• Màu nền:
  • Font chữ:
  • Chiều cao dòng:
  • Kích Cỡ Chữ:

Một tiếng vỗ tay vang lên, một giọng cười sảng khoái từ bên trong gian nhà phát ra, cả ba người vội bước vào bên trong, một phụ nữ trung niên ăn mặc cầu kì khác xa người thường, không theo một truyền thống tôn giáo nào, áo khoác bên ngoài màu vàng, vắt ngang vai là một tấm khăn màu đỏ được thêu chi tiết hoa lá bằng chỉ vàng, đội một chiếc mũ màu trắng theo kiểu mũ cầu nguyện của người hồi giáo, đeo một chiếc kính đen, là một phụ nữ mù lòa, ngồi trên một chiếc ghế bằng ngọc thạch, gương mặt lộ vẻ hài lòng nói: “Thật đúng là người có kiến thức uyên thâm. Chẳng hay giáo sư Bảo Sơn đi đường xa chắc cũng khá mệt mỏi... Ta lấy làm vinh hạnh khi tiếp đón giáo sư...”

Bảo Sơn chưa kịp trả lời, đã thấy tên Huy “chùa” bước lên cúi rạp người xuống đất, nói nhỏ trong miệng: “Dạ... con theo ý chỉ của Minh Sư, đã mời giáo sư Bảo Sơn đến đây. Nhiệm vụ ngài giao phó con đã làm xong ...”

Người đàn bà mù tỏ vẻ hài lòng, đưa tay lấy trong cổ ra một sợi dây đeo kỳ lạ trên có một vật hình đầu rồng vàng nhỏ, trên hai hốc mắt đầu rồng kia là hai viên ngọc một bên xanh một bên đỏ, chìa ra trước mặt Huy “chùa” nói: “Ngươi còn nhiều việc phải làm... nhưng khá lắm. Lại đây Minh Sư ta, ban thưởng cho nhà ngươi. Mau nhận lấy thiên ban Vĩnh Sanh bất diệt... “

Nói xong tên Huy “chùa” hai tay cầm lấy, đưa mũi vào cái đầu rồng hít một hơi dài, ngồi bệt xuống nền nhà, gương mặt trở nên sảng khoái, vui vẻ cung cung kính kính người đàn bà kia, lùi bước ra sau. Quay sang trịnh trọng nói với cả ba người khách: “Mời mọi người ngồi, tôi cũng xin trịnh trọng giới thiệu vị Minh Sư này pháp danh Tâm Hải hay chúng tôi còn gọi là Minh Sư. Mà hôm nay chúng ta đây thật có phúc khi diện kiến ngài xuất hiện tại nơi này. Hồng phúc người ban ra, thật là phúc của tổ tiên để lại... Nam Mô Tâm Hải Vô Thượng Sư”

Ngư Nhi vừa nghe đến cái tên Vô Thượng Sư này chợt lóe lên trong đầu đã từng nghe ở đâu đó rồi thì phải. Khi cả ba người Bảo Sơn, Anh Nam và Ngư Nhi giới thiệu tên xong. Gã Huy “chùa” bắt đầu thao thao bất tuyệt quảng bá cho một giáo phái có tên là Pháp Quán Âm. Mà người khai sáng là Minh Sư Tâm Hải. Bà Tâm Hải sau đó nói với Huy “Chùa”: “Thôi được rồi, nói ít thôi kẻo giáo sư đây chê cười... haha... Mau vào trong đem vật ấy ra đây cho giáo sư xem...”

Sau đó hắn vâng lời đi vào trong theo lời nói của Minh Sư Tâm Hải, chuẩn bị lấy ra một vật gì đó trong phòng.

Ngư Nhi nghe Huy “chùa” nói danh xưng Vô Thượng Sư của người đàn bà mù kia, làm Ngư Nhi cứ tủm tỉm cười, phải cố gắng mới không phát ra thành tiếng, nảy giờ cố gắng nghe hắn quảng cáo cho xong giờ thì hiểu ra thì”Àh” lên một tiếng, giáo sư Bảo Sơn phải lấy tay thúc nhẹ vào hông nhắc nhở phải nghiêm túc, Ngư Nhi hiểu ý, quay sang nói nhỏ cho An Nam với giọng điệu mỉa mai: “Tưởng gì... ! Thì ra đây là một giáo phái đang rất nổi tiếng trên mạng thời gian gần đây, bị cơ quan công an điều tra về những hành vi lừa đảo có tổ chức, lôi kéo tín đồ khắp nơi. Nghe các tín đồ của giáo phái Pháp Quán Âm nói bà “Minh Sư” này sinh ra tại Âu Lạc là Âu Lạc chứ không phải Việt Nam nha... trong một gia đình ngoan đạo, cha mẹ là giáo dân Cơ Đốc, còn bà nội là Phật tử thuần thành. Do ảnh hưởng nhiều tôn giáo từ thuở bé nên hình thành một thói quen khác thường. Sáng... đến nhà thờ cầu nguyện, chiều đi chùa và tối đến thì đi đọc kinh hồi giáo. Chỉ còn thiếu điều nửa đêm thức giấc hướng về thánh địa Mecca lạy thánh Alla là đủ bộ. Khi còn bé, có lần bà ta gặp gỡ một nhà tiên tri. Vị này cho biết nếu xuất gia tu hành, bà ấy sẽ trở thành một bật cao tăng đắc đạo, nhưng nếu lập gia đình thì sẽ kiếm được một đấng phu quân thành đạt và giàu có. Mẫu thân của bà ta cũng có lần chiêm bao được thần linh báo mộng rằng con của bà tới thế giới này là để cùng với Quán Thế Âm Bồ Tát... cứu độ chúng sinh. Tâm Hải bắt đầu “cứu độ” cho cõi con người bằng... nghề “thông dịch viên” cho Hội Đồng Chữ Thập Đỏ tại châu Âu. Sau đó gặp và kết hôn với một bác sĩ người Đức.

Tuy nhiên, chẳng bao lâu sau, cuộc hôn nhân ấy tan vỡ, do bà Tâm Hải quyết định bỏ chồng để đi tu. Được tiên tri đoán số, phải hy sinh hạnh phúc gia đình để đi tìm “chân lý” của cuộc đời.

Quả thật, cuộc đời bà ta theo tín đồ của Pháp Quán Âm là một bản photocopy không công chứng của Đức Thích Ca Mâu Ni. Có điều, hành trình tầm đạo của Đức Thích Ca Mâu Ni không “ly kỳ” như của Minh Sư Tâm Hải, bởi trong khi Đức Thích Ca chỉ chu du trong nước Ấn Độ thì Minh Sư lại bay từ Mỹ qua đến tận... Himalaya để tu hành, và rốt cuộc đã “đắc con bà nó đạo” tại đấy.

Chỉ là sau khi về nước, bà ta tự dưng hai mắt mù hẳn, tài tiên tri vượt qua những gì con người có thể nhận thấy. Bà ấy có thể nhìn thấu tâm can, đoán vận mệnh quá khứ và tương lai chính xác, những doanh nhân và thậm chí cả những chính trị gia phải xếp hàng và được bà đồng ý xem. Nhưng bà ta chỉ ở ẩn mà chưa truyền đạo để “cứu nhân độ thế”. Rồi một hôm được Quán Âm Bồ Tát báo mộng, thiện nam tín nữ ùn ùn như đèn kéo quân đến theo học đạo Minh Sư Tâm Hải. Nhưng do bản tính còn e thẹn, nên hễ thấy ai đến cầu là Minh Sư lại tránh đi nơi khác. Mãi đến lần thứ ba “bị tìm thấy” Minh Sư mới ý thức được số phận của mình là phải làm... Vô Thượng Sư, và “bất đắc dĩ” phải đứng ra truyền đạo... hèm...”

An Nam nghe Ngư Nhi nói xong cũng phì cười cho cái sự cuồng tín đến mức ngu dốt của cái đám tín đồ, bị bà Tâm Hải “tẩy não” nên nói: “Đúng là đại vọng ngữ, sau này bà ta phải sa vào vô giản đại ngục. Cái tà đạo này phải đặt tên “Lẩu thập cẩm” thì đúng hơn nhỉ... haha”

Chợt cả hai im lặng, chăm chú nhìn vào hai vật to hơn trái bóng một chút, trên có phủ tấm vải đỏ, được Huy “chùa” mang ra để trước mặt. Khi tấm vải được mở ra, cả ba người vừa kinh hãi giật mình pha một chút phẫn nộ. Trên chiếc bàn là hai cái đầu Phật bằng đồng, giống nhau như tạc từ một khuôn, không biết ý đồ của bà “Minh Sư” này ra sao, Bảo Sơn đổi sắc mặt lên tiếng: “Tôi đến đây là xem qua mái chèo thuyền Bát Nhã bằng vàng, chứ không phải đầu Phật này. Mấy người nhằm rồi sao?

Huy “chùa” vội đưa tay thanh minh: “Ầy... Ầy ông chú đừng nóng vội, chuyện là thế này. Hôm qua bọn cháu có thu mua được hai cái đầu Phật bằng đồng thời nhà Trần, do Minh Sư đặt hàng. Nhưng khổ nổi bọn cháu không phải là một chuyên gia giám định cổ vật về chất liệu đồng. Nên nhờ giáo sư đây với kỹ năng “bói voi” ra tay xem dùm cháu, xem như món quà chào sân. Sau đó cháu sẽ mang ra vật chú đây cần...”

Vậy “bói voi” theo lời của Huy “chùa” là gì?. Trước kia khi chưa có máy móc tân tiến hỗ trợ việc giám định cổ vật, nên tấc cả điều dựa vào thực lực của những người có kinh nghiệm giám định lâu năm bằng trực giác và kỹ năng bản thân mà xem vật, nên tiếng lóng theo dân cổ vật là “bói voi” ( giống tích thầy bói xem voi).

Giáo sư Bảo Sơn thở dài một tiếng, suy nghĩ thôi thì cũng đã đến nước này, thì muốn rút lui cũng khó, vả lại chuyện đã rồi bọn chúng đã ra tay nên đành phải làm theo, bước lại gần bên hai cái đầu Phật bằng đồng. Tay sờ vào những vết cắt bên dưới. Lòng chợt dâng lên nỗi buồn không thể tả bằng lời.

Từ lâu bọn trộm cắp cổ vật, tìm kiếm đào bới mộ cổ khắp nơi, những dấu tích của dòng thời gian, khắc sâu yếu tố lịch sử văn hóa qua hàng ngàn năm bị phá bỏ trong một sớm một chiều. Khi những ngôi mộ cổ lộ thiên giờ đây hầu như không tồn tại được bao nhiêu. Nếu như không có bàn tay bảo vệ của luật pháp chẳng bao lâu nữa tất cả trở về “cát bụi” đúng với ý nghĩa của nó. Bây giờ chỉ còn lại những ngôi mộ nằm sâu ở lòng đất, muốn tìm những đồ bồi táng, tùy táng quý giá nơi này phải tích hợp rất nhiều kinh nghiệm kĩ năng, phân tích phong thủy địa mạch, mới hy vọng tìm ra, mà nghịch lý thay bọn trộm cắp thường là người không có kiến thức và trách nhiệm với dân tộc nên chỉ biết phá chứ nào biết xây. Thế cho nên sau khi những ngôi mộ lộ ra nằm trên mặt đất dần không còn, thì bọn chúng bắt đầu chuyển hướng sang những cổ vật chốn Đình, Chùa, Miếu, nơi này cổ vật xem ra rất có giá trị được minh chứng qua hàng ngàn năm, mà lại không được bảo vệ nghiêm ngặt. Suy nghĩ chung của người dân, đã là chốn linh thiêng không ai dám đả động vào, sợ làm việc thất đức phạm vào quy luật nhân quả, nên không đề phòng, vô hình chung lại là “mỡ treo miệng mèo” món ngon béo bở cho phường trộm cắp lộng hành.

Xem mặt đặt tên, Huy “chùa” cái tên nói lên tất cả, hắn là tên cầm đầu trong đường dây thu mua buôn bán cổ vật trong chốn thờ phượng. Dưới vỏ bọc là một nhà buôn bán cổ vật “Bạch Bảo” có giấy tờ chính thức hẳn hoi, nên tung hoành nhiều năm, móc nối với hai phái Trắng và Đen trong giới buôn cổ vật xuyên việt. Buôn bán với bọn nước ngoài.

Phương pháp hành động của hắn cũng là theo yếu tố đặt hàng của những người sưu tầm, có “cầu” ắt có “cung” hắn cho đàn em đến dò la khắp nơi, giả làm người phật tử thuần thành, cũng nhan khói cúng bái, dâng hoa cúng phật, bố thí chúng tăng. Sau đó nghiên cứu phương án, giờ giấc sinh hoạt, cửa nẻo bảo vệ, lên kế hoạch hành động.

Hai cái đầu phật này là bọn chúng dùng cách “tách đầu Phật “chỉ có bọn kinh nghiệm nhiều năm mới biết được bí mật này. Xưa kia nghệ nhân có kinh nghiệm sẽ đúc tượng Phật theo từng bước, vì phần đầu là nơi có nhiều chi tiết tỉ mỉ nên thường được đúc riêng, sau đó sẽ qua tay người thợ thủ công lành nghề chạm khắc tùy theo niên đại và yếu tố sắc tộc mà hình thành phong thái của bức tượng phật, sau đó sẽ được lấp vào thân, bằng khớp nối tả hữu, được hàn lại, đánh bóng cho liền thân.

Bọn chúng sau khi tìm hiểu kỹ lưỡng giờ giấc sinh hoạt trong những nơi này, thường là vào ban đêm, leo lên dùng một loại hợp chất phân kim đặc thù chuyên dụng mà thực hiện phương pháp” tách đầu Phật” ra khỏi thân.

Tại sao không lấy nguyên bức tượng mà chỉ lấy phần đầu, cũng có nguyên do của nó. Vốn dĩ đa số tượng phật rất to lớn rất khó vận chuyển, mà giá trị tấc cả điều nằm ở phần đầu, nên những tay sưu tầm chỉ cần phần đầu bức tượng là vậy .

Giáo sư Bảo Sơn sau khi xem qua, lấy trong túi ra một chiếc búa nhỏ bằng gỗ màu nâu đỏ, đây chắc là búa gỗ Sưa, loại búa gỗ chuyên dụng dành cho chuyên gia giám định cổ vật, do tính cứng chắc và nặng tay, các chuyên gia sẽ gõ nhẹ vào vật cần giám định, nghe thanh âm từ đó có thể xác định niên đại và tính thật giả của nó.

Xem qua nữa ngày Bảo Sơn nói: “Đúng là phong cách điêu khắc thời nào hoa văn ấy. Bắt nguồn từ thời Tạng truyền thuộc Ấn độ giáo xưa, gương mặt ngài tạc theo phong thái Tỳ Lô Xá Na, tóc ngài uốn lượng hình xoắn ốc gợn sóng kiểu Càn Đà La. Nhục kế nhô lên trên đỉnh như múi một củ hành vén ra hai bên. Theo những gì chúng ta thấy, tượng Phật Bổn Sư này theo hình dáng Hoa Hạ, Tây Vực, thuộc nhà “Trần” thế kỷ 13-14...”

“Minh Sư” Tâm Hải nghe qua lời giáo sư Bảo Sơn chỉ biết tấm tắc, giơ ngón tay cái ra tỏ vẻ hài lòng nói: “Vậy phiền giáo sư xem qua, hai cái đầu Phật này. Cái nào là giả, là thật...”

Danh Sách Chương:

Bạn đang đọc truyện trên website TruyenOnl.COM
BÌNH LUẬN THÀNH VIÊN
BÌNH LUẬN FACEBOOK