Tầm thành cách đó hơn 100km, Thời Mông mắt nhắm mắt mở, rời giường kéo rèm cửa ra, bị mặt trời treo cao đỉnh đầu rọi nheo mắt.
Đang đi trên cầu thang thì nghe thấy tiếng động ở dưới nhà, Lý Bích Hạm bận bịu trong phòng bếp cũng nghe thấy đi ra, thấy Thời Mông ngơ ngác vẫn chưa tỉnh ngủ, cười nói: “Ăn gì đó rồi đi ngủ tiếp con nhé, không được để bụng rỗng quá lâu.”
Đánh răng xong ngồi vào bàn ăn, bên trên đã bày sẵn hai phần cơm.
“Bên trái là để cho Tiểu Phó, nó bảo về Phong thành làm chút chuyện.” Lý Bích Hạm nói, “Bên phải là mẹ chuẩn bị cho con, con xem thích ăn gì thì ăn món đó.”
Vừa ngủ dậy đã phải lựa chọn, Thời Mông nhìn đĩa sandwich ở đây, rồi lại nhìn nhìn bát mì gà ở kia, cuối cùng lo mì để lâu sẽ nở, bèn cầm đũa lên bắt đầu ăn mì.
Sợi mì dai mềm kết hợp với nước hầm gà mái già đậm đà, cả chiếc đùi gà ngâm trong nước dùng cũng thấm đẫm vị ngọt thơm, ăn vào mà dạ dày ấm áp thoải mái vô cùng.
Thời Mông ăn bao lâu, Lý Bích Hạm ngồi bên cạnh cậu bấy lâu, tầm mắt dừng trên người cậu rõ khẽ, một loại quan tâm không mang theo gánh nặng.
Có đồ ăn vào bụng, đại não khôi phục chức năng. Thời Mông buông đũa xuống đang định hỏi sao Lý Bích Hạm lại tới, có lẽ bà biết cậu muốn hỏi
gì, bèn nói: “Kiện tụng xong rồi nên sắp tới sẽ có một khoảng thời gian nhàn rỗi khá dài.”
Bà mặc chiếc tạp dề in hình thỏ con, cười dịu dàng, “Qua đây ăn Tết với con nhé.”
Thời Mông thường không quá có khái niệm về thời gian, trước kia thời gian đối với cậu chỉ có ban ngày và ban đêm, thứ Bảy và các thứ khác thứ Bảy, bây giờ được nhắc cậu mới nhớ hóa ra Tết Âm lịch sắp tới rồi.
Bảo sao dì Phan kêu cậu qua lấy bánh mật.
Nhắc đến dì Phan… Thời Mông bỗng nhớ ra hôm nay đã hẹn Phan Gia Vĩ đi xem triển lãm tranh, cậu cầm điện thoại lên mới phát hiện hết pin sập nguồn từ bao giờ, cắm sạc vào mở tạm, ập tới một chuỗi cuộc gọi nhỡ, đều đến từ Phan Gia Vĩ.
Gọi lại nhưng không ai nhấc máy, không biết có tức giận vì bị cậu cho leo cây hay không, Thời Mông vội vàng phủ thêm áo khoác, định qua nhà hàng xóm một chuyến.
Mở cổng ra đã thấy Phan Gia Vĩ đứng ở ngoài sân, cắm hai tay vào túi đi qua đi lại vô mục đích.
Thấy Thời Mông ra, cậu chàng bày ra vẻ mặt ai oán: “Vừa dậy hả? Cậu ngủ tài quá đấy.”
Thời Mông vô cùng áy náy nói lời xin lỗi, cậu nói nếu được thì đổi sang tuần sau được không, cậu sẽ thầu toàn bộ vé vào và cơm nước.
Vốn dĩ Phan Gia Vĩ cũng không giận cho lắm, nhưng nghe cậu nói thế thì ngay lập tức tỏ vẻ tha thứ, sau đó đòi ăn nướng BBQ, tất nhiên là Thời Mông đồng ý.
Lại gần mới phát hiện mắt Thời Mông hơi sưng, Phan Gia Vĩ tò mò: “Tối qua đi đâu vậy?”
“Quanh khu công nghiệp.” “Đi ra tận đó làm gì?”
“Đi dạo.”
Phan Gia Vĩ giật khóe môi: “Ghê rồi, đi dạo kiểu marathon đấy à.”
Lại hỏi chuyện khác: “Một mình cậu à? Hay là đi cùng anh giai khùng dở kia?”
Thời Mông đáp đúng sự thật: “Đi cùng nhau.”
“Ừ.” Phan Gia Vĩ không khỏi buồn rầu, “Hai cậu quay lại với nhau rồi hả?”
Thời Mông lắc đầu.
“Thế… Mình còn cơ hội không?” Ngừng một lát, Thời Mông lại lắc đầu.
Câu trả lời trong dự kiến, thế nhưng lại khiến Phan Gia Vĩ có một cảm giác nhẹ nhõm khi được kết thúc.
Cậu chàng rút tay khỏi túi, xoa xoa vào nhau: “Ừ thế thôi vậy, mình cũng cảm thấy làm bạn bè tốt hơn, lâu dài và ổn định hơn hẳn.”
Thời Mông cũng thở phào nhẹ nhõm, Phan Gia Vĩ là người bạn đầu tiên của cậu khi tới đây, cậu cũng không muốn bởi vậy mà mất đi cậu ấy.
Hai người hí hoáy hoa cỏ trong sân một lát, Thời Mông sợ cúc vạn thọ bị tổn thương do giá rét, cậu định xây một nhà kính nhỏ để trồng hoa.
Phan Gia Vĩ chủ động nhận việc thiết kế bản vẽ, cậu chàng cầm cành cây khô trên mặt đất, múa may một hồi, chỉ cho Thời Mông đây là cửa, kia là cửa sổ, gồm cả xích đu ở phía nam, mùa đông có thể trốn bên trong phơi nắng.
Thời Mông nghe rất chăm chú, đồng thời cũng dựng mô hình 3D trong não theo bệnh nghề nghiệp.
Giữa lúc nghỉ ngơi, Phan Gia Vĩ ăn gói khoai tây chiên còn sót lại mà Thời Mông cho cậu, hạ giọng thì thào hỏi Thời Mông: “Chị gái bên cửa sổ kia đẹp thế.”
Thời Mông ngoái lại nhìn, Lý Bích Hạm ngồi trước cửa sổ gần sân, cúi đầu làm gì đó, chợt ngẩng đầu như có linh cảm, vừa lúc chạm vào tầm mắt của Thời Mông.
Bà nhoẻn cười với cậu, theo bản năng, Thời Mông cũng cong khóe môi. “Bà ấy không phải chị của tôi.” Thời Mông nói với Phan Gia Vĩ.
“Thế là dì? Thím? Đùa à, người ấy nhìn rõ trẻ mà.”
Lại nhận về câu phủ nhận từ miệng Thời Mông, Phan Gia Vĩ to gan suy đoán: “Thế chẳng lẽ người đó là… mẹ của cậu?”
Thời Mông sững sờ, sau đó bất giác cúi đầu, nhìn mầm non nhú ra khỏi đất, khẽ “ừm” một tiếng bé tí.
Mấy tháng trời không gặp, tay nghề của Lý Bích Hạm ngày càng thành thạo, chỉ tốn nửa ngày trời đã đan xong một chiếc khăn quàng cổ, chạng vạng tối bà đưa Thời Mông đeo thử, cảm thấy hơi ngắn, thế là nói nốt tối nay là có thể hoàn thành.
“Mẹ đã nói chuyện với cô bé họ Giang kia, con bé bảo mẹ ở đây vài ngày không thành vấn đề.” Nhấc hành lý mang tới lên căn phòng cạnh phòng ngủ chính, Lý Bích Hạm nói, “Bình thường mẹ chỉ nấu cơm, giặt giũ, con muốn làm gì thì cứ làm, không cần để ý đến mẹ.”
Bà có thể coi chính mình là bảo mẫu, nhưng Thời Mông thì không. Sau khi ăn xong Lý Bích Hạm thu dọn bát đĩa, Thời Mông thì lau bàn đổ rác, hai người phân công công việc, việc nhà vốn không nhiều rất nhanh đã xong.
Thấy còn sớm, Lý Bích Hạm cầm lấy len và que đan lên tiếp tục đan, Thời Mông thì ngồi vào bàn vẽ, tập ký họa bằng tay phải.
Vừa lật một trang giấy sang, nghe thấy Lý Bích Hạm đúng lúc lên tiếng: “Ngày mai con có thời gian không?”
Thời Mông nhấc mắt, nghi hoặc nhìn sang.
“Cũng không có việc gì.” Lý Bích Hạm không cần hỏi mà tự đáp, “Hồi trước đã nói với con rồi đó, mẹ có quen một chuyên gia trong lĩnh vực hồi phục chức năng, nên muốn đưa con tới khám, biết đâu bác sĩ có phương pháp hữu hiệu có thể chữa khỏi thương tổn trên tay con.”
Thời Mông tự hỏi một lúc, rồi gật gật đầu đáp: ” Vâng.”
Hình như không ngờ Thời Mông lại đồng ý nhanh như vậy, Lý Bích Hạm vui vô cùng, thậm chí còn hơi luống cuống chân tay.
Tối hôm đó, bà tất bật sắp xếp đồ cần dùng cho ngày mai, quần áo, chăn mỏng, nước uống, kể cả hoa quả để ăn vặt trên đường cũng chuẩn bị sẵn hai hộp, làm Thời Mông có ảo giác ngày mai không phải là đi khám bệnh mà là đi du xuân không bằng.
Bệnh viện kia không hề gần chỗ này, đi đi về về mất khoảng 3 4 tiếng đồng hồ.
Hôm sau dậy sớm để xuất phát, Lý Bích Hạm ngồi ở vị trí lái. Thời Mông được khăn quàng cổ quấn kín không cúi đầu xuống được, lần mò cả buổi không thấy dây an toàn ở đâu, Lý Bích Hạm bèn nghiêng qua thắt giúp cậu.
Cách rất gần, Thời Mông nghe thấy mùi cam quýt thơm ngát trên người Lý Bích Hạm, là hương vị mà hồi nhỏ cậu thường xuyên ngửi thấy.
Là hương vị sẽ hiện lên đầu tiên trong đầu cậu, khi thầy cô giáo cho đề bài “Mẹ của em”.
Cậu vô thức ngừng thở, nhưng lại bị Lý Bích Hạm tưởng là cậu căng thẳng.
“Đừng sợ, tuy rằng mẹ không thường lái xe, nhưng kỹ thuật vẫn ổn.” Lý Bích Hạm nháy nháy mắt với cậu, “Con cũng đừng coi đích đến là bệnh viện, coi như là một nơi chơi vui thôi.”
Nhờ những lời này, khi Thời Mông đi vào bệnh viện, quả thực không lo lắng bứt rứt như bình thường, cậu được y tá dẫn đi chụp X-quang, rồi lại để bác sĩ kiểm tra, cả quá trình vừa nhẹ nhàng vừa thoải mái.
Trong suốt thời gian thăm khám, Lý Bích Hạm luôn ở bên cạnh cậu, chỉ sau khi kiểm tra xong mới bảo Thời Mông ra ngoài chơi một lát, bà muốn ôn chuyện với bạn cũ.
Thời Mông bèn ngồi xuống ghế dài ở bên ngoài, ngán ngẩm không có gì làm nên nghịch điện thoại.
Người bên trong không nói chuyện lâu, bước chân ngày càng gần cửa, tiếng nói chuyện cũng nghe thấy rõ hơn.
“Về việc vẽ tranh, đây là loạt động tác yêu cầu tay phải có độ chính xác cao.” Tiếng của Lý Bích Hạm, “Nhờ cậy bác sĩ.”
Tiếp đó, bác sĩ kia nói vài lời an ủi kiểu như “Chăm chỉ tập phục hồi là sẽ có hi vọng khôi phục”, rồi đột nhiên hỏi: “Sao em nhớ con trai chị tên là Mộc Mộc mà? Đổi tên rồi hay sao?”
Trong lòng Thời Mông đánh cái thịch, tiếng bước chân bên trong cũng dừng lại.
Không lâu sau, cách một cánh cửa cậu nghe thấy Lý Bích Hạm nói: “Không, trước kia không phải.”
“Mông Mông mà vừa nãy bác sĩ vừa gặp, ấy mới là con của chị.”
“Trước kia là chị dại dột, bây giờ chỉ muốn con mình bình an… Chỉ cần thằng bé khỏe mạnh, bắt chị giảm thọ chị cũng bằng lòng.”
Bệnh viện này nằm ở vùng ngoại thành, xung quanh núi non liên miên, không khí trong lành, cơ mà nhiệt độ thấp hơn nội thành một chút.
Trưa nay hai người tới nhà ăn bệnh viện để ăn cơm, cộng thêm bánh trái Lý Bích Hạm mang tới, cũng coi như một bữa đầy đủ sắc hương vị.
Trên đường quay về, Thời Mông nhìn bầu trời ảm đạm ngoài cửa sổ xe, và những dãy núi chập chùng như sóng biển, khi đặt mình vào trong đó, bỗng chốc cảm thấy bản thân mình thật nhỏ bé.
Dường như có một sợi dây liên kết, Lý Bích Hạm cũng cảm thán: “Thường nghe câu Hùng vĩ thay tạo hoá (*), chỉ khi hòa mình vào thiên nhiên thì mới khiến lòng ta thanh thản.”
(*) Nguyên văn – 造化钟神秀 / Tạo hóa chung thần tú: Nằm trong bài Vọng Nhạc của Đỗ Phủ
岱宗夫如何?齐鲁青未了。造化钟神秀,阴阳割昏晓。荡胸生层云,决眦入归鸟。会当凌绝顶,一览众山小。
Thái Sơn biết thế nào Xanh biếc chia Tề Lỗ Hùng vĩ thay tạo hoá Trắng đen vẽ như mơ Mây trôi bâng khuâng dạ Chim lạc mắt trừng nhìn Có khi lên tận đỉnh
Vọng xuống đám núi xanh.
(Bản dịch của Trần Trọng San tại thivien.net)
Thời Mông “ừm” một tiếng rất khẽ.
Cậu nghĩ, quá khứ rất nhỏ, tương lai cũng thế. Rời bỏ cái xác ẩm ướt tối tăm, cậu mới phát hiện ra khi còn sống con người chỉ là giọt nước trong biển cả mà thôi.
Không gian càng thu hẹp, sẽ càng khiến con người ta giậm chân tại chỗ, đồng thời sẽ vô tình phóng đại những thứ yêu hận kia, để những trở ngại vốn dĩ có thể giải quyết biến thành một tràng tai nạn.
Đây cũng là tâm lý người bị hại.
Mà trên thực tế, thế giới này không có người bị hại tuyệt đối, cũng không có người làm hại tuyệt đối.
Trước kia cậu đứng ở vị trí của nạn nhân, bị người làm hại hiểu lầm mọi nơi mọi lúc, cậu tủi thân, cậu không biết khóc, chỉ biết dùng thủ đoạn bức bách để có được thứ mình muốn có.
Mà bây giờ, tình thế thay đổi, dù cậu không có ý làm người khác tổn thương, cũng chưa bao giờ có ý định trả thù, nhưng người khác vẫn vì cậu mà cảm thấy chán chường thất bại, thậm chí là đau khổ.
Từ người bị hại về mặt vật lý cậu biến thành kẻ làm hại tinh thần, cậu khiến người khác sống trong nơm nớp lo sợ, và cũng tự khiến bản thân phải cõng áp lực, mệt mỏi bất kham.
Chẳng trách lúc trước bác sĩ kiến nghị cậu nên đi ra ngoài cho khuây khỏa, thăm thú xung quanh. Thiên nhiên nguy nga tráng lệ luôn khiến con người được lọc sạch linh hồn, khiến người ta phát hiện ra rằng bản thân mình không quan trọng đến thế, và cũng học được cách nhỏ bé hóa chính mình về sau.
Cái gọi là chấp niệm, cùng lắm là tự giáng thêm một trận trừng phạt tàn khốc lên người mình, số xui thì tự tra tấn bản thân đến chết không xong, số may thì lặp lại lần nữa, không gì hơn, phát hiện ra vẫn thế —— cứ mãi như vậy, thì sao?
Cậu đã quá quen với vẻ tệ bạc của thế giới này, quen đến độ không cần mở mắt cũng biết tiếp theo chuyện gì sẽ xảy ra. Bởi lẽ đó từ giờ trở đi, mỗi một điều tốt đẹp mà cậu nhìn thấy, đều sẽ là mới mẻ, là bất ngờ, trước đây chưa từng có.
To như tình yêu thầm kín và kìm nén, liều lĩnh theo đuổi, bù đắp thừa nhận sai lầm, nhỏ như một ly mì sau khi cuốc bộ một chặng đường xa, trái cây trong hộp tiện lợi, cúc vạn thọ trong sân, và cả bài nhạc nhẹ đang phát trong xe.
Nhiều như vậy cơ mà, nhiều đến mức Thời Mông thở phào một hơi.
Sống hơn hai mươi năm long đong trôi dạt, lần đầu tiên cậu cảm giấy, số mệnh mình cũng không đến nỗi quá tệ.
Lúc về đến nhà thì gặp dì Phan vừa tản bộ về, bà kinh ngạc khen Lý Bích Hạm quá đỗi xinh đẹp, nói: “Thằng nhóc Gia Vĩ kia về bảo tôi mẹ Tiểu Thời nom y hệt chị gái của thằng bé, tôi còn không tin, giờ trăm nghe không bằng một thấy, này thì chị cái gì, rõ ràng là tiên nữ hạ phàm!”
Trước hai mươi tuổi Lý Bích Hạm là tiểu thư khuê các, sau hai mươi tuổi là mẹ hiền vợ đảm, giao tiếp thường ngày đều là với những người mang phong độ trí thức, lần đầu được người khác khen trực diện thế này, Thời Mông nhìn thấy gò má của bà ửng đỏ, đến cả lời khách sáo cũng không thốt ra được, chỉ đành bảo sẽ mời mọi người một bữa để cảm ơn cả nhà dì Phan chăm nom Thời Mông thời gian qua.
Thời tiết âm u, e là mưa rơi, trước khi vào nhà dì Phan nhắc họ mau đưa xe vào gara. Thời Mông vừa định xuống xe để mở cổng, chìa khóa trong tay đã bị Lý Bích Hạm cầm đi.
Bà nhanh chóng mở cửa xuống xe, dặn Thời Mông “Ở trên xe chờ mẹ”.
Nhìn theo bóng lưng bà rời đi, chợt Thời Mông thốt lên chữ kia như ma xui quỷ khiến.
Cơ thể Lý Bích Hạm run lên, xoay người lại thảng thốt không tin nổi: “Con gọi mẹ… là gì?”
Vì hiếm khi nói chữ này, Thời Mông vụng về nuốt khan một cái, rồi mới tiếp tục mở miệng.
“Mẹ.” Cậu dùng ngữ khí khá gượng gạo, để thốt ra lời mời có liên quan đến tương lai, “Lần sau, chúng ta lại cùng đi chơi nhé.”
Lý Bích Hạm đồng ý.
Bà nhanh chóng quay người sang chỗ khác, tuy vậy Thời Mông vẫn thấy được đôi mắt hoen đỏ của bà.
Đếm đến khoảng 100, Thời Mông bị bảo ngồi trên xe nãy giờ hơi bứt rứt, cậu nghĩ tay mình bây giờ chắc đã có thể cầm vô lăng, cậu lái xe đến trước cửa gara là Lý Bích Hạm không phải chạy tới chạy lui nữa.
Thế là Thời Mông mở cửa xuống xe, chân vừa chạm đất, chóp mũi chợt lạnh buốt.
Thời Mông ngẩng đầu lên nhìn trời, màn trời màu xám như bị phá thành vô số lỗ nhỏ li ti, mặc cho tuyết trắng chen nhau chui ra, thảnh thơi rơi xuống mặt đất.
Hóa ra không phải muốn mưa, mà là tuyết đầu mùa.
Thời Mông nhớ năm ngoái khi có trận tuyết đầu mùa, mình đang đứng trước hàng người xếp hàng mua hạt dẻ, từ trong tiếng người ồn ào bắt giữ được cái tên mình mà người kia kêu lên, ngỡ đâu nghe nhầm.
Và buổi đêm tuyết đầu mùa rất nhiều năm về trước, cậu trèo lên cây thông Noel cao cao, gỡ món quà lạnh ngắt không có ai nhận xuống, kết quả là trượt chân ngã vào lòng người kia.
Mỗi một cảnh tượng, đều gánh theo một hồi ức thuộc riêng về nó. Mà tuyết đầu mùa thì không thể không liên quan đến người kia.
Đang nghĩ ngợi, chợt đất trời như bị một chiếc lồng khổng lồ bịt lại, băng tuyết bị ngăn ở bên ngoài, thì ra là một chiếc ô màu đen che trên đỉnh đầu.
Người cầm ô thở hổn hển, gần đây không biết sao, mà lần nào chạm mặt trông anh ấy cũng tất tả bừng bừng, không biết chạy từ đâu đến.
Ừ thì cũng hợp với cái tên nóng rực như mặt trời của anh.
(*)燎: chữ Liêu (có từ điển Hán Việt để phiên âm là Liệu) có nghĩa là ngọn lửa, ngọn đuốc (n); sáng rõ (adj); hơ, hong khô (v); đốt cháy (v),…
Lời cất lên cũng sốt ruột không đầu không đuôi: “Dì bảo em chờ trên xe mà, sao lại xuống rồi?”
Thế mà lại nghe lén.
Thời Mông nhấc mi nhìn anh, chưa được hai giây, Phó Tuyên Liệu đã xìu bớt khí thế: “Tôi cũng vừa mới tới, nhìn thấy hai người đã về, tôi định đợi hai mẹ con vào nhà thì tôi mới gõ cửa.”
Dù sao cũng không phải chủ nhân của nơi đây.
Đối với sự tự giác và giữ phép lịch sự hiếm có của anh, Thời Mông không biết phải nói gì cho phải, như thể trước kia cái người không được mời mà cố chấp xông vào nhà không phải là anh.
Phó Tuyên Liệu cũng bắt đầu biết ngại.
Đồng thời anh láng máng phát hiện ra bầu không khí giữa mình và Thời Mông có sự chuyển biến, hoặc là nói đổi sang một hình thức ở chung
phù hợp.
Nói đến ở chung, nếu như từ những ngày đầu tiên, họ là bạn bè bình thường, sau đó là hợp đồng tình nhân, sau lại một người đuổi một người chạy, bây giờ Nấm nhỏ lại có dấu hiệu thả lỏng…
Đang tự hỏi, Thời Mông đẩy Phó Tuyên Liệu ra, chê anh chắn đường, rồi cậu đi vòng sang cửa bên ghế lái.
Phó Tuyên Liệu vội cầm ô đuổi theo, nhìn thấy Thời Mông cầm lấy vô lăng, anh hoảng sợ: “Tay em lái xe được không? Để tôi đi.”
Cửa sổ xe hạ xuống, Thời Mông cáu kỉnh: “Tôi lái được.”
“Vậy, vậy tờ giấy tôi để lại kia.” Phó Tuyên Liệu tranh thủ thời gian hỏi, “Em nhìn thấy chưa?”
Thời Mông đáp: “Chưa.”
Phó Tuyên Liệu hơi thất vọng, lại nghĩ tờ giấy không biết chạy, sớm muộn gì cậu cũng nhìn thấy.
Anh khom lưng đối mặt với người trong xe, dùng ô ngăn đi những bông tuyết có khả năng bị gió lùa vào.
“Vậy lát nữa… Tôi có thể gõ cửa không?”
Rõ ràng đã quyết định, vậy mà còn muốn vẽ chuyện hỏi thêm, Phó Tuyên Liệu cũng cảm thấy mình không được bình thường.
Thế nhưng anh muốn biết, muốn xác nhận, nếu trong chuyện này tồn tại cơ chế chấm điểm, thì Thời Mông chính là bậc thầy giám định quyền uy duy nhất có thể kiểm chứng những cố gắng của anh có tác dụng hay không.
Ba lần đến mời (*) mới có hiệu quả, hôm qua khi rời nhà thầy Mã, lần đầu tiên Phó Tuyên Liệu được hưởng đãi ngộ được chủ nhà tiễn ra cửa.
(*) 三顾茅庐 [sāngùmáolú]/tam cố mao lư: Lưu Bị đích thân ba lần đến lều cỏ của Gia Cát Lượng để mời bằng được Gia Cát Lượng ra giúp, đến
lần thứ ba mới gặp. Ý nói chân thành, khẩn khoản, năm lần bảy lượt mời cho được.
Dặn dò về quy ước giám định hội họa xong xuôi, ông mới thủng thẳng nói sang chuyện khác: “Cậu học trò này của tôi vừa chất phác vừa cố chấp, sửa cho nó mấy chỗ sai lặt vặt mà nó có thể cả buổi không nói câu
nào, có hỏi thì cũng không để lọt tai. Nhưng mắt nhìn thì không tệ chút nào, dù là nhìn tranh hay là nhìn người, tôi nghĩ thằng bé đã chọn cậu, thì ắt là có lý do riêng.”
Phó Tuyên Liệu rất muốn biết lý do đó là gì, anh mong mỏi thoát khỏi tình trạng luẩn quẩn, biết mình biết ta, tóm chặt trái tim Thời Mông.
Anh không biết là, sau khi anh rời đi không lâu, trên điện thoại của Thời Mông cũng nhận được một tin nhắn đến từ thầy Mã.
Người thầy từng trải nói: Tuy là thầy từng nói em đừng tự nhốt bản thân, đừng treo cổ mình trên một thân cây, nhưng nếu đó là một gốc cây thông minh, biết sai biết sửa, thì treo tạm cũng không phải là không được.
Chờ cây này cao thêm lớn thêm, biết đâu người ngồi phía trên lại có thể nhìn thấy nhiều phong cảnh tuyệt vời hơn thì sao.
Giờ đây Phó Tuyên Liệu đứng ngoài cửa xe, cũng mang vài phần dáng hình của “cây”.
Làm chốn che gió che mưa cho người, và cũng cần bón phân xới đất, động viên ít nhiều.
Thế là ở nơi mà anh không nhìn thấy, Thời Mông khẽ cong môi, nói cho anh biết: “Thì đợi anh gõ đã, rồi tính sau.”
Hết chương 58.