• Màu nền:
  • Font chữ:
  • Chiều cao dòng:
  • Kích Cỡ Chữ:

Lại nói về nhóm ba người giáo sư Bảo Sơn, An Nam và Trung “trọc”. Sau khi vào đến hầm mộ Cung phi Phạm Thị Ngọc Đô, vì phút chốc “mỡ béo che tim, vàng bạc che mắt” nhất thời gã Văn Trung động lòng tham cố lấy cổ vật trứng vàng, vốn dĩ là cơ quan trên tay những xác chết thiếu nữ bị trấn yểm, ngửi phải mùi tử khí, chẳng may dính phải lời nguyền ngàn năm của đế quốc Chăm pa xưa kia mang tên “Hắc Ngải” khiến đầu óc mụ mẫm, ảo giác ma ám vây lấy tâm can, mạch máu toàn thân trương phòng, thân thể tím tái như có muôn vàng mũi dùi nhọn xoáy vào thân thể. Tạm thời được hai người giáo sư Bảo Sơn cùng An Nam kéo vào sâu bên trong cửa quan tài, cũng chính là hang sâu duy nhất trong lúc tính mạng cả ba gặp nguy nan, hy vọng có lối thoát thân.

Ánh đèn pin trong tay An Nam xoáy loang loáng trong hầm mộ sâu, không biết đã đi được bao lâu, chỉ thấy phía sâu trong hang kia có một ánh sáng le lói, đúng là ông trời không tiệt đường sống của con người, nếu như người đó chỉ còn một tia hy vọng. Ánh sáng tự nhiên dẫn lối cho cả ba bước ra khỏi cái hầm mộ Cung Phi ma quái Ngọc Đô. Đến một cái động to lớn như một sân bóng đá.

Cũng may là thân hình gã Trung “trọc” vốn ốm yếu như cây sậy, nên cả hai thầy trò Bảo Sơn dù mệt muốn tắt hơi cũng lôi được hắn đi.

Ánh sáng yếu ớt trong động này lại xuất phát phía trên cao, qua một lỗ nhỏ không biết là thông đến nơi nào. Giờ ánh mắt của gã Trung “trọc” hình như không cử động được nữa, giật giật đôi môi, mấp máy như muốn nói mà chả phát ra tiếng, ánh mắt trợn trừng trừng nhìn vào khoảng không tối đen trong vô vọng, bọt mép trào ra toàn máu tươi, từ sâu trong cổ họng bỗng thấy có một vật trồi lên sụp xuống phía trong làn da rồi chạy lên trán, chạy khắp cơ thể hắn ta. An Nam vội buông tay đặt hắn nằm xuống, nắm lấy vai Bảo Sơn mà đẩy ra rối nói lớn: “Không xong rồi, chúng ta không thể cứu hắn được nữa. Hắc Ngải đã lớn, thật tình không thể cứu được.”

Chẳng mấy chốc cơ thể gã trương phình lên, ưỡn lồng ngực lên phía trên, từ bên trong da bụng, có một cái đầu đen nhám ướt át, xé toạc bụng Văn Trung mà cố chui ra ngoài. Là một con “Hắc trùng cổ lâu” loại Hắc trùng này chính xác là một loại đỉa rừng lưỡng cư, sống trong đầm nước trong những khu rừng sâu nơi mà ánh mặt trời không soi tới mặt đất, được những pháp sư Chăm pa bắt từ nhỏ, nuôi sống bằng chính máu của mình, khi nuôi được một thời gian sẽ tìm một xác chết cho nó chui vào ăn từ bên trong nội tạng lan ra ngoài, sau đó huấn luyện thành Hắc Ngải. Tại sao lại chọn đỉa? Trong các loại hút máu mà sống chỉ có loại đỉa là sống dai nhất, chặt đứt ra mấy đoạn cuốn vào là chuối, mấy hôm sau bao nhiêu đoạn đứt là bấy nhiêu con đỉa sinh sôi trở lại, bởi vậy mới có câu “Sống dai như đỉa” là thế. Ai mà chẳng may bị Hắc trùng chạm phải chỉ có nước đi chầu diêm vương, có một cách hóa giải duy nhất là dùng chính máu của chủ nhân nuôi nó mà hóa giải, mà chủ nhân con Hắc trùng này là ai thì chỉ có thần phật biết, mà dù có biết cũng đã trải qua mấy trăm năm, chủ nhân của nó thân thể cũng thành cát bụi, lấy đâu có máu mà hóa giải, giờ mà nó chạm phải xem như biến thành món tráng miệng tươi ngon của nó. Con Hắc trùng này thân hình nó to lớn như một con giòi khổng lồ chết sình đầy lông đen, trên thân mình vô số con mắt lớn nhỏ, đích thị là sống rất nhiều năm, lúc này chính là Hắc trùng chúa, trong bụng nó là vô số tiểu hắc trùng nhỏ bằng chiếc đũa bò ngoằn ngoèo bên trong lớp da mỏng, nhìn thấy như thế cả hai người Bảo Sơn và An Nam nôn ói ra không biết bao nhiêu lần.

Hai thầy trò dù mới biết qua Trung “trọc” mấy ngày, cũng cảm thấy đau lòng, phần vì tình người, phần vì cảm thương hắn hơn là đáng trách. Hai thầy trò cũng đã trải qua vài lần xuống hang sâu, mộ tối tìm cổ vật, bất quá trầy da tróc vảy, thậm chí tệ hơn là bị rắn độc cắn là cùng, vốn dĩ là chuyện xảy ra thường tình như cơm bữa, chẳng ngờ rằng hôm nay trước mắt mình lại thấy một người bỏ mạng vì một tà thuật chưa bao giờ thấy trên đời. Nhưng nào ai hiểu được cuộc sống thời nay, nghề nào cũng vậy thế mới có câu nói “sinh nghề tử nghiệp “là vậy. Con người ta cũng vì chén cơm manh áo thường tình, ăn bữa nay lại lo bữa mai, đối diện hiểm nguy hằng ngày, sống nay chết mai, mới thấy đó quay lưng, đã không bao giờ còn được gặp lại... Thiết nghĩ nếu may mắn thoát khỏi nơi này, sẽ gặp lại gia đình nhỏ của hắn mà tìm cách giúp đỡ, xem như an ủi phần nào vong linh của hắn ta.

Nhân lúc Hắc trùng cổ lâu còn thưởng thức xác chết Trung “trọc”, cả hai thầy trò Bảo Sơn nhanh chân chạy sâu vào trong, theo hướng ánh sáng nhỏ nhoi kia mà đến, bỗng chốc tay chân như đông cứng lại, mắt mở to không tin những gì mình thấy trước mắt, ánh sáng le lói bên trên soi xuống hang động vừa đủ lộ ra một cỗ quan tài to lớn sừng sững bằng gỗ Trinh Nam, nắp quan tài với phần chân đế bọc vàng, chạm trổ những hình ảnh đặc thù vương quốc Chiêm Thành, chiến binh, chiến tượng, mái mộ tôn cao trên dưới hình nửa vầng trăng giống một chiếc thuyền chiến của người Chăm pa xưa.

Giáo sư Bảo Sơn trợn mắt khóe miệng run run, chốc mới thốt ra thành tiếng: “Theo tôi không nhầm thì đây là quan tài vàng của... của Quốc Vương Chiêm Thành... Chế Bồng Nga.”

An Nam bước lại gần nhìn qua chiếc quan tài vàng to lớn nói: “Làm sao ông biết chắc chắn đây là quan tài vị vua huyền thoại người Chăm Pa... ?

“Tôi cũng chỉ nghe qua những lời kể lại, từ chính những người dân tộc Chăm pa...”

Giáo sư Bảo Sơn đặt chiếc túi xuống bên cạnh lấy cuốn sổ tay lật nhanh từng trang, dừng lại trước một trang giấy, hình vẽ bút chì bằng tay đã phai màu, trên trang giấy hình ảnh trong rất giống với quan tài bằng vàng trên kia, trong đó có viết như sau:

Tương truyền lúc bấy giờ ở nước Đại Việt ta, vua Trần Duệ Tông chỉ lo việc ăn chơi hoang phí, hoang dâm vô độ, không màn đến việc triều chính, bỏ bê luyện tập võ bị. Ngược lại bên Chiêm Thành thì có Chế Bồng Nga được xem là một ông vua anh hùng, ý chí ngút ngàn, nhân tài ngàn năm có một của người dân tộc Chăm pa. Nhiều lần có ý xâm lấn Đại Việt để rửa hận cho tổ tiên bị vua phương Nam nhiều lần đánh cho tan nát, cướp đất cướp người, nhớ những lần thù trước đây mối hận khó nuốt trôi. Vậy cho nên hết sức ngày đêm tập trận, luyện binh. Kỷ cương được đưa lên hàng đầu, bắt quân lính phải chịu khó nhọc nhằn, nằm gai nếm mật cho quen với địa hình chiến địa. Đặt biệt rất mạnh về “Chiến Tượng” huấn luyện đàn voi trận thiện chiến, thắng thì cho voi đi trước để xông phá, bại thì cho voi đi sau để ngăn chặn đường lui giữ quân địch. Nhờ cách xếp đặt có thứ tự, dụng binh có kỷ luật cao như thế, cho nên quân Chiêm Thành từ đó rất mạnh. Sau đó đánh thẳng đến bốn lần tới phá thành Thăng Long làm cho vua nhà Trần phải thất bại liên miên. Cướp phá, vơ vét tài sản đem về Chiêm Thành. Lại được nhà Minh bên phương Bắc cổ súy, hậu thuẫn nên càng được nước lấn tới. Gây bao cảnh lầm than ở kinh thành Thăng Long rất nhiều năm.

Vừa là bậc quốc vương có công lập nên triều đại huy hoàng của Chăm Pa, nhưng Chế Bồng Nga cũng nổi tiếng là một vị hôn quân, rất ác độc khi ai đó lỡ phạm thượng, chặt xác cho chó ăn, gà mổ, phanh thây... và đó cũng là sự tai hại, hay còn gọi là nhân quả. Trong đó có một người tên Ba Lậu Kê nuôi hận thù sâu đậm với vị hung quân này vì đã giết chết cha mình, cha hắn vì đã lỡ miệng ho khan, trong lúc thiết triều của quốc vương, Chế Bồng Nga chỉ gầm một tiếng “Hmm... Làm cho hắn hết ho đi” thế là bắt cha hắn ra cắt cổ, cho muôn đời... hết thấy ho.

Dù có uy danh như thế nào cuối cùng ngày tàn cũng đến. Khi chiến thuyền Chiêm Thành theo thói quen tiến đánh Đại Việt chưa kịp ổn định hàng ngũ, tên thuộc hạ Ba Lậu Kê đã chạy sang trại quân Trần. Hắn chỉ vào chiến thuyền sơn màu xanh, nói với tướng nhà Trần là nơi Chế Bồng Nga đang trú ngụ.

Chế Bồng Nga đã chạm mặt đại danh tướng đất Việt. Thượng đẳng phúc thần nước Phương Nam Trần Khát Chân thuộc dòng dõi của Bảo Nghĩa Vương Trần Bình Trọng, người có công đánh đuổi quân Nguyên xâm lược, nổi tiếng với câu nói: “Ta thà làm quỷ nước Nam chứ không thèm làm vương đất Bắc”... Đả bại câu thương Chế Bồng Nga, chặt xác đem đốt, lấy thủ cấp mang về triều đình luận thưởng.

Giáo sư Bảo Sơn xếp cuốn sổ lại rồi nói: “Đó là trong truyền thuyết nói quốc vương Chế Bồng Nga đã chết, thủ cấp đã được danh tướng Trần Khát Chân mang về triều đình nhà Trần. Nhưng thực ra, cũng là một danh tướng lẫy lừng xưng hùng với nhau, không vì tình cũng vì tài mà nể trọng. Trần Khát Chân sau khi chém chết Chế Bồng Nga đã vì lòng nhân từ chặt đầu, nhưng sau đó trả về lại cho triều đình Chiêm Thành. Sau này thân xác được con cháu đem táng vào quan tài bằng gỗ cây Trinh Nam, xung quanh chân đế bọc vàng này. “

An Nam lấy tay sờ vào quan tài, những hoa văn chạm khắc khá cầu kỳ, chim bay cá lội, những vị thần bảo hộ chiến tranh, chiến tướng, voi chiến, ngựa chiến uy dũng thể hiện rõ trên cỗ áo quan, An Nam cảm thấy loại gỗ quý mát lạnh cánh tay, độ vàng óng ánh của chất liệu gỗ nổi những đường vân ngang dọc như những dòng sông vàng uốn lượn, quay sang hỏi giáo sư: “Vậy Trinh Nam này loại gỗ như thế nào mà, đã mấy trăm năm chôn vùi mà như giống mới chôn hôm qua, thật là sáng bóng và phảng phất mùi thơm”

Giáo sư Bảo Sơn giải thích: “Từ xa xưa gỗ cây Trinh Nam đã được công nhận về chất lượng gỗ, hương thơm dịu nhẹ và có màu vàng óng khi được đánh bóng, gỗ của cây Trinh Nam đã được gọi là "gỗ hoàng đế". Theo sử sách ghi chép, chỉ Hoàng đế Trung Hoa mới được sở hữu nó. Gỗ Trinh Nam từng được dùng để làm cột trụ xây dựng Tử Cấm Thành, là vật liệu làm ngai vàng, tủ đồ trong phòng ngủ của các Hoàng đế thời nhà Minh. Sau khi trở thành chư hầu cống nạp cho triều đình nhà Minh nhiều năm, nên Chế Bồng Nga được ban tặng lại loại gỗ quý này. Trong môi trường vô cùng ẩm như nơi này, gỗ Trinh Nam không bị oxy hóa hay ăn mòn, thậm chí côn trùng cũng không thể phá hủy chúng. Bởi thế mới có câu nói "Nước không thể thấm, côn trùng không thể làm hang" là nói về gỗ Trinh Nam đấy.”

An Nam lại đưa tay lên trán vò đầu bứt tai hỏi Giáo Sư: “Nhưng chuyện này cháu không thể hiểu được, nước Chiêm Thành xưa kia nằm trải dài ở miền Trung nước ta, cớ sao con cháu Chăm pa lại đặt phần mộ tại đây? Nếu nói Cung phi Ngọc Đô là được vua Lê đem về sinh sống ở Thăng Long, sau đó chết được chôn Tây Hồ thì là chuyện không thể bàn cãi, còn này là vua huyền thoại Chiêm Thành sao cũng an táng tại đây?

Giáo sư Bảo Sơn ngồi xuống bên cạnh quan tài, lấy nước ra uống, sau những sự việc kinh hoàng xảy ra hai người giờ mới hoàn hồn đôi chút. Lúc này Bảo Sơn mới nói cho An Nam nghe vì sao lại như vậy: “Thực chất ta cũng biết qua, lúc còn làm giáo sư tại trường đại học, có cơ hội được biết qua những tư liệu mật. Vốn dĩ quan tài vàng của vua Chế Bồng Nga trong hầm mộ đầu tiên được đặt tại cố hương Đồ Bàn, gần biên giới Việt Nam và Lào. Sau đó bị bọn trộm mộ lấy cắp, bọn chúng vì né tránh pháp luật, nên lập kế hoạch mang quan tài ra giao dịch buôn bán cho bọn Trung Quốc trên một chiếc tàu ngoài biển Đông. Triều đình nhà Nguyễn biết được nên thương thuyết với bọn chúng, mang vàng ra trao đổi mà chuộc lại cổ vật.

Bọn chúng ra điều kiện, quan tài cân nặng bao nhiêu thì trao đổi qua vàng cũng tương ứng như vậy. Lạ lùng thay khi đặt lên cân thì chỉ hơn có 10kg. Không tin vào mắt mình, cả quan tài gỗ bọc vàng hơn tám thằng thanh niên lực lưỡng mới khiêng nổi, vậy cớ sao có hơn 10kg, bọn chúng thay đổi bao nhiêu cách cân thì cũng y như vậy. Tức khí bọn chúng xách đồ cạy nắp quan tài ra xem sự tình và cũng hy vọng có ngọc ngà châu báu gì bên trong không. Khi cái đinh đồng cuối cùng bật ra, nắp mộ hở lên một góc nhỏ, tức thì một làn khói vàng lan rộng, bọn trộm mộ kia trở nên điên loạn, nắm tay nắm tóc, cào cấu mặt mày đến tróc cả một mảng da mặt, mà vẫn không thôi. Lớp nhảy xuống biển, lớp trên thuyền, hơn hai mươi người chết sạch. Sau đó triều Nguyễn mới nhờ một pháp sư cao tay phong ấn, đóng đinh đem về cung đình Huế.

Chiến tranh Việt Nam xảy ra, bom đạn tàn phá khắp nơi, lúc đó quan tài vàng của vua Chế Bồng Nga biến mất không một vết tích...”

An Nam giờ nhìn xung quanh mới chợt nhận ra một điều gì đó. Nên nói: “Cháu nghĩ rằng quan tài hai vị Cung phi và Vua Chiêm Thành tại nơi hang sâu rộng này không phải tự dưng mà có. Mà là do có bàn tay con người dựng lên. Hay là con cháu Chiêm Thành cổ đã có một âm mưu gì chăng?”

“Hahaha!!... Rất thông minh, thật đáng khen tuổi trẻ tài cao... Hai người, xem ra biết cũng nhiều đấy. Bấy nhiêu đó cũng đủ vốn sống rồi. Giờ thì chết cũng vui nhỉ”

Tiếng vỗ tay vang trong bóng đêm trước mặt, một nhóm người lộ diện bước ra, mặt đồ rất kỳ quái. Là đồ dân tộc Chiêm Thành xưa mà người dân thường gọi là Xà Rông được dệt bằng lụa tơ tằm, khá mịn và có trang trí nhiều hoa văn với nhiều màu sắc khá sặc sỡ đủ màu sắc...

“Phụt... phụt...”

Cả hai thấy hai mũi tiêu bay thật nhanh cắm vào cơ thể, trời đất như quay cuồng... Ánh sáng dần biến mất...

Danh Sách Chương:

Bạn đang đọc truyện trên website TruyenOnl.COM
BÌNH LUẬN THÀNH VIÊN
BÌNH LUẬN FACEBOOK