Giữa đêm khuya thanh vắng, từng cơn gió vi vu lướt trên mặt nước Hồ Tây gợn lên từng cơn sóng nhỏ nhấp nhô uốn lượn tạo thành những hình thù kỳ quái. Cảnh vật xung quanh như đang chìm vào màn đêm u tối, đâu đó ven bờ hồ vài ánh đèn lập lòe đủ màu sắc lung linh từ những tấm pano quảng cáo chớp tắt soi xuống mặt hồ làm không gian thêm huyền ảo. Vào lúc nữa đêm trong tiết trời trở lạnh của thủ đô Hà Nội, có ba bóng người trên chiếc thuyền nhỏ vỏ nhựa màu xanh dương trôi lững lờ giữa lòng hồ. Cả ba ngồi co ro trong khoang thuyền run cầm cập, hai hàm răng va vào nhau nghe rõ tiếng “côm cốp”. Một dáng người thấp đậm, xem ra lớn tuổi nhất trong nhóm, áo khoác màu đỏ, râu quai nón bạc trắng, đeo một chiếc kính cận dày cộp nhưng ánh mắt sáng rực, một tay ông ta cầm chiếc cần câu, tay còn lại lia chiếc đèn pin trên tay quét ngang mặt nước, ánh sáng dừng lại trước một ngôi mộ nằm cô độc giữa hồ, ông quay sang nói với người thanh niên đang khoang tay trước ngực như che đi cảm giác lạnh giá, ngay phía sau lưng mình nói: “An Nam... cậu nhìn xem đã đến đúng nơi chưa? Đây chắc là ngôi mộ mà chúng ta đã bàn luận với nhau. Cậu nhìn xem có phải đây là “Môn mộ” hay không ..?”
Người thanh niên ấy quay sang nhìn theo ánh đèn, thấy phía trước có một ngôi mộ nhỏ nằm giữa hồ, nổi bật lên giữa không gian chỉ toàn là nước, cỏ dại mọc um tùm che gần hết cả phần mộ, nếu nhìn từ xa giống như một đám cỏ hoang đang trôi bềnh bồng trên mặt nước. Hắn lấy trong túi ra chiếc La Bàn bằng đồng, dùng ngón tay trỏ và ngón giữa đặt lên trên La Bàn di di qua lại vẽ thành một vòng tròn, rồi nhắm mắt đọc một câu khẩu quyết. Sau đó quay sang nói với lão già cầm đèn pin: “Chính xác là nó... chẳng những là “Môn mộ” mà nói chính xác hơn, đó là một “Mộ trấn hồ”...
Gã còn lại cầm cái mái chèo ngồi sau đuôi thuyền, đầu trọc, trong ốm yếu xanh xao, nói trong sự ngạc nhiên: “Là... là “Mộ trấn hồ” sao... ? Theo những người dân sinh sống lâu năm tại đây nói thì đó là mộ của một vị công chúa nào đó từ thời nhà Trần - Lê, gia đình họ truyền thừa từ bao đời nay, thường xuyên cứ cách vài tháng lại ra đây thắp hương cúng kiến. Người dân xung quanh cũng xem như là chuyện bình thường, bởi ngôi mộ này nằm ở đây lâu năm cũng không ảnh hưởng gì, nên cũng không ai quan tâm...”
Người thanh niên cầm chiếc La Bàn, giờ hắn mới kéo chiếc nón áo khoác trên đầu xuống lộ rõ một gương mặt trắng hồng, ánh mắt sắc lạnh đầy uy lực, nheo mắt nhìn khắp mặt Hồ Tây. Đoạn nói với người đeo kính có hàm râu quai nón bạc: “Này thầy Bảo Sơn chắc ông cũng biết. Hồ Tây này là một đoạn sông Hồng khi xưa, dòng “Thủy khẩu” tích tụ tại đây gọi là “Thủy Pháp”, các dòng chảy tụ về giờ Sửu trong đêm, thiển hiện rõ nhất là từ canh bốn, sẽ tạo hình thành Tam Xoa Cữu Thúc, có được phong thủy này là vô cùng tôn quý, rất thích hợp chôn huyệt mộ nữ nhi, con cháu sau này công thành danh toại, vang danh thiên hạ”
Lão già mang tên Bảo Sơn kia tay run vì lạnh lấy trong túi áo ra một cuốn sổ tay, soi đèn đọc vội những dòng chữ trên đó: “Vậy thì chính xác là nó rồi, mà tại sao theo như cậu nói đây là nơi phong thủy bảo địa, thì tại sao lại là một ngôi “Mộ trấn hồ” cho được chứ?”
An Nam cất chiếc La Bàn bằng đồng vào chiếc túi đeo trên người, quay sang ra dấu cho gã đầu trọc đưa chiếc xuồng tới bên ngôi mộ giữa hồ vừa nói: “Mộ trấn hồ là như thế này, chính xác bên trên chỉ là một phần mộ giả tạm, phần mộ chính lại nằm phía bên dưới đó là một loại mộ đặc thù, chưa biết chắc có phải được chôn người không, có thể chỉ là một con quái thú nào đó, có khi chỉ là những tượng bằng đất nung hoặc chất liệu gỗ quý. Nhiều triều đại từ cổ chí kim xưa nay thường dùng cách này để trấn yểm tạo ra dòng chảy tốt, cho đất nước mưa thuận gió hòa, quốc thái thì dân an. Những bậc cao nhân về phong thủy nhìn qua có thể biết trong mộ có gì. Nhiều khi không có vàng bạc hoặc ngọc bảo, mà có thể xuất hiện thần khí hiếm thấy đấy!”
Vậy tại sao ba người kia nhân lúc trăng cao gió mờ lại đến nơi này? Chúng ta quay lại trước đó vài hôm...
Gã đầu trọc ngồi chèo thuyền có cái tên là Văn Trung, thường mọi người gọi hắn là Trung “trọc” hắn làm công nhân trong một xưởng mộc. Vài tháng trước chẳng may kinh tế xuống cấp, gã chủ xưởng mộc đổ nợ rồi ôm tiền bỏ trốn, làm hắn và đám công nhân bị thất nghiệp mấy tháng ròng rã đói ốm mồm. Riêng bản thân hắn còn vợ nhỏ con thơ, mất việc làm lấy đâu ra tiền mà nuôi gia đình, trong thời buổi kinh tế đang trong thời ảnh hưởng của dịch bệnh nên việc làm càng hiếm hoi.
Hôm ấy hắn đi lang thang quanh khu vực Hồ Tây xin việc làm, nhác thấy phía dưới bờ hồ có người cầm mới đồ nghề câu cá bước lên, hắn lại gần thì nhận ra là bác hàng xóm ngay bên cạnh nhà đang bước lên từ chiếc thuyền con. Ông lão này có thú vui câu cá giải trí, thường hay vác cần đi câu tại Hồ Tây.
Hắn lân la nói chuyện dự tính xin đi theo chơi cho khuây khỏa, gương mặt cười nham nhở trơ hàm răng vàng khè vì thuốc lào hắn nói: “Chào... bác Tâm! hôm nay bác đi câu sao? Được nhiều cá không bác?”
Ông lão giơ cái túi mồi câu ra trước mặt hắn nói: “Chưa kịp câu gì, thì ở nhà có chuyện nên bác về gấp... Hm... suốt ngày hôm qua tao đã chuẩn bị mồi câu vất vả, giờ thì chắc phải bỏ đi rồi”
Nghe thấy vậy, nhân lúc cũng rảnh rỗi chả biết làm gì, hắn chợt nảy ra ý định “Đi buôn gặp chầu – Đi câu gặp chỗ” nảy sinh ra ý định mượn tạm máy câu và số mồi kia: “Ấy... vứt gì cho uổng phí của giời, bác cũng vất vả làm mồi câu công phu vậy bỏ đi thì tiếc quá. Cháu cũng đang rảnh rỗi chả biết làm gì, nếu vậy bác cho cháu xin.Với lại... hihi... cho cháu mượn tạm cái cần câu máy của bác, câu xong cháu mang trả lại cho bác. Nếu may câu được cá to cháu sẽ mang đến biếu cho bác...”
Lão Tâm khoát tay nói: “Cá kiết gì, chúng mày có bao giờ thấy tao mang cá về nhà ăn chửa? dân câu cá bọn tao chỉ xem là thú vui chứ không phải để ăn. Hôm trước tao dính con cá trắm đen hơn hai cân tao còn đem cho... Thôi được tao cho chú mày mượn, cái cần câu này là bằng sợi carbon, dây câu bằng cáp đồng trục loại tốt, tao đặt hàng bên tận châu âu... giá trị hơn chục triệu, đối với tao rất quý. Nên nhớ giữ cẩn thận, nếu hư hoặc mất, chú mày phải đền đấy...”
Hắn đưa tay lên cái đầu bóng loáng chà chà, nhanh mồm nói: “Việc này thì bác yên tâm, cháu cũng là dân câu đấy... cháu sẽ giữ gìn cẩn thận... Chiều về cháu mang sang trả cho bác...”
Nói xong hắn còn không quên mượn luôn chiếc thuyền con kia.
Hắn chèo thuyền ra xa, giữa hồ quăng dây câu, không biết hắn có tài sát cá hay không mà cả nửa ngày cá chẳng dính câu. Người ta thường nói “Đất có Thổ công- Sông có Hà Bá” chắc hôm nay bọn cá tôm đi họp với Hà Bá gia gia, nên cá đâu chẳng thấy mà lại gặp chuyện chẳng may, cái lưỡi câu không hiểu sao móc vào một cái gì đó nặng trịch dưới đáy hồ, căng tay kéo cả tiếng mà không sao dứt ra được.
“Vận xui là một loại vận không bao giờ tránh được” hắn nghĩ thôi bỏ mẹ rồi, chắc lưỡi câu mắc vào mới rác hoặc thân cây dưới hồ mất rồi, lưỡi câu và dây câu thuộc loại đắt tiền, lần này mà không lấy lên được mà trả lại, thì lấy éo đâu ra tiền mà đền cho lão Tâm. Cho nên hắn vội vàng cởi áo nhảy xuống hồ sâu, định bụng lặn xuống bên dưới gỡ lưỡi câu ra. Sau khi lặn xuống hồ nước, bàn tay hắn men theo dây câu dần xuống bên dưới, bỗng hắn hoảng hồn mắt trợn ngược, tay chân hoảng loạn, thấy phía cuối dây câu lộ ra một hình bóng một con “thủy quái”, con vật đen nhớt, thân mình sư tử, đầu rồng, đang há chiếc miệng rất lớn, hai mắt to tròn, hai bàn chân trước đưa ra, chiếc đuôi đằng sau đang phe phẩy sống động. Một thoáng giật nảy người, tưởng mình gặp phải “quái vật sông” định thần nhìn lại thì ra đó chỉ là một tượng đá to bằng một đứa trẻ con, chiếc đuôi kia là do tảo sông cuốn vào phe phẩy lên xuống theo con nước, dòng nước thì tối sáng cứ tưởng là con vật đang vẫy đuôi như còn sống.
Hắn quay lại thuyền, ngồi thở không ra hơi, suy nghĩ lung tung biết rằng mình vừa tìm ra được một bức tượng lạ, biết đâu chừng là đồ cổ thì sao. Phen này trời đã cho lộc, cớ sao bỏ qua, quay trở lại hắn buộc dây kéo lên, lấy áo bọc kín lại lén lút đem về nhà.
Thấy hắn đi cả ngày, công việc đâu chẳng thấy lại mang về một cái tượng bằng bằng đá, dính bùn đất hôi hám, hắn ngồi kì cọ cả đêm, vợ hắn chửi đổng: “Mẹ nó chứ... tôi bảo ông đi kiếm việc làm, kiếm cơm cho vợ con, đói nhăng cả răng ra, mà lại đem cái của nợ này về đây. Có ăn được không?... Mai bà cho cả nhà chết đói, ra lấy bức tượng đá mà ngồi ăn cho no cái bụng nhé !...”
Hắn chả quan tâm lời nặng nhẹ của vợ, cười khinh khỉnh: “Để rồi xem, cái này mà tôi kiếm được chỗ bán thì biết ai đúng sai... Em xem đây là đồ cổ ấy nhé. Xem chừng hơn trăm củ, lúc ấy mẹ nó đừng hối...”
Từ xưa nay các ngôi chợ mọc lên khắp nơi, tạo thành điểm giao thương giữa người mua và người bán, từ lớn tới nhỏ, từ to tới bé ở đâu khắp cũng có, phục vụ cho nhu cầu cần thiết của người dân. “Buôn có bạn – Bán có phường” ở thời đại này cái gì cũng có hai mặt của nó, có chợ “sạch” thì cũng có chợ “dơ”, hay nói đúng hơn là chợ đen, mua bán tiêu thụ những vật ăn cắp ăn trộm, từ bọn đạo chích, khắp nơi hang cùng ngõ hẻm, tồn tại không thể chối bỏ ở những thành phố lớn trên mảnh đất Việt Nam.
“Thời loạn buôn vàng- Thời bình buôn đồ cổ.” Có cung ắt có cầu, quy mô lớn hơn nhưng kín đáo là trên mạng xã hội, có những trang group kín chuyên trao đổi mua bán những vật phi pháp hòng né tránh luật pháp. Mua bán cổ vật cũng vậy, nếu không có giấy phép cũng là một dạng phạm pháp. Mà cửa hàng có giấy phép chính quy hẳn hoi thì làm gì có hàng hiếm, hàng tốt mà bán, thế là những món hàng hiếm luôn có trong các “chợ đen” này và chỉ thêm cái cớ cho bọn đạo chích tìm cách lách luật, rồi nâng cao giá trị món hàng lên giá trên trời. Những kiểu làm ăn phi pháp này trong giới cổ vật gọi là “Hắc Cổ”, ngược lại giới buôn hàng cổ vật có giấy phép hẳn hoi chính quy là “Bạch Cổ”.
Làm nghề nào ăn cơm nấy, hắn cũng quen biết nhiều tên cò mồi, chỉ dẫn hắn tham gia đăng món hàng lên group “Hắc Bảo” buôn đồ cổ vật. Sau được sự hướng dẫn của một con buôn tép riu, hắn đăng món hàng lên một nhóm kín, dò hỏi những người có kinh nghiệm trong nghề buôn đồ cổ, họ nói chỉ là một con sư tử đá bình thường mà thôi, không có giá trị.
Nhờ vả không được, tự thân vận động. Ngày nào Trung “trọc” cũng lân la đến các tụ điểm “chợ đen” buôn bán đồ cổ, gặp ai cũng đưa cái hình hắn chụp con vật kia trong điện thoại ra chào hàng, chỉ nhận lại những cái lắc đầu. Thói đời đen bạc thời nay “giả nhiều hơn thật”, vật thấy trước mắt chưa chắc đã tin, huống chi đây lại là qua một bức hình. Nên dù trải qua cả tuần đi mòn gót giày rốt cuộc thì chả ai quan tâm.