉ nhớ mang máng bên bàn ăn có một cái tủ, hình như tất cả rượu đều được cất trong đó.
Mở cái tủ ấy ra, có rất nhiều chai Vodka đập vào mắt tôi, nhưng tôi chợt nhìn thấy một chiếc hộp giấy hình chữ nhật, hình thoi, chiếc hộp màu xám được thắt bằng sợi dây màu tím, đơn giản nhưng xinh xắn.
Tôi những tưởng là một hộp rượu tây nhỏ nên mới tò mò mở ra xem. Ngờ đâu trong đó không phải là rượu, mà là một lọ nước hoa.
Sau khi rút ra kết luận này, tim tôi chùng xuống.
Đây là đồ dành cho phụ nữ đầu tiên tôi nhìn thấy trong ngôi nhà này.
Tôi chưa bao giờ dùng thứ này. Một là vì không có hứng thú với nó, hai là vì không có khả năng mua, một chai nhỏ xíu vậy thôi cũng ngốn mất một, hai tháng tiền sinh hoạt của tôi. Trái lại, Triệu Hiểu Đường thường xuyên dùng những loại này. Nhưng cô ấy chưa bao giờ tự mua cho mình, tất cả đều do “anh này”, “anh nọ” của cô ấy mua tặng.
Triệu Hiểu Đường từng nói: “Khi đàn ông không biết phải chuẩn bị quà gì cho phụ nữ, chắc chắn họ sẽ chọn kim cương hoặc nước hoa. Giá trị kim cương khá cao, còn nước hoa thì đa phần ai cũng thích.”
Lúc ấy, Bạch Lâm đã lườm cô ấy một cách khinh bỉ: “Mình thấy cậu hoặc là đi làm tình thánh, hoặc là đi làm ni cô, coi như cũng đã là hoàn toàn giác ngộ rồi. Chuyện lãng mạn tới đâu mà qua miệng của cậu cũng trở nên thô tục không chịu nổi.”
Chiếc hộp chưa từng được mở ra, nhìn vị trí đặt nó ban nãy thì thấy có lẽ nó đã được đặt ở đấy một thời gian rồi. Anh định tặng cho một người như thế nào nhỉ? Tại sao mua rồi lại để ở đây? Là vì chưa có cơ hội, hay vì gần đây tôi cứ ở đây mãi, làm anh không thể gặp người đó?
Chợt nhớ lại lời của Bạch Lâm: “Có khi nào thầy xem cậu là thế thân không?” Mộ Thừa Hòa nói: “Tôi có một đứa em gái, bằng tuổi với em.” Hai câu này cứ mãi văng vẳng bên tai tôi. Tôi biết tôi xem phim truyền hình quá nhiều, trí tưởng tượng đã được kích hoạt thành công, hơn nữa còn toàn là những tình tiết sến súa không thể chịu được. Nhưng càng nghĩ tôi lại càng cảm thấy khó chịu.
Tôi cẩn thận đặt hộp nước hoa về chỗ cũ, quay trở về phòng thu dọn hành lý.
Chưa đến trưa thì anh đã về, mang theo thức ăn, còn nói với tôi: “Tôi làm cá cho em ăn nhé!” Nói xong, anh hứng khởi đi tới kệ sách lấy sách dạy nấu ăn ra, vừa đọc vừa làm.
Một lúc sau, hương thơm tỏa ra từ bếp.
“Tiết Đồng! Ăn cơm thôi!” Anh mang hai đĩa thức ăn ra bàn ăn, đúng lúc nhìn thấy tôi cầm bàn chải đánh răng từ phòng tắm đi ra, bỏ vào hành lý.
Mi mắt anh khẽ lay động, anh lặp lại: “Ăn cơm thôi.”
Tôi không kén ăn, lâu nay người ta làm gì thì tôi ăn đó, nhưng không thể phủ nhận, đĩa cá này thật sự rất ngon. Chua chua ngọt ngọt là hương vị mà tôi thích nhất.
“Ký túc xá bên đó đã liên hệ xong rồi ư?” Anh hỏi.
“Ừm. Em ở cùng với một giáo viên mới đến, cũng vào tập huấn cùng đợt với em vào thứ Hai tuần sau.” Tôi cúi đầu ăn cơm.
“Còn thiếu gì không?”
“Không, cần gì em về nhà lấy là được.”
“Định khi nào đi?” Anh lại hỏi.
Khi nghe câu nói này, tôi ăn mà không thấy ngon, cơm nghẹn lại trong cổ họng, nhai được một lúc, tôi bực tức nói: “Ăn xong sẽ đi.”
“Tôi tiễn em.”
“Không cần đâu.” Tôi giận rồi.
Sau bữa cơm, tôi giành việc rửa bát, thoáng cái đã rửa xong, tôi thu dọn những vật dụng còn lại của mình.
Không khí như đông đặc.
Đồ đạc được tôi sắp xếp thành hai túi lớn, để ngoài cửa, sau đó tôi bắt đầu thay giày.
Mộ Thừa Hòa ngồi yên nhìn tôi làm tất cả những việc này, cuối cùng đi tới, cúi xuống xách đồ giúp tôi. Tôi muốn giằng lại đồ từ tay anh. Nhưng anh không buông tay.
Sau khi tôi bướng bỉnh giằng mạnh hơn chút nữa, anh mới chịu thỏa hiệp.
Tôi từ biệt: “Thầy Mộ, tạm biệt.” Nói xong, tôi liền đi ra, mở cửa.
Ngay khi cánh cửa vừa mở ra, tay của anh nhanh chóng đẩy sập cửa lại, chỉ nghe “rầm” một cái, cửa đã đóng lại.
Sự thay đổi đột ngột này làm tôi có chút ngỡ ngàng.
Mắt anh biểu lộ chút giận dữ, bờ môi bím chặt, tai đỏ bừng. Lần đầu tiên tôi nhìn thấy anh giận như thế, càng không ngờ đối tượng làm anh nổi giận lại là tôi.
Tôi nói: “Em sẽ biến mất ngay, không làm phiền thầy nữa đâu!”
Anh chợt hỏi: “Tiết Đồng, rốt cuộc em muốn tôi phải làm sao chứ?”
Tôi sững sờ.
Cho dù anh có nổi nóng thì cũng không thể không nói cho ra lý lẽ đúng không? Tôi dựa vào lý phản bác lại: “Làm sao gì? Người muốn em đi là thầy! Người hôn em trước là thầy! Sau đó, người bỏ mặc em cũng là thầy! Người suốt ngày tránh mặt em cũng vẫn là thầy! Người nhìn em thêm một giây cũng giống như bị kim châm vào mắt, cũng là thầy!”
Tôi càng nói càng căm giận bất bình, cuối cùng kêu cả họ lẫn tên anh ra: “Mộ Thừa Hòa! Em còn muốn hỏi, rốt cuộc thầy muốn thế nào?”
Anh bị những lời nói của tôi làm cho sững sờ, nét giận trên mặt bị thay thế bằng một cảm xúc khác: “Tôi...” vẫn không có lời tiếp theo.
Tôi xua tay, hất tay anh ra và nói: “Em đi đây.” Sau đó, tôi quay người mở cửa.
Lần này, hành động của anh còn nhanh hơn lúc nãy, bàn tay anh nhanh chóng ngăn tôi lại, sau đó áp sát vào tôi, đột nhiên hôn tôi, răng anh va chạm mạnh vào môi tôi, rất đau. Tôi muốn nghiêng đầu lẩn tránh, nhưng bị anh giữ chặt cằm, không thể cựa quậy. Càng giãy giụa thì anh càng kề sát hơn, đến tận giây phút này, tôi mới biết sức lực của một người đàn ông lại mạnh hơn phụ nữ nhiều đến thế.
Hơi thở cùng với nụ hôn của anh đột ngột bao trùm lấy tôi, mạnh mẽ và cuồng nhiệt. Khác hẳn nụ hôn đầu tiên, thậm chí anh cũng khác hẳn Mộ Thừa Hòa của ngày thường, khí thế ấy cơ hồ khiến tôi muốn ngất xỉu.
Thời gian dường như ngưng đọng.
Không biết đã qua bao lâu, anh buông tôi ra, nhưng mặt vẫn đối mặt, chóp mũi vẫn chạm vào chóp mũi.
Tôi mang đôi môi mọng đỏ, gương mặt không biểu lộ cảm xúc, nhìn thẳng vào anh.
Anh cũng vậy.
Và cứ thế, chúng tôi nhìn nhau rất lâu, đến khi hơi thở của cả hai đều trở lại bình thường, cuối cùng tôi không kìm nén được nữa, bật cười khì khì.
4
Nhưng Mộ Thừa Hòa lại không cười.
Sắc mặt của anh đã trở lại bình thường, mang tai cũng dần hết đỏ, nước da đã đen hơn một chút so với trước khi chúng tôi đi biển, nhưng vẫn không hề che lấp nét thông minh lanh lợi trên gương mặt ấy.
Anh kéo tôi vào lòng: “Đừng đi. Em đi rồi, anh sẽ không có dũng khí ở lại đây nữa.”
Một câu nói đơn giản vậy thôi, nhưng lại giống như hương thơm của hoa, dần dần lan tỏa trong không khí, khiến cơ thể tôi mềm nhũn.
Tôi nhận lời anh.
Buổi trưa hôm đó, Mộ Thừa Hòa giống như đứa trẻ vậy, ngồi nhìn tôi mở hai túi hành lý, xếp đồ trở lại vị trí cũ.
“Người có chỉ số IQ cao không có nghĩa EQ cũng cao”, xem ra những điều mà các nhà tâm lý nói quả nhiên đều là chân lý.
Kỳ nghỉ hè chính là thời gian để đào tạo và tập huấn cho giáo viên mới. Cái được gọi là tập huấn ở đây chính là họp, người của phòng Nhân sự phân công nhau mỗi người một đề tài, mỗi đề tài kéo dài một đến hai ngày, chủ yếu là nói về hệ thống điều lệ của nhà trường, và chúng tôi chỉ có việc ghi nhớ.
Vì là học viện cấp hai nên trường không nằm ở khu Tây của Đại học Sư phạm, cũng không ở cơ sở chính, mà ở địa điểm của một trường đại học chuyên ngành cũ của một thành phố khác. Chỉ trách tôi nhất thời mềm lòng, bị Mộ Thừa Hòa mê hoặc đã nhận lời ở lại nên giờ đây mỗi ngày đều phải đi sớm hơn một tiếng, cũng may xung quanh đây có nhiều tuyến tàu điện ngầm, nếu không với kiểu thời tiết oi bức thế này, tôi nghĩ tôi sẽ chết trên đường vì nóng nực mất. Chỗ ở trong ký túc xá ấy bây giờ trở thành chỗ nghỉ trưa của tôi.
Người bạn cùng phòng cũng là một giáo viên mới vào năm nay, tên Trương Lệ Lệ, vừa tốt nghiệp, cô ấy đã ký hợp đồng ở lại trường, do đó biết rõ về ngôi trường này hơn tôi.
Cô ấy nói: “Giáo viên ở đây ưu ái tôi lắm, công việc cũng dễ dàng hơn.”
“Mới đến mà đã quen hết rồi sao?”
“Tôi chưa nói với cô sao? Tôi tốt nghiệp trường này mà, tuy chỉ là một học viện cấp hai nhưng kiểu gì thì cũng là mang danh Đại học A, đúng không?”
“Ồ.”
“Cô Tiết, cô tốt nghiệp trường nào?”
“Đại học A.”
“Hệ chính quy?”
“Hệ chính quy.” Tôi vừa ghi chép vừa trả lời.
Mặt Trương Lệ Lệ biến sắc, nhưng cô ấy cười nói: “Thế mới nói công việc bây giờ không dễ tìm, dù là trường nào đi nữa, thi đỗ vào trường đại học danh giá thế nào đi nữa, tốt nghiệp rồi, ai cũng như ai thôi.”
Tôi biết cô ấy đang ám chỉ tôi và cô ấy tuy khác đường đi nhưng cũng cùng một đích đến mà thôi.