“Vô hình vô ảnh hàn thấu cốt
Hốt lai hốt khứ, lãnh xâm phu
Nhã phi địa phủ ma vương khiếu
Định thị âm sai quỷ quái hô”
“Không hình không bóng, lạnh thấu xương
Từng cơn, từng đợt, luồn qua da thịt
Trừ phi tiếng gọi của ma vương nơi địa phủ, xuống chịu tội.
Còn không đích thị là tiếng thở của m sai kề bên”
Vào thời kì vua Lê Hy Tông, niên hiệu Vĩnh Thịnh. Tại lưu vực cuối Phủ Đồng, đền Kiếp Bạc vô cùng nổi danh, đặc biệt là hội đền tháng tám âm lịch hàng năm. Dân gian có câu nói “Tháng tám giỗ Cha – Tháng ba tiệc Mẹ” để nói đến ngày giỗ Đức Thánh Trần Hưng Đạo và Thánh mẫu Liễu Hạnh, nên thu hút rất nhiều khách thập phương tới dâng hoa bái đền, cảm tạ công đức của các thánh nhân.
Lúc này ngựa xe như nước, dựa vào lễ này mà mặc sức kiếm tiền, thế cho nên người dân bản địa sẽ chuẩn bị các loại đồ ăn vặt, đồ thủ công mỹ nghệ đặc trưng, mang đến hội bày quầy bán.
Quàng Cốc năm ấy ngoài học âm ra, ban ngày cũng xuống phố chợ kiếm kế sinh nhai, ông ta cũng có một món nghề, đó chính là nặn tò he.
Vậy tò he là cái gì?
Sách có nói Tò he là một loại đồ chơi dân gian của trẻ em khi ấy, vừa chơi vừa có thể ăn được. Nặn tò he là một nét văn hóa dân gian ở các vùng quê Việt, đặc biệt tại Bắc Bộ. Ban đầu, tò he là sản phẩm làm bằng bột dùng trong cúng lễ nên chúng thường có hình thù các con vật tượng trưng như : Công, Gà, Trâu, Bò, Lợn, Cá... v.v... vì vậy, người ta còn gọi tò he là “đồ chơi chim cò”,”con bánh” bên cạnh hình thù các con vật, người ta còn nặn bột thành các loại cây, hoa, trái... hoặc thành mâm cỗ để đi đền chùa dâng cúng. Tò he khi hoàn thành có màu sắc tương đối giống đồ thực và có pha thêm chút mía đường nên có thể ăn được. Về sau, tò he được gắn vào một chiếc kèn ống, khi thổi phát ra âm thanh “tò te... tò te “vì thế nên có lẽ người ta gọi là “tò te”, sau này nói trại thành “tò he”.
Nguyên liệu chính để làm tò he là bột gạo có trộn ít nếp, ngâm nước rồi đem xay nhuyễn, luộc chín và nhào nhanh tay. Sau đó, người ta nắm bột lại thành từng vắt và nhuộm màu cho nó, tất thảy đều sử dụng màu có nguồn gốc từ thực vật mà ra.
Những người nặn tò he đều là những nghệ nhân, chỉ cần một động tác và sự khéo tay là đã có ngay những màu thật đẹp. Một sản phẩm sẽ được làm ngay biểu diễn trước yêu cầu và sự chứng kiến của người mua, việc đứng quan sát các nghệ nhân trổ tài quả thật là một điều thú vị khó quên. Nặn tò he tương đương một nghệ thuật, cũng cần khéo chân khéo tay, sáng tạo linh hoạt, nặn hoa quả, con vật, hoặc nhân vật tướng quân gì đó đều rất giống.
Hội lễ giỗ Đức Thánh Trần, bá tánh tâm tình vui vẻ, gương mặt thư thái, đều sẽ mang con cái đến thăm thú đền phủ, áo quần đẹp đẽ, trong người cũng mang không ít tiền, thấy con đòi mua tò he kiểu gì cũng sẽ mua một cái, cho nên làm cái này coi như Cốc sư phụ kiếm được không ít, dư sức không lo cái ăn mấy tháng sau.
Lại nói sau đền Kiếp Bạc cách một đoạn đường ngắn có một khu họp chợ gọi là chợ Mão Tử, có điều chợ Mão Tử lại không giống các nơi khác, bình thường chỉ họp chợ bán vào buổi sáng, muộn nhất là đến giờ mão ( 3h – 5h giờ chiều), tất cả đều sẽ nhanh chóng thu dọn hàng quán về nhà, bởi vì người ở đây có một câu nói: “Qua giờ mão, đến là người hay quỷ cũng không biết.”
Kết quả hôm ấy, Cốc sư phụ bán cực kỳ đắt hàng, mãi đến ba giờ hơn mới xong.
Ông thu xếp để về nhà, vừa nghĩ thế, một người bước tới trước mặt ông, gương mặt không chút biểu tình nhìn ông, nói muốn nặn một tò he.
Cốc sư phụ không ngẩng đầu, hỏi: “Anh muốn tò he hình gì?”
Người nọ trầm giọng nói: “Giống ta đây.”
Ông ngửa lên nhìn, không nhìn thì thôi vừa nhìn đã đại kinh thất sắc, người này trắng trắng mập mập, đội một cái mũ giấy nhòn nhọn, trên viết bốn chữ: “m sai phán quan”, áo bào màu trắng, chiếc lưỡi đỏ như máu dài cả thước.
Cốc sư phụ buộc miệng: “Ôi cha mẹ ơi! đây không phải cái tượng Bạch Vô Thường ở trong chùa hay sao?”
Có điều ông bình tĩnh nghĩ, đây chắc là có người cố ý trêu ông thôi.
Thế là ông gõ gõ cái bát con trên bàn, ý bảo hắn bỏ tiền vào.
Cái bát con này cũng là quy định, trong bát lúc nào cũng đổ nước vo gạo vào từ trước, ngũ cốc hoa màu dương khí nặng, nước vo gạo cũng thế, cũng có thể trừ tà xua ma, xu cát kỵ hung. Nghe nói nếu có yêu ma quỷ quái lấy đá sỏi hay lá cây biến thành tiền trêu người, đồng tiền đó sẽ tự động nổi lên.
Ông liếc mắt nhìn, tên Bạch Vô Thường kia lấy từ trong túi ra mấy thỏi đồng bạc nhỏ, thả vào trong bát. Mấy thỏi bạc kia rơi vào trong nước, ít phút sau lại chầm chậm nổi lên. Là một thỏi vàng giấy….
Ông ngẩng đầu nhìn Bạch Vô Thường, thấy hắn cũng đang nhìn chằm chằm vào ông, lúc này ông ta “Ba hồn mù mịt bay đầy trời – Bảy vía hỗn loạn lăn khắp nơi”, sau đó hắn nhỏ giọng nói một câu gì đó.
Câu nói này vừa thốt ra khiến ông lập tức ngoẹo đầu đổ người xuống đất, ngất đi….
Khi ông tỉnh lại đã là ba ngày sau, nghe nói là mấy người gần ấy thấy ông ngất xỉu, vội gọi người đến khiêng ông về nhà, ông sốt cao ba ngày liền, không dễ gì mới tỉnh lại. Cứ tưởng ông không sống qua nổi. Sau khi tỉnh, tính cách của ông cũng không hề thay đổi, chỉ chuyển sang làm nghề khác.
Nghề nghiệp này tương đối đặc biệt, gọi là “m sai dương gian”
m sai dương gian là thế nào?
m sai dương gian với m sai địa phủ là đối ngược nhau.
Hắc Bạch Vô Thường chính là m sai địa phủ, nghe nói khi có người sắp chết, Hắc Bạch Vô Thường sẽ tới lấy mạng, cầm xích sắt móc vào cổ, kéo hồn của người này về m Tào Địa phủ.
Còn người đang sống sờ sờ sao lại có thể làm m sai kia chứ?
Sách cổ cũng từng ghi chép lại khá nhiều, tương truyền rằng khi m Tào Địa phủ quá tải, thiếu nhân lực sẽ đi tìm một số người ở Dương gian đến giúp đỡ, hoặc là Diêm Vương nhờ người giúp đỡ xử lý một số công việc. Còn nguyên nhân chính xác là gì thì không ai biết được.
Tóm lại là, Cốc sư phụ sau khi gặp được Bạch Vô Thường đã trở thành m sai dương gian.
Công việc làm m sai dương gian này của ông có gì?
Cốc sư phụ thực ra không đi bắt người chết, mà thu nhận những âm binh miếu nhỏ không nhận, miếu lớn không thu, tróc nã hung ma, dẫn dắt những linh hồn cô độc. Bởi vì biết được ít huyền học, thỉnh thoảng ông còn tham gia phân loại bút khảo sinh tử.
Lại nói, Địa phủ với Dương gian thực ra không khác nhau là mấy, cũng phân thành các giai cấp, cũng có chức quyền, cũng có đạo luật, thậm chí đạo luật ở m gian còn nghiêm khắc hơn ở Dương gian. m gian có một đặc điểm là không thể dùng tiền tài đút lót, mua chuộc. Ở đây không thể đút lót bằng tiền bởi vì dù có tiền nhiều cũng vô dụng, bách tính bị xử phạt các loại chủ yếu dựa vào phúc đức tích lũy được khi còn sống, ai cũng như nhau cả.
Còn trách nhiệm của m sai dương gian thì sao? Ví như biết được vị m sai này, người ta có thể hỏi người thân mình đại khái còn bao nhiêu năm dương thọ, nếu phải chết vào trước Tết thì có thể cho thêm vài ngày, sung họp với gia đình mấy hôm, mơ hồ ăn Tết xong mới qua đời. Quan trọng hơn cả là có thể kiểm tra xem người đã chết lâu đã đi vãng sanh, đầu thai chuyển thế hay chưa. Nếu có người đồng ý bỏ ra số tiền đủ lớn, Cốc sư phụ có thể nhập đồng giúp gọi hồn người đã khuất về để người sống được nói chuyện với người chết. Thực hiện ước nguyện chưa thành, hay dặn dò con cháu.
Cũng nhờ vào chút bản lĩnh này mà vào thời đó, Cốc sư phụ đã trở thành một đại nhân vật nổi danh khắp xa gần. Suy cho cùng thì cho dù phú quý hay bần hàn, ai cũng có tổ tiên đã khuất, có tâm nguyện chưa hoàn thành, cho nên vẫn luôn có người đến tìm ông, dần dà, ông cũng tích góp được một số của cải không nhỏ. Dự tính xây cho mình một điện phủ, nào ngờ xảy ra chuyện quái sự, khiến cả đời phải mai danh ẩn tích…...”
Mai Hào xướng tích đến thời điểm mấu chốt, đột nhiên ngừng lại. Mọi người đang nhập tâm lắng nghe, hắn lại im lặng không biểu diễn, chỉ bảo rằng muốn nghe tiếp phải để lần sau? Phải công nhận nút thắt này quả thực vừa chuẩn vừa mang lại hấp dẫn, tò mò, xen lẫn cảm giác hụt hẫng. Có người bước đến dang cánh tay ngăn không cho hắn đi: “Này anh kia! anh mới xướng tích một nửa, sao lại không tiếp tục, rốt cuộc Cốc sư phụ gặp chuyện gì mà phải quy ẩn nhân gian...?”
Mai Hào cười hè hè, hai tay ôm quyền, quay một vòng xung quanh nói: “Các chư vị! Từ sáng tại hạ ở đây hầu xướng tích cho các vị xem, nửa ngày cơm chưa ăn, nước chưa uống, tất cả là nhờ vào cái mồm này mà sống. Hôm nay đành dựa vào các vị, có ít cho ít, có nhiều cho nhiều, giúp tại hạ có chén cơm mà ăn, sức khỏe tốt lên mới có thể xướng tích tiếp, các vị cũng hoan hỷ mà đón nhận không áy náy...”
Nói xong đã chìa ra một cái rổ tre, trong có lót một tấm vải đỏ. Mọi người xung quanh điều hiểu, đã đến lúc phải đưa tiền mới được nghe tiếp. Người Thái Nguyên rất thích nghe xướng tích, phải nói là “nghiện”. Cho dù là người từng trải cũng không biết được rốt cuộc Cốc sư phụ trải qua chuyện gì, bụng dạ cồn cào, xoa đầu bóp trán. Trước có nói thành Thái Nguyên dù nghèo hay giàu ai cũng hào hiệp, chỉ cần có bản lĩnh, họ sẽ không keo kiệt mà móc hầu bao ra cho. Hôm nay xướng tích “m sai dương gian” câu chuyện có thật về một cao nhân Cốc sư phụ được mọi người kính trọng, có đầu có đuôi, ý tứ rõ ràng, còn chưa đến khúc chính mà đã hấp dẫn như vậy, chắc hẳn câu chuyện tiếp theo rất đáng nghe, thật sự rất muốn nghe tiếp, nếu không về ngủ chẳng ngon giấc.
Nên sôi nổi cùng nhau góp tiền, Mai Hào đi một vòng, thoáng chốc đã thấy nặng tay, trong lòng mừng rỡ, cười thầm trong bụng, quả thật nghề này rất dễ kiếm tiền. Mai Hào cất tiền vào người, một lần nữa hành lễ, sau đó sửa lại tư thế, bắt đầu xướng tích tiếp.
“Câu chuyện tiếp theo diễn ra ở Phủ Đồng, tại phía Nam núi Thiên Thai, nơi nhiều mỏ đá nhất tại Tây Bắc. Nghề khai thác đá vốn là nghề động chạm đến thổ nhưỡng âm dương, vì muốn có đá buộc phải đào bới, chẻ đá, đặt hỏa dược, tất cả điều xâm phạm thổ thần. Theo âm dương, vạn vật dưới đất thuộc âm phủ. Khai thác, lấy đất đá trên thế gian quy về phạm giới, tai nạn là chuyện không tránh khỏi. Thử nghĩ mà xem, một cái mỏ đá nhỏ, người thợ cheo leo nơi vách đá, sử dụng dụng cụ thô sơ, sơ ý trượt tay rơi xuống xem như xong đời. Những cái đục bằng thép dày gần bằng cổ tay bị gãy ngay khi va vào đá cứng, máu thậm chí còn phun ra, tánh mạng thợ đá như treo đầu mũi dao. Điều mà sợ nhất trong mỏ đá thực ra không phải tai nạn mà là ma quỷ và những thứ xấu xa không thể hình dung.
Năm ấy…tại một mỏ đá nhỏ do một người tên Văn Tứ làm chủ, thân hình vạm vỡ, hai cánh tay rắn chắc, bắp thịt cuồn cuộn, vai rộng ngực nở, thân cao tám thước, mũi thẳng miệng rộng, mặt vuông mày rậm, hai mắt to như hai cái chuông đồng. Nghe nói Văn Tứ xuất thân là hạn bần hàn, từ nhỏ theo cha mẹ làm nghề đục đá kiếm cơm ăn, cái này còn gọi là “gần sông lắm cá ăn– kề núi thì ăn đá” ở đây ngoài bốn bề núi cao hang sâu thì chẳng có gì, người dân nơi đây đa số sinh sống bằng nghề thợ đá, bởi nó không cần tiền vốn, xách theo búa đục là có thể làm việc, đá trên núi rất nhiều, làm được nhiều hay ít cũng xem mình có bao nhiêu sức lực.
Cha mẹ Văn Tứ vất vả gần nửa đời người vẫn chưa thoát cảnh nghèo khó, chính vì hiểu ra vấn đề nên cha Văn Tứ mới quyết định, tăng sức lao động, làm ngày không đủ làm đêm, chỉ cần có chút vốn liếng tìm mua lại mỏ đá nhỏ từ “thợ” trở thành “chủ”mới hy vọng đổi đời. Vẫn có câu “Mệnh lý hữu thời trung tư hữu – Mệnh lý vô thời mạc cưỡng cầu” tức là có số hưởng trước sau rồi cũng được, không có phúc thì có muốn cũng không xong, cha mẹ Văn Tứ vì tương lai gia đình mà làm việc đến lao lực, lần lượt rũ áo chầu trời. Văn Tứ sau đó được bán vào làm nô dịch trong một mỏ đá, rồi đến lúc trưởng thành cũng trở thành một thợ đá lành nghề.
Trải qua trăm đắng ngàn cay, Văn Tứ tích cóp dần và cũng may mắn mua lại được một mỏ đá hoang phế với cái giá rẻ mạt, vì sao thế, nghe nói đó là một mỏ đá bị nguyền rủa.
Năm xưa trong lúc làm việc tại đây, một số thợ đá đã vô tình đào lên một chiếc hũ sành lớn, thân sành có chạy những đường chỉ vàng, bên trên nắp bọc kín một tấm vải đỏ, có vẽ lên thân một số hình thù kỳ quái bằng chu sa đỏ, nhìn rất là cổ quái.
Người thợ đá già tại đây, tưởng đó là đồ cổ nên rất vất vả mới đào ra được, nào biết sợ, cứ nghĩ trong cái hũ này biết đâu là một nơi chứa vàng bạc châu báu, có khi đổi đời thật, nên tháo dây buộc, xé rách tấm vải đỏ, chẳng mấy chốc bên trong lộ ra một cái túi vải mục nát, đúng là không thấy thì thôi nhìn rồi thì hồn phi phách lạc, da tóc dựng ngược, đúng là xúi quẩy chết đi được, chiếc hũ đó đựng xác một hòa thượng….
Nhưng tại sao cái hũ này lại xuất hiện ngay tại trung tâm mỏ đá này? lúc này ông chủ mỏ đá nghe huyên náo cũng biết được chạy ra xem, liền biết đây là chuyện chẳng lành, đấm ngực dậm chân than trời, mà có làm sao thì cũng đã muộn, chửi mắng thì cũng chửi, tức giận thì tức giận, chỉ còn cách nhanh chóng cử một thầy phong thủy đến xem xét.
Ông thầy phong thủy đến đi vòng quanh xem xét cả nửa ngày, bấm độn, xem sách, cuối cùng nói rằng đây chính là cách phong ấn gọi là “Xá lợi chi ấn” bởi nơi này khi xưa binh hoang mã loạn, từng là vùng chiến sự nên oán linh rất nhiều, yêu đạo hoành hành, chính vì nơi này quá lợi hại, có thể gây hại cho bá tánh, nên chính vị sư này đã phát thệ tự biến thân mình thành một ấn phù, nhằm giam giữ các oán linh nơi đây.
Chủ mỏ đá nhờ thầy phong thủy kia giúp cho mình hóa giải kiếp nạn này, ông ta miễn cưỡng nhận lời, cáo biệt quay về, hôm sau ông dẫn theo thêm mười sư thầy cùng ông ta đến trấn yểm, muốn ngăn chặn vong linh oán hận, nhưng kết quả mười vị sư thầy chết ngay tại chỗ cùng ông thầy phong thủy tiên sinh kia, cuối cùng ông chủ mỏ đá bỏ của chạy lấy người, cho đến khi được Văn Tứ hỏi mua lại mỏ đá của ông ta.
Văn Tứ trước khi mua cũng có nghe qua chuyện này, chính vì thế, nên mặc dù nơi này hàm lượng đá nhiều, giá lại rẻ mà chẳng ai ngó ngàng. Văn Tứ tính tình ngay thẳng, lá gan lại lớn, khí lực hơn người, ngoài trừ một thân cường tráng thì chả có bản lĩnh gì khác. Thiết nghĩ “to gan chết no – gan nhỏ chết đói” thà chết no còn hơn. Từ nhỏ chỉ lo sợ con ma đói, chứ nào thấy ma no, giờ chuyện cũng trải qua lâu, thứ nữa phải liều thôi, với thân thể này ba bò chín trâu có làm lụng vất vả thêm ba cái mạng, cũng không có hy vọng, rồi lại giống cha mẹ mình sao?
Nghĩ thế nên Văn Tứ quyết định vắt hết vốn liếng, mà thực hiện.
Văn Tứ mở mỏ đá, thời gian đầu cũng làm ăn thuận buồm xuôi gió, những tưởng qua cơn bĩ cực tới hồi thái lai, thì bắt đầu dần xảy ra chuyện tà môn, tai nạn liên tiếp xảy ra, nhân công phần đứt tay gãy chân, phần tàn tật, bỏ mạng ngày càng nhiều, hầu như diễn ra hằng ngày. Tất cả đều thấy là điều chẳng lành, cùng nhau bỏ trốn, trước tình thế đó Văn Tứ cũng ăn không ngon ngủ không yên, tìm mọi cách cứu vãn tình thế.
Với kinh nghiệm trải qua với mấy mỏ đá khác, nếu gặp phải chuyện không hay, thì lập đàn mời thầy pháp về làm lễ “trùng sát”. Cái gọi là trùng sát chính là dùng máu gà, máu chó, máu cừu, máu bò có sát khí nặng nhất, dùng thứ này để dọa những thứ xấu xa dưới mặt đất là được.
Nếu máu vẫn không được thì sao?
Vậy sẽ dùng mạng người để làm Phù huyết trấn áp. nếu như không vậy, e rằng sau này có bao nhiêu người thì sẽ chết bấy nhiêu người. Nói về Phù huyết này rất ác độc, có hai dạng:
Một là bỏ tiền thật nhiều cấu kết quan sai, tìm những kẻ phạm trọng tội đang chấp hành án, nhất là kẻ phạm tội giết người sát khí cao, mang lên mỏ đá xuống tay, lấy máu tên đó làm phù trấn huyết, lấy hung trị hung, hung sát cỡ nào cũng có thể được giải trừ.
Cách thứ hai này có phần tàn độc hơn. Trước đây khi ở mỏ đá cũ, Văn Tứ có biết rằng một số ông chủ đã qua trung gian tìm đưa nhiều người vô gia cư và những kẻ ngốc nghếch đến làm việc trong các mỏ đá, thoạt nhìn cứ tưởng là vì lòng nhân đạo, trên thực tế, các mỏ đá bắt cóc họ, cơ bản không phải là để làm việc. Mà là họ giữ những người này vì mục đích trùng sát.
Lúc đó, mỏ đá của Văn Tứ, làm thế nào cũng không xong. Gặp quan sai tìm phạm nhân thì bị từ chối, dù có ra giá bao nhiêu, do tình hình trị an lúc này cũng không có vụ trọng án nào, thì lấy đâu ra tử tù đây?. Lúc ấy một tên đàn em thân tín tên Tùng Lèm Bèm, tư vấn tìm mua một đứa trẻ ngốc nghếch năm sáu tuổi để chuẩn bị thực hiện cúng tế trong mỏ.
Văn Tứ lúc đó quả thật trong lòng hỗn loạn, cũng chẳng còn cách nào khác. Để trở mọi chuyện êm xui có lẽ phải nhẫn tâm dùng cách này thôi.
Hôm ấy Văn Tứ tìm một gã thầy hắc đạo, chuẩn bị làm pháp sự huyết trấn. Sự việc này cũng không nên làm quá rình rang, tránh việc ồn ào, dù sao cũng là giết một sanh linh, phạm pháp là điều khó tránh, nên chỉ thực hiện âm thầm. Một chiếc bàn đá, trên vài ba nén hương, dưới mặt đất trải đầy phù chú kì lạ.
Đứa trẻ được cho ăn no, ngồi xếp bằng giữa bàn, thân hình nhỏ nhắn, quần áo trên người đầy những mảnh vá chằng vá đụp. Tay nó cầm một đùi gà ăn ngấu nghiến, thấy mọi người xung quanh nhìn mình, chẳng tỏ vẻ sợ sệt gì, còn nở một nụ hồn nhiên, vì nó nào biết sau khi ăn hết đùi gà kia thì tánh mạng nó sẽ kết thúc tại đây…...
Văn Tứ trong tay con dao bén nhọn nhanh chóng vung xuống, chỉ nghe “Xoạc” một tiếng, máu tươi nhuộm đỏ khắp mặt đất ….
Muốn biết hồi sau như thế nào xin hẹn gặp lại ngày mai”
Đương lúc mọi người đang say sưa lắng nghe, hoàn toàn chìm vào câu chuyện, Mai Hào lại buộc nút thắt, không nói tiếp. Dù ai có nói thế nào, Mai Hào vẫn ung dung bước đi, bắt chước điệu bộ của lão Nguyễn Dinh hát :
“Hoàng hôn từ lâu đã tắt
Ánh sao còn đợi ánh trăng
Câu chuyện hôm nay xin dừng lại
Hẹn gặp ngày mai tại chốn đây...”