Tuổi của thằng San là một bất lợi. Tức là nếu hắn nói chuyện đạo lý, đao to búa lớn thì không ai thèm nghe hết - bất kể ba hoa bốc phét cỡ nào. Không tin mọi người có thể nhớ về thời nhỏ của bản thân mình mà xem. Bao nhiêu lần tính "nêu ý kiến hợp lý" lại bị người lớn bác bỏ luôn, thậm chí còn không buồn để vào tai? Nhưng cứ thử kiếm được những đồng tiền đầu tiên, hoàn toàn không dựa dẫm gia đình đi. Đảm bảo thái độ sẽ khác hẳn!
Tương tự như vậy, lỡ "xuyên" vào thân xác một thằng trẻ con thì đừng nghĩ dùng dăm câu thao túng tâm lý "sặc mùi đa cấp" là bạn có thể thuyết phục được người lớn. Những gì bạn thốt ra được mặc định là "ảo tung chảo" rồi. Có điều độ tuổi của San thiếu cũng có tác dụng và lợi thế nhất định. Hắn có thể phát ngôn hay làm nhiều chuyện hoang đường mà người lớn tuổi hơn không dám thực hiện. Ví như trường hợp của San thì ngài Đề Đốc sẽ nghĩ thằng này trong sáng ngây thơ, hơi gàn một chút. Còn việc hắn tập hợp một đám công tượng chả ảnh hưởng quái gì. Lão Bình chỉ coi đây là hành động của một đứa phá gia chi tử - phại (phải) cho cha hấn (hắn) hay, nếu không, để Cán "gàn" biết được lại trách thầy... Kết quả là San thiếu vợt được 370 hộ "chuyên gia" đóng tàu, lại còn thêm 127 hộ thợ rèn từng có kinh nghiệm chế tạo hỏa khí từ Nghệ An về nữa. Quá là "xuân" luôn!
Trước kia, đám người này và công nghệ liên quan đều là bí mật cấp quốc gia. Nhưng rồi qua 30 năm, nhà Nguyễn chẳng phát triển được cái gì ra hồn, đã thế còn bị thụt lùi chậm tiến hơn các nước lân bang. Vậy là "hàng quý hiếm" thành "gân gà" đích thực, khi mà thời Tự Đức không chế tạo hỏa khí mới. Thợ đóng tàu thuyền cũng gặp tình cảnh tương tự và trở thành gánh nặng cho quốc khố. Khi biết chuyện này, San thiếu điều mở miệng thoá mạ khắp nơi. Triều đình không chăm lo phát triển kỹ thuật, công nghiệp, thậm chí còn không bằng cha ông thời trước thì mất nước là điều sớm hay muộn mà thôi - không thể trách ai được.
Vũ khí nóng của quân đội nhà Nguyễn khá phát triển trong thời kì đầu. Nhiều đơn vị được trang bị hỏa khí, như ống phun lửa, quả nổ, súng điểu thương (gồm Thạch Cơ Điểu Sang, Thần Cơ Điểu Sang, Bắc Cơ Điểu Sang), pháo (súng Thần Cơ, Thần Công Thiết Bác). Như thời Minh Mạng, mỗi vệ (500-600 lính) có 2 khẩu thần công và 200 khẩu Thạch Cơ Điểu Sang, với tỉ lệ 4 tay súng cho mỗi 10 lính. Sang triều Tự Đức thì mỗi đội (50 lính) có 5 khẩu, tức là tỉ lệ chỉ còn 1:10. Hàng năm, binh lính được tập bắn một lần - mỗi tay súng chỉ được phép dùng 6 viên đạn, bắn nhiều hơn phải bồi thường. Nhìn qua số liệu này đã đủ thấy súng pháo chỉ có hụt đi chứ đừng hòng tăng thêm. Một năm 6 viên đạn thì chiến đấu cái khỉ khô gì? Binh lính ra trận không hiểu có nạp được thuốc súng không nữa. Không cho bắn tập nhiều vì không có tiền mua thuốc súng, lại sợ hỏng súng không có tiền chế mới. Thật sự là phú quý giật lùi. Đời sau mạt hơn đời trước.
Nhưng không sao, San thiếu đang hí hửng ra mặt khi dẫn theo một đám dài “ dân tị nạn” về Hà Tĩnh đây này. Thực ra cũng đúng, đám công tượng và người nhà trông hom hem nhếch nhác chẳng khác gì loạn dân là mấy. Đây là hắn còn phải bỏ ra không ít bạc mua lương thực , quần áo cho bọn họ - thậm chí còn thuê hẳn xe trâu xe bò để chở người già, trẻ em. Hành động của San khiến cả đám đông cảm động nức nở, nghe đâu khi về đến Hà Tĩnh thì họ còn được phân ruộng cày cấy ở Hương Sơn (Hương Khê) nữa kìa. Ba mươi mấy năm lay lắt sống chẳng biết ngày mai. Bỗng nhiên mấy trăm hộ "thợ lành nghề" chợt nhìn thấy ánh sáng hạnh phúc ấm no cuối con đường. Họ không kích động sao được. Già nhắn trẻ, vợ nhắn chồng, mau rảo bước tránh để cậu San bực dọc.
Nhắc đến Hương Sơn, nơi này có sông Ngàn Sâu có hồ Đá Bạc - chính là đại bản doanh của nhà nhọ Trần đấy. Có thể nói là nơi phát tích của gia tộc đại địa chủ này trước khi lấn qua kinh thương. Đây là một thung lũng đồng bằng cực kỳ rộng lớn mà màu mỡ, ba mặt bao quanh bởi núi rừng dễ thủ khó công. Trần gia nhiều đời trước chọn nơi này khai hoang hẳn cũng có lý do riêng. Hương Sơn là Trần gia, Trần gia là Hương Sơn. Mấy ngàn mẫu ruộng nơi này dù có thêm nhiều người cày cấy nữa vẫn còn rộng chán. Chưa kể nhà ni còn đốn gỗ, bắt cá, khai thác quặng. Không ngoa khi nói đây chính là cơ sở và cũng là nguồn lực đảm bảo sau cùng cho cả nhà họ Trần. Làm ăn thất bát thì bọn họ vẫn có thể lui về Hương Sơn làm phú ông địa chủ.
Cậu San của chúng ta lúc này đang chễm chệ trên bảo mã, cười ngoác miệng như bị khùng. Hắn rất muốn thể hiện bộ mặt lãnh đạm ung dung của người trưởng thành. Nhưng mà chịu. Tạm thời đành phải chấp nhận việc bản thân đã biến thành một gã thiếu niên. Cứ nghĩ đến cái cảnh chọn người là San thiếu lại không thể kiềm chế được sự khoái trá. Thật sự quá được của nó! Không đâu tự nhiên hốt được một mớ hơn 500 thợ đóng thuyền "cứng". Cứ thử nghĩ mà xem , ba mươi năm trước chính đám này góp công sức đóng được 800 chiến hạm hùng tráng của Đại Nam, phần lớn theo kiểu châu Âu - hên một cái là vẫn còn cả bản vẽ thiết kế. Lại thêm một đám thợ sắt chuyên đúc pháo, súng nữa chứ - ba mươi năm "thất nghiệp", tay nghề có lụt nhưng kinh nghiệm thì không mất đi đâu được. Đây là San bỏ năm mươi lượng vàng mua về hơn năm trăm “công nhân kỹ thuật”. Một số ít có tay nghề cao thực sự có thể coi là “kỹ sư” cũng được.
Nhà họ Trần cũng có thợ rèn, nhưng họ chỉ biết rèn đao kiếm với cuốc xẻng. Hoả khí là chịu chết, thực ra làm nhiều cũng quen tay - muốn nhanh chóng thành chuyên gia là không có cửa.
Thợ đóng thuyền? Hồ gia rất sẵn. Có điều họ chuyên đóng thuyền buôn, hay ghe bàu vận tải. Chiến hạm là một câu chuyên khác, kỹ thuật cao hơn nhiều. Dù đám thợ này có thể học, nhưng San thiếu chưa dùng họ ngay được. Hồ gia đang nằm trong diện nghi ngờ của San thiếu trong việc kích động Cán "gàn" tạo phản. Có được các "thợ xịn" từ Nghệ An thì San thiếu càng tự tin với kế hoạch củng cố Trần gia, thậm chí họ có thể là cơ sở để Trần gia quật khởi.
Là một người đến từ tương lai, hắn dĩ nhiên biết được sức mạnh của khoa học kỹ thuật. Còn những kẻ tạo nên đột phá chính là các công tượng "xịn xò" này rồi. Cậu San đây là tâm trạng “giai mới lớn” cảm thấy mình được lợi nên mới có biểu hiện ngây ngốc như vậy - nhưng người ngoài nhìn vào chỉ thấy cậu rất khùng. Không có việc gì làm tự nhiên ôm vào hơn 1000 miệng ăn. Thế là biệt danh San "khùng" cứ thế mà đồng hành với hắn.
Sự kiện cậu San mang một đám rách rưới về nhà, lại còn không tiếc tiền trên đường cho bao ăn uống đãi ngộ cao cũng đến tai Cán Đại Đầu. Gã chẳng phản ứng gì chỉ phất tay nói “Hấn (hắn) không khùng khùng đôi chút nào phải con của tau (tao)?”. San thiếu khi nghe người khác nói mình khùng thì càng khoái. "Mỹ danh" này gắn vào người càng dễ làm việc. Lỡ sau này làm ra vài chuyện động trời thì mượn cớ để lấp liếm cho qua chuyện không phải “diệu” ư? Chuyện ai khùng thiệt thì còn phải xét. 500 "công nhân kỹ thuật" sau này chính là gà đẻ trứng vàng của cậu. Để mấy "chuyên gia" đã ngoài 50 đi bộ về Hà Tĩnh, trên đường hụt hơi té ngã, chết một mạng là hắn xót đến mất ăn mất ngủ đấy. Cứ từ từ mà đi không vội, lương thực cậu bao, thuốc men đầy đủ. Trên 45 tuổi cấm đi bộ, lên xe ngồi hết, thò chân xuống đường cậu chặt chân… Há há há... Gà cưng của cậu sao có thể vất vả cho đặng.
Thằng này còn đang "âm mưu" đào thêm thợ xịn của triều đình từ khắp nơi, kính thưa các thể loại ngành nghề càng nhiều càng ít. Nghĩ đến viễn cảnh tươi sáng hắn càng phởn chí tợn, khó kiềm chế nổi nên há mồm cười miết suốt dọc đường. Cậu lắc lắc đầu … “ Tâm tình thiếu niên thật là khổ!”. San cũng dần quen rồi, như vậy hắn mới có cảm giác thân thuộc với mọi người nơi đây, quay qua nhìn bản mặt nịnh nọt của thằng Tuất không còn thấy ghét nữa, cũng có vài phần mến mến… “Mi nhìn cấy chi (cái gì)? Muốn cậu móc mắt không? Lên phía trước coi đường xấu, nỏ (không) đi được thì kêu người sửa gấp cho cậu.” Hắn nhe răng doạ nạt, nhưng Tuất không thấy sợ mà còn vui ác. Nói vậy chứng tỏ cậu hết giận rồi, cuối cùng cậu San cũng khỏi bệnh… Nó hứng chí quát đám “thuộc hạ” phóng ngựa lao về phía trước.
Đám dân "tị nạn" đi hết từ cảm động này đến cảm động khác, quan tâm kẻ dưới chu đáo như ri - phi cậu San không còn ai khác. Thế giới này cũng có giai cấp Sĩ- Nông – Công – Thương. Công mặc dù xếp trên Thương nhưng thực sự chỉ mang tính tương đối. Nhất là đám thương nhân có tiền lại càng sung sướng, còn lâu mới có chuyện sống vạ vật khổ sở. Công tượng mới chính là tầng lớp thấp nhất, không có ruộng, không có tiền, lại chẳng có địa vị xã hội. Từ thuở bé đến giờ nào có ai đối xử tốt với bọn họ như cậu?
“Chúng bây ráng lên... thêm một đoạn nựa (nữa) là đến rồi, đường nỏ còn xa mô.” Tay thợ già đang ngồi trên xe trâu động viên con dâu với con trai của lão. Lão cũng muốn xuống đỡ bọn họ, nhưng lại không dám trái lời cậu San. Có thể cậu chỉ hăm chặt chân - chắc chắn người từ bi như cậu không đời nào làm vậy. Nhưng làm cậu giận là không tốt, là phụ lòng tốt của cậu.
“ Thày yên tâm, con là vẫn khọe (khỏe) lắm. Thày để nhà con đi theo được rồi. Con qua chỗ thằng hai xem nó ra răng.” Người thanh niên hơi gầy gò nhưng rắn rỏi cất giọng trả lời cha hắn.
“ Ừ, vậy mi đi mau lên, xem hấn cần cấy chi thì giúp. Khộ (khổ) thân hấn, từ nhỏ đã yếu ớt...”
Những lời động viên kiểu như vậy cứ râm ran từ đầu hàng tới cuối dãy trong suốt cuộc hành trình, xem ra còn nhanh hơn binh sĩ hành quân. Đúng là tâm trạng mà thoải mái thì đi đường xa cũng không thấy nhọc...