Chương 80
Họa
“Các anh muốn đến nơi nào rồi tới tận đâu?
“Cách hướng Nam thủ phủ khoảng hai mươi ki lô mét.”
Anh Minh gãi đầu nói xe chỉ còn hai, ba lít xăng. Đám lính bảo chờ một lát, chúng cắt cử người ở lại canh giữ, hai tên còn lại đi đâu đó, nửa tiếng sau quay về cùng bình xăng chẳng biết lấy, trộm hay cướp ở đâu. Từ bốn năm nay, xăng khan hiếm, buộc phải mua giá chợ đen đắt cắt cổ, chưa kể phần nhiều bị trộn với dầu. Ở đại sứ quán, gia đình Maria nhận phiếu lĩnh xăng rồi tới trạm xăng dầu ngoại giao để mua.
Đổ đầy xăng vào xe, toán lính ra lệnh nhường chỗ. Không ai dám từ chối, Anh Minh giục vợ với Liberti xuống xe, ông ta quay sang người nhà đang cưỡi hai con ngựa. Họ không đợi trưởng tộc lên tiếng, nhích lên một chút để vợ con ông ta ngồi. Hai gã lính vào xe, gã còn lại trèo lên nóc, giương súng bắn chỉ thiên, đám đông kinh hãi dạt hai bên.
Người lớn nín thinh, chỉ có Poupee Ange cùng Ý không chịu nổi ngột ngạt trong xe, hai đứa trẻ sợ tiếng súng nên òa khóc. Maria với Lê nhẹ nhàng dỗ dành. Anh Minh thì ca điệp khúc:
“Các chú đang giúp chúng ta ra khỏi đây nhanh hơn, đừng sợ!”
Lời khuyên bình thường từ kẻ mù quáng khiến người nghe… cảm tưởng… gã cuồng tín mượn lời dỗ con để ca ngợi “ân nhân”. Gia đình ngao ngán, kẻ xa lạ nén cười khẩy kiểu đáng lẽ “mày phải tên là Vô Minh”, danh mới xứng với thực.
Đường thông, xe thoát khỏi đám đông cực nhanh, chẳng mấy chốc đi qua dinh thự nguyên thủ quốc gia. Gia đình Maria nhăn mũi ngửi mùi buồn mửa, bọn họ thấy những xác quân đảo chính nằm rải rác, trương phồng, phân hủy dưới nắng gắt. Ba tên lính trên xe im lặng, cả nhà Anh Minh lập cập co rúm vào nhau. Maria ôm chặt Liberte, bịt mắt nó.
Thằng nhóc không khóc, chẳng run khiến Maria tưởng che kịp thời. Nhưng phát giác cánh tay Liberte căng cứng, nước mắt đau xót thấm đẫm đôi vai nhỏ bé đang gồng lên, con trai gắng gượng ngăn mùi thối rữa móc họng mình, thằng bé sợ nôn ra áo sẽ mất thời gian lau dọn, nó không muốn ở lại nơi ghê tởm này… và… có lẽ e ngại cuộc di tản bị chậm trễ, lũ lính sẽ nổi điên.
Maria vòng tay ôm siết Liberte, người mẹ vẫn che kín gương mặt con trai, nữ nhân yếu đuối buộc phải kiên cường thời loạn lạc, quyết không để… quỷ dữ hả hê “chiêm ngưỡng” sắc mặt con xám trắng hơn cả thi thể. Người đàn bà chưa từng ghét bỏ bất kỳ ai, giờ đây ghim sâu căm hận kẻ hủy hoại cuộc sống, bóp nát tâm hồn trẻ thơ.
Hai giờ sau, đến thị trấn Tama là chốt kiểm soát đầu tiên. Toán quân giải phóng mặc đồng phục xanh lá cây tiến hành lục soát, yêu cầu xuống ô tô, xuất trình giấy tờ nhân thân. Ba tên lính vẫn ngồi bất động trên xe, không nói một câu nào từ lúc đi nhờ đến nay. Bình tĩnh và tràn đầy niềm tin, Anh Minh đưa hết giấy tờ cùng tài liệu chính thức bao gồm giấy khai sinh đám trẻ, thẻ căn cước, thẻ nhân viên đại sứ quán Lục Lăng quốc, hộ chiếu Lục Lăng của vợ:
“Tôi là người Quân Tử quốc, Maria là con lai Hồng Hoang quốc và Lục Lăng quốc, vợ con tôi đều mang quốc tịch Lục Lăng.”
Toán lính dữ tợn, khinh miệt nhòm chòng chọc gia đình Maria. Chúng tịch thu toàn bộ giấy tờ, xé thành từng mảnh nhỏ mà không cần đọc.
“Từ ngày hôm nay không còn Quân Tử, Lục Lăng hay Hồng Hoang nữa. Tất cả là người Sơn Hải Thiên Tộc, chúng ta là anh em, nói chung một ngôn ngữ duy nhất: tiếng Sơn Hải!”
Gia đình Maria choáng váng giấy tờ bị xé vụn và vứt đi. Tất cả cứng đờ, giận run người nhận thấy dưới đất vô số tiền giấy đủ loại mệnh giá, nhiều nhất là tờ năm trăm Res. Toán quân giải phóng cười khẩy:
“Từ 15 tháng 4 tức ngày kỷ niệm chiến thắng phe đảo chính, tiền của Bo Dan không còn giá trị trong vùng giải phóng!”
Bo Dan là tên gọi miệt thị thủ tướng phe đảo chính. Chúng cố ý nhấn nhá giễu cợt để sỉ nhục và đe dọa kẻ bất mãn, dập tắt ý phản kháng ngay từ đầu. Lục soát kết thúc, quân giải phóng ra hiệu toàn dân đi về hướng Nam. Maria tuyệt vọng theo thời gian bị đày ải, trái ngược hoàn toàn thái độ bình thản của Lê. Người chị có lý tưởng giống Anh Minh - em trai mình. Lúc này, cô ấy thể hiện niềm tin vượt qua mọi tai họa, bởi cả nhà dễ dàng ra khỏi thủ phủ nhờ ba gã quân giải phóng. Gia đình Maria vẫn đỡ vất vả hơn hàng trăm, hàng ngàn người đi xe đạp, xe bò, thậm chí cuốc bộ trên chặng đường dài vô tận. Những kẻ khốn khổ còn phải cõng con, khiêng ba lô đến còng lưng, đẩy xe nặng nề khiến chùn chân mỏi gối.
Giữa trưa hè oi bức, cái nóng hầm hập ẩm ướt đốt cháy hết thể lực, trẻ con và người lớn tuổi xuống sức cực nhanh. Cách trăm bước lại thấy xác chết vì kiệt sức hoặc tự tử hai bên lề đường. Nhưng không ai có thời gian, chẳng muốn dừng chân chôn cất. Khẩu hiệu lúc này:
“Mỗi người lo cho mình. Thần linh lo cho tất cả!”
Tinh thần Maria bị kéo căng hơn dây đàn, tâm lý liên tục quay cuồng ép người vợ bật khóc, thầm nguyền rủa chồng kéo cả nhà vào tình thế khốn khổ khốn nạn.
Khoảng 15 giờ chiều, gia đình Maria tới ngôi làng Mulai Sekarang, cách thủ phủ chừng ba mươi ki lô mét, ba gã lính đi nhờ lệnh dừng xe, dỡ chiến lợi phẩm và xuống một chiếc thuyền neo bên bờ sông Danau Lautan. Đi thế này mãi không ổn, người nhà sắp không chịu nổi bức xúc, Anh Minh sợ họ nổi khùng chọc giận đám lính, ông ta bạo gan hỏi:
“Xin hỏi, chúng tôi còn phải đi bao lâu nữa mới đến đích!?”
Một tên trả lời nhưng không quay đầu:
“Đi tiếp về hướng Nam, Tổ Ong đang chờ các bạn!”
Tổ Ong, vẫn là Tổ Ong, lúc nào cũng Tổ Ong. Từ đầu đến giờ, đoàn di tản chỉ nghe thấy cái tên bí ẩn khó hiểu đó mỗi lần có mệnh lệnh hoặc thay đổi, điều chỉnh cuộc sống mới của mình. Anh Minh vui mừng cảm ơn rối rít, người thân ngán ngẩm nhưng nào dám bộc lộ bất mãn, họ tập trung chăm sóc đám trẻ đang mệt lả. Bữa sáng qua từ lâu, chúng bắt đầu đói khát, Poupee với Ý lại khóc. Gia đình Maria tạm nghỉ dưới bóng cây xoài lớn để ăn trưa. Chỉ còn ít cá khô, chút cơm, mọi người thầm mừng vẫn có thứ lót dạ.
Đồ ăn đã hết, đoạn đường phải đi chưa biết điểm cuối cùng, Anh Minh quyết định đem một trăm ngàn Res vào làng mua đồ. Gia đình chán ngán ông trưởng tộc ngây thơ cố chấp, nhưng chẳng hơi sức đâu khuyên nhủ, lặng thinh mặc kệ muốn làm gì tùy ý. Lát sau, cả nhà chớp chớp mắt ngó đống thực phẩm trên tay trưởng tộc. Mọi người ngơ ngác cứ ơ ơ trông ông ta vui vẻ đặt bình đựng 200 gram nước tương giá 30.000 Res, 1 cân dưa chuột giá 20.000 Res và 300 gram thịt lợn giá 50.000 Res. Tiền cũ đang mất giá, thực phẩm lại đặc biệt quý giá. Mấy hôm nữa thôi, không còn nơi nào để tiêu tiền nữa. Thay vì hỏi giá đắt, cả nhà chỉ thắc mắc:
“Quân giải phóng nói từ nay Res không còn giá trị, vì sao vẫn có thể mua đồ?”
Anh Minh chia đồ cho mọi người, hồ hởi nói:
“Hàng quán ở làng đó vẫn mở bán bình thường, người ta vẫn dùng Res để mua trái cây, rau xanh và các thực phẩm khác, có lẽ họ chưa nhận được lệnh hoặc chưa biết tiền không còn giá trị!”
Tất cả vui mừng như sống lại lần nữa, chắp tay cảm ơn thần linh ban phước. Ăn uống xong, mọi người đều thống nhất ý kiến thử cất kĩ 1.000.000 Res, biết đâu sau này mọi thứ thực sự trở lại bình thường, hoặc chí ít cũng có thể tiêu được ở đâu đó. Ai nấy đều hiểu đó là điều không tưởng, nhưng sợ sau này phải hối tiếc vì vứt tiền và vẫn muốn níu giữ hy vọng, bởi ngoài hy vọng ra, tất cả chẳng còn gì hết.
Hồi phục sức lực, gia đình Maria đi tới Cari Lagi, không may khi tới cổng, xe hỏng ngay trước mặt đám quân giải phóng, chúng lập tức lục soát, tịch thu sách giáo khoa của tụi nhỏ, mấy cuốn sách và tạp chí tiếng Lục Lăng, đồng hồ đeo tay, vài đĩa cát xét:
“Các bạn không cần đọc sách hay nghe nhạc nữa, các bạn không dùng tiếng Lục Lăng hay tiếng Quân Tử nữa, từ bây giờ tất cả chúng ta chỉ nói một ngôn ngữ: tiếng Sơn Hải!”
Lời cảnh báo khiến Maria lo sợ đám trẻ không được đi học. Toán lính lại khám xét, lấy gần hết đống lương thực Anh Minh mua, lệnh đi tiếp về hướng Nam. Nhưng xe hết xăng, cả nhà phải xuống đẩy xe. May thay nắng dịu hơn trước rất nhiều, màn đêm buông xuống cũng là lúc gia đình đến cửa chùa Menginap, người di cư chiếm một phần ba diện tích nơi đây. Các nhà sư chia cho gia đình Maria mỗi người một ít cơm trộn ngô, một muôi canh đu đủ xanh. Thức ăn thanh đạm nhưng vô giá, bởi mấy đứa trẻ có bữa tối, người lớn ăn phần thừa của chúng. Sau đó, vợ chồng Maria dò hỏi đám người chung quanh đang sắp đi. Họ cũng mù tịt chẳng biết gì. Nhưng chắc chắn là chưa đến nơi cần tới, nên phải tiếp tục hành trì không xác định này. Đến tận đâu? Không ai biết.
Sáng hôm sau, cả nhà lại cùng nhau đẩy chiếc xe hết xăng, hàng xóm sống cùng tòa nhà tại thành phố cũng đang ở đây. Ông ta thấy người quen bối rối đánh vật với xe, bèn nói móc vào ô tô mình để kéo đi. Đêm khuya tới ngôi làng khác, trưởng làng là một ông già và là warga mendapat membebaskan (công dân được giải phóng), chưa hoàn toàn theo quân giải phóng, nhưng sống ở vùng giải phóng từ lâu. Ông nhã nhặn tiếp đón, mời bữa ăn nhẹ và cho phép trú tạm dưới nhà sàn. Giống nhiều người Phù quốc, ông bị quân giải phóng tuyên truyền tư tưởng, nhưng là người nhân hậu lại từng trải, ông vẫn còn nhận thức cùng tình người với đồng loại.
Hai đứa bé mệt rũ ngủ từ lâu, cả nhà thấy nhẹ nhõm đôi chút vì cuối cùng cũng được chợp mắt. Gia đình trải chiếu ra đất, không có màn, nằm sát vào nhau mà ngủ đến sáng.
Từ rạng đông, gia đình phải vác bụng đói đi tiếp. Đám nhỏ, nhất là mấy đứa bé nhất bắt đầu khóc i ỉ. Trưởng làng bèn tặng một nải chuối, vài quả đu đủ chín. Ông khẽ nói cùng tiếng thở dài:
“Các con đi thêm một đoạn nữa, Tổ Ong đang chờ các con!”
Gia đình Maria chắp tay cảm ơn. Anh Minh khách sáo vài câu rồi tạm biệt. Maria đi mấy bước bất giác quay đầu, người vợ bị ám ảnh bởi lòng thương hại ẩn giấu trong ánh mắt trưởng làng, như thể ông ta biết điều gì đó nhưng không thể cũng chẳng dám nói vậy.
Nỗi bất an đeo bám Maria đến khi tới Stasiun Perpindahan, cách thủ phủ chừng hơn bốn mươi ki lô mét, gia đình dừng lại ở chùa có nhiều dân tản cư trú ngụ. Phía trước là Danau Lautan, giữa sông nổi lên cù lao Pulau. Cả nhà ở chùa tới sớm ngày hôm sau.
Sau bữa sáng, gia đình xếp chiếu vào xe. Từ xa, một người dong dỏng cao mặc quân phục, đầu thỏ, mỏ dơi, tai chuột, mặt rỗ chằng rỗ chịt tới cùng ba tên lính quần áo đen, đội mũ cát két, choàng khăn caro đỏ, đi dép cao su. Gã tự giới thiệu:
“Chào các bạn, tôi là Vạn người Phù quốc và là trưởng làng Pulau, sống trong vùng giải phóng hai năm.”
Sau màn chào hỏi mang tính khoe khoang nhiều hơn giới thiệu. Vạn cùng ba thuộc hạ xét qua vóc dáng đám di tản, đánh giá mỗi người theo đồ vật mang theo, qua đó nhanh xác định kẻ khá giả, nhất là ai đó có ô tô. Vạn ra hiệu xếp hàng, hất hàm về phía xa:
“Những chiếc thuyền chờ sẵn kia để chở các gia đình được chọn.”
Vạn cùng thuộc hạ lục soát, tịch thu lần nữa vì lý do “an ninh”. Mọi thứ đám giải phóng thích lập tức chui vào túi chúng: trang sức, nước hoa, xà bông, thuốc men, kim tiêm, nhiệt kế. Maria nhanh trí giấu vài vật phẩm dưới đáy giỏ hai ngăn. Chúng giật lấy búp bê đẹp mà Ange cầm trên tay, nó là món quà Giáng Sinh đại sứ quán Lục Lăng tặng cho con cái nhân viên. Mặc mẹ con Maria khóc xin trả lại búp bê, Vạn không động lòng, hắn quét ánh mắt sắc lạnh hơn thép, trả lời cụt lủn:
“Từ nay trẻ con không cần đến đồ chơi, không còn thời thời gian để chơi, chúng có nhiều công việc khác phải làm!”
Maria bất lực chán nản, người mẹ chỉ còn biết gắng sức dỗ nín con gái bé bỏng. Lũ quái vật ngạo nghễ tuyên bố:
“Chớ bám lấy tài sản vật chất của các bạn, vì các bạn không cần đến tài sản, nay mai các bạn chỉ cần hai bộ quần áo để thay, một cái bát và một cái thìa, không cần gì khác. Tổ Ong sẽ chăm lo cho từng người, cung cấp mọi thứ!”
Mỗi lần chúng tịch thu một vật dụng cá nhân hoặc đồ kỷ niệm, Maria đau nhói tim như bị dao đâm nát. Lúc này nghe mệnh lệnh, kẻ khốn khổ chợt nhớ trên đường đi, Maria gặp một đám dân trước đó từng phải sơ tán khỏi thành phố, bọn họ tay xách nách mang, nhưng chỉ mang theo thực phẩm cùng gạo nhiều nhất có thể. Hóa ra là vì lý do đê hèn này. Nhưng giờ mới nhận ra đã quá muộn. Mỗi giờ mỗi phút lún sâu xuống địa ngục, không còn gì nữa, mọi kẻ di tản bị hành hạ tinh thần chỉ quan tâm duy nhất miếng ăn cùng mạng sống. Gia đình Maria sắp lên thuyền, Vạn yêu cầu Anh Minh đưa chìa khóa xe:
“Tổ Ong sẽ sử dụng xe này và trả lại khi mọi người trở về thủ phủ.”
Một trò lừa đảo quá lố hơn mọi lời dối trá, kẻ cuồng tín lại tự hào vì giúp ích cho Tổ Ong vô hình nhưng toàn năng, ông ta tin tưởng không chút nghi ngờ, trong khi tất cả lầm lũi đi đến nơi mặc định dành cho mình.
Con dân triều đại mới đi mãi trong hành trình vô tận không biết ngày trở về.
***
Đằng Không bấm nút tắt bộ phim 3D thực tế ảo, hôm nay gã có việc cần kíp phải giải quyết, thời gian gấp gáp không cho phép xem hết phim. Bộ phim này còn rất dài, gã phải từ từ nghiền ngẫm để đúc rút kinh nghiệm, rèn tính kiên nhẫn và sức chịu đựng. Đằng Không nhấc ly rượu xương bồ màu huyết dụ, nhấp một ngụm, hướng về tranh vẽ nam tử tầm thước, mặc đồ cổ trang màu đen ẩn khuất trong bóng đêm vô tận. Tay trái cầm bao kiếm khắc họa hình ma xà quấn vòng quanh vỏ. Tay phải chống kiếm đen tuyền, cán khắc da rắn màu xám bạc, đường nét tinh xảo ảo hóa võng mạc, cảm giác da rắn liên kết mạch máu nổi gân đen kịt trên cánh tay. Mũi kiếm cắm xuống bãi chiến trường ngập ngụa đầu lâu xương chéo. Gương mặt bịt kín chỉ hở tròng mắt xoắn vòng như độc xà rình mồi. Đằng Không thì thầm với bức tranh:
“Đây mới chỉ là khởi đầu thôi! Âm Ảnh!”
Tròng mắt trên tranh đột nhiên lóe sáng rồi tắt phụt. Đằng Không hé nụ cười vui đón nhận hồi đáp từ vật thể kỳ dị. Gã cầm dao nhỏ khắc một nét mảnh mai lên bức tượng nhỏ nhắn đáng yêu, ngắm nghía hồi lâu rồi nhấc điện thoại trả lời cuộc gọi:
- Tôi đến ngay!