Cả nhóm người nhao nhao khi nghe điều lạ phải dùng thuyền chèo tìm hầm mộ, chứ không phải ở trên núi, người ta thường truyền tay nhau kho báu hầm mộ nằm trên núi rồi đào bới khắp nơi hay sao, giờ nghe nói phải dùng thuyền không khỏi thắc mắc. An Nam giải thích: “Không cần phải suy nghĩ thêm vốn dĩ xưa nay mọi người thường lên núi tìm hầm mộ, kỳ thực chuyện này các cổ nhân khi làm hầm mộ chứa vàng bạc thường đã nghĩ đến chuyện sau này tránh kẻ có lòng tham, đào mồ cuốc mả làm ảnh hưởng đến thân xác, nên thường lập ra rất nhiều “hư mộ” có nghĩa là mộ giả hòng qua mắt kẻ tiểu nhân, những ngôi mộ giả này chủ yếu để những đồ bồi táng nhỏ lẻ giá trị lúc đó không cao, nhưng qua năm tháng vô hình chung trở thành đồ cổ có giá trị nên thiên hạ cứ tưởng là kho báu, thực chất cái gọi là kho báu phải có ngọc ngà, vàng bạc, đồ minh khí tuyệt luân. Tấm địa đồ này có chỉ rõ đường vào hầm mộ gọi là “Ngọc tủy kinh thành, Thủy phi yểu tam sơn lai hội. Như chu tinh nhất gia vi kỳ” Câu trên ý nói dòng sông Si uốn quanh ba ngọn núi, có ý bao bọc không cho khí thoát ra ngoài, khí gặp gió sẽ tán, gặp nước sẽ ngưng tụ lại, thiên nhiên vô tình hay hữu ý, kiến tạo ra nơi này vô cùng kỳ diệu. Bên trái phải đều có chân Thủy giao nhau. Phía dưới vùng đất thấp gọi là Bình dương tụ khí bảo vệ thế đất thêm vững như bàn thạch. Đường vào hầm mộ nằm phía trước Sa thủ núi Rùa... Giờ mọi người cùng theo tôi nhớ mang theo cuốc xẻng... chúng ta còn chờ gì nữa đi thôi...”
Ba chiếc thuyền chở tất cả theo ngược dòng sông Si, men theo con nước gần cả một ngày An Nam ngồi trước mũi thuyền tay cầm La bàn đồng xem qua, rồi lại xua tay đi tiếp, đến một ngọn đồi nhỏ nhô ra mép sông, phía trên có hai cây đại thụ to lớn tàng lá phủ kín bên dưới, dây leo cây cỏ mọc um tùm, An Nam chỉ tay vào bãi bồi, rồi cười nói: “Hahaha... Rốt cuộc thì đã lộ diện, chúng ta dừng tại nơi này. Mọi người mau đào từ hướng này vào...”
Chẳng mấy chốc với đội quân phu rất nhiều người, sau khi cào hết lớp cây cỏ dây leo, lộ ra một bức vách đồi, Mã Tôn sốt ruột: “Ây dà... Lị có chắc nơi này không đây... Ngộ thấy toàn là đất đỏ, không thấy cái cửa hầm đâu àh...”
Bà mù “Minh Sư” bước lên nói : Xin ông cứ yên tâm... tôi tin cậu này rất có năng lực. Tôi được thượng đế mách bảo, hôm nay chúng ta sẽ có tin vui...”
Đúng như lời bà “Minh Sư” Tâm Hải nói, vào hết lớp đất đỏ, chiếc cuốc của những người phụ đã chạm phải một vật cứng, phát ra âm thanh rất lớn như va phải một phiến đá to, mặt cắt phẳng lỳ, lộ ra hình thù như một vách đá đen, thì ra là một tấm bia đá, bằng đá đen rất lớn, hai bên cạnh bia có tạc hai con vật thân rồng đầu trâu tên là “Phụ Hí” tức là hai linh vật bảo vệ hầm mộ, cạo lớp đất bên trên mặt bia đá dần lộ ra trên đó dòng chữ “Giáp cốt văn” được khắc sâu vài chỗ sứt mẻ không còn được nguyên vẹn. Ngư Nhi đã đọc được một dòng trên cùng có bốn chữ “Sở Linh Vương Chi Mộ. Cao vương chi phong Hùng Vi”, tấm bia này to lớn như được tạc tên người nằm bên trong hầm mộ đồng thời cũng làm thành một cánh cửa bước vào hầm mộ. Giáo sư Bảo Sơn quay sang nói với đám phụ: “Các anh em hãy đào rộng và sâu xuống phía dưới chân bia đá, nếu tôi đoán không lầm chính là thứ này...”
Sau khi đám phu nghe theo lời giáo sư Bảo Sơn đào sâu xuống, bên dưới bất ngờ lộ lên thêm một con vật kỳ lạ. Cái đầu rồng thân hình thì là một con rùa, trên lưng nó cõng cái bia đá đen kia, giáo sư Bảo Sơn mỉm cười nói: “Chính xác là nó rồi... là con Bí Hí”
“Bí Hí sao?... Chính xác đó là con gì?” cả nhóm người lao nhao.
Giáo sư Bảo Sơn trả lời: “Con linh vật này không phải là rùa mà cũng không phải rồng, trong tín ngưỡng dân gian. Rùa vốn là con vật sống rất lâu năm, chuyên ăn rau cỏ, nhiều khi không ăn, chỉ hớp sương mà sống. Rùa sống trên 500 năm thì gọi là Thần Quy. Rùa sống trên 1000 năm được gọi là Linh Quy. Còn con Bí Hí này theo truyền tụng của văn hóa Trung Quốc nó là đứa con trưởng trong chín đứa con của Thần Long. Còn có tên khác là Bá hạ, Bát phúc, Thạch long là linh vật có hình dáng thân rùa, đầu rồng. Bí hí có sức mạnh vượt bậc, chịu được trọng lượng lớn nên thường được chạm khắc trang trí làm bệ đỡ cho các bệ đá, cột đá, bia đá từ thời Thương Chu. Xem ra đây chính là mộ cổ một ông vua nào đấy của nước Sở khi xưa...”
Chưa nói dứt lời đã bị bà “Minh Sư” Tâm Hải chen vào, khoát tay nói với đám phu sai việc: “Việc bọn các người đến đây đã xong phận sự, chỉ những ai cho phép của ta mới ở lại, tất cả cùng với những đệ tử của ta hãy quay về lán trại, đợi lệnh... Chỉ còn ta và ba thầy trò của giáo sư cùng với Maru và Mã chủ tịch ở lại là được rồi...”
Sau khi nghe mệnh lệnh từ “Vô Thượng Sư” đám tín đồ và những thợ phu mộ lục đục kéo nhau ra về. Chỉ còn lại sáu người cùng nhau bước đến bia đá Bí Hí. Ngư Nhi nhìn thấy tấm bia đá từ nãy giờ cố gắng dịch nghĩa những chữ khắc cổ trên bia đá đó, buồn bã nói: “Cho dù có phát hiện ra thì cũng vô ít, bia đá này là cửa chính vào hầm mộ, trên đó ghi là “Bí Hí Thực “có nghĩa phải cho con Bí Hí bằng đá này ăn, mà thực ra con linh vật đá này sao mà ăn cho được, thực sự không thể lý giải cho nổi. Bằng không để dịch chuyển bia đá ngàn năm này, chỉ có nước dùng mìn mà phá đi thì mới tìm được đường vào hầm mộ...”
Giáo sư Bảo Sơn tỏ vẻ khó chịu: “Sao con nói vậy? Cho dù chúng ta không vào được thì cũng nhờ đến cơ quan chức năng khai quật nó lên, bia đá này xem ra chúng ta còn nhiều điều chưa hiểu hết về người chủ được chôn dưới cổ mộ này, nếu con đặt mìn phá hủy chẳng khác nào con xóa bỏ kỷ tích của những bật tiền nhân. Trâu lành hóa trâu què, khi chúng ta đặt mìn phá đi, lớp địa tầng trong lòng đất có thể đổ sụp xuống bất cứ lúc nào, đến lúc đó xem ra tất cả chìm vào lòng đất đúng với nghĩa đen của nó, thì thành công cóc còn đâu.”
Ngư Nhi cười mỉm nói: “Đó là lời nói nhất thời của con thôi cha đừng để tâm, con hiểu tính cha mà, xem cổ vật như sinh mệnh mình ấy... hjhj”
Bà mù Tâm Hải nghe nói vậy cũng nói: “Đây là công sức của bọn tôi bao năm qua bỏ ra không ít tiền của và sức lực, giáo sư đây còn nói đến chính quyền sao ?... Khi nào chúng tôi không còn cần đến những vật bồi táng nơi này thì mới đến lượt bọn chính quyền kia động đến. Các người nghĩ đơn giản sao, chúng ta tụ tập đông người làm việc lớn vậy, tại sao không ai hay biết ? Chỉ là chúng tôi đã dùng tiền bịt miệng, nên bọn họ mới nhắm mắt làm ngơ cho chúng ta thoải mái như vậy trong thời gian qua, vả lại ông giáo sư nói đúng tránh dùng mìn gây sạt lở và gây hoang mang cho người dân nơi đây. Chúng tôi cũng đã tiên liệu trước việc này. Trong cuốn sách bí mật về trộm mộ của gia tộc Mã chủ tịch đây có nhắc đến cánh cửa đá đen này, vì thế bọn tôi trước khi xuống đây đã thu thập mọi thứ cần thiết để vào hầm mộ nên các người cứ yên tâm...”
Nói xong quay sang nói gì đó với gã đệ tử Maru. Maru vốn là gã ít nói gương mặt luôn nghiêm khắc, làn da đen sì sì như cái đáy nồi ấy càng làm thêm vẻ bí hiểm, giờ mới cất tiếng nói: “Các người không phải lo xa, vật các người tìm đang trong tay ta, xin tất cả lùi lại một tí... để tôi ra tay...”
Cả năm người còn lại lùi ra sau vài bước, Maru lấy trong chiếc vali ra một cái hộp tròn nhỏ bằng gỗ quý có cẩn hoa văn bằng vàng, lấy ra một viên ngọc như quả chanh, màu đỏ như máu gọi là “Huyết ngọc” loại ngọc rất quý hiếm trong truyền thuyết hay còn gọi là “Ngọc máu quỷ” bên ngoài cứng như thép nhưng bên trong có những lằn đỏ như mạch máu chạy bên trong, tuy nhỏ như trọng lượng nặng khác thường. Hắn đến bên miệng linh vật đá Bí Hí đặt viên ngọc ấy vào, lấy cánh tay đặt lên trên đỉnh đầu Bí Hí vận một lực cực mạnh, chỉ thấy một tiếng rung nhẹ nơi cái cổ linh vật Bí Hí. Lập tức cái miệng đá “nuốt” lấy viên “huyết ngọc” hay nói chính xác là nó chui tọt vào miệng con Bí Hí đá, bắt đầu có những âm thanh kêu lên “răng rắc” xung quanh chân bia đá. Mặt đất dưới chân con Bí Hí bỗng sụp xuống dần bên dưới, thân mình con Bí Hí như bị sức nặng ngàn cân của tấm bia đá to lớn bên trên đè dần xuống, khi tấm bia đá đen và con Bí Hí sụp xuống bên dưới đất, tức thì lộ rõ trước mắt nhóm người là một hình vòng cung hầm mộ bằng gạch đỏ, cao hơn 2 mét, rêu phong phủ kín. An Nam thấy sự việc gật gù nói: “Thì ra là vậy trong bụng con Bí Hí này thực ra có một cơ quan như chốt chặn cửa hầm, sau khi dùng viên “Huyết ngọc” này cho vào thì cái chốt bên trong được mở ra... rất hay... rất hay...”
Gã Maru đáp: “Thực tình bọn tôi cũng không sao biết được bí mật này, chẳng qua cũng vì có cuốn sách của gia đình Mã chủ tịch giải mã nên biết mà làm theo mà thôi hà hà.....”
Đang nói ngon trớn, gã Maru nhìn thấy bà “Minh Sư” mù cố gằn vài tiếng trong cổ họng, cố ý cho gã đệ tử biết không nên tiết lộ quá nhiều điều, gã hình như cũng hiểu ý nên im bật.
Giáo sư Sơn từ nãy giờ mới phát giác ra vài điều kì lạ về bọn người Mã Tôn này, hình như có một bí mật gì đó họ đang cố giấu kín, nhưng đang xâu chuỗi lại sự việc, thì tất cả nghe những âm thanh lạ, phát ra từ sâu bên trong hầm mộ.
Có tiếng gió ù ù từ bên trong vọng ra ngày càng lớn, tất cả nghe “rì rì rào rào” giống âm thanh của chiếc cối đá, tiếng cối đá như có ai đó đang xay gạo theo cách cổ truyền, tiếng cối đá ngày càng lớn dần. Những rung chấn nhẹ dần tăng lên, từ trong hầm mộ tiếng gió ngày càng to ùm ùm như cuồng phong, rồi từ bên trong cuộn thành từng dòng nước sắc vàng óng ánh tuôn trào ra bên ngoài, mùi thơm lan tỏa khắp hầm.
Mùi hương này như mùi hoa cỏ, vừa thoang thoảng như hương lúa non, thật sự rất hấp dẫn. Cả nhóm không tránh khỏi sự hấp dẫn ấy, khi dòng nước dần chảy nhẹ nhàng thành một lớp bùn non màu vàng óng ánh như một dải lụa vàng nằm phía dưới chân.
Mọi người bước qua dãy hành lang, bên trên là lớp gạch nung đỏ sâu hun hút, bên dưới lớp bùn vàng óng dần lắng xuống, thì bất ngờ tất cả các vật dụng bằng sắt như cuốc xẻng từ phía ngoài rung lắc rồi bị hút vào phía dưới mặt bùn vàng, như có một sức mạnh ma quỷ tà đạo xuất hiện.
Cả nhóm không thể chờ đợi được lâu, sự tò mò xem bên trong ấy có gì mà quên đi những nguy hiểm đang chực chờ họ, nên cùng nhau bước vào trong hang sâu kia. Cơ thể mọi người cùng cảm thấy những bước đi ngày càng nặng nề hơn, ai nấy đều không tránh khỏi một phút kinh sợ, không hiểu đang xảy ra chuyện gì.
Riêng giáo sư Sơn bình tĩnh đưa tay vào dòng nước quệt lấy thứ bùn ấy đưa lên tay xem xét, rồi tỏ vẻ vui mừng nói: “Mọi người hãy bình tâm. Thật sự không thể tin nổi đây chính là “Đất hiếm” một trong 17 nguyên tố khác nhau. Hầu hết các thiết bị và sản phẩm trên thế giới hiện nay đều sử dụng đất hiếm. Vì đất hiếm là nguyên liệu chính sản xuất ra nam châm vĩnh cửu hoặc các vật liệu, thiết bị liên quan đến từ tính. Chúng được áp dụng vào sản xuất các ngành công nghiệp quan trọng như sản xuất chế tạo máy móc, ô tô, các thiết bị điện và điện tử-viễn thông. Hầu như tất cả các thiết bị máy móc điện tử quan trọng đều sử dụng đến tài nguyên này. Các nguyên tố đất hiếm ngày nay được ứng dụng rất nhiều trong kỹ thuật, khoa học và trong giáo dục, y tế và là những gì mà con người biết được. Chúng được sử dụng như một nguồn nguyên liệu với nhiều ứng dụng to lớn mà không thể thay thế bằng bất cứ nguyên tố nào khác. Trong đời sống, đất hiếm mà chúng ta được biết thường ứng dụng để sản xuất nam châm. Đó là lý do vì sao đồ vật bằng sắt của chúng ta bị hút xuống mặt đất là vậy. Không có vấn đề gì nguy hiểm, ngược lại từ tính có thể giúp chúng ta khỏe thêm mà thôi.”
Như hiểu ý mọi người ai cũng thấy lòng nhẹ vơi đi nỗi lo.