Chuyện kể về những năm cuối triều Tây Sơn. Tại thành Thái Nguyên giữa hàng trăm điện phủ thờ lớn nhỏ xuất hiện, tại Phủ Đồng có một ngôi Thần điện nguy nghiêm xem ra lớn nhất tại nơi này, nằm ngay vị trí thuộc về tâm linh bậc nhất trong thành Thái Nguyên. Thần Điện này trước mặt là sông Hồng, phía sau là núi Thiên Thai, địa thế bảo địa phong thủy, được gọi là Nguyệt Du Cung.
Theo các bậc cao niên tại nơi này, trước đây có một cây đa cổ thụ to lớn, phía dưới gốc đa có một điện thờ nhỏ, tương truyền có nói đây là nơi bà chúa Liễu Hạnh thường hay đến ngắm trăng sau đó bay về trời. Nên gọi là Nguyệt Du Cung tức là bà chúa Liễu Hạnh du ngoạn ngắm trăng. Sau này cây đa bỗng nhiên biến mất chỉ còn trơ trọi ngôi điện thờ nhỏ, thời gian trôi qua năm tháng không dừng, ngôi điện thờ bị hư hại và được người dân tôn tạo thành một ngôi thần điện mới khang trang hơn.
Thần điện Nguyệt Du Cung, mái ngói vảy cá cong vút, trên tạc song long tranh châu, gạch đỏ ngói đỏ, xà trụ gỗ lim có khắc chìm hình hoa lá chim muông sinh động “Đào Tiên Trường Thọ” “Kim Tiền Phúc Lộc”, trên cột có hai Ông Lốt ( Xà Thần) một Trắng một Xanh uốn lượn hai bên. Phía chính diện có ban thờ lớn phân thành nhiều cấp cao thấp, trên cao là Ngọc Hoàng Đại Đế, Nam tào Bắc đẩu ngự hai bên, phía dưới các Đức vua cha, rồi đến Tam tòa Thánh Mẫu, Ngũ vị Tôn Quan, Tứ phủ Chầu Bà, Tứ phủ Quan Hoàng, Thánh Cô, Thánh Cậu v, v...
Chếch về hướng Đông bắc có một ngôi đền to lớn không kém mang tên Vạn Kiếp, lấy theo nơi sinh thời của Đức Thánh Trần. Đầu tiên cổng lớn tam quan được thiết kế theo kiểu dạng bức cuốn thư với ba cửa, hai trụ biểu lớn và mái vòm nhật nguyệt. Bên trái cổng mặt ngoài có bốn chữ “Hưng Thiên Vô Cực”, phía dưới lại có 5 chữ “Trần Hưng Đạo Vương Từ”. Qua cổng lớn là đến khu đền chính gồm các công trình: Tiền tế, Trung từ và Hậu cung.
Kiến trúc tại các công trình này đều được sơn son thiếp vàng với những nét chạm khắc họa tiết rồng phượng tỉ mỉ đẹp đẽ, tinh tế nói lên tay nghề của các nghệ nhân lành nghề. Theo đó, gian Tiền tế đặt ban thờ ban công đồng Trần Triều, hai bên đặt tả chiêng hữu trống. Chính giữa Trung từ đặt tượng thờ tướng quân Phạm Ngũ Lão, hai bên là hai vị tướng Yết Kiêu cùng Dã Tượng. Tòa điện bên trong đặt tượng thờ Hưng Đạo Vương thần thái uy nghiêm, ánh mắt tinh anh. Phía trong cùng là hậu cung đặt tượng thờ Công Chúa Thiên Thành là phu nhân của Hưng Đạo Vương và hai người con gái của ông hay còn gọi là Nhị Vị Vương Cô.
Đền Vạn kiếp Trần Triều không thuộc Đạo Mẫu, có lối thờ phụng riêng và phép tắc có phần khác bên Đạo Mẫu theo lối Thần Chủ. Cả hai thuộc dòng Thiên Tiên tuân chỉ Ngọc Hoàng Thượng Đế mà giáng phàm để cứu dân độ thế, khuyến Thiện phạt Ác. Tuy có phần xuất phát khác nhau nhưng nhiệm vụ chính là cùng tế thế cứu độ chúng sanh.
Ngày hôm nay đền Vạn Kiếp nghi ngút khói hương, rất nhiều hoa trái gồm nhiều loại quả, cơi trầu cau, cút rượu, xôi thịt, gà cúng, giấy tiền mũ mão vàng giấy, ngựa hoa, cái nào cũng vài mâm chất cao quá đầu người. Lộng lẫy xa hoa, tiếng đàn nguyệt, phách, xen cùng tiếng trống rộn vang, người ra kẻ vào đền Vạn Kiếp như trẩy hội. Nguyên cớ là có một vị đại phú gia giàu có trong vùng muốn được Hầu đức thánh, trừ tà cho gia môn.
Vị đại gia chủ này họ Lý tên Thị Lê, hay còn gọi là Cụ Lý, nói qua quả phụ Lý Thị Lê này, gọi là “Cụ” thực ra chỉ mới bước qua ba mươi cái xuân, do cuộc sống bận rộn với công việc làm bánh, mặt mày tối ngày tiếp xúc với củi lửa, gương mặt ám khói đen sì, lồi ra hai con mắt trắng bạch như gấu trúc, hàm răng lổn nhổn, lưng còng tay cong, nhìn từ xa trông chẳng khác chi cương thi đội mồ sống lại. Trước kia” Cụ Lý” xuất thân nhà nghèo kiết xác ở cuối Phủ Đồng, quanh năm buôn bán bánh giầy gia truyền. Loại bánh truyền thống được làm từ gạo nếp, đồ nếp chín, giã cho thật dẻo mịn, phết một chút mỡ heo lên để chống dính rồi vắt thành từng miếng cỡ lòng bàn tay. Do là bánh giầy không nhân bằng nếp nên rất dẻo và nhạt nên khi ăn thì được được ăn kèm với thịt heo, thịt bò, ruốc. Lúc đốt lửa cho lên bếp nướng, mùi nếp thơm nức lan tỏa, ăn dẻo dẻo, kẹp vào giữa hai miếng bánh là một lớp thịt băm cho thêm tí muối tiêu vừa ấm nóng, ăn và thưởng thức chiếc bánh giầy dai dai, trắng muốt, mềm dẻo quyện thơm với mùi thơm giò, dẻo mà không ngán. Hàng bánh giầy gia truyền của Cụ Lý ngon nức tiếng xa gần. Ấy vậy mà gần non nữa cái xuân xanh bán bánh giầy, vẫn không tài nào vực được cái gia cảnh nghèo túng đến phát chán ấy, nguyên do cũng là do làm bao nhiêu thì tiêu hết vào nuôi con nhỏ, phần thuốc thang cho cha mẹ già, lại thêm ông chồng ốm yếu như cọng bún nay bệnh mai đau, tất cả gồng gánh lên vai của Cụ Lý hai cánh tay gân guốc nổi lên như rễ cây khô héo do giã nếp làm bánh, nhiều lúc Cụ Lý nước mắt chan bánh giầy, âm thầm rơi lệ khi đêm về.
Trong một lần được bạn bè giới thiệu tham gia vào một canh hầu Cụ Lý được Thanh đồng phán là có căn bề trên, vốn dĩ là có số phú thương, như bao năm qua không về nhờ mẫu bề trên khai sáng nên bị hành căn, con đường tài lộc vì thế mà tối đen như mõm chó. Thế là Cụ Lý khăn áo chỉnh chu, gom góp chút tiền còn sót lại, vay mượn khắp nơi mà theo hầu giá thánh.