Thành Nghệ An hùng tráng to lớn hơn nhiều thành Hà Tĩnh. Dù sao Hà Tĩnh cũng mới tách ra không lâu, làm sao có thể so sánh cùng Nghệ An được?
Đến cả hành chính lúc này tuy mang tiếng là một tỉnh độc lập, nhưng Hà Tĩnh vẫn phụ thuộc Nghệ An đấy.
Đề Đốc An-Tĩnh Võ Trọng Bình chính là ngồi ở Nghệ An nhưng quản cả Hà Tĩnh.
Đề Đốc (Provincial Military Commander) là một chức võ quan nắm giữ binh quyền một tỉnh thời nhà Nguyễn, tòng nhị phẩm. Cấp trên của Đề đốc là Đô Thống chưởng phủ sự, tức là một trong 5 vị Ngũ quân Đô thống (Trung quân, Tiền quân, Hậu quân, Tả quân, Hữu quân) nắm quyền chỉ huy quân đội.
Đề đốc chỉ huy một doanh, khoảng 2500 đến 4800 lính. Ở các miền duyên hải, Đề đốc được đặc chức là Thủy sư Đề đốc.
Cho nên Võ đại nhân quyền lực không tầm thường, tay nắm trọng binh hai tỉnh lại còn kiêm cả chức Thủy sư Đề Đốc, tổng số quân chính quy thực quản có đến 6000 lính (Chưa kể kiểu như Cán Ca là binh của riêng hắn không tính gộp với lão Bình).
Nếu nhìn chức vụ Võ đại nhân lúc này hẳn mọi người nghĩ lão chính là một võ tướng xuất thân đúng không? Thật sự thì không phải, ở đất Đại Nam này văn quan hay võ quan chỉ cách một đường tơ kẻ chỉ. Văn quan không chỉ biết làm thơ phú, bọn họ lúc cần có thể dẫn binh đánh trận. Võ quan tuy văn chương không giỏi nhưng bọn họ lại không hẳn là võ biền thô bỉ.
Ở dải đất chữ S này những điều trên đã thành truyền thống từ thời nhà Lý – Trần cho đến nay. Xuống ngựa nghiên bút trị thiên hạ, lên ngựa vung đao phạt tứ phương, ấy là người Đại Việt.
Võ Trọng Bình sinh tại làng Mỹ Lộc, xã An Thủy, huyện Lệ Thủy [3], tỉnh Quảng Bình, đỗ cử nhân năm Minh Mạng (1834), và bắt đầu làm quan kể từ đấy.
Ông giỏi thơ văn và việc chính trị, nên được thăng dần lên chức Phủ doãn Thừa Thiên, rồi Tổng đốc Hà Ninh (Hà Nội - Ninh Bình) kiêm chức Quân thứ Khâm sai Đại thần Tuyên-Thái-Lạng, để hội với quân Đề đốc Quảng Tây là Phùng Tử Tài đi đánh Ngô Côn.
Về sau lại nhận chức Đề đốc An Tĩnh quản lý binh mã hai tỉnh miền Trung này. Có thể nói người này quyền cao chức trọng vô cùng.
Sử sách có ghi rằng ông ta nổi tiếng là người có tính cương trực, thanh liêm và biết quý trọng dân. Cái này thì San công nhận hai điều là tính cương trực cùng không nhiễu dân. Còn thanh liêm thì quên đi, đây là sử gia viết ẩu.
Thời này Đại Nam thanh liêm không thể làm võ quan, Nghèo thì không thể nuôi lính, vì bạc triều đình cấp không bao giờ đủ. Muốn binh khỏe tướng mạnh mà chỉ dựa vào quân phí được cấp là chuyện nằm mơ. Hệ thống chính quyền Đại Nam thời Tự Đức đã rệu rã lắm rồi, khắp nơi tham nhũng. Tiền từ triều đình cấp cho quân đội bị cắt xén tầng tầng lớp lớp, lúc xuống đến tay của các Đề đốc thì Mười phần chắc chỉ còn hai ba.
Mà Đề Đốc nào tham lại cắn thêm một miếng, tiền lương, trang bị xuống phía dưới lại thấp đi, thêm mấy tầng bớt xén nữa thì… không biết còn gì nữa.
Cho nên nếu là võ quan thực sự thanh liêm thì quân đội do hắn quản sẽ tầm năm đến bảy thành so với số quân lương triều đình phát. Điều này dẫn đến quân số buộc phải giảm, nhưng được trang bị đầy đủ, khí thế tốt, tinh thần mạnh mẽ, đảm bảo sức chiến đấu tối thiểu.
Còn nếu vào tay tham quan thì số quân thực quản Chỉ còn nhiều lắm 1/4 thậm chí 1/5 số lương bổng nhận, vì đã cắt xén quá nhiều không có thể đủ nuôi quân.
Trường hợp Võ Trọng Bình thì không thể xếp vào đội ngũ “thanh liêm” được, vì tay ông ta nhận đầy tiền bẩn. Nhưng ông này lại không phải tham quan, vì ông ta dùng tiền bẩn để nuôi quân.
Triều đình thực cấp quân nhu, lương bổng cho 4500 quân, sau khi cắt xén mấy tầng phía trên, quân nhu về cho Võ Trọng Bình chỉ đủ nuôi 3000 quân. Nhưng lúc này Đề đốc Bình luyện được 6000 tinh binh đấy, đều là cường tráng binh, trang bị tinh lương. Vậy nếu là thanh liêm quan, ông ta lấy đâu ra tiền?
Cho nên có thể đánh giá Võ Trọng Bình một cách chính xác đó là năng thần, biết vận dụng linh hoạt các điều kiện có thể để làm việc cho quốc gia.
Như vậy trong hệ thống “kiếm tiền” nuôi quân của Võ Trọng Bình thì Trần gia – Hồ gia cực kỳ quan trọng.
Đây là lý do mà ông ta một cử nhân , một trong quan tòng nhị phẩm có thể nhận Trần Quang Cán, một tên giang hồ đội lốt thương gia làm đệ tử.
Nên nhớ thời này quan hệ thầy trò là rất khủng bố.
Ngày hôm nay Võ Phủ thành Nghệ An có một đoàn dài người, cùng kỵ sỹ quy củ tập trung bên ngoài.
Người biết mà nhìn đến hẳn nhận ra ngay, đây là đoàn người Trần gia , “ký danh đệ tử” của Đề Đốc.
Từ lúc nhận Võ Trọng Bình làm thày thành công thì danh tiếng Trần gia không chỉ bó hẹp ở mỗi Hà Tĩnh không thôi. Người Nghệ An không hiếm người biết về vị đồ đệ của Võ Đề Đốc đấy.
Xếp đầu đoàn người là hai chiến mã cao lớn, hai gã đàn ông cao to một trẻ măng một trưởng thành gương mặt có nét hao hao giống nhau. Cả hai mặc võ phục đai da viền gấm, nhìn qua thấy phú quý vô cùng….
Không thể nhầm được , đây chính là hai cha con nhà họ Trần, đại ca Cán Gàn và tiểu đệ San Khùng. Khi này cả hai theo đúng kế hoạch bàn bạc trước đó mà đến bái phỏng thày Bình.
“Tiểu đệ, đừng lo lắng quá, thày Bình rất dễ gần” Cán Gàn quay qua một bên cố nặn ra nụ cười mà động viên con trai.
San thiếu liếc liếc ánh mắt khinh bỉ. Ở đây ai mới là thằng khẩn trương run lẩy bẩy? San thiếu thì vẫn bình chân như vại, chả việc quái gì phải xoắn. Còn kẻ đang bồn chồn không yên… hẳn là Cán Gàn rồi.
Cũng không lâu sau cánh cửa của Võ Phủ Đề Đốc mở toang, là chính môn đón đãi.
Đệ tử của Đề đốc tuy chức quan thấp bé nhưng uy danh cùng tầm quan trọng không phải bình thường. Đến cả Đề đốc Phủ cũng phải cẩn thận đối đãi, nhất là đối đãi hàng dài xe ngựa phía sau với chất đống rương nhỏ hòm to, mà danh sách lễ vật đã đưa lên từ trước. Không đối đãi cẩn thận mới là chuyện lạ.
“Ôi Cán đại gia, lâu ngày quá không gặp... mời ngài vào nhà thôi, Đề Đốc đại nhân đang chờ đợi đó” Tiếp đón đoàn người Trần gia chính là đại Tổng quản Võ Phủ. Đừng nhìn thân phận gia nô của hắn mà nhầm. Thằng này là gia nô nhà Võ Phủ, sẵn sàng quát tháo quan viên ngũ phẩm đổ xuống ở An- Tĩnh là bình thường. Để hắn có thái độ cẩu nô tài này đủ hiểu Cán Gàn có bao nhiêu mặt mũi.
“Ôi Phụng ca, sao phải để ngài đích thân ra tới đây vậy, thật ái ngại quá” Cán Gàn không chờ cho gia nô giúp đỡ mà tự tung mình xuống ngựa chạy đến bên cạnh tổng quản tên Phụng gì đó mà chào hỏi thân mật.
San cũng trợn tròn mắt, không ngờ lão phụ thân gàn dở này khi tiếp xúc ngoại giao lại có một mặt khéo léo như vậy. Lại phải lau mắt nhìn một lần nữa rồi.
San thiếu cũng học theo Cán Gàn tung mình xuống ngựa, rảo bước mà đến ôm quyền cúi đầu thưa. “ Cháu San xin ra mắt Bác Phụng”.
Thân mình thẳng tắp hơi cúi, chắp tay quy củ con nhà võ thế gia, thái độ không kiêu không nịnh, chào hỏi là dựa theo tuổi tác tôn trọng, dựa theo thân phận đoán định.
“ Ôi San thiếu gia, mi lớn nhanh chưa tề. Bá mới có bao lâu không gặp mà mi lớn như ri.” Phụng ồ lên kinh ngạc, không phải là kiểu đãi bôi xã giao cho có. Nhà họ Trần vốn bự con sẵn, thằng San lại đang tuổi lớn, mỗi ngày đều dài thêm khá nhiều. Cho nên chỉ cần một thời gian không có gặp San mà vẫn giữ ấn tượng cũ sẽ bị bất ngờ khi gặp lại.
Chào hỏi xong xuôi, tổng quản Phụng dẫn hai cha con vượt qua chính môn và bốn cái Liên Hoa Môn để gặp Đề Đốc.
Đến đây thì San hiểu kiên trúc nhà họ Trần từ đâu mà ra rồi. Hẳn là bắt chước nơi này mà thành. Nhưng mà kiến trúc nơi này hài hòa hơn rất nhiều, tuy đơn giản không phô trương nhưng bàng bạc khí thế. Còn nhà họ Trần thì... Sán xấu hổ không dám nhận xét... quá trọc phú.
Đề Đốc Võ Trọng Bình tiếp hai cha con nhà họ Trần ở gian nhà ngang nơi Chính Viện, đây là nơi trang trọng nhất để tiếp khách theo truyền thống Đại Nam rồi.
Cảm giác đầu tiên của Đề Đốc Võ Trọng Bình gây cho người gặp đó chính là hòa nhã, nhưng lại ẩn trong đó sự uy nghiêm, có sự cứng rắn cần thiết của võ giả, nhưng cũng không thiếu sự mềm dẻo uyển chuyển khi cần thiết. Ông ta năm nay chạc ngũ tuần, tóc lốm đốm bạc, mày hơi dựng chòm dâu dài tầm ngang ngực được tỉa tót cẩn thận.
Thân hình của Đề Đốc nhìn qua chỉ tầm thước, lại ăn mặc văn nhân. Nhưng nếu để ý kỹ thì mới thấy ông ta rắn rỏi dị thường, bước đi trầm ổn hữu lực, tác phong dứt khoát mạnh mẽ. Đây rõ ràng là con nhà binh nhưng lại có pha chút văn nhân. “Trí tướng”... đây là cảm giác mà San nhận thấy được.
“Con Cán xin ra mắt thầy, chúc thày thiên tuế thọ niên, mạnh như tùng bách” Cán Gàn hiếm khi mở mồm không thô tục, lúc này còn ra vẻ văn chương, thật làm cho San buồn nôn chết mất....
“Chất nhi San xin ra mắt ông Bình, chúc ông vạn sự như ý” Chẳng biết chúc gì, Sán lấy nguyên câu chúc ngày tết ở thời hiện đại mà tương vào.
“A hả... không cần đa lễ ... Vạn sự như ý.. câu nói rất lạ rất hay, dù khó thành hiện thực nhưng lại mang hàm nghĩa hi vọng... Tốt! Tốt! Tốt!”
Không ngờ lão sư Bình lại bỏ qua cả đệ tử mà đi đến đỡ thằng San, điều này khiến cho Cán Gàn tổn thương lắm... hu hu hu..
Bộp...
Bộp...
Đau nhé, San nhe răng...
[Lão già này mạnh] Trong đầu San thầm nghĩ, nhưng hắn vẫn đứng nguyên như tượng để mặc cho lão Bình bắt lấy vai rồi khuỷu tay hắn mà sờ nắn.
“ Tốt tốt tốt.... Cán Gàn ... khụ khu... Trò cán... mi có thằng con quá được, thể chất của hắn đúng là lương tài luyện võ đó, không nên chểnh mảng...” Đề đốc Bình tấm tắc gật đầu khen ngợi rồi lại chỗ chiếc ghế lớn ngồi xuống. Lão vẫn ngắm nhìn San thiếu mà ưng ý không thôi.
“ Trò Cán, nói đi, mi đến tìm thày có chuyện chi mà mang theo lắm quà rứa? Lại muốn thăng quan rồi?”
Lão Bình chỉ chỉ chén trà ý để hai cha con tự xử.
Dĩ nhiên San thiếu biết điều, hắn lúc này phải trở thành "đồng tử rót nước" chứ sao.
“ Bẩm thày, là như ri ạ. Thằng San nhà con cứ nằng nặc đòi thi Võ Cử ở Hà Tĩnh tháng tới, mà ngặt nỗi hấn năm nay mới 14 tuổi thôi, gần 15 ạ” Cán Gàn cũng đi thẳng vào vấn đề không vòng vo, võ quan không có thói nói chuyện quanh quẩn.