Công việc đăng ký công ty, nhập cư thực tế rất đơn giản.
Hiệu buôn của hai nhà Trần Hồ đã mở cả chục năm ở Hương Cảng, kể từ khi người Anh chiếm đóng nơi này. Chỉ cần vài tiếng điều tra là muốn thông tin cỡ nào cũng có. Tính ra nếu làm ăn có mác “công dân Anh” thì còn được lợi mấy phần thuế nữa.
Đế quốc Anh đang thu hút thương nhân Đông Á đầu nhập vào thuộc địa này. Đám người San thiếu chẳng gặp trở ngại gì mà lại còn được hoan nghênh nhiệt liệt, phần vì hắn cũng ra tay rất hào phóng các khoản “bôi trơn” khiến các quan Tây vui ra mặt.
Hỏi đến giá rổ thì San cũng hơi bất ngờ.
Giá gạo trung bình ở Đại Nam tầm 7 đồng nhỏ một kilogram, thậm chí ở Gia Định chỉ còn có 5,5 đồng. Nhưng giá gạo ở Hương Cảng là 8,5 đồng, có chỗ 9 đồng nhỏ nếu dùng bạc để trao đổi.
Gần phía vùng chiến loạn giữa nhà Thanh với Nam Kinh – kinh đô của Thái Bình Thiên Quốc, giá còn cao đến chóng mặt. Ngay đến Quảng Châu giá gạo cũng bị “thổi”, do liên quân Anh Pháp gây hấn.
San thiếu tính sơ, nếu gom gạo từ Đại Nam và Xiêm La vận chuyển trong Đại Nam thì không phải chịu thuế. Xuất khẩu thì chịu rồi, thuế bị đánh tơi bời, thậm chí còn bị cấm.
Nhưng nếu dùng kho ở Hà Tĩnh – gom hàng chở đến Nhai Châu rồi Hương Cảng, bét nhất 1 kg gạo cũng lời 2-3 đồng nhỏ sau khi trừ hết chi phí. 1000 tấn gạo cầm chắc 10-15 ngàn quan tiền, tương đương 10-15 ngàn lượng. Mức lời quá khủng của nó! Thảo nào nhà Hồ - Trần lắm tiền thế, chỉ riêng buôn gạo đã giàu nứt đố đổ vách.
Nhưng bao năm hai nhà vẫn làm ăn theo kiểu cũ, đúng là làm cậu San ngứa hết cả mắt.
“ Jame này, anh thuê cái tàu New Orleans với giá 4000 đô-la một năm, tiền đặt cọc thế chấp là 2 vạn à?“
“ Chính xác.” James thấy khá hơn nhiều rồi. Giờ gã đang ở cửa hàng của Hồ gia. Chỗ này bao an toàn, còn chưa tính đám bảo vệ vũ trang tận răng của cậu San – không phải lo bọn Thiên Địa Hội gì đó nữa.
“Tôi tính thế này. Anh báo với chủ thuyền là tàu bị đắm. Xong bồi thường cho bọn hắn bằng tiền cọc. Chúng tôi trả lại anh 2 vạn đô-la. Vậy là anh khỏi tốn tiền thuê nữa. Cách này ổn chứ?” San cũng không hiểu phương thức cho thuê mướn của bọn Mẽo ra sao, hắn thử nêu ý kiến.
Thực ra tiền đặt cọc bao giờ cũng phải cao hơn giá trị thực tế của con tàu. Nhưng rất khó để mua trực tiếp “hàng tốt” từ đám tư bản thời này. San thiếu mà đi đàm phán không khéo rước về thứ “giẻ cùi tốt mã”. Thuyền này tuy cũ, máy chỉ có 517 “ngựa”, nhưng đám thợ máy xem xong thấy vẫn còn tốt chán. Thiết kế Side-lever nồi đồng cối đá, thuận tiện bảo dưỡng bảo trì, dễ gì mà hỏng. Múc quả này về dùng chở gạo thì đừng hỏi. San thiếu ưng cái bụng rồi đấy.
Chi phí đầu tư khoảng 13000 lượng, tải trọng của thuyền gần 1000 tấn. Một chuyến Hà Tĩnh – Hương Cảng khéo hòa vốn luôn chứ đùa. Lợi rành rành như thế mà vẫn duy trì mấy chục cái thuyền chở hàng cỡ nhỏ thì kể cũng tài thật. San cũng không thể hiểu nổi một phép toán đơn giản như vậy làm sao cậu Long với “anh” Cán nhìn không thông?
Thực ra hắn trách nhầm các gia chủ này rồi. Một phần vì giới hạn tư tưởng thời đại nên họ không nghĩ đến. Phần nữa là biết đi đâu mà mua, kể cả mua được thì 100% dính đồ đểu giá siêu chát. Như cái thuyền New Orleans hơi “cùi bắp” này, hai ông tự đi mua thì xác định bị “chặt đẹp” 3-4 vạn lượng là còn ít. Chưa nói lúc bàn giao chủ tàu tráo động cơ sắp hỏng vào thì có giời biết.
Lại còn vụ vận hành, bảo dưỡng phải làm sao? Đây mới là lý do chính khiến thương nhân Đại Nam vẫn không rời được cái ghe bầu quen thuộc. Theo họ thì tàu hơi nước là một thứ quá xa vời, chẳng ai nghĩ đến chuyện mua thứ quỉ này hết.
“Không ổn chút nào. Tàu đã mua bảo hiểm, nếu tôi báo nó bị đắm thì đám thanh tra bên đó sẽ vào cuộc. Như thế còn rắc rối hơn nhiều.” James James từng học chuyên ngành luật nên nhanh chóng phản bác.
Đây cũng là nguyên nhân mà San thiếu muốn dùng 1% cổ phần trói chân gã với công ty. Cho một tên Mỹ Quốc làm CEO giơ đầu chịu báng lại am hiểu luật, có thể tư vấn luật thì còn gì hơn nữa.
“ Có cách nào mua đứt con tàu không?” San thiếu hơi khó chịu.
“Chuyện này dễ mà. Tôi sẽ đứng ra đàm phán với chủ tàu là xong. Có điều giá cả phải tính kiểu khác.” James bắt đầu giải thích.
Hiểu đơn giản thế này, giá thuyền hiện ở mức 18 – 19 ngàn đô-la. James đã ký hợp đồng thuê 1 năm giá 4000, chủ tàu bán lúc này sẽ lỗ tiền thuê. Ít nhất phải chờ khi kết thúc hợp đồng mới nói chuyện tiếp, chênh lệch 4000 đô-la chứ ít ỏi gì. Chờ một thời gian cầm ít nhất 22000 có phải “ thơm bơ” hơn không? Khoản này là bắt buộc phải trả, không thoát được. Bọn tư bản rất nhạy cảm với con số, ăn được 1 đồng của nó lại dễ thế?
“Vậy thì anh lo đàm phán. Tiền thuê vẫn trả đủ nhưng cưa đôi. Tôi sẽ chịu một nửa cho anh.” San “nảy số” rất nhanh.
Vậy cũng hợp lý. Ai dùng nhiêu trả nhiêu. San thiếu phải các thêm 2000 đô-la vào giá mua thuyền, về cơ bản mức này vẫn chấp nhận được. Tàu New Orleans ngay lập tức được sơn lại, sau đó đăng ký tên mới là Định Hải, mang “quốc tịch” Anh chứ không còn là tàu Mĩ nữa.
San thiếu đây là “làm lụi” nhưng hắn cóc sợ. Gã James nói chắc chắn chốt kèo trong hạn mức 25 ngàn San cấp, đằng nào chả là thuyền nhà mình. Có gì mà phải lăn tăn?
Nhìn quả tàu hơi nước treo cờ “nhà” hùng dũng tiến vào bến cảng, đám người Hồ gia chỉ biết há miệng trầm trồ. Dù còn nửa năm hợp đồng với James, San vẫn “hào phóng” trả thêm 6 tháng lương cho các thủy thủ và thợ máy của “Định Hải”. Tất nhiên kèm yêu cầu đào tạo người của hai nhà vận hành con hàng này.
Việc bảo dưỡng đại tu thì có thể thực hiện ở Hương Cảng hoặc Philipines. Gã thợ máy Jony sẽ lo bảo trì thường xuyên. San thiếu còn hứa gả cho hắn hai mĩ nữ để thoát cái cảnh làm bạn với hai bàn tay. “Đào” ở Thiên Hương Lầu rất sẵn, gần 20 “ẻm” - không sợ không có người đồng ý. Người Âu Mỹ thường khá thoáng và ít soi mói quá khứ - coi như tạo phúc cho ai hữu duyện vậy. Chuyện này coi như xong.
Đã đầu tháng 2 rồi, nhưng cậu San vẫn chưa được về nhà ăn Tết vì còn chuyện phải xử lý.
“Giám đốc điều hành” James Smith Bush chủ yếu làm việc ở Hương Cảng và Nhai Châu, thỉnh thoảng bám thuyền Định Hải về Hà Tĩnh. Nếu hắn vẫn bị giang hồ săn lùng thì không hay lắm. Chuyện này không nên để cảnh sát Anh dính vào, chỉ tổ thêm phiền toái mà lại không triệt để. Mâu thuẫn của giới hắc đạo thì để hắc đạo xử lý. San cũng tính gặp đại ca Vương Phi Long xem gã này bá đạo đến đâu. Đao của Thiên Địa Hội chắc không nhanh bằng "súng 6 cưa nòng" của cậu đâu nhỉ.
Hương Cảng thời này vẫn chưa được khai phá hết, 80% diện tích vẫn là núi. Chỉ một dải đồng bằng ven biển phía Bắc đảo cỡ 7 km2 là có người ở. Khu vực Tiêm Sa Chủy (Tsim Sha Tsui) hay Tân Giới còn chưa về tay người Anh.
Buổi đêm. Một đám người đang tụ tập trong hẻm núi Đại Tin (Tai Tam Gap) ở phía Đông của hòn đảo. Nơi này hầu như không có nhà dân, xung quanh là rừng núi hoang sơ, hiếm người lai vãng.
Vương Phi Long – biệt hiệu Thiểm Điện Song Đao đang ngồi bên đống lửa với mấy đồng bọn trên giang hồ. Cơ mà gọi vậy không còn chuẩn nữa, vì tay trái của hắn đã bị cưa mất rồi – phải lắp một cánh tay gỗ cho đỡ trống, đố mà dùng song đao được. Có lẽ nên đổi thành Thiểm Điện Đơn Đao thì chính xác hơn. Lấp ló bên cánh rừng có đến cả mấy chục tên hắc y nhân mặt mũi băm trợn.
“ Đại ca, lát không cần nói nhiều. Đệ sẽ chém sạch bọn nó…” Vương Phi Long gằn giọng, tiện tay ném một que củi vào đống lửa.
“ Bình tĩnh… Dám chọn chỗ này gặp mặt. Bọn chúng không đơn giản đâu.”
Gã vừa cất lời chính là đại ca ở đây. Hắn là Đà chủ phân đà Hương Cảng của Thiên Địa Hội. Tên gì không ai rõ, mĩ danh giang hồ đặt là Cửu Mệnh. Thằng này rất nhiều lần tìm được đường sống trong chỗ chết rất ngoạn mục, vậy là thành tên luôn. Cửu Mệnh tầm 35 tuổi, người cao ráo cân đối, đầu trọc không râu, mắt nhỏ xếch ngược mũi hơi khoằm , môi khá dày lớn. Hắn lúc này mặc bộ đồ kiểu võ sĩ khá bình thường của đám lâu la, mới nhìn chẳng ai bảo là “lão đại”.
Cờ lục… cờ lục…
Tiếng vó ngựa từ xa vọng lại. Khi tới gần bìa rừng, đám canh gác thấy một đoàn hơn 50 người cưỡi ngựa. Không ai khác đây là nhóm của San thiếu rồi. Nguyên đám 50 tên đều do một tay cậu San đào tạo suốt 8 tháng qua. Thằng nào cũng có khả năng cận chiến tay không hoặc dao găm như đặc vụ hiện đại, kĩ năng bắn súng ngày càng thành thục.
San đã đóng được thuyền nhỏ chuyên dụng để lên Hòn Con Chim hốt phân. Đảo này biệt lập và khó tiếp cận, chim chóc không bị săn giết nên phải có đến hàng trăm ngàn con sinh sống. Lượng phân chim tích tụ, theo thời gian bị phong hóa thành từng tảng lớn và dầy, khai thác có mà mệt nghỉ. Phân mới phải ủ ít nhất 3 tháng mới thành KNO3 (kali nitrat) được. Phân lâu ngày thì không cần, cứ lọc gạn bằng nước ấm đến khi nào nước trong là thu được dung dịch KNO3 – đem cô đặc là có thành phẩm khá tinh khiết.
Lưu huỳnh thì không thiếu, nghiền nát quặng dùng dầu thông tuyển nổi sẽ thu được hàng chất lượng cao. Còn về bột than cây liễu… càng không làm khó được San thiếu. Vậy là hắn có kha khá thuốc súng tương đối chất lượng. Cứ 10 tấn phân chim sẽ lọc được 1,5 tấn KNO3, đủ chế 2 tấn thuốc nổ đen. Mà ở Hòn Con Chim thì phải còn tới cả ngàn tấn. Còn lâu mới hết.
Thuốc súng ‘nhà trồng được’ thực ra không tốt bằng loại bỏ tiền mua chỗ James. Hạt nổ xịn từ Thủy ngân Fulminat Hg(CNO)2 chưa chế được, San thiếu cho cạo đầu diêm, dùng tạm hỗn hợp KClO3 (kali clorat) với Phốt-pho đỏ cũng khá ổn. Hàng tự chế kém nhạy, không thích hợp tác chiến thực tế. Nhưng thảy thứ quỉ này cho đám binh sĩ ở nhà tập bắn đạn thật làm quen “hàng nóng” thì lại tốt chán. Đạn dược xông xênh nên lính của Trần gia thằng nào cũng từng bắn hàng trăm phát là ít, cũng "gì và này nọ" lắm chứ đùa!