Lúc trước do một số lý do cá nhân trong đó quan trọng nhất là không nhá nổi tư tưởng Đại Háng xuất hiện trong chương 4 nên mình ngừng dịch. Dạo này nghe nói truyện đã hơn 100c, và từ nhận xét của 1 số bạn đã đọc CV rằng tư tưởng làm mình ghét ấy hóa ra không xuất hiện, nên quyết định quay lại. Bận công việc và dịch solo nên tốc độ không nhanh lắm, chỉ đảm bảo 1c/ ngày thôi
QC:Phía nam Vị Thành có một khe nước nhỏ tới mức không đáng gọi là suối, cạnh con "suối" ấy là một ngọn núi "to" không hơn mô đất là bao, và nằm ngay sát chân núi là một căn nhà cỏ bé xíu. Ban đêm, mây mưa đã tan, bầu trời quang đãng, ánh sao lấp lánh trên cao rọi xuống khe suối, ánh lên sườn núi, nhà tranh, làm cảnh vật trở lên vô cùng lung linh huyền ảo.
Ninh Khuyết chậm rãi lê bước dưới ánh sao, nhìn căn nhà mà hắn và Tang Tang đã sống rất lâu rồi, đôi chân bất giác lại càng thêm nặng nề. Nhưng đã quyết định sẽ ra đi, thì dẫu có chậm hay nhanh cũng đâu thể thay đổi? Hắn đưa tay đẩy cái hàng rào họa may ngăn được chó chứ không ngăn nổi người, bước tới khe cửa có ánh đèn leo lét hắt ra rồi đưa tay lên che miệng, ho khan mấy tiếng, nói:
- Chuyển tới đô thành liệu có được không?
Tiếng kẽo kẹt của bản lề cánh cửa vang lên xé toạc màn đêm yên tĩnh.
Cô thị nữ nhỏ Tang Tang ngồi xổm dưới đất, đưa cánh tay ra giữ lấy cánh cửa cho khỏi kêu, ánh đèn in bóng nàng xuống mặt đất dài thăm thẳm. Nàng đáp:
- Chẳng phải ngươi vẫn muốn đi Trường An sao? À phải rồi, Ninh Khuyết, chừng nào ngươi tới hỏa khí doanh lấy ít dầu mỡ về được không? Cái cửa này kêu đã mấy tháng nay rồi, thật là khó chịu.
- Giờ còn ai dùng hỏa thương nữa chứ, nếu cần dầu mỡ thì ngày mai ta sẽ tới chỗ quân nhu hỏi thử xem... - Ninh Khuyết vô thức mở miệng đáp, rồi chợt nhớ ra, hắn hỏi: - Ô kìa, hình như ta đâu phải muốn bàn với ngươi về chuyện này, mà nếu đã quyết định sẽ đi thì cái cửa có kêu hay không quan tâm làm quái gì?
Tang Tang chống tay vào đầu gối đứng dậy, thân hình mảnh dẻ dưới cái lạnh của cơn gió đêm mùa xuân trông càng gầy gò, nàng nhìn Ninh Khuyết một cách chăm chú rồi bình thản trả lời:
- Dẫu chúng ta có đi thì người khác sẽ đến ở, họ cũng phải mở cửa đóng cửa chứ.
Sau khi hắn và nàng ra đi, chẳng lẽ cũng có người chịu đến ở cái nhà rách nát nơi khỉ ho cò không thèm gáy này ư? Ninh Khuyết lặng lẽ nghĩ, chẳng hiểu tại sao một tâm trạng không tên bỗng ùa về, hắn thở dài rồi lách qua người Tang Tang bước vào, nhỏ giọng nói:
- Tối nay chuẩn bị hành lý một chút.
Tang Tang đưa tay vén mấy sợi tóc vương trên má, nhìn bóng lưng hắn, hỏi:
- Ninh Khuyết, ta vẫn không hiểu nổi tại sao ngươi lại hứng thú với chuyện kia như vậy?
- Không ai có thể bỏ qua cơ hội làm cho mình mạnh mẽ hơn, hơn nữa chuyện này đối với ta quả thật hết sức hấp dẫn.
Ninh Khuyết biết cô thị nữ nhỏ này đoán được tâm tư của mình, hắn nhìn vào khuôn mặt ngăm ngăm đen, nhướng mày nói:
- Chúng ta không thể chết gí cả đời ở Vị Thành này được, thế giới ngoài kia vô cùng rộng lớn, bên cạnh đế quốc còn rất nhiều quốc gia khác, chúng ta phải đến tất cả những nơi đó xem, mà đã đi dẫu ít dẫu nhiều cũng phải có tiền, thăng chức nhanh chóng là một cách hay, nên đi Trường An tốt hơn rất nhiều so với ở đây. Do đó, lần này ta nhất định phải thi được vào thư viện.
Trên mặt Tang Tang lại lộ vẻ đăm chiêu. Do tuổi còn khá nhỏ nên mặt mày cô thị nữ này vẫn chưa có nhiều đường nét, hoặc cũng có thể bởi chốn biên thành quá nhiều cát bụi khiến mặt nàng hơi ngăm đen và thô ráp, cộng với cuộc sống khó khăn ăn uống thiếu dưỡng chất, đừng nói là xinh đẹp, ngay cả dễ nhìn có khi còn không được.
Nhưng nàng lại có một đôi mắt, một đôi mắt đặc biệt, thon dài như lá liễu, sáng và trong như được tạc ra từ khối băng vạn năm, cực kì sinh động có thần, tựa như không phải đôi mắt của một cô thị nữ mười một mười hai tuổi xuất thân khốn khổ mà của thiếu nữ trưởng thành hiểu thấu tình đời, không gì không biết. Vẻ tương phản mãnh liệt giữa tuổi đời và ánh mắt khiến nàng trông nghiêm nghị lạnh lẽo khác thường.
Ninh Khuyết biết tỏng mấy cái biểu hiện này toàn là hàng giả. Trong mắt hắn, cô nàng Tang Tang là một đứa nhóc lười nghĩ vô tâm điển hình, hai người sống nương tựa vào nhau đã bao nhiêu năm, do nàng có thói quen làm việc và hành động dựa theo suy nghĩ của hắn nên càng ngày càng ít chịu suy ngẫm, bởi ít chịu suy ngẫm nên ngày càng đần, và để che dấu cái đần của mình nàng ít khi chịu mở miệng, biến thành người kiệm lời, kết quả cuối cùng là tạo ra cái vẻ lạnh lùng thành thục đầy quái dị như bây giờ.
"Không phải đần, ngốc thì đúng hơn." - Chợt nghĩ đến chuyện nào đó, trong lòng Ninh Khuyết âm thầm sửa lại cách dùng từ.
Im lặng một lúc lâu, Tang Tang bỗng ngẩng đầu, cắn cắn môi, lộ vẻ hoang mang hiếm hoi:
- Nghe nói... Trường An rất lớn, có rất nhiều người.
- Đô thành tất nhiên là vô cùng phồn hoa, hình như vào năm Thiên Khải thứ ba dân số đã hơn một trăm vạn, hơn nữa chi phí sinh hoạt cực kì đắt đỏ. Ôi, sống ở Trường An, cái gì cũng lớn cũng nhiều hết.
Ninh Khuyết thở dài cảm thán, chợt thấy vẻ mặt căng thẳng của cô thị nữ nhỏ, hắn cười thoải mái, nói:
- Nhiều người thì cũng chẳng có gì đáng sợ hết, ngươi cứ coi Trường An như một Vị Thành phóng lớn là được rồi, chuyện giao tiếp với người ngoài đã có ta lo, ngươi cứ quản việc nhà là ổn, e rằng ngươi cũng ít có cơ hội bước chân ra khỏi cửa.
- Ở đô thành tiền mua gạo thịt rau cỏ trong một tháng độ mất bao nhiêu?
Đôi mắt lá liễu của Tang Tang mở lớn, hai bàn tay nhỏ bé siết chặt lấy vạt áo, lo lắng nói:
- Liệu có vượt quá bốn lượng bạc hay không? Như vậy thật quá nhiều so với Vị Thành rồi.
- Nếu thi được vào thư viện, kiểu gì ngươi cũng phải xuất ít tiền để sắm cho ta bộ đồ mới. Hơn nữa nếu có khách ví như bạn học gì đó đến nhà chơi, chẳng may vị tiên sinh đó nhìn trúng thiếu gia ta, lại mở lời mời ta đến nhà họ chơi thì không thể không đi, mặc đồ cũ đi coi sao được. Theo như ta tính rẻ lắm cũng phải cần cỡ mười lượng bạc.
Ninh Khuyết nhíu mày đáp, thực ra hắn đang hoàn toàn ăn ốc nói mò, giống như trong một câu chuyện cười nổi tiếng lưu truyền ở vùng Hà Tây: mấy bà nông dân trong lúc rỗi rãi nghỉ ngơi trên cánh đồng đoán với nhau rằng phải chăng Đông Cung nương nương đang nướng thịt, Tây Cung nương nương đang ngồi bóc hành, thịt xếp như biển, hành chất như núi.
Đối với đám học sinh trong thư viện mà nói, mười lạng bạc chẳng qua chỉ là một bàn rượu bé xíu.
Nhưng cái câu trả lời đầy tính phỏng đoán này rõ ràng đã vượt qua ngưỡng giới hạn chịu đựng tâm lý của cô thị nữ nhỏ, nàng nhăn mày nhìn hắn, kiến nghị:
- Ninh Khuyết, thôi chúng ta không tới Trường An nữa, ngươi cũng đừng thi vào thư viện, nhé? Đắt quá.
- Chẳng có kiến thức gì cả. - Ninh Khuyết bật cười mắng - Tốt nghiệp thư viện ra ngoài chắc chắn có thể làm quan, đến lúc đó dẫu chúng ta có tiêu mỗi tháng mười lượng bạc chẳng lẽ ta không kiếm nổi? Lại nói Trường An có gì là không tốt, son phấn của hiệu Trần Cẩm chắc không ít đâu.
Dường như mấy chữ son phấn đã đánh đúng vào chỗ hiểm của cô thị nữ, nàng mím chặt môi, rõ ràng đang rơi vào cuộc đấu tranh tư tưởng kịch liệt, mãi một lúc lâu sau mới đáp bằng một giọng nhỏ như muỗi kêu:
- Thế nhưng trong mấy năm ngươi học trong thư viện thì phải làm sao? Con mắt của người Trường An chắc chắn rất cao, đồ nữ công ta làm ra sao mà bán được?
- Đây quả là chuyện rắc rối, nghe nói không được tự do săn bắn quanh thành Trường An, rừng núi nơi đó toàn thuộc về tư nhân lão hoàng đế... Chúng ta còn tổng cộng bao nhiêu tiền?
Chủ tớ hai người liếc nhau một cái rồi cực kì ăn ý đưa tay nhấc ván giường lên, lấy ra hộp gỗ mỏng được giấu rất kĩ trong góc sâu nhất. Trong hộp chỉ có ít bạc vụn bằng cỡ lóng tay cùng một thỏi bạc lớn duy nhất nằm chính giữa hộp.
Nhìn đám bạc vụn rõ ràng đã nằm trong hộp từ lâu lắm rồi, hai người cũng không có ý đếm lại, Tang Tang nói nhỏ:
- Từ trước đến giờ cứ năm ngày vẫn đếm một lần, buổi tối ngày hôm kia đã đếm rồi, bảy mươi sáu lượng lẻ ba tiền bốn phân.
- Xem ra sau khi đến Trường An phải liều mạng kiếm thêm ít tiền nữa rồi. - Ninh Khuyết nghiêm túc nói.
- Ừ, ta sẽ tranh thủ nâng cao tay nghề nữ công của mình lên. - Tang Tang cũng nghiêm túc đáp lại.