Gia tộc họ Đinh, cùng với một nhóm người Tống bên phương Bắc qua nước Việt với danh nghĩa buôn tơ lụa, mua bán sản vật, nhưng thực chất kết hợp làm ăn phi pháp, cướp bóc vơ vét tài sản khắp nơi, đem về một hang động bí mật trên vùng núi Bạch Tuyết mà cất giấu. Chuyện bí mật về kho báu này chẳng may bị tiết lộ ra bên ngoài, các bọn mộ tặc cũng kéo nhau đi tìm. Nhiều vị đại gia có máu mặt trong giới săn cổ vật khắp nơi, bỏ tiền bạc lẫn tâm huyết đến nơi này tìm kho báu, mà mãi chẳng thấy kết quả, tiền bạc dần đội nón ra đi có khi người phải bỏ xác nằm lại nơi này. Chính vì thế kho báu về núi Bạch Tuyết mãi mãi chỉ là truyền thuyết của người xưa.
Nay gã nghe giáo sư Bảo Sơn lại nói về một bí mật về “Bạch Tuyết” gì ấy, trong lòng không khỏi hoang mang suy nghĩ về kho báu bí mật ngàn năm. Chả lẽ gia tộc ta bao đời hiển danh, lên voi xuống chó, “lúc giàu như hổ, lúc nghèo như chó” đến đời Đinh Tam ta thì mọi chuyện sẽ khác. Giờ cơ hội thuận lợi như thế này biết đâu có một mà không có hai, chính bản thân sẽ có cơ hội tìm ra được kho báu, phục hồi lại thanh thế gia tộc họ Đinh Công. Gặp được người giỏi như Bảo Sơn này nhất định sẽ giữ lại bằng mọi giá.
Nên gã vỗ vai Bảo Sơn mà ân cần: “... Quả thật gặp người như ông anh đây, thật sự may mắn cho thằng em này đúng là không thầy đố mày làm nên. Nếu không ngại... hà hà... cứ ở lại biệt phủ, để thằng em chăm sóc chu đáo, cần gì cứ nói, bên ngoài thì có đàn em canh gác nghiêm ngặt, xung quanh đây hơn nghìn thước điều là người nhà tôi cả, ông anh và người đẹp Hắc Công đây không cần phải lo gặp nguy hiểm, cứ ăn no ngủ say là được .”
“Khẩu Phật tâm xà” Giáo sư Bảo Sơn đã quá quen với chiêu trò của bọn này, được việc thì chuyện gì cũng được, không được việc, có khi cơm còn chả có mà ăn. Nay thấy gã nói vậy, dù không biết nhìn mặt thì cũng nhìn được lòng gã, ý gã ngầm nói hãy cẩn thận, đừng có giở trò gì với gã, khi trong tay có nhiều đàn em xung quanh, nếu có ý đồ e rằng chết ở nơi rừng sâu nước độc này, thì bên ngoài kia cũng không ai biết mà truy cứu. Nhưng giáo sư Bảo Sơn không sợ vì điều ấy, chỉ là nặng lòng với những cổ vật xưa, thật tâm muốn đi đến cùng sự việc, nên mới giúp hắn tìm ra sự thật của chiếc Ấn Triện đồng đen kì lạ này.
Trong bữa tiệc thiết đãi hai người Bảo Sơn và Hắc Công, cùng vài người thân trong gia đình, tuy không phải cao lương mỹ vị gì, mà chỉ bằng những món ngon vật lạ có sẵn tại nơi xứ Mường này, cá suối, rau rừng, thịt chua, rượu men lá làm say lòng người phương xa.
Sau khi đã ngà ngà say, gã Đinh Tam giơ hai chiếc bình gốm, hình dáng như trái bầu cổ nhỏ thân tròn, hai cái đều màu trắng giống như nhau đưa cho Bảo Sơn nói: “Hà hà... Mấy ông bạn tôi đây nghe qua, biết giáo sư đây có nhãn lực xem đồ cổ nên có ý muốn ông anh xem hộ hai chiếc bình này, theo ông anh chiếc nào men gốm thuộc thời Lý, cái nào là của bọn Tung của ( Trung Quốc) làm... cho mấy thằng em “ngu dốt” này biết trình độ của ông anh đây đặng học hỏi thêm nào?”
Giáo sư Bảo Sơn nhủ thầm, thật tình biết mà còn hỏi, chẳng phải lại muốn thử mình nữa hay sao. Hmm... được rồi hôm nay ông đây cho chú mày mở rộng tầm mắt. Quay sang rót rượu vào chiếc chén men lam, uống một hơi cạn, rồi khà ra một tiếng sảng khoái. Tay cầm hai chiếc bình gốm trắng giơ lên nói: “Rượu ngon!... không hổ danh là rượu men lá trứ danh xứ Mường, được ủ bằng công thức bí truyền từ lá và vỏ cây gỗ Mun lên men... haha... Còn đây là hai bầu rượu cổ, một là gốm sứ từ thời nhà Lý, một là gốm Bạch Định. Tay phải tôi đây là loại gốm trắng thời Lý. Đó là loại men dày, màu trắng trong như nước gạo nếp, có vết rạn thời gian dưới men. Xương gốm trắng dày, hoa văn chủ yếu là hoa dây, các loại cánh sen đắp nổi ở vai. Tay trái tôi là cái thuộc thế kỉ 15 đến 18 là gốm sứ Bạch Định Trung Quốc được làm tại Đức Hóa. Loại sứ này có màu men trắng, xương mỏng, chứa nhiều cao lanh, hầu hết loại sứ này không có hoa văn, nhưng đôi khi tiêu bản lại có hoa văn chìm dưới men, với các họa tiết hoa dây đơn giản... Tôi nói vậy có đúng không Đinh gia?”
Gã Đinh Tam đứng lên vỗ tay bôm bốp nói: “Anh Bảo Sơn đừng trách rồi hiểu lầm, tại thằng em này muốn biết để hiểu ra vấn đề, thu mua đồ cổ thì không nghe theo lời kẻ bán, theo kinh nghiệm, dùng một phần nhãn lực xem hàng, phán đoán mà mua. Nhưng kiến thức thì nhất định phải hỏi qua những chuyên gia như anh đây... hihi... thật là nghe qua lời ông anh đây nói như mở rộng tầm mắt...”
Xong tiệc thì đã quá nửa đêm mọi người ai về phòng nấy. Phòng của Bảo Sơn nằm kề cạnh phòng của Hắc Công. Giờ nằm trên giường, mắt chăm chú xem qua chiếc Ấn Triện đen rồi suy nghĩ nhiều chuyện về những truyền thuyết khi xưa. Chiếc Ấn này trên đó có chỉ dẫn đến nơi bí mật chứa kho báu “Bạch Tuyết”, chính xác đó là một chiếc chìa khóa mở ra một cơ quan, hay một cánh cửa bí mật nào đó dẫn vào mộ đạo.
Những lời truyền tụng không phải không có một phần sự thật, cơ hồ cũng biết qua lời kể của người dân xung quanh đây. Từ nghìn năm nay, nhất là người Trung Quốc có rất nhiều của cải châu báu vàng bạc, nên họ thường xây những mật thất bên trong những ngôi mộ, sau khi nhắm mắt lìa xa trần thế, để cất giấu gia sản. Để giữ bí mật không cho kẻ cắp dòm ngó đến gia tài, khi nhập thổ vi an ngoài bố trí cơ quan cạm bẫy từ trong ra ngoài, vẫn chưa yên tâm họ còn thêm thuật tà khí ma quái, nên chuyện nuôi cương thi giữ kho báu cũng đã từng xảy ra.
Xuyên suốt trong lịch sử Trung Quốc, khi xây địa mộ họ thường dùng những ám hiệu, kí tự mà chỉ có người trong gia tộc biết đến, người ngoài rất khó lòng có thể nghĩ ra để tìm đường vào mộ thất. Muốn biết được nơi nào có hầm mộ chứa kho báu, ngoài có địa đồ chỉ dẫn, phải thêm kiến thức phong thủy uyên thâm mới hy vọng tìm ra minh điện.
Ở Mường Đống có truyền thuyết trong dân gian nói về kho báu Bạch Tuyết của dòng họ Đinh. Nghe nói lúc sinh thời Đinh Công Kỷ kết hợp với một nhóm người pháp sư phong thủy Trung Quốc thành lập một nhóm hắc tặc, chuyên cướp lấy vàng bạc khắp nơi, sau đó đem về cất giấu tại một hang núi bí mật trong dãy núi trùng điệp Bạch Tuyết, thật ra núi này trước đây mang tên là Cổ Vân. Sau này được gọi là Bạch Tuyết là vì gắn liền với một tích rùng rợn tại nơi này.
Chuyện là vào thời gian đó, bọn pháp sư Trung Quốc sau những lần cướp bóc, ngoài đồ quý giá, vàng bạc, còn bắt thêm những bé gái 12 -14 tuổi bị bọn chúng bắt về làm nô lệ. Bọn pháp sư người phương Bắc này có lối hưởng thụ hết sức tà ác và bệnh hoạn. Để thỏa mãn nhu cầu tinh thần biến thái của bản thân, chúng nghĩ ra rất nhiều phương thức hưởng lạc xa hoa, dâm dục vô độ, trong đó có một cách thức gọi là Trinh Hủ Đờm. Vậy thế nào là Trinh Hủ Đờm? Nghe tên là đoán ra nghĩa, tức là dùng một bé gái làm thành cái ống nhổ đờm. Bắt nô lệ về, chọn lấy một đứa bé, cả ngày bắt đi theo hầu bên cạnh, mỗi khi thấy chủ nhân chuẩn bị ho khạc, đứa bé phải lập tức hé mở cái miệng, đón lấy bã đờm chủ nhân nhổ ra rồi bấm bụng mà nuốt vào, thế gọi là Trinh Hủ Đờm.
Sau đó bọn chúng cho ăn ngon mặc đẹp như một con búp bê, tắm trong nước hoa, trước ngày hành lễ gọi là “trinh nữ giữ cửa”, được cho ăn thật no, trong thức ăn có trộn sẵn thuốc mê, bé gái trinh nữ bị giết chết trong giấc ngủ say, bị khoét một lỗ từ sau lưng, ngay tại cột sống, đổ thủy ngân vào, sau đó còn bị cắt lấy mất chiếc hàm bên dưới khuôn mặt, đem phơi khô nghiền ra trộn với Kim sa đỏ thành bột, rắc ngay cửa ra vào mộ đạo. Không biết vô tình hay hữu ý cửa mộ đạo nhìn như chiếc đầu lâu không có hàm bên dưới, là dấu hiệu dễ nhận biết của nơi có thực hiện nghi thức này.
Những oán hồn trinh nữ bị mất chiếc hàm bên dưới, sau khi chết đi linh hồn không thể đầu thai, vì bị mất đi một phần trên gương mặt không thể siêu thoát, nên lưu lại nhân gian trông giữ mộ thất muôn đời. Cái tên Bạch Tuyết là gọi trại đi từ chữ “trong trắng” dành cho những bé gái chết đi còn trinh trắng là thế.
Cứ nằm suy nghĩ vu vơ, cùng với hơi men giáo sư Sơn ngủ thiếp đi lúc nào không hay. Giữa đêm, bỗng thấy từng cơn gió lạnh thổi vào cửa sổ phòng làm những tấm màn che rung lên bần bật, từng cơn lạnh giá nghe rít bên tai, Bảo Sơn nghe tiếng ai đó cười nho nhỏ ngay dưới chân mình, theo phản xạ chợt ngồi bật dậy, qua ánh sáng lờ mờ từ ánh trăng bàng bạc khung cửa sổ, thấy có một dáng người cao lớn quỳ gối, quay mặt vào tường, Bảo Sơn cảm thấy da đầu tê dại, da gà nổi lên từng đợt, lòng chợt nghĩ hay là hồn ma họ Đinh trong chiếc Ấn Triện đồng đã xuất hiện.
Nhưng trên đời này thì làm gì có ma, đối với người thuộc tuýp người chủ nghĩa duy vật đặt lên hàng đầu, Bảo Sơn chưa bao giờ tin vào chuyện ma quỷ, lẽ nào hôm nay lại phải phá giải định kiến trong mấy chục năm qua.
Trong ánh sáng lờ mờ từ ánh trăng, Bảo Sơn thấy dáng người rất quen thuộc, hai tay đang ôm vật gì đó. Đưa tay dụi mắt, nhìn lại thì đúng thật là có một người ngồi đó, Bảo Sơn đưa tay bật công tắc bên đầu giường ngủ, giờ thì mới biết chính xác đó là Đinh Tam, tay hắn đang cầm chiếc Ấn đồng đen, hắn làm gì ở đây? Hay là sợ mất chiếc Ấn quý nên vào lấy lại? .
Bảo Sơn ngồi dậy nói: “Anh Tam!!... sao giờ khuya rồi còn vào đây, không đợi được đến sáng sao? Có gì tôi còn ngủ thêm một chút, rồi sáng mai chúng ta nói chuyện được không?
Không nghe thấy tiếng đáp lại, hắn vẫn quỳ trên nền nhà bất động, Bảo Sơn bước lại gần lay bờ vai Đinh Tam, một luồng hơi lạnh giá làm Bảo Sơn giật mình lùi lại mấy bước, thân thể Đinh Tam ngã ra phía sau, trước mặt Bảo Sơn chính là Đinh Tam nhưng hắn đã như một pho tượng, người cứng như đá, đôi mắt trắng dã, miệng cười quái dị, nơi khóe miệng chảy ra hai dòng máu đen tanh hôi tởm lợm.Tay vẫn còn nắm giữ chiếc Ấn Triện đồng đen...
Tại Sao Đinh Tam chết? Bảo Sơn phải làm sao thoát, khi bên ngoài có nhiều bảo vệ của họ Đinh ? Chiếc Triện cổ quái kia là gì? Kho báu Bạch Tuyết có thật không ?