• Màu nền:
  • Font chữ:
  • Chiều cao dòng:
  • Kích Cỡ Chữ:

Sách có nói thành Thái Nguyên ngư long hỗn tạp, rồng rắn lẫn lộn, nơi dưỡng người giàu nuôi kẻ nghèo. Có thực lực không lo có chén cơm mà ăn, tiếc thay cho Mai Hào, sau sự việc trên danh tiếng bị hoen ố, không thể nào như xưa, nối gót cha ông vào chốn quan trường trở thành quan văn, lại thêm không nghề nghiệp trong tay, không kế sinh nhai, trước cái gì cũng cha mẹ lo cho, giờ như kẻ lông bông, vốn liếng không có, chỉ còn lại ngôi nhà, nhưng cũng gọi là nhà được sao? Như đã nói từ trước, dòng họ Mai gia, tuy mang tiếng là có gia giáo văn phong, lại chỉ là cái vỏ bên ngoài, toàn là kẻ ăn hôi, khi Mai lão gia chết đi, Mai Hào dính vào lao lý, cả dòng họ lấy danh nghĩa ruột thịt đến đem hết đồ quý giá mang đi, tranh ảnh, bình gốm, giường tủ, toàn là đồ thượng hạng, ngay cả cái cửa nhà, cửa sổ cũng tháo, đến cái chuồng chó cũng mang đi mất.

Mai Hào thiếu gia quay về, thì chỉ còn trơ lại bốn bức vách tường trống hoắc, hoen ố bong tróc, nếu khế ước tiền sản không đứng tên mình, e cọng cỏ cũng không còn. Vậy thì phải sống sao đây?

Mai Hào thiếu gia trở lại tìm gặp dòng họ nội ngoại, mong trả lại tài sản, hy vọng còn chút gì đó cứu vớt, thì họ viện cớ không hay không biết, còn trơ tráo trở mặt, nay tránh mai né không gặp mặt. Có người còn kêu mấy tên gia nô canh cửa, cứ gặp mặt thiếu gia họ Mai là đuổi, không đi thì đánh đập thẳng tay, tội cho Mai Hào thiếu gia trước còn thời vận tốt ai gặp cũng cúi đầu, giờ người cúi đầu lại là mình, Mai Hào giờ mới thấm thế nào là “tình người ấm lạnh – Thói đời bạc bẽo” nuốt nghẹn vào lòng, khóc không ra nước mắt.

Người máu mủ thân thích còn vậy, huống chi là đám bạn hổ bằng cẩu hữu, trước tung hứng xưng huynh gọi đệ, giờ cũng trở mặt còn nhanh hơn lật sách, trở thành bọn ôn dịch không hơn không kém.

Ngôi nhà Mai gia xưa kia lớn nhất nhì trong vùng, giờ trở nên xơ xác, hoang phế, lại không tu sửa càng ngày xuống cấp, đông lạnh gió lùa, hè nóng mưa dột, đến cửa còn không có, chỉ sợ giông gió, mưa nắng còn có chỗ mà trú, gió to giông bão biết chạy nơi đâu, chỉ sợ thổi tung nóc nhà, lại thêm kẻ ác miệng cho rằng ngôi nhà họ Mai có ác linh trú ngụ, nên hại cả nhà ly tán, thân bại danh liệt, nên có rao bán chắc cũng không ai dám mua.

Thói đời “Không sợ trước bần sau phú, chỉ sợ trước phú sau bần” thà nghèo trước giàu sau, chứ còn giàu trước ăn sung mặc sướng, sau thành nghèo hèn thì chua chát lắm thay. Có câu nói “Đói đầu gối cũng bò” Mai Hào thiếu gia vì kiếm cái ăn, thu lại điệu bộ khi xưa, cũng vì một chữ” sống” mà phải hiểu thế cục đã khác, tự nhủ bản thân phải biết mình biết ta mà thay đổi.

Mặc dù nói xung quanh không có ai giúp đỡ cũng không đúng, trên đời có kẻ ghét cũng có người thương, đó là những người trước kia ít nhiều được Mai lão gia cưu mang giúp đỡ, giờ gặp lại con trai ân nhân, họ cũng không nhắm mắt làm ngơ.

Mai Hào vì kiếm miếng ăn lê la khắp thành Thái Nguyên, đường lớn ngõ nhỏ, dập đầu không biết bao nhiêu thềm cao cổng lớn, mắt thấy tiểu thư thiếu gia con nhà người ta, sống trong nhung lụa, ăn sung mặc sướng, da trắng môi hồng, da bụng căng tròn, gò má phúng phính, tay cầm đùi gà luộc vừa chín, thuận miệng cắn một miếng, nước mỡ thơm phức chảy ra ướt đẫm áo. Nhìn lại bản thân mình, quần áo không lành lặn, đầu bù tóc rối, chỉ còn da bọc xương, da dẻ bủng beo, tay cầm bát cơm bố thí, vài ba miếng ăn, xương nhiều hơn thịt, cho chó còn chê. Cũng đều là thân phận con người như nhau, chỉ vì sai lầm một chốc đánh đổi cả tương lai sự nghiệp, tất cả là lỗi do mình, lúc đi nhờ vả miệng cố cười, nhưng ai đâu biết đêm về, nhìn lại ngôi nhà, nhớ gia cảnh trước đây, chỉ biết âm thầm rơi lệ, thường tự hỏi: Cuộc đời Mai Hào ta cứ mãi thế sao?

Càng nghĩ càng không cam lòng, cảm thấy uất nghẹn, chí khí dâng trào, thầm hạ quyết tâm không thể cứ sống kiểu này mãi, quyết vực dậy gia đạo họ Mai.

Mai Hào nào đâu có nghề ngỗng gì, một xu dính túi cũng không có, thế thì làm cách nào đây?

Anh ta chợt nhớ lại, cũng câu nói của cha mẹ “Sống chết nhờ miệng” há chẳng phải trước đây ta học sách thánh hiền, kiến thức một bụng, chẳng phải đã được Cốc sư phụ dạy qua đôi chút về hát văn hầu giá sao? tại sao không kiếm sống bằng cái “vốn tự có” này chứ? Nghĩ xong khoái chí vỗ đùi đen đét, giống như vừa tìm thấy ánh sáng cuối đường hầm. Lấy cây que vạch vạch xuống đất, vẽ lên kế hoạch “kiếm cơm”.

Thời này như đã nói ở trên, Thành Thái Nguyên rộng lớn, thánh địa của đạo Mẫu Tam Tứ Phủ - Trần Triều, nơi này trăm nghề hội tụ, là cái Thực Bảo Bồn dành cho tất cả mọi người kiếm cái ăn, ngoài những nghề bình thường ra, thì có những nghề được gọi là cao cấp hơn tất thảy đều có liên quan đến Đại Đạo, ai có được danh tiếng “nghệ nhân” này xem như hào môn cửu đỉnh, đó là nghề : Hầu dâng. Làm vàng mã, Hát văn hầu giá, May, thêu khăn chầu áo ngự. V.v…

Đây là Mai Hào nói đến đó là hát chầu văn, hầu giá thánh, nghe thì chẳng có gì, nhưng kỳ thực muốn ăn bát cơm này không phải dễ, mà là… cực khó. Trước đây là do Cốc sư phụ dùng đạo thuật hỗ trợ hát vài câu chú triệu thánh, còn không thì tất thảy phải trải qua tầm sư học đạo lĩnh ngộ trong nhiều năm, chứ không phải biết ca hay đàn giỏi là được.

Trước tiên là trải qua sự chấp thuận của Hội Đồng Cai, cấp sắc ban ân cho phép hành nghề, sau phải có đội ngũ ban bệ phía sau hỗ trợ, nhạc cụ cũng theo khuôn theo phép: Đàn nguyệt, Bộ gõ, Phách, Trống cái, Thanh la, Mõ, Tiêu, Sáo ….Tiếp theo là sự luyện tập, giọng hát phải mượt mà óng ánh, luyến láy bay bổng, điêu luyện chạm đến lòng người.

Nghề này nhất định còn phải giỏi về thơ ca, ứng diễn nhanh nhạy, hiểu về công tích, ca ngợi công đức các Thánh nam, khen ngợi vẻ đẹp các Thánh nữ. Vạn nhất chầu văn hát sai hát phạm, bị các Thánh quở phạt, đang lên đồng nghe không lọt tai, nhẹ thì thuận tay ném các đạo cụ về phía cung văn, nặng cung văn này phải ba ngày ba đêm dâng hương, quỳ đến chảy máu đầu gối xin xá tội...

Bạn nghĩ xem có dễ không?

Chính vì thế nên Mai Hào phút chốc hào hứng ban đầu, trăm tính vạn toán cũng rơi vào bế tắc. Mắt thấy trời đã về đêm chả biết là canh mấy, lúc này trăng sáng sao thưa, bốn bề tĩnh mịch, Mai Hào tự nhủ: “Đúng là thân ta đến cùng đường mạt lộ, quay trái quay phải cũng không thấy lối ra, tất cả cũng bởi chữ tiền, sinh ra sống nhung lụa, giờ lại như kẻ mạt hạn, cuộc đời sao tối đen như ngoài màn đêm kia... hmm. Cái lão già Cốc kia còn nói ta sẽ cứu nhân độ thế cái gì gì đó, nghĩ thôi đã thấy hồ đồ rồi...”

Mai Hào mãi cảm thán, bất tri bất giác, gục đầu lên gối ngủ thiếp đi lúc nào không hay, mơ mơ hồ hồ nghe ai đó nói thì thầm bên tai gọi tên mình. Mai Hào cả kinh, ngước mặt nhìn xung quanh, ánh sáng từ đống lửa soi rõ gian phòng, nào có ai? Hay mình mệt quá nên nghe lầm? ánh mắt hoảng hốt nhìn về phía trước, chợt thấy có một ngọn lửa lớn bay lơ lửng phía cửa sổ, tự nhủ hay rằng mình gặp ma trơi, nhưng ma trơi mà hắn thấy tại hang Trấn Quỷ có màu xanh đen, còn đốm lửa này lớn như một ngọn đuốc sáng vàng rực, tỏa ra kim quang như ánh mặt trời. Hắn đứng lên, uể oải vươn vai nheo mắt cố nhìn, rồi như có một lực kéo hắn đi về phía ấy.

Bước gần đến, chợt thấy cảnh quang thay đổi lạ kỳ, một cánh cửa màu vàng hiện ra trước mặt, mở cửa bước vào phía trong, là một thư phòng tràn ngập các giá sách, trái phải trên dưới toàn là sách với bì họa, giữa gian phòng trải thảm hoa, trên có chiếc bàn bằng gỗ có để sẵn một cuốn sách vàng, bên cạnh ngọn nến đang cháy, ánh sáng tỏa ra trong vô cùng kì diệu. Mai Hào bước tới, tiện tay lật xem từng trang sách, thì ra đây là cuốn kinh thư, viết về các điển tích, thánh tích, sự tích các thánh thần, Phụ, Mẫu, Quan, Cô, Cậu, đều có ghi chép tỉ mỉ trong này. Mai Hào giống như bị cuốn vào sách, say mê đọc không biết trời cao đất rộng là gì. Chợt nghe tiếng nói: “Đọc bấy nhiêu cũng đủ rồi về đi con”, kèm theo là một cái chạm vào vai, Mai Hào quay sang, thấy một vầng hàn quang chói lóa, giật mình tỉnh giấc, thấy mình vẫn ngồi ngủ gục tại gian phòng, toàn thân ướt đẫm mồ hôi lạnh. Ngẩng đầu nhìn bên ngoài, thấy sắc trời đã gần sáng, từ xa tiếng gà vọng lại, mới biết mình vừa trải qua giấc mộng Nam Kha…

Qua ngày sau Mai Hào lân la đến các đền thờ, phủ điện khắp nơi tìm xem có gì hay ho. Chợt thấy phía trước một cái chợ nhỏ, trông thấy rất nhiều người tụ tập một chỗ, chen chúc tầng trong tầng ngoài, chật kín không một khe hở, gió cũng không thể lọt qua, chỉ là người xem tuy nhiều, nhưng lại không náo nhiệt như mọi khi, chẳng ai nói câu nào, cả đám như uống phải thuốc câm, im lặng như tờ. Mai Hào trong lòng khó hiểu, bước gần lại xem, phát hiện giữa sân có một ông lão, tay cầm gậy trúc, đầu đội khăn vải, thân hình linh hoạt, điệu bộ từ tốn, khua tay múa chân, miệng liến thoắng kể chuyện tích xưa. Thì ra đây là một người “Xướng Tích”. Thế nào gọi là “Xướng Tích”?

Xưa kia không như bây giờ, giải trí, biểu diễn, thú tiêu khiển cũng rất hạn hẹp. Dân chúng sau một ngày lao động kiếm miếng ăn, tối đến thì cũng trèo lên giường thổi đèn đi ngủ, chỉ vào dịp lễ tết mới có tiết mục ca xướng kịch nghệ của nghệ nhân từ thành Thăng Long đến phục vụ. Ngoài nhu cầu ăn ngon mặc đẹp, con người cũng cần có cái tiêu khiển. Người phú quý, cưỡi ngựa thuê xe, cùng gia quyến lên kinh thành xem náo nhiệt. Kẻ bần cùng, bán mặt cho đất – bán lưng cho trời thì kiếm miếng ăn bỏ vào mồm còn khó, hai từ “giải trí – tiêu khiển” xem ra quá tầm tay. Bởi vậy ở đâu có nhu thì sẽ có cầu. Người giàu xem kịch nghệ, hầu dâng, chầu văn chính thống tại cửa điện phủ to cao lộng lẫy, được thánh ban lộc giời, xem thanh đồng múa hát, trình diễn nhạc hát cung văn, toàn là người được đào tạo hẳn hoi, không khí trang nghiêm thanh thoát, mấy phần cao quý.

Tầng lớp bình dân áo vải thì chọn cách tiêu khiển khác, như xem: mãi võ sơn đông, múa rối bóng, xướng tích. Xướng tích” là tổng hợp giữa hai hình thức, hát và kể, về giai thoại công tích của các vị tôn thánh, cứ một đoạn hát ca, thơ phú lại chen vào một câu chuyện dân gian truyền kỳ. Nghe kỳ thực là rất dân dã, nhưng trong những người “xướng tích” ấy có không ít cao nhân ngọa hổ tàng long, bởi loại hình này không chọn nơi cao sang, mà là đất trống ven đường, đông người qua lại, cửa chợ, cửa thôn, ngã ba ngã tư, chọn mảnh đất không sình lầy, phát cỏ, quét lá, đặt một chiếc chiếu hoa, là có thể hành nghề, tất cả quay lại một vòng, nếu không biết cách thu hút, người ta sẽ bỏ đi, phí công uổng sức cả ngày mà không được đồng nào, nên phải đầu tư nội dung hấp dẫn, câu truyện phải lôi cuốn, có thể thu hút khiến người nghe dừng chân, cho dù lửa cháy động đất cũng không rời đi, mới hy vọng ăn được bát cơm này.

Thời xưa thường nói, hành nghề xướng tích, tuyệt đối không phải người bình thường, kiểu gì cũng “Tài trạng nguyên, năng trạng võ” còn phải vứt bỏ cái sĩ diện, liêm sỉ để kiếm cái ăn. Không phải mồm mép nhanh nhạy là có thể làm được, mà còn tùy vào tài ứng biến tức thời, chủ yếu đầu óc linh hoạt, khi ấy làm gì có sách vở, tài liệu tham khảo, mà là tự tìm hiểu, nghe bên Đông, ngóng bên Tây một câu truyện truyền thần, sau đó về xào nấu thành cái của mình.

Lại còn phải tự luyện tập “Thanh họa” dùng thanh âm từ miệng hình thành phong ngữ, ví như người già nói như thế nào, trẻ con phát âm ra sao, người bệnh người khoẻ nói ra sao, tướng quân oai phong, kẻ nhu nhược, người cương nghị đều phải ra được cái hồn nhân vật. Điệu bộ cử chỉ phải thích hợp cho nhân vật mình thủ vai.

Mai Hào trước đây cũng nghe đến loại nghệ nhân này, chỉ là trước không có cơ hội, lần này đúng với câu nói “đi một ngày đàng, học một sàng khôn”. Mai hào cố tìm một khe hở trống, vươn cổ kiễng chân, nhìn vào xem náo nhiệt.

“Hỡi các vị già trẻ gái trai, hương thân phụ lão... tới đây, tới đây!! . Hôm nay lão phu tới quý bảo địa, giữa đường cạn lộ phí, vẫn có câu, người nghèo mãi võ lề đường, xướng tích mua vui, lão đây không nói mình hay ho, trong các vị đây hẳn có người ngọa hổ tàng long, múa một vòng, hát một câu, thì chính là cao nhân, xin được múa rìu qua mắt thợ, mạn phép biểu diễn xướng tích, mong quý vị tìm ra chỗ sai trái. Thấy hay thì mới đưa tiền, không hay cứ việc rời đi, tuyệt không nữa lời oán trách….xin đa tạ.!! .”

Lão vừa nói xong, đột nhiên “Hây da!! !” một tiếng thật lớn, làm tất cả chú ý vào mình. Lão này quả thật cao thâm khó lường, giọng điệu thật rõ ràng, phát âm nhuần nhuyễn, vừa mở miệng, đã giống như biến thành một người khác, từng câu từng chữ như rót vào tai, chứng tỏ rất thạo nghề. Câu chuyện lão kể là một câu chuyện truyền thần, lưu truyền dân gian tại Phủ Đồng, lập tức thu hút người xem.

“Ngày hôm nay lão sẽ kể cho các vị đây nghe một câu chuyện truyền kỳ về Uy Viễn đôn Tỉnh cao sơn Quảng độ chi thần – Dương Tự Minh. Đức thánh Đuổm.

Quan triều hiển Thánh thiên thu tại

Động Đạt giáng thần vạn cố hương.

Đất quan triều hiển Thánh từ ngàn năm vẫn còn đó,

Xã Động Đạt giáng làm thần muôn đời hương khói thơm ngát.

Tương truyền rằng vào triều đại nhà Lý, dưới chân núi Đuổm có một bản nghèo gọi là bản Doanh. Cả bản chỉ có mươi nóc nhà gianh tre đơn sơ, nằm ẩn khuất dưới tán cây rừng, trong đó có một túp lều nhỏ tuềnh toàng không ai ngờ, đó lại là nơi ăn chốn ở của một viên quan châu mục danh tiếng Dương Bình Giản.

Quan châu mục họ Dương, xuất thân một dòng tộc đầy thế lực của người Tày ở vùng phủ Phú Lương. Ông từng là thủ lĩnh trong vùng, lập nhiều chiến công chống quân Tống xâm lược lần thứ hai trên chiến tuyến sông Cầu. Trong sách có nói : ấn đường hẹp, nhân trung ngắn, cổ rụt, khóe miệng kéo xuống, nhìn qua thì có vẻ hung ác, thực ra là người ngoài ác trong thiện, Ông vốn người trung hậu, một khi có bằng hữu đến nhờ giúp đỡ, cho dù có bao nhiêu cực khổ, dốc hết tài của, chặt tay chặt chân, ông ta nhất định sẽ giúp, lại giàu lòng nhân từ có bao nhiêu bổng lộc đều chia sẻ cho người nghèo khó xung quanh, nên về già không có nhà cao cửa rộng, sống nghèo khổ cũng là đều dễ hiểu.

Sống nhân từ đức độ vậy mà mãi vẫn không có con nối dõi, mãi đến năm ông bà ở tuổi thất thập mới sinh cậu con trai. Chuyện kỳ lạ là vào buổi chiều ngày hôm ấy có một con chim đại bàng thật to lớn, dang đôi cánh che khuất mặt trời, cất tiếng kêu rung động sơn trang, bay vài vòng quanh đỉnh núi Đuổm, thân chim màu sắc óng ánh, kim quang sáng lóa mắt, như báo hiệu có một thánh nhân xuất hiện.

Lúc Dương phu nhân sinh con, túp lều tranh bỗng thấy bừng lên sáng rực, hàn quang lấp lánh, ánh sáng ấy như tỏa ra từ đứa con trai. Do đó ông đặt tên con là Tự Minh (tự mình sáng) .

Năm Dương Tự Minh ngoài 20 tuổi, trong vùng bọn phỉ tặc hoành hành cướp phá, dân tình vô cùng khốn khổ. Dương Tự Minh thành lập đội dân binh, cùng hàng trăm trai tráng trong vùng nô nức gia nhập đội. Đội dân binh do Dương Tự Minh chỉ huy đã chặn được sự hung hãn của bọn phỉ tặc, giúp làng bản trở lại yên bình.

Vào năm Đinh Mùi (1127) vua Lý Nhân Tông liền mời Dương Tự Minh về triều ban thưởng nhiều của cải vàng bạc, gả con gái là công chúa Diên Bình cho và tổ chức đám cưới tại Kinh đô, phong cho chức Châu mục vùng thượng nguyên và trấn trị cả phủ Phú Lương rộng lớn, một vị trí chiến lược trọng yếu trong công cuộc bảo vệ biên cương đất nước.

Ông chăm lo xây dựng phủ Phú Lương ngày càng phồn thịnh và có công lớn giữ yên bờ cõi phía bắc Đại Việt. Dương Tự Minh là người thông minh lanh lợi, tài năng, đức độ, thẳng thắn trung thực, có sức khỏe hơn người, được nhân dân khắp vùng biên cương yêu mến, triều đình tin cậy.

Mang thân là quan mục Châu nhưng Dương Tự Minh giống cha mình vẫn coi mình là thành viên bản làng, cùng dân bản bắt tay lao động, cùng dân đi cày, bắt cá, bao năm tại vị vẫn ở ngôi nhà đơn sơ, không có một gia nô hầu cận nào.

Đến năm Đại Định thứ 5 (1144) có kẻ yêu thuật người triều Tống là Đàm Hữu Lượng trốn sang châu Tư Lang, tự xưng là Triệu tiên sinh nói là vâng mệnh đi sứ, nhưng lại âm thầm xây dựng thanh thế, dụ dỗ con dân nước An Nam. Các khe động dọc biên giới thấy có kẻ pháp sư, hô thần hoán vũ, có tài phép nên có nhiều người cả tin mà đi theo. Đàm Hữu Lượng đem đồ đảng đi khắp nơi chiếm đóng, lúc này đã đến cướp châu Quảng Uyên. Thanh thế ngày càng hung bạo.

Cả triều đình nhà Lý lo lắng, hoàng thượng Thần Tông cho người đi cầu hiền tài phò vua cứu nước. Lúc này Dương Tự Minh đã nghe tin tới đền rồng, xin gặp vua để xung phong diệt giặc cứu nước. Đích thân nhà vua trao cho ông thanh Thượng phương bảo kiếm và phong cho chức Đô đốc Thống binh, giao cho 3 vạn binh mã.

Dương Tự Minh chia quân thành hai đạo, trận chiến diễn ra theo thế gọng kìm, quân Lý tiến công như vũ bão và Dương Tự Minh cầm thượng phương bảo kiếm giết chết Đàm Hữu Lượng, lấy thủ cấp treo đầu ngựa, rồi dẫn đoàn quân chiến thắng về kinh đô. Vua Lý sai các quan đại thần ra khỏi thành đô 10 dặm để đón, nhân dân khắp các bản làng, kinh thành mở hội khao quân. Dương Tự Minh được nhà Lý gả cho thêm một nàng công chúa là Thiều Dung.

Triều Tống sau trận chiến thua chóng vánh đến không ngờ, lại nghe nói nước Nam có Thần Nhân hỗ trợ nên e sợ. Hơn 100 năm sau, nhà Tống không dám lăm le và phải công nhận nền độc lập của Đại Việt.

Khi vua Lý Thần Tông băng hà, hoàng thái tử Thiên Tộ nối ngôi khi mới 3 tuổi, hiệu là Anh Tông Hoàng đế, tôn mẹ là Hoàng hậu Lê Cảm Thánh làm Thái hậu. Lê Thái hậu lại tư thông với Thái úy Đỗ Anh Vũ, cho nên phàm việc gì bất cứ lớn nhỏ đều ở tay Vũ quyết đoán cả. Đỗ Anh Vũ được thể ra vào chỗ cung cấm, kiêu ngạo và khinh rẻ đình thần, ức hiếp vua, uy hiếp quan lại trong triều.

Năm Đại Định thứ 11, tức 1150, các tướng lĩnh chỉ huy đội quân cấm vệ như Vũ Đái, Nguyễn Dương, Nguyễn Quốc và Dương Tự Minh thấy Đỗ Anh Vũ lộng quyền nên bàn sự trừ khử. Tuy nhiên, đại sự không thành nên các quần thần, người bỏ mạng kẻ vong thân. Dương Tự Minh bị bắt đi đày, rồi sống những năm cuối đời dưới chân núi Đuổm.

Dân gian lưu truyền, sau này khi Dương Tự Minh trở về quê, ông cởi bỏ quần áo xuống tắm mát trong dòng sông Phú Lương quê nhà để trút bỏ hết bụi trần. Sau đó, ông mặc lên mình bộ quần áo chàm xanh của người Tày rồi cưỡi ngựa bay về trời…

Câu chuyện truyền thần về Đức thánh Đuổm rất nhiều ví như: Chiếc áo tàng hình, Sự tích Ao chuông lăn, Thánh Đuổm tróc tà thần... v.v còn rất nhiều, rất tiếc thời gian đã hết, sức khỏe tuổi già cũng đã cạn. Nên nhớ đây chỉ là câu chuyện mở đầu về Thánh Đuổm, xin hẹn gặp lại ngày mai, với câu chuyện linh ứng cực hay : Thánh Đuổm tróc tà thần….”

Lúc này lão mới hạ tay thu lại điệu bộ, giọng nói cũng trở lại bình thường, đảo mắt nhìn xung quanh, thấy một đám trợn mắt vểnh tai, tập trung tinh thần lắng nghe, mồm không khép lại được, tò mò được nghe tiếp. Chỉ là lão chợt ngưng lại làm người nghe cụt hứng, anh một câu tôi một câu, cùng nói lão kể tiếp, thấy mọi người mặt đỏ, mông không rời đi, biết đã đến lúc thu tiền, gương mặt lão toát lên một ý cười nói: “Các vị, các câu truyện sau dám cam đoan sẽ rất tuyệt, chỉ mình lão tìm hiểu khắp nơi, tốn không biết bao nhiêu tâm sức mới thu nhặt được, đêm nằm suy tính, phân tích sắp xếp hợp lý mới có cài biểu diễn cho các vị xem, chỉ là lão phu, thân thể cũng cần có cái bỏ vào bụng mà sống, các vị nghe sướng tai, sau đó phủi áo rời đi, chỉ có tôi chịu khổ, chi bằng mỗi người góp một chút, lão phu không bị đói chết, các vị có cái để nghe, rồi thuật lại cho con cháu sau này, còn nếu không có tiền cũng không sao, dừng lại cổ vũ nhiệt thành, lão phu vô cùng biết ơn...”

Người Phủ Đồng dù giàu có hay nghèo hèn, cũng thuộc vào loại tốt bụng, không phải bủn xỉn keo kiệt, thấy lời nói của lão cũng có lý. Người ta đã có sức biểu diễn, hao tâm tổn sức, bản thân chỉ ngồi hưởng thụ thì tiêu hao mấy đồng bạc cũng có sao, nên khi lão đưa tay đi một vòng, ai nấy đa số điều móc hầu bao ra cho, tuy cho không nhiều, như người xem không ít, người ngồi kẻ đứng, tính ra gần cả trăm người, ngươi hai bạc ta một đồng, gom lại cũng kha khá.

Xong xuôi lão đứng chắp tay, nở một nụ cười tươi, ngẩng mặt hát một câu :

“Hoàng hôn từ lâu đã tắt

Ánh sao còn đợi ánh trăng

Câu chuyện hôm nay xin dừng lại

Hẹn gặp ngày mai tại chốn đây...”

Danh Sách Chương:

Bạn đang đọc truyện trên website TruyenOnl.COM
BÌNH LUẬN THÀNH VIÊN
BÌNH LUẬN FACEBOOK