• Màu nền:
  • Font chữ:
  • Chiều cao dòng:
  • Kích Cỡ Chữ:

Cách trung tâm thành phố Hòa Bình hơn hai mươi cây số đường bộ theo hướng Tây Bắc, có một thị trấn nhỏ tên là Kim Bôi, quanh năm đồi núi nhấp nhô sương mù thâm u, ngày ngắn đêm dài. Dân trong vùng truyền tai nhau về những sự việc ma quái tại nơi này “Giờ dậu canh năm, máu tanh bốn phía”. Nơi đây đa số là người dân tộc Mường sinh sống, trải qua nhiều thế hệ nhưng vẫn giữ tập tục này, dù có làm việc siêng năng như thế nào tuyệt đối hơn năm giờ chiều, khi mặt trời vừa xuống đến chân núi, phải vác cuốc bỏ cày, lỡ dở công việc mà đi về nhà. Vì cứ đến năm giờ chiều trở về đêm, một luồng gió thổi mạnh, lạnh giá, mang theo mùi tử khí từ thung lũng Đống Thếch cách đó không xa, kéo đến quanh đây tanh tưởi như mùi máu, đến chó cụp đuôi, gà không gáy.

Có một khu địa mộ được cho là có từ rất lâu đời, được dựng lên ngăn cách với thế giới bên ngoài bằng những vách núi đá uốn lượn trập trùng, sở dĩ thung lũng ma quái này mang tên Đống Thếch là theo tiếng gọi của người Mường, nơi đây “Đống” có nghĩa là nơi chôn người chết, còn “Thếch” ám chỉ một địa danh cổ quái. Nơi này được xem là nơi chôn cất của một gia tộc họ Đinh, khu nghĩa địa được chia làm hai bên chôn cất người đã khuất, từ mặt cắt bên ngoài vào, bên trái là những nấm mộ đất đắp thành ụ cao, còn bên phải có rất nhiều mộ bia được dựng bằng đá xanh to lớn, có cái cao hơn bảy thước hướng thẳng lên trời cao, trên thân những tấm bia đá này có chạm trổ những kí tự kỳ lạ. Rất nhiều chuyện kỳ lạ xảy ra tại đây, những cái chết thê lương, những sự việc mất tích không có lời giải.

Vậy sự việc ra sao?. Phải nhìn lại những bia mộ đá này xuất phát từ gia tộc họ Đinh.

Gia tộc họ Đinh Công truyền thừa đến đời thứ 8, có một người tên là Đinh Công Kỷ là người tài giỏi kiệt xuất, ông là một vị tướng tài ba đã nhiều lần chống giặc ngoại ban, xây dựng triều chính, được vua Lê sắc phong chức “Đô đốc Oai lộc hầu”, đời đời nối nghiệp làm Phiên thần dân binh Thất Lang (cai quản bảy xã). Từ đó họ Đinh cũng được đổi thành Đinh Công.

Song tiếc thay với uy quyền trong tay, đúng vào lúc dân chúng tin vào họ sẽ làm cho quốc thái dân an, thì gia tộc Đinh Công ngày càng bộc lộ rõ sự dã man, tàn bạo.

Đối với người dân Mường Động lúc bấy giờ, tất cả những gì thuộc về nhà Đinh đều nhuốm một vẻ huyền bí đến đáng sợ. Gia tộc họ Đinh tàn bạo, ác nhân, đám tang lễ của một vị Lang trong tộc họ nhắm mắt lìa đời, hàng chục voi khỏe được lệnh kéo đá từ tận xứ Thanh về để dựng mộ cho Lang tại khu vực Đống Thếch.

Ngày Lang qua đời, chôn cùng Lang là năm voi, bảy ngựa và đặc biệt phải có năm mươi đồng nam cùng năm mươi trinh nữ bị chôn sống để theo hầu Lang về nơi địa tuyền. Để bảo vệ kho báu của mình, tất cả những người này được ăn no, mặc đẹp, sau đó bị trói vào những trụ gỗ lim, cắm xung quanh quan quách, trong tư thế quỳ gối ngửa mặt lên trời, mỗi một người được cắm vào miệng một ống tre, lương thực và nước uống được đổ vào theo ngày giờ cố định, sau đó lắp kín hầm mộ, từ ngày bị chôn sống đúng chín lần chín tám mươi mốt ngày. Sau 81 ngày đó, những ống tre được rút ra, chiếc lỗ được bịt kín để mặc cho những người này chết dần trong nỗi oán hận. Chính vì sự việc kinh hãi này, các cụ cao niên tại đây vẫn căn dặn dạy con cháu không được lại gần thung lũng Đống Thếch vì sợ những oan hồn này bắt lấy.

Đó là khi giáo sư Bảo Sơn cùng một người bạn, lên đường tìm mua cổ vật tại một vùng núi ma quái này, làm nên kỳ án “Hang núi Bạch Tuyết” Tại sao lại gặp An Nam? Tại sao gọi người thanh niên kia là An Nam? Y từ đâu đến?...

Tỉnh Hòa Bình rất nổi tiếng với câu truyền tụng trong dân gian “Nước Sơn La... Ma Hòa Bình” chỉ biết rằng tồn tại rất nhiều những câu chuyện huyền bí về vùng đất này. Đặc biệt là khu mộ đá thung lũng Đống Thếch, mặc những lời cảnh báo về những cái chết kinh hãi, mất tích cứ liên tục xảy ra vẫn không làm cho bọn trộm mộ lo sợ, chúng tụ tập lại như một tập đoàn khổng lồ, kéo nhau về đây săn tìm kho báu dưới những mộ đá ngàn năm kia.

Người đời thường nói “To gan chết no, nhỏ gan chết đói” hay “có gan thì làm giàu”, bọn mộ tặc lũ lượt kéo nhau đến nơi này, giống như đèn kéo quân, tụ tập ngày đêm, đào bới cướp bóc cả một thời gian dài, lấy đi hầu như tất cả cổ vật quý giá bán ra thị trường “Hắc Bảo”. Đồng, bạc, vàng thì lấy để bán, còn những món đồ sứ giá trị liên thành, nhưng trong mắt bị bọn du thủ du thực không kiến thức “đói mắt, no bụng” lấy ra đập nát.

Sau chiến tranh, các cơ quan nhà nước Việt Nam tập trung xây dựng đất nước từ đống đổ nát thời chiến, nên không để ý đến những vấn đề trên. Các cơ sở bảo vệ văn hóa quốc gia chưa thành lập, chỉ có vài nơi là do dân trong vùng tự lập nên những nhóm nhỏ manh múm, không mạnh tay. Nên vào thời gian này mộ tặc xem ra là lúc cường thịnh nhất, có lúc bọn chúng mang hơn hàng trăm người, cùng với máy móc đào bới như chốn không người.

Từ hơn mấy trăm ngôi mộ, giờ chỉ còn không quá một trăm ngôi, đã hoang vu nay lại bị xới tung mặt đất, nơi này như một cơn địa chấn quét ngang, “đất tan mộ đổ” thêm phần thê thảm.

Đến thời nay xem ra lời đồn thổi truyền thuyết ma quái về khu mộ đá Đống Thếch đã trở thành dĩ vãng. Mộ đá thung lũng Đống Thếch giờ chỉ còn là một thung lũng hoang tàn, là câu chuyện cổ tích hù dọa người đời chẳng còn tác dụng, là lời kể của các cụ răng đe đám con nít mà thôi.

“Tặc thì có nhiều loại, trên có tặc cha mẹ, dưới có tặc con cháu”. Đến trộm mộ cũng hình thành những thế hệ con cháu nối tiếp cha ông, vác cuốc “moi quan tài ăn xác”. Trong những đám mộ tặc được xem là lớn nhất ở Hòa Bình có một lão tên Đinh Tam, gọi là lão cũng không đúng, vẻ ngoài chỉ hơn 40 tuổi, mà bị hói đầu nên trông già trước tuổi, dáng đi cà nhắc, nghe kể bị thương tật trong một lần tranh giành lãnh địa trộm mộ, bị băng nhóm đối thủ đập cho gãy chân, nghe đâu là con cháu của gia tộc họ Đinh xưa kia, họ hàng xa đại bác bắn không biết tới không, vậy mà suốt ngày gã này cứ huyên thuyên vỗ ngực luôn tự cho mình thuộc hàng danh gia vọng tộc. Mặc cho người đời nhìn hắn bằng cặp mắt khinh bỉ cho cái nghề thất đức của gã, thì gã vẫn phất lên như diều gặp gió, trở thành một đại gia buôn bán có tiếng tăm trong giới cổ vật tại vùng Tây Bắc.

Ngôi biệt phủ to lớn của hắn nằm trên đỉnh núi theo kiểu nhà sàn Tây bắc, mái cong chạm khắc hình thù động vật, cột gỗ toàn bằng chất liệu gỗ quý bền bỉ với thời gian như Pơmu và Thông đỏ. Nhìn từ xa biệt phủ của hắn trông giống một ngọn lửa đỏ, nhô lên từ đỉnh núi Bạch Tuyết, đỉnh núi to lớn đẹp nhất tại đây.

Ngày hôm nay, theo như lời hẹn từ trước hắn đón hai người khách từ phương Nam đến. Một người xem ra là khách quen, hay nói đúng hơn là bạn làm ăn lâu năm, rồi xem như là tri kỷ. Người này thân hình và gương mặt là đàn ông, mà dáng dấp như một ả đàn bà, lại ăn mặc lòe loẹt màu sắc, môi son chau chuốt, như một con tắc kè bông, nách kẹp một chiếc túi da cá sấu bạch tạng, tóc dài ngang vai được uốn khá cầu kỳ, dáng đi ẻo lã.

Đi cùng là một người râu quai nón, trông rất phong trần, cặp kính cận gọng vàng trông rất sang trọng và tri thức.

Khi vừa thấy hai người đã đến trước cửa, được đám đàn em thông báo, gã Đinh Tam vội bước ra dang cánh tay ôm lấy người bằng hữu nói: “Hahaha... Rồng hôm nay lại đến nhà Tôm rồi !... Lâu không gặp anh nhớ em quá... Vào nhà thôi, có nhiều cái cực hay dành cho người đẹp đây...”

Vừa nói gã vừa ôm eo người mặc áo hoa văn đủ màu sắc, ẻo lả bước vào trong, người đồng bóng chỉ liếc yêu lời nói nũng nịu: “Hứ... Nhớ mà chỉ gọi khi cần đến người ta thôi. Còn bình thường có khi nào anh nhớ đến em đâu.”

Gã Đinh Tam cười giả lã đáp: “Sorry em... công việc nhiều quá, chả có thời gian vào Sài Thành thăm người đẹp Hắc Công... hjhj... thôi hôm nào anh dẫn đi du lịch nước ngoài bù nhé.”

Giờ mới biết người đồng bóng kia, tên cúng cơm là Tài Công, có một làn da đen nên còn được mọi người gọi bằng biệt danh Hắc Công. Cũng là một tài phiệt thu mua cổ vật có tiếng tăm trong miền Nam, người hoa gốc Việt tại Q6, TP.HCM.

Mùi gỗ thơm phức phảng phất lan tỏa xung quanh biệt phủ, làm tôn vẻ sang trọng đẳng cấp tại nơi này. Đinh Tam sau khi mời hai người khách yên vị, giữa gian phòng xung quanh tràn ngập những cổ vật quý giá, những món đồ cổ nếu nói không ngoa đem trưng bày thì cũng được một cuộc triển lãm nhỏ, đặt biệt là văn hóa Mường Đống đủ các đồ đá, đồng, sành, sứ, chiêng trống. Nhìn đến hoa cả mắt.

Gã Đinh Tam nhìn thấy người trung niên đi theo Hắc Công đang mê mẩn dòm ngó những món đồ cổ quý không rời mắt thì bước kề bên nói: “Đây chỉ là một bộ sưu tập nhỏ mà thôi, chỉ là múa rìu qua mắc thợ... Xin lỗi ông anh đây là ?”

Nghe thế Hắc Công bước lại gần tươi cười nói với Đinh Tam: “Àh... em xin lỗi, em quên giới thiệu với anh, đây là người mà mấy hôm nay có nói với anh. Giáo sư Bảo Sơn chuyên gia giám định cổ vật, rất am hiểu về văn hóa dân gian. Anh Tam yên tâm, toàn là người nhà cả thôi, chẳng giấu gì anh hôm nay phải rất khó khăn em mới mời được giáo sư Bảo Sơn tới đây đấy.”

Giáo sư Bảo Sơn giờ mới thoát khỏi cơn mê đắm với những món đồ cổ, nghe tiếng nói nhắc đến tên của mình của hai người kia, giật mình quay lại nhìn Hắc Công cười nói: “Thật là tuyệt vời quá em, những món đồ có tại đây nếu bảo tàng Việt Nam mà có, sẽ tạo thành một nơi triển lãm cho thế hệ con cháu mai sau, thì quả thật quý giá không gì bằng...”

Nói xong chợt nhìn thấy cái nháy mắt của Hắc Công tỏ ý không hài lòng, chợt hiểu ra mình đang ở nơi của một trùm chuyên mua bán cổ vật của giới “Hắc Bảo” chứ nào phải phải ở trên bục phát biểu cảm tưởng ở trường đại học, biết rằng lời nói của mình đã đi sai vấn đề nên im lặng, cười nhẹ.

Gã Đinh Tam bước lại gần một vật, được che bằng một tấm vải lụa đỏ, rồi mời hai người kia đi cùng mình nói: “Vậy mời ông anh lại đây xem hộ thằng em cổ vật này là loại gì?”

Sau khi kéo tấm vải lụa đỏ ra, trên mặt đất là hình dáng một chiếc Chum đồng to lớn cở vòng tay của năm sáu người lớn vòng qua mới hết thân, cao hơn hai thước, trên thân Chum đồng xung quanh có chạm khắc những hoa văn muôn thú cực kì tinh xảo, bốn góc miệng Chum có tạo hình bốn con cóc cách điệu thay cho tay nắm, giáo sư Bảo Sơn không nói cũng biết là gã họ Đinh này đang cố ý thử mình, nên lấy tay đặt lên trên con cóc đồng, quay sang nói với Đinh Tam: “Đây là Sanh đồng của người Mường, cái này còn có một cái rất to lớn hơn được đặt tại bảo tàng lịch sử quốc gia Việt Nam, còn đây là phiên bản nhỏ hơn, như lại là loại cực quí trong tấc cả Sanh đồng người Mường, mang tên Sanh Thiềm Tứ Phương có nghĩa là cóc quay về bốn hướng Đông Tây Nam Bắc ngụ ý cầu cho mưa thuận gió hòa, tứ phương may mắn qui tụ về một nơi, khi xưa chỉ có những bậc quan Lang lớn mới có, nó có thể nấu một lúc bốn con trâu, dung tích chứa nước bên trong, có thể hơn mười người gánh nước nữa ngày mới đầy, được xem là cổ vật thời đồ đồng chỉ sau Trống Đồng Đông Sơn.”

Nói xong quay sang chỉ thấy gã Đinh Tam gật đầu đưa ngón tay cái ra tỏ vẻ hài lòng.

Danh Sách Chương:

Bạn đang đọc truyện trên website TruyenOnl.COM
BÌNH LUẬN THÀNH VIÊN
BÌNH LUẬN FACEBOOK