Mục lục
Truyện ngôn tình thầy trò
Thiết lập
Thiết lập
Kích cỡ :
A-
18px
A+
Màu nền :
  • Màu nền:
  • Font chữ:
  • Chiều cao dòng:
  • Kích Cỡ Chữ:

7


Chỉ còn mấy phút nữa là đến tiếng chuông Giao thừa, chúng tôi đã đi đến quảng trường Tân Giang. Quảng trường nằm ở nơi hội tụ của hai con sông nam - bắc nên có một phần nhỏ lưng chừng giữa không trung, có thể đứng dựa vào lan can thò đầu ra ngoài ngắm nhìn dòng sông dưới chân cuồn cuộn chảy về đông, có cảm giác như mình đang ở trên một con thuyền.


Ở một góc của quảng trường có một tháp chuông rất lớn, rất nhiều người đang ngẩng đầu chờ đợi thời khắc bước sang năm mới.


Lúc đó, pháo hoa sẽ được bắn lên nhiều nhất, từng đợt, từng đợt pháo sẽ liên tiếp nổ rực rỡ trên không trung. Thậm chí, khiến người ta không dám nhìn thẳng lên bầu trời, chỉ sợ tàn lửa rơi vào mắt.


Tôi nhìn pháo hoa bay lên không trung, đột nhiên nhớ tới vấn đề đã hỏi Bành Vũ: “Thầy Mộ.”


“Ừ?” Thầy trả lời, ánh mắt vẫn nhìn về nơi khác.


“Máy bay là dựa vào định luật Ber gì gì mà bay được lên ấy nhỉ...”


“Bernoulli.” Thầy nói.


“Thế khi máy bay thực hiện động tác nhào lộn, sao nó không bị rơi?”


Tôi nheo mắt nhìn về phía ánh mắt thầy đang dõi theo, hóa ra là một cậu bé đang cầm hương châm pháo, hình như rất nhát gan, ngòi pháo còn chưa kịp cháy đã ôm đầu, ba chân bốn cẳng chạy vào lòng mẹ, làm người lớn ai cũng bật cười.


“Sao đột nhiên em lại có hứng thú với với máy bay thế?” Thầy nhếch khóe môi, mỉm cười hỏi lại, nhìn tôi.


Khuôn mặt tôi lập tức đỏ bừng, cố ý ho mấy tiếng để che giấu sự ngượng ngùng, vội vàng giải thích: “Vì... vì lần trước em với Bành Vũ có nói về vấn đề này, em nghĩ, nếu mình hiểu rõ thì lần sau có thể lên mặt với nó, lấy lại sự uy nghiêm.”


Ánh mắt tôi càng nói càng kiên định, cuối cùng ngay cả tôi cũng không ngờ rằng tôi có hứng thú với máy bay là vì Bành Vũ. Thế nên có câu, muốn địch tin, trước hết phải tin chính mình.


“Thật ư?” Thầy nói không hề có ý xem thường. “Các em vẫn nói về vấn đề này à?”


“Dạ!”


“Em nói nhào lộn, chúng ta gọi là bay úp, tức là đảo ba trăm sáu mươi độ theo hướng thẳng đứng?”


“Đúng, đúng, đúng.” Tôi rất mừng vì thầy hiểu ý tôi.


“Em hỏi là tại sao khi máy bay bay úp lại không bị rơi chứ gì? Bay úp tức là phi công chân hướng lên trời, đầu hướng xuống đất.”


“Bingo, hoàn toàn chính xác.” Hiểu tôi chỉ có thầy Mộ.


“Thực ra, sở dĩ máy bay bay được là do rất nhiều tác dụng, không hoàn toàn chỉ dùng định luật Bernoulli để giải thích.”


“Vậy thì vì nguyên nhân gì ạ?”


“Hình dáng cánh máy bay đúng là có thể tạo lực nâng nhất định khi máy bay bay theo cách bình thường, nhưng lực nâng cánh máy bay hiện đại chủ yếu từ góc ngắm chiều cao, cũng chính là góc nhọn mà dòng không khí thổi qua cánh máy bay hình thành nên.” Thầy trầm ngâm một lúc, dường như đang suy nghĩ làm thế nào để giải thích dễ hiểu cho một người ngoài nghề như tôi. “Không biết em đã quan sát kỹ chưa, khi máy bay lộn nhào, đầu máy bay không thẳng, cũng không chúc xuống, mà hướng lên trên một chút. Nếu như là thí nghiệm, giữ một góc tờ giấy, sau đó em ra sức thổi phía dưới nó, nó sẽ bay lên.” Thầy lại nghĩ một chút rồi nói tiếp: “Nói đơn giản... nguyên lý này giống như chúng ta chơi thả diều, đầu phải hướng lên trên, tự nhiên sẽ có được lực nâng của không khí. Nhưng phải đảm bảo đầu hướng lên trời một góc thích hợp, khi lực nâng này lớn hơn lực hạ do hình dạng của cánh máy bay sinh ra, máy bay có thể bay úp.”


Khi thầy nói về chuyên ngành của mình, hai mắt sáng lên một cách kỳ lạ. Tôi hơi thất thần, rồi mới nghĩ đến những gì thầy giải thích, dường như đã hiểu, lại dường như chẳng hiểu gì.


“Tất cả máy bay đều có thể bay úp ư?” Tôi hỏi.


“Về lý thuyết là như vậy.”


“Lý thuyết? Vậy thực tế sẽ xảy ra vấn đề gì?”


Thầy cười nói: “Vì có một chuyện phiền phức, máy bay thông thường khi lộn ngược, bình xăng cũng sẽ đảo theo, nói không chừng còn bị ngừng tiếp xăng, dẫn đến động cơ đột nhiên tắt lửa.”


“Vậy phải làm sao ạ?”


“Thông thường máy bay quân dụng hoặc máy bay chuyên dùng biểu diễn, biện pháp đơn giản nhất chính là lắp một bình xăng ngược, đủ cung cấp cho máy bay bay úp trong khoảng ba mươi giây.”


Chúng tôi đang nói chuyện thì phía sau chợt vang lên tiếng chuông, sau đó mọi người bắt đầu đồng thanh đếm ngược mười giây cuối cùng trước khi bước sang năm mới. Tôi phấn khích nói: “Lúc này, ước nguyện sẽ linh lắm.” Tôi lập tức nhắm mắt, hai tay làm dấu thánh, sau khi thì thầm nguyện vọng trong lòng một lượt, vừa khéo còn ba giây nữa là đến Giao thừa.


“3.”


“2.”


“1.”


Vào thời khắc đầu tiên ấy, tôi lập tức quay lại, hét lên thật to: “Chúc mừng năm mới!”


Trong khoảnh khắc ấy, tiếng pháo nổ ran, bầu trời đêm rực sáng như ban ngày, mọi người nhốn nháo. Trước khung cảnh đó, tôi không kiềm chế được tình cảm, dang hai tay định ôm lấy thầy.


Đang dang tay, tôi mới nhận ra mình đã hơi quá khích, cánh tay khựng lại, nhưng lúc này thu lại cũng không được, tiếp tục cũng chẳng xong, tôi lúng túng vô cùng.


Mộ Thừa Hòa lại hơi tiến về phía trước, sau đó cúi đầu, ôm lấy tôi.


Rất nhẹ, rất nhẹ.


Thầy dường như chỉ chạm nhẹ ngón tay lên lưng tôi.


Nhưng dù chỉ như vậy, cách một lớp áo dày cộp, động tác này vẫn khiến tim tôi loạn nhịp.


Khuôn mặt tôi tựa vào vai thầy, tôi ngửi thấy mùi cơ thể của thầy.


Chỉ ngắn ngủi có vài giây, nhưng lại khiến tôi cảm thấy dài như cả một thế kỷ, thậm chí còn có chút lưu luyến.


Thầy nói: “Tiết Đồng, chúc mừng năm mới!” Rồi thầy lập tức buông tôi ra, không để lại chút dấu vết, ánh mắt phẳng lặng, một khuôn mặt chính trực.


Trái tim vốn đã bị lấp đầy của tôi lại nhen lên chút buồn.


Mười phút sau Giao thừa, dòng người bắt đầu lục tục tản ra. Có người về nhà, có người tiếp tục đi chơi thêm một vòng nữa.


Giao thông bỗng chốc bị tắc nghẽn.


Tuy xe của thầy đỗ cách đấy không xa nhưng ban nãy uống rượu, thầy không thể lái xe đưa tôi về. Lúc này, xe buýt và tàu điện ngầm đã hết chuyến.


Đã uống một chút rượu, lại đi bộ trong đêm đông, đúng là rất lạnh. Gió thổi rất mạnh, mái tóc tôi buông dài nên bị thổi bay lòa xòa, quất vào hai má rất đau.


Mộ Thừa Hòa giữ tôi lại một quán bán pháo nhỏ chưa đóng cửa. Chủ quán là một bác trung niên đang thắp nến trắng, mở một cái ô lớn dựa vào tường, vừa khéo để tôi có thể tránh gió.


Sau đó, thầy tự mình bước ra giao lộ, mặc cho gió táp vào người, giúp tôi gọi taxi.


Bây giờ thật khó, xe ít người nhiều, tính tình thầy lại rất tốt, vất vả đứng đợi mãi mới có một chiếc xe thì đúng lúc đó có người chặn xe lại, vừa nhìn thấy đối phương là nữ, thầy không nói nhiều lời, liền nhường xe cho người ta.


Hơn mười phút sau, thầy quay lại, trên gương mặt lộ rõ sự thất vọng mà thường ngày chưa từng thấy.


“Đây chắc chắn là việc khó nhất trên đời.” Thầy nhíu mày nói.


8


Tôi nhìn thấy mũi của Mộ Thừa Hòa đỏ ửng, chắc là hít phải rất nhiều gió lạnh rồi, vội nói: “Để em bắt xe.”


Thầy lại nói: “Thôi không cần. Tôi đi lấy xe chở em về nhà.”


“Không được, thầy đã uống rượu.” Sớm biết thì lúc nãy đã không xúi giục thầy rồi.


“Giờ này chắc cảnh sát cũng nghỉ làm rồi.”


“Ai bảo cảnh sát nghỉ làm, chẳng phải mẹ em đang đi làm đó sao?” Tôi lắc đầu, nhất quyết không chịu.


Bố tôi lái taxi, lâu nay gia đình tôi vô cùng nhạy cảm đối với vấn đề này.


“Về nhà cũng chỉ có một mình sao?” Thầy hỏi.


“Ừm.”


“Vậy...” Thầy suy nghĩ. “Đến chỗ tôi vậy, tôi cũng chỉ có một mình.”


Lúc này tôi mới nhớ ra, chỗ ở mà thầy dắt tôi và Bạch Lâm đến rất gần đây.


“Thế còn thầy Trần ạ?” Tôi nhớ thầy từng nói nhà đó của Trần Đình.


“Trần Đình ở chung với bạn gái, nhường nhà lại cho tôi rồi.”


Sống chung?


Tôi lảo đảo.


Thì ra... giáo viên cũng sống chung với người khác.


Lúc còn nhỏ, tôi cứ tưởng giáo viên giống như thần thánh. Mẹ tôi thường nói với người ngoài: “Con bé nhà tôi không nghe lời ai hết, nhưng cô giáo của nó nói gì, nó xem như là thánh chỉ vậy.”


Vài tháng sau khi đến trường, tôi phát hiện ra, thì ra giáo viên cũng phải ăn cơm, cũng phải đón con, cũng phải đi vệ sinh... Đúng là mộng tưởng tan thành mây khói!


Giờ Mộ Thừa Hòa lại nói với tôi, giáo viên cũng sống chung với bạn gái, hơn nữa còn là thầy Trần Đình của trường chúng tôi, người thầy mà bấy lâu nay tôi vẫn kính trọng.


Chúng tôi đi bộ khoảng hơn mười phút thì đến nơi.


Lần thứ hai đến đây, cảm giác không giống lần trước.


Ban công bên ngoài phòng khách có thể nhìn thấy quảng trường Tân Giang - nơi mà chúng tôi vừa đón năm mới. Dưới màn đêm, thỉnh thoảng vẫn còn một hai đóa pháo hoa rực nở. Hai chúng tôi đều lạnh đến cứng người rồi.


Thầy đi trải giường, tôi đi tắm nước nóng. Vật dụng trên bồn rửa tay rất ít, chỉ có một cái cốc súc miệng, một bàn chải đánh răng, một chiếc máy cạo râu và một chiếc hộp nhỏ đựng thuốc, không có vật dụng của phái nữ.


Tôi bỗng nhiên thấy tâm trạng vui vẻ, tắm xong liền thay bộ đồ ngủ mà thầy chuẩn bị cho tôi, tôi xắn ống quần và ống tay áo lên rồi mới rón rén đi ra ngoài.


Mộ Thừa Hòa đang thu dọn sofa, tôi thì ngắm nghía kệ sách đặt ở phía sau ghế.


Trên đó có rất nhiều sách chuyên môn của Mộ Thừa Hòa. Ngoài sách tiếng Nga, tiếng Anh, còn có sách tiếng Trung Quốc, tất cả đều là những cuốn kinh điển. Ở ngăn thấp nhất của kệ sách có trưng bày một số mô hình máy bay đủ loại, nhìn rất thật, thậm chí còn có mô hình một chiếc thuyền.


Tôi chỉ vào nó, đặt một câu hỏi ngớ ngẩn: “Thuyền gì vậy ạ? Sao boong tàu to thế?”


Ánh mắt thầy thoáng ý cười: “Là hàng không mẫu hạm.”


Ờ... Đúng là tôi không biết gì.


Một lúc sau, thầy đưa cho tôi ly nước ấm. Tôi vô tình chạm vào ngón tay thầy, hơi nóng, nhưng vì nghĩ thầy mới rót nước nóng nên không mấy để tâm.


Trước khi ngủ, tôi quay ra phòng khách lấy túi xách, nhìn thấy thầy đang ngồi ở sofa, sắc mặt và môi có chút nhợt nhạt, liền hỏi: “Thầy bị sao vậy?”


Thầy như đang thừ người ra, phải mất hai, ba giây sau mới dịch chuyển ánh mắt từ nơi khác sang phía tôi, hai hàng lông mày nhíu chặt, một lúc sau mới khe khẽ nói: “Có lẽ hơi sốt.”


“Sốt?” Tôi vừa nghe thấy từ này liên lập tức chạy đến bên cạnh, đưa tay sờ trán thầy, quả nhiên nóng đến bỏng tay.


“Tự nhiên sao lại bị sốt?” Tôi sốt ruột. “Có phải vì trúng gió đêm không?”


“Không sao, ngủ một lát sẽ khỏi.” Thầy trấn an tôi.


“Bị sốt, ngủ cũng không dễ chịu đâu.”


Mộ Thừa Hòa không muốn tiếp tục tranh cãi với tôi, xua xua tay: “Em đừng lắc nữa, lắc nữa, tôi đau đầu đấy.” Sau đó, đầu mày thầy nhíu chặt, tựa đầu vào sofa, nhắm mắt lại.


Chắc là thầy rất khó chịu đây, cũng muốn yên tĩnh nữa. Tôi không dám nói thêm gì, đảo mắt nhìn quanh để tìm tủ thuốc.


Nhìn mãi mà không thấy đâu, tôi chợt nhớ ra trên bồn rửa tay có một hộp thuốc, liền chạy vào phòng tắm, quả nhiên phía sau tủ kính có rất nhiều thuốc. Bình thường mẹ bị bệnh cũng đều do tôi chăm sóc nên tôi cũng biết khi cảm sốt phải uống thuốc gì.


Tôi rót một ly nước ấm, tìm loại thuốc trong tủ có công thức phù hợp với loại thuốc trị cảm sốt mà tôi nhớ, đặt nó lên bàn rồi xem hướng dẫn sử dụng.


Thầy mở mắt, nhìn tôi, nói: “Không cần phải đọc, tôi không uống thuốc đâu.”


Tôi khựng lại, quay qua nhìn thầy.


“Vì sao?”


“Tôi đang uống một loại thuốc khác, loại thuốc ấy không thể uống kết hợp với thuốc cảm sốt được.”


“Vậy phải làm sao?” Không lẽ cứ để như vậy.


“Tôi muốn nằm nghỉ một lát, em vào phòng ngủ đi.”


Cho dù là đang sốt cao, thầy vẫn nói mạch lạc hơn tôi.


Tôi nhìn thầy do dự.


“Em còn muốn tôi phải tập trung tinh thần để chỉ bảo em sao?” Thầy nhắm mắt nói.


Tôi không dám trái lời thầy thêm lần nữa, tin rằng thầy biết bệnh của mình, nên quay vào phòng ngủ, cũng không tranh luận thêm với thầy vấn đề giữa người khỏe và người ốm, ai nên ngủ trong phòng hơn.


Tôi đi được vài bước, không mấy an tâm, lại quay đầu nói: “Nếu thầy có việc gì, nhất định phải gọi em.”


Dường như thầy không nghe thấy mà ngẩn người nhìn tôi.


Tôi lặp lại một lần nữa, thầy nhìn khẩu hình của tôi, sau đó mới từ từ gật đầu.


Tôi không đóng cửa phòng, chỉ sợ bên ngoài có động tĩnh gì sẽ không nghe thấy. Tôi nằm trên giường nhưng không tài nào chợp mắt được, hai mắt mở to, nhìn chăm chú lên trần nhà. Bên ngoài phòng khách có tiếng sột soạt, có lẽ là thầy đang giở chăn ra đắp.


Lập tức, cả thế giới trở nên yên tĩnh vô cùng.


Rất lâu sau, không còn nghe thấy tiếng động ở bên ngoài nữa.


Phải chăng thầy đã ngủ rồi?


Tôi lật người, đợi thêm một lúc lâu nữa, vẫn không nghe thấy động tĩnh gì, liền khẳng định thầy đã ngủ, bèn rón rén nhón chân đi ra ngoài.


Tôi sợ thầy phát hiện ra nên không dám di dép, khẽ khàng đi chân không ra đến sofa, muốn kiểm tra nhiệt độ trên trán thầy, nhưng lại không dám chạm vào vì sợ đánh thức thầy, thế là tôi ngồi xuống bên cạnh sofa, mơ mộng hão huyền có thể qua quan sát những biểu hiện bên ngoài của thầy mà đoán biết được bệnh tình.


Hai mắt Mộ Thừa Hòa nhắm chặt, chân mày hơi nhíu lại, giấc ngủ không sâu. Qua nhịp thở của thầy, có thể đoán ra thầy vẫn còn đang sốt. Tôi vô tình nhìn thấy ly nước trên bàn đã cạn, liền đứng dậy, đi vào bếp rót thêm ly nữa.


Bị sốt không uống thuốc, vậy chỉ có thể uống nhiều nước thôi.


Lúc quay lại, tôi phát hiện vì bị sốt nên thầy ra nhiều mồ hôi, tay đã rút ra khỏi chăn. Tôi đặt ly xuống bàn, sau đó cẩn thận để tay thầy vào trong chăn.


Đúng lúc này, chân mày của Mộ Thừa Hòa nhíu chặt, miệng ú ớ nói mê, sau đó túm chặt lấy ngón tay tôi.


Tôi giật thót tim, nhìn ngón tay mình, rồi lại nhìn gương mặt thầy, cho đến khi phát hiện ra thầy chưa tỉnh dậy, tôi mới an lòng.


Nhưng tiếp đó đến lượt tôi bị khó xử.


Tay tôi bị thầy nắm chặt, nên rút ra hay là để nguyên đây?


Tôi ngồi xổm bên sofa, do dự không quyết định được.


Ngón tay tôi tiếp xúc với lòng bàn tay trái của thầy, bàn tay nóng hừng hực quả thực cũng làm tôi nóng lên một chút.


Là tay trái của Mộ Thừa Hòa.


Là bàn tay trái len lén viết chữ trên bảng đen, là bàn tay trái gắp thức ăn cho tôi, là bàn tay trái gõ lên bàn nhắc nhở tôi không được lơ là trong lớp học, là bàn tay trái cởi khăn choàng ra, khoác lên cổ tôi, và... là bàn tay trái ôm tôi lúc nãy.


Một lúc sau, tay thầy từ từ thả lỏng ra. Nhưng tôi lại luyến tiếc không muốn rời, tôi cứ ngồi như vậy, nghiêng người tựa đầu trên sofa, ngắm nhìn gương mặt thầy.


Không biết trải qua bao lâu, hơi thở của thầy dần ổn định. Mí mắt của tôi cũng từ từ nặng trĩu, cuối cùng không chịu nổi nữa, tôi thiếp đi.

Danh Sách Chương:

Bạn đang đọc truyện trên website TruyenOnl.COM
BÌNH LUẬN THÀNH VIÊN
BÌNH LUẬN FACEBOOK