Mục lục
Truyện ngôn tình thầy trò
Thiết lập
Thiết lập
Kích cỡ :
A-
18px
A+
Màu nền :
  • Màu nền:
  • Font chữ:
  • Chiều cao dòng:
  • Kích Cỡ Chữ:

4


Tôi vội vã chạy xuống tầng, nhắn tin cho Bạch Lâm, nhờ cô ấy mang cặp của tôi về phòng.


Bạch Lâm trả lời: “Cậu không học nữa sao? Còn một tiết mà.”


Tôi nhắn lại: “Không thể.”


Bạch Lâm lại hỏi: “Bị sao vậy?”


Tôi viết: “Đau bụng.”


Tôi trở về phòng ký túc, mở máy vi tính. Lướt mạng một hồi vẫn không nghĩ ra nên làm gì, thế là lên giường nằm dài, rồi lấy ví ra, chăm chú nhìn tấm ảnh của bố, bỗng thẫn thờ.


Không biết là đã trải qua bao lâu, điện thoại trong áo khoác của tôi đột nhiên reo lên.


Gọi điện thoại cho tôi thực ra cũng chỉ có vài người đó, tôi không suy nghĩ gì nhiều, bật máy, “a lô” một tiếng.


“Tiết Đồng.”


Nghe thấy giọng của thầy, tim tôi như nghẹn lại: “Thầy... thầy Mộ?”


“Đi đâu rồi? Tiết của tôi mà cũng dám trốn!”


“Em...” Tôi nhất thời không nghĩ ra phải nói gì.


“Cô bé, tiết học cuối cùng rồi mà cũng không nể mặt người thầy này sao?”


Tôi thấy vô cùng căng thẳng, giải thích linh tinh một hồi rồi cúp máy.


Đến khi tiếng nói: “Tạm biệt” của thầy đã hoàn toàn tan biến, trong lòng tôi lại dâng lên một nỗi u sầu khó tả.


Tuy nhiên, cảm giác rầu rĩ này không duy trì được bao lâu thì đã bị những bài thi ồ ạt ập tới nhấn chìm. Sau nửa tháng chiến đấu, cuối cùng chũng tôi cũng bước vào kỳ nghỉ đông.


Trong kỳ nghỉ đông, tôi nhận dạy một lúc ba lớp.


Ngoại trừ cậu nhóc Bành Vũ thường xuyên nhắc đến Mộ Thừa Hòa, cuộc sống của tôi dường như không còn bất kỳ giao điểm nào với thầy nữa. Trái lại, Lưu Khải dần thân thiết với tôi hơn.


Lưu Khải cũng là người sống ở đây. Hiển nhiên là cậu ấy khác hẳn tôi, kỳ nghỉ đông của cậu ấy nhàn rỗi vô cùng, cứ vài ba ngày lại gọi điện cho tôi, nếu không phải là rủ tôi đi xem hội hoa đăng thì cũng là hẹn hò đi xem phim.


Một, hai lần đầu tôi đều tìm lý do từ chối, sau này thật sự không khước từ được nữa, thế là tôi dắt Bành Vũ đi theo.


Lưu Khải đứng trước cổng công viên, nhìn thấy tôi dắt theo một ngọn đèn, ánh mắt ảm đạm hẳn.


Bành Vũ lén lút đi phía sau Lưu Khải, nói thẳng với tôi: “Cô Tiết, chắc chắn anh này có ý đồ xấu với cô.”


“Xì, em thì biết gì chứ?”


“Thật không ngờ!” Bành Vũ cảm thán.


“Không ngờ cái gì?”


“Cô Tiết như vậy mà cũng có người theo đuổi.”


Tôi lườm nó một cái: “Nhóc con, cô sẽ giận đấy!”


Thế nhưng, thực tế chứng minh việc tôi dẫn theo Bành Vũ đi cùng là vô cùng đúng đắn. Lúc ba chúng tôi đang đi trong khu vui chơi, Lưu Khải đề nghị: “Mình ngồi đu quay đi.”


Bành Vũ nhìn cậu ấy với vẻ mặt kinh ngạc: “Anh Lưu Khải, lâu nay em cứ tưởng đu quay là trò chơi yêu thích của những cô gái thời thanh xuân, không ngờ anh cũng có thú vui này?”


Lưu Khải đành giải thích: “Những trò như tàu hải tặc rất mạo hiểm, anh sợ Tiết Đồng sẽ sợ.”


“Thật ra, mình không sợ mấy.” Tôi nói rõ.


“Em cũng không sợ.” Bành Vũ phụ họa theo.


Và thế là, chúng tôi mua ba vé tàu hải tặc.


Lưu Khải nói một cách lẫm liệt: “Tiết Đồng, nếu cậu sợ thì đừng kìm nén, nhắm mắt lại rồi túm chặt lấy mình, hét lớn lên là được.”


Tôi nhìn Lưu Khải, cười nói: “Ừm.”


Chúng tôi nói chuyện thì Bành Vũ đã ngồi vào vị trí chính giữa, vỗ vỗ vào chỗ bên cạnh, nói: “Cô Tiết, mau lên!”


Tôi và Lưu Khải đành ngồi ở hai bên.


Khung an toàn hạ xuống, thuyền bắt đầu dao động, rồi từ từ lên cao, lên tới điểm cao nhất thì đột ngột rơi ngược xuống, cảm giác không trọng lượng lấp đầy buồng tim, làm tim tôi như chợt rút nhỏ lại. Tôi mở mắt, hưởng thụ cảm giác thoải mái khi gió vút qua bên tai. Từ nhỏ, tôi đã không sợ trò này, đến sinh nhật đều nài nỉ bố dẫn tôi tới đây.


Có một lần, trên đường đến đây, bố làm rơi mất mười đồng duy nhất trong túi. Lúc ấy, mười đồng đã là một số tiền không nhỏ, bố rất sốt ruột, bảo tôi đứng yên đừng đi đâu chờ bố đi tìm.


Sau đó, tôi không còn nhớ cuối cùng bố có tìm được hay không.


Bước xuống thuyền hải tặc, mặt của Lưu Khải tái xanh, bước đi cũng loạng choạng.


“Cậu vẫn ổn chứ?” Tôi dừng lại hỏi cậu ấy.


Lưu Khải tập trung lấy lại tinh thần rồi nói với tôi: “Khỏe chứ! Cậu còn muốn chơi trò cảm giác mạnh nào nữa không? Chúng ta tiếp tục.”


Nghe xong câu nói này, tôi chợt thấy hơi áy náy, chúng tôi không nên bắt nạt cậu ấy như vậy.


Không biết cậu ấy chỉ đơn giản là có thiện cảm với tôi hay thật sự thích tôi?


Thích một người không có gì sai.


Tôi nói: “Cũng mệt rồi, hai người đói không? Mình mời ăn mì.”


“Không được, để mình mời.” Lưu Khải nói.


Chưa kịp ngồi vào chỗ, Bành Vũ lại hỏi: “Rốt cuộc là anh trả, hay là cô Tiết trả? Hai người đã thương lượng xong chưa? Thương lượng xong rồi thì em gọi món.”


Tôi không hài lòng nói: “Hai chúng tôi, ai trả tiền thì có liên quan gì đến việc em gọi món hả?”


Bành Vũ nói: “Đương nhiên là có liên quan.” Nói xong, nó còn nháy mắt với tôi.


Tôi chợt nhớ đến lần Mộ Thừa Hòa mời ăn trưa, gương mặt hào phóng lẫm liệt của nó khi cầm thực đơn. Vậy tên nhóc này định... Tôi trả thì nó tiết kiệm một chút, người ta trả thì nó sẽ xa xỉ rồi...


Bất giác, ba chữ Mộ Thừa Hòa lại lẻn vào suy nghĩ, tôi định thần lại, vội vàng xua đi.


Trong lúc trò chuyện, nói đến việc Lưu Khải học về máy vi tính, Bành Vũ đột nhiên hỏi: “Vậy anh có biết tính nhẩm không?”


Lưu Khải bối rối dừng đũa, hỏi lại: “Tính nhẩm ư?”


“Ví dụ như nhẩm 1444 x 1444 bằng bao nhiêu trong vòng một giây.”


Lưu Khải cười. “Sao mà làm được? Não của anh đâu phải là máy tính.”


“Cô Tiết học ngoại ngữ, nói tiếng Anh giống y như người nước ngoài. Anh học về vi tính, vậy thì não của anh cũng phải giống như máy vi tính chứ!”


“...” Đây là kiểu suy luận gì vậy?


Một lúc sau, Bành Vũ lại nói: “Học vi tính tức là thuộc về ngành tự nhiên rồi, vậy môn Vật lý của anh chắc giỏi lắm?”


“Bình thường thôi.” Lưu Khải đáp. “Chẳng qua là đã gác lại môn đó từ lâu lắm rồi.”


“Vậy anh có biết vì sao máy bay có thể bay không?” Bành Vũ hỏi.


Đến đây thì tôi đã hiểu, nhóc con cố tình làm Lưu Khải bẽ mặt đây mà.


“Là do định luật Bernoulli[26].” Lưu Khải xem ra không biết nội tình, còn định tốt bụng giải thích cho Bành Vũ. “Bernoulli nói, trong một hệ thống thể lưu (không định hình, luôn luôn di chuyển), ví dụ như trong khí, chất lỏng, tốc độ dòng chảy càng nhanh thì áp lực do thể lưu sinh ra càng lớn. Khi máy bay đạt đến một vận tốc nhất định, sinh ra một áp lực cực lớn, không khí sẽ nâng máy bay lên.”


[26] Daniel Bernoulli (1700-1782): người đầu tiên xây dựng lý thuyết khí động học, ông đã áp dụng các ý tưởng để giải thích các định luật của Boyle.


Bành Vũ tỏ vẻ ngây thơ, ham học hỏi: “Nhưng trên dưới đều có áp suất mà, với vận tốc bằng nhau thì áp suất phía trên và phía dưới cũng như nhau, chẳng phải sẽ không bay nổi sao?”


Tôi rất muốn hỏi, máy bay của người ta bay không nổi thì liên quan gì đến nhóc hả?


Lần này thì Lưu Khải bí thật rồi. Cậu ấy gãi gãi đầu: “Vậy thì anh không biết rồi.”


Bành Vũ nhướn mày, tỏ vẻ khinh thường ghê gớm.


Tôi nói: “Chẳng lẽ em biết?”


Bành Vũ gật đầu: “Đương nhiên rồi, em từng hỏi thầy Mộ mà.”


5


“Thầy Mộ?” Lưu Khải bối rối.


“Là thầy giáo trong trường chúng ta.” Tôi giải thích.


“Thầy Mộ nói cánh của máy bay được thiết kế mặt trên và mặt dưới khác nhau. Phía trên được thiết kế cong theo hình giọt nước, do đó khoảng cách lớn, cùng một thời gian, nếu dòng khí lưu thông qua khoảng cách càng dài thì tốc độ càng nhanh. Trái lại, bên dưới là mặt phẳng, tốc độ lưu động nhỏ. Căn cứ vào định luật Bernoulli anh vừa nói, tốc độ càng lớn thì áp suất càng cao, cho nên máy bay chính là nhờ sự chênh lệch áp suất này để bay lên.”


Tôi nghe mà cứ như trên mây trên gió, phải một lúc lâu sau mới hiểu ra hình như là áp suất trên nhỏ hơn áp suất dưới nên mới bay được.


Lưu Khải cũng không giận Bành Vũ trêu chọc mình. Nghe xong, Lưu Khải suy nghĩ một lúc, rồi nét mặt tươi cười: “Thì ra là như vậy, đúng là được biết thêm kiến thức rồi.”


Thấy đối phương biểu dương mình như thế, vẻ mặt của Bành Vũ thật giống như là cái đuôi sắp vểnh lên trời rồi vậy. Nó nói một cách đắc ý: “Cái này chỉ là chuyện nhỏ thôi mà.”


“Nhưng mà... thầy Bành à...” Tôi cố tình làm khó nó. “Có một điểm em không hiểu.”


“Gì vậy?”


“Thầy xem ti vi có thấy máy bay chiến đấu của Mỹ lộn ngược không?”


“Ừm.” Bành Vũ gật đầu.


“Nói như thầy, khi máy bay lộn ngược...” Tôi xòe tay ra làm động tác lật ngược lại. “Thì cánh của nó sẽ bị đảo ngược mặt trên và mặt dưới rồi, vậy sao không thấy nó rơi xuống?”


“Cái này...” Bành vũ vắt óc một hồi. “Lúc đó em không hỏi đến vấn đề này nên không nghe được lời giải thích của thầy Mộ.”


Vậy là hòa.


Trên đường về, tôi nói: “Em đâu thể lấy nhược điểm của người khác để hạ thấp người ta chứ! Lưu Khải cũng có điểm lợi hại đấy, đội nghiên cứu robot của anh ấy năm ngoái đã vào được chung kết toàn quốc. Mỗi người đều có ưu điểm và tài năng riêng của mình, nếu em bảo thầy Mộ làm một con robot, chắc chắn cũng sẽ làm khó thầy.”


Bành Vũ quay mặt qua hướng khác, bĩu môi: “Nhưng em vẫn thích thầy Mộ đấy. Cô và Lưu Khải một nhà, em với thầy Mộ một nhà vậy.” Nói xong, nó có vẻ buồn buồn.


“Em nhỏ mọn vậy sao?” Tôi chọc nó.


“Cô Tiết, cô thiên vị!”


“Cô thiên vị hồi nào?”


“Cô bảo em đi cùng, không phải là cố tình để em làm kỳ đà, đả kích anh Lưu Khải kia sao?”


Tôi chớp chớp mắt, nó cũng hiểu lý lẽ ghê.


“Nhưng mà cô lại mềm lòng rồi. Cô cảm thấy em ăn hiếp anh ta nên cô đã quay lại phản công em. Em giúp cô, cô giúp anh ta. Cô nói xem, cô làm vậy không phải thiên vị thì là gì?” Nó nói với vẻ uất ức.


Tôi ngớ người, nó nói không sai chút nào, tôi liền xoa xoa đầu nó tỏ ý xin lỗi.


Nó vẫn không thèm đoái hoài.


Tôi nói: “Thôi mà đừng giận nữa, lần sau mời em ăn KFC xem như chuộc tội.”


“Trong quán KFC có nhiều thức ăn như vậy, cô lại keo kiệt thế, đến lúc đó cô mua cho em một ly Coca là coi như xong chuyện rồi.”


“Khao em ăn phần gia đình, được chưa?”


“Thêm một cái bánh trứng nữa.”


Tôi cắn răng: “Được.”


“Chắc chắn chứ?”


“Chắc chắn.” Tôi gật đầu, cảm thấy trái tim đang rỉ máu.


Nó quay lại, cười tươi như hoa: “Vậy em không giận nữa.”


Đúng là vỏ quýt dày có móng tay nhọn.


Tôi chém Mộ Thừa Hòa, giờ thì Bành Vũ chém tôi.


Buổi chiều tối Ba mươi tết, tôi và mẹ qua nhà bác cả ăn bữa cơm tất niên. Lúc ăn sủi cảo, tôi vừa cắn một miếng, đã trúng ngay phải đồng năm xu trong cái bánh đó.


Chị họ nói: “A, cái bánh đó là do chị gói đấy. Chà chà, năm mới Tiểu Đồng chắc chắn sẽ gặp vận may.”


Tôi từ từ nhè đồng xu đó ra.


Bà nội nói: “Chỉ mong tìm được việc làm tốt, tự nuôi sống mình.”


Bác gái nói: “Mẹ, yêu cầu của mẹ là hơi thấp đấy.”


“Phải đó, bà à, cháu còn phải nuôi bà, nuôi ông của cháu, nuôi mẹ của cháu nữa.”


Bà nội tiếp tục ăn, không nói gì nữa.


Tôi chợt nhớ ra một chuyện: “Chị, lúc bỏ tiền vào bánh chị đã rửa sạch chưa vậy?”


Cho dù bác trai, bác gái thuyết phục thế nào, ăn tối xong chúng tôi vẫn cáo từ ra về, không ở lại đón Giao thừa cùng mọi người.


Xuống đến dưới nhà, mẹ nói: “Thật ra mẹ thấy con ở lại đón Giao thừa với mọi người vẫn hơn. Dù gì đến chín giờ mẹ cũng phải đi trực.”


Tôi tiếp tục đi về phía trước: “Ở lại thì có gì hay chứ? Ồn ào, khó chịu. Cũng may tối nay chỉ có một chương trình để theo dõi, nếu là ngày thường, để quyết định được xem kênh nào cũng phải tranh nhau nửa ngày trời.”


Lâu nay bà nội vẫn ở với bác cả, anh chị họ đều do bà chăm nom, vì thế tình cảm thân thiết hơn tôi. Nhìn gia đình năm người người ta hòa thuận, vui vẻ, tôi thấy mình giống như người thừa vậy.


Tôi tiễn mẹ đến đầu đường quảng trường đợi xe cảnh sát đến đón mẹ đi trực.


Mẹ nói: “Con mau bắt xe về nhà đi, đừng lang thang bên ngoài nữa, buổi tối không an toàn đâu.”


Tôi cười hì hì: “Có gì mà không an toàn chứ? Hôm nay người xấu cũng nghỉ làm rồi.”


Mẹ gõ đầu tôi rồi quay người bước lên xe.


Tôi lặng lẽ bước lững thững trên đường, phố thưa thớt người qua lại, hầu như họ đều đang vội vã trở về nhà.


Tôi lấy điện thoại ra xem giờ mới phát hiện ra mình đã nhận được rất nhiều tin nhắn chúc Tết, tin nào cũng khiến tôi bật cười sảng khoái. Tâm trạng bỗng dưng vui vẻ hơn nhiều, tôi chọn tin nhắn có ý nghĩa nhất, ký tên mình ở cuối xong, bấm nút gửi đi. Không đến một phút sau, các tin nhắn trả lời đã lần lượt được gửi tới.


Cùng lúc đó, điện thoại báo rung, trên màn hình hiện lên ba chữ: Mộ Thừa Hòa.


Tay tôi thoáng chốc siết chặt, lúc nãy tôi đã vô tình mà thêm luôn tên thầy vào mục gửi nhóm, tôi thậm chí không biết phải chăng trong lòng mình cũng đang cất giấu niềm hy vọng nhỏ nhoi này.


Thầy lại bất ngờ trả lời tôi bằng một cuộc gọi.


Tôi cẩn thận nghe máy.


“Tiết Đồng?” Giọng thầy từ đầu dây bên kia truyền đến.


“Thầy Mộ, lâu quá không gặp, chúc thầy năm mới vui vẻ ạ!” Tôi cố nói với giọng điệu thoải mái nhất.


“Tôi cũng chúc em năm mới vui vẻ!” Thầy nói.


“Thầy ăn tối chưa?” Tôi không biết nói gì, đành hỏi vậy.


Thầy không trả lời, có lẽ là do nghe thấy những âm thanh ở xung quanh tôi nên thầy hỏi ngược lại: “Em đang ở ngoài đường à?”


“Dạ! Em vừa ăn cơm ở nhà bác cả về.”


“Một mình?”


“Vâng.”


“Mẹ đâu?”


“Đi trực rồi ạ!”


Thầy im lặng một lúc rồi hỏi tiếp: “Em đang ở đâu?”


Hai mươi phút sau, chiếc CR-V quen thuộc dừng ngay trước mặt tôi. Tôi nhìn thấy gương mặt đã lâu không gặp ấy. Thầy bước xuống, đóng cửa xe, đi về phía tôi, cứ ngỡ như là ảo ảnh vậy.


Tôi và thầy không đi đâu xa, chỉ thong dong dạo bước trên phố, rồi vô tình đi đến gần bờ sông. Chúng tôi tìm một chiếc ghế rồi ngồi xuống. Trước mặt là đường dành cho người đi bộ, bên cạnh con đường đi bộ ấy là một dãy lan can gỗ ngăn cách con sông, và bên ngoài dãy lan can là mặt nước rộng lớn.


Nước sông lặng lẽ chảy về hướng đông, trên mặt nước phản chiếu muôn ánh đèn rực rỡ nhất của thành phố lung linh.


“Lạnh không?” Thầy hỏi.


“Không ạ!” Tôi lắc đầu. Chí ít, bên ngoài lạnh, nhưng trong lòng lại rất ấm áp.


Trong một đêm cô đơn và đặc biệt như thế này, lại có thầy ở bên.


Tôi không cao thượng, thánh thiện, cũng không có lòng tự tôn mãnh liệt, do đó đối với sự xuất hiện của Mộ Thừa Hòa, cho dù là vì đồng cảm hay tội nghiệp, tôi cũng thấy ngọt như đường.


Dẫu cho đó chỉ là ảo giác do tôi tưởng tượng ra, tôi cũng mặc kệ.


Khóe môi của thầy hơi cong lên, thầy đút tay vào túi áo măng tô lấy ra một chai rượu, rồi đưa qua đưa lại trước mặt tôi: “Quà năm mới, Vodka mà ai đó mơ ước đã lâu!”


Tôi hứng khởi reo lên một tiếng.


Quà năm mới này, tôi rất thích!


“Thầy mời em uống thật à?” Tôi cười thích thú.


“Đương nhiên rồi, tôi nói là làm mà.”


Sau đó, như làm ảo thuật vậy, thầy lại lấy ra một chiếc ly thủy tinh nhỏ, mở nắp chai, rót ra hai phần ba ly.


Thầy nói: “Lúc trước, có người bạn nói với tôi, cách uống thuần túy nhất của Vodka là phải dùng loại ly này, thêm ít đá vào, ngoài ra không cần thêm gì khác, sau đó một hơi uống cạn.”


Tôi thấy thèm, liền dùng ánh mắt đầy khát khao nhìn thầy.


Thầy cầm ly lên, để gần mũi ngửi một cái rồi đưa cho tôi.


Tôi đón lấy, rồi làm như cách thầy nói, ngẩng cao đầu uống cạn. Ở lưỡi cảm nhận được một vị rất thuần khiết, mát lạnh, nhưng ngay sau đó, một ngọn lửa nóng rực đột nhiên phá vỡ tầng thanh khiết ấy, từ thực quản tràn vào dạ dày, và cuối cùng khí rượu xông lên mũi, làm nước mắt tôi tuôn ra.


Tôi nhăn nhó mặt mày, hai tay bịt mũi, hít sâu một hơi, bỗng dưng cảm thấy buồng tim rộng mở, thoải mái lạ thường.


Cảm giác người cũng ấm hẳn lên.


“A! Đã thật!” Tôi hét lên. “Thêm ly nữa!”


Mộ Thừa Hòa giật cái ly lại: “Không được, em mà uống say, tôi chịu không nổi là lập tức bỏ đi đấy.”


Tôi nhíu mày: “Một chút thôi mà.”


Thầy cầm chai rượu, lắc đầu.


Tôi mặt dày tiếp tục cầu xin: “Một chút thôi”, rồi đưa ngón tay trỏ và ngón cái lên mô tả cao độ chút chút đó.


Thầy cười: “Sự vấn vít giữa băng và hỏa?”


Tôi gật đầu: “Thầy chưa uống thật sao?”


“Thật. Thứ có nồng độ cao nhất mà tôi từng uống chính là bia.” Thầy khẳng định


“Không thể nào.” Hóa ra, thiên tài cũng có lúc “gà” như thế ư?


“Hay là...” Thầy nói. “Tôi thử nhỉ?”


“Được được, đúng lúc có thể uống chung với em, uống rượu phải có hai người mới thú vị.” Tôi giục.


Mộ Thừa Hòa rót một ít rượu. Phải nói đây đúng là một tí ti, chỉ dính ở đáy ly.


Thầy nghiêng đầu nhìn ly rượu rồi lại nhìn tôi.


“Tôi uống thật đấy nhé!” Nét mặt đó giống y như đứa trẻ đang làm việc xấu sau lưng người lớn vậy.


“Ừm.” Tôi gật đầu.


Thầy nhắm mắt, từ từ nuốt, hai hàng lông mày ôn hòa lập tức nhíu chặt lại, sau đó là những tiếng ho sặc sụa phá tan bầu không khí tĩnh lặng của màn đêm.


Tôi vội vã vỗ vỗ lưng cho thầy.


Lát sau, thầy mới bình thường trở lại, buông một câu nói vô cùng trẻ con: “Khó uống quá!”


Chỉ trong chớp mắt, rượu đã phát huy tác dụng, hai gò má thầy dần ửng đỏ, đôi mắt màu nâu của thầy lại càng long lanh như vẽ.


6


Tôi đứng dậy, đi đến phía trước lan can, nhìn dòng nước đang lững lờ trôi phía trước, lấy hết dũng khí quay đầu lại, nói: “Thầy Mộ, thầy có thể kể cho em nghe chuyện của thầy được không?”


Thầy cũng bước đến bên tôi: “Chuyện gì?”


“Chuyện gì cũng được ạ, chuyện lúc nhỏ, chuyện lúc đi du học, chuyện công việc, chuyện yêu đương...” Tôi sợ thầy không đồng ý, vội nói thêm: “Xem như là trao đổi vậy, thầy cũng có thể hỏi em.”


“Hỏi em cái gì?”


“Rất nhiều nhé! Ví dụ lúc nhỏ em rất nghịch, mỗi lần mắc lỗi, trước khi mẹ cầm chổi lông gà đánh em, thường bắt em tự nhận lỗi và tự nhận sẽ bị đánh bao nhiêu roi.”


Thầy cười: “Mẹ của em thật dân chủ.”


“Cái gì? Đó chính là kiểu dân chủ giả dối. Em vừa mới nói: “Mẹ, mẹ đánh khẽ khẽ là được rồi.” Nhưng điều đó không bao giờ xảy ra, em còn bị mẹ cho là mắc thêm tội không nhận thức rõ sai phạm của mình, phải chịu sự trừng phạt nghiêm khắc hơn.”


“Thảo nào bây giờ những lúc mắc sai lầm, nhận thức của em về lỗi lầm rất lớn, thì ra là được rèn giũa như vậy.” Thầy nói.


Tôi biết, thầy muốn nói đến việc lần trước tôi và Bạch Lâm trèo tường ra ngoài.


Lập tức, tôi ý thức được một vấn đề. Ban đầu vốn tôi định thăm dò thầy, nhưng giờ lại đổi thành thầy thăm dò tôi.


Tôi nói: “Được rồi, bây giờ đến lượt thầy kể.”


“Em muốn nghe chuyện gì?”


Thực ra, tất cả những chuyện liên quan đến thầy, tôi đều muốn biết, nhưng làm người cũng không nên tham lam quá, không phải cái gì cũng có thể nắm bắt hết được.


Nói gì bây giờ nhỉ?


Lúc nhỏ ư? Liệu có buồn chán như chuyện của mình không?


Công việc ư? Liệu có phải là bí mật quân sự không?


Tình yêu ư? Nếu đột nhiên liều lĩnh lôi người ấy ra, thì đúng là khiến tôi muốn nhảy xuống sông tự tử luôn.


Thế là, tôi đành chọn chủ đề ít nhạy cảm nhất: “Thầy kể mấy chuyện ở Nga đi, ở đó hẳn là lạnh hơn ở chỗ chúng ta nhiều lắm nhỉ?”


“Đúng thế. Hơn nữa, hồi tôi mới sang, ngôn ngữ còn chưa thông thạo, chỉ có thể sống qua ngày bằng số tiền học bổng ít ỏi, sinh hoạt rất túng thiếu. Sau này chạy đôn chạy đáo nhiều nơi quen rồi, mới làm phiên dịch giúp người Trung Quốc, kiếm thêm chút thu nhập.”


“Thầy đi tất cả mấy năm? Đều ở Moscow à?”


Thầy nói: “Thầy ở Moscow gần tám năm, sau đó đến Saint Petersburg hơn một năm.”


“Thế thành phố nào đẹp hơn?”


“Saint Petersburg rất đẹp.” Thầy nói. “Nó nằm gần vòng cực Bắc, mấy tháng mùa hè gần như chẳng có ban đêm, mới sáng sớm, mà bầu trời sáng trong, xanh thẳm như giữa buổi trưa ấy, cảm giác thật diệu kỳ. Thậm chí, có lúc còn nhìn thấy Bắc cực quang.”


“Bắc cực quang! Thật ư? Có đẹp không?” Tôi cảm thán.


“Tuyệt đẹp ấy chứ. Nghe nói nhìn thấy Bắc cực quang, chính là nhìn thấy ánh mắt của Thượng Đế.”


“Ánh mắt của Thượng Đế ư?”


“Chỉ là truyền thuyết thôi. Nếu nhìn từ góc độ khoa học, đó chính là bão từ giữa Mặt Trời và Trái Đất.”


“Mấy nhà khoa học thật chẳng lãng mạn gì cả.” Tôi bĩu môi.


Thầy chỉ biết cười trừ.


Tôi im lặng một chút rồi lẩm bẩm nói: “Nếu đúng là ánh mắt của Thượng Đế thì hay quá, em muốn tự mình đi xem, sau đó hỏi Thượng Đế, bố em ở trên thiên đường có khỏe không, đến khi nào mới có thể về với em.”


Thầy nghe xong, đưa mắt nhìn tôi chăm chú, hồi lâu không nói lời nào.


“Em đùa đấy.” Tôi xua tay nói: “Em kiên định tin tưởng vào chủ nghĩa Cộng sản.”


Mấy con đường quốc lộ ở Lâm Giang này được thành phố thiết kế làm nơi bắn pháo hoa lớn nhất. Thời gian trôi qua, người đốt pháo hoa bên bờ sông càng lúc càng đông, sau mười một giờ, dòng người đã trở nên tấp nập.


Rất nhiều người bỏ qua chương trình cuối năm để ra ngoài đốt pháo hoa.


Chúng tôi chầm chậm đi lẫn vào dòng người, khi tiếng pháo tưng bừng nổ ran, dường như phải hét lên thật to mới có thể nghe rõ.


Khi đi qua một cửa hàng, thầy hỏi tôi: “Em muốn đốt pháo băng hay pháo hoa không?”


Tôi lắc đầu.


Pháo băng với pháo hoa vào thời điểm này đắt cứa cổ. Mấy tay bán hàng cứ ôm khư khư thái độ “cả năm chẳng khai trương, đã khai trương phải ăn đủ cả năm”. Người nào tới mua cũng bị chặt chém.


Vừa nghĩ tới đó, tôi mới nhận ra, hóa ra mình cũng chẳng khác gì mấy người không lãng mạn.


“Tôi cứ nghĩ, trẻ con đều thích chơi mấy thứ này?”


Tôi đứng khựng lại, quay người đối diện với thầy, nhấn mạnh thêm lần nữa: “Em không còn là trẻ con nữa!”


Tôi đang nói thì bị một người va phải từ phía sau, tôi lảo đảo chực ngã vào người thầy. Mộ Thừa Hòa đưa tay ra, dùng cánh tay vững chắc đỡ lấy tôi.


Phía sau, một phụ nữ vội vàng xin lỗi: “Xin lỗi, xin lỗi.”


Người đàn ông bên cạnh cô ấy trách móc: “Bảo em đừng làm loạn mà không chịu nghe.”


Tôi khoát tay nói: “Không sao đâu, là tôi không cẩn thận.” Tôi cũng có chỗ không đúng, nếu năm mới mà động khẩu cãi nhau thì thật không hay.


“Giáo sư Mộ.” Người đàn ông lạ mặt sau khi nhìn thấy Mộ Thừa Hòa đứng bên cạnh tôi, liền nhận ra thầy.


Mộ Thừa Hòa nghe tiếng ngẩng đầu, khẽ cười: “Hóa ra là anh Lịch.” Vừa nói thầy vừa nhẹ nhàng buông tôi ra.


Hai người bắt tay cùng chúc nhau năm mới, rồi chào tạm biệt. Đối phương không hề giới thiệu người phụ nữ đi cùng mình, Mộ Thừa Hòa cũng không giới thiệu tôi.


Sau khi họ đi, tôi đứng ngoái đầu nhìn họ càng lúc càng xa dần. Người đàn ông đó cho tôi một cảm giác ngạo mạn khác thường, khác hoàn toàn với Mộ Thừa Hòa.


Nghĩ đến điểm này, tôi có đôi chút khinh thường: “Người kiểu gì vậy?”


“Bọn tôi có nghiên cứu một đề tài, là do người đó tài trợ.”


“Thế người bên cạnh ạ?”


“Tôi không quen. Có lẽ là vợ anh ta.”


“Nếu là vợ mình thì làm gì mà hung dữ thế.”


Mộ Thừa Hòa ngoái đầu nhìn theo ánh mắt tôi, lạnh nhạt nói: “Đôi lúc biểu hiện bên ngoài lại không giống với bản chất bên trong.”


“Sao thầy biết là không giống nhau?”


“Nhờ quan sát.”


“Quan sát?”


Tôi đứng nhìn bóng dáng nơi xa đó, suy nghĩ một hồi, vẫn còn hồ nghi hỏi: “Anh ta bị tật ở chân?”


“Ừ. Lần trước anh ta đến trường học, tôi vẫn thấy anh ta ngồi xe lăn.”


“Đi lại khó khăn mà vẫn ra ngoài đốt pháo hoa với vợ.”


“Thế nên có một số người, bên trong con người họ với những gì họ thể hiện ra ngoài cho chúng ta thấy là không giống nhau.”


Tôi mỉm cười, đột nhiên hiểu ra, một lúc sau tôi lại hỏi: “Thầy nói xem, phải chăng khi chúng ta đang nói xấu họ thì họ cũng đang xì xào về chúng ta không?”


“Chúng ta đâu có nói xấu gì họ? Rõ ràng là chúng ta đang thảo luận nghiêm túc về mối tương quan giữa tình yêu và biểu hiện bên ngoài kia mà.” Khi thầy nói lời này, vẻ mặt hết sức nghiêm trang, toát ra vẻ thánh thiện.


Có lẽ chỉ có thầy mới nói xấu sau lưng người khác mà vẫn có thể cây ngay không sợ chết đứng như vậy.


Suýt chút nữa thì tôi quên, thầy chính là Mộ Thừa Hòa, người đã từng làm tôi điên tiết không biết bao nhiêu lần, chỉ muốn đâm cho thầy mấy nhát.

Danh Sách Chương:

Bạn đang đọc truyện trên website TruyenOnl.COM
BÌNH LUẬN THÀNH VIÊN
BÌNH LUẬN FACEBOOK