“ Ông muốn đánh Sơn Trà ?”
San lại giật mình, không phải cụ Nguyễn Tri Phương chuyên phòng thủ ư? Ở Đà Nẵng thì cụ đắp lũy dọc ngang khu Định Hải. Tới đồn Chí Hòa rồi thành Hà Nội lại dùng chiêu này. Đoạn sau thì ai cũng biết rồi?
Thực ra cách đánh trận của cụ không còn hợp thời nhưng bảo thủ chẳng chịu thay đổi. Giá như sau trận Đà Nẵng, triều đình Huế và bản thân cụ nhận ra sự lạc hậu của hệ thống tư tưởng quân sự để cải cách thì mọi chuyện đã khác. Ít nhất Đại Nam sẽ không thảm bại trong trận công đồn Chí Hòa.
Giờ cụ chủ động muốn đánh Pháp làm San thấy bất ngờ.
Lý do cũng dễ đoán thôi.
Trước kia tin tức bế tắc, không nắm rõ về bọn Pháp, lại sẵn tâm lý e ngại súng Tây – vậy là bọn chúng có “hù” cũng không ai dám bật lại.
Nay tình thế đã khác. Binh lực địch, tình hình dịch bệnh, nơi trú quân… tất cả đều rõ như lòng bàn tay. Không dám đánh có mà thành trò hề sao?
“Phại (phải), ông muốn đánh… mi xem Trần gia quân có hiệp trợ triều đình được mô… Ông biết nhà mi cũng tổn thất… Nhưng xã tắc lâm nguy, tàu bọn Tây đang bắn phá Vũng Tàu, Cần Giờ… Ông nóng lòng muốn vô Nam đốc chiến…” Phương đại soái giãi bày.
Đến lúc này San mới hiểu rõ hơn, có lẽ cụ muốn đánh nhưng lực bất tòng tâm. Đám quan võ dưới trướng rặt một đám “hổ giấy”, nhắc tới đánh đấm là trốn hết, chỉ biết ru rú lo thân là giỏi. Thủ khỏe khác với đảm công. Rất nhiều Hiệp Quản Cơ ở Đà Nẵng tỏ ra anh dũng trong phòng thủ, nhưng nói đến tấn công thì bọn họ co hết vòi lại, Cụ Phương làm sao mà đánh nổi?
“ Đánh đi ông. 400 quân nhà con quyết đánh tới người cuối cùng. Pháo Tây súng Tây con thu được không ít. Ông cho con thêm một đám binh sĩ lớn mật nựa (nữa). Để “chuyên gia” luyện bọn hấn tầm nửa tháng rồi xuất chiến chưa muộn”
San thiếu tỏ vẻ khí phách hiên ngang, thật ra lúc này nếu có đánh nhau thì quân Trần gia cũng không cần lên trước.
Hắn thu được 4 chiến hạm, súng có đến cả ngàn, thuốc nổ tốt mấy chục tấn, lại thêm hạt nổ không thiếu, huấn luyện cấp tốc một đám Đại Nam binh không hề khó gì.
“ Nói thực ông nghe, năm nay mi mấy tuổi?”
Bất chợt cụ đổi chủ đề làm San bối rối. Nhưng hắn cũng không giấu chuyện bản thân mới 15 tuổi, năm ngoái đút lót để thi Võ Cử trót lọt ….
“ Tốt lắm… mười bốn tuổi dám tòng binh đánh giặc. Nam nhi chí lớn, đáng khen…”
“ Chuyện nhà mi không dệ (dễ) mô. Nếu có lời gièm pha tới triều đình thì kiểu gì cũng bị chú ý. Ông có cách ni giúp được cha con mi. Mi muốn biết?”…” Phương Soái lúc này ung dung vuốt nhẹ chòm râu…
Không biết ma xui quỉ khiến thế nào mà San buột miệng hỏi lại.
“ Ông có cách chi, con xin nghe.”
Tèn tén ten, San không biết câu nói này sẽ khiến hắn một chân bước vô “quỷ môn quan” rồi.
“ Nỏ vội … mi trước tiên đi tắm rửa nghỉ ngơi, ăn uống lấy lại sức. Để ông nghĩ chu toàn rồi nói mi nghe. Yên tâm, ông sẽ có cách vẹn toàn lo cho nhà mi...”
Cụ Phương cười cười xoa đầu San khiến mái tóc của hắn rối bù lên… hắn cảm thấy quái quái. Bản năng cho hắn biết chắc chắn ông cụ này có âm mưu. Âm mưu liên quan đến hắn.
Đúng là cụ Phương có tính toán, nhưng cụ cần phải chờ kẻ dưới đi xác nhận chiến công của San thiếu về mới quyết định được.
Đường ra Cù Lao Chàm không có xa. Lúc này bố bảo quân Pháp cũng không dám ra khơi. Điều này đồng nghĩa chỉ mất vài tiếng đồng hồ chèo nhanh thì có thể kiểm ra San thiếu có nói láo chiến công hay không. Cụ Phượng tuy rất tin San thiếu nhưng xuất phát từ cẩn thận thì cụ vẫn phải tra.
Mười giờ tối rồi, lúc này người đi kiểm tra mới về báo cáo cho Phương Soái, thân tín cụ Phương phấn khởi hào hứng kể như thể hắn mới là người lập nên chiến công vậy.
Phương Soái lập tức nửa đêm cho gọi San, thời này mười giờ tối đã là rất muộn rồi.
Cụ Phương đã tìm ra cách vẹn toàn giải quyết tận gốc vấn đề Trần gia.
Thống quân Nguyễn Tri Phương đã 59 tuổi mà con vẫn còn nhỏ. Con cả Nguyễn Văn Sơn mất sớm, mãi đến năm 44 tuổi cụ mới có đứa thứ hai là Nguyễn Văn Lâm – tính ra đúng bằng tuổi San bây giờ. Cụ còn có một con gái tên Nguyễn Chi Mai với vợ lẽ, năm nay 14 tuổi. Vậy là có ngay cách gỡ rối, cực đơn giản.
Thằng San là con rể cụ, để xem ai dám đụng hấn.
Pha ôm cua này xem ra hơi đột ngột. Mới gặp lần đầu lại chỉ nghe một phía, sao biết được Trần gia thế nào mà nhận con rể? Không khỏi quá gấp đi? Chưa nói nhà này vốn là con buôn, có vẻ không “môn đặng hộ đối” với nhà đại quan như cụ Phương cho lắm.
Đấy chỉ là suy nghĩ hiện đại thôi.
Điều khiến cụ quyết định gả con gái trong một nốt nhạc cũng một phần vì nhà này “truyền thống” độc đinh – từ ba đời nay rồi . Vậy mà hai cha con dám cùng ra trận đánh Tây, thằng cha bị thương phải về nhà, thằng con vẫn ở lại chiến tiếp. Gia đình như vậy làm sao có thể xấu được. Đấy là kiểu đánh giá của người xưa.
Ở điểm này cụ đánh giá rất cao hai cha con hắn.
Điểm thứ hai đó là cha con Trần gia có tài, với một ngàn quân có thể cướp được 2 tàu chiến, đánh đắm hai tàu, bắt sống rất nhiều giặc Tây. Đây là điểm ngay cả cụ Phương cũng làm không nổi, cho nên cụ ái tài.
Về nhân phẩm thì một gia đình độc đinh cha con cùng ra trận, lại bán cả nhà cả cửa để đánh giặc. Điều này giả không nổi. Nhân phẩm như vậy đốt đuốc đi đâu mà tìm bây giờ?
Ra công ra của lại ra sức, hao tài liều mạng trên chiến trường, có mấy kẻ làm được vậy?
Thằng nào đặt điều nhà này “hai lòng” thì cụ chửi tông môn nhà nó. Đã có ý phản thì âm thầm mà làm, có đứa nào ngu tới độ trang bị vũ khí tốt xong đi rêu rao khắp nơi không? Đây thuần túy là một lòng vì xã tắc.
Còn cái gì mà môn đăng hộ đối, cụ chả quan tâm. Cụ Nguyễn Tri Phương tên cũ là Nguyễn Văn Chương, tự Hàm Trinh, hiệu Đường Xuyên, quê làng Đường Long (Chí Long), Điền Lộc, Phong Điền, Thừa Thiên Huế. Cụ xuất thân trong một gia đình làm ruộng và nghề thợ mộc. Nhà nghèo lại không phải dòng dõi khoa bảng, nhưng nhờ ý chí tự lập cụ đã làm nên cơ nghiệp lớn.
Nghĩa là nhà cụ cũng đi lên từ giai cấp công tượng, không kỳ thị dân buôn bán cũng chẳng có gì lạ. Nghe San khẳng khái xung phong đánh qua Sơn Trà, hào sảng nộp chiến lợi phẩm mà không ỉm đi, Người như vậy sao có tư cách xấu?
Chấm được quả rể quý thì phải triển ngay cho nóng!
San diễn cho lắm, đóng kịch cho lắm, cuối cùng quả báo, lãnh nguyên một cục nợ vào thân.
Lúc này San lơ ngơ nửa đêm tiếp kiến cụ Phương thì tin tức thông gia như sét đánh giữa trời quang.
San hoài nghi hắn kiếp này là số chung cực đào hoa. Mới 15 tuổi, đã đủ tam thê, còn thiếu tứ thiếp là đủ bộ rồi….
Cậu cả chối là bản thân mới có bình thê sắp cưới, vợ cả đã hứa với nhà họ Hồ không nuốt lời được.
Cụ Phương cười nói, con gái cụ cũng là vợ lẽ sinh ra, gả làm bình thê cũng chả sao cả. Nhờ thế mà cụ lại càng quý thằng này, Vì biết nó không phải dạng “có mới nới cũ, thấy lợi quên nghĩa”.
Quả này toang thật... Ván đóng thành thuyền luôn. Sao mà chối được? San bó tay toàn tập rồi.
Nếu hắn viện cớ tuổi nhỏ chí lớn chưa muốn cưới vợ thì bình thê sắp cưới Dương Tú Linh là gì? …Lỡ lời...lỡ lời... giờ muốn chạy không có thoát thân được....
Thực ra, San cũng hiểu cụ Phương bày ra việc này chính là để “hợp thức hóa” chiến công ở Cù Lao Chàm của nhà hắn. Không ngoa khi nói rằng đây có thể là “đột phá khẩu” cho sự bế tắc suốt thời gian qua để đổi chiều cuộc chiến.
Chính vì vậy, Phương Đại Soái muốn gánh công trạng này cho Trần gia không dễ chút nào. Cụ không thiếu đối thủ trong triều. Nếu bọn chúng đào bới kiểu trước đó không thấy Nguyễn Tri Phương có bất kể quan hệ gì với Trần Thị, đi đâu mà mật lệnh? Mọi sự vỡ lở ra thì thanh danh một đời của cụ đi sạch.
Nhưng nếu San và con gái cụ có hôn ước từ trước thì tất cả đều phải câm miệng. Việc này có từ bao giờ thì ai điều tra được? Chuyện cứ quyết vậy đi, không đổi được nữa.
San tính ra lại lời nhất, có nhạc phụ đạo đức như cụ Nguyễn Tri Phương thì có gì phải ngợi… Vợ chỉ cần không quá quắt là được. Hắn không quá chú trọng vụ này. Vả lại hắn tin vào nếp nhà gia giáo của cụ.
Vậy là một cặp hồ ly già-trẻ cứ ngầm hiểu với nhau như thế.
Đại doanh ở Đà Nẵng vỡ oà. Đám quân sĩ và võ quan lúc này mới hai năm rõ mười. Thì ra Tổng Thống Nguyên Soái cố thủ án binh bất động vì đã ghim sẵn một “cây bài tẩy” tên Trần Quang San, cũng là con rể của ngài.
Mãnh tướng thứ thiệt. Thông gia nhà Phương Soái quá dữ, đánh đắm 2 tàu Tây, thu 2 tàu nguyên vẹn. Còn chặt đầu mấy trăm thằng giặc nữa, bắt làm tù binh cũng cỡ đó. Cả doanh đánh 6 tháng còn chưa giết nổi 200 mống. Con rể Đại Soái một lần tập kích hốt luôn một mẻ lớn.
Chiều muộn cùng ngày, Phương Soái dắt tay con rể cưng chạy đi Mỹ Thị xem thành quả. Các võ quan không có nhiệm vụ canh phòng cũng nô nức “bám càng” đu theo. Những ai đang có phiên gác thì tiếc nuối đừng hỏi.
Danh tiếng cha con nhà họ Trần nổi như cồn. Nhưng ai cũng nghĩ đại công là của Quang Cán. Nhóc San đi theo đánh xì dầu chứ làm được gì đâu. Mọi người tôn trọng hắn vì tuổi trẻ mà dám ra trận đánh Tây, lại là con rể quan Thống Quân – còn năng lực của hắn thì không ai để vào mắt.
Điều này tình cờ hợp ý của San quá đỗi. Hắn để ý mới là lạ.
Trên bãi biển Mỹ Thị, Trần gia quân ưỡn ngực nghiêm trang đứng xếp hàng. Trong đám này có không ít thương binh nhẹ được San lựa ra, hoá trang chút để thêm phần thảm. Thế này cũng chẳng phải để tìm kiếm lòng thương hại gì cả. Cơ bản là San thiếu nói quân của hắn tổn thất nặng nề, bên ngoài phải “ra vẻ” một chút cho hợp cách.
Cụ Nguyễn Tri Phương xúc động lắm, đi tận nơi thăm hỏi thương binh cùng động viên binh sĩ Trần gia.
Đám võ quan tháp tùng cụ có chút ganh tị nhưng nào dám có thái độ? Nhóm quân này đã làm được điều mà toàn quân ở Đà Nẵng suốt thời gian qua không làm được – quả thực là phi thường.
2 tàu của Pháp và Tây Ban Nha có rất nhiều vật tư. Có lẽ bọn chúng cho rằng chiến hạm mới là nơi an toàn nhất, phù hợp chứa đồ quý giá.
Tổng cộng San thiếu “mò” được một lượng lớn vàng, bạc tương đương 5 vạn hiện kim.
Điều này chẳng có gì lạ. Đà Nẵng là một cảng biển giàu có của Đại Nam. Lũ xâm lược khốn kiếp đánh vào Hữu ngạn sông Hàn cướp sạch, đốt sạch rồi rút về Tả ngạn. Chỗ San thiếu thu được mới chỉ là một phần, chưa phải toàn bộ.
Đồ quý giá trên tàu Elcano cực nhiều. Có thể bọn Tây Ban Nha chỉ có một tàu lớn tham chiến nên mới gom hết đồ lên đây.
Thuốc nổ xịn sơ sơ cũng phải tới 70 tấn. San chỉ giữ 20 tấn để chiến đấu, số còn lại Cán Gàn đã chuyển hết về Hà Tĩnh rồi.
Pháo thì cứ gọi là đầy chợ. Riêng tàu ElCano đã có 70 khẩu pháo 200mm và 6 khẩu pháo 250mm. Tàu Alarme nhiều hơn một chút, 80 pháo 200mm và 10 pháo 250mm. Các tàu Dragonne và Némésis thuộc hạng trung, chỉ có 38 khẩu 200mm và một số pháo nhỏ.