Rầm rập.... rầm rập....
Vàng đang nằm trong bóng râm, mắt nhắm lại vờ ngủ để trốn cái nóng hầm hập như lò thiêu. Cũng có thể nó ngủ thật. Trời nóng thế này người còn chả muốn ra ngoài đường hành xác nữa là chó…
Nhưng tiếng động khiến nó nhỏm dậy dựng tai cảnh giác...
Định cất tiếng sủa lại đám người ồn ào làm nó tỉnh giấc, “đại gia” Vàng nhận được toàn người quen nên lại nằm xuống, tiếp tục sự nghiệp ngủ mơ quên giời nóng. Nóng... chết...vàng... rồi.
Khi này trên đường lớn một toán kỵ sỹ đội nón lá lớn, hùng hổ quất ngựa phóng trên đường luôn miệng hét “Bà con tránh đường”... Chiến mã phi nhanh vó ngựa gõ đại địa khiến bụi mù bay lên cả trượng , dân chúng nhốn nháo hò hét né tránh hai bên....
Đây vốn là chỗ họp chợ. Chả hiểu lòi đâu ra một đám khốn càn rỡ phi ngựa như điên vào nơi đông người như thế kia. Có người cũng toan ngoác miệng chửi, nhưng họ thấy cờ xanh viền đen thì lại thôi. Trên đó có thêu chữ “Trần”.
Đa số dân đen thời này mù chữ, nhưng chữ trên lá cờ thì chẳng lạ gì với dân vùng này.
“Lựu Đội đại nhân về nhà... Lựu Đội đại nhân về nhà.” Ai đó nhận ra người quen nên la lên.
Không phải giọng điệu sợ hãi cường quyền mà nịnh nọt, cũng không phải tiếng la thất thanh sợ hãi. Đây rõ ràng là tiếng hét của vui mừng, của chào đón.
“Cán , dừng chân uống bát chè mát đã...” Một cô gái trẻ bán chè ngọt ủ nước giếng sâu giải khát lúc này không có e thẹn gì mà kêu lớn tiếng.
“ Lựu Đội xin nhận mớ rau này, đây là rau lão tự chăm, sạch sẽ không sâu bọ..”
“ Cán , ở đây có miếng thịt tươi..”
“ Lựu Đội, đi chậm đã.... nơi này có con cá mới từ ao còn bơi...”
Dân nghèo dù ở vùng nào thì thực ra đều rất đơn thuần, chất phác ai tốt với họ thì họ lấy chân tình đối đãi. Bà con buôn bán ở cái chợ quê này cũng vậy, nhìn cách họ reo vui đón chào đám người tưởng càn rỡ kia như anh hùng dân tộc là đủ hiểu rồi.
Không sai được, đám người này là nhà họ Trần. Còn kẻ được chào đón nồng nhiệt kia chính là đương kim gia chủ Trần Quang Cán đại danh đỉnh đỉnh.
Nhận ra Cán Gàn không khó vì hắn quá khác biệt với đa số đàn ông Đại Nam cùng thời.
Dù chiếc nón che lấp đến nửa mặt khổ chủ, nhưng phần lộ ra cũng đủ bán đứng thân phận vị này. Mũi cao thanh, môi miệng khuôn viền sắc nét, cằm chẻ hàm thuôn ,đặc biệt đó là gương mặt vô tu sạch sẽ ( không râu).
Ngoài “giao diện” gặp một lần khó quên, vóc dáng của gã cũng trội hơn hẳn mọi người. Gã cao gần 180cm, so với đám đông thấp bé nhẹ cân thì tính là “khổng lồ” cũng được.
Tuy khoác trên mình bộ đồ của võ quan, nhưng mấy lớp vải đó làm sao che khuất nổi những thớ cơ bắp như thép nguội nổi vồng uốn lượn.
Ngực áo hơi phanh nhẹ thớ cơ như đồng khắc, sắt tạc chẻ rãnh bám lấy khung xương thô dầy… Cảm giác đầu tiên mà kẻ này mang đến đó là áp bách cho người đối diện, sự áp bách đến từ sức mạnh võ lực trần trụi .
Hãy còn chưa hết, cả một đám chiến mã toàn là ngựa Bắc Hà thấp bé lùn tịt, nhưng thớt ngựa mà Cán Gàn cưỡi chính là bảo mã phương Bắc, nghe nói tốn đến mấy trăm lượng vàng chỉ mua được ba con. Một thớt Cán gàn đang cưỡi, hai con “ngựa vàng” còn lại thì một con cho quý tử Diêu, còn lại một con thì Cán Gàn tặng cho thầy dậy võ của gã là Võ Trọng Bình – chính là Tổng đốc An Tĩnh (Nghệ An – Hà Tĩnh).
Cả xứ Hà Tĩnh này chỉ có ba con ngựa như vậy, bảo sao khó nhận diện đâu?
Thời này có ngựa có xe trâu , xe bò kiểu như thời sau có xe ô tô xe máy vậy.
Mỗi hạng ngựa chính là một cấp độ xe hơi khác nhau ở thời hiện đại, ví như ngựa của Cán Gàn được xếp hàng Bentley Continental GTC, thì chiến mã mà đám kỵ sĩ đang đi cùng hắn chỉ là Toyota Yaris, còn xe trâu xe bò các thứ hẳn là Kia Morning vậy.
Cho nên một tên mặt ngọc vô tu, thân thể to lớn dị thường cưỡi Bentley Continental GTC, thì ở cái đất này chỉ có thể là Cán Gàn mà thôi. Rất dễ nhận diện.
Cán ra hiệu cho đồng bọn ghìm cương ngựa để giảm tốc độ. Hắn vẫn ngồi trên ngựa trong khi chắp tay thi lễ với mọi người xung quanh, miệng thì không ngớt phân bua: “Bà con cô bác thông cạm (cảm)! “Tiểu Đệ nhà ta” lại ra sự rồi hè! Ta phại (phải) về gấp! Xin bà con nhường đường giúp hỉ!”
Thái độ của hắn rất hòa nhã, chẳng tỏ vẻ gì khó chịu vì bị mọi người cản trở.
Nghe đến “Tiểu Đệ nhà ta” thì mọi người hiểu ngay mà thôi níu kéo. Đây là cách Cán Gàn vẫn thường gọi quý tử. Cái nhà này thì đúng kỳ khôi, cha con xưng huynh gọi đệ như hiệp khách giang hồ. Không thành truyền kỳ hơi phí! Bà con lối xóm ban đầu còn thấy lạ, nhưng nghe quen rồi thì cũng đành tặc lưỡi mặc kệ.
Chuyện là khi San mới tròn 14 tuổi thì “lão” cha mới dẫn hắn đi thanh lâu mở mang tầm mắt. Thế nhưng Cán gàn quá trẻ, mà San thiếu lại quá bự con, gương mặt hao hao giống nhau nữa chứ nhìn kiểu gì cũng ra là hai huynh đệ hơi cách tuổi mà thôi.
Cho nên các “chị em” Thiên Hương Lầu muôn người “đồng thanh” gọi hai người huynh đệ.
Chuyện nếu đến đó thì cũng chẳng ai quản. Cho đến dịp bố con nhà này ra thăm thú Bắc Kỳ. Ở Thăng Long, Cán ca thấy ưng một cô nương và giở trò tán tỉnh. Tưởng ván đóng thuyền đến nơi, thì ông quý tử ở đâu mò tới kêu “Cha ơi!”. Vậy là mọi chuyện chấm hết.
Kể từ đó Cán ca hướng cho San thiếu cứ huynh đệ mà gọi cho tiện, mãi rồi thành quen bỏ không được nữa.
Chuyện hoang đường đến vậy mà Cán cũng làm được, cho nên biệt danh Cán Gàn không phải tự nhiên mà có.
Tất nhiên đó là vui đùa cửa miệng, cha con là cha con, những lúc cần nghiêm túc hay những trường hợp "đối ngoại" quan trọng sẽ không gọi ẩu được.
Qua khỏi khu chợ, đám người Cán Gàn lại ra roi thúc ngựa phi nhanh về hướng Trần Gia Trang
Chính Môn cao lớn bề thế nối liền với một dãy Đảo Tọa Phòng dài đến cả hơn trăm mét đã hiểu sự bề thế của gia tộc này.
Kiến trúc của người Việt, nhất là những người có tiền ở Đại Nam khi này có khá nhiều điểm tương đồng với phương Bắc. Nhưng đồng thời họ cũng có những điểm đặc biệt mà người Trung Quốc không bao giờ học được.
Kiến trúc phương Bắc là Tứ Hợp Viện, tường bao xung quanh các khu nhà ở bốn hướng Đông Tây Nam Bắc bao lấy sân chính giữa , kết cấu khép kín bí bách. Đây là vì bọn họ ở xứ lạnh, thiết kế giữ ấm giữ nhiệt là cần thiết.
Còn người Việt thì ở xứ nóng, tuy có ảnh hưởng đôi chút kiểu Tứ Hợp Viện nhưng là kết cấu mở. Tức là có tường bao ở nhà giàu, có trồng cây tường bao ở nhà nghèo, hàng rào gỗ tre ở nhà nghèo hơn. Nhưng bên trong không có kết cấu bao cứng một sân như vậy.
Ví như nhà giàu phương Bắc sẽ có nhiều tứ hợp viện góp lại tạo thành nhiều sân khép kín với bốn gian phòng bao lấy bốn hướng sân. Nhưng ở Đại Nam, người Việt lại sử dụng kết cấu mở, nhà thông hiên hoặc có bao sân cũng là ba gian chừa một, không bao giờ bao kín cả.
Đây là lối kiến trúc nhìn đâu xung quanh nhà cũng thấy vườn... hòa mình vào tự nhiên, thể hiện cả ý chí của người Việt vậy. Có tường rào bảo vệ, nhưng lại là cởi mở đón nhận thiên nhiên hòa đồng xã hội.
Trang viên nhà họ Trần cũng được xây tương tự như vậy, tuy là “ngũ tiến ngũ sân” tổng diện tích cả khu ở lên đến 10.000 m2 nhưng lại là cấu trúc mở thông thoáng.
Tuy nhiên cái cửa chính bề thế nối với một dãy Đảo Tọa Phòng này chính là kết cấu mà trọc phú Cán tốn bạc ngàn thuê thợ phương Bắc đắp lên.
Cổng này đặc sệt phong cách phương Bắc. Theo quan niệm của Trung Quốc, Chính Môn ( cổng chính) thể hiện được “bộ mặt” của gia chủ, đánh giá được cấp bậc giai tầng của gia môn đó. Người Trung Quốc rất coi trọng thể diện, muốn biết được một người có địa vị cao hay không, tài sản có nhiều hay không, chỉ cần nhìn vào quy mô và cửa trước của tứ hợp viện là biết. Thiết kế nhà tứ hợp viện phần trước cửa thường sẽ được trang trí tinh xảo và đặc biệt sẽ trang trí hai con vật bằng đá. Tùy vào địa vị của gia chủ mà hai con vật đó có thể là chó, hổ, sư tử hay rồng.
Cán gàn chính là bê nguyên cấu trúc Đảo Tọa Phòng- Cổng Chính của người nhà Thanh về, đôi bên cửa là hai con báo bằng đá đang nhe nhanh múa vuốt.
Địa vị của Cán không thể để hổ, sư tử hay rồng ở cửa được, trừ khi muốn triều đình xét nhà. Để chó thì Cán không thích. Vậy khắc con báo hoa mai thì ai bắt bẻ được, làm quái gì có trong luật đâu. Đủ bá mà không phạm, mấy vụ này thì đầu óc Cán lại cực kỳ linh hoạt – khả năng lách luật rất cường. Phải nói là Cán tự hào lắm với cái Đảo Tọa Phòng- Cổng Chính của Trần thị.
Nhưng theo San lần đầu tiên tỉnh lại và thăm thú nơi này đã nhận xét là: “ Trọc phú, râu ông nọ cắm cằm bà kia, phá vỡ kiến trúc của cả khu nhà, tào lao... vớ va vớ vẩn.”
“ Ông đạ (đã) về...”
“ Con chào ông ạ.”
Lúc này cửa chính mở toang. Cán ca trước sự chào đón của gia đinh thì hùng hổ đi vào cửa chính. Đám người đi cùng gã cũng xuống ngựa đi theo, còn về gia nô thì nhanh chóng dẫn ngựa theo cửa hông về chuồng, ngựa sẽ không đi cửa chính... rất nhiều quy củ.
Như đã nói, khu trang viên Trần thị ở ngoại thành, rộng đến hơn 10.000 m2. Còn về diện tích quản lý xung quanh thì trời mới tính được, phải giở sổ sách khế ước tính toán nửa ngày chưa chắc xong.
“Việt hợp viện” của Trần thị cũng kiểu “ngũ tiến ngũ sân”, tức là muốn đi hết khu này phải qua 5 lớp cửa, một cổng chính và bốn cổng nhỏ gọi là Liên Hoa Môn (bên TQ gọi là Thùy Hoa Môn). Từ đó Trần gia có đến 4 cái sân lớn và nhiều vườn tược.
Có điều đến thời Cán thì thay đổi rất nhiều.
Đầu tiên phải thống nhất với nhau Trần thị là trọc phú thương nhân, con đường khoa cử của đệ tử Trần gia là... bết bát. Cho nên khu ở của họ cũng thể hiện sự trọc phú này. Đến thời Cán thì hắn đập tiền đi học, những tưởng đỗ đạt công danh cho nên thuê thợ học theo văn nhân cải tạo mấy cái thủy tạ ao hồ cho văn nhã.
Nhưng thi hai lần mà kết quả đội sổ cho nên Cán gàn cáu tiết chuyển văn qua võ.... Tất nhiên đình tạ hồ nước bị lấp sạch sẽ, biến thành trường luyện võ rộng lớn.
Cho nên từ cửa chính của nhà họ Trần lúc này bước vào chính là sân luyện võ cả ngàn mét vuông. Bên trong trang bị đầy rẫy các giá vũ khí lại không thiếu các dụng cụ luyện thân.
Nhìn khung cảnh này ai không biết cứ tưởng vào nhầm nhà thế gia có truyền thống binh nghiệp, quanh năm chinh chiến sa trường – chứ không phải nhà một địa chủ thừa tiền lắm của. Nói chung Cán Ca là một kẻ rất thú vị.
Muốn biết Cán gàn về nhà làm gì, hồi sau sẽ rõ.