Mai Hào nghe xướng tích cả buổi, trơ mắt ra đứng nhìn người ta kiếm tiền quá dễ, còn mình không một xu dính túi, tiền trong người còn sạch hơn trên mặt, thấy người già còn kiếm được cái ăn, còn mình sức dài vai rộng lại ôm bụng đói, ngáp gió Tây bắc mà sống, cư nhiên cảm thấy hổ thẹn. Khi tất cả người xem dần tan hết, Mai Hào cũng quay bước, chợt nghe tiếng gọi: “Tiểu tử... hãy dừng bước!!”
Quay đầu lại tựa hồ nhìn thấy lão già không phải gọi ai khác mà nhìn thẳng vào mình, còn không khỏi ngạc nhiên, vội vàng chắp tay đáp lễ : “Là lão gọi tôi sao, không biết có điều chi dạy bảo?”
Lão già ung dung thu xếp hành trang, lấy ra một chiếc khăn, bên trong có vài vắt cơm muối mè bọc cẩn thận trong lá chuối, chìa ra cho Mai Hào nói: “Lão phu không có gì cao sang, chỉ còn có chút cơm muối mè đạm bạc ăn lót dạ. Nhìn thấy cậu xanh xao, bước đi loạn, xem ra chưa có gì vào bụng. Thứ lỗi cho lão phu, chỉ là đi đây đó nhiều, cũng biết qua đôi chút nhìn người đoán ý…...”
Nói đoạn ngồi xuống uống tí nước, ăn cơm vắt. Mai Hào cũng ngồi xuống bên cạnh, bụng cứ sôi lên sùng sục, cũng chẳng màng mặt mũi, ăn ngấu nghiến vắt cơm, chỉ hận không có hai cái mồm mà ăn. Người đời có câu “Một miếng khi đói, bằng một gói khi no” quả chẳng hề sai. Mai Hào chưa bao giờ ăn được vắt cơm ngon như vậy, mãi sau này cũng chẳng thể quên. Nắm cơm trắng tinh, thơm mùi gạo mới, vị ngọt của phù sa như chín mọng trong từng hạt cơm dẻo. Cơm nắm hợp với muối mè một cách lạ kỳ, vị ngọt của cơm càng thấm đậm bởi chút hơi măn mẳn của muối, mùi vị thơm beo béo của mè, của đậu rang làm cho miếng cơm bùi hơn, dịu ngọt hơn. Loại món ăn dân dã này ấy vậy mà không dễ chế biến, khi nấu cơm không được nhão, cũng không khô quá, sau đó cơm vắt phải thật khéo, hạt cơm vừa nở đủ độ và còn nóng, đơm cơm vào mo cau nhồi mạnh và nhanh tay nhiều lần như vậy hạt cơm mới dẻo, mềm nhuyễn tạo nên độ kết dính thật mịn, rồi nắm lại thật chặt, ủ trong lá chuối. Nhờ vậy những miếng cơm nắm khi ăn sẽ không nát, lúc đó cơm mới ngon và để dành được lâu.
Mai Hào sau khi cái bụng tạm ổn, cơn đói cũng dần tan, mới đứng lên chắp tay cung kính hỏi: “Xin thứ lỗi cho cháu, cháu tên là Mai Hào, chỉ biết lo cái bụng ha ha…mà quên hỏi thăm quý tánh lão nghệ nhân xướng tích đây là gì?”
Lão bật cười ha ha, uống tí nước rồi nói: “Tiểu tử ngươi quá lời rồi, cái gì mà nghệ với chả nhân, ta đây không dám nhận đâu. Nguyễn Dinh ta đây chỉ là tên nhà quê lên phố chợ, đâu dám xưng là nghệ nhân xướng tích, chỉ là ông trời thương phận lang bạt, cho ta há mồm kể vài ba câu chuyện lọt lỗ tai, dựa vào nó ăn không đủ no cũng không chết đói, thế là đủ rồi…”
Mai Hào nói: “Nếu lão vậy còn nói không đủ no, chắc Mai Hào tôi đây chết đói mất thôi. Mạn phép cho tiểu nhân có câu không nên hỏi, câu truyện hôm nay ngài kể, đích xác là huyền tích của thành Thái Nguyên, tôi đây cũng có biết qua, chỉ là không ly kỳ như vậy, không biết ngài được truyền thụ từ đâu?”
Lão Nguyễn Dinh lại cười hô hố: “Cái gì mà truyền với chả thụ, ta đây lang bạt kỳ hồ, kể xướng tích, nào đã được ai truyền thụ học nghệ? Ta không nói điêu với ngươi, hôm qua đi ngan thành Thái Nguyên vô tình dừng chân ở phủ điện được nghe chầu văn vài ba câu về Thánh Đuổm, cho nên biên soạn lại, sắp xếp câu văn, “thanh họa” các động tác. Làm thành xướng tích kiếm chút tiền làm lộ phí.”
Mai Hào nghe xong không khỏi choáng váng: “Lão này kể truyện ly kỳ, hồi hộp lấy cảm xúc người xem, hóa ra vừa kể vừa bịa ra thêm. Chỉ nghe qua vài câu hát mà đã làm thành xướng tích, năng lực quả thật không phải tầm thường, chớp mắt kiếm được không ít đồng Cảnh Thịnh.
Nghĩ vậy vội vàng, chắp tay cung kính cúi đầu nói: “Hôm nay gặp được ngài, quả là may mắn cho tiểu nhân. Bất luận như thế nào xin ngài hãy truyền lại cho tôi một ít kiến thức, chờ sau này ngài đi nơi khác, tiểu nhân ở đây có thể kiếm chút cơm ăn...”
Lão Nguyễn Dinh đáp: “Ta thân lang bạt, trước giờ cũng chỉ biết sơ qua xướng tích, đa phần là tự luyện tập mà thành. Xướng tích đa phần biểu diễn tại phố chợ, không thể so sánh với các người hát chầu văn, được đào tạo kỹ năng bài bản trong Hội Đồng Cai. Tới điện phủ cao sang, là người không phú thì cũng quý, thơ văn cũng không ít, các hầu đồng đều cao đàm khoát luận, uy chỉnh nghiêm phong, dù sao người dân bình thường văn hóa thấp sẽ rất ít khi được thưởng lãm hát chầu văn. Ta đây thì không phải vậy, đến gặp ta nghe xướng tích toàn dân nghèo, sáng mở mắt đã vội đi kiếm cái ăn, cái họ thích chính là cái luôn mới mẻ, hơn nữa còn phải lôi cuốn, nếu kể sự tích hệt như trong sách sử ký thì e rằng chưa nghe dăm ba câu, người ta đã quay đầu rời đi. Phải kể mấy truyện huyền bí dã sử, ít người biết đến, mới mong giữ chân người ta. Câu truyện phải chia ra thành nhiều phần, thêm mắm dặm muối, khiến người nghe bàng hoàng, hồi hộp gây cấn, kinh sợ, không có mưa đá gió to, vẫn thấy lạnh sống lưng... nói chung là càng quỷ dị kì bí càng tốt”
Rồi lão ung dung vuốt râu nói tiếp: “Chỉ bảo gì đó Nguyễn Dinh ta không dám nhận, chỉ có câu này tặng cho tiểu tử nhà ngươi “Vô vân vũ bạo – Vô phong khởi kỳ” ( không có mây đen mà vẫn có bão lớn, không có gió mà lay cờ phướng) như đã nói ở trên tất cả tinh hoa xướng tích điều nằm trong này…”
Mai Hào nghe lão nói xong kinh tâm động phách, hiểu ra không ít vấn đề, nút thắt được tháo gỡ. Luận về văn chương mình có thừa, sức trẻ nhanh nhạy, chỉ còn phải luyện tập thêm thanh họa, từ nay tập thuần phục động tác, âm vực trầm bổng thể hiện tiếng nói nhân vật. Lần này về cứ thế mà làm, không sợ không ăn được bát cơm này.
Hai người họ trước lạ, sau vài câu chuyện cũng đã như thân quen, Mai Hào hỏi thăm thêm vài câu mới biết rằng lão Nguyễn Dinh xuất thân từ vùng Trấn Biên – Gia Định, sở dĩ lão Nguyễn Dinh tài năng xuất chúng, có thể dùng tài nghệ xướng tích mà thành danh một phương lại cớ sao lại phải rong ruổi khắp nơi, đó là vì tìm kiếm đứa con trai độc đinh của mình bị mất tích. Trong một lần hai phụ tử họ biểu diễn xướng tích, lão sơ ý làm cho đứa con trai bị thất lạc, cho đến nay đã nhiều năm trôi qua. Lão bỏ nhà xa quê, tha hương đi khắp nơi tìm kiếm trong vô vọng, sức tàn tiền kiệt vẫn không tìm thấy tông tích đứa con thân yêu. Nếu nó còn sống chắc hẳn cũng trạc tuổi của Mai Hào bây giờ.
Lại nói, hai người hàn quyên vài câu, mắt thấy tiết trời đã tối. Lão còn không quên dặn dò Mai Hào có thể nay mai lão sẽ đi nơi khác, câu chuyện li kì này sẽ do cậu tiếp tục kể cho mọi người nghe, nhớ đừng phụ tâm sức của lão chỉ dẫn. Mai Hào nhìn theo bóng dáng lão Nguyễn Dinh, chắp tay từ biệt “núi xanh vẫn còn, nước sông chảy mãi “giang hồ có duyên, hẹn ngày gặp lại.
Sau khi Mai Hào gặp lão nghệ nhân Nguyễn Dinh nói cho biết vài điều về xướng tích trong lòng dù biết khó cũng không còn cách nào khả dĩ hơn để kiếm sống. Khi về nhà ra sức chiêm nghiệm cách kể chuyện, chưa từng được học qua sư phụ, tuy nhiên trong đầu y đã có sẵn văn thơ thi phú, luyện giọng, thanh họa tự tưởng tượng trong đầu mà hình thành, khua tay múa chân cho đến khi trời vừa hừng đông mới thôi.
Lại nghĩ, ngoài tài nghệ tự luyện, vạn nhất làm gì thì cũng cần có chút vốn liếng ít nhiều lận lưng, phòng khi không thành công có cái bỏ bụng, lại phải mua sắm trang bị theo ý. Chắp tay đứng nhìn cái nhà của cha ông để lại trong lòng thở dài, không muốn thì cũng đành chịu, giờ chỉ còn cách tìm người bán đi tài sản cuối cùng, như nói từ trước nhà của Mai lão gia từ trước đã bị người ta gán cho là ngôi nhà “xui xẻo” ma ám, nên không ai mặn mà gì mà mua, thế cho nên biết tìm ai mà bán đây?
Có cầu ắt có cung, chợt nhớ đến một người quen từng làm nghề “Hành Sản”
Có người hỏi Hành Sản là cái gì?
Thời xưa người trung gian môi giới điền sản, nhà cửa được gọi là Hành Sản, một đám buôn nước bọt kiếm sống, sáng tối ngồi tụ tập tại tiệm ăn, quán chè, nói chung là chốn đông người, trên bàn ấm chè lạnh ngắt, tay cầm điếu cày kéo rinh rít, con mắt láo liên, nhanh tay lẹ mắt, nghe bên này ngóng bên kia xem ai cần tìm mua bán nhà cửa, liền bu lại như ruồi nhặng, nói năng giới thiệu, giành giật gia chủ, nước miếng văng tứ tung. Có khi tranh nhau mối làm ăn, nhẹ thì xé quần xé áo, nặng thì bẻ tay bẻ chân, như chó giành xương. Chỉ một từ hỗn loạn.
Sáng bảnh mắt Mai Hào đã tìm cách đi gặp người bán điền sản, nhớ trước kia trong một lần đi xin cơm biết qua chỗ này, quán chè Bỉ Ngạn Hoa.
Nói về chè, có thể nói thành Thái Nguyên là “Đệ nhất danh trà”. Chè Thái Nguyên không phải tự nhiên mà có, mà là do công sức của người dân nơi đây trải qua hàng trăm năm vung trồng mà thành, kinh nghiệm gia hưởng với trời đất thiên nhiên vạn vật mà thành, sinh khí đất trời hội tụ, hương vị quả thật khó có nơi nào sánh bằng.
Các quán chè tại thành Thái Nguyên chia ra 3 loại : Quan chè; Thanh chè và Thương chè. Bỉ Ngạn Hoa là quán chè thuộc vào dạng lâu đời thuộc loại Thương chè, nói là lâu đời danh tiếng, cũng chỉ là một chiếc bàn dài, nằm ngoài phố chợ, trước quán đặt một chiếc bàn gỗ màu nâu cánh gián, trên có đặt vài ba món ăn vặt, đậu phộng, bánh đa, kẹo ngọt, còn có mấy cái điếu cày chạm khắc tinh xảo, nghe đâu từ thế kỷ trước còn lại. Phía sau là bà chủ quán, tay nhanh tay mười pha chè, châm nước cho khách, nước đủ độ sôi, lá chè thơm phức, hương bay ngào ngạt, làm say lòng người. Bên trong bàn ghế kê san sát, một cái bàn tròn, bốn cái ghế thấp quây xung quanh, khách vào quán tùy ý chọn một chỗ, gọi một ấm chè nóng, một cái điếu cày, bà chủ chỉ thu tiền chè nước, thuốc hút miễn phí. Khách đến đây đa phần là dân buôn bán, thương gia, không thiếu những kẻ hành sản…
Mai Hào lủi thủi đi đến trước quán chè Bỉ Ngạn Hoa, đứng lơ ngơ không biết phải làm sao. Thường người nào đã đặt chân đến đây trong con mắt nhà nghề của bọn hành sản đã nhận ra, mua hay bán, đằng này Mai thiếu gia đã quá nhẫn mặt với bọn chúng, nhà Mai lão gia thì thuộc vào dạng khó ăn, thấy người khác đến có vẻ mối làm ăn ngon hơn Mai Hào nên bỏ mặt. Mai Hào đứng đó dáo dác lên tiếng cả nửa ngày không ai quan tâm đến cậu ta. Chợt trong lúc bế tắc thì xuất hiện một người, từ phía trong bước ra, dáng người trung bình, mày thưa mắt nhỏ, ria mép lún phún, hàm răng lổn nhổn, đầu quấn khăn xếp, bụng thắt lụa xanh, tay cầm quạt giấy, bước đến trước mặt Mai Hào: “Mai thiếu gia, có chuyện gì cần tôi giúp không?”
Nhìn qua ai cũng biết đó là một hành sản có tiếng, biệt hiệu là Đi Đêm. Có câu: “Nửa năm không buôn bán, mở hàng ăn nửa năm” là nói về nghề hành sản này. Nghề này không cần tiền vốn, toàn dựa vào tai thính, mồm mép, mắt nhìn xa trông rộng, thấy ai có ý định buôn bán điền sản, bọn họ điều hỏi thăm tin tức, đôn đáo mau lẹ, qua lại, bên này nâng một chút, bên kia hạ một chút, thu xếp giá cả, dựa vào ba tấc lưỡi không xương, mình ở giữa làm “cò” hưởng phần chênh lệch. Đi Đêm khoảng 35 tuổi, vậy mà nhiều năm lăn lộn trong nghề, mắt cú tinh tường, sạn trong đầu lắc không kêu, nhìn qua đã biết Mai Hào muốn bán điền sản.
Đi Đêm hắn ta cũng chả tốt gì, chỉ qua đối với mấy gã hành sản mới vào nghề, chê người như Mai Hào, chứ nào biết “người có thể xuống dốc, chứ đất chỉ có lên cao”. Hôm trước hắn có gặp một thương gia từ phương xa đến, muốn tìm một thế đất đẹp mà đưa gia đình đến định cư, rõ ràng đây là một ông chủ lớn, người lớn làm việc lớn, đương nhiên sẽ ra tay rộng rãi, yêu cầu là phải gần trung tâm Thái Nguyên, thềm cao cổng lớn, ba gian mái ngói, cột trụ 5 móng, sân trước thềm sau. Xong việc tiền lót tay ít mấy trăm, nhiều thì vạn đồng Cảnh Thịnh Thông Bảo. Đi Đêm vò đầu bức tai, cho thân tín đi khắp nơi tìm theo ý mà chưa thể tìm ra, nhà lớn không đủ, nhà nhỏ còn dư, chính là nữa vời mắc cổ họng. Nay gặp được Mai Hào như “buồn ngủ gặp chiếu manh” đúng với sở nguyện của đại gia kia, phen này không lo cái ăn nửa năm tới.
Sau khi chào hỏi đã lôi tuột Mai Hào vào trong quán chè ngồi xuống, kêu thêm một ấm chè nóng, cùng một dĩa lạc rang, bàn chuyện thương lượng. Tự tay châm một chén chè, rót thật đầy, mời Mai Hào uống, tiện tay pha cho mình một chén, đưa lên uống một hơi cạn sạch, lại bốc một nắm lạc rang cho vào mồm, chẳng hề khách sáo nói thẳng vào vấn đề: “Mai Hào thiếu gia, thứ cho tôi nói thẳng, ngôi nhà Mai lão gia để lại cho ngài đây, chẳng qua giờ chỉ còn có bốn bức tường, chẳng còn giá trị để gọi là một ngôi nhà đúng nghĩa, có chăng giờ chỉ còn bán được đất, lại nghe người ta ai cũng nói đó là một hung trạch, nên có cho vàng cũng không ai dám mua. Nay tôi cũng thấy trước kia Mai lão gia nhà ngài có không ít lòng tốt giúp đỡ người khác, tôi cũng vì cảm phục điều ấy nên mới ra tay, hy vọng có thể tìm người mua giúp ngài mảnh đất ấy. Hy vọng ngài qua cơn hoạn nạn, Mai thiếu gia ngài cũng đang cùng đường, lo cho cái ăn trước mắt, rằng ngài bán lại cho tôi với giá cả phải chăng... ha hah.”
Rồi hắn vỗ vai Mai Hào tỏ vẻ thương xót nói: “Ngài yên tâm, tôi sau khi mua được, sẽ tìm cho Mai thiếu gia ngài đây một gian phòng nhỏ gần nhà tôi cho ngài tá túc, với giá thuê như cho không... ngài nghĩ xem có hợp lý không chứ... hè...hè”
Đi Đêm thao thao bất tuyệt, nói hưu nói vượn, cốt ý hạ giá đến mức tối thiểu để kiếm lời. Mai Hào nào mà biết đến giá cả thương trường, Đi Đêm nói sao cũng nghe, gật gù cho là hảo ý, cuối cùng bán cho hắn với giá rẻ mạt, còn thua bán cái chuồng gà.
Kết cục Mai Hào cũng được số tiền ít ỏi sống qua ngày, mua sắm trang phục, dụng cụ hành nghề, ngày đêm ra sức rèn luyện xướng tích, tìm ra cách khác lạ, chờ ngày khai nghệ.
Thời đó tại cổng thành phía Tây gần Nguyệt Du Cung có nhiều người rảnh rỗi, có ăn no hay không no, điều rất thích nghe kể xướng tích. Ngày hôm ấy xuất hiện một thanh niên, tay cầm quạt giấy, mặt trát phấn đến dày hơn tường nhà, gương mặt trắng bệch, lại phết thêm hai vòng tròn đỏ hai bên má, đầu đội mũ giấy hình chóp nhọn, trên có bốn chữ “m sai dương gian”, khoác một bộ đồ vải trắng tinh, nhìn chẳng khác chi bức tượng Bạch Vô Thường trong đền chùa, nào ai biết thân thế bí ẩn kia là Mai Hào thiếu gia năm xưa. Chỉ là sợ với bộ dáng thường ngày làm mọi người không hứng thú nghe xướng tích, nên mới hóa trang như vậy, mục đích là làm mới mẻ con người của mình, cũng như tránh thiên hạ dèm pha, cho dễ bề thuận lợi trong quá trình xướng tích.
Mai Hào đứng ven đường, chuẩn bị tất cả, đứng im như tượng đá. Bắt đầu ca xướng, quả nhiên thu hút khách qua đường, sôi nổi dừng chân đứng lại xem.
“Vô hình vô ảnh hàn thấu cốt
Hốt lai hốt khứ, lãnh xâm phu
Nhã phi địa phủ ma vương khiếu
Định thị sơn trung quỷ quái hô”
Mai Hào vừa hát vừa khoa tay múa chân, nước miếng văng tùm lum, có điều không được đào tạo qua bài bản, lại theo bản năng nên cứ rối tung cả lên, tay cầm quạt giấy quơ phành phạch, người nghe đứng gần một chút liền bị quét vào mặt, nhìn hoa cả mắt, xem ra có mấy phần náo nhiệt. Người xem một lúc cũng chả biết cái tên âm binh giả dạng này đang làm trò khỉ gì, chả thấy kể xướng tích, buồn bực hỏi: “Thực ra ngài muốn cái gì? Đừng ở đây làm trò khỉ, làm tốn thời gian bọn ta. Bắt đầu xướng tích đi còn chờ chi?”
Mai Hào lúc này mới chịu dừng tay, ổn định thân hình, xếp lại quạt giấy, quay sang vái chào mọi người, cung kính nói: “Các vị!! có câu nói “Đại thụ cuối đầu – Tiểu thụ khom lưng” thành Thái Nguyên, tinh hoa hội tụ, tàng long ngọa hổ, không thiếu người tài ba. Kẻ hạ nhân như tôi, không dám múa rìu qua mắt thợ, lấy vải thưa che mắt thánh, chỉ là thân mang trọng tội, lâm vào đường cùng, may nhờ tổ tiên mới sống sót, tiền bạc không có, ở trọ ăn cơm cũng cần tiền, tôi đây thà nhịn đói, nhất quyết không chìa tay lấy không các vị đây! Sau đây tôi sẽ xướng tích một đoạn ngắn, thấy hay thì cho tôi tiền, bằng không xin cứ rời đi, tuyệt nhiên không một lời oán trách. Lại đây, lại đây... hương thân phụ lão, tôi xin được bắt đầu ... đến xem... đến xem!! ’’
Quả thật không ngờ, thời điểm Mai Hào lấy lại bình tĩnh, giống như biến thành một người khác, thanh âm rõ ràng, bộ dáng thanh tao, miệng lưỡi linh hoạt, từng câu từng chữ tuôn ra như rót vào tai người nghe, cảm xúc dâng trào.
Không chỉ có thế Mai Hào, rất biết sáng tạo ra một phong cách riêng, cách anh ta xướng tích không phải là chuyện huyền tích mà ai cũng đã từng nghe qua, nào là Nam hán tử - Nữ hào kiệt, các câu truyện truyền thần, mà là một câu chuyện điển tích về một cao nhân có hiệu Cốc Sư Phụ, không kinh thiên động địa, thì cũng linh dị bá thiên. Câu chuyện được mang tên… m Sai Dương Thế