San thiếu nói chuyện với các thợ máy cũng biết thêm khối thứ. Trước kia, hắn phân biệt động cơ hơi nước dựa vào cấu tạo pít-tông xi-lanh, phần vì dính dáng tới nghề cơ khí xe hơi hắn đã làm kiếp trước.
Thực tế thời này không ai phân loại như vậy, do động cơ dạng Simple-Expansion Single Action là chủ đạo (xem lại cơ chế hoạt động ở chương 30). Các loại động cơ được phân biệt qua cách bố trí hay cấu tạo trục khuỷu.
Bản thân Hắn cũng có sẵn kiến thức cơ bản về máy móc cho nên chỉ cần nói qua sẽ hiểu được. Chứ người ngoài nghề như James thì khác gì vịt nghe sấm .
Cách phân loại đơn giản nhất là theo cách lắp máy đứng hoặc ngang. Kiểu đứng chỉ phù hợp với thuyền lớn, hoặc thuyền vận tải nội địa. Thuyền loại nhỏ không thể áp dụng kiểu bố trí này. Bởi lẽ động cơ lắp đứng sẽ nhô cao hơn mạn thuyền khá nhiều, nếu bị tấn công thì coi như chết chắc.
Cho nên chỉ thuyền lớn, thành bên cao mới có thể bố trí loại này. Hoặc là tàu nội địa không có va chạm đánh nhau gì chỉ chạy sông nước bình thường cho nên thoải mái bố trí nồi hơi cùng động cơ. Có lộ ra ngoài cũng chẳng sợ hãi gì.
Máy tàu đứng còn có thể treo trong một tháp hình chữ A – các tàu viễn dương lớn đương thời, cũng như phần lớn chiến hạm đều bố trí kiểu này. Lý do là dễ lắp đặt, giá thành rẻ, tạo lực kéo rất mạnh khi khởi động. Nhưng nhược điểm là cực kỳ nặng.
Trái lại, động cơ nằm ngang thì chế tạo phức tạp hơn, chi phí sản xuất cao, chỉ phù hợp các tàu cỡ nhỏ, thành tàu thấp. Các tàu hơi nước loại nhỏ thậm chí còn đắt tiền hơn tàu lớn vì nguyên nhân này.
Cách phân biệt theo cấu tạo trục khuỷu thì đúng là hoa mắt. Khi này đang là giao thời của động cơ hơi nước, các thiết kế nghìn loại vạn loại thi nhau đua sắc. Nhà này nói mình tốt, nhà khác nói mình hay. Cứ gọi là đua nhau mà sản xuất.
Cho nên phân biệt bằng hệ này rắc rối phức tạp lắm.
Có điều San thiếu vẫn hiểu được phần nào. Bởi lẽ kết cấu cơ khí trục khuỷu là hắn nắm trong tay, thậm chí ngay cả trục cam phức tạp của động cơ xe hơi nhiều xilanh hắn cũng biết rõ cấu tạo mà.
Đầu tiên là động cơ Side-lever: Đặc trưng là có một cặp dầm sắt nặng nằm ngang, được gọi là đòn bẩy bên – nối phần giữa với đáy động cơ bằng một chốt. Nặng nhưng khỏe, cấu tạo đơn giản đáng tin cậy, ít hỏng hóc – các tàu viễn dương rất chuộng loại động cơ này, điển hình là các tàu của Mỹ như: Steamboat Ruby (1836), SS Pacific (1849), PS Leven (1850), RMS Persia (1855)... Đám thợ máy rành thuyền Mỹ hơn, nên cũng hơi ưu ái loại động cơ này.
Tiếp đến là Grasshopper ( Động cơ châu chấu hoặc 'nửa đòn bẩy'). Ưu điểm chính là giá thành rẻ và độ bền cao, Loại này được cho là không tốn công bảo dưỡng, so với các động cơ dùng cho tàu thuyền khác. Do bị giới hạn kích thước nên chỉ phù hợp tàu bè chạy trên sông. Nghe thợ mô tả, San thiếu mừng húm. Hắn có ít nhất 6 dây chuyền gắn động cơ “châu chấu” – cũng hên làm sao là gã Jony rất am hiểu kiểu máy này.
Cuối cùng là kiểu T-shaped: loại động cơ đôi có xi-lanh nối vào thanh dầm chữ T, giúp chúng hoạt động đồng bộ cùng nhau. Đây là thiết kế kiểu mới cho nên chưa được chấp nhận rộng rãi Jony cũng chẳng biết gì về nó mà đánh giá.
Các loại động cơ lắp ngang vẫn đang trong giai đoạn phát triển, đám thợ này có dịp được thấy mới lạ. Có tin đồn là thuyền HMS Bellerophon đang được đóng mới sẽ lắp máy ngang. Công nhận phương Đông thời này đúng là đói tin tức, đến một gã thợ xoàng người Mỹ còn biết nhiều hơn khối người..
Vụ máy tàu tạm thời biết sơ sơ vậy đã, chứ Đại Nam thì còn khướt mới đụng chạm được đến thứ này.
“Doanh nhân” James lúc này thật ảo não, nhìn đảo Hương Cảng phía trước mắt mà hắn chỉ muốn nhảy xuống biển bơi về... cho nó lành cờ.
Hiện tại thuyền đã gần bến cảng lắm rồi. Hết giờ hối hận. Gã sắp phải đối mặt với nguy cơ toi mạng đang rình rập nếu đặt chân lên bờ
“ Dân Mỹ làm gì nhát gan vậy..”
Cậu San một bên “đá đểu”....
James thiếu điều muốn chửi thề. Nhưng cũng biết khôn mà ngậm miệng lại. Lúc này bố bảo gã cũng không dám làm phật ý cậu San.
Hương Cảng thời này không giống Hong Kong trong hiện đại. Nó lụp xụp, tiêu điều – chẳng có vẻ gì phồn vinh hay thịnh vượng của một “con rồng châu Á” hết… Thương nhân hay tàu bè chả thấy ai. Chỉ toàn là chiến hạm với binh lính lượn lờ.
Nói cho vuông thì nơi này còn kém cả Hà Tĩnh của San thiếu nhiều.
Thực ra cũng vớt vát được mấy khu nhà kiểu Anh khá tân thời. Còn lại thì chẳng có gì đặc biệt, nếu không muốn nói là “bần”.
Quái lạ…
Người của Hồ gia đã chờ sẵn trên bờ, bọn hắn đang thì thầm to nhỏ nói chuyện cùng quan Tây.
Một tên người Anh đang chỉ huy nhóm lính bản địa làm nhiệm vụ kiểm tra người xuất nhập cảnh ở cầu cảng.
Nơi làm thủ tục hải quan cũng khá đơn giản, mỗi cái bàn gỗ chắn ngay lối vào, thêm tấm bạt che nắng mưa là hết vị.
“ Cậu San… bên họ cần giao nộp súng và vũ khí … Hay là cậu để trên tàu?”
Tay quản sự nhanh nhảu chạy tới thông báo cho nhóm người của San.
Căng nha, không có “chó lửa” lận lưng thì bọn hắn cũng đố dám “khệnh” ở chỗ này.
Người của cậu có mấy chục thằng thôi, bỏ hàng nóng trên tàu thì chơi sao lại bang phái bản địa.
Thiên Địa Hội tiền thân hội Tam Hoàng cũng không phải dạng vừa.
Cậu San cau mày nhìn tên quản sự họ Hồ cau mày hỏi: “ Mi đút tiền bọn hắn cũng không cho à?”
Chuyện này hơi vô lí. Theo kinh nghiệm James và “cha vợ tương lai” Hồ Bá Long truyền đạt, Hương Cảng hiện đầy rẫy tệ nạn, tham nhũng đưa hối lộ là chuyện cơm bữa. Chỉ cần có tiền thì muốn làm gì cũng được. Mang theo bên người vài khấu súng là điều quá muỗi.
“ Chịu cậu ơi. Bọn quỷ Tây đang đánh nhau với nhà Thanh… bọn hấn quản chặt lắm. Người từ bên ngoài bị cấm mang vũ khí vào Hương Cảng” Hồ quản sự nhăn nhó thưa.
“ Biết rồi. Mi để đó cho cậu!”.
San thiếu rút khẩu “súng sáu” cưa nòng bên dưới áo khoác rồi giơ lên cao cho gã chỉ huy nhìn thấy. Hắn giao súng cho thuộc hạ rồi thong thả tiến lại gần quầy “hải quan.
“ Chào ngài sĩ quan. Xin tự giới thiệu tôi là San Trần, người Đại Nam.”
Hắn rất tự nhiên đi tới tên sĩ quan người Anh mà bắt chuyện. Xem ra kế hoạch của San thiếu phải đổi 180 độ rồi. Biết thế này khỏi phải mang theo thằng James đỡ rách việc.
“ Xin chào, tôi có thể giúp gì cho anh?”
Vẻ mặt tên sĩ quan cũng không quá kênh kiệu, dù sao hắn cũng nhận qua không ít tiền của Hồ gia quản sự đưa từ trước rồi.
“ Cảm ơn ngài sĩ quan. Chuyện là như vậy, tôi muốn đổi 20000 lượng bạc thành bảng Anh. Tiếp theo là mở một công ty ở đây và nộp đơn xin làm công dân của Đế quốc”
San thiếu trình bày rất ngắn gọn, trực tiếp.
Vốn dĩ kế hoạch ban đầu là dựa vào quan hệ của James, tìm đường đút lót Lãnh sự quán Mỹ để trở thành công dân Mỹ.
Nhưng lúc này San thiếu ngộ biến tòng quyền. Đầu tiên trở thành “công dân Anh được bảo vệ” ở thuộc địa Hương Cảng đã, như vậy cũng dễ bề hoạt động. Theo như kế hoạch hắn đang bố trí thì lấy quốc tịch Anh hay Mỹ cũng chẳng khác biệt bao nhiêu cả.
San thiếu đang trưng ra bộ dạng “Ông đây có tiền” đúng kiểu công tử Đại Nam ăn chơi . Hắn cố tình khoác vào người bộ đồ rất sang trọng bằng gấm, kèm thêm một lô phụ kiện bằng vàng, đính đá quý, cứ gọi là chói hết cả mắt.
Quả nhiên dáng vẻ, thái độ tưng tửng cùng câu chuyện của San thiếu đã làm tên sĩ quan chú ý…
Năm 1839, lấy cớ triều đình Đại Thanh từ chối nhập khẩu thuốc phiện, Nước Anh đã phát động cuộc “Chiến tranh Nha phiến lần thứ nhất”. Quân Anh chiếm Hương Cảng ngày 20 tháng 1 năm 1841. Ban đầu, đảo này được nhượng cho nước Anh theo “Hiệp ước Xuyên Tỵ (Chuenpi Convention) - như một phần thỏa thuận ngừng bắn, giữa Đại tá Hải quân Hoàng gia Anh Charles Elliot và Tổng đốc Lưỡng Quảng Kỳ Thiện. Có điều nó không bao giờ được phê chuẩn, do tranh cãi giữa các quan chức cấp cao của hai bên.
Mãi đến ngày 29 tháng 8 năm 1842, Đại Thanh mới chính thức nhượng lại vĩnh viễn nơi này cho nước Anh theo Điều ước Nam Kinh. Người Anh đã thiết lập nên một “thuộc địa vương lĩnh” bằng việc xây dựng thành phố Victoria vào năm 1843.
Một số cơ sở hạ tầng hành chính nhanh chóng được xây dựng vào đầu năm 1843. Nhưng nạn cướp biển, dịch bệnh và các chính sách thù địch của nhà Thanh thời gian đầu đã ngăn cản chính phủ “thuộc địa vương lĩnh” Hương Cảng thu hút thương mại.
Thập niên 1850, cuộc khởi nghĩa Thái Bình Thiên Quốc nổ ra ở Quảng Đông. Một nhóm người tị nạn từ Đại lục, trong đó có không ít thương nhân, đã trốn khỏi vùng chiến sự và tìm tới nơi đây. Nhờ vậy điều kiện sống trên đảo cũng được cải thiện đáng kể.
Lúc này Hương Cảng “mới” đang có chính sách ưu đãi cho người giàu hoặc thương nhân Đông Á đến định cư làm ăn. San thiếu ôm một lúc 2 vạn lượng bạc ký quỹ ngân hàng tất nhiên là được hoan nghênh nhiệt liệt.
Đống bạc này tương đương 30000 đô-la Mỹ, hay là 10000 bảng Anh ở thời điểm đó – bằng toàn bộ gia sản mà James phải cầm cố để lấy vốn kinh doanh, bao gồm nhà, đất, kể cả công ty vải của gia đình gã nữa.