Mục lục
Việt Cơ
Thiết lập
Thiết lập
Kích cỡ :
A-
18px
A+
Màu nền :
  • Màu nền:
  • Font chữ:
  • Chiều cao dòng:
  • Kích Cỡ Chữ:

Chớp mắt, năm mới đã đến.

Hôm nay là trừ tịch (ngày giao thừa), từ xưa đến nay năm mới là ngày lễ quan trọng nhất trong tất cả các ngày lễ.

Vệ Lạc được Ân Duẫn đánh thức từ lúc sương mù vừa tan, nắng sớm vừa lên.

Nàng mặc trường bào màu tím nhạt mới may, búi tóc theo kiểu thịnh hành đương thời. Kiểu tóc này có chút giống với đời sau, tóc dài buông xõa, chỉ có một dải lụa buộc trên trán. Tuy nhiên, Việt nữ khác với những nữ nhân khác, họ thích tô son đỏ và vẽ than đen lên hai má. Khuôn mặt được tô vẽ hai màu này, cộng thêm son môi, cả người toát lên một vẻ uy nghiêm.

Mà uy nghiêm, là điều mà người Sở ưa chuộng yêu thích.

Vệ Lạc vừa ra khỏi cửa, nghĩ nghĩ, rồi lại quay vào phòng trang điểm cho bình thường một chút, sau đó mới đi ra.

Khi nàng ra ngoài, Kiếm Cữu và Ân Duẫn đều mặc thường phục mới may, quỳ trước cửa lớn gần đường phố. Trước mặt hai người, có ba chiếc bàn lớn ghép lại thành một bàn thờ. Trên bàn bày biện cơm canh mới mẻ, nóng hổi, cùng với bốn chung rượu. Bên cạnh cơm là một cái đầu dê, đầu trâu, đầu ngựa đã được nướng chín! Ba thứ này, người đương thời gọi là tam sinh. Ngoài ra còn có thịt nai, thịt thỏ, canh gà, cơm gạo, táo, hạt dẻ, bánh trắng.

Vệ Lạc nhìn những cái đầu trâu, đầu ngựa với vẻ nghi hoặc, đặc biệt là đầu ngựa. Nàng nhận ra đây là một con ngựa hai tuổi với bộ lông đen tuyền và đuôi màu đỏ.

Theo nàng biết, người bình thường không thể cúng tế những thứ này, nhiều nhất cũng chỉ là cúng một cái đầu dê. Trâu còn không tính là gì, nhưng đầu ngựa là vật phẩm cực kỳ sang trọng và quý giá.

Đối với người hiểu biết, đây đã là một lễ vật hiến tế rất tôn quý.

Vệ Lạc bước đến sau lưng hai người. Nàng khẽ nghiêng người, quỳ xuống bên dưới Ân Duẫn.

Sáng nay có chút sương mù, không khí trên trời rất lạnh, chỉ thiếu không có tuyết rơi.

Khoảng một khắc sau, một hồi trống vang lên từ phía đường chính. Tiếng trống càng lúc càng gần, xen lẫn tiếng đàn sắt và các nhạc cụ khác.

Lại một khắc nữa, một đoàn người trung niên đi giày rơm, đội mũ tre, trán và hai má được vẽ những hình thù kỳ lạ bằng son đỏ và mực đen, do một ông lão dẫn đầu đã đến nơi.

Hai bên đoàn người là một đội nhạc công, với các nhạc cụ như chuông, khánh, đàn cầm, đàn sắt, sáo phượng, sáo rồng, sanh, huân. Âm nhạc vừa trang nghiêm, vừa có chút vui tươi, Vệ Lạc nhận ra đó là khúc 《 Chiêu Bình 》.

Điều khiến Vệ Lạc tò mò là, trong tiếng nhạc có tiếng trống.

Vệ Lạc biết rằng trống vào thời đại này là nhạc cụ cao quý, chỉ có vua chúa mới được sử dụng. Dù lúc Sở Hùng* lên ngôi bá chủ, khiến lễ nhạc không còn quá khắt khe như trước, nhưng tiếng trống vẫn rất hiếm khi được nghe thấy trong dân gian.

(*: vương thất nước Sở họ Hùng, nên gọi là Sở Hùng, giống như gọi Tề Khương vậy)

Có lẽ hôm nay là lễ tế năm mới, nên mọi thứ đều khác biệt.

Ba tiếng trống vang lên, ông lão dẫn đầu giơ tay ra hiệu cho mọi người dừng lại, rồi nhanh chóng bước đến trước mặt ba người.

Ông ấy đến trước mặt Ân Duẫn, lùi lại ba bước, quỳ xuống, hướng về phía tam sinh trên bàn, hai tay đưa ra rồi hạ xuống, trán chạm đất.

Ông lão hành lễ ba lần, hành lễ xong, ông lão không đứng dậy mà chỉ quỳ thẳng lưng.

Ân Duẫn và Vệ Lạc cũng quỳ thẳng dậy.

Ông lão nhìn chằm chằm Ân Duẫn đang quỳ ở giữa, nghiêm nghị hỏi: "Tổ tiên của quân là ai, mà lại dùng đầu ngựa để cúng tế?"

Ân Duẫn nghiêm trang nhìn ông ấy, cao giọng trả lời: "Tổ tiên ta là Thương Khế!"

Lời vừa dứt, mọi người đồng loạt lùi lại. Kể cả những nhạc công đang thổi sáo huân, tất cả đều đồng loạt cúi người hành lễ với Ân Duẫn!

Thương Khế là vị vua khai quốc của nhà Thương. Không ngờ Ân Duẫn lại là con cháu chính thống của dòng tộc Ân.

Ông lão nghe xong câu trả lời của Ân Duẫn, hai tay đưa ra, lại một lần nữa cúi đầu lạy.

Lần này ông lão hành lễ với chính Ân Duẫn, còn Ân Duẫn lúc này ngồi thẳng lưng, đường hoàng nhận lễ.

Vệ Lạc không biết, ông lão này là bà con xa của Chu thất, thân phận rất cao quý, có thể khiến ông ấy hành đại lễ như vậy, chỉ có vài vị vua chúa thượng cổ, và hậu duệ chính thống của nhà Hạ - Thương.

Sau khi hành đại lễ, ông lão ngồi thẳng thân mình, trong tiếng nhạc 《 Chiêu Bình 》lại hỏi lần nữa: "Quân có con chưa?"

Lời vừa dứt, mặt Ân Duẫn lộ vẻ xấu hổ.

Hắn lùi lại hai bước, cúi đầu nói: "Không!"

"Sao có thể không có con? Thê tử của quân đâu?"

Ông lão dồn dập hỏi hai câu, Ân Duẫn chỉ cúi gằm mặt xuống đất, xấu hổ không dám ngẩng đầu.

Ông lão cũng không hỏi thêm, quay sang Kiếm Cữu, hỏi: "Tổ tiên của quân là ai?"

Kiếm Cữu rời khỏi sập, lùi lại hai bước, hai tay đưa ra cung kính hành đại lễ với ông lão, nghiêm trang nói: "Ta là cô nhi, không biết ai là tổ tiên, ai là cha mẹ!"

Ông lão thở dài, không nói gì thêm. Ông ấy chậm rãi lùi lại, đứng lên bưng một chung rượu tế trên bàn, cất lên một bài ca dài.

Bài ca của ông lão đơn điệu và cổ quái, toàn bộ được tạo thành từ những âm tiết đơn lẻ. Vệ Lạc nghe ra dường như là: "ngày tốt hề thần lương, mục đem du hề thượng hoàng. Vỗ trường kiếm hề ngọc nhị, cầu keng minh hề ngọc đẹp. Dao tịch hề ngọc thiến, hạp đem đem hề quỳnh phương. Huệ hào chưng hề lan tạ, điện quế rượu hề ớt tương." (1)

Bài ca này đơn điệu và cổ quái, rất có âm hưởng của dân ca Sở. Khác hẳn với những bài ca Vệ Lạc từng nghe ở Tề - Tấn.

Hát xong, ông lão xoay người rời đi. Mọi người cũng xoay người đi theo, tiếng nhạc càng lúc càng xa.

Bóng họ vừa khuất khỏi tầm mắt, Ân Duẫn cùng Kiếm Cữu liền đứng dậy, bê mâm cúng tế nhanh chóng đi vào trong sân.

Vệ Lạc đi theo sau họ, tay áo buông thõng không giúp đỡ. Bởi vì nàng là phụ nhân, không có tư cách chạm vào những đồ cúng tế này.

Đồ cúng vừa được dọn vào là có thể dùng được. Ba cái đầu con vật lớn, cùng với rượu thịt còn lại, đủ cho ba người ăn một bữa no nê.

Đêm xuống, trong thành đèn đuốc sáng trưng, khói lửa nghi ngút suốt đêm. Người Việt tụ tập bên cạnh tế đàn đánh trống suốt đêm. Trong tiếng trống, có không ít thầy vu được mọi người khiêng trên ghế tre đi du hành khắp nơi.

Thầy vu ngồi trên vai người vừa đi vừa hát, chúng kiếm khách du hiệp phía dưới nghe tiếng hát của thầy vu, đồng loạt rút trường kiếm, tay vỗ vào thân kiếm, chân bước theo vũ điệu hát theo thầy vu.

Ngày hôm sau, Vệ Lạc thức dậy từ lúc trời chưa sáng.

Hôm nay là mùng một Tết. Tiếng trống đêm qua là để xua đuổi tà ma, còn sáng nay, người dân sẽ đón những điều mới mẻ, may mắn.

Trời vừa hửng sáng, Vệ Lạc rửa mặt chải đầu, vẫn giữ dung mạo bình thường để che giấu nhan sắc thật, cùng Ân Duẫn và Kiếm Cữu đi về phía sông Tư Hà ở hướng thành Nam.

Khi họ đến nơi, hai bên bờ sông đã quỳ đầy người.

Ân Duẫn thân phận cao quý, nên dẫn hai người đi thẳng lên phía trước quỳ xuống.

Họ vừa quỳ xuống, một hồi trống đã vang lên từ xa.

Vệ Lạc ngẩng đầu nhìn, thấy những chiếc thuyền gỗ tạo thành một hàng dài xuất hiện từ giữa sông. Thuyền được chia thành hai đội, một đội ở bờ bên kia, một đội ở bờ bên này. Mỗi đội có 49 chiếc thuyền.

Trên mỗi chiếc thuyền có chín tráng sĩ. Hai người chèo thuyền, hai người ở phía trước, hai người ở phía sau, ba người ở giữa vây quanh một trúc lâu. Trong trúc lâu là những con cá lớn đang tung tăng nhảy múa.

Tiếng trống và tiếng nhạc vang lên từ hai bên bờ sông.

Những chiếc thuyền tiến về phía ba người Vệ Lạc. Khi đến gần, một tráng sĩ vớt lên một con cá, tay phải vung lên.

"Bộp" một tiếng, con cá rơi xuống trước mặt Ân Duẫn. Tiếp theo, lại một tiếng "bộp" nhẹ, một con cá khác rơi xuống trước mặt Kiếm Cữu.

Tuy nhiên, không có phần của Vệ Lạc, không chỉ nàng, tất cả nữ nhân đều không có phần.

Kiếm Cữu và Ân Duẫn cùng lúc nhặt con cá dưới đất lên, đứng dậy. Xoay người đi về hướng nhà mình.

Vệ Lạc ngẩn người, chẳng lẽ dậy sớm như vậy chỉ để nhận một con cá?

Nàng không muốn để lộ sự thiếu hiểu biết của mình, nên đi theo hai người về nhà.

Vừa ra đến đường lớn, Vệ Lạc đã thấy phía trước một đại hán lực lưỡng trần trùng trục, quấn khố bằng cỏ, tay cầm dao đang múa quanh một con bò đực to khỏe. Con bò này rất kỳ lạ, nó không bị trói, cũng không bị xỏ mũi. Nó đứng giữa đường nhưng lại không hề nhúc nhích, mắt rõ ràng có thần, nhưng lại bất động, rất yên tĩnh.

Xung quanh đại hán có vài chục nữ nhân vây quanh. Dần dần, càng ngày càng có nhiều nữ nhân tụ tập, Vệ Lạc thấy những nữ nhân xung quanh mình đều tiến về phía đại hán lực lưỡng kia, không khỏi ngạc nhiên.

Nàng quay đầu lại, thấy Kiếm Cữu đưa cho nàng một chiếc bát gốm, cười nói: "Năm nay có phụ nhân, đón xuân không sợ."

Vệ Lạc ngơ ngác nhận lấy chiếc bát gốm, đi theo những nữ nhân khác đến bên cạnh đại hán lực lưỡng.

Nàng lén nhìn, thấy Kiếm Cữu và Ân Duẫn, cũng như những nam nhân khác, đều đứng cách đó rất xa.

Đúng lúc này, đại hán lực lưỡng đang múa quanh con bò, đột nhiên ngửa đầu hét lớn!

Tiếng hét vừa dứt, tất cả nữ nhân đồng loạt quỳ xuống.

Vệ Lạc vội vàng quỳ theo.

Nàng vừa quỳ xuống, đại hán kia đã hành động.

Con dao trong tay hắn ta vung lên, "vèo" một tiếng đâm vào tim con bò, rồi "vèo" một tiếng rút ra. Trong nháy mắt, trên ngực con bò vẫn bất động xuất hiện một vết thương cực mỏng, cực nhỏ.

Tuy chỉ là một vết thương nhỏ, nhưng máu vẫn phun ra ào ạt. Một phụ nhân ăn mặc sang trọng quý giá bước ra phía trước, dùng chiếc bát gốm trong tay hứng lấy máu từ vết thương của con bò.

Phụ nhân đó vừa lui xuống, Vệ Lạc nhận thấy vài ánh mắt đều đổ dồn về phía mình.

Chẳng lẽ đến lượt nàng? Đúng rồi, đây là xếp theo thứ tự địa vị. Cách ăn mặc của nàng rõ ràng sang trọng hơn những nữ nhân khác.

Vệ Lạc bước tới đưa chiếc bát gốm ra hứng máu từ vết thương của con bò, sau khi hứng được một ít liền lùi xuống.

Khi nàng cầm chiếc bát gốm quay lại chỗ Ân Duẫn và Kiếm Cữu, Ân Duẫn đưa tay ra nhận lấy, ngửa đầu uống một ngụm máu bò tươi.

Sau đó, hắn đưa chiếc bát cho Kiếm Cữu. Kiếm Cữu cũng ngửa đầu uống hết số máu bò còn lại.

Uống xong máu bò, hai người không rời đi ngay.

Trong lúc Vệ Lạc còn đang bối rối mờ mịt, những nữ nhân khác đều lần lượt hứng máu bò, rồi lùi lại phía sau.

Đại hán lực lưỡng lại tiến đến bên con bò.

"Vèo" một tiếng, con dao của hắn ta lại đâm vào vết thương cũ.

Lần này Vệ Lạc chỉ thấy đại hán đi xung quanh con bò. Với nhãn lực của mình, nàng có thể thấy con dao của hắn ta vẫn luôn lóc thịt bên trong cơ thể con bò. Trong quá trình này, mắt con bò càng lúc càng mờ đi, cuối cùng hoàn toàn mất đi ánh sáng. Nhưng từ đầu đến cuối, nó không hề động đậy hay kêu r3n một tiếng.

Khi nhát dao cuối cùng hạ xuống, chỉ nghe thấy tiếng "bụp", tất cả thịt của con bò như bị gió xé toạc, rơi xuống.

Đại hán này quả là cao thủ, thịt bò vừa rơi xuống, hắn ta đã vung dao lên, từng miếng thịt bò bay tứ tung, trong đó một miếng thịt bò lớn bay thẳng vào bát gốm của Ân Duẫn, nằm gọn trên đó.

Chỉ trong chớp mắt, con bò vừa nãy còn sống, giờ chỉ còn lại bộ xương hoàn chỉnh!

Kỹ năng mổ bò này thật phi thường.

Trong lúc Vệ Lạc thầm nghĩ, Ân Duẫn và những người khác đồng loạt cúi đầu hành lễ với đại hán lực lưỡng.

Hành lễ xong, mọi người bắt đầu giải tán. Đại hán mổ bò vác bộ xương bò hoàn chỉnh trên vai, đắc ý trở về nhà.

Trên đường đi, không chỉ có một đại hán như vậy, Vệ Lạc đi qua vài con phố, đã thấy vài người mổ bò tương tự. Tuy nhiên trong số họ, cũng có người làm rơi thịt bò xuống đất, dính đầy bùn đất, thậm chí có người sau khi mổ bò, xương cốt lộn xộn vỡ vụn đầy đất. Vệ Lạc thấy những người này thường cúi đầu, vẻ mặt thất vọng. Những người dân vây quanh nhận thịt cũng không cúi đầu cảm tạ những người thất bại này.

Ba người trở về nhà, Kiếm Cữu cười hì hì quay lại nhìn Vệ Lạc: "Phụ nhân, nghi lễ cúng tế đầu năm đã xong, sao không rủ sư huynh cùng ra phố dạo chơi?"

********

(1): Giải nghĩa (nếu dịch có sai sót mọi người nói mình nhé, thật sự văn phong Lâm Gia Thành khó quá khó luôn ấy):

Ngày tốt hề thần lương: Ngày đẹp trời quang mây tạnh, thời tiết mát mẻ dễ chịu.

Mục đem du hề thượng hoàng: Chiều tối đi dạo chơi ngắm cảnh hoàng hôn.

Vỗ trường kiếm hề ngọc nhị: Tay vuốt trường kiếm có chuôi ngọc.

Cầu keng minh hề ngọc đẹp: Tiếng kiếm kêu vang như tiếng chuông ngọc trong trẻo.

Dao tịch hề ngọc thiến: Mài thanh kiếm sắc bén như ngọc đẹp.

Hạp đem đem hề quỳnh phương: Nâng chén rượu quỳnh phương uống cạn.

Huệ hào chưng hề lan tạ: Món ăn thịnh soạn thơm ngon với hào hấp và thịt nai nướng.

Điện quế rượu hề ớt tương: Trong cung điện, rượu quế thơm nồng cùng với ớt tương.

Tổng thể của bài ca là miêu tả cảnh tượng vui hưởng cuộc sống xa hoa, phong lưu của bậc tao nhân mặc khách.

Danh Sách Chương:

Bạn đang đọc truyện trên website TruyenOnl.COM
BÌNH LUẬN THÀNH VIÊN
BÌNH LUẬN FACEBOOK