Sức nặng của quan tài, cộng thêm trọng lượng của thi thể, hơn nữa còn có sức nặng của gậy và đón gánh, dù là với những người trẻ tuổi cường tráng cũng là chuyện không dễ dàng. Ra khỏi cửa thôn, đi thêm một đoạn đường đã đổi một nhóm khác lên khiêng nhưng vì linh cữu nặng nên mọi người đều bước nhanh hơn.
Mà theo cách nói của dân gian thì có một cách lý giải sao quan tài lại ngày càng nặng. Cách lý giải này có một phần là thật, không phải nói sức nặng của linh cữu thật sự tăng lên mà do cảm nhận chủ quan của người khiêng.
Mà đổi thành người ngoài thì có cảm giác rất…
Người trong quan tài luyến tiếc dương thế, không muốn xuống địa phủ.
Cũng chính vì vậy mà người khiêng quan tài mới chạy ngày càng nhanh, muốn sớm để linh cữu của người chết được chôn cất. Một khi linh cữu được nhấc lên, giữa đường không thể dừng lại, càng không thể rơi xuống đất, nếu không chính là điềm đại ác. Từ nhà cũ tới nghĩa trang Nam Sơn có một đoạn phải đi qua đường cái. Trên đường cái có xe cộ và người đi đường qua lại, thấy đội ngũ đưa ma họ đều tự động né tránh. Bởi vì không thể cản đường linh cữu, làm như vậy đối với người ta hay với mình đều không tốt.
Đi qua đường cái chính là đường nhỏ của thôn dẫn lên núi. Đường này hơi khó đi, quả thật như Ngô Vương thị nói, càng về sau, Liên Mạn Nhi đỡ Trương thị, gần như là chạy mới có thể đuổi kịp đội ngũ. Nàng là chân to còn như thế thì càng khổ cho các nữ nhân chân bó tới đưa ma.
Nữ quyến hàng xóm láng giềng không tham gia đưa ma nhưng các nữ quyến trong nhà phải đi. Tưởng thị và Liên Nha Nhi đi sau Hà thị. Liên Lan Nhi dẫn theo Ngân Tỏa cũng tới. Tưởng thị, Liên Nha Nhi, Liên Lan Nhi và Ngân Tỏa đều bó chân, dù thở hồng hộc cũng vẫn bị tụt lại phía sau.
Nghĩa trang Nam Sơn Liên Mạn Nhi đã tới mấy lần. Hôm nay là đầu xuân, khắp núi khô héo khiến cho cả ngọn núi lộ vẻ trang nghiêm, thê lương. Liên Mạn Nhi từng nghe lão nhân trong thôn nói, phong thủy của Nam Sơn là nơi xây nghĩa trang tuyệt vời. Đời đời mọi người trong thôn đều được chôn cất ở ngọn núi này. Mấy ông già còn nói, sở dĩ Tam Thập Lý doanh tử hàng năm mưa thuận gió hòa, cực ít thiên tai đều được sự che chở của phần mộ tổ tiên được chôn cất tốt, cũng chính là do dãy núi này có phong thủy tốt.
Liên Mạn Nhi không hiểu thuật phong thủy, nàng chỉ cảm thấy dưới núi này có nước chảy qua. Cả dãy núi mặc dù không có hình dạng đặc biệt, phong cảnh cũng không được coi là tuyệt vời nhưng cực kì thích hợp cho rừng cây sinh trưởng, môi trường yên tĩnh thanh u. Sống ở trong đó khiến cho lòng người càng bình thản.
Như vậy dĩ nhiên là vô cùng tốt, hơn nữa cực kì phù hợp với tư tưởng Trung Dung.
Đội ngũ đưa ma đi tới trước mộ của Liên gia thì dừng lại, mộ của Liên lão gia tử đã được đào xong. Đây là do ngày hôm qua, Ngô Ngọc Xương mời mấy người đào mộ, cũng để Liên Thủ Nhân lên núi chỉ rõ chỗ đào mộ nên mới có thể đào xong.
Khu mộ của Liên gia chỉ có một phần mộ đắp thật cao, đó là mộ hợp táng của cha mẹ Liên lão gia tử. Mộ của Liên lão gia tử được đặt ở dưới mộ này, cũng chính là dưới gót chân cha mẹ ông. Vị trí này là do Liên lão gia tử chọn từ lúc còn sống. Mà phương pháp chôn cất cũng là loại phương pháp bình thường phổ biến nhất trong dân gian, thuật phong thủy gọi là chôn ôm con.
Trong lòng ôm con, có thể bảo vệ gia đình yên bình, con cháu đời sau kéo dài mãi mãi.
Mà loại chôn cất này đồng thời cũng mang ngụ ý về thân tình, luân thường đạo lý sâu sắc. Sau khi con trai chết đi, quay về bên cạnh cha mẹ, rúc vào dưới đầu gối cha mẹ, cha con đoàn tụ.
Người thân trong gia đình như Liên Mạn Nhi đều quỳ trước mộ Liên lão gia tử, Ngũ Lang và tiểu Thất cầm mấy xấp tiền vàng, trước tiên đốt trước mộ phần của cha mẹ Liên lão gia tử, sau đó mới hướng về bốn phương đốt một ít, tới giờ chôn cất, quan tài của Liên lão gia tử được chậm rãi đặt vào trong mộ, tiếp theo các thanh niên hỗ trợ bắt đầu xúc đất đổ đầy mộ.
Trên nghĩa địa, tiếng khóc vang lên.
Mộ rất nhanh bị đắp thành một gò đất, các loại vòng hoa, con lừa, mục đồng và ghim giấy đều được đốt trước phần mộ, Liên Thủ Tín im lặng quỳ trước mộ, đốt vàng mã.
“Ném bồn, đến lúc ném bồn rồi.” Một lão nhân hô.
Ném bồn tang là một việc quan trọng. Cái gọi là bồn tang là một loại chậu sành thô, luôn đặt trước linh đường để đốt vàng mã. Cái bồn này là do Liên Thủ Lễ ôm lên núi, cần phải ném vỡ vụn trước mộ của Liên lão gia tử mới có thể coi là hoàn thành tang lễ.
Tất nhiên, tang lễ còn có một việc quan trọng khác, đó là phất cờ trước lúc động quan. Trong chuyện của dân gian, phất cờ trước lúc động quan và ném bồn tang là việc để gửi người đã chết đi, bởi vậy có thể thấy được tầm quan trọng của người làm việc này. Đưa Liên lão gia tử đi, Liên Thủ Nhân đã phất cờ trước lúc động quan rồi, mà việc ném bồn tang được giao cho Liên Thủ Lễ.
Liên Thủ Lễ có thể được ném bồn tang nhờ rất nhiều vào Liên Thủ Tín. Vốn chuyện này giao cho Liên Thủ Nghĩa nhưng mấy ngày qua Liên Thủ Nghĩa chột dạ, nói chuyện luôn cẩn thận, vì vậy cũng không dám cẩn thận tranh luận.
Mà sở dĩ Liên Thủ Tín ủng hộ Liên Thủ Lễ ném bồn tang là do hắn biết rõ tâm bệnh của Liên Thủ Lễ, hi vọng có thể qua chuyện này mà khiến cho Liên Thủ Lễ có thể đứng thẳng lưng ở Liên gia, sau này cũng có quyền nói chuyện. Đối với việc mình có thể ném bồn tang cho Liên lão gia tử, Liên Thủ Lễ rất hoảng hốt, cho tới bây giờ hắn cũng không dám nghĩ hắn có thể được làm việc này. Mới đầu mọi người bàn bạc, để cho hắn ném bồn tang, hắn còn từ chối mấy câu. Nhưng lúc nhìn bồn tang, thần sắc của hắn khó nén được kích động, không khó suy đoán suy nghĩ thật sự trong lòng hắn.
Hiện tại đã đến lúc ném bồn tang rồi. Liên Thủ Lễ chưa đứng lên mà nhìn quanh một chút, giống như xác nhận lại lần nữa là mọi người để cho hắn ném bồn tang.
“Tam ca, nhanh lên đi.” Ngô Ngọc Quý ở cạnh nhìn thấy, âm thầm lắc đầu nhưng vẫn mở miệng thúc giục hắn.
Lúc này Liên Thủ Lễ mới đứng lên, ôm bồn tang dè dặt đi hai bước về phía mộ phần.
“Cái, cái này có được không?” Liên Thủ Lễ hỏi người tiếp khách và lão nhân trong thôn ở bên cạnh.
“Được, được.” Một lão nhân gật đầu nói.
Lúc này Liên Thủ Lễ mới giơ bồn tang lên, ném xuống đất. Bồn tang này phải ném vỡ càng vụn mới càng may mắn. Không biết có phải do Liên Thủ Lễ quá khẩn trương hay là bồn tang này quá bền chắc mà bồn tang rơi xuống đất, chỉ lăn hai vòng, một vết nứt cũng không có.
Đầu Liên Thủ Lễ toát mồ hôi.
“Cái này, cái này….” Liên Thủ Lễ lắp bắp.
“Chuyện hay xảy ra, Tam ca, huynh ném lại đi.” Có người hảo tâm bên cạnh chỉ điểm.
Liên Thủ Lễ do do dự dự cúi người xuống, hắn còn chưa kịp nhấc bồn tang lên lần nữa thì không hiểu tại sao Liên Thủ Nghĩa lại xông tới trước mặt, cướp lấy bồn tang.
“Để ta ném, bảo đảm một lần là được.” Liên Thủ Nghĩa nói, cũng không đợi Liên Thủ Lễ kịp phản ứng đã giơ cao bồn tang lên, dùng sức ném xuống đất.
Theo tiếng vỡ, bồn tang vỡ thành mấy khối.
Liên Thủ Lễ ngơ ngác sững sờ đứng đó, Liên Thủ Nghĩa nhìn thoáng qua Liên Thủ Tín, lại lui lại, một lần nữa quỳ xuống tiếp tục gào khóc.
Vòng hoa và ghim giấy hóa thành bụi bay lên, Liên lão gia tử coi như đã bình an chôn cất, lúc này đám người Liên Mạn Nhi mới đứng dậy, lục tục quay về. Tất cả mọi người xuống tới chân núi rồi, Liên Thủ Lễ vẫn chưa đi theo.
“Cha phải về trước, còn có việc cần lo liệu. Gia Hưng, con lên đỡ Tam bá của con xuống đi.” Ngô Ngọc Quý dặn dò Ngô Gia Hưng hai câu rồi vội vã cùng Ngô Ngọc Xương xuống nói.
Bồn tang bị Liên Thủ Nghĩa cướp đi đập, Liên Thủ Lễ vẫn ngơ ngác. Tất cả mọi người đều xuống núi, chỉ có hắn là không đi, cúi đầu đứng trước mộ Liên lão gia tử. Hắn đang khóc, nhưng không gào khóc giống Liên Thủ Nghĩa, Liên Thủ Lễ đang khóc trong im lặng.
Triệu thị và Liên Diệp Nhi đều ở lại cùng Liên Thủ Lễ.
Chuyện Liên Thủ Nghĩa đoạt bồn tang nằm ngoài dự tính của tất cả mọi người. Khi đó tất cả mọi người đang quỳ khóc, rất nhiều người thậm chí không thấy tận mắt, sau đó mới được biết. Lúc ấy Liên Thủ Tín nhìn thấy nhưng lại không kịp ngăn cản. Mà sau khi chuyện xảy ra, dù trong lòng Liên Thủ Tín tức giận thì cũng không thể phát tác, chỉ có thể tạm thời bỏ qua.
“Chuyện này ồn ào đây…” Ngô Vương thị đi cạnh mẹ con Trương thị, Liên Mạn Nhi, lắc đầu thở dài.
“Tam bá của bọn nhỏ là người tốt.” Trương thị than thở, “Ta nghe cha bọn nhỏ nói, lúc Tam bá của bọn nhỏ còn bé chẳng bao giờ tranh đoạt được cái gì, chao ôi…”
Nghe nói khi còn bé, Liên Thủ Nghĩa thường cướp đoạt đồ ăn của Liên Thủ Lễ và Liên Thủ Tín.
Liên Mạn Nhi biếp chuyện đã xảy ra cũng chỉ im lặng. Nàng nhớ tới kiếp trước có câu danh ngôn: tính cách quyết định vận mệnh.
Tính cách của Liên Thủ Lễ khiến cho việc không có con trai thành bệnh thâm căn cố đế trong lòng hắn. Bởi vì bệnh khó chữa mà khiến hắn luôn thiếu tự tin, hoàn cảnh ngày hôm nay chính là do loại thiếu hụt tự tin này, khiến cho hắn bỏ lỡ cơ hội.
Mất đi cơ hội này, cũng là mất đi một liều thuốc hay chữa trị tâm bệnh của hắn. Không có liều thuốc này, tâm bệnh của hắn không thể giảm bớt. Mà tâm bệnh này còn tiếp tục gây ảnh hưởng tiêu cực tới tính cách của hắn.
Thành bệnh ác tính, khó chữa.
Cầu người không bằng cầu mình, Liên Thủ Lễ rúc vào sừng trâu không chịu ra, người khác dù có tốn bao nhiêu công sức cũng là uổng công.
Mấy người Liên Mạn Nhi trở về nhà cũ, mâm cơm đã được dọn ra, mọi người đều ngồi vào vị trí của mình. Mâm cơm này là bữa cơm cuối cùng của lễ tang. Vào buổi sáng này đưa tang này, người nông dân không chuẩn bị bàn tiệc, chỉ chuẩn bị cơm và đậu phụ. Nhưng Liên Thủ Tín cảm thấy mấy ngày qua, thân thích bằng hữu, hàng xóm láng giềng đều bỏ rất nhiều công sức nên lễ tang của Liên lão gia tử mới có thể tiến hành thuận lợi như vậy. Vì vậy dù không học theo quan lại hay đại địa chủ làm bàn tiệc nhưng cũng không chịu chỉ dùng một bát to đậu phụ đã đuổi người ta đi.
Mâm cơm ngày hôm nay có tám món ăn, chay mặn đều có. Món ăn không cần tinh xảo nhưng cố gắng đạt tới “giàu lợi ích”.
Hôm nay có rất nhiều người tới đưa tang, ngay cả Đông thượng phòng cũng có vài bàn, trong đó có một bàn là Chu thị, Đại Chu thị và Tiểu Chu thị ngồi, vợ Ngô Ngọc Xương, Nhị Nha, Thương Bảo Dung đều ngồi ở bàn này.
Chu thị cũng không đi đưa ma mà ở lại nhà, Đại Chu thị và Tiểu Chu thị vẫn ở bên cạnh bà.
Liên Mạn Nhi vẫn ngồi cùng Trương thị, Lý thị, Ngô Vương thị tại Tây sương phòng như cũ.