Không phải tự nhiên dân chúng tin vào Đạo và Đạo Mẫu Tam Tứ Phủ - Trần Triều không phải là hư danh, những câu chuyện truyền tụng qua nhiều thế hệ, đồng cỏ nhân gian thêu hoa dệt gấm những thần tích về những bậc giáo chủ hình thành nên tín ngưỡng Đạo Mẫu Tam Tứ Phủ - Trần Triều hiển linh phù hộ cho dân chúng.
Cũng xin nói thêm về hệ thống của hai Đại Đạo này. Tuy là hai nhưng cũng xem là một vì sự liên kết với nhau.
Đạo Mẫu Tam Tứ phủ thường được đi liền với khái niệm Tam Phủ với hệ thống đứng đầu ba vị tôn thánh Mẫu đệ nhất thượng Thiên, Đệ nhị Thượng ngàn và Đệ tam Thoải phủ, hay còn gọi là Tam phủ Công Đồng. Còn Tứ phủ là phủ Thiên - Địa - Thoải -Nhạc, tương ứng với Trời - Đất – Sông Biển - Núi Rừng. Vì thế còn được xem là một đạo thuần Việt, với một ý nghĩa cao cả là thời Mẫu, chính là thờ mẹ. Vị thần chủ đứng đầu là Thánh Mẫu Liễu Hạnh.
Trần Triều hay còn gọi là tục thờ Đức Thánh Trần. Đức Thánh Trần là một nhân vật trong sử Việt, anh hùng dân tộc Hưng đạo đại vương Trần Quốc Tuấn, ông được truyền tụng là vị thánh phù hộ cho sự nghiệp chống giặc ngoại xâm, bảo vệ đất nước, hộ quốc an dân, diệt trừ tà ma và chữa bệnh.
Con người Việt thời gian này tinh thần đời sống tâm linh được quan tâm, là một phần không thể thiếu trong cuộc sống. Khác với các tôn giáo được du nhập vào nước Việt lúc này, như Đạo Nho, Đạo Phật, Đạo Giáo. Đạo Mẫu Tam Tứ Phủ - Trần Triều là một đạo thuần Việt do người Việt tôn sùng, nên đại đạo này được xem là một Quốc Đạo. Đạo Mẫu trong thời kỳ này rất hưng vượng, bởi sự ân ban từ các Thánh Thần, triều đình ưu ái. Các pháp sư, sư công, thầy đồng... được sự tôn trọng của dân chúng.
Người đời thường nói “có thực mới vực được đạo” rồi “Có cầu ắt có cung”, do đó có thêm rất nhiều công việc đi theo Đại Đạo này, từ làm hàng mã, mâm lễ, hát chầu văn, bán đồ lễ phục, cho tới nấu cơm rót nước dâng trà, hình thành một hệ sinh thái, như hình với bóng không thể tách rời. Nhưng theo sau đó cũng có những cái “nghề” tạm gọi là bu bám ăn theo như soi bói, xem căn cốt, giải bùa, trị tà. Mặc dù đây cũng là một trong những cách hành pháp của Đạo Mẫu Tam Tứ Phủ - Trần Triều, ví như Đạo Mẫu chuyên về xem căn cốt, đoán cát hung, soi quá khứ vị lai nói chung là giúp con người ta lo phần “Sinh”, còn Trần Triều thiên về trị bệnh bắt quỷ trừ tà, do đó được xem là lo cho phần “Tử”.
Vì tránh phát sinh nhiều chuyện yêu ngôn hoặc chúng, gây hoang mang lòng dân, nên Triều đình rất hạn chế cho các vị đồng làm những việc này thường xuyên, chỉ được phép thi hành những pháp sự này trong những dịp lễ đặc biệt và có sự giám sát của Triều đình, nếu ai lén lút hành nghề khi không được sự cho phép sẽ bị bắt phạt, nhẹ thì khiển trách tước tư cách hành nghề, nặng thì tịch thu gia sản, ăn cơm lao ngục, thậm chí gây họa sát thân.
Thế nhưng vì nhu cầu về tâm linh rất nhiều nên các con nhang đệ tử lén lút tìm cách gặp các Thầy đồng, Thanh đồng mà hầu đồng xin lệnh thánh. Mà lạ thay các việc lên đồng dựa cốt âm thầm này lại được con nhang đệ tử rất thích, kiểu càng kín đáo, hồi hộp trong lúc hành pháp mang lại ý nghĩa về mặt tâm thức. Nhu cầu nhiều, công việc xem ra không lơ tay, là cái mỏ vàng cho các thầy đồng kiếm chác.
Có bản lĩnh thì ăn cơm, không bản lĩnh thì húp cháo, chỉ cần bỏ công bỏ sức, khẳng định không bị chết đói. Nếu muốn kiếm cái danh hiệu tôn quý là Thầy Đồng để người người tôn trọng, được cơm ngon rượu say, tiền tài danh vọng hơn người, không có năng lực không thể làm được, hay như dân chúng thường nói câu “nhất định phải có căn số hơn người”.
Ở nơi đâu rồi cũng thế, có người này người kia, hay người ta thường nói “bàn tay có ngắn có dài, có đen có trắng” Người chính nhân quân tử hay kẻ phàm phu tục tử, chính đạo hay gian tà, đều có ở Phủ Đồng này, nếu kể ra không biết bao cho đủ. Vì là nơi dễ kiếm miếng ăn, không cần vốn liếng, phun tí nước bọt, múa may quay cuồng là có thể kiếm chén cơm qua ngày, người địa phương có, kẻ đến từ phương xa cũng không ít, gây rối loạn tại vùng đất này.
Khi đó vì tránh những kẻ buôn thần bán thánh, giả dạng Thầy Đồng, làm ô danh Thánh Địa của Mẫu, nên các vị quyền cao chức trọng kinh thành Thăng Long hình thành nên một hội đồng gọi là Tổng Hội Đồng Cai tức nói dễ hiểu là cai quản các việc lên đồng dựa cốt, từ lớn đến nhỏ từ cao đến thấp, từ trên xuống dưới của Đạo Mẫu – Trần Triều. Tổng Hội Đồng Cai phân cấp cho các Phủ Điện, cấp sắc, ban ân. Điện thì có lớn có nhỏ, có chung có riêng, có giàu có nghèo. Các pháp sư hành đạo thì trên có Sư Công, Thủ nhang, Thầy đồng, dưới có Thanh đồng, Đồng cốt, Đồng lính, cuối cùng là con nhang đệ tử.