San thiếu trên bờ quan sát toàn bộ quá trình chiến đấu. Lúc thuyền của Cán Gàn cùng Văn Biểng chìm trong biển lửa cũng khiến cho hắn thót hết cả tim gan.
Nhưng khi thấy thuyền chiến của của Cán Càn vẫn ầm ầm lao lên thì San thở phào một hơi.
Mắt hắn không chớp mà nhìn qua ống nhòm quan sát.
Đừng nghĩ làm khán giả là sướng, ở vào chỗ của San thiếu lúc này mới thấy hắn hồi hộp và lo lắng cỡ nào. Lòng thì như có lửa đốt, chỉ chực lao lên tuyến đầu với “anh bố” – mà vẫn phải cố tỏ ra bình thản. Còn căng thẳng hơn đi đánh nhau gấp tỉ lần!
Hai mắt của San đã cay xè, nhưng hắn không đám chớp. Hắn sợ bỏ qua cảnh tượng hay chi tiết nào đó..
“ Cán Đại Đầu cố lên... đâm vào đó... đâm đúng vào đó....”
“Hay...”
San thiếu như một thằng nhóc nhận được lì xì ngày Tết mà nhảy cẫng lên sung sướng...
Thuyền hơi nước thời này có điểm yếu cố hữu nào?
Chính là ở giữa thân chiến hạm nơi bố trí lò hơi, động cơ và guồng xoay hai bên hông.
Bánh sắt guồng quay hai bên hông quá chiếm diện tích và không có khả năng bố trí pháo, tạo nên một khoảng mù đáng kể nếu tiếp cận đủ gần.
Thuyền của San thiếu chính là được thiết kế chuyên để đánh vào guồng xoay.
Mũi thuyền có một kết cấu mũi tên thép có ngạnh dài chừng 2,5 m, có khớp tách rời dễ dàng. Khi đâm trúng thân tàu, nó sẽ theo rãnh trượt dọc theo mạn thuyền, tránh gây hư hỏng cho phần mũi.
Thanh thép này mà đâm vào guồng quay sẽ khiến nó sẽ kẹt cứng tại chỗ không thể quay tiếp được.
Pha chiến đấu vừa rồi thuyền của Văn Biểng chạy hơi lệch góc chết của Guồng xoay cho nên dính quá nhiều đạn pháo, có lẽ thương vong không hề nhỏ. Nhưng thuyền của Cán Gàn chạy khá tốt và nó đã hoàn thành mục tiêu của mình.
Ầm ầm...
Lạch cạch .... két két két.... khực khực...
Thanh sắt bị guồng xoay cuốn lên, cái móc của nó chèn giữa nan hoa với vỏ guồng, bị xoắn vặn tới mức biến dạng. Nhưng thanh sắt đủ cứng và dai để hoàn thành nhiệm vụ của mình. Guồng xoay của thuyền Elcano đã bị kẹt cứng không thể chuyển động.
Thợ máy đã vội vàng theo lệnh khóa động cơ, thế nhưng rất nhiều linh kiện đã bị vặn xoắn đến mức biến dạng, Thanh đà đòn bẩy ngang quá nặng và gây nên một lực quán tính quá khủng khiếp cuốn phăng tất cả.
Thiếu đi máy móc, tàu Elcano buộc phải di chuyển bằng buồm. So tốc độ thì không thể nhanh bằng thuyền của Trần gia.
Chớp thời cơ , hai mươi lăm thuyền kiểu Đại Việt cũ lao lên, bọn hắn đi vòng bám theo đuôi chiến hạm ElCano, nơi này không có pháo thích hợp tiếp cận.
Trung Tá Oscaritz khi này mới hiểu hắn đã gặp được hàng thứ dữ.
Phương thức tác chiến của đám người này đã phá vỡ tiền lệ hiểu biết trước đây hắn lầm tưởng về người bản địa.
Những chiến hạm này tuy nhỏ, nhưng hỏa pháo của quân Tây Ban Nha lại bất lực mà không thể đục thủng được mạn thuyền của bọn chúng.
Cách chiến đấu rất khôn ngoan và hiểu rõ nhược điểm của chiến hạm hơi nước. Đặc biệt đám người này quá gan dạ và dũng cảm, điều đó khiến gã sĩ quan chỉ huy Tây Ban Nha sợ hãi.
Số lượng địch nhân quá đông. Thuyền đã mất động cơ, chạy không được. Trong cơn tuyệt vọng, Oscaritz ra lệnh cho phân nửa thuỷ thủ đoàn, bao gồm cả thợ máy cầm vũ khí tiến lên sàn thuyền quyết chiến.
Thuyền của Cán ca chạy song song cách khoảng 10m. Lúc này quân của hắn mới bò lên sàn thuyền, khệ nệ vác mấy tấm chắn bọc thép dày xếp thành hàng, các tay súng núp đằng sau chuẩn bị bắn nhau.
Sàn thuyền Elcano cao tới 12m, còn thuyền của Trần gia chỉ có 3.5m – khi đấu súng quân Tây Ban Nha lợi thế hơn hẳn.
Lính Tây Ban Nha xếp hàng mà nhả đạn như mưa về phía sàn thuyền của Cán. Những tấm khiên thép nặng đến 30kg có khả năng phòng đạn rất tốt. Nhưng binh sĩ phía sau đó không tài nào thò đầu phản công nổi.
Pằng pằng… pằng….
Đoàng đoàng… đoàng….
Nhưng thuyền chiến mới của San đóng đâu chỉ có đơn giản như vậy?
Mạn thuyền không có cửa pháo, không gắn mái chèo – nhưng lỗ châu mai 200 cm2 (10 x 20) thì đầy. Thế là các xạ thủ Trần gia đúng theo luyện tập trong nhiêu tháng mà thò súng qua đây mà đáp lễ thôi. Tương đối an toàn
Khoảng cách chưa tới 15m thì súng nào cũng như nhau hết, ăn thua ở tốc độ bắn. “Colt 6” với tốc độ bắn vượt trội thì ưu thế đem lại là không thể chối cãi.
Lỗi cháy lan được khắc phục bằng cách bôi mỡ và lót giấy, 6 viên đạn được nạp sẵn. Một tốp cỡ 10-20 người bắn đồng loạt tạo thành hỏa lực khủng bố cỡ nào? Thật khó có thể tính toán nổi.
Lính Tây Ban Nha bị trọng thương không ít ngay loạt bắn đầu tiên. Chúng nghĩ thuyền địch cũng bắn theo lượt, vừa mới nhô lên lại ăn trọn một loạt đạn nữa từ các lỗ châu mai.
Nào ngờ ăn ngay thêm một loạt đạn thứ hai từ lỗ châu mai….
Đến lúc này ngược lại các lỗ châu mai nhỏ trên thuyền của Cán Đại Đầu rõ ràng ít kinh nghiệm thực chiến với súng đạn lại đang áp chế ngược lại các tay súng Tây Ban Nha giàu kinh nghiệm.
“ Vĩnh Khánh! Nhanh lên. Sắp hết đạn....” Cán Gàn gào lớn , tay hắn không ngừng lật chốt nhắm bắn qua lỗ châu mai.
“ Rõ! Đại Đầu..”
Giữa tiếng súng nổ rền vang, một đám cảm tử đội mũ sắt áo giáp lao lên khỏi khoang tàu...
“ Một. Hai. Ba. Ném...”
Sau tiếng hô, Nguyễn Vĩnh Khánh và đội cảm tử ném khúc gỗ trong tay lên tàu Tây rồi nhanh chóng núp sau hàng khiên. Khoảng cách giữa hai bên khá ngắn, chẳng ai ném trượt. Khánh thi đỗ võ sĩ cùng năm với Cán Gàn, cũng là tay chân thân tín của Cán. Tên này cực khỏe, đánh nhau giỏi, gan lớn không sợ chết – chuẩn “lính chiến” của nhà họ Trần
Bọn họ ném gỗ lên tàu ElCano làm chỉ?
Uỳnh uỳnh... uỳnh ... uỳnh...
Không cần chờ lâu, phía trên sàn thuyền Elcano lập tức vang lên những tiếng nổ đinh tai nhức óc.
Sau đó là tiếng người la hét gọi tên Chúa, tiếng van xin, tiếng người bị thương rên rỉ - khung cảnh giống như địa ngục nhân gian vậy.
Thì ra quân Hà Tĩnh chơi lựu đạn chày tăng, xa tầm ném cho nên nhìn như khúc gỗ không mấy nguy nhiểm.
Có hạt nổ, có dây cháy chậm, dĩ nhiên San thiếu sẽ chế lựu đạn chơi. Thứ này quá quan trọng trong tác chiến bộ binh. Làm sao mà thiếu nó cho được?
Khi rút chốt, bộ gõ sẽ đập vào hạt nổ đốt dây cháy chậm, sau 4-5 giây thì lựu đạn nổ. Kết cấu đơn giản nhưng hiệu quả.
Chỉ với 1kg thuốc nổ đen nhồi vào vỏ gang, thêm cả cán gỗ mới có 1,5kg, uy lực bình thường, nhưng trong bán kính 2m vẫn gây sát thương đáng kể. Thảy lên tàu địch quá phù hợp.
Lựu đạn là một hình thức của thuốc nổ được người Đông Á phát minh vào khoảng năm 1.000 sau Công Nguyên, cấu tạo chung là thuốc nổ trộn với mảnh tre để chung trong bình sứ. Đến thế kỷ thứ 15, 16 người châu Âu cũng phát triển được các phiên bản tương tự như “lựu đạn” của người Trung Quốc.
Tuy rất lợi hại trong chiến đấu nhưng những trái lựu đạn gặp rắc rối khi mỗi trái nặng tới hơn 1 kg, rất khó để ném xa. Do đó, quân đội lựa ra những quân nhân cao lớn để đưa vào đội lính ném lựu đạn.
Đến thế kỷ 18, lựu đạn gần như bị bỏ rơi khi vô dụng lội qua vùng nước sâu, hạn chế ở thời thiết ẩm ướt, mất quá nhiều sức mang vác.
Cho đến thế chiến thứ I, nhiều binh sĩ tự chế lựu đạn bằng những ống lon chứa thuốc nổ cùng những cây đinh và sắt vụn bên trong. Và đây cũng là cấu tạo cơ bản của các loại lựu đạn ngày nay. Quân Đức thì phát triển loại lựu đạn “Potato Masher” với cây gậy dài giúp người lính có thể ném xa hơn.
Và lúc này chính San thiếu tái tạo “Potato Masher” trước mấy chục năm và đám đầu tiên được thưởng thức chính là người Tây Ban Nha.
Trọng lượng 1.5kg, nếu người khỏe mạnh và luyện tập tốt vẫn có thể ném xa tới 20m. Thậm chí các Võ Sĩ như Nguyễn Vĩnh Khánh, Nguyễn Thanh Long, Nguyễn Thanh Huấn… còn ném được tới gần 30m. Các thanh niên này được biên chế vào đội cảm tử ngay và luôn.
Súng Colt revolving rifle bắn nhanh tạo hỏa lực dày đặc áp chế. Lựu đạn dọn dẹp không gian, chốt bằng màn đổ bộ khi có đủ khoảng trống. Chuẩn chỉnh như sách giáo khoa...
San thiếu đứng trên mỏm cao nhảy nhót phấn khích tới mức xém chút té vách núi...
Hắn đang mường tượng cảnh chiếm tàu Elcano thì một tiếng nổ kinh khủng xé rách màng nhĩ vang lên... một cột lửa lớn bùng lên từ thân chiến hạm này.
Quay trở lại trước đó tầm chục giây...
Nguyễn Vĩnh Khánh gào lớn về phía lái tàu ở đuôi thuyền ... “ Áp vô áp vô... áp vô tau mới ném chuẩn được..”
Anh giai này định ném lựu đạn vào cửa sổ khoang pháo chưa kịp đóng. Do quá hăng máu, đám binh sĩ Trần gia quên hết lời cậu San dặn là đừng làm chiếc tàu hư hỏng quá mức. “Con hàng” tới mấy trăm ngàn đô-la, phá dữ quá lại tốn mấy chục ngàn Mĩ kim tiền sửa như chơi.
San thiếu trợn mắt há mồm nhìn cột lửa bốc cao…
Không chỉ hắn kinh hoàng mà toàn trường kinh hoàng.
Đám Văn Biểng đang đấu súng bùm chéo phía dưới đuôi chiến hạm ElCano cũng phải dừng tay vì sợ hãi.
Mười hai giờ trưa ngày 9 tháng 3, trận chiến chớp nhoáng ngoài khơi Hòn Lá kết thúc với thắng lợi tuyệt đối thuộc về quân Hà Tĩnh.
Oscaritz Trung Tá hải quân Hoàng gia Tây Ban Nha ra lệnh đầu hàng triệt để vô điều kiện, sau khi thấy không còn mảy may cơ hội sống sót nếu tiếp tục chiến đấu.
Hân hoan chiến thắng dĩ nhiên có, quân Trần gia reo hò sung sướng nhảy nhót trên hai chiến hạm mà bọn họ bắt được.
Nhưng niềm vui chẳng trọn vẹn, khi San thiếu được nghe báo cáo tình hình thương vong. Trong 2 tiếng tham chiến, phía Trần gia chết 34 người, 57 người bị thương từ nhẹ đến nặng đang được cứu chữa. Tổn thất 1/10 quân số.
Chuẩn bị tới mấy tháng trời, nắm chuẩn thời cơ mà vào trận vẫn thiệt hại quá khủng khiếp. Uy lực của pháo hạm Tây Ban Nha đúng là không chỉ có tiếng đồn.
Quân Tây Ban Nha chết 45 người, bị thương do lựu đạn cùng vụ nổ lên đến 72 người. Tổng cộng 154 người bị bắt sống.
Tàu Némésis còn nguyên không chút sứt mẻ, có tất cả 38 tù binh. Bên này chỉ chết 12 tên lính Pháp, chọn đầu hàng khi lính của Dương Nghi Thanh và nhánh thằng Tuất ùa lên tàu đông như kiến, chiến không nổi.
Tính ra số ca chết và bị thương của hai phe cũng gần ngang nhau.
Mười thuyền kiểu mới của San thiếu đóng có 4 thuyền bị tổn thương nặng nề, chỉ có thể hoạt động tầm 50% công suất.
Việc cứu hoả cho chiếc Elcano vẫn đang được gấp rút tiến hành.
Gã “phá của” Nguyễn Vĩnh Khánh làm nổ 3 ụ pháo bằng lựu đạn. Cũng may tàu này có hệ thống ngăn khá tốt, bằng không nếu xảy ra nổ dây chuyền thì Elcano xác định thành đống sắt vụn đúng nghĩa.
Mạn phải tàu xuất hiện một lỗ toang hoác, bề rộng cỡ 3m, dài khoảng 8m. “Tuyệt tác” của Khánh, không nghi ngờ gì nữa.