Nói về chuyện trước, Cung Mặt Rỗ dùng cổ thuật hại người, chẳng may sao bị nghiệp quật, nhà bốn người thiệt mạng mất hai, may là nhờ gặp Cốc sư phụ ra tay cứu giúp, không thì tuyệt hậu. Không ngờ Cốc sư phụ lại xen vào chuyện thế nhân, đúng với câu xoay chuyển nhân quả, cứ như thế mà sau phải tự mình gánh lấy nghiệt quả của người ta. Nay gia đình họ Quác vì đau lòng trước thân xác của Quác Yên, đã kéo tới công đường muốn tìm sự công bằng, họ nay đến mai đến, kéo theo giường bệnh cùng Quác Yên, đến trước mặt Ngự sử đài Cung Mặt Rỗ hòng làm loạn.
Đúng là cầu trời khẩn phật, chi bằng cầu người, Cốc sư phụ xuất hiện ra tay chuẩn bị làm pháp sự “đi âm” triệu hồn phách của Quác Yên.
Lại nói, kề bên Nguyệt Du Cung có một nơi gọi là làng Phúc m, nơi chuyên làm hàng vàng mã. Theo sách có nói về nghề làm vàng mã này, tục đốt vàng mã xuất phát từ Trung Quốc, thoạt đầu là dùng đồ bạch ngọc ( ngọc trắng) để cúng tế, vì bạch ngọc rất khó tìm và giá cả rất cao, có tiền chưa chắc đã mua được, thế nên người ta thay thế bằng tiền quan và những thoi vàng bạc thật, sau nữa những kim tiền này khi cúng tế xong lại mang đốt đi thì rất phí tổn.Trước sự việc này vua Huyền Tông thời nhà Đường ra lệnh dùng tiền giấy thay cho tiền thật, những thoi tiền vàng bạc cũng làm bằng giấy. Về sau lại đến thời Ngũ Đại lại thêm tục cúng quần áo, mũ mão, cân đai, ngựa giấy, người hầu, đồ dùng bằng giấy v.v...
Tục này về sau theo chân những người Hoa du nhập vào nước Việt. Thời kỳ này tín ngưỡng hưng thịnh, với ý nghĩa không thể thiếu trong văn hóa dân gian, tại Phủ Đồng nơi thánh địa của đạo Mẫu, nghề bồi vàng mã rất thịnh hành. Với suy nghĩ “Trần sao m vậy” trên dương thế người ta sinh sống và sử dụng vật phẩm như thế nào thì cõi âm cũng hệt vậy, nên ngoài tiền vàng giấy còn có ngựa, voi, thuyền mảng, hình nhân thế mạng, mũ, hài, lốt ba đầu v.v… Riêng nghi lễ lên đồng, vàng mã là thứ đồ dâng cúng cho các giá hàng quan, hầu chứng đàn bắt buộc phải có…
Vì thế làng vàng mã Phúc m là một trong Bát đại kinh thương tại thành Thái Nguyên này, ngoài Thực, Trang, Vận, Hí, Trí, Lễ. Nghề làm vàng mã rất phát triển tại đây, Phúc m cũng như tên gọi là phúc phần của người cõi âm, bước vào nơi này như lạc vào một thế giới khác, thế giới của người âm nên còn được gọi là “làng âm phủ”, nhà nhà vàng mã, hộ hộ bồi giấy, đầu làng vót tre nứa làm khung xương, cuối làng đắp giấy, họa bì, dán mũ áo ... tóm lại vô cùng nhộn nhịp.
Tại đây không ai không biết gia đình Quác Yên, vừa là thầy đồng, kiêm thủ nhang trông coi hương khói trong phủ điện, vừa làm giấy vàng mã, phải nói tay nghề họ Quác Yên dân trong nghề phải gọi là nhất tuyệt, đồ vàng mã ông làm ra ngoài tiền giấy, thỏi vàng không phải nói, ngựa, voi, hình nhân đều rất tinh xảo, truyền qua nhiều đời đến Quác Tử là đời thứ 3.
Lại nói tiếp về chuyện Cốc sư phụ, sau khi dặn dò Quác Tử chuẩn bị một đôi hài và một hình nhân giống mình bằng giấy đến canh ba mang đến công đường Ngự Sử Đài.
Cốc sư phụ đã nói với Quác Tử là canh ba, mà mới đầu giờ chiều hắn vì nôn nóng đã đến công đường gặp lão cao nhân. Phải nói tay nghề của Quác gia quả thật không phải chỉ là lời đồn, ngoài đôi hài giấy, còn hình nhân khiến mọi người nhìn qua thoáng chút giật mình vì quá giống nhân dạng của Quác Tử, dẹp dẹp, mỏng mỏng, từ đầu đến chân phải nói giống đến 8, 9 phần.
Vừa vào đã thấy công đường Ngự Sử Đài huyên náo, Cung Mặt Rỗ làm tiệc báo ân, ra tay rộng rãi, mời hẳn đầu bếp trứ danh tại Dương Nguyên Trai tại Thái Nguyên ra tay nấu nướng, chiên xào, hầm hấp có cả, lại nghe theo lời của Cốc sư phụ lập lễ đàn làm pháp “đi âm” trong đêm nay nhất định không thể ăn: Chó, Mèo, Baba, Rắn, Cá Chép, Cá mè, Tiết Canh…Vì thế người thầy đồng sẽ “hạ ban” phạm húy, bị thánh trách phạt, thế cho nên phải loại các loại thịt trên ra.
Thế Dương Nguyên Trai là nơi nào? Trước khi có tên hiệu, nơi này xuất phát điểm chỉ là một hàng ăn bé tí, trong một con ngõ nhỏ, gần làng Phúc m, nghe nói là của một người từng theo học nghệ với đầu bếp trứ danh “Thiện Ngự Phòng” chuyên nấu ăn cho Hoàng thượng tại thành Thăng Long. Sau về Thái Nguyên mở một hàng ăn nhỏ, với tài nghệ học được, sau thời gian phát huy tay nghề, món ngon nâng tầm, từ một quán ăn nhỏ trở thành một tiệm ăn lớn mang tên Dương Nguyên Trai như ngày nay. Dương Nguyên Trai nổi danh không phải là “Bát Trân” những món ăn truyền thuyết dành cho vua chúa như : Nem Công, Chả Phượng, Da Tê, Tay Gấu, Gân Nai, Môi Đười Ươi, Chân Voi, Yến Sào… Mà chỉ là món đặc sản Dê Núi, thịt dê được mua từ vùng Tam Cốc – Bích Động, những con dê này sống lang thang trên các sườn núi, quanh năm ăn cây cỏ tươi non, thảo mộc, uống nước tự nhiên, cũng bởi những con dê này sống ở thiên nhiên nên chạy nhảy nhiều khiến bắp thịt săn chắc, hương vị đậm đà, thường thịt thơm ngon hơn hẳn và thịt có nhiều chất bổ hơn so với dê nuôi. Dê chỉ sống hoang dã trên núi từ khi sinh ra đến lúc trưởng thành, sau đó thợ săn sẽ vây bắt. Ngoài những món dê bình thường ra, nơi này có món Dê ủ Trấu rất nổi tiếng, ai ăn xong cũng đều giơ ngón tay cái. Dê ủ Trấu là một món ăn lạ từ tên gọi đến hương vị, đó là dê sau khi cắt tiết, cạo sạch lông sẽ được nhồi lá sả, thảo mộc, vào bụng và phủ trấu lên toàn thân dê, để hai canh giờ cho thấm gia vị. Sau đó người đầu bếp sẽ đốt rơm mồi lửa, nhờ vào hơi nóng của trấu mà thịt dê sẽ chín om có màu vàng rộm vô cùng đẹp mắt. Dê ủ trấu khi xong không chín hoàn toàn, nên không mất nước, khi thái thịt xoăn thành từng lọn nhỏ, cuộn miếng thịt dê vào trong lá sung, kèm theo vài lát khế chua và một miếng ớt rồi chấm ngập vào nước tương bần, ngoài giòn trong mềm, quả thật đúng là mĩ vị khó gì sánh bằng.
Cung Mặt Rỗ tháng nào cũng ghé Dương Nguyên Trai vài lần, Quác Tử cũng là khách hàng thân thuộc tại đây, vừa bước vào đến cửa đã đưa mũi hít hà, nước miếng chảy xuống cả thước, bàn tiệc bày ra quá thể, đánh thức con quỷ háo ăn trong người Quác Tử, tuy thân hình ốm nhách như con hàng này lại ăn như rồng cuộn hổ gầm, ăn nhiều mà cơ thể nào hấp thu được bao nhiêu, ốm như ma đói thế nên ai cũng nói Quác Tử là” ngạ quỷ” đầu thai. Hắn vừa chào hỏi cho có lệ, đã nhanh chóng đặt mông, sà vào thưởng thức, không biết trời đất, quay cuồng ngấu nghiến, dùng đũa bắt tiện, chuyển qua dùng ta mà bóc, chỉ hận không đủ hai cái mồm, bụng cứng, mồm mỏi mới đứng lên thở dốc.