An Nam bước lại gần những trụ đá đọc những chữ viết trên đó, lúc này mặt trời cũng dần lên cao soi những tia sáng đầu tiên len lỏi xuống cánh đồng đá, chợt ánh mắt của An Nam sáng lên khi nhìn thấy một trụ đá có dòng chữ lạ, buộc miệng thốt lên: “Thật là may, dễ vậy mà chúng ta cứ kiếm đâu xa, tự làm khó mình, ngay chính giữa quan tài đá mà thôi...”
Bảo Sơn nói: “Là chính giữa quan tài sao ? “
An Nam bước lại ngôi mộ nằm giữa những phiến đá, chỉ tay vào giữa quan quách nói: “Các người xem. Mặt trời mọc từ hướng Đông ngay phiến đá cao nhất, ánh sáng soi lên trụ đá, ngã bóng một mũi nhọn về hướng Tây, đầu chỏm đá ghi bóng hình lên chính giữa quan tài, trên trụ đá này có ghi một chữ “Giải”...”
Nói đoạn, bước đến vạch hết lớp đá ngổn ngang nằm bên trên nền đất để quan quách, tức thì nhìn thấy một khe nhỏ ngan hơn một gang tay như hình một lỗ khóa. An Nam dùng lực ấn mạnh chiếc Ấn Triện xuống, cánh tay phải hằn lên những đường gân xanh như ánh dạ quang, mặt đất dưới chân rung lắc nhẹ rồi mạnh lên dần, cả ba chới với cùng ngồi xuống tay nắm chặt lấy thành mộ đá, xung quanh trên mặt đất nứt ra những lần ranh chạy từ tâm quan quách ra bên ngoài. Cơn rung chuyển giờ cường độ cao hơn, bỗng chốc xoay thành một vòng tròn cả ba thất kinh hồn vía đầu óc quay cuồng, như có cơn địa chấn mạnh xuất hiện, lớp đất cát xung quanh sụp xuống, phút chốc tạo thành những bậc thang hình trôn ốc từ giữa quan quách xoắn xuống bên dưới, hố sâu hơn hai mươi thước, rồi vài phút sau trở nên bình lặng. Sau một phút định thần cả ba nhờ ánh sáng vừa đủ, soi xuống thấy bên dưới kia sương đen bao phủ, khí lạnh từ bên dưới bốc lên trên mặt đất, kèm theo thứ âm thanh kì lạ phát ra, như tiếng gầm của quái thú thức giấc.
An Nam vẫn cầm chiếc Ấn trong tay, đi đầu dò dẫm từng bước thận trọng xuống những bậc đá tổ ong đầy rêu xanh, hai người kia cũng bước theo sau, càng xuống sâu bên dưới không gian ẩm thấp hôi tanh, lạnh lẽo thể hiện càng thêm ảm đạm hơn, một làn sương đen bao quanh bên dưới này tạo thành một lớp dày đặc, không nhìn thấy đáy. Giáo sư Sơn chợt nhớ ra điều gì, lấy trong túi ra một chiếc đèn vuông vức có nhiều bóng to, cầm đèn trên tay soi ánh sáng vàng đậm vào màn sương kia, chỉ chốc lát màn sương đen kịt đã tan dần ra.
An Nam nhìn thấy ánh sáng phát ra từ chiếc đèn, không hiểu chuyện gì nên giật nảy mình nói: “Các hạ... dùng pháp bảo gì mà có thể làm chiếc hộp phát ra ánh sáng như vậy?
Giáo sư Bảo Sơn biết là An Nam muốn hỏi chiếc đèn pin trên tay nên nói: “Không phải phép thuật gì hết. Đây là đèn pin Halogen công suất cao chuyên dụng này dành cho phá sương mù của xe ôtô, đại loại đây là chiếc thu nhỏ lại dành cho những người chuyên khám phá hang động mà thôi, không có gì kì lạ cả.”
Nói xong đưa chiếc đèn cho An Nam xem qua, hướng dẫn cách bật tắt, An Nam nhìn qua rất thích thú nói: “Người âm các ông có mấy món Pháp bảo hay thật...”
Cả hai người Bảo Sơn và Hắc Công chỉ biết lắc đầu cười gượng. Cho sự ngây ngô của cậu ta.
Khi màn sương đen kia tan đi, xuất hiện dưới cùng bật thang đá là một đáy mộ bằng phẳng, hình bán nguyệt, xung quanh hình vòng cung là vách hầm mộ bằng đá phiến, được điêu khắc tỉ mỉ những hình chim muôn thú vật rất sinh động, nằm giữa là một hang sâu tối đen luồn vào sâu bên trong vách, khi ánh đèn pin soi đến, một vật chắn ngay cửa vào hang sâu này, cả ba giật nảy người chân như đạp phải gai nhọn, lùi về sau Hắc Công chỉ tay nói: “Kia là gì thế?... có phải là sọ người khổng lồ... đây phải chăng là hang sinh sống xưa kia của tộc người khổng lồ mà dân gian người Mường truyền tụng. Người ta còn nói khu mộ đá Đống Thếch xuất hiện những cột đá to lớn là do những người khổng lồ cắm xuống bên dưới lòng đất, nên không ai có thể lay chuyển được, họ là giống loài lấy việc giết chóc con người làm thú vui săn bắn, thịt người là món ăn khoái khẩu của họ.”
Giáo sư Bảo Sơn soi ánh đèn pin đến bên cái đầu sọ khổng lồ, hình thù không khác mấy với sọ người cao khoảng 2 mét chắn ngang lối vào, thở dài nói: “Chỉ là một cục đá hình chiếc đầu sọ người thôi em !... em đừng nghe những lời truyền thuyết là thật rồi tự hù dọa mình. Làm gì có người khổng lồ, nếu có thật thì mấy nghìn năm cũng đã tuyệt chủng theo loài khủng long tiền sử. Anh có biết qua hình dáng này, trước đây anh có giao lưu văn hóa với bộ văn hóa dân gian Hòa Bình, qua tài liệu tham khảo có nhìn thấy một phiến đá to hình thế kì lạ tựa như một hộp sọ người, cũng có hàm trên dưới, phiến đá này xuất hiện từ thời xa xưa theo niên đại có hơn hàng ngàn năm, mà người dân tôn sùng gọi là Dạ Há hay còn gọi là đá ăn thịt người.”
An Nam nói: “Hòn đá ăn thịt người sao? Hòn đá thì làm sao ăn thịt người được chứ?”
Bảo Sơn giải thích: “Đó là theo truyền thuyết của người dân sinh sống tại nơi này.
Tương truyền xưa kia ở trong xóm Mận, có một mái nhà nhỏ nằm giữa cánh đồng, gia đình nghèo nọ có hai mẹ con sinh sống, anh con trai ở cùng bà mẹ già. Một hôm nọ bà ấy chẳng biết cớ sự gì lại ra khỏi nhà trong cơn mưa lớn, đến xế chiều anh con trai không thấy mẹ về mới chạy đi tìm, khi ra đến cánh đồng hoang, thì thấy bà ấy ngồi trên con đê bất động, người cứng ngắc, mắt trợn trừng trừng toàn tròng trắng, hơi thở đã đoạn tuyệt tự khi nào. Anh mới đem xác mẹ về nhà, cho nằm trên chiếc chõng tre, định bụng ngày mai sẽ tổ chức mai táng. Vào đêm khuya thanh vắng, lúc chó không sủa gà không kêu, cơn mưa rì rào cộng gió lạnh từng cơn thổi qua mái nhà tranh, nghe buồn não lòng. Anh thắp một cây đèn dầu nhỏ trong gian phòng nơi để xác bà mẹ già, cây đèn dầu để trên đầu cái xác của mẹ mình. Anh quay vào trong phòng nằm, lát sau tự dưng thấy ánh sáng từ chiếc đèn dầu tự dưng tắt ngúm, anh ngồi dậy chậm lại tim đèn, hai ba lần liên tục như thế sao cứ một tí lại tắt. Anh tự nhủ”tim dầu có ống che, lại ở trong phòng kín gió, không cách nào tắt nhiều lần như vậy” tò mò anh nhìn lén qua khe cửa hẹp, thấy cái xác mẹ mình tự dưng chuyển động rồi bà ta ngồi bật dậy, xoay đầu đưa miệng thổi ánh sáng trên chiếc đèn dầu tắt ngúm, anh ta hoảng kinh hồn vía toàn thân da tóc dựng ngược, vì cũng nghe nhiều người nói nên biết đây là hiện tượng “quỷ nhập tràng” mà dân gian hay nói đến. Khi xác chết bị một con linh miêu nhảy qua người, xác chết sẽ lập tức biến thành quỷ nhập tràng, nếu con quỷ này đụng phải ai sẽ bóp cổ người ấy sẽ chết ngay tức thì, anh cố giữ bình tĩnh tự trấn an mình rằng, trước mắt dù là quỷ nhập tràng thì cũng trong hình hài của mẹ, lại chưa có dấu hiệu làm hại đến mình. Anh đóng cửa cố cắn răng chịu đựng, thức thâu đêm chờ đến sáng.
Sáng hôm đã thấy bà ta tự ngồi dậy, sinh hoạt bình thường như chẳng có chuyện gì xảy ra, chỉ là đôi mắt bà ta bắt đầu mờ dần đi từ đấy. Từ dạo đó bà ta như trở thành một người khác, tuy mù lòa như cái mũi rất thính, rồi sinh ra có sở thích rất quỷ quái, rất thích ăn thịt sống, gà vịt chó mèo trong nhà tự dưng biến mất. Sau đó người con trai lấy vợ, được một thời gian người vợ mang thai, chẳng may anh ta bị bắt đi làm lính, người vợ ở nhà sinh con, thì bà mẹ chồng cứ nằng nặc đòi ôm đứa trẻ trong lòng và ngày đêm luôn rình rập bằng mọi cách để bắt đứa bé, có khi người con dâu thấy bà ta lè chiếc lưỡi dài ngoằn nhớt nhãi, liếm khắp cơ thể nhỏ bé của đứa cháu, hít ngửi thèm thuồng như một món ăn. Người con dâu lúc đó sợ hãi, cô ta nghĩ ra một cách bọc tấm áo có mùi đứa trẻ vào một cái hoa chuối, đưa cái hoa chuối cho bà mẹ chồng khát máu ôm... tạm. Đang ôm cái hoa chuối ngửi ngửi, bỗng dưng hai mắt bà ta hằng lên những tia máu, khóe miệng hai răng nanh mọc dài ra, chiếc lưỡi lê dài ra cả mét, ném cái hoa chuối xuống dưới đất, bà mẹ chồng giờ hóa thành quỷ nhập tràng, nằm xuống nền đất nhai ngấu nghiến “đứa bé” giả để thỏa mãn cơn thèm thịt người tươi. Tuy nhiên ăn thấy quá chát, con quỷ mới phát hiện ra mình bị lừa, thì người con dâu đã bế con trốn mất từ lâu rồi. Tức giận lồng lộn và bị bỏ cho đói khát, bà mẹ chồng cuối cùng đã chết đi.
Người dân sau này, thấy ngôi nhà giữa cánh đồng xuất hiện một hòn đá to lớn kì dị, đồn đoán bà mẹ quỷ khi chết đi đã biến thành hòn Dạ Há. Từ đó về sau, hòn Dạ Há trở thành một biểu tượng của sự ác độc và là nơi ẩn náu của các loại quỷ nhập tràng trong vùng. Hòn Dạ Há này trước đây có một khoáng thạch đen nhô ra hình một chiếc lưỡi màu đen, nằm giữa hai hàm, sau này không biết tại sao lại mất đi khoáng thạch đen này, chỉ còn lại cái đầu lâu bằng đá. Dạ Há thực chất chính là miệng của bà mẹ chồng đòi ăn thịt người năm xưa, chứ không phải miệng của người khổng lồ như một số lời truyền miệng .”
Hắc Công cũng nói theo: “Thì ra là vậy. Em cũng biết qua về những cách thờ cúng hòn Dạ Há này. Trước đây, cứ ba năm một lần, người dân nơi đây lại tổ chức lễ hội và đặc biệt phải để miếng thịt lợn sống bên trong miệng hòn Dạ Há vì tương truyền hòn Dạ Há rất thích ăn thịt sống, người ta cúng bái bằng thịt tươi nên giống như nuôi nó, nên mỗi năm nó đều phình to ra thêm. Khi đặt lễ thịt heo sống trong miệng, thì chỉ ít phút sau cái miệng tuôn ra một dòng khí xanh, miếng thịt lập tức bị tan chảy, sau đó phải có mười bốn đồng nam, mới xoay được hòn Dạ Há. Mỗi ba năm sẽ tụ tập tất cả các buôn làng gần đây lại, cử một người lớn tuổi làm đại diện cho làng mình, sau đó chọn hình thức bốc thăm xem ba năm tiếp theo hòn Dạ Há xoay về hướng nào.
Hòn Dạ Há có cái miệng rất độc ác, mỗi khi tế lễ để xoay đầu hòn Dạ Há về hướng nào thì năm đó người dân ở hướng đó làm ăn thất bát, bệnh dịch lan tràn. Đến nay, việc thờ cúng hòn Dạ Há đã không còn, vì sau một thời gian hòn đá tự dưng biến mất không một vết tích.
Nhưng nói đến cái tên Dạ Há này, nhiều người dân ở xóm Mận vẫn run run vì sợ uy lực vô hình qua lời truyền tụng về hòn đá. Những người già cả trong làng sống xung quanh khu vực có hòn Dạ Há đều khẳng định rằng, hòn Dạ há chứa đựng nhiều điều huyền bí linh thiêng đối với người dân nơi đây. Em chỉ nghĩ là trong truyền thuyết dân gian, không ngờ giờ nó lại xuất hiện ở đây.”
An Nam đứng nghe hai người nói chuyện, chốc quay sang nhìn hòn Dạ Há nói: “Thì ra là vậy. chủ nhân ngôi mộ muốn đem hòn đá bị ám này xuống làm vật chắn cửa vào minh điện, nếu như tôi không lầm đây là phép trấn Sát Lâu Thạch, hòn đá màu đỏ này còn có tên là Mân Thạch, cũng là một loại ngọc quý thường dùng chế tác làm vật phong ấn, như giờ nó lại dùng làm tà trấn, mang quá nhiều âm khí, được đặt vào thế sát Tư Mã tức là “ngựa hí”, nếu có kẻ nào có dã tâm xâm nhập bất ngờ sẽ lãnh hậu quả tan xương nát thịt.”
Bảo Sơn và Hắc Công vừa nghe An Nam nói xong chưa hiểu ra chuyện gì thì đã thấy hòn Dạ Há chuyển động, chiếc miệng mở to phát ra tiếng kêu như một con ngựa hí vang, làm cả ba người thất kinh hồn vía, kèm theo đó từ trong chiếc miệng dần tuôn ra một làn khói xanh. An Nam kéo hai người ra sau nói nhanh: “Tạm thời nín thở lại ngay!. Khí này rất độc ngửi phải là da thịt xương cốt sẽ tan ra như bùn nhão.”
Khi dòng khí xanh trong miệng Dạ Há tuôn ra không ngừng. An Nam vận khí nín thở, tay cầm Ấn Triện đồng đen, nhảy đến bên miệng hòn Dạ Há, đặt chiếc Ấn Triện vào lỗ giữa hai hàm, chỉ thấy cái miệng Dạ Há ngậm lấy cái Ấn Triện đồng đen, xoay theo chiều kim đồng hồ, rồi dần dần lún xuống bên dưới đất.
Giờ lộ ra một hang động sâu hun hút. Ánh đèn pin soi vào thấy không gian dài sâu hun hút, âm u lạnh lẽo. Bao bọc lòng hang sâu là những kí tự rất lạ. Bảo Sơn giờ mới nói: “Thì ra hòn Dạ Há này đã bị lấy xuống nơi này làm vật trấn yểm, còn chiếc Ấn Triện kia là khối khoáng thạch đồng đen như chiếc lưỡi Dạ Há, sau khi bị lấy cắp, đã bị đục lấy ra chế tác thành Ấn Triện đồng đen, hèn chi nó ma quái như vậy”
An Nam nói: “Chủ nhân ngôi mộ này, chắc chắn là một vị phong thủy sư cao tay, cách sắp xếp bố cục rất tinh xảo, lợi dụng sinh khí Long Tỏa, cộng với âm khí của những vật có cường độ tà sát cao trấn yểm. Nếu như người nào năng lực yếu kém không biết, khó lòng thoát khỏi nơi này, bỏ xác lại tại cửa chứ chưa nói vào được đến minh điện bên trong”
Khi luồng khí độc tan ra, cả ba người bước chân vào bên trong hang mộ, đi hơn trăm mét thấy một hầm mộ to lớn, từ giữa hầm mộ hiện ra ba mộ phần, bốn góc có đặt bốn cây cột gỗ Ngọc Am đỏ chạm khắc hoa văn, hoa lá, như một ngôi đình làng, mái cong uốn lượn, trên đỉnh khắc hình rồng đặt thù thời nhà Lê. Chính giữa là ba cổ quan tài bằng gỗ Trám đen bóng, được sơn son thiếp vàng, phía trước ba quan tài có rất nhiều xác người khô cứng đen như than trong tư thế quỳ gối, đầu cuối thấp, hai cánh tay đưa ra phía trước ngực nâng một chiếc chén bằng đồng, tư thế này như kính cẩn trước quyền lực của người nằm trong quan tài kia. Xung quanh vách chất đầy đồ bồi táng, chén, bát, bình rượu, dĩa bằng rất nhiều loại kim loại quý, có cái bằng gỗ trầm hương, có loại bằng ngọc, sứ xanh đỏ nhìn hoa cả mắt, hương thơm dịu nhẹ bay thoang thoảng, tựa như hoa thơm.
Phía trước đình mộ có một tấm bia mộ đá hình chữ nhật cao hai mét phía trên có chạm khắc hình rồng uốn lượn, những chữ viết cổ qua năm tháng đã bị lại bị rêu phong phủ kín không thể nhận diện, bao quanh bốn bên bức tường bằng đá xanh, trên vách đá có khắc những bức hình diễn tả cuộc sống sinh hoạt của chủ nhân ngôi mộ lúc sinh thời.
Hắc Công tay vừa cầm những món bảo vật trầm trồ xuýt xoa không ngớt: “Anh Sơn ơi ! Lần này chúng ta trúng mánh lớn rồi anh ah. Với những thứ này ta sống cả đời như đại gia không phải lo nghĩ nữa rồi. Sau chuyện này anh có thể thực hiện ước mơ xây dựng cho mình một bảo tàng rồi đó, ”
Giáo sư Bảo Sơn không quan tâm đến những gì Hắc Công nói, chỉ lẳng lặng đi xung quanh nhìn ngắm những bức bích họa bằng đá trên vách hầm mộ rồi đọc thầm: “Đây chính là mộ phần của những vị tổ của dòng họ Đinh. Đầu tiên là Đinh Văn Thiệu vốn rất thông minh được nhân dân yêu mến, làm Thổ tù cai quản dân địa phương. Người thiếp của ông là Bùi Thị Thời người thôn Dầm sinh được một người con trai là Đinh Văn Cương. Ông bệnh nặng qua đời, cây đổ đàn khỉ tan, vợ nhỏ con thơ không thể giữ được cơ nghiệp.
Một hôm bị một tên cường hào ác bá ở xã Vĩnh Đồng tên là An Phú Bá muốn cướp cơ nghiệp nhà Văn Thiệu, mưu đồ cướp đoạt hái hoa đập chậu, bắt lấy cưỡng ép người thê thiếp của ông làm vợ.
Người thiếp sợ hãi mang con trốn vào thôn Lạc Thổ, xứ Thanh Hóa, ở nhờ gia quyến và nuôi con thơ. Đến lúc Văn Cương lớn khôn, tài trí hơn người, được triều vua Lê chúa Trịnh ban chức "Đinh nguyên soái", dẫn quân theo đường nhỏ bí mật về Sơn Tây phục thù cho gia tộc xưa, giết chết tên cường hào An Phú Bá.
Sau đó Đinh Văn Cương chiêu mộ binh mã theo làm việc nghĩa, nhiều lần dẹp tan bọn thảo khấu được sắc phong "Phá lỗ tướng quân Triều Đồng hầu", phụng mệnh lưu giữ chốn biên cương phía Bắc được hơn 7 năm thì xin lui về... được vua sắc ban cai quản dân binh của 7 xã. Đinh Văn Cương sau đó được gia phong” Phụ quốc Thượng tướng quân tước oai lộc hầu”, giữ chức “Phiên thần”. Từ đó mà xây dựng cơ nghiệp dòng họ Đinh.
Đinh Văn Cương lấy 6 vợ vừa thê, vừa thiếp. Chính thất là Bạch Thị Thừa sinh được Đinh Công Kỷ và Đinh Công Kế, các người vợ và thiếp khác sinh được cả thảy 7 nam, 10 nữ. Đinh Công Kỷ kế nghiệp làm thổ tù, cai quản dân 7 xã địa phương được tập phong “Đề đốc oai lộc hầu” đời đời làm “Phiên thần.”
Đinh Công Kỷ là người có công giúp vua Lê Trung Hưng, chống giặc và xây dựng triều chính, ông là một trong những tướng tài của Trịnh Kiểm. Vì có công với đất nước nên bố ông là Đinh Văn Cương được sắc phong tước “Quận công”. Do có công với nước nên khi chết dòng họ Đinh đã được mai táng theo tước hầu. Tất cả quan tài đều bằng gỗ Trám đen quý giá, ngoài sơn son thếp vàng và được chôn theo nhiều đồ đạc quý giá như lúc còn sinh thời”