Cốc sư phụ nói tất cả điều là nhân quả, nhân quả này rất phức tạp, có rất nhiều cách giải thích. Chẳng qua nhân quả của việc dùng vu thuật hại người rất dễ giải thích, chính là ngài hại người thì phải chịu bị nghiệt quật, ngài hại người ta ra tay càng ác độc bao nhiêu thì nghiệp quật phải nhận lấy càng độc ác bấy nhiêu mà thôi.
Cuối cùng hỏi Cung Mặt Rỗ có nhớ thời gian chôn và địa điểm chôn không? còn nhớ hướng cái đầu của đứa bé ở vị trí nào không? Cung Mặt Rỗ nói lúc đó lo vội chôn, trời tối không nhớ rõ hướng đầu của đứa bé, nhưng thời gian thì chắc chắn không sai.
Cốc sư phụ liền cười khổ, lấy ra một tấm vải đỏ, trên đó bốn góc có vẽ lên vài ký tự bằng chu sa, nói lập tức ngài về đào đứa bé đó mang lên, bọc cẩn thận vào tấm vải đỏ này, ngoài ra tìm một nơi tốt trên núi cao mà an táng nó đi, ngài đây là tự đào một cái hố tuyệt hậu cho chính mình, muốn nguyền rủa bản thân tuyệt hậu hay sao chứ, sau đó lại thở dài…
Cung Mặt Rỗ có chút khó khăn khi nói về sự việc của thiếu gia Mai Hào. Cũng chính là thầy đồng Quác Yên không biết phải giải quyết như thế nào, Cốc sư phụ, nói: “ngài cứ thả thiếu gia nhà họ Mai ra, có gì ta chịu trách nhiệm, lão thầy đồng Quác Yên chưa chết chỉ là hồn bay phách lạc, sẽ có cách cứu ông ta.”
Sau lại dặn dò Cung Mặt Rỗ chăm sóc thiếu gia Mai Hào cho chu đáo, vài ngày tới sẽ đến.
Cung Mặt Rỗ lòng như lửa đốt, sáng sớm mặt trời vừa ló dạng đã đi đến phần mộ đào lấy thi hài đứa bé kia lên, theo lời Cốc sư phụ chỉ dẫn không sai một ly, làm đúng trình tự, quả nhiên qua vài ngày thấy gia đạo bình an trở lại cảm thấy rất hài lòng, quyết tâm tu thân tích đức, chẳng dám làm điều sai quấy.
Nhớ đến lời Cốc sư phụ dặn dò, mang thiếu gia Mai Hào về nhà phục vụ như khách quý, ăn uống toàn đồ ngon, thuốc thang thầy lang đủ cả, thực hiện như lời hứa, mong ngày gặp lại Cốc sư phụ tạ ơn đã cứu gia đình mình qua cơn nguy nan.
Chỉ là còn sự việc của thầy đồng Quác Yên, gia đạo họ Quác ngứa con mắt bên phải đỏ con mắt bên trái, nhìn thấy Mai Hào người đã trực tiếp làm cha ông mình thân bại danh liệt, giờ thì trong nhà của Ngự sử đài ăn uống no đủ, da dẻ hồng hào, mặt mũi tươi tốt. Ngẫm lại, thấy cha ông mình là Quác Yên, chỉ nằm đó sống thực vật, ngày qua ngày chỉ húp nước cháo lỏng mà duy trì sự sống, thân hình chỉ còn da bọc xương, bụng hóp dính cả vào lưng, hỏi sao không đau lòng. Nên ngày nào cũng kéo đến đập cửa công đường Ngự sử đài Nam Cung, đòi lại công bằng.
Ngày hôm nay cũng vậy, quan sai vừa đến cổng đã thấy một chiếc giường tre nằm chắn ngan lối ra vào cổng công vụ, nằm trên là một người chỉ còn da bọc xương, xanh lè xanh lét, như xác chết trôi sông, xung quanh bà con thân thích của họ Quác, đứng đầu là một thanh niên độ 20 tuổi, một tay cầm gậy hiếu tử, một tay ôm lư hương, đầu đội khăn tang, khóc than âm ỉ.
Người thanh niên này tên là Quác Tử, trông gương mặt già trước tuổi, bộ dáng cao ráo, thân hình còm nhom, lấy dao vạc trên dưới không đến nổi hai lạng thịt, chặt ra không xếp đủ một đĩa, tạt nước đằng trước phía sau cũng ướt, đứng dưới ánh mặt trời ốm không thấy bóng, bạn nghĩ xem hắn ốm như thế nào? Mặc dù đứng nghiêm trang, nhưng hai chân lúc nào cũng nhón, lúc đi thành hai hàng. Khuôn mặt trắng bạch, lông mày lá liễu, hai mắt nhỏ ti hí, mồm nhọn gò má cao, đầu lao về phía trước, thực chẳng khác gì một con gà chọi.
Quác Tử vừa nhìn thấy quan sai tới cổng công đường, đã lập tức cùng đám anh em bà con nhà họ Quác, hả mồm khóc tu tu kêu oan, âm thanh mỗi lúc càng to hơn: “Ôi giờ ôi! Cha ông tôi nào có tội tình chi mà giờ thành người sống không bằng chết, lúc sống cũng là bậc thiện nhân, giúp người giúp đời, nay bị thằng dở hơi nhà họ Mai làm cho thành như vậy, giờ thì hắn lại ăn sung mặc sướng... ôi giờ ôi! Thiên lý nơi nào, pháp luật nơi nao. Cho bọn ác độc sống nhởn nhơ vậy chứ!”
Cung Mặt Rỗ vì vụ việc vu thuật kia vẫn còn đau đầu, thì đã vội đến chuyện khó nhằng này, giờ mình có xuất hiện cũng không biết phải ăn nói ra sao với nhà họ Quác, nên trước mắt chỉ biết tìm cách trốn tránh, như mà tránh mùng 1 mùng 2, chứ nào tránh được đến ngày 30, công việc giải quyết còn đầy ra đấy, thôi cũng đành vác cái bản mặt vừa dày rỗ “truyền kiếp” ra để thương thuyết. Hy vọng kéo dài thời gian chờ Cốc sư phụ đến, đang chuẩn bị suy tính mọi việc, thì đã thấy hình bóng Cốc sư phụ xuất hiện. Thật đúng là “cầu được ước thấy”,
Cả dòng họ Quác đang huyên náo ầm ĩ, bổng im bật khi thấy xuất hiện một vị cao nhân từ xa bước đến, lại thấy Cung Mặt Rỗ bước ra cung cung kính kính. Sau đó mới nhận ra vị cao nhân này chính là Cốc sư phụ trong truyền thuyết, tranh nhau giải bày sự việc cho ông ta nghe.
Cốc sư phụ nói: “Ngày hôm nay ta đến đây cũng là vì chuyện này. Tất cả gia quyến hãy an tâm, thầy đồng Quác Yên chưa đến lúc phải chết, sự việc này xảy ra cũng là do luật nhân quả, nên phải gánh lấy kiếp nạn này, hồn bay phách lạc nơi nào ta cũng đã biết”
Rồi Cốc sư phụ giải thích thêm là trong lúc Quác Yên lên đồng, thất khiếu mở ra, mi tâm trở thành cánh cửa tiếp nhận nhiều loại linh hồn, có khi là thần thánh cũng có khi là ngạ quỷ, câu chú của thầy đồng đọc lên, coi như một loại giấy thông hành cho linh hồn mình mong muốn “ốp dựa” vào. Theo đó, lúc làm lễ, thầy đồng chưa “xuất đồng” mà đã bị phá rối, hoặc ám hại, linh lực xuất quá nhanh, mi tâm đóng lại, linh hồn không kịp quay về, bị quỷ sai dắt đi mất.
Sau đó, quay sang nói với Quác Tử, tối nay canh ba cậu nhớ đến đây, mang theo một đôi hài, một hình nhân giống cậu, tất cả bằng giấy vàng mã, ta làm pháp “Đi âm” cứu cha cậu về
Có người hỏi đi âm là gì? Đi âm có hai thứ, một là thanh đồng đi âm học phép từ “nhà Thánh”; hai là đi âm thu hồn. Cái mà Cốc sư phụ nói là cái thứ hai này, người đi âm khi này không giống với Quỷ Sai, Quỷ Sai chính là ma quỷ ví như Ngưu Đầu Mã Diện, Hắc Bạch Vô Thường làm quan sai cho Diêm Vương. Trong khi đi âm là người sống, bởi nhiều lý do, rất nhiều nơi Quỷ Sai không đến được cần phải nhờ người sống đi âm câu hồn đưa tới “m Dương Lộ” trao cho Quỷ Sai.
Tất cả nghe xong không khỏi trợn mắt há mồm, sự việc này quá sức tưởng tượng, có sợ hãi, có bội phục, nhưng chưa ai tận mắt chứng kiến… cùng đợi xem tối nay Cốc sư phụ và Quác Tử “đi âm” ra sao...